Dịch giả : Vũ Đình Phòng, Phùng Uông
Chương 71

Vì nhà lao ở xa, vả lại đã muộn, nên Nekhliudov thuê một chiếc xe ngựa để đi. Đến một dãy phố, anh xà ích, một người trung niên, mặt khôi ngô, trung hậu, vừa quay lại phía chàng vừa chỉ vào một toà nhà to lớn đang xây dựng.
- Họ xây toà nhà có đồ sộ không, ông trông kỳa? - Anh ta nói, làm như mình cũng có trách nhiệm trong việc xây dựng toà nhà và lấy thế làm hãnh diện.
Quả thật, toà nhà có đồ sộ, kiến trúc theo một kiểu kỳ dị và phức tạp. Một cái giàn giáo chắc chắn làm bằng dầm gỗ thông dài có những vành đai sắt giữ, vây quanh ngôi nhà; một bức tường ván gỗ ngăn nó với đường phố.
Tít trên thượng tầng giàn giáo, thợ thuyền đi đi, lại lại đông như đàn kiến, mình mẩy trắng xoá những vôi, kẻ đặt người đẽo những phiến đá, những người khác khiêng lệ những trành và thùng đẩy nặng, hoặc khiêng xuống trành hoặc những thùng không.
Một người to lớn, ăn mặc lịch sự chắc hẳn là viên kiến trúc sư, đứng ở dưới chân giàn giáo chỉ trỏ một cái gì đó trên cao cho người cai thầu người quận Vladimir đang kính cẩn chăm chú nghe. Qua cái cổng sắt ngay bên cạnh họ, liên tiếp hết xe tải đầy đẩy vào lại xe không đánh ra.
"Sao mà tất cả những người nầy - cả người làm lẫn người trông coi đốc thúc lại yên trí, coi là đương nhiên cái cảnh: trong khi ở nhà, vợ họ, bụng mang dạ chửa, phải nai lưng ra làm những công việc nặng nề quá sức, con cái họ, mũ đội khâu bằng hàng trăm thứ mụn rách, vặn oặt đôi chân quắt queo, miệng cười già héo, sắp chết đói đến nơi, thì họ ở đây xây dựng toà lâu đài ngu xuẩn và vô dụng nầy cho một kẻ không kém ngu xuẩn và vô dụng, cho một thằng nào đó trong chính cái bọn những quân chuyên bóc lột họ, làm cho họ phá sản". Nekhliudov vừa nhìn toà nhà vừa nghĩ ngợi.
- Đúng, một ngôi nhà ngu xuẩn - chàng bỗng nói to với ý nghĩ của mình.
- Ngu xuẩn là như thế nào? - Người xà ích giọng bực tức cãi lại Lạy Chúa, nhờ có nó mà thợ thuyền có công ăn việc làm. Nó chả có gì là ngu xuẩn cả.
- Nhưng công việc nầy không đem lại lợi ích gì cả.
- Nó có ích, người ta mới làm chứ, - người xà ích nói lại. Có nó mới có cơm ăn chứ.
Nekhliudov im lặng, nhất là vì tiếng bánh xe chạy rầm rầm át cả đi, không nói chuyện được. Khi đến gần nhà lao, chiếc xe rời đường lát đá rẽ xuống con đường đất; lúc nầy, nói chuyện cũng tiện, nên người xà ích lại ngoái đầu về phía Nekhliudov, vừa nói vừa chỉ vào một đám người nhà quê, vai vác cưa, rìu, lưng đeo túi dết và những tấm da cừu, đang đi lại phía hai người.
- Khiếp quá! Dạo nầy người ta cứ ùn ùn kéo nhau ra tỉnh.
- Có đông người hơn những năm trước không? -Nekhliudov hỏi.
Hơn nhiều lắm! Hiện nay xí nghiệp nào cũng đầy ứ người. Thật là khốn khổ! Bọn chủ coi thợ như rác. Đâu cũng đầy ăm ắp.
- Tại sao vậy?
- Số người thì cứ mỗi lúc một tăng, biết đẩy đi đâu cho được!
- Tăng lên thì đã làm sao? Tại sao họ không cứ ở làng có được không?
- Ở làng thì có việc gì mà làm? Ruộng đất họ không có?
Nekhliudov có cảm giác như bị ai động vào một chỗ đã đau trong mình. Hình như họ cố tình đánh vào chỗ đau của mình chỉ vì có đánh vào chỗ đó mới thật đau.
"Có thể nào ở đâu cũng thế cả không" - Nekhliudov nghĩ bụng và hỏi ngay người đánh xe:
- Làng anh tất cả có bao nhiêu ruộng đất, phần bản thân anh có bao nhiêu, và tại sao anh lại ra thành phố?
- Thưa ngài, tính theo đầu người, ruộng đất làng chúng tôi mỗi suất được một mẫu. Riêng gia đình tôi có bố tôi và một đứa em, còn một thằng đi lính. Hai bố con ở nhà cày cấy gì? Em tôi nó cũng đã muốn bỏ ra Moskva đấy!
- Thế không thể thuê được ruộng mà cày cấy à?
- Thuê ở đâu bây giờ? Những điền chủ cũ thì đã tiêu xài hết cả cơ nghiệp rồi. Trại ấp của họ đã về tay hết bọn con buôn. Đừng có hòng thuê gì được của bọn nầy, chúng làm lấy cả. Ở quê tôi, một tên Pháp đã tậu cả cái cơ nghiệp của điền chủ cũ. Hắn không cho ai thuê mướn gì cả. Có thế thôi!
- Tên người Pháp nào nhỉ?
Tên Pháp Dumas ấy mà. Có lẽ ngài cũng đã nghe nói đến hắn? Hắn chuyên làm tóc giả bán cho các nghệ nhân ở các nhà hát lớn. Công việc làm ăn rất bở. Hắn phát tài và tậu cả cái ấp của bà chủ cũ làng tôi. Bây giờ, chúng tôi nằm trong tay hắn, hắn muốn đè đầu cưỡi cổ chúng tôi thế nào mà chẳng được. Lạy Chúa! Bản thân hắn cũng là một con người tử tế, chỉ có con vợ hắn, một con mụ người Nga, thật đúng là đồ chó má! Lạy Chúa, phù hộ cho chúng tôi thoát khỏi tay nó! Nó vơ vét, cướp bóc của dân chúng: Thật là một tai hoạ… nhưng, nhà lao đây rồi. Phải đỗ xe ở đâu ạ? Gần cổng nhé? Chắc là họ không cho?
 

Truyện PHỤC SINH Lời mở đầu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 (chương kết)