Tới đây tự nhiên phải dành chỗ cho một sự việc không thể nào bỏ qua được vì đó là một trong các sự việc tốt nhất để hiểu ông giám mục là người như thế nào. Bọn cướp của Gatpa Be trước đây thường quấy nhiễu các hẻm núi rừng Ônliun. Sau khi chúng bị tiêu diệt, một trong các tay đầu mục, Cơravát, lẩn tránh vào núi. Y cùng một số lâu la, dư đảng của Gatpa Be, ẩn náu một thời gian tại quận Nixơ, rồi tràn sang vùng Piêmông và đột nhiên lại xuất hiện ở địa phận nước Pháp, phía Bácxơlônét. Người ta thấy y ở Giôđiê rồi ở Tuylơ. Y ẩn nấp trong hang hốc trên núi Giuđơ Legơlơ và từ đó mò xuống xóm làng theo các vực Uybay và Uybaydet. Có lần dám tiến tận Ămbroong và đang đêm xông vào nhà thờ vơ sạch đồ lễ. Cả vùng tàn hại vì những mẻ trộm cướp của y. Cảnh binh được giao trách nhiệm lùng bắt, nhưng vô hiệu. Lần nào y cũng trốn thoát, cũng có lúc y chống cự mãnh liệt. Rõ là một tên khốn kiếp táo tợn. Đương cơn kinh hoàng đó thì ông giám mục tới. Ông đi hành hạt. Đến Sattơla, ông xã trưởng tới tìm ông và đề nghị ông trở lui. Lý do là Cơravát đang chiếm cứ vùng núi đến tận Acsơ và quá nữa. Đi sẽ nguy hiểm cho dù có hộ tống. Vì như thế có thể phải hy sinh một cách vô ích ba bốn người sen đầm bất hạnh. Do đó – ông giám mục nói – tôi định không lấy người hộ tống. Đức Cha lại nghĩ thế à? – Ông xã trưởng kêu lên. - Tôi nghĩ thế lắm, cho nên tôi nhất định không lấy sen đầm và một giờ nữa thì tôi đi. Đi? Đi. Một mình? Một mình. Thưa Đức Cha, Đức Cha đừng làm như vậy. - Trên núi – ông giám mục tiếp lời – có một xóm nhỏ chỉ bấy nhiêu, mà đã ba năm tôi chưa đến thăm. Những người chăn dê hiền lành và lương thiện ấy, họ là những người bạn tốt của tôi. Cứ ba mươi con dê họ chăn thì họ chỉ có một. Họ tết những chiếc thừng bằng len đủ màu trông rất xinh, họ véo von nhiều điệu dan ca miền núi với những ống sáo lỗ nhỏ xíu. Thỉnh thoảng họ cũng cần nghe nói tới Chúa. Vậy mà một ông giám mục yếu bóng vía thì họ sẽ cho là thế nào? Tôi mà không đi thì họ còn coi ra gì? - Nhưng mà, thưa Đức Cha, có cướp! Sợ Đức Cha gặp cướp! - À này – ông nói – tôi vừa nghĩ đến đấy. Ông nói có lý. Tôi có thể gặp họ lắm. Họ nữa, họ nhất định cũng cần nghe nói tới Chúa. - Thưa Đức Cha, nhưng mà chúng là một lũ cướp! Một bầy chó sói! - Ông xã trưởng ạ, có lẽ chính vì bầy thú ấy mà Chúa Giêsu cho tôi đi làm kẻ chăn. Ai biết đâu đường nẻo của Đấng Cứu thế? - Thưa Đức Cha, chúng sẽ cướp hết đồ đạc của Đức Cha. - Tôi chẳng có gì. - Chúng giết Đức Cha mất. - Giết một ông cha cố vừa đi vừa niệm kinh? Chà chà! Để làm gì mới được chứ? - Lạy Chúa! Rủi Đức Cha gặp chúng thật! - Tôi sẽ xin họ làm phúc cho kẻ khó của tôi. - Đức Cha đừng đi, xin Đức Cha, nguy đến tính mệnh mất. - Thưa ông xã trưởng, dứt khoát chỉ có thế thôi à! Tôi có mặt trên thế gian này không phải để gìn giữ tính mệnh mình mà để chăn giữ các linh hồn. Đành phải để mặc ông. Ông ra đi, chỉ có một em bé tình nguyện đi theo dẫn đường. Cái việc ông khư khư đòi đi ấy đồn đại khắp xứ làm người ta vô cùng hoảng sợ. Ông không muốn cho bà nào theo cả, bà em cũng không, bà Magơloa cũng không. Ông cưỡi con la đi suốt qua núi không gặp một ai và đến với những người chăn dê “bạn tốt” của ông một cách bình an. Ông ở lại với họ nửa tháng, giảng đạo, xức dầu thánh cho người hấp hối, dạy chữ, nói chuyện đạo lý. Hôm ông sắp từ biệt xứ này, ông quyết định tổ chức một buổi lễ Ngợi Chúa với nghi thức giám mục chủ lễ. Ông ngỏ ý với cụ xứ. Nhưng làm thế nào? Chẳng có đồ lễ của tòa giám. Chỉ có thể đem cho ông dùng một bộ đồ lễ mà xứ nghèo nàn có với mấy chiếc áo choàng lụa đã sờn đính tua vàng giả. - Không sao! – Ông nói – Cụ xứ ạ! Đến giờ giảng chúng ta cứ báo tin về buổi lễ đi. Mọi việc rồi sẽ đâu vào đấy. Người ta lùng ở các nhà thờ xung quanh vùng. Tất cả các thứ sang trọng ở xứ đạo nghèo này nhập lại cũng không lọc ra được một bộ lễ phục coi được cho một thầy hát thánh ca ở nhà thờ lớn, đừng nói cho một vị giám mục. Đương lúng túng như vậy thì hai người đi ngựa lạ mặt mang đến cho ông giám mục một hòm to, đặt ở nhà cha xứ rồi đi ngay. Mở hòm ra thì thấy trong đựng một áo choàng bằng dạ vàng, một chiếc mũ lễ nạm kim cương, một thánh giá tổng giám mục, một chiếc gậy thánh tuyệt đẹp, tất cả phẩm phục mất trộm một tháng trước ở kho nhà thờ Đức bà Ămbroong. Trong hòm có một mảnh giấy đề mấy chữ: Cơravát gửi Đức Cha Biêngvơnuy. - Tôi đã nói là mọi việc sẽ đâu vào đấy mà! – Ông nhắc. Xong lại thêm: người bằng lòng cái áo chẽn cụ xứ thì Chúa lại gửi đến cái áo choàng tổng giám mục. - Thưa Đức Cha – cụ xứ lắc đầu, mỉm cười nói nhỏ - Chúa, hay quỉ sứ. Ông giám mục nhìn thẳng vào cha xứ, nói lại giọng nghiêm nghị: - Chúa! Khi ông trở về Sattơla cũng như suốt dọc đường người ta nghe nói đến điều kỳ lạ, đổ ra xem. Đến nhà cha xứ, ông gặp cô Baptistin và bà Magơloa đang chờ ở đấy. Ông bảo cô em: - Nào tôi nói có đúng không? Người thầy tu nghèo đến với dân nghèo miền núi, lúc đi tay không, lúc về đầy túi. Tôi ra đi đem theo chỉ có lòng tin ở Chúa, lúc ra về tôi mang cả kho của cho một nhà thờ. Buổi tối trước khi đi ngủ, ông còn nói: - Không nên sợ kẻ trộm cướp, kẻ giết người bao giờ. Có nguy hiểm thì đó là cái nguy hiểm bên ngoài, nhỏ nhặt. Chúng ta phải biết tự mình sợ mình. Thành kiến là trộm cướp đó, tật xấu là giết người đó. Những mối nguy lớn đều ở trong ta. Sá gì cái đe dọa tính mệnh tài sản ta! Chỉ nên nghĩ đến cái uy hiếp linh hồn ta mà thôi. Sau đó ông quay sang phía bà em: - Cô ạ, đã là người tu hành thì không bao giờ còn đề phòng đối với đồng loại Đồng loại làm gì là có Chúa cho phép. Chỉ nên biết cầu Chúa khi nghĩ rằng có tai biến đang đến với ta. Hãy cầu Chúa, không phải cho ta, mà cho đồng loại khỏi mắc tội nhân trường hợp ta. Nói cho đúng, những sự biến coi như rất hiếm trong cuộc đời ông giám mục. Chúng tôi chỉ kể những cái mình biết được, còn bình thường thì ông sống theo nề nếp là giờ nào việc ấy. Một giờ trong ngày cũng giống một tháng trong năm, chẳng khác gì. Riêng “kho của” của nhà thờ Ămbroong về sau ra sao, nếu có ai hỏi, chúng tôi sẽ lúng túng hết sức. Bao nhiêu là của đẹp, khá hấp dẫn “cuốn đi” cho người khốn khổ thì rất tốt. Vả, nó cũng đã bị “cuốn đi” rồi kia mà. Sự tình kể cũng đã xong một nửa; chỉ còn đổi hướng “đi” và cho nó đi nốt, mấy bước nữa về phía kẻ nghèo. Tuy nhiên, sự việc ra sao, chúng tôi chẳng dám nói chắc. Chỉ có điều là trong giấy má của ông giám mục thấy có ghi mấy chữ hơi khó hiểu, có lẽ có liên quan đến việc này, xem chữ nghĩa thì như sau: Vấn đề là phải xem cái đó nên đưa về nhà thờ hay về bệnh viện.