Xin trở lui về trước – người kể chuyện thường được phép làm như vậy – và đặt mình vào năm 1815, hơn thế nữa, vào trước lúc câu chuyện trong phần một sách này bắt đầu một ít.Ví thử cái đêm 17 rạng ngày 18 tháng 6 năm 1815 mà trời không mưa thì tương lai châu Âu chắc không phải thế này. Quả là một vài giọt mưa thêm, bớt đã làm cho Napoleon nghiêng ngả. Té ra đấng cao anh chỉ cần thêm một ít mưa là trang sử vẻ vang bắt đầu từ Auxteclít đành chấm dứt ở Oateclô và một đám mây trái mùa bay ngang bầu trời lại đủ làm sụp đổ cả một thế giới.Trận Oateclô đến tận mười một giờ rưỡi trưa mới bắt đầu được. Nhờ thế nên Bơluyse mới có thì giờ đến kịp. Tại sao lại chậm thế? Là vì trời mưa, đất ướt, phải đợi cho đất se lại một tí thì pháo binh mới vận động được.Napoleon trước kia là sĩ quan pháo binh, ông cũng luôn luôn thấy mình là như vậy. Cái căn bản của nhà quân sự vĩ đại ấy, là con người, từ thời Đốc chính khi báo về trận Abukia, đã nói chính xác rằng: quả đạn pháo này đã diệt sáu tên địch. Ở con người này tất cả kế hoạch đánh trận đều phục vụ cho con đường đi của đạn pháo. Nã tập trung pháo vào một điểm nhất định, đó bí quyết của chiến thắng. Ông coi chiến lược của tướng địch như một thành lũy và ông đánh thủng nó bằng pháo binh. Lâm trận, ông cho tập trung pháo vào chỗ bên địch núng thế; ông thắt trận đánh lại hay giải quyết trận đánh đều bằng đại bác. Trong thiên tài của ông có phần xạ kích. Chọc thủng các đội hình vuông, nghiền nát từng trung đoàn, chọc thủng các trận tuyến, đè bẹp, đánh tan những khối tập trung, tất cả chiến thuật của ông là dập, dập mạnh, dập không ngừng và ông dùng đạn đại bác để dập địch. Thật là một chiến thuật đáng sợ. Chiến thuật ấy, đi kèm theo thiên tài quân sự, đã khiến cho người đô vật dữ dội ấy giữ cờ vô địch suốt mười lăm năm.Ngày 18 tháng 6 năm 1815, ông lại càng tin cậy ở pháo binh vì so với địch ông nắm trong tay nhiều pháo hơn. Tướng Oenlinhtơn bấy giờ chỉ có một trăm năm mươi chín khẩu pháo, còn Napoleon có đến hai trăm bốn mươi.Giả dụ bữa ấy đất khô, đại bác có thể lăn bánh được và cuộc tấn công bắt đầu từ sáu giờ sáng thì trận đánh đã thắng lợi và kết thúc vào hai giờ chiều, nghĩa là ba giờ trước khi quân Phổ vào cuộc.Trong cuộc thất trận này, liệu Napoleon đã phạm bao nhiêu lỗi lầm? Thuyền chìm phải chăng do lỗi của người cầm lái?Năm ấy sức khỏe của Napoleon rõ ràng có sa sút, nhưng không biết tình trạng ấy có kéo theo một sự kém sút nào về mặt tinh thần không? Hai mươi năm chinh chiến có làm cho con người ấy hao mòn cả lưỡi cả vỏ, từ tâm hồn đến cơ thể hay không? Hay là tuổi già đã ảnh hưởng tai hại đến vị tướng chỉ huy? Tóm lại, như nhiều nhà sử học có tiếng đã khẳng định, thiên tài kia đã mờ đi chăng? Đã cuồng nhiệt đến mức tự lừa dối về sự sa sút của mình? Đã bắt đầu nghiêng ngả, mất hướng vì liều lĩnh, phiêu lưu? Đã phạm khuyết điểm nghiêm trọng của người cầm quân, là mất hết ý thức về tài hoa? Hoặc giả trong hàng ngũ những người vĩ đại mà người ta có thể gọi là những bậc khổng lồ trong hành động, có phải đến một tuổi nào đó thì thiên tài cũng trở nên cận thị chăng? Tuổi già chẳng làm gì nổi những bậc thiên tài của lý tưởng: đối với những Đăngtơ, những Mikenlăng già có nghĩa là lớn lên, còn đối với những Aniban, những Bônapac thì có nghĩa là bé lại chăng? Phải chăng Napoleon đã mất đi trực giác về chiến thắng? Phải chăng ông đã đến lúc không còn nhận ra đâu là trở ngại, không còn đoán ra đâu là cạm bẫy, không còn phân biệt rõ đâu là bờ cheo leo trên vực thẳm nữa? Phải chăng ông không còn linh cảm về tai họa? Xưa kia ông là người đã từng thuộc mọi nẻo đường dẫn đến vinh quang, đã từng đứng trên cỗ xe sấm chớp của mình, đưa ngón tay uy vũ mà chỉ những lối ấy cho mọi người, phải chăng con người ấy, bây giờ bỗng dưng nổi cơn hoảng loạn gớm ghê, dẫn những binh đoàn rầm rộ của mình lao đầu xuống vực thẳm? Con người ấy, bốn mươi sáu tuổi, đã mắc phải một cơn điên tuyệt độ chăng? Người đánh xe khổng lồ ấy của số mệnh phải chăng đã cố tình đâm vào nơi tự sát?Chúng tôi không nghĩ như vậy.Kế hoạch trận đánh của ông, theo ý kiến mọi người, là một kiệt tác. Đánh thẳng vào giữa trận tuyến quân đồng minh, chọc thủng một quãng ở đó cắt nó ra làm đôi, đẩy một nửa là cánh quân Anh về Han, một nửa là cánh quân Phổ đếm Tôngcơrơi, chặt đại quân đồng minh ra thành hai đoạn, đoạn Oenlintơn và đoạn Bơluyse, giành Mông Xanh Giăng, chiếm Bơrúcxen, xô quân Phổ về sông Ranh và hất quân Anh xuống bể. Tất cả kế hoạch ấy, đối với Napoleon đều ở trong trận này. Còn sau đó sẽ hay. Không cần phải nói là chúng tôi không định viết lịch sử chiến dịch Oateclô ở đây. Một trong những cảnh đẻ ra câu chuyện chúng tôi kể đây dính đến chiến dịch này. Nhưng lịch sử toàn chiến dịch thì không phải việc chúng tôi. Lịch sử ấy thật ra đã viết rồi và viết một cách tay thầy, hoặc theo quan điểm Napoleon hoặc theo một quan điểm khác, do một lô những nhà sử học (Oantơ Xcốt, Lammáctin, Vôlaben, Sarát, Kinê, Chie- chú thích ở nguyên bản). Về phần chúng tôi, chúng tôi xin để cho các nhà sử học tranh cãi với nhau; còn chúng tôi chỉ là một kẻ chứng kiến từ xa, một khách bộ hành đi qua cánh đồng, một người tìm tòi dừng lại trên mảnh đất trộn lẫn thịt người này. Có thể chúng tôi thấy bề ngoài mà nhận lầm là sự thật bên trong. Nhưng chúng tôi không có quyền, nhân danh khoa học, cưỡng lại một loạt sự kiện trong đó có thể có ảo ảnh. Chúng tôi không có thực tiễn quân sự, cũng không có thẩm quyền về chiến lược để có thể cho phép mình dựng lên một học thuyết. Theo ý chúng tôi, ở Oateclô, một chuỗi những ngẫu nhiên xoắn xít nhau đã tác động mạnh hơn những tính toán của hai người cầm quân hai bên. Và khi đã nói đến số mệnh, cái tên bị cáo huyền bí ấy, thì chúng tôi chỉ xin phán xét như dân chúng, người thẩm phán ngây thơ đơn giản.