gười xưa có câu, "Nước lã mà vã nên hồ, tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan," không phải là không có lý. Xét về phương diện nhận thức để thăng tiến cuộc đời, con người chỉ cần một yếu tố tiên quyết đó là sự mở rộng tâm hồn để nhận biết mình, dùng sự nhận thức này làm căn bản tu thân, và chọn đường hướng đạt tới lý tưởng đã chọn. Người xưa đã sống; chúng ta đang thực hành một phần nào đó những nguyên tắc này nhưng không để ý do đó được gọi là Đạo Bình Thường. Đạo Bình Thường không đòi hỏi con người phải cắt bỏ căn tính của mình để trốn tránh cuộc đời nhưng trái lại, càng nhận ra bản chất con người của mình bao nhiêu, mình càng có thể thông cảm với người khác bấy nhiêu để nhập thế, hòa mình với đời, với người trong hành trình thâu tóm mục đích. Đạo Bình Thường không tìm cách xóa bỏ hoặc chạy trốn những thử thách cuộc đời với hy vọng có cuộc sống dễ thở, thoải mái hơn mà đối diện với tất cả những biến chuyển để rồi nhận định giá trị đồng thời chấp nhận hay không cho phép những rắc rối cuộc đời ảnh hưởng tới mình. Như vậy Đạo Bình Thường không đòi hỏi diệt dục bởi con người quí nhất là sự tự do, nếu đã không có tham sân si làm sao có dục; không có dục đâu cần tự do chọn lựa; vả lại, muốn diệt dục thì đã dục; mà không có dục lại giống như loài gỗ đá vô tri vô giác, bị đòn không biết đau, gặp nỗi thống khổ không thương cảm. Kinh nghiệm sống cho thấy, chỉ khi nào ăn không biết ngon, nhìn cảnh đẹp không dậy được niềm cảm ứng, không nhận ra giá trị cuộc đời mới có thể hết dục, tức là đã chết. Cũng thế, Đạo Bình Thường không cần điều kiện vô vi mà lại cần mục đích cuộc đời làm bạn đồng hành giúp năng lực sống. Thử xét, một người sống không có mục đích, không ham muốn bất cứ gì thì cũng chỉ như "người Kitô hữu" của Lin Yutang trong cuốn The Importance of Living; (1951) Nguyễn Hiến Lê dịch: Một Quan Niệm Sống Đẹp; đại ý: người không biết thưởng thức vẻ bao la, hùng vĩ, và muôn dạng của thiên nhiên, sự thay đổi của thời tiết đem lại cảnh sắc đẹp đẽ thơ mộng thì có được thưởng tới chốn tuyệt đỉnh thiên đàng cũng cảm thấy chán ngắt bởi giỏi lắm thì thiên đàng chỉ có một mùa, không chi thay đổi. Dĩ nhiên, mục đích của một người có thể là tốt, có thể là xấu. Xét về giá trị làm đẹp cuộc đời, một người sống sao hữu ích cho nhân quần xã hội, hai chữ "mục đích" ở đây được giới hạn trong ý nghĩa sống vươn lên với những tâm tình hướng thượng. Từ chủ đích này, Đạo Bình Thường trước tiên cần tự nhận biết bản chất thực sự con người.Ai không nhận ra: "Ăn mày là ai, ăn mày là ta. Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày." Con người là chốn hội tụ của tất cả những biến động, thay đổi, thánh thiện tốt lành cũng như tội lỗi xấu xa, những ý hướng cao vời hoặc tâm tình yếu hèn nhơ bẩn; có thể nói, một người vừa là một vị thánh cũng vừa là một con người ươn hèn, đê tiện sống chung trong một thân xác nếu dám chân thành nhìn ngay thẳng tận đáy lòng mình. Nhưng ít nhất con người có khả năng nhận ra những điều đó đồng thời có tự do, một đặc ân của Thượng Đế ban cho mà chính Ngài cũng tôn trọng, để chọn lựa, quyết định mình sẽ trở nên như thế nào tùy thuộc ý muốn của mình. Khả năng nhận định và sự tự do chọn lựa này chẳng những phân định ranh giới giữa con người và các loài cầm thú mà còn giúp con người nhận ra giá trị cuộc sống, hồng ân sự sống, đồng thời tạo dựng giá trị riêng cho cuộc đời mình. Thế nên "Ngọn đèn được tỏ trước khêu bởi mình;" những quyết định, sự thăng tiến cũng như lối sống ảnh hưởng mình trước tiên theo sự thực hành mình chọn.Ngoài ra, con người còn bao gồm những tính chất lẩm cẩm lỉnh kỉnh đối nghịch nhiều khi gây nên hành động tương phản với chính bản thân hoặc quan niệm hay lý tưởng đang theo đuổi. Chẳng hạn, ai không nhận thức được nóng giận mang nhiều điều thiệt hại; thế nhưng ai đã không một lần: "Ngờ đâu quá giận mất khôn, khi vui đã vậy khi buồn làm sao." Ai chưa bao giờ muốn được người khác để ý đôi khi đến nỗi trở thành "Người vụng đan thúng giữa đường;" hoặc dù cho ở vị thế nào, ai chẳng có lúc nhận ra mình bị ở trong vị thế dở khóc dở cười: "Lỡ quan lỡ lính lỡ làng, lỡ bề dân giả lỡ hàng công danh." Những tính chất lẩm cẩm đối nghịch ấy đôi khi còn trở nên quá tệ có thể so sánh với trường hợp "Bán ruộng nhà kiện ruộng chùa"... hoặc có thể chân thành mà nói như Phaolô tự thú trong Kinh Thánh: "Vì điều tôi muốn, tôi không thi hành, nhưng tôi lại làm chính điều tôi khinh ghét;" (Kinh Thánh; Roma 7: 15b). Hơn nữa, thử hỏi ai không có tật xấu nào đó dù nhỏ mọn đến đâu và cảm thấy tự xấu hổ vì biết bao năm tháng ngày giờ cố chừa sửa nhưng chứng nào vẫn tật nấy, vô phương trị liệu?Mở rộng tâm hồn để nhìn lại xem thực sự mình như thế nào, những điều tốt lành, những cá tính chẳng nên có ra sao, ai cũng có thể thực hiện được. Từ khởi điểm nhận biết bản thân và kinh nghiệm về những lẩm cẩm vô phương cứu chữa nơi kiếp nhân sinh dẫn đến sự chấp nhận chính mình và tìm cách vươn lên, cổ nhân nhẹ nhàng: "Ai ơi chớ vội cười nhau, ngắm mình cho tỏ trước sau hãy cười." Qua kinh nghiệm "ngắm mình cho tỏ trước sau" một điều hiển nhiên được nhận thức đó là sự đối xử, thái độ của người khác đối với mình có thể là phản ảnh chính thái độ của mình. Người khác là chiếc gương mà mình đang soi; nếu nhìn thấy những điều tốt lành nơi kẻ khác, mình là người tốt, và nếu chỉ nhìn thấy những điều không nên không phải nơi họ, mình có thể là kẻ chẳng ra gì. Bởi vậy, nào có lạ chi, "Ai ơi xin chớ cười nhau, cười người hôm trước, hôm sau người cười." Thế nên, có thể rằng "Trách người một trách ta mười, bởi ta bạc trước cho người tệ sau."Ai cũng chỉ là người nên mang những tính chất căn bản người giống nhau: khó hài lòng với thực tại "Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe, trần có vui sao chẳng cười khì" (Nguyễn Công Trứ). Mặc dầu không ai giống ai tùy theo hoàn cảnh, vị thế, nhưng tựu trung, tính chất người luôn luôn gặp lỗi lầm và khó chừa sửa là chuyện bình thường vẫn đeo theo: "Thay quần thay áo thay hơi, thay dáng, thay dấp, nhưng người khôn thay." Thế nên sự khác biệt đáng phục nhất nơi con người là do sự nhận biết mình, chấp nhận, tha thứ cho chính mình, và cố gắng sống vươn lên hay không. Tâm tính, thái độ, lối sống một người tùy thuộc rất nhiều vào sự nhận thức này. Dĩ nhiên, nhận thức được mình thế nào là bước căn bản; phương cách nào nên theo để tạo giá trị cuộc đời đạt tới lý tưởng mình mong ước giữ vai trò quan trọng không kém cặp đường rầy dẫn những toa tàu qua các trạm. Tuy nhiên, bởi khó ai có thể hài lòng với chính mình nên dẫu thế nào chăng nữa, cũng không thể nào có được một đường hướng tuyệt vời cho mọi cá nhân khác biệt noi theo. Vấn đề còn lại tùy thuộc sự nhận thức bản chất từng người.Kinh nghiệm sống cho thấy, "Có bột mới gột nên hồ;" nên lý tưởng, chí hướng là căn bản điều khiển tất cả hành vi và lẽ sống một người. Lý tưởng, chí hướng lại được tạo thành bởi những nhận thức từ thực tại cuộc sống có thể do những bất công dấy động tâm hồn hướng thượng tìm cách nâng cao cuộc đời, hoặc những gương sáng nơi người đồng thời hay do tiền nhân để lại. Cũng thế, trải qua bao thời gian, những châm ngôn luân lý sống, lời hay ý đẹp được khuôn đúc do kinh nghiệm thực tiễn nơi cuộc đời là gia tài nhân bản người xưa để lại đáng cho hậu thế noi theo: "Muốn may thì phải có kim, muốn hay thì ắt phải tìm người xưa." Những khuôn vàng thước ngọc khuyến khích con người sống đức độ, nhân nghĩa, cần mẫn, khó nghèo v.v... không thể bỏ qua nếu một người thực sự mang ước vọng làm đẹp cuộc đời chẳng những cho mình mà còn cho người khác. Những khuôn thước luân lý này là mẫu mực tu thân, là đường lối cho một người giữ đạo làm người để từ đó nhận thức bản chất con người rồi mới đặt vấn đề xử thế bởi một trong những đặc tính của xử thế là tạo đức cho mình. Hơn nữa, xử thế còn đòi điều kiện suy tính thiệt hơn chứ không phản ứng vội vàng, nghĩ đến mục đích và giá trị cuộc đời chứ không thỏa mãn sự bất mãn nhỏ nhoi để rồi "Giận con rận đốt cái áo."Không phải cứ đặt mục đích và cố gắng đạt tới là có thể thành công mà cần biết giới hạn mục đích cũng như tiến trình phải theo tùy thuộc năng lực, khả năng và điều kiện mình có thể thực hiện. Đã biết bao người cố gắng theo đuổi những mơ ước viễn vông đến nỗi tiêu hao ngày tháng cho thành quả mộng tưởng, "Đố ai lượm đá quăng trời, đan gầu tát biển, ghẹo người trong tranh." Dĩ nhiên, muốn thành công cần bền chí, kiên gan, "Làm thì làm cho trót, gọt thì gọt cho trơn," hoặc "Ai ơi đã quyết thì hành, đã đan thì lặn tròn vành mới thôi," với tâm tình nhẫn nại chăm chuyên "Ở như cây quế giữa rừng, cay không ai biết, ngọt đừng ai hay;" không khoe khoang khinh bạc: "Thổ công vườn hoang chê vua bếp lọ dầu;" bởi "Kém đạo đức ngôi cao là họa, thiếu trí khôn việc cả khó thành." Lẽ đương nhiên, "hữu xạ tự nhiên hương;" người kiên trì trước sau rồi cũng đạt điều ước vọng: "Thử đem ngọc tốt ngâm bùn, ngọc kia cũng vẫn trắng trong không mờ." Đàng khác, sự kiên trì nhẫn nại còn đòi hỏi một nhận thức đặc biệt về giá trị của sự phê bình hay ý kiến nơi người khác. "Được người thân ái phê bình, là ân sư đấy giúp mình sửa sai;" tuy nhiên, không thiếu gì lời ra bàn vô theo nhiều ý đồ khác nhau về một vấn đề... Thật ra, dù cho lời phê phán có sai thì ít nhất người nghe cũng có thêm câu trả lời theo khía cạnh mới, chẳng có chi thiệt hại bởi: "Người mà sợ tiếng phê bình, sao thấy khuyết điểm để mình sửa sai." Như vậy, càng kiên trì lại càng cần: "Làm người phải đắn phải đo, phải cân nặng nhẹ phải dò nông sâu." Thế nên: "Hơi đâu mà giận người dưng, bắt sao được cánh chim rừng nó bay;" và có nên chăng: "Điều lành thì nhớ, điều dở thì quên."Tóm lại, nhận biết và chấp nhận con người thực sự của mình, học hỏi nơi người xưa những kinh nghiệm sống hợp nhân bản và chọn một đường hướng sống vươn lên trong liên hệ xã hội sao cho "Ở cho phải phải phân phân, cây đa cậy thần, thần cậy cây đa;" đó là lối sống bình thường ai cũng có thể thực hiện. Nói cách khác, Đạo Bình Thường là lối sống hợp thời hợp cảnh "Đất có chỗ bồi chỗ lở, ngựa có con dở con hay; coi thì mà ở, chọn theo cỡ mà xài;" đồng thời chu toàn sứ mạng làm người hữu ích cho nhân quần xã hội không những khi sống mà còn để lại tiếng thơm cho hậu thế mai sau: "Người đời hữu tử hữu sanh, sống lo xứng phận thác dành tiếng thơm."