CHƯƠNG 16

Chủ nhà in Nguyễn Đình Vượng nhìn hai thằng chúng tôi:
- Tôi cho chạy máy rồi, đã in xong, không có đục đẽo mẹ gì cả. Tôi chủ nhà in còn không sợ, các cậu sợ cái gì. Các cậu sợ báo bị tịch thu hả, không đâu, cảnh sát thi hành lệnh tịch thu cũng chẳng còn hơi sức đâu. Biểu tình khắp nơi còn không đủ người đi dẹp. In được bao nhiêu tờ báo cho các em học sinh đến lấy đi bán ráo, người ta thích đọc những bài báo nguyên vẹn hơn là đục đẽo. Tiền bạc các em mang về đàng hoàng không thiếu một tờ để các cậu có vốn mà tiếp tục. Bây giờ báo mình là báo lậu hiểu không, nhà in của tôi hãnh diện lây. Nợ nần thì cứ để đó...Thơ Tú Kếu mà đục trắng ra thì ai xem nữa. độc giả người ta khát thơ, khát những bài văn nẩy lửa như khát nước....
Tú Kếu nói:
- Mình phải có một kế hoạch.
- Đúng, tôi không nghĩ đến, báo có bán được thì mới có tiền trả nợ nhà in chứ. Tôi có làm môt bữa tiệc lòng lơn tiết canh và ít rượu ngon chờ các cậu trên lầu kìa, chúng ta vừa đánh chén vừa bàn kế hoạch.
Ông chủ nhà in, Tú Kếu, tôi kéo nhau lên lầu, ngồi ngay sác gát đánh chén và bàn kế hoạch phát hành báo. làm thế nào tờ báo nguyên vẹn đến tay độc giả và tờ bị kiểm duyệt nộp lưu chiểu cho bộ thông tin vẫn hợp pháp, tuân hành lệnh kiểm duyệt.
Rượu vào, lời ra, chúng tôi tìm ra giải pháp. Nghĩa là in hai ấn bản, số it thôi có kiểm duyệt tại nhà in Nguyễn Đình Vượng, mang về toà soạn phát hành và nộp lưu chiểu. Ấn bản không đục đoẽ được mang bản in qua nhà in khác in bí mật và cũng nộp bí mật qua các em học sinh có tâm huyết. phát hành trong những cuộc biểu tình đấu tranh như phổ biến truyền đơn, nhưng cũng thu được sự giúp đỡ lẫn nhau bằng tiền bạc để nuôi sống người làm báo, đôi khi còn hậu hĩnh. nhưng cũng nguy hiểm cho những ngưòi chủ trương. Chúng tôi liều thây kệ luôn lời cản ngăn của ông " lãnh tụ " văn nghệ NgĐQ. Chưa bao giờ tôi thấy say mê làm báo như lúc ấy.
Một đêm, sau một ngày làm việc mệt nhọc, chúng tôi ngủ vùi dưới nhà chủ nhiệm. Trời còn tối, có tiếng đập cửa gấp rút. Tiếng Nhã Ca bên ngoài nói vọng vào:
- Hai anh trốn đi ngay, anh Từ bị mật vụ bắt rồi, chúng nó đang lùng tìm hai anh đó.
Tôi và Tú Kếu bàng hoàng, vậy là tên chúng tôi đã có trong sổ đen, dù sao chúng tôi phải hỏi rõ Nhã việc này. Chị chủ nhiệm xụt xùi khóc, trao cho chúng tôi những đồng tiền ít ỏi, tôi nhìn chị nhắc nhở:
- Chị soi kỹ đi coi chừng lộn tiền.
Đang lúc buồn chị Bạch Ngọc phải phì cười:
- Các cậu lúc nào cũng đùa được, người ta đang lo cho các cậu, không biết sợ là gì.
Theo lời Nhã kể lại, TDTừ phải mấy cái bạt tai, dùi cui của bọn mật vụ ngay trước mặt vợ con khi bị bắt, anh không khai chúng tôi nằm ngủ dưới nhà. Sau đó chúng tôi biến đi cùng với những người đi chợ sớm. Buổi trưa, tôi và Tú Kếu toan mò về toà soạn, nhưng Nhã đã bế cháu Sớm Mai đứng đón ở đầu đường. Giọng Nhã xúc động:
- Anh Từ khi bị bắt nhắn lại rằng dù thế nào hai anh cũng cố gắng cho ra bằng được số báo tuần này. Sau đó tuỳ các anh.
Chúng tôi hăng hái hứa:
- Không phải chỉ mỗi số báo này, mà còn các số tới nữa, giấy in còn. Ông Vượng chủ nhà in sẵn sàng cho in thiếu.
Chúng tôi biến khỏi toà soạn và làm việc lưu động, có thêm sự góp sức của sinh viên học sinh đấu tranh, chia nhau với các sư nắm cơm chấm muối xả, củ khoai. Báo vẫn ra, những bài viết đấu tranh ngày một hung hãn dữ tợn hơn, những em học sinh giúp báo phát hành. Chúng tôi bị truy nã ráo riết, nhưng vẫn chưa bị tóm cổ, nhà tù chật cứng người bị bắt. Người ta phải nhốt lên cả trung tâm 3, những trại lính.
Để tránh liên luỵ cho bạn bè, buổi tối đưa Tú Kếu đến những xóm giang hồ trên kinh rạch hoặc bến xe để ẩn thân. Nhưng vẫn chưa phải là nơi kín đáo, mập mờ đánh lận con đen. Chúng tôi gặp nhà văm Lưu Kiếm báo Tự Do ở một nhà cho thuê ghế bố ở bến xe An Đông.
Tôi hỏi anh:
- Bộ về quê sao mà ra ngủ đây. sáng mai đi chuyến xe mấy giờ về tỉnh nào.
Anh lúng túng trả lời vớ vẩn, cuối cùng đành thú thật, anh đang lẩn trốn sự truy tìm của chế độ. Chúng tô cười với nhau vì chúng tôi cùng một giuộc.
20 năm sau tôi gặp lại Lưu Kiếm chống gậy đi dặt dẹo ở trước bệnh vịên Nguyễn Văn Học mà khi ấy đã đổi tên bệnh viện nhân Gia Định, một thời gian sau đó tôi nghe tin anh chết ở một túp lều nào đó của người bà con. Sự kết thúc của một đời nhà văn người nghệ sĩ thế sao và tôi chứng kiến những cái chết của anh em đồng nghiệp, những kẻ hết thời, những cái chết mang một ý niệm như của một danh họa Van Gogh bên Tây Phương, nhưng Van Gogh còn có gì để lại cho đời sau, những giá trị vĩnh cữu. Còn ở đây ẫn có những con người nghệ sĩ như thế, bất kể, và kết quả thì cũng như lọt sàng xuống nia. Có sao đâu, tôi cũng thường nghĩ đến những đôi mắt nào mở trừng nhìn vào cõi hư không. bàn tay nào vuốt mắt để cho linh hồn nằm xuống khỏi cô đơn như ngôi sao hôm mai mọc cuối trời. Tiếng câù kinh siêu thoát ở ngôi chùa Huê Nghiêm sau nhà tôi ở ấp Đông ba Gia Định xưa sao mà buồn thế. Ai chết đó?
Nhưng là chuyện mai sau của một tâm hồn người nghệ sĩ đa cảm, hãy để mai sau....Bây giờ tôi phải làm chuyện hiện tại, đang xảy ra trước mắt một buổi sáng trời u ám, tôi làm công việc của một người phóng viên săn tin, những cuộc xuống đường của sinh viên học sinh. Tôi làm việc thay thế cho mấy ký giả bàn bè đã bị bắt, cũng là cách thực tập cho nghề nghiệp, mà sau này đi song song với nghiệp viết văn của tôi.
Những cuộc biểu tình của Phật Giáo đang độ cao điểm, thu hút mọi tầng lớp nhân dân. những cuộc tự htiêu của các sư có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nữ sinh Mai Tuyết An tự chặt tay mình ở bậc thang chùa Xá Lợi. học sinh sinh viên không ngồi yên, họ xuống đường trong bầu máu nóng của tuổi trẻ.
Tôi có mặt trước chợ Bến Thành, đi lòng vòng, gặp lại đông đảo bạn bè: Lê Đình Điểu, Dương Kiền chủ bút tuần báo Văn Học, Đằng giao hoạ sĩ với những tranh biếm họa đăng rải rác trên các báo. Nguyễn Nhật Duật giáo sư Triết. Chúng tôi không vồn vã với nhau, mà chỉ nhìn qua ánh mắt, cái gật đầu. Cũng không thiếu những khuôn mặt lính kín, mật vụ và những tên chỉ điểm. Tôi nhìn thấy mặt thằng Tố, thằng gài bắt anh em chúng tôi. Tôi đến bên nó:
- Mày nên trốn khỏi đây, coi chừng chính tao giết mày đó. Đừng có nhân danh nhà báo ở đây, quân chó săn tao tha xcho mày làm phúc, mày cũng đi tố cáo tao.
Tôi nghĩ thằng Tố cũng có suy nghĩ về lời nói của tôi và nó lủi đi đâu mất. Tôi cũng chẳng bị tóm cổ. Xung quanh tôi đông anh em quá, cả những người chưa từng quen biết. Tôi thấy những cái đầu xanh lô nhô trong biển ngưòi. Một cuộc mít tinh, có đọc diễn văn trước bùng binh chợ Bến Thành, biểu ngữ trưng lên, rồi truyền đơn, lời kêu gọi đấu tranh dũng cảm, tiếng reo hò, rồi đàn áp, súng nổ.
Hàng chục ngàn cái miệng thanh niên la dữ dội: nó bắn chế nữ sinh Quách Thị Trang rồi, đồng bào ơ, chính thằng Lê văn Ken ở bót Lê Văn Ken bắn, đả đảo, đả đảo, giết chúng trả thù cho Trang đi anh em ơi.
Đám học sinh sinh viên rùng rùng quay đầu lại, sự hỗn loạn kinh khủng. lớp lớp người không tan ra mà kết lại như thác lũ cuồn cuộn xô giạt lực lượng đàn áp. xác của nữ sinh QTTrang được đưa lên khỏi đầu, chiếc áo dài nữ sinh nhuốm máu. Cũng chính nơi đó mười mấy năm trước học sinh Trần Văn Ơn ngã xuống khi còn thanh niên SG đứng dậy chống thực dân Pháp.
Tôi nói là người tuổi trẻ VN yêu nước VN bằng cả tâm hồn trong trắng. Không phải phe phái, đảng phái nào giật dây, chỉ đạo. Nỗi phẫn uất ứa thành nước mắt trên những khuôn mặt trẻ. Tôi nắm chặt cây bút ghi những chi tiết trên cuốn sổ tay.
Tôi chạy về nhà in viết bài tường thuật đưa tin. Tú Kếu kê mảnh giấy lên gối đầu làm thơ, tôi nhìn thấy nét xúc động trên mặt anh. hoàn cảnh như thế này thì không cần phải ai động viên hay học tập, đường lối mà trong thơ đã có lửa, có thép. Nó được phát xuất ra tự cõi lòng, chân thật đáng quý. Tôi biết thêm rằng sự tự do tư tưởng cần thiết như thế nào. Điều này rồi đây suốt một đời cầm bút phải trả giá đắt, đắt mà rẻ. Tâm hồn tôi cứ ấm ớ như thế.
Tôi nhớ hình ảnh của Nhã mỗi chiều bế cháu Sớm Mai ra đầu đường ngóng bố về. Trời sụp tối, bé Sớm Mai đành quay trở về với mẹ, đoôi mắt trẻ thơ buồn buồn trong căn nhà nhá nhem bóng tối, quạnh hiu. Chiều mai cháu lại đi đón bố nữa, chưa biết ngày nào bố mới về, nhưng chắc chắn bố sẽ về thôi.
Bố sẽ bế cháu đứng ở cửa sổ ngắm nhìn nóc nhà thờ Huyện Sĩ, chỉ cho cháu thấy cây thập tự giá vươn cao lên trời xanh. Bác bế cháu dạo chơi dưới đường Bùi Viện, vào quán cà phê quen thuộc xem con cá tai tượng bơi tung tăng trong bể nước có rong rêu mà cháu thường thích thú nhoẻn cười.
Cà nhà ta xum họp trong tiếng cười.....
Tôi lắc đầu, vò rối tóc cho tỉnh táo, mình mơ hay thực đây. Tôi cúi xuống những trang viết......
Thực tế tình hình nghiêm trọng lắm rồi,báo Ngàn Khơi có ra được nữa hay không cũng đổi địa chỉ.
Đằng Giao nhiều công việc hơn ở bên báo Văn Học, anh không thể kham nổi quá nhiều công việc. Hoạ sĩ Trịnh Cung cũng anh em chúng tôi nhảy vào cuộc. Trịnh Cung còn trẻ như chúng tôi nhưng để râu, có bộ râu quai nón vàng như râu ngô. Gia đình cha mẹ anh có vẻ khá giả, nên anh không khổ như chúng tôi, anh em làm nghệ thuật, đúng điệu nghệ thuật tài tử. Như vây cũng ổn cho tờ báo. Tôi với Tú Kếu vẫn kiếm cơm quanh tờ báo như gà què ăn quẩn cối xay. Nhưng vui, chúng tôi vẫn có lúc bàn với nhau về nhà xuất bản Tiếng Nói. Khi tiền không có một xu, cái gọi lãng mạn hay mơ mộng được không? Điều đó có, mà không thể gọi mơ mộng hão huyền được.
Buổi sáng hôm nay trời đẹp trong xanh, nắng chỉ hơi hoe trên những mái ngói ở hướng nam thành phố. Con đường Nguyễn Trãi ra hướng Cộng Hoà, nơi này hở mà kín, gần Tổng Nha Cảnh Sát. Nhà in nhỏ bé nằm nép mình dưới một cây sao già cỗi. Một dạng nhà in tầm thường, xếp chữ, đổ chì vỗ phông cũng được. In ấn chỉ có loại máy pédale tầm thường in danh thiếp và thiêp cưới. Chúng tôi phải nghĩ cách xé lẻ những trang báo ra, xếp chữ vỗ phông mỗi nơi một trang. Rồi gom lại in một thể, ra những tờ báo nguyên vẹn, đến tay độc giả như những tờ báo lậu....Chúng tôi còn cầm cự bao lâu nữa? Tình trạng đang chín mùi. Máu đã đổ ra và lửa đã bốc cao ở khắp thành phố. Rồi đây chuyện gì sẽ xảy ra để mọi chuyên ngã ngũ. Không phải chỉ ở thành phố SG mà trên khắp các thành phố toàn quốc chính quyền của ông NĐD bị lung lay mạnh, nhưng cũng nói cứng, miệng mẹ Ngô Đình Nhu giữ nhiệm vụ giải độc ở nước ngoài vẫn quang quác hỗn hào, xúc phạm đến cuộc tranh đấu. Cả nước như muốn nổi điên, chuyện không thể tha thứ được nữa.....Người dân hiền lành không muốn làm chính trị, chẳng biết chính trị là gì, vô hình chung trở thành thành viên. Tiếng gào khóc của những bà mẹ, những bà già chính là những vũ khí sắc bén chống lại bạo quyền, những cái dùi cui đàn áp cũng phải chùng tay trước tình cảm dân tộc.
Sáng nay, khi từ nhà cho thuê ghế bố ở từ bến xe An Đông về, Lưu Kiếm giao cho Tú Kếu và tôi một bài tham luận:
- Tớ góp phần với các cậu, tớ không muốn cầm đến bút nữa, nhưng lại phải cầm lên. Đêm hôm qua tớ không ngủ, nằm trong ghế bố viết bài này....
Anh nói bằng giọng tự tin của người cầm bút vững tay nghề. Và tin tưởng nơi hai đứa chúng tôi. Tú Kếu nói với tôi:
- Mày sửa lại " ma két " một chút, cho sắp chữ vô phông ngay bài này để ra trong số báo này cho tiện. Tao phải về chị Thu xem các cháu ra sao. Bà chị dâu tôi tội quá, có gánh trái cây mấy quả cam đi bán lẻ nuôi thế nào được bầy đoàn chúng nó, ông anh tao ở tù lâu quá rồi. Tao đi làm báo không nuôi đỡ được đứa cháu nào....Từ đây tao đi bộ tà tà cũng đến Phú Thọ vậy, mày cứ đi xe đạp lo công việc, chiều tối ta lại gặp nhau ở đây. Nhớ mang một bản in cho Lưu Kiếm xem. Tờ báo ta nay trở thành tờ báo có giá trị rồi đó, bao nhiêu người cộng tác bất vụ lợi.
Tôi mỉm cười:
- Những chuyện đó cũng có giai đoạn nào thôi, người nghệ sĩ sẵn sàng xả thân không tính tóan gì. Tao vẫn mơ ước có ngày nào đó người viết báo viết văn không còn mang tiếng nghèo đói nữa....Có thực mới vực được đạo.
- Đúng như vậy!
Công viêc coi như xong, tôi vẫn ngồi trên bàn làm việc nhìn vơ vẩn ra đường. Nắng vàng lung linh trên đường, khách bộ hành qua lại bình thản như trong một thành phố yên bình. Thật ra những con đường phố chính vẫn diễn ra những cuộc xuống đường, đấu tranh và đàn áp quyết liệt diễn ra hàng ngày. Có lẽ con đường này là con đường thanh bình còn sót lại? Tôi cứ ngồi như vậy với ý nghĩ vẩn vơ. Bóng áo nâu bên kia đường, mái tóc dài bỏ xoã trên đôi vai mảnh khảnh. Có phải Mai Kha không? Đúng rồi, nàng đang ngơ ngác tìm số nhà và nàng đang sang đường, nàng đã nhìn thấy tôi ở bàn làm việc.
Tôi cũng đón Mai Kha bằng nụ cười:
- Ai chỉ Mai Kha tới đây?
- Cô Nhã, cháu hỏi mãi cô ấy mới chỉ tới đây, các cậu làm việc khổ ghê và cũng nguy hiểm ghê. Cháu có đọc các bài các cậu viết trên báo, những bài báo không bị kiểm duyệt " tự ý đục bỏ ". Cậu Nhiên?
- Hôm nay cậu Nhiên về Phú Thọ thăm mợ Thu.
- Ra vậy!
- Chỉ còn mình tôi ở lại đây làm cho xong những công việc vặt này.
Tôi nhìn Mai Kha cười:
- Tưởng Mai Kha cạch tới già rồi chứ, không còn dám đến thăm hai cậu nữa.....
Giọng Mai kha dịu dàng:
- Cậu nghĩ thế thật sao? Kha không nghĩ thế đâu. Tại lần trước ở chợ Thái Bình Kha không nghĩ trước thôi.
- Bởi tại kẹt có tôi, một ông cậu hờ, ở đâu nhào tới, nhận vờ thành ra kẹt tùm lum phải không, nghĩ mà ân hận mãi, nửa thì mong gặp lại Mai kha, nửa thì nghĩ không bao giờ gặp lại nữa.
- Tại cậu nghĩ thế, tội cho Kha quá, cậu chân thật như cậu Nhiên của Kha, chính cháu mới là người ân hận, cháu quyết phải tìm ra hai cậu.
- Nhưng hôm nay lại không gặp được cậu Nhiên.
- Có sao đâu, cậu cũng vậy mà....
- Mình mới một lần quen biết.
- Cũng không sao, gặp một cậu cũng như là gặp cả hai cậu. Hai cậu giống nhau từ một lối sống, cháu quý cả hai. Có cậu Nhiên, cháu lời thêm một ông cậu nữa......
- Cám ơn, cám ơn....
Tôi nói trong tiếng cười. Mai Kha cũng bạo dạn hơn mời tôi sang quán cà phê vắng khách bên kia đường.
- Câu không đi cháu giận cho mà xem, cháu khóc đấy.
Tôi vui vẻ:
- Thôi được, cậu đi để cháu chuộc lại lỗi lầm một lần cháu suýt khóc và hai thằng cậu ôn dịch, được chứ?
- Cháu căn hết rồi, nhưng thôi nhé, cậu đừng nhắc lại chuyẹn ấy nữa....cháu có làm bánh cho hai cậu đây này, cháu còn mua cả bánh bao nữa, hai cậu ăn tới mai cũng không hết...
Ngồi ở quán cà phê nhìn ra đường tôi để ý Mai Kha có đôi bàn tay đẹp, xinh xắn, những đường gân xanh mảnh mai trên mu bàn tay, những ngón tay thuôn dài móng tay trắng hồng tự nhiên, không trang điểm, giũa mài sơn phết, giọng nói của nàng trong trẻo nhưng hơi yếu. Đôi khi tôi nghe như tiếng gió thoảng.
Tôi giải thích cho Mai Kha nghe việc làm của chúng tôi hiện tại.
- Công việc làm báo, viết văn làm thơ của bọn này trong hiện tại như công việc vác ngà voi. Hy sinh tận tuỵ cho một việc làm cao đẹp, chẳng phải vì háo danh hay vì lý do nào khác, những lời phỉnh phờ chẳng hạn. Thằng cu li vác ngà voi không có tội, chỉ kẻ phỉnh phờ mới có tội....cậu, cậu Nhiên cũng như những bạn bè khác, kể cả những người đang đấu tranh ngoài đường kia cũng đang vác ngá voi. cái ngà voi đẹp, như lý tưởng của mình thôi, cứ vác đi, được đến quãng đường nào còn tuỳ, có thể đứt gánh nửa đường không chừng, có thể bị tước đoạt.....
Buổi sáng hôm ấy tôi nói thật nhiều hình như có điều lẩn thẩn, nói chút ít về tương lai, về lý tưởng thuở mơ làm văn sĩ từ tuổi hoa niên, bến bờ thì vô định, không biết đâu là bến bờ, có lẽ tới già cũng chưa hết mơ mộng. Mai Kha ngồi lặng yên nghe cho đến lúc phải về nhà. Tôi tiễn Mai Kha một khúc đường.
- Cháu sẽ còn đến thăm cậu, cháu rất ít bạn bè, hoặc không có bạn. Ở nhà quanh quẩn không biết nói chuyện với ai.
Trong một lúc, tôi ao ước. Phải chi tôi có một mái nhà, có mẹ, có em đoàn tụ tôi mời Mai Kha tới chơi. Với tôi hiện tại không biết có phải là chuyện xa vời không? Nhưng tôi có quyền mơ mộng.
Buổi tối ngồi với Tú Kếu ở vườn hoa đường Hùng Vương ăn những chiếc bánh của Mai Kha, tôi nói với Tú Kếu điều mơ mộng ấy. Anh ta trở nên hào sảng:
- Trong chúng ta thằng nào cũng có quyền mơ mộng hết. Nhất là mơ mộng cho tương lai sự nghiệp của mình. Không phải hai thằng đang mơ mộng đó sao? Cả dân tộc này ai cũng mơ mộng hết, bình thường thôi, cơm no, áo ấm tự do dân chủ không bị tước đoạt vô lý. kẻ gây tội ác là kẻ tước đoạt những thứ ấy, những kẻ phỉnh phờ lường gạt.
Đã đến giờ giới nghiêm, chúng tôi về bến xe An Đông. Đêm nay chúng tôi không gặp Lưu Kiếm, không biết anh ta ra sao rồi.
Giấc ngủ chập chờn cho đến lúc xe hàng nổ máy ngoài bến xe.