Tin Hương Việt Hương vào SG sống làm việc, gây hào hứng cho đám văn thi sĩ choai choai của chúng tôi hứng khởi. Hương Việt Hương hơn tôi hai tuổi, anh có vẻ chín chắn, trước đây anh sống và học ở Nha Trang. Anh thường xuyên viết truyện ngắn cho một vài tờ tuần báo ở SG. những tờ báo văn nghệ đối với chúng tôi hồi đó là những tờ báo có giá trị, có tầm vóc, nên người viết ở những tờ báo đó tất nhiên cũng được nể vì. Hương Việt Hương viết những truyện gắn có vẻ người lớn, những người đã trưởng thành, không còn cái vẻ văn nghệ học sinh như chúng tôi. Tôi báo tin Hương Việt Hương cho một số anh em, chúng tôi ngồi chờ anh ở căn gác xép, một lần Hương Việt Hương ở Nha Trang vào, anh đã tới nhà tôi nên không lạ gì căn gác này. Đúng giờ Hương Viêt Hương tới. Anh tươi cười, anh luôn có nụ cười trên môi, vui vẻ với mọi người. Việc đầu tiên là anh chào mẹ tôi, mang quà từ Nha Trang vào biếu bà, anh cũng gọi mẹ tôi bằng mẹ như hầu hết bạn bè tôi, nên bà rất vui vẻ: - Dù thế nào chăng nữa thì hôm nay con cũng ở lại nhà ăn bữa bún riêu cua, em nó có nói với mẹ hồi sáng. - Thưa vâng, con xin nghe lời mẹ, riêng các anh em hôm nay con không có quà riêng cho từng ngưòi thì con xin mời tất cả đi uống cà phê. Anh em chúng tôi vui mừng, mời Hương Việt Hương lên gác nói chuyện văn nghệ. Chúng tôi nói về truyện dài của anh đăng từng kỳ trên tờ văn nghệ tuần san, ghê chưa, Hương Việt Hương sắp thành nhà văn thực thụ rồi, anh được tờ báo mời viết và có trả nhuân bút đàng hoàng, và từ nay anh làm việc thường xuyên cho tờ báo đó. anh đã là văn sĩ rồi, không chỉ mơ làm văn sĩ như chúng tôi. Anh đổi bút hệu là Dương Nghiễm Mậu, nhiều năm liền anh thành công trong nghiệp văn với bút hiệu này. Trong những truyện ngắn truyện dài của anh đề cập tới những đề tài lớn, không phải những chuyện lặt vặt trong đời sống của tuổi trẻ. tôi nhớ một truyện ngắn có vách mặt một tay văn phiệt về cái Đàm Trường Viễn kiến của ông ta, nơi quy tụ đông những mầm non văn nghệ mỗi tối ngồi nghe ông nói chuyện văn chương, tâng bốc các học thức uyên bác của mình, nghe mà phát mệt. Tôi khoái chí truyện ngắn " người đội mũ " của anh. Buổi họp mặt bạn bè tại quán cà phê Gió Bắc thêm hào hứng, Dương Nghiễm Mậu nói với anh em: - Lần này vào đây tôi ở lại SG luôn, không hẳn bỏ học, có thể vừa đi làm vừa đi học, có cái bằng tú tài mà trượt lên trươt xuống hoài. không lý gì tôi cứ phải nhờ mãi vào đồng lương công chức ít oi của ông bố, mình lớn rồi phải không các câu. Vì nghĩ thế, lại yêu nghề văn nên mình mới đánh bạo viết thư xin việc nhà báo, không ngờ đơn của mình lại được chấp thuận, nên mình mới quyết định vào đây, hiện giờ mình ở nhờ bà chị ruột ở đường Trương Minh Giảng. Có ai đó hỏi: - Có phải chủ nhiệm của tờ báo cậu làm là Lý Hoàng Phong không? - Đúng, Lý Hoàng Phong là Đoàn Trường, anh ruột của thi sĩ Quách Thoại mới chết cách đây ít lâu. Anh ta ở Trương Minh Giảng, cổng xe lửa, cũng gần nhà bà chị tôi. Tình yêu giữa Hoài Nam và Thu hình như mỗi ngày một đậm đà. Hoài Nam nói nhiều về nàng và ao ước một chuyến đi Huế. Bên ly cà phê và khói thuốc mù mịt. Hoài Nam hy vọng sẽ vaò làm việc ở một tờ báo nào đó, như thế cuộc đời đỡ lông bông. Hoàng Bình Sơn, anh chàng thi sĩ gâỳ nhom, sống không nhờ vả ai, anh sống bằng nghề dạy học ở một trường tiểu học tư trong xóm, hẻm Lê Văn Duyệt, anh và một ông giáo già cùng nhau chia day một đám học trò nhem nhuốc. Mỗi ngày anh vẫn có tiền ra ngoài đầu xóm ăn cơm bình dân. Đời sống của Dương Nghiễm Mậu khác hẳn chúng tôi, anh làm ăn cần cù, đời sống mực thước. Tiền bạc anh kiếm được do việc viết lách anh ăn xài rất là tiện tặn. Anh có điều đặc biệt là chưa bao giờ biết đi xe đạp, trong túi anh lúc nào cũng có tấm thẻ xe buýt thường trực. Tất cả anh em chúng tôi đều quý mến anh, anh sống chín chắn, nhưng không thiếu hào hiệp khi bạn bè gặp cùng cảnh khổ. Tôi nhớ hoài hình ảnh anh khi đứng với tay lên tủ sách, giở cuốn sách kẹp những đồng bạc phẳng phiu anh dành dụm trao cho tôi và Hoài nam. Khi chúng tôi đói, vì hoàn cảnh bắt buộc phải đi bụi đời. Cũng như tôi không thể quên được anh bạn Phan của tôi, một anh bạn học, yêu văn nghệ, đồng thời cũng là võ sĩ quyền anh. Nhà anh nghèo, bố mẹ làm ăn thất bại, đông anh em. Một thời gian Phan phải thường xuyên lên đài, gia đình anh và bạn bè đến cổ võ, lần đó có tôi. Tiếng vỗ tay quanh đài vang dậy, những cú đấm toé lửa của Phan, những miếng trả đòn của đối thủ kinh khủng. những đứa em Phan dưới đài nhảy choi choi " nhắc tồng ". Bà mẹ thì niệm Phật luôn miệng đuổi theo những cú đấm. Cuộc đấu võ đài kết thúc. Phan giựt giải. Anh mời tất cả đi ăn mì, lúc này không còn nhai nổi sợi mì vì răng cỏ trệu trạo hết rồi, thật tình lúc ấy tôi cũng không nuốt được. Tôi thương bạn quá, tinh thần mã thượng của anh đối với gia đình và những đứa em vô tư. Khi đó tôi nghĩ đến truyện ngắn của Jack London " Miếng thịt bò " tả đời một võ sĩ, nếu anh có miếng thịt bò bồi dưỡng trước khi lên đài có lẽ anh không thảm bại. Nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng cần miếng thịt bò trong cơn ngặt nghèo, có lẽ nếu có, Vũ Trọng Phụng còn để lại nhiều tác phẩm cho đời. Tôi biết bạn tôi giờ đây không còn muốn nhắc lại chuyện cũ đó nữa, nhưng tôi nghĩ khác nên cứ làm, vì đó là chất liệu, sự thật cần được phơi bày để thấy tuổi trẻ chúng tôi đã sống như thế nào, nói lên không phải để bêu rếu xấu xa. Tôi vẫn vui vẻ với bạn bè, nhưng trong sự vui vẻ ấy có những ưu tư của tôi. Ưu tư về đời sống gia đình tôi. Hiệu tạp hoá này gia đình tôi còn giữ được bao lâu nữa, có lẽ không lâu, tôi đã thấy những dấu hiệu. Tuổi vô tư của tôi đã chấm dứt. Tôi nộp đơn xin vào Không Quân. Tôi chưa tròn 20 tuổi, mẹ tôi phải làm giấy cho phép. Tôo cùng nộp đơn với một thằng bạn. Nguyễn Bá Bằng, bạn với tôi từ hồi nhỏ, vì bố mẹ Bằng là bạn của bố mẹ tôi từ xưa. Bác Hài là bạn của bố tôi khi còn học Cao Đẳng Mỹ Thuật. Bằng mồ côi cả cha lẫn mẹ vì tai nạn xảy ra cho ông bà. Bây giờ Bằng cũng vào lính với tôi, tôi đủ sức khoẻ, Bằng yếu bị từ chối sau lần khám sức khoẻ. Tôi chỉ hơi yếu mắt, nhưng không sao, có thể là chuyên viên dưới đất. Tôi hơi buồn một chút. Lại là những ngày chờ đợi, nhưng có sao đâu, tôi mong thời gian ấy càng dài càng tốt, tô còn được ở bên mẹ bên em. Một hôm tôi trở về nhà, tôi thấy nhà cửa tôi hầu như tan hoang, hàng họ trong cửa hàng trống tuềnh toang. Mẹ tôi ngồi ở quầy hàng trống với hai đứa em nhỏ của tôi, mắt bà như mất thần, nhìn tận đâu đâu, bà noí khẽ, vắn tắt nhưng tôi đủ hiểu: - Thế là hết rồi ocn ạ. Nhà mình đã bị người ta xiết nợ, cả đồ đạc trong nhà cũng vậy, lần này mẹ phải đi làm thật xa, tận bên Lào. Mẹ đã noói với chú, con và em con về bên nhà chú ở tiếp tục đi học, còn mẹ, dì và em đi. Một thời gian sau làm ăn khá mẹ con mình lại sum họp. Người tôi lạnh đi, dù rằng biết trước chuyện này phải xảy ra, anh em tôi sẽ phải chịu đựng, mẹ tôi đã phải hy sinh cho con cái quá nhiều, bà đã kiệt sức, bà đang gắng gượng một lần nữa. Tôi đứng nhìn hình ảnh mình in trên tấm kính vỡ ở cái tủ còn sót lại trong nhà. Trên tấm kính rạn nứt thân thể tôi hiện r, tôi đã cao lớn, tôi trở thành một thanh niên rồi. Bao nhiêu người bạn của tôi sống không cần một sự trợ giúp nào Tôi quay sang nói với mẹ: - Vâng, hoàn cảnh gia đình mình phải thế thôi, em có thể về chú, còn riêng con tự lực sống được rồi, mẹ không phải nghĩ ngợi về con - Con bỏ học sao? Tôi im lặng một lát: - Chuyện đó còn tuỳ, có thể không Quân sẽ gọi con. Thế rồi...... Một ngày vào giữa tháng năm, tôi tiễn mẹ và đưa em gái nhỏ ra phi trường. Hình ảnh mẹ tôi và đứa em gái bồng bế lếch thếch với bị quần áo. Chiếc chiếu cuộn lại ở bên nách mẹ qua cửa kính phòng cách ly, đậm nét mãi trong lòng tôi, tôi khua khua bàn tay bên này cửa kính từ giã mẹ và em. Tôi quay đi, tôi không trở về thành phố, tôi tìm một bóng cây râm mát ngay ngoài phi trường nằm gối đầu nhìn mảng trời xang bao la. Những chuyến máy bay cất cánh, chẳng biết chuyến nào đưa mẹ và đứa em gái bé bỏng của tôi ra đi. Dì tôi đã đi trước mấy ngày để dò đường, sắp sẵn công việc làm ăn. Hôm nay tôi không dám đưa chú em nhỏ của tôi đi tiễn mẹ, tôi sợ nó khóc, vì lúc nào tôi cũng thấy mặt nó buồn thiu. tôi nghĩ đến tiếng đàn chập chững mới tập gảy của nó, cây đàn guitar hình như quáto so với thân hình nhỏ bé, còm cõi của thằng em, lặng lẽ và cô đơn. Tôi nao nao thương cảm. Tôi cứ nằm như thế trên bãi cỏ xanh, dưới gốc cây. Bao nhiêu chuyến máy bay lên xuống rồi, tôi vẫn nhìn trời nghĩ ngợi lan man. những kỷ niệm thật xa xôi, thật gần gũi về những người thân trong gia đình. ngày thằng em tôi ra đời. Đêm mưa bão, tôi ở nhà một mình chờ tin vui bố mang về. Trang trại ở Láng, ngoại thành Hà Nội buồn bã làm sao. Chị sen cố dỗ tôi ngủ mà không thể nào tôi ngủ được, tôi nao nức về em bé. Buổi sáng bố tôi về đón, đưa tôi lên thăm mẹ và em bé ở nhà bảo sanh Phú Doãn ngoài Hà Nội. Tôi ngạc nhiên khi thấy mắt em bé mở thao láo, không nhắm tịt như con chó mới đẻ, chờ đủ ngay mới mở mắt. Tôi hỏi bố tôi điều đó, bố tôi phì cười. Mẹ tôi nói rằng chó con tuổi con chó, lại sinh vào ban đêm, số nó vất vả đây. Câu nói tôi còn nhớ mãi cho đến bây giờ. Những ngày chạy giặc lên miền thượng du bắc Việt, lưng tôi cõng em, phóng chạy như bay trên những triền đồi cỏ giuột. Còn đứa em gái bé bỏng của tôi nữa, dì tôi sinh nó, mẹ tôi thương nhất nhà, khi nó tập nói chưa biết gọi tiếng " bố ơi " thì cha tôi nằm xuống. cảnh gia đình thương yêu nhau thế mà nay bỗng chốc tan vỡ như bọt nước.....tự nhiên tôi thấy cay cay ở mắt. Trời về trưa đã lâu, tôi dời bãi cỏ, gốc cây, lấy xe đâp đi loanh quanh trong thành phố, tôi vô tình đi qua trường học của tôi, có lẽ giờ này bạn bè tôi đã vào lớp, chúng nó hỏi nhau khi không thấy mặt tôi. Vĩnh biệt, tạm biệt tất cả các bạn, tôi nói thầm như vậy. Chiều đến tôi đạp xe trên con đường rợp bóng cây cạnh trường đua Phú Thọ. Tôi rẽ vào con đường Bình Thới hoang vu, nơi có gia đình một người bạn vă nghệ của tôi, anh Nguyễn Nhật Duật, gia đình anh nghèo với một lũ em nheo nhóc, nhưng tất cả đều được đi học do sự cố gắng của bố mẹ anh. Bố mẹ anh nuôi con bằng nghề nấu rượu, bà mẹ suốt ngày gánh hai chiếc bong bóng heo đựng đầy rượu đi bỏ mối cho các quán nhậu. những ngày tháng nhẫn nại của cả một gia đình với bầy con đông đảo. Tôi đến nhà Nguyễn Nhật Duật khi trời sẩm tối, bữa cơm chiều đã xong. Nguyễn Nhật Duật mời tôi miếng cơm cháy, tôi ăn lót dạ cho đỡ đói. Một lát sau Hoài Nam cũng từ trại học sinh Phú Thọ mò đến, vì tôi có hẹn trước. Câu đầu tiên Hoài Nam hỏi tôi: - Mẹ đã đi rồi phải không? Tôi khẽ gật đầu: Có lẽ giờ này bà đã ở bên Lào rồi. Tôi, Nguyễn nhật Duật và Hoài Nam rủ nhau đi ngắm trăng gần đó ngoài vườn hoa lài thơm ngát. Khu ruộng hoa lài bát ngát có thể nhìn thấy khóm làng xa. Con đường Lạc Long Quân Bình Thới xa, dài, tôi có cảm tưởng đến vô tận, đoàn xe bò lục cục đi trên đường, ánh đèn dầu treo dưới gầm xe đong đưa theo từng vòng bánh xe lăn chậm chạp. Tôi không biết đoàn xe bò đi đến đâu, nó cứ đi như thế thâu đêm, mặc cho thời gain chậm chạp trôi. Nguyễn Nhật Duật chỉ ra phía đường cái, một căn nhà thắp đèn tù mù: - Tôi có thể thuê cho hai cậu một căn gác gỗ, rẻ thôi, mai có thể dọn đến ở ngay. Chúng tôi lặng thinh nhìn căn nhà, cùng đồng ý giải pháp đó. Nhưng còn tiền, tôi nhìn xuống chiếc đồng hồ được thưởng thi đậu trên tay. Tiếng tiêu của Hoài Nam trổi lên trong khoảng trời đất bao la, trăng càng về khuya càng sáng, hương hoa lài thơm dìu dịu. Đầu óc tôi trở nên êm dịu hơn. Tôi lại nghĩ đến những kỷ niệm, đến những cái roi chú tôi đét vào mông đít thuở đầu tiên tôi mơ làm văn sĩ. Lúc này tôi mới nghĩ rằng tôi nhận cái roi đích thực đầu tiên của cuộc đời ban cho. Trời đất bao la quá hỡi đêm trăng huyền diệu, chúng tôi thì nhỏ bé, nhỏ bé như hạt bụi, nhẹ đến nỗi gió đưa bay đến đâu cũng được, hoặc rạp xuống trên một quãng đường nào đó. Tôi ngủ thiếp đi, ngủ thiếp đi thực tình trong cái nôi bao la cuộc đời chưa đầy mộng mị.