Chương 11


Chương 7

Lam gác điện thoại và ngồi thừ ra trên ghế. Đây là cú điện thoại thường xuyên mỗi tuần một lần của ba mẹ gọi cho cô để thăm hỏi, dặn dò. Lần nào cô cũng trả lời: “Tốt, không có chi”. Hôm nay Lam định buột miệng nhiều chuyện về dượng Lộc nhưng ngẫm lại, Lam chả hiểu nói với mẹ, bà có giải quyết được gì cho hạnh phúc gia đình của dì Thư không, hay bà lại thêm lo lắng vì thương chị mình nên cô lại im lặng. Dù sao không lúp xúp vẫn hay hơn. Lam thở dài bước ra sân, khu vườn bé tẹo của cô hôm nay trông thật mát mắt. Mưa đã làm cây lá mượt mà xanh tốt. Lam ngắt một nụ hoàng cúc rồi xoay xoay đóa hoa trong tay.
Hôm nay cả nhà đều đi vắng, Lam cứ ra vào và mong ngóng mãi.
Chị Trâm Anh sau buổi tối đáng nhớ ấy đã trở lại bình thường với sự trầm lặng cố hữu. Chị tiếp tục ngồi bên cây đàn, đi học cắm hoa và nấu ăn. Dạo này cả nhà vẫn được thưởng thức nhiều món ngon do chị nấu. Quả thật Lam không thể hiểu nhiều hơn nữa con người của Trâm Anh.
Quay người lại, Lam hơi bất ngờ khi thấy Kiên. Anh từ trong nhà đi ra với một nụ cười và hai tay chắp sau lưng khác với thường ngày lúc nào cũng phì phèo thuốc lá.
Lam nói như reo:
- Chú về hồi nào?
Kiên nói:
- Từ trưa và tôi ngủ tận bây giờ
- Vậy mà cháu không hề biết. Chú đi hay về đều xuất quỉ nhập thần hết.
- Nhưng em thích tôi đi hay về?
Bất ngờ vì câu hỏi của anh, Lam trả lời bằng cách hỏi lại:
- Thế chú thích đi hay về?
Kiên trầm giọng:
- Tôi thích ở một chỗ với một người hiểu và yêu mình. Nhưng khó quá, nên cứ phải đi về mãi mà chẳng được gì cho trái tim mình hết.
Lam kêu lên:
- Chẳng phải bồ chú rất yêu và chiều chú sao?
Kiên không trả lời. Anh đưa cô một nhánh thông khô với hai quả thông bé xíu.
- Tặng em, quà Đà Lạt đấy.
Lam nhận lấy với tất cả xúc động, mặt thoáng đỏ lên, cô ấp úng:
- Cám ơn chú!
- Tôi đi hết mấy ngọn đồi mới thấy nó nằm dưới gốc. Cầm nhánh thông trên tay, tôi bỗng nghĩ chắc em sẽ rất thích.
Lam ríu rít:
- Sao chú biết cháu thích?
Kiên gắn điếu thuốc lên môi và bật lửa. Anh ríu một hơi dài rồi nói:
- Vì em là một con bé ngốc nghếch mơ mộng. Những cô gái như vậy, sẽ thích những món quà ngộ nghĩnh như vầy!
Lam xụ mặt, cô đưa nhánh thông ra:
- Cháu không thích nó chút nào. Trả chú nè.
Kiên tủm tỉm:
- Đúng là ngốc nghếch. Nhưng cái ngốc nghếch này đủ làm đau tim một gã bướng bỉnh nào đó. Này, cất hai quả thông ấy đi, chúng đâu có tội tình gì mà em đùn đẩy.
Lam cong môi lên:
- Chú nên tìm cho nó một người chủ khôn ngoan, thực tế hơn cháu.
Kiên cao giọng:
- Để làm chi nhi?
- Để chú đừng tủi thân.
Kiên khoanh tay phán:
- Đúng là mơ mộng. Cái mơ mộng dễ thương đủ làm mềm lòng những ai khô khan nhất. Tôi nghĩ em rất xứng đáng để nhận món quà của tôi. Tuy nó không có giá trị nhưng là tất cả tình cảm của tôi đó.
Ngắm nghía nhánh thông, Lam lém lỉnh:
- Tình cảm của chú quắt queo thế này sao?
- Ôi, trái tim của người già mà
- Chú mà già!
Kiên cười cười:
- Nếu trẻ, tôi đâu bị người dưng nước lã gọi bằng chú?
Lam chớp mắt:
- Nhưng theo vai vế cháu gọi vậy là đúng
Kiên vờ vịt:
- Vai nào? Vế nào vậy?
Lam làm thinh. Cô không hiểu sao hôm nay chú Kiên lại đem vấn đề này ra nói. Có thật chú ấy ghét bị Lam gọi là chú không? Nhưng gọi anh hay chú thì có gì lạ, khi giữa hai người không thể tồn tại mối quan hệ nào khác hơn.
Kiên hơi mơ màng:
- Tôi vẫn thích có em gái hơn là cháu gái. Tiếc rằng mẹ tôi không thể sanh thêm được, dù bà cũng thích như tôi.
Lam gắn cái hoa cúc vào nhánh thông và nâng niu chúng trong taỵ Cô có cảm giác cánh hoa mong manh ấy đang tựa vào nhánh thông khô cứng và trông chúng thật dễ yêu.
Ngước lên nhìn Kiên, cô nói:
- Cháu vẫn chưa biết gì về chú. Thật ra chú là người tốt hay xấu?
Kiên ngồi xuống bậc thềm cao, lưng tựa vào cột, tay kẹp điếu thuốc, mắt hơi lim dim sau làn khói:
- Tôi cũng không biết nữa. Nhân chi sơ tính bổn thiện. Tôi đã hai mươi mấy tuổi đầu, cái thiện ấy chắc rơi rớt gần hết rồi. Trong nhà này trừ ba tôi ra, ai cũng cho rằng tôi xấu. Em cũng có thể nghĩ như vậy được mà.
Lam bĩu môi:
- Cháu không muốn nghĩ bằng ý của người khác.
- Vậy em nghĩ thế nào bằng ý của mình?
Lam khịt mũi:
- Tại sao mọi người cho rằng chú xấu?
Kiên búng tàn thuốc vào góc sân:
- Vì họ nghĩ mẹ tôi là người không đàng hoàng, tôi là một thằng con vô thừa nhận. Trong lý lịch, phần tên họ cha ghi là vô danh dù ngoài đời tôi vẫn có một ông bố rất phong độ
Lam hoài nghi:
- Có đúng vậy không?
- Đúng chứ! Trước đây mẹ tôi là một vũ nữ. Dưới mắt thế gian, vũ nữ không thể là người tốt. Nhưng trong tim tôi và ba, mẹ là người tuyệt vời nhất. Mẹ tôi không phá hạnh phúc của ai hết, trái lại bà đã hy sinh hạnh phúc của mình cho người khác.
Thấy Lam ngơ ngác không hiểu, Kiên thở dài nói tiếp:
- Ba tôi không hề yêu má lớn, cuộc hôn nhân đó do ông bà nội xếp đặt, lúc ba mới hai hai tuổi. Chính vì không có tình yêu, nên cuộc sống gia đình luôn lục đục, ba tôi lao vào những cuộc ăn chơi vô độ, bỏ mặc má lớn với anh Lộc vừa được hai, ba tuổi. Có thể nói ông dan díu với rất nhiều người, nhung không hề yêu ai. Mãi tới năm 50 tuổi, ông mới gặp mẹ tôi.
Đốt điếu thuốc thứ hai, Kiên trầm tư:
- Má lớn đã quen với tính bay bướm của chồng, bà cứ nghĩ đây cũng là một mối tình qua đường như những mối tình ông đã có, nên bà vẫn dửng dưng. Trái lại anh Lộc lại lồng lộn lên khi biết ba đã mua nhà cho mẹ tôi.
Gấp rút một hơi, Kiên cười nhạt:
- Năm đó anh Lộc vừa cưới vợ. Anh ấy bị sốc mạnh vì mẹ tôi chỉ bằng tuổi vợ anh. Ảnh đã quyết tâm phá cho bằng được tổ chim câu của ba mình.
Lam ngập ngừng:
- Dượng ấy đã làm gì?
Kiên nóng nảy:
- Ảnh mướn người đến đánh mẹ tôi.
Lam trợn mắt:
- Thật vậy à?
Mắt Kiên long lên:
- Lúc ấy bà đã sắp đến ngày sinh nên bị động thai phải mổ. Thế là chưa đủ chín tháng mười ngày tôi đã bị rứt ra khỏi lòng me.
Lam rùng mình vì từ “rứt” được Kiên nhấn mạnh một cách lạnh lùng. Anh lầm lì nói:
- Sau lần mổ đó, mẹ tôi mất khả năng sinh nở. Bà sợ anh Lộc sẽ làm hại đến tôi, nên lặng lẽ bỏ đi.
- Bà bác và chú đã đi đâu?
Kiên trầm giọng:
- Mẹ tôi trở về quê ở Long Khánh. Bà bán số nữ trang ba tôi cho và mở một quán cà phê để nuôi con. Từ nhỏ tôi đã bị bè bạn chọc là con hoang, mãi đến năm mười hai tuổi, tôi mới gặp cha mình.
Môi hơi nhếch đầy chua chát, Kiên kể tiếp:
- Tôi hoảng hồn chạy trốn khi thấy ba mình là một ông già, chớ không trẻ như ba của đám bạn. Mẹ tôi phải dỗ mãi, tôi mới chịu đến gần cho ông ôm.
Lam chớp mi:
- Suốt mười hai năm bà bác đã tránh không gặp ông bác à?
Kiên nhè nhẹ gật đầu:
- Ba tôi tìm khắp nơi, tìm đến độ tóc đã bạc mới gặp lại người đàn bà duy nhất ông yêu. Từ đó cứ mỗi tuần một lần, ông đến thăm mẹ con tôi. Năm tôi học lớp 12 thì bà mất vì bệnh tim.
Lam ra vẻ hiểu biết:
- Thế là chú theo ông bác về đây phải không?
Kiên cười nhạt:
- Cô em đánh giá tôi thấp vậy sao? Dù rất thương ba mình, tôi cũng đâu thể sống với ông trong một gia đình không phải của mình. Mặc cho ông năn nỉ, tôi nhất định tự lập bằng số tiền của ít ỏi mẹ để lại. Xong lớp 12, lên đại học, tôi nuôi mình bằng cái máy ảnh, bằng nhiều việc vặt vãnh khác.
- Vậy chú về ở với ông bác từ hồi nào?
- Từ sau khi má lớn chết được một năm. Ngôi nhà này lúc ấy quạnh quẽ lắm, tôi không nỡ để ba thui thủi một mình, dù trước kia khi còn má lớn, ông cũng vẫn cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
Tựa cằm lên đầu gối, Lam tư lự. Cô không ngờ cuộc đời của Kiên lại chìm nổi dữ vậy. Mẹ chưa biết gì, chỉ nghe từ dì Thư đã kết luận chú ấy là người xấu. Thật không đúng chút nào. Có lẽ cô phải nói để bà hiểu hơn mới được.
Nhìn Kiên, Lam nói:
- Cháu không biết tại sao dì Thư lại về ở nhà này, trong khi ngôi nhà của dì ấy to và đẹp hơn nhiều, lại bỏ trống.
- Điều này tôi cũng không biết, nhưng chắc nguyên nhân là từ tôi.
Giọng Lam yếu xìu:
- Chú muốn nói dượng Lộc sợ ngôi nhà này thuộc về chú hả?
- Em thông minh lắm. Nói thật, tôi tới đây vì muốn ba mình vui, chớ còn ngôi nhà này chả có nghĩa gì hết. Chính vì vậy tôi chưa bao giờ quan tâm đến nó. Hôm trước thấy em chăm sóc mấy cây kiểng, lòng tôi ray rứt thế nào ấy.
Lam nói:
- Tại chú bận suốt ngày, thời gian đâu nữa chứ! Cháu sẽ làm đẹp khoảng vườn này hộ chú, chắc ông cũng thích lắm.
- Ba tôi chỉ lo bận bịu với các câu lạc bộ thơ Đường, cờ tướng, dưỡng sinh, hình như ông không mê cây cảnh thì phải.
Lam buột miệng:
- Thế chú... mê cái gì?
Kiên mơ màng:
- Tôi mê chụp hình, mê những cái đẹp. Khổ nổi cái đẹp nào cũng chóng phôi pha.
Lam bật cười:
- Thì ra chú còn ngốc nghếch và mơ mộng hơn cả cháu nữa.
Kiên nhíu mày trước tiếng cười giòn Tấn của Lam. Anh chưa kịp nói gì, cô bé đã lách chách:
- Chú toàn mê những cái ảo tưởng, bảo sao không chóng phôi pha.
Kiên xoa cằm:
- Khá lắm nhóc! Coi như tôi thua em 1 - 0.
- A, dường như chú rất mê đá banh?
- Vậy thì sao?
- Thì giống cháu.
- Giống điểm này thì được. Ít ra trong nhà này tôi cũng đã có đồng minh.
Lam cười toe:
- Bao giờ có trực tiếp Cup tứ hùng, chú phải gọi cháu đó.
Kiên búng tay trông rất anh chị:
- Chuyện dễ mà. Chỉ sợ em thức không nổi.
- Cháu sẽ ngủ bù ngay bây giờ.
Kiên phì cười:
- Vậy thì hơi sớm đó nhóc. Tôi vẫn muốn có người nói chuyện với mình.
- Chú không phiền vì cháu quá tò mò sao?
Kiên nhè nhẹ lắc đầu. Anh thấy thích thích cách nói chuyện hồn nhiên của Lam. Lúc nào cô bé cũng ríu rít khiến anh có cảm giác mình trẻ lại hằng mấy tuổi. Ở cái thời bằng Lam bây giờ, anh già giặn hơn cô nhiều.
Tới bây giờ Kiên vẫn chưa có thói quen thành thật khi nói chuyện với người khác. Anh luôn lấp lửng, vòng vo không muốn ai biết mình nghĩ gì, nhưng anh lại muốn đọc được những ý tưởng của họ. Kiên thích ăn miếng trả miếng, anh không thuộc tuýp người cao thượng, nhưng cũng không phải hạng tiểu nhân. Suy cho cùng anh là người tốt hay xấu nhi?
Đây là câu chưa ai hỏi anh ngoài con bé Lam, và anh cũng chưa bao giờ tự hỏi mình vì anh không quan tâm đến vấn đề đó. Từ hồi nào tới giờ Kiên chỉ chú trọng đến công việc, nỗi đam mê săn lùng cái đẹp của mình.
Bạn bè gán cho Kiên cái danh lãng tử vì anh lang bạt khắp nơi. Với cái máy ảnh, anh có thể xa nhà hàng tháng, sống theo kiểu bụi đời, thậm chí anh đã trở thành một hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài nhờ cái chân hay đi, cái miệng hay nói và mớ kiến thức không đến nỗi tệ về văn hóa dân tộc, về danh lam thắng cảnh của mình.
Chính vì kiểu sống “tay làm hàm nhai”, không biết đến ngày mai này mà Kiên đã bị ông Lộc ghét sẵn, bây giờ càng ghét thậm tệ hơn nữa.
Ông ta cho rằng anh là một thằng lười biếng vô lo, ham chơi, ăn bám vào ông bố tuổi gần đất xa trời. Là người tính toán ông Lộc vội vàng dọn về ở chung vì sợ bị mất phần. Ngôi nhà ba tầng đầy đủ tiện nghi của ông đem cho người nước ngoài thuê sướng chán. Thế nhưng vợ chồng ông Lộc dường như vẫn chưa vừa lòng. Trong mắt của hai người, Kiên là một cái gai xù xì, xấu xí làm đau tim họ. Nhất là sau chuyện tình cảm một thời ồn ào của Trâm Anh, họ càng ghét Kiên thậm tệ
Giọng Lam kéo dài ra nũng nịu:
- Chú Kiên ơi!
- Gì đó nhóc?
- Chú biết cái bí mật nào đó của chị Trâm Anh phải không?
Kiên hờ hững:
- Chắc là không. Vì bí mật mà để tôi biết sẽ không còn là bí mật nữa.
Lam cong môi lên:
- Chị Anh nói cuối cùng chú Kiên cũng ác như dì dượng. Thế là sao nhi?
- Là con bé nói đúng chứ sao?
Quay lại kéo tay Kiên, Lam hỏi:
- Nhưng thật ra là bí mật gì vậy chú?
- Đừng làm phiền người lớn mà nhóc
Xụ mặt xuống, cô dỗi:
- Vậy thì thôi cháu đi ngủ đây
Lam vừa đứng dậy, Kiên đã nắm tay cô ghị lại. Bàn tay nhỏ xíu của cô lọt thỏm trong bàn tay lớn, mạnh mẽ và cũng rất ấm của Kiên, hốt hoảng cô giật tay mình ra nhưng không được.
Giọng Kiên thật trầm:
- Lại giận rồi. Xấu quá!
Lam phụng phịu:
- Chú vừa bảo không phiền, người ta mới hỏi một câu, đã nói ngược lại. Chả biết ai xấu đây!
Kiên nheo mắt:
- Tôi chỉ không phiền khi em tò mò chuyện của tôi thôi
Lam lẽo lự:
- Chị Trâm Anh là cháu chú, chuyện của chị không ảnh hưởng gì tới chú sao?
- Nếu tôi đã không muốn, khó ai gây ảnh hưởng tới tôi lắm.
Lam dài giọng:
- Ghê thật! Vậy thì cháu xin chào.
Bậm môi lại, Lam giật mạnh tay, nhưng Kiên không buông, anh tủm tỉm nhìn cô bằng đôi mắt nâu quái quỷ.
Lam nóng cả người, cô kêu lên:
- Cháu không giỡn đâu.
- Tôi cũng vậy! Nào ngồi xuống đây!
Lam ra điều kiện:
- Nhưng chú phải nói thật đấy.
Kiên càu nhàu nhưng vẫn nắm tay Lam:
- Con gái là chúa phiền phức. Em muốn tôi nói cái gì?
- Ai da! Chú làm trật tay cháu rồi.
Hốt hoảng, Kiên buông tay cô ra:
- Trật chỗ nào?
Lam che miệng cười, Kiên lắc đầu:
- Hừm! Giỏi lắm nhóc, dám gạt cả chú nghen.
- Cháu đâu có muốn như vậy.
Kiên tằng hắng lảng đi:
- Trâm Anh đã nói gì nhi?
Lam ngần ngừ:
- Chị Anh nói hồi bằng tuổi cháu, chỉ đã có một mối tình mà mọi người bảo đó là mối tình điên. Nhưng không nói rõ tại sao.
- Em muốn biết tại sao à?
Lam lém lỉnh:
- Cháu vốn rất tò mò cơ mà.
Kiên lắc đầu:
- Nhưng tò mò về người thân là không hay.
- Cháu muốn biét để hiểu chị Anh hơn. Chú thấy đó, trong nhà này ai cũng im im như người xa lạ. Dì dượng dửng dưng với nỗi đau của chị Anh làm cháu bất nhẫn quá. Cháu nghĩ nếu được thông cảm, chị Anh đã không lao vào rượu và nghiện cả thuốc lá như hiện giờ.
Kiên ngạc nhiên:
- Trâm Anh hút thuốc à?
Lam tròn mắt rất ngây thơ:
- Cháu nói thật mà. Nhìn cách chỉ hút thuốc cháu thấy sành sỏi không thua gì chú đâu. Nhưng chị Anh hút lén nên chả ai biết.
Kiên chậc lưỡi:
- Con gái hút thuốc có hại lắm.
Lam liếm môi lên lớp:
- Ai hút cũng có hại như nhau, chớ nào chỉ riêng con gái.
Thừa biết Lam muốn ám chỉ mình, Kiên phớt lờ đi bằng một câu than thở:
- Tội gì Trâm Anh phải tự đày đọa như thế chứ.
Lam dò dẫm:
- Chắc hẳn người chị Anh yêu rất đặc biệt đến mức chỉ không thể nào quên.
Kiên nhếch môi:
- Ông ta là một kẻ đa tài lẫn đa tình, đa tật
- Chú quen ông ta, đúng không?
Ngập ngừng một chút, Kiên xác nhận:
- Ông ta là sư phụ của tôi mà
- Sư phụ ha?
Kiên gật đầu:
- Đúng vậy. Hồi mới vào Sài Gòn, tôi đã theo ông Tấn chụp hình dạo ở các công viên, sở thú để kiếm sống. Nhờ tay nghề khá chẳng bao lâu ông ta đã mở được một tiệm chụp hình. Tiệm này nổi tiếng khắp Sài Gòn nhờ chụp chân dung rất đẹp. Hầu như tất cả giới diễn viên, ca sĩ đều nhờ ông Tấn mới có những tấm ảnh xuất sắc để lên bìa báo.
- Chị Trâm Anh quen ông ta qua chú à?
- Không! Trâm Anh tới chụp hình và đã bị Tấn hớp hồn. Nếu lúc đó tôi biết con bé là cháu mình thì sự việc đã khác đi rồi.
Lam thắc mắc:
- Quanh ông ta biết bao nhiêu là người đẹp, nhưng vẫn tham lam tán tỉnh cả chị Trâm Anh phải không chú?
Kiên nói:
- Những người đẹp ấy là khách hàng đặc biệt như diễn viên, người mẫu nổi tiếng, là những người quá lăn lộn với đời. Tấn dễ gì với tới. Họ chỉ là vầng hào quang chói lọi để ông ta dụ các cô gái trẻ mê làm minh tinh đến chụp hình thôi.
Lam thất vọng:
- Vậy là chị Anh yêu nhầm người xấu rồi. Tiếc thật! Nhưng tại sao chú lại có một sư phụ xấu như thế chứ?
Kiên xua tay:
- Tấn không phải là người xấu. Khổ nổi ông ta không làm chủ được trái tim mình nên đã yêu Trâm Anh. Đó là sai lầm lớn nhất đời của Tấn.
Lam nhíu mày:
- Sao lại sai lầm hả chú?
Kiên hạ giọng:
- Vì con gái đầu của ông ta bằng tuổi Trâm Anh, còn bà vợ ông ta thì đích thực là một sư tử Hà Đông chớ không hiền và giỏi chịu đựng chồng như má lớn của tôi.
Trợn mắt lên, Lam buột miệng:
- Đúng là một mối tình điên.
Kiên có vẻ ray rứt:
- Trước đây tôi và Tấn có thỏa thuận ngoài chuyện làm ăn sẽ không ai can thiệp vào việc riêng của ai. Do dó dù biết ông ta ngoại tình với một cô gái trẻ, tôi vẫn im lặng. Mãi đến khi bà vợ Hà Đông của Tấn làm ầm ĩ lên, tôi mới hoảng hồn tìm đến nhà Trâm Anh để cho cô ta hay, để rồi càng hốt hoảng hơn khi biết Trâm Anh chính là cháu mình.
Im lặng một chút, Kiên nói tiếp:
- Tôi đã khuyên Anh, rồi năn nỉ, thậm chí đe dọa, nhưng con bé cứ như thiêu thân lao vào lửa.
- Còn ông Tấn thì sao?
Kiên thở dài:
- Ông ta cũng điên như Trâm Anh. Tôi thật không ngờ đã ngoài 40, nhưng Tấn lại đam mê dữ dội thế. Ông ta định ly dị vợ để danh chánh ngôn thuận với con bé.
Lam bĩu môi:
- Dễ gì dì Thư chịu.
- Em nói đúng đấy. Dù dì Thư lúc đó chưa biết gì hết. Mối tình ấy chỉ bùng nổ khi vợ Tấn tới nhà Trâm Anh.
- Có chuyện đó nữa sao?
Kiên xoa cằm:
- Có. Và tôi là người lãnh hậu quả từ cả hai bên.
Lam ngơ ngác:
- Cháu không hiểu chú phải lãnh hậu quả gì mà từ cả hai bên.
Kiên mệt mỏi:
- Khi tôi xuất hiện với tư cách chú của Trâm Anh, vợ Tấn đã chửi tôi một trận kinh thiên động địa rồi cho tôi nghỉ việc về tội đem cháu gái ra gạ gẫm ông chủ nhằm mưu lợi. Còn anh Lộc và chị Thư lại nguyền rủa tôi không tiếc lời. Hai người cho rằng tôi vừa độc ác lại vừa hèn hạ khi cố tình gài Trâm Anh vào mối tình này để trả thù việc trước đây anh Lộc đã đối xử tệ với mẹ tôi.
Cười khẩy, Kiên nói tiếp:
- Thế là trong mắt hai người, tôi càng xấu xa, tồi tệ hơn. Chuyện đến tai ba tôi, ông đi tìm và năn nỉ tôi về ở với ông. Thoạt đầu tôi không chịu, nhưng suy đi nghĩ lại, tôi căm hận vì sự hy sinh của mẹ con tôi chẳng được gì ngoài những lời nguyền rủa của anh Lộc. Tôi nên sống với ba để chọc tức ảnh mới phải chứ. Cái xấu cơ bản trong tôi đã trỗi dậy. Thế là tôi về đây để quậy cho đã.
Lam ngắt lời anh:
- Vậy là chú về đây không phải vì ông bác như đã nói với cháu à?
- Đương nhiên là không. Tôi đã nói dối đấy!
- Cháu không tin chú xấu như thế đâu.
Kiên ngạc nhiên vì giọng thảm thiết của Lam. Sao con bé lại xúc động thế nhỉ. Chả lẽ Lam quan tâm đến anh à?
Vờ như không thấy vẻ hoang mang trên gương mặt trẻ con của Lam, Kiên hạ giọng:
- Em cứ nhìn vào gia đình dì mình sẽ rõ tôi thật hay dối mà! Mỗi lần có chuyện bực mình vì con cái. Anh chị Lộc đều nhắc đến tôi. Họ cho rằng tôi làm con họ hư. Tôi y như lọ mực đen vậy.
Lam nghẹn lời:
- Lẽ ra dì Thư không nên tới đây!
Kiên cười nhạt:
- Dì em đã lợi dụng chuyện Trâm Anh làm hổ gia đình để buộc ba tôi cho cả nhà về đây. Còn ngôi nhà ba tầng kia anh Lộc cho người nước ngoài mướn, mỗi tháng bỏ túi cũng cả ngàn đô. Đúng là sướng! Tóm lại trong nhà này chỉ có tôi thuộc thành phần bất hảo thôi. Còn tất cả đểu thánh thiệt hết. Người thánh thiện nhất chắc là anh Lộc. Hà... hà...
Lam khó chịu vì giọng cười chua cay của Kiên. Cô không hiểu những lời vừa rồicủa anh là thật hay giả. Nếu là thật thì đáng sợ quá.
Lòng cô bổng chùng xuống như những sợi tơ đàn bị hạ phím. Dẫu biết Kiên thích nói chuyện theo kiểu hư thật khó lường, sao Lam vẫn buồn khi nhận ra, anh vẫn rất xa lạ với cô.
Kiên hất hàm:
- Sao? Em ghét tôi lắm. Đúng không?
Lam đan hai tay chéo dưới cằm và hỏi:
- Ở chung một nhà, sao không đối xử với nhau tốt hơn hả chú?
Kiên thản nhiên đáp:
- Tại vì từ khi chưa ở chung một nhà, họ đã xấu với tôi rồi.
- Nhưng cháu đâu có... xấu với chú!
Kiên bối rối trước cái nhìn trong veo của Lam. Anh nói đại cho qua chuyện.
- Vì vậy cháu mới là bạn thân của chú.
Lam lém lỉnh:
- Bạn tức là có phúc cùng hưởng, sướng cùng chia ấy ha?
Kiên gật đầu:
- Đương nhiên. Tôi không cho em cả cái áo mưa và cùng ôm nhau vì sợ sét rồi còn gì.
Lam lúng túng khi nghe Kiên nhắc tới chuyện chiều mưa ấy, cô phụng phịu:
- Mới chia nhau họa không hà, cháu đang chờ cùng hưởng phước đây.
Mắt Kiên lóe lên chút tinh quái. Anh định trêu cô bằng một câu bắt bí, nhưng nghĩ lại thấy hơi quá lố, nên thay vì nói, anh cứ tủm tỉm nhìn Lam làm cô bé đỏ mặt vì biết mình đã hố.
Vò những cái lá cúc trong tay, Lam ấm ức ngó lơ chỗ khác. Dù Kiên luôn vỗ ngực nói mình là người xấu nhưng Lam vẫn cố không tin. Không phải vậy, cô nghĩ tới Trâm Anh, tới gã đàn ông có tuổi chị ấy đã từng yêu rồi hỏi:
- Hiện nay ông Tấn ra sao hả chú? Có còn sống với bà vợ cũ không?
Kiên ậm ự:
- Còn chứ! Tấn mà bỏ vợ thì chết ngay.
Lam ngạc nhiên:
- Vậy sao ông ta đòi ly dị vợ để cưới chị Anh?
- Vì đó là lúc anh ta đang điên vì tình. Giờ tỉnh rồi thì mọi việc có khác. Vợ Tấn bỏ vốn mở tiệm chụp hình. Tiệm ấy nổi tiếng là nhờ tài của anh ta. Nhưng nếu vợ anh lấy lại tiệm thì dù tài cỡ nào Tấn cũng không có đất dụng võ. Nghĩ tới chuyện xách máy đi chụp dạo, Tấn thấy sợ nên đành ngậm ngùi quên mối tình si ấy đi mà về với vợ. Chỉ mỗi mình Trâm Anh là đáng thương.
Lam tức giận:
- Đàn ông đúng là tệ bạc. Tội nghiệp chị Trâm Anh. Lẽ ra chú phải nói rõ cho chỉ hiểu chứ!
- Em thấy đó, chuyện rõ như ban ngày có gì đâu khó hiểu. Theo tôi nghĩ Trâm Anh cũng nguôi ngoai rồi. Thỉnh thoảng con bé lên cơn quậy vì không chịu nổi sự quản lý của cha mẹ. Sau chuyện xảy ra ấy, anh chị Lộc coi Trâm Anh như kẻ có tội. Anh Lộc không cho con bé thi đại học, mà cứ nhốt ở nhà. Ba tôi nói dữ lắm, chị Thư mời để Trâm Anh đi học nữ công gia chánh cho khuây khỏa đó chứ!
Kiên xoay xoay cái hộp quẹt trong tay:
- Lúc Trâm Anh cần được thông cảm, được thương yêu để quên mối tình rồ dại của mình thì những người thân của nó lại quay lưng bỏ mặc. Chính vì cách đối xử này mà Trâm Anh đã trở thành một người khác, con bé ngày càng ẩn sâu vào cái vỏ tự tạo. Nó chán cuộc sống đến mức sẵn sàng ưng một kẻ không yêu làm chồng. Tiếc là ba mẹ nó tham lam, ích kỷ quá. Trâm Anh vừa cảm thấy với Thắng, hai người lại bắt nó bỏ chỉ vì gia đình anh ta bị phá sản.
Bật quẹt lên và nhìn ngọt lửa leo lét cháy Kiên nói:
- Sức chịu đựng của Trâm Anh tốt đấy chứ. Gặp đứa khác chắc nó đã điên vì tức.
Lam lo lắng:
- Vậy phải làm sao để giúp chị Anh đây?
Kiên dịu dàng:
- Em chịu khó trò chuyện với con bé nhiều hơn. Có người để tâm sự Trâm Anh sẽ bớt bị ức chế. Tôi hy vọng con bé sẽ không bỏ mặc cuộc đời mình cho ba mẹ nó quyết định nữa.
- Cháu cũng hy vọng thế. Nhưng bằng cách nào đây?
Kiên chưa trả lời thì chuông điện thoại lại reo. Anh nhóng nhóng nhìn vào nhà rồi chép miệng:
- Chắc là của tôi.
Vươn vai hít thở thật mạnh, Kiên đứng dậy đúng lúc Mai chạy ra:
- Bồ cậu nhắn: “Gọi Kiên tới ngay”.
Lừ mắt, Kiên hỏi:
- Sao chị biết đó là bồ tôi?
Mai chủ quan:
- Chỉ có bồ mới có quyền hành như vậy thôi.
Kiên cười tủm tỉm:
- Công nhận đàn bà tinh ý thật.
Nghe nói thế, Mai thêm vào:
- Tôi nói thật, sau này chắc cậu sợ vợ lắm
- Vậy à? Nhưng vợ mình mình sợ, có động chạm đến ai đâu? Thế gian nhất vợ nhì trời mà
Nháy mắt với Lam một cái, Kiên vừa huýt gió vừa vào nhà.
Lam tò mò:
- Sao chị biết chú Kiên sợ vợ? Chị biết coi tướng ha?
Mai phì cười:
- Trời ơi! Tôi chọc cậu ấy chơi thôi chớ có biết coi tướng coi tá gì đâu.
- Vậy cũng chưa chắc người gọi điện là bồ chú Kiên.
- Ê, cái này thì chắc à! Lần đó tôi nghe rõ ràng cậu ta gọi con nhỏ đó là “em yêu” ngọt sớt.
Lam nhìn nhánh thông và nụ cúc vàng nằm trên thềm, lòng trống vắng chưa từng thấy. Món quà ấy có nghĩa gì chứ! Tự nhiên cô chợt thương mình và giận Kiên. Giá mà...
Trong nhà đi ra, Kiên thật đẹp với cái sơ mi kẻ ô xám và chiếc quần jean xanh đậm. Anh tủm tỉm hỏi Mai:
- Như thế này tới gặp người yêu được chưa chị Mai?
Mai gật gù:
- Hào hoa ra phết. Nhưng ở Đà Lạt về mà không có quà cho nàng sao?
Kiên nhảy lên chiếc Spacy, giọng kiêu căng:
- Với nàng, tôi là món quà giá trị nhất rồi còn gì nữa. Thôi tổng chào nghen!
Mai lắc đầu:
- Đúng là phách lối!
Lam bênh:
- Chắc chú ấy đùa mà!
Mai nhún vai đi vào nhà. Lam ngồi lại một mình với nhánh thông khô. Tối nay chắc Kiên không về và cô sẽ không được coi bóng đá. Ôi, sao Lam buồn thế này chứ. Nhưng buồn vì đâu, cô không trả lời được.