Thằng Linh cảm thấy rất rõ nó đã thoát ra khỏi một trại giam thật sự. Ở đấy giống như một ốc đảo, tách bạch hẳn với thế giới tự do của loài người. Trên cái ốc đảo ấy, bọn nó giống như một đàn bò. Sáng ra, đi làm, có lính mang súng đi kèm. Tối lại, tất cả được dồn vào trong từng dãy nhà có tường xây cao, mỗi đứa tự tìm lấy một chỗ thích hợp. Ở đấy luôn có những cuộc cãi vã, đánh nhau, vỡ đầu mẻ trán, gãy răng, bằm mặt…. Những đứa trẻ không biết sợ chết. Đối với chúng nó, cái chết dường như sung sướng hơn cuộc sống. Không ít người nghĩ rằng những đứa trẻ này đã mất tính người. Thằng Linh lại nghĩ khác. Mỗi đứa bạn tù với nó đều có một trái tim hãy còn biết rung động, còn biết yêu thương. Đêm đêm nằm bên nhau, xen trong những câu chửi, lời thề tục tĩu, mất dạy làm nó đến khó chịu, là những lời tâm tình lắng xuống đầy xúc động, của những đứa trẻ ấy, nỗi nhớ nhà, nhớ quê, ở đấy có thể là một túp lều tranh tồi tàn trong hẻm tối, là chân một cây cầu thang, một gầm cầu…. Và trong những “căn nhà” ấy chúng vẫn cảm được, nó là cái tổ ấm của gia đình: một bà mẹ, đói khổ lam lũ, đánh nó như để trả thù đời đã làm bà cực nhọc. Nhưng sau đó bao giờ cũng nghe rất rõ, tiếng khóc xót thương và nỗi trăn trở giày vò của mẹ. Một ông bố dữ hơn trâu rừng…Nhưng khi tỉnh rượu bao giờ ông cũng ôm con vào lòng và nước mắt rưng rưng…Mỗi đứa một tổ ấm. Dù là rách nát đến đâu, chúng vẫn nhận ra sau những cơn lửa giận là những tấm lòng. Chúng khao khát những tấm lòng như thế. Thằng Linh thương bạn bè nó thật sự. Nó nghĩ một cách chắc chắn rằng, nó ra đi lần này là vĩnh viễn. Không còn dịp nào để nó trở lại cái nơi tận cùng của khổ ải và cũng là nơi ghi đậm trong tâm hồn nó những kỹ niệm đẹp đẽ, những kỷ niệm không thể phai mờ. Thằng Hòa rơm rớm nước mắt, nắm tay nó căn dặn: - Cậu nhớ tớ nhé. Tớ được ra, nhất định tớ sẽ đến cậu chơi. Bảy thẹo ngồi một chỗ, buồn thiu. Nó nghĩ đến cảnh một con chim đã sổ lồng và bầy chim còn lại vẫn đập cánh mãi trong khung sắc kín bưng. Hoàn toàn nó không có ý ghen tị với thằng Linh. Nó nghĩ về thân phận nó: bảy năm nữa! Dài quá cho một khoảng thời gian chờ đợi tự do. Nhưng đến ngày ấy nó sẽ về đâu? Bố hy sinh ở Điện Biên Phủ. Mẹ chết vì bệnh lao. Anh em ly tán mỗi người mỗi phương. Lần đầu tiên nó biết phục một đứa. Đứa ấy là thằng Linh. Bây giờ nó đã hiểu trên đời còn một thứ tình bạn. Ba tuổi mẹ chết, nó đã sống cô độc. Bảy tuổi bỏ nhà đi bơ vơ. Và cho đến hôm nay mười sáu tuổi, lần đầu tiên nó muốn gần gủi với thằng Linh, tâm tình những chuyện sâu kín và bịn rịn khi chia tay. Nó đứng dậy, dáng nặng nề, bước tới chỗ thằng Linh: - Mày về nhé….hai đứa đã uống máu ăn thề… Mày nhớ đừng quên tao, …. - Tớ sẽ thư cho cậu luôn. Cả trại đứng nhìn theo thằng Linh và ai cũng nghĩ, thế là từ nay chúng nó mất đi một người bạn thân thiết… Linh trở về trong một tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Nỗi vui được trở về với mẹ, với em không át được nỗi xấu hổ, tủi nhục của một kẻ ăn cắp, một tên tù ra trại. Nó cúi đầu bước đi lặng lẽ, thui thủi. Không hiểu người ta khinh rẻ nó như thế nào. Có người nào hiểu nó và thông cảm cho nó? Con số ấy chắc không nhiều. Ngay cả mẹ Trang, trong một lần viết thư cho nó cũng khuyên nó ăn năn hối cải, chịu khó cải tạo lao động cho thật tốt, chấm dứt con đường cũ. Nó im lặng dấu nỗi buồn suốt một tuần lễ. Cũng phải thôi – nó nghĩ - mẹ nó có thể thương nó và quí nó, nhưng tin nó lại là việc khác. Giữa nhà nước, người đang giữ cán cân công lý và nó, một đứa trẻ, tất nhiên, dù là ai khi đặt niềm tin cũng đều phải lựa chọn...Bố nó thì không bao giờ cần sự lựa chọn, bởi chính quyền, chính là ông. Không hiểu ông nghĩ về nó như thế nào. Đối với người bố dượng kín đáo này, có lúc nó nghĩ ông là người tốt thật sự, nhưng cũng không ít lần nó gặp cái nhìn của ông như thù hận, như căm ghét….Những lúc ấy nó nghĩ, chắc ông đang bực mẹ nó hay ông giận chính nó. Thật oan cho nó, bởi nó có làm gì để ông giận đâu. Và, tại sao bác giám đốc trại lại hỏi nó: “…tại sao bố cháu cứ ngần ngại xin cháu về?” Bố nó đã tin chắc chắn nó là thằng ăn cắp, đánh người gây thương tích. Nếu không, bố nó đã xin cho nó ra…Nhưng dù sao, nó cũng được ra sớm một năm. Việc này chắc có ý kiến của bố nó. Có nhẽ đấy là điều an ủi nó. Bây giờ ký ức lại đưa nó trở lại hình ảnh bác Phương, bạn của bố Công nó, hiện là đại tá, đang ở chiến trường miền Nam. Ông đã lần đến trại thăm nó trong lần ông ra họp ở Bộ Quốc Phòng. Hôm ấy, thoáng nhận ra ông từ trên chiếc xe com-măng-ca biển đỏ bước xuống, nó đã chạy ùa đến ôm lấy ông và khóc, mặc dù kỷ luật trại không bao giờ cho phép phạm nhân đến gần một ai. Nó cũng không hiểu vì sao tình cảm của nó với ông lại sâu nặng đến thế, mặc dù nó chỉ gặp ông lần này là lần thứ ba. Trong tiềm thức của nó, ông với bố Công của nó là một. Phải cứng rắn lên, cháu. Làm thằng con trai là không bao giờ được khóc. Ông ôm lấy nó, vò đầu nó, và động viên nó bằng những lời khuyên chân tình như thế. - Cháu không ăn cắp bác ạ. …Nó ngẩng mặt lên và bắt gặp đôi mắt ông đang đỏ và có ngấn nước. - Bác tin cháu cũng như bác tin bố cháu. Nhưng bác chưa làm gì được cho cháu cũng như bố cháu. Bởi lòng tin của bác đối với hai bố con cháu là cảm tính, nghĩa là chúng xuất phát từ con tim, từ chỗ này đây (ông đưa bàn tay to lớn áp lên ngực ông, nơi phía trái). Nhưng nhà nước chính quyền thì lại không thể dùng trái tim làm thước đo cho mọi điều phải trái. … - Người ta vu khống cho cháu - Phải có thời gian để xác minh điều ấy. Nhưng trước khi làm sáng tỏ mọi việc, cháu đành phải chấp nhận cái hiện tại này đã. Đừng buồn cháu ạ. Con người có lương tâm, cháu nên sống với lương tâm trong sạch của cháu. Và như vậy, bác tin cháu sẽ thanh thản. Trước khi vào lại với Trường Sơn, ông có viết thư cho một vài nơi. Những nơi ấy đều làm theo yêu cầu của ông, nghĩa là đến tận trại giam để hỏi cho sáng tỏ mọi việc. Và ông, từ trong chiến trường lại được nhận những lá thư không có gì là sáng sủa sau gần một năm. Bốn tháng sau thằng Linh về đến làng….Nhiều xã viên đang gặt lúa bỗng đứng bật lên nhìn chằm chằm về phía nó, nó có cảm giác như họ đang nhìn một con vật kỳ lạ. Vốn nhạy cảm, nó đau xót nhận ra rằng, họ đang bàn luận về nó, chắc chẳng đẹp đẽ gì. Nhưng biết làm sao bịt được miệng thế gian. Bác Phương đại tá kia mà cũng không sao thanh minh được cho nó, thì nó còn biết hy vọng vào ai nữa. Đành phải nuốt nhục mà hy vọng vào tình cảm của hai đứa em vậy. Nó tin cu Nhân và cái Oanh sẽ thương nó, tin nó là thằng anh đã hết lòng với chúng nó. Hai đứa thế nào cũng mừng lắm, không khéo chúng còn ôm nó mà khóc. Nhưng đấy chỉ là tưởng tượng của nó mà thôi. Khí nó về đến cổng thì cái Oanh, cu Nhân chạy xô ra, dừng lại trước nó vài bước chân, sửng sờ, đứa nào cũng như ngượng ngùng. Khi nó chạy xô lại, cu Nhân hốt hoảng lùi ra như sợ một kẻ ăn cắp. Rồi đột nhiên cả hai đứa vùng chạy vào nhà. - Mẹ ơi, anh Linh về. Trang chạy bổ ra, đứng sững trước thằng con riêng, bối rối, cuốn quýt mừng rỡ, vừa xấu hổ, ngượng ngùng với cái đám người lớn bé. Chị ghành lấy cái túi du lịch nặng trịch, vừa nắm tay thằng Linh dẫn vào nhà như sợ người ta lôi nó vào trại nữa vậy. - Thôi, các người về đi! Có gì mà kéo nhau đến đông thế này. Nó là thằng con tôi, chứ có phải… Chị định nói một câu thật độc, nhưng vốn hiền lành, chị sợ mình ác. Chị ném cái túi xuống nền nhà và quay lại nhìn con: - Mẹ không ngờ, con khỏe mạnh và cao lớn thế này. Con bằng bố con rồi đấy. Thằng Linh sung sướng và nghĩ đến bố Công của nó, Còn cu Nhân và cái Oanh lại nghĩ về bố Thuật. Mỗi đứa đều hướng về một niềm vui riêng, rất trong sáng, rất tự hào. - Ở đấy ăn uống khá lắm phải không con? Mẹ nghe bố con khen lắm… - Cơm và rau muống luộc chứ có gì mà khá hả mẹ. Họa hoằn mới có tí măng xào chay… - Không thịt cá gì sao con? - Ngày tết, ngày Quốc Khánh thì mới có thêm ít lát thịt. Bọn con ăn cái gì không thấy ngon. Đói mà mẹ. Sức chúng con mà ăn bữa hai bát cơm, thì nuốt vào đã thấy đói ngay. Phải tống thật nhiều lau muống luộc vào mới đỡ cồn ruột. Làm quần quặc, mau đói lắm, mẹ ạ. May mà rau muống chúng con trồng được, không đến nỗi thiếu. Có bữa đói quá, phải nhổ trộm su hào, giấu trong quần, tối về mà gặm. - Ăn uống thế sao con? - Vâng, ăn gì cũng thấy ngon mẹ ạ? - Khổ thân con tôi. Thế mà bố con lại nói với mẹ… - Thì người ta báo cáo với bố là phải hay rồi. Thậm chí nhà nước còn tặng cho trại con huân chương nữa thì sao? - Mẹ chẳng hiểu gì cả? - Có gì mà mẹ không hiểu. Ai nói giỏi thì người ấy được. Mẹ thấy đấy, có cơ quan nào lại không có bộ phận tuyên truyền. Được cũng do mấy ông này, mất cũng tại mấy ông này. Chỉ khổ mấy anh thật thà vụng nói mà thôi. Lâu nay Trang đã đứng bên lề xã hội để nhìn đời qua nhiều lăng kính khác nhau: khi là Thuật, khi là đại tá Phương và bây giờ là thằng con trai của chị. - Bố con đâu hả mẹ.? - Bố con lên tỉnh rồi, con biết chưa? Dạo này bố con bận lắm. Cả tuần đôi khi về nhà được vài lần. Thằng Linh nghe trong câu trách của mẹ nó có niềm kiêu hãnh của một người vợ. Nó không trách mẹ nó, nhưng từ ngày nó nhận ra Thuật là bố dượng, gặp những lúc như thế này nó hay tủi thân. Nó nghĩ dường như mẹ đã quên bố Công của nó. Trước đây, nó hiểu mẹ nó yêu thương bố Công nó lắm. Nó lặng lẽ rút khỏi tay mẹ nó và sà vào cái túi du lịch, mở cái dây chuối cột ngang – thay cho phec-mo-tuya hỏng – lục tìm cho em nó những món quà mà khi còn trong trại nó đã làm. Một con chim chèo bẻo bằng rể cây sắn. Một khẩu súng bằng ống trúc ghép và có cò súng. Khi bóp cò, nghe cả tiếng đạn nổ, một con búp bê bằng đất sét, sơn màu hồng, có cả quần áo và mái tóc nâu. - Anh mua ở đâu thế này, anh Linh? Cái Oanh đầy sung sướng hỏi. - Anh làm đấy! Linh vừa trao cho em từng món quà, vừa tự hào đáp. - Khổ, nhà thiếu gì đồ chơi, con còn tha những thứ ấy về cho nhọc xác. Đang trong không khí của một gia đình đoàn tụ, câu nói của mẹ nó như gáo nước lạnh tạt vào ngọn lửa tình cảm đang dâng trào trong nó. Nó im lặng, nghĩ ngợi: - Thôi, con đi tắm giặt, thay quần áo. Trang đứng dậy vào tủ lấy ra một bộ quần áo mà chị đã mua trong lần ra Hà Nội vừa rồi. - Quần áo của con đây. Ngắn mất rồi. Khổ quá, mẹ đâu có ngờ, con lớn nhanh thế này. Thôi con mặc tạm, mẹ sẽ mua cho con bộ khác. Đôi mắt Trang đang vui bỗng lặng lẽ. Bây giờ, nó lại thấy mẹ thương nó thật sự. Nó ân hận đã có ý nghĩ không hay về mẹ nó. - Thôi, con mặc sao cũng được mẹ ạ. - Rồi con còn phải đi học nữa chứ…không khéo con quên hết chữ rồi. Khổ thân con tôi. - Không đâu mẹ ạ. Con học xong lớp mười rồi. - Trang nghệch mặt ra, đôi mắt tròn xoe như mắt chim câu, ngơ ngác nhìn đôi mắt như đùa của thằng con. - Con nói gì, mẹ không hiểu. - Thật đấy mẹ ạ. Con nhờ các chú mua sách vở và con tự học. Trang lắc đầu: - Học không có thầy giáo mà sao gọi là học được hả con. Khổ con tôi, ngây thơ quá đỗi. - Đây, cái giấy chứng nhận học lực của các chú ở trại của con. Nó chìa ra trước mẹ nó một tờ giấy có khuôn dấu hẳn hoi. Một dấu của trưởng trại, một dấu của trường bổ túc địa phương. - Thế con đi học ở trường bổ túc à? - Không mẹ ạ. Con chỉ xin được thi dự thính thôi. Nhưng con làm bài trúng hết. Chỉ có con là đạt điểm cao nhất, còn hầu hết ở mức trung bình chiếu cố. - Sao gọi là trung bình chiếu cố? - Không chiếu cố thì không đạt. …phải học lại. Buồn cười lắm mẹ ạ. Trường con ở đây, thi là phải trật tự, im như thóc, đố đứa nào dám ho he, thế mà ở đấy, các chú các cô cứ hỏi ríu rít, lại còn vặc nhau nữa… - Thôi, thông cảm cho các cô, các chú… lớn tuổi rồi. Bố Thuật con cũng thế thôi. Bây giờ con vào lớp gì nữa? - Con xin thi vào đại học. Một lần nữa Trang lại ngơ ngác. - Mẹ vẫn chưa tin ư? - Vào đại học khó lắm, con ạ.?Mẹ chưa bao giờ nghĩ tới, mẹ chỉ mong con ra trại, nhờ bố xin con vào lại lớp tám. Thế là mẹ mừng lắm rồi. - Ở trong trại đêm xuống làm gì mà không học hả mẹ, bọn chúng nó chơi, bọn chúng nó ngủ. Con thích chơi cái gì cả, ngủ thì lại quá sớm. Thế là con học, bao nhiều tiền bố, bác Phương cho con mua sách hết. Con còn nuôi được gà đẻ bán nữa đấy mẹ ạ. - Bố có cho tiền con. - Bố nói tiền mẹ gởi, thích ăn gì thì mua. Cứ ở cải tạo cho tốt, đừng nóng ruột muốn về là bị phạt đấy. - Mẹ biết bố cũng chạy lo cho con ra sớm. Nhưng bố con hay giữ ý. Làm lớn không nghiêm chỉnh, ai phục. Đấy, bác Ninh bí thư, vợ con thế nào, bây giờ người ta đồn thổi đủ thứ chuyện. Mất cả uy tín, bố con ghét ông ấy lắm…. - Sao thế mẹ? - Không gương mẫu, để mất uy tín lãnh đạo, chứ sao… Hôm nọ, họp thường vụ, bố con đã đấu cho ông ấy một trận rồi. - Phê bình chứ sao lại đấu, mẹ làm như đấu địa chủ, đấu tư sản không bằng. - Ừ, thì phê bình. Nhưng, mẹ nghĩ, phê bình là đấu với nhau chứ gì - Không phải đâu mẹ a. Phê bình là đối với ta. Còn đấu nhau, là với kẻ thù. Trang im lặng và thầm nghĩ rằng đứa con trai mình thật sự đã trưởng thành. Không hiểu sao, trong nỗi mừng chị vẫn thấy hồi hợp, lo sợ một điều gì đấy có thể sẽ xảy đến với nó nữa. … Việc đầu tiên chị phải lo là làm sao cho con vào lại trường, dù là lớp nào. Đời nó đã chịu nhiều thiệt thòi … Ngay cả tình mẹ, nhiều lúc nó cũng thiếu. Chị đã khóc bao nhiêu nước mắt vì ân hận. Những lúc tỉnh táo, nghĩ lại, chị không ngờ mình có thể ác với con mình như thế được. Bây giờ chị phải lo cho nó. Chị phải lên Hà Nội sắm cho con vài bộ quần áo, mua cho nó một cái cặp da. Hai em nó đều có cả, chẵng nhẽ để nó cắp vở trong tay. Còn thước, bút …nữa, để chỗ nào. Vở thì mua ngay ở phố chợ cũng được. Sau hôm đi Hà Nội về, chị chọn ngày thiệt tốt, đến gặp nhà trường. Vốn dân mua bán, chị hay kiêng cữ. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Mất mát gì đâu mà ngại. Và chị đã đi đến trường cấp ba, nơi hai năm trước nó đang học dỡ lớp tám gặp thẳng ông hiệu trưởng. Chị trình bày vòng vo, đưa cho ông xem chứng nhận học lực ở trại… và xin cho nó vào lớp mười. - Tôi xin đảm bảo với thầy, cháu nó học được, thậm chí sẽ khá nữa là khác…Cháu thông minh lắm, y hệt bố cháu từ bé. Trong cái đà đưa đẩy của mình, chị quên khuấy rằng chị đã nhỡ miệng. Chị đưa mắt thăm dò phản ứng ông hiệu trưởng. Dường như ông không để ý gì lắm câu chị vừa nói. Gương mặt ông vẫn không nóng không lạnh, đôi mắt ông vẫn chở nặng những suy tư. Duy chỉ có đôi môi ông hơi nhếch lên một tí và chị bắt gặp ở đấy một nụ cười nữa miệng. Sau cùng chị mới hiểu, ông là người đã từng dạy bổ túc cho Thuật. Hôm ấy, ông đã cố thuyết phục chị thông cảm cho nhà trường rằng không có nguyên tắc nào có thể dung nạp con chị vào trường cả, bởi một điều đơn giản, nó không có học bạ, không có bằng tốt nghiệp cấp hai. … - Cháu xong cấp hai rồi chứ ạ? - Vâng, nhưng trong hồ sơ không có bằng tốt nghiệp cấp II. - Chắc là lẫn lộn đâu đấy thôi. Tôi hứa với thầy tôi sẽ bắt nó tìm cho bằng ra ạ. Đây là nói cho hết nhẽ. Chứ nếu đã có bằng cấp II cháu nó cũng đã không vào lại trường. Bởi vì cháu bị bắt đi cải tạo, coi như cháu hư và đã bị nhà trường đuổi. - Khổ, nhưng cháu ham học lắm thầy ạ. Tội nghiệp thân cháu… - …. Tôi có thể lên phòng giáo dục trình bày được không ạ? - Tôi khuyên chị không nên làm mất thời giờ của các đồng chí ấy và thì giờ của chính chị. - Không còn cách nào khác để hy vọng sao thầy? Chị hỏi câu lơ lửng ấy hàm ý, nếu chồng chị can thiệp thì có kết quả gì không Nhưng chị đã nhận được câu trả lời rất cứng rắn, làm tan vỡ quyết tâm của chị. - Không có cách nào khác đâu chị à? Bây giờ chị hiểu con đường vào đại học của thằng Linh là con đường dẫn vào lô cốt. Cứng lắm, chỉ có vỡ đầu thôi, nếu ai muốn hút vào nó. Chị trở về nhà và an ủi con: - Hay con xin học trở lại lớp 7 vậy. Thằng Linh đứng im, nó cuối xuống, đôi mắt mệt mỏi, khổ tâm. Nó buồn, buồn lắm. Hơn ai hết, chị hiểu, nỗi lòng của nó. Nó giống hệt bố Công nhà nó, thông minh cực kỳ và ham học cực kỳ. Nhưng biết làm sao bây giờ. Chi thương cho số phận cuộc đời nó. Rồi nó lại khổ….như bố no. Chị nghĩ đến đây chị đã bải hoải tay chân, tự trách mình, người làm mẹ sao nỡ nghĩ ác như thế. - Thôi, cũng được mẹ ạ. Được đi học dù sao cũng còn hơn ở nhà. Thằng Linh chấp nhận cái điều mà nó cho là nhục nhã nhất để cho mẹ nó đỡ buồn. Hôm sau chị lại dẫn con đến gặp đồng chí hiệu trưởng ở trường cấp II. Đấy là một người đàn ông gầy gò, có cặp mắt sâu và hiền. Ông kéo ghế mời hai mẹ con chị rất cung kính, lễ phép. Tay ông pha trà, rót nước mời cả chị lẫn thằng Linh. Cử chỉ ấy cho phép chị hy vọng sẽ gặp điều tốt lành hơn. Chị nhấp tí nước trà như để lấy giọng và trình bày dài dòng về hoàn cảnh của thằng con, về tính nét và về học lực mà chị biết chính ông còn hiểu rõ hơn chị. Cuối cùng chị năn nỉ ông xin cho nó học lại lớp 7 Ông hiệu trưởng nhìn thằng Linh một thoáng như chưa hiểu chị đang muốn nói gì. - Ý chị muốn cháu… - Vâng, tôi muốn xin cho cháu vào lại lớp bảy ạ....Vì hoàn cảnh…. cháu phải chịu thiệt thòi…. - Vâng, việc này chị để chúng tôi bàn bạc thêm trong ban giám hiệu. Phải tập thể chị ạ. Phải có ý kiến đồng chí hiệu phó bí thư chi bộ, và đồng chí hiệu phó phụ trách công đoàn. Mong chị thông cảm cho tôi. Qủa tình tôi rất kính trọng anh chị. Anh chị là người gương mẫu nghiêm túc, không nể trọng anh chị thì nể trọng ai. Nhưng càng nể trọng anh, chúng tôi càng hết sức giữ gìn…Giáo dục có những nguyên tắc tối thiểu của nó chị ạ. Chị xem, cháu nó lớn bằng chúng tôi, bằng các thầy cô của nó rồi mà vào học lớp bảy với những con em cao bằng này, bằng này, làm sao được… - Nghĩa là… - Vâng, khó khắn lắm, chị ạ. Chúng tôi không tiếc gì một chỗ ngồi cho cháu đâu. Nhưng chị thông cảm…Hay là ….Có cách nào giúp cháu được không anh? - Chị thử xin cho cháu vào lớp bổ túc ban đêm. Phải đấy, học chung với các cô các chú cháu lại trở thành đứa con. Còn học với trẻ con, cháu lại trở thành người lớn. Nó sẽ ngượng nếu phải học chung với các em của nó, chị ạ. Và quay sang thằng Linh, ông hỏi: - Ý em thế nào? Thầy nói thế nghe có phải không? - Dạ thưa thầy. Em sao cũng được. - Thế thì tôi sẽ giúp chị. Em về làm đơn… Thuật trở lại nhà sau gần một tuần đi vắng. Gặp lại thằng Linh anh hơi sửng sốt, tất nhiên không ai để ý đến cái sửng sốt của anh. Anh dừng lại trước nó một tí, đôi mày hơi xòe ra một tí, và một tí ngỡ ngàng không ra vui cũng không ra buồn động ở hai khóe môi hơi dày của anh. Và sau đó anh lắp ngay cái sự sửng sốt của mình bằng một cử chỉ hết sức tự nhiên: vo tròn cặp môi lại, đôi mắt lóe lên một tí vui mừng… - Con về bao giờ mà không cho bố hay, bố cho xe đi đón? Đến lượt thằng Linh lúng túng. Không hiểu từ bao giờ giữa nó và người bố dượng này, dường như có một cái gì đấy, thật khó nói, những rõ ràng có làm cho nó e ngại hơn trước, ít muốn tiếp xúc hơn trước. Cũng may hôm ấy có Trang, chị đỡ lời con trai: - Nó về được gần tuần. Đúng, hôm anh đi buổi sáng, buổi chiều con về. - May cho con bộ quần áo đàng hoàng, sao em cho con mặc cũn cỡn thế này. - Em đâu có ngờ nó lớn nhanh như thế. Nó cao gần bằng bố… anh rồi đấy. Không phải Thuật không kịp nhận ra cái sự nhầm lẫn của vợ. Nhưng anh vẫn giữ được cái sự vui vẽ bình thường trên gương mặt. Gật đầu như đồng tình với vợ, anh nói: - Phải, phải. Anh còn không nhận ra nó nữa là em. Em thấy không? Trại cải tạo của ta đâu phải là nhà tù. Nó là nơi đào tạo, giáo dục rất tốt cho những đứa trẻ… thiếu sự chăm sóc chu đáo. Trang không giận gì chồng. Ngược lại, lần này chị bắt gặp ở chồng sự đồng cảm đối với thằng con riêng của mình. Điều ấy làm Trang có phần nể trọng anh. Và trong cái không khí vui chung ấy, chị đã bộc bạch với chồng: - Anh biết không, con nó đã học xong chương trình mười rồi đấy! - Làm gì có chuyện như thế. Thuật ngạc nhiên thật sự. Và khi anh hiểu ra sự quyết tâm của đứa con riêng thông minh này, anh cảm thấy nhói lên một thứ tình cảm khác lạ, nó gần như là nỗi ghen ghét đến khó chịu, đến tức tối. Anh không hiểu vì sao, hai đứa con của mình, không đứa nào học hành ra gì cả. Thằng Nhân xếp hạng 32 trong xỉ số 40. Cái Oanh “đứng” số 40 trong sỉ số 52. Thậm chí nhiều người còn nói đấy là nhà trường nể anh, nếu không thì… Anh không hiểu, nếu sòng phẳng thì chúng nó sẽ như thế nào? Có lần anh định tỏ rõ thái độ của mình cho các đồng chí địa phương biết rằng, các đồng chí ở nhà trường này dạy theo một phương hướng tư sản rất nguy hiểm. Anh đã huấn thị cho nhiều nơi, nhiều đơn vị, cơ quan trong tỉnh anh luôn coi trọng lập trường giai cấp: từ yêu ghét vạn vật trên thế gian này đến việc dạy và học. Phải ưu tiên con em giai cấp công nông. Phải cương quyết loại khỏi mái trường Công – Nông những phần tử của giai cấp tư sản, địa chủ, phú nông, những loại bóc lộc và phản động. Chị đã thật thà khuyên anh. - Không phải thế đâu, anh ạ. Đừng nghĩ thế oan cho người ta… - Chẳng nhẽ con chúng ta lại học hành tồi tệ đến thế ư? Tay hiệu trưởng vốn là con cháu của một tay phú nông đấy, em ạ. Nó căm thù chúng ta lắm. Nó không làm gì được anh và em, nó trả thù con chúng ta đấy thôi. - Em thấy bác ấy cũng tử tế lắm, anh ạ. - Tử tế… tử tế ngoài miệng…Đạo đức giả tất. Ông suy…ông biết tất…Không thể như thế được! Đêm ấy nằm nghĩ lại, càng nghĩ anh càng hận. Đời ta, học hành chẳng ra gì. Hồi bé đi học hết cái lớp nhì không sao lên nổi nữa. Cuối cùng phải ôm hận trở về cày ruộng cho bà cô. Lớn lên đi công tác, học bổ túc, nhờ chiếu cố anh cũng trèo lên được lớp bảy. Anh cũng học qua mấy lớp trường đảng. Được cái nhờ anh em kèm cập, giúp đỡ tận tình. Giờ đến lượt con anh. Hình như học hành cũng có cái gien thế nào ấy. Cái thằng Linh, con thằng Công năm nào nó cũng đứng nhất nhì… Vào tù mà vẫn học được hai năm ba lớp. Đáng nhẽ anh giận chính anh và con cái ánh, ngược lại anh lại ghen ghét và bực tức thằng Linh. Không hiểu tại sao, mỗi lần nhìn thấy nó, hoặc thậm chí nghe nhắc đến tên nó là anh thấy sôi lòng lên, nỗi khó chịu làm anh cứ muốn nhanh chóng tống nó đi đâu cho khuất mắt. Nhưng qua đi giây phút ấy, bao giờ anh cũng biết điều chỉnh ngay mình. Anh vẫn tỏ cho vợ anh biết anh rất quí thằng Linh. Thậm chí có lúc anh còn ân cần lo lắng cho nó. Và một lần, trước sự ân cần của anh, chị tâm sự. _ Thằng Linh đang gặp khó khăn, anh ạ. - Sao em? Anh vui vẻ hỏi, như sẵn sàng chia sẻ nỗi khó khăn của con riêng chị. - Em muốn nó học lại một năm lớp mười để thi vào trường đại học cho chắc. Nhưng không sao xin được. Em lên tận trường cấp ba trên tỉnh, người ta vẫn không chịu nhận. - Em xin nó học lại lớp bảy, bác hiệu trưởng nói nó quá tuổi rồi. Bây giờ chỉ có xin vào bổ túc ban đêm. Nhưng bổ túc dạo này chưa mở lớp mười. Họ chỉ mở đến lớp bảy thôi, anh ạ. - Được, để anh xem. - Có gì anh nói cho con một tiếng. Một tiếng nói của anh bằng nghìn lời cầu xin của em. - Thôi, em yên tâm, để anh lo cho - Thật anh nhé.. Đêm ấy, lần đầu tiên trong quan hệ vợ chồng, chị không dè dặt, hờ hững, chị ôm chặt anh trong sự biết ơn….