Hắn đã ăn hết bốn túm oản đại, vị chi là hai mươi chiếc, cả một hàng trên của nải chuối chín, vị chi là mười quả, uống hết hai lon bia và hút hết nửa bao thuốc lá, mới ngẩng mặt lên nhìn cho kỹ gã thầy chùa có khuôn mặt đẹp như Đường Tăng trong phim Tây Du Ký đang ngồi đối diện với hắn. "Hiến!" Hắn bỗng vỗ bốp vào trán rồi hét lên làm vị sư trẻ giật cả mình. - Đúng là Hiến rồi, Hiến ơi. Mày có biết tao khổ thế nào không hả Hiến. Cuộc đời chó má lắm. Run rủi thế nào tao lại gặp mày trong tình cảnh này. Nhìn mày thanh thản thế kia tao thấy đời tao khốn nạn quá. Tao.. - Đàn đừng nói nữa - Vị sư trẻ phẩy ống tay áo cắt ngang lời hắn - Đâylà nhà chùa, còn có kẻ ra người vào, hiệu của tôi là Pháp Thiện, bậc tu là đại đức. Đàn cứ bình tĩnh nghỉ ngơi. Mọi chuyện đâu sẽ có đó. Chuyện trò từ từ, đừng hét toáng lên như thế, không tiện. Chà, chà. Thằng Hiến bây giờ là thế này ư? Hắn cứ ngồi nhìn trân trân vị sư trẻ. Khuôn mặt Hiến thanh tú quá. Đôi mắt phảng phất u buồn nhưng ánh lên những tia minh triết. Đầu cạo trọc nhưng chân tóc vẫn đâm ra lúp xúp. Môi Hiến vẫn đỏ và hàm răng thì trắng đến độ con gái cũng phải phát thèm. Dáng người vẫn mảnh mai và nhìn bộ quần áo nâu đang mặc trên người thì rõ ra đây là một vị sư khoáng đạt, trưởng giả. Hắn lại đưa mắt nhìn khắp gian phòng mà hắn và Hiến đang ngồi. Chẳng thiếu thứ gì cả, sạch sẽ, đầy đủ, thậm chí hắn không thể ngờ được cuộc sống tu hành lại sướng như thế này. Giường mét hai được đóng bằng gỗ lim nâu bóng, hoa văn uốn lượn kiểu cách, trên trải đệm dày, chăn gối sạch bong, nhìn đã thấy ấm áp. Giá sách có kính bọc ngoài, bên trong bày các gáy sách vừa dày, vừa bóng, xanh, đỏ, tím, vàng đủ màu, gợi cho người ta nghĩ đến một vốn học vấn không xoàng của chủ nhân căn phòng. Trần, tường đều ốp gỗ hoặc nhựa, nền lát đá hoa hình chữ nhật kiểu to, sang trọng, cửa ra vào đẩy trên vòng bi như nhà của người Nhật, có đôn sứ, chậu hoa, cây cảnh, có tủ lạnh, có máy nghe nhạc, có loa gắn trên góc tường, có giá để giày dép, có bàn viết đặt đèn chụp, có ảnh Đức Phật và những bức thư pháp treo trên tường. Tóm lại là hắn thấy đi tu mà như thế này thì hắn cũng... đi tu được.Trước kia ở trường hắn được người ta dạy rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Hắn cũng chỉ biết thế chứ chưa hiểu cụ thể một cái tôn giáo nó ra thế nào. Bây giờ thì hắn rơi tõm vào ngôi chùa này, bỗng thấy cái vốn hiểu biết của mình nó nông cạn quá, chẳng đủ tự tin để đối thoại với vị sư trẻ kia, thằng Hiến của hắn ngày nào. Hắn bỗng nghe thấy tiếng chuông. Ôi chao là cái tiếng chuông chùa. Sao mà nó ảo não, thê lương đến thế? - Bao nhiêu tiếng mà sao cứ thấy kêu mãi thế hả mày? - Hắn đột ngột quay sang vị sư trẻ hỏi. Rồi như chợt nhận ra cái cách nói năng rất không hợp với cửa chùa của mình, hắn liền đổi giọng - Thôi, Hiến ơi, ông thương tôi, ông thông cảm cho tôi, đừng bắt tôi phải gọi ông bằng cái pháp hiệu lạ hoắc đó. Hãy cho tôi gọi ông như ngày nào chúng ta chơi với nhau. Tôi bây giờ chẳng ra cái gì nữa rồi. Ông cho tôi ở được ngày nào thì tôi biết ngày đó. Rồi tôi lại đi.. - Đàn đang hỏi về tiếng chuông phải không? - Vị sư trẻ có vẻ như không quan tâm đến những lời lẽ có phần như khẩn nài của hắn, cất lên một thứ giọng hiền hậu - Tất cả một trăm linh tám tiếng cả thẩy, nó sẽ xua đi một trăm linh tám điều phiền não ở mỗi con người. Đạo phật cho rằng ở mỗi con người luôn tồn tại ba kiếp: quá khứ, hiện tại và tương lai, lại do ba cái ái dục gắn với lục căn cộng với lục trần mà thành một trăm linh tám điều phiền não. Con số một trăm linh tám cũng là con số ấn định cho các vòng tràng hạt. Mỗi lần niệm phật là một hạt lần qua, cứ thế đảo đi đảo lại như kiếp luân hồi của con người, không bao giờ dứt. Đàn học nhiều mà không hiểu điều sơ đẳng đó ư? Lần đầu tiên hắn nhận thấy sự thú vị từ những triết lý phật giáo mà Hiến đang giảng giải. Ừ nhỉ, tại sao hắn lại không từ từ tìm hiểu cái cuộc sống đặc biệt này? Nó phải như thế nào đấy mới có thể giữ chân được cậu bạn thời thơ bé của hắn suốt mấy chục năm qua chứ. Hắn thu mình lại và cố ăn nói sao cho nhã nhặn hơn: - Tôi hiểu rồi. Nhưng quả thật tiếng chuông đối với tôi lúc này kinh khủng quá. Hiến ở đây một mình à? Chùa có đông người không? - Thầy tôi viên tịch được hai năm rồi. Bây giờ tôi làm trụ trì chùa này. Ngoài ngày rằm, mồng một ra ở đây chỉ còn một chú tiểu nữa thôi. - Liệu công an có mò lên đây không hả Hiến? Hiến cho tôi tá túc ít ngày Hiến nhá? Tôi bây giờ cùng đường rồi Hiến ạ. - Cái gì đến rồi sẽ đến. Tất cả cái gì đang chờ Đàn ngày hôm nay đều do Đàn gây ra cả thôi.Gieo gì thì gặt nấy. Tôi không giúp Đàn nhưng tôi cũng không hại Đàn. Cửa chùa bao giờ cũng rộng mở cho Đàn đến và Đàn đi. Hắn chợt nhận ra một điều rằng, Hiến bây giờ đã ngấm quá sâu triết lý nhân sinh của đạo phật rồi. Hắn không muốn nói chuyện với vị sư trẻ lúc nào cũng đạo mạo, tĩnh tại kia. Hắn muốn được nói chuyện thẳng thắn, chân tình với thằng Hiến bán tò he ngày nào cơ. Nhưng cái thằng Hiến ấy có còn tồn tại không trong dáng người mảnh khảnh, nước da trắng xanh có hiệu là Pháp Thiện kia? Phải hai ngày sau hắn mới dần dần hiểu được con người Hiến. Hắn mặc quần áo nhà chùa, đầu đội mũ len bịt kín tai. Những lúc Hiến bận hắn cùng chú tiểu lau dọn tượng phật, bệ thờ, gánh nước, nấu cơm, trồng rau, quét sân, nhổ cỏ... Hắn quan sát mọi ngóc ngách, hình khối, biểu tượng và luôn mồm hỏi chú tiểu về ý nghĩa của từng vật được bày trong nhà chùa. Bây giờ thì hắn đã thuộc tên được các vị phật theo thứ tự bày trên bệ thờ. Nào là tượng tam thế, tượng Adiđà, tượng Thích Ca, tượng Di Lặc, tượng Tuyết Sơn, tượng Thích Ca nhập niết bàn, tượng Thích Ca sơ sinh. Rồi Thiên Lôi, Thổ Địa, các vị La Hán, Bát Bộ Kim Cương, Thánh Tăng, Hộ Pháp, Đức Ông. Ngoài ra còn nhiều tượng khác nữa, mỗi tượng gắn liền với một sự tích nào đó. Hắn sẽ tìm hiểu dần dần vì thực sự, hắn thấy thích thú. Hắn chỉ vào một pho tượng tạc một người phụ nữ trẻ đẹp, bế đứa trẻ, có con chim vẹt đậu trên vai, hỏi: - Đây là tượng ai? Chú tiểu bảo: - Tượng Quan Âm tòng tử, thờ Đức Thị Kính. Hắn ngạc nhiên: - Sao lại có con vẹt đậu trên vai là nghĩa gì? Chú tiểu lắc đầu: - Cái này bác phải hỏi thầy tôi: Hôm sau hắn hỏi Hiến. Hiến bảo: - Con vẹt ấy tượng trưng cho chàng Thiện Sỹ, chỉ biết học như vẹt mà chẳng hiểu gì về sự đời cả, Phật cho biến thành con vẹt để bay đi cắp oản chuối về nuôi đứa trẻ. Tới mười pho tượng ông già râu dài, mặt nghiêm nghị ngồi trên bục thành hai hàng trong thượng điện làm nhiệm vụ cai quản và chuyển kiếp cho người chết qua mười cửa ngục dưới âm phủ, hắn đứng xem rất lâu. Liệu có âm ti, địa ngục như thế kia thật không nhỉ? Cảnh quỉ sứ cưa xẻ thân người, bắt người ngồi trên bàn chông, nấu người trong vạc dầu, bắt người leo qua cầu bôi mỡ, hàng đàn chó ngao, thuồng luồng chờ sẵn... thực sự gây ấn tượng đối với hắn. Chẳng lẽ chết đi rồi mà hắn vẫn còn phải trải qua những cực hình thảm khốc như thế kia nữa sao? Hiến có vẻ thấu hiểu tâm trạng của hắn. Lúc đầu Hiến cũng ngạc nhiên về thái độ hắn. Hiến tưởng hắn trốn chui trốn lủi vài ngày cho qua cơn bĩ cực rồi sẽ rời chùa mà đi. Không ngờ hắn tỏ ra bằng lòng với cuộc sống thanh bần ở chùa. Hắn muốn được làm mọi việc thay chú tiểu, và lắng nghe mọi lời thuyết giảng của Hiến. Hắn chỉ vào hai ông Hộ Pháp ngồi trên lưng sư tử ở ngay cửa điện thờ chính, hỏi Hiến: - Đây có phải là ông Ác và ông Thiện không? Hiến bảo: - Phải. Hắn lại hỏi: - Sao không thấy cầm đại đao mà lại cầm ngọc và búp măng? Hiến bảo: - Thầy tôi muốn mô phỏng hai ông này đúng như trong tích cũ. Hai vị này vốn là hai anh em khác mẹ cùng cha, con vua Đề Bà Đạt Đa. Vua sai hai anh em đi tìm ngọc quí, ai tìm được ngọc sẽ được nhường ngôi. Người em tìm được ngọc quý nhưng trong lúc ngủ say đã bị người anh lấy búp măng chọc mù mắt để đoạt ngọc. Người em được Phật cứu giúp, lành lại mắt, cả hai anh em liền bái phục xin tu theo Phật. Phật giác ngộ hai vị, đặt tên người em là Thiện hữu người anh là Ác hữu, có nhiệm vụ bảo vệ phật pháp nên gọi là Hộ Pháp. Thầy tôi cho đặt ôngThiện cầm viên ngọc, còn ông Ác cầm búp măng. Cũng có nhiều chùa đặt tượng như thế này. Hắn gật gù thú vị rồi lại chỉ lên dải lụa có hình con quạ treo trên chiếc cột dựng ngoài sân chùa, hỏi: - Cờ kia là cờ gì? Hiến bảo: - Đó là dải phướn, hay còn gọi là pháp tràng, không phải cờ. Hắn lại hỏi: - Sao lại có hình con quạ? Trông cứ như là cờ của bọn cướp biển ấy. Hiến bảo: - Con quạ ấy nhắc đến một tích chuyện của nhà Phật. Ngày xưa có một bà vãi vẫn thường mượn danh khuyên giáo cúng phật nhưng lại toàn lấy làm của riêng cho mình. Một hôm bà này gặp một tên tướng cướp. Tên cướp này muốn cải tà qui chính nên hỏi bà già cần phải dâng gì cúng phật. Bà già nói với tên cướp rằng đó là việc tuỳ tâm, cúng gì cũng được, phật đều chấp thứ. Tên cướp liền mổ bụng mình ra lấy cả bộ ruột dâng lên cúng Phật. Bà già kia nhận bộ ruột đó nhưng về ngang qua đường thì vứt đi. Con quạ cắp bộ ruột vào đậu ở nóc chùa kêu mách. Phật thấu nỗi, cho anh kẻ cướp thành Phật, ruột biến thành pháp tràng, nêu gương cho đời về tấm lòng cúng Phật. Thường thì vào ngày lễ các chùa mới treo dải phướn kia. Cách đây một tuần chùa tôi vừa có lễ lớn nên cây cột vẫn còn dựng ở đó. Hắn nghe xong giật mình nhìn sang Hiến. Sao cái thằng cha này thuyết giảng cái gì nghe cũng kinh thế nhỉ? Hay là hắn cố tình đánh động vào cái thằng tù sổng trong hắn? Vô ích thôi. Hắn không đủ bản lĩnh để mổ bụng mình ra đâu. Hắn đã muốn chết nhiều lần mà chả chết được. Bây giờ thì chẳng còn ai giúp hắn siêu thoát được nữa rồi.Chỉ có mười tầng địa ngục kia đang chờ hắn mà thôi. Nhưng dẫu sao hắn cũng phải thừa nhận rằng mấy ngày ở bên Hiến hắn thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhõm quá chừng. Cuộc sống nhà chùa quả thật sung túc hơn hắn tưởng. Hắn cũng bắt đầu lý giải ra được vì đâu mà chùa có nhiều tiền của đến thế. Số người giàu có bây giờ nhiều lắm. Sinh hoạt tôn giáo lại thoải mái hơn ngày xưa rất nhiều. Thế là người đến chùa tìm vui cũng có, để giải thoát về mặt tâm linh cũng có, để cúng cả người sống lẫn người chết vào chùa cũng có, để làm công việc bố thí cũng có, để được ghi công đức cũng có. Bao nhiêu kiểu người đến chùa là có bấy nhiêu nguồn thu. Thảo nào chùa được xây dựng khang trang, đẹp đẽ thế. Thảo nào nội thất chùa đàng hoàng, đầy đủ thế. Thảo nào giới tăng ni có nhiều xe máy thế. Cái đầu óc thực dụng bởi đã sống quá lâu ở bãi vàng của hắn cứ óc ách những ý nghĩ đốn mạt như vậy. Hòm công đức để ở đâu nhỉ? Cả chiếc xe máy Dream của Hiến nữa. Tao sẽ mượn tất cả của nả của mày để rời khỏi nơi đây, rời khỏi cái đất nước khốn khổ này để tìm đến một thế giới khác. Khi nào có điều kiện tao sẽ gửi trả cho mày, trả xông xênh, trả lãi năm lãi mười. Mày đừng trách tao Hiến nhé. Bây giờ tao trắng tay, tao lại cùng đường. Tao chỉ có mỗi bộ ruột lép kẹp này thôi, chẳng thể dâng cho mày làm tin được. Nhưng tao hứa là tao chỉ mượn mày mà thôi. Rồi tao sẽ trả. Sẽ trả. Đúng mười hai giờ đêm thì hắn mò dậy. Hiến bố trí cho hắn ngủ ở sau nhà thờ Tổ. Hắn nhẹ nhàng mở cửa ra, bước từng bước thật êm tới trai phòng của Hiến. Trong tay hắn có một chiếc áo khoác ngoài. Hắn sẽ buộc phải dùng đến nó để buộc những cái miệng nào có thể phát ra tiếng kêu. Hắn khẽ đẩy cánh cửa phòng Hiến. Giường trống không. Trên bàn có một cây nến đại đã cháy được một phần ba, đủ soi sáng cả căn phòng. Hắn hơi ngại ngần vì không biết Hiến đi đâu. Giữa lúc hắn đang hành sự mà vị sư trẻ đột ngột quay trở về phòng thì sẽ khó xử lắm. Đứng im quan sát một lúc, tai căng ra nghe ngóng nhưng vẫn không thấy có gì bất thường, hắn liền bước vào phòng và tiến đến vách tủ nơi Hiến vẫn treo chùm chìa khoá. Ngay bên dưới vách tủ là chiếc bàn. Giữa chiếc bàn là ngọn nến đang cháy. Chùm chìa khoá xe máy và một gói giấy nhỏ được đặt ngay ngắn dưới chân ngọn nến. Hắn hơi sững người lại rồi thò tay cầm lên chùm chìa khoá. Lúc này những dòng chữ trên tờ giấy trải rộng trên mặt bàn mới đập vào mắt hắn. Tự nhiên hắn thấy run bắn cả người. Hắn cầm tờ giấy lên, vừa đọc, mồ hôi vừa toát dưới chân tóc. ...Tôi đã nhìn thấy ám khí nặng nề trong mắt Đàn buổi chiều hôm nay. Tội ác sẽ lại diễn ra dưới bàn tay của Đàn. Tôi không muốn sáng mai người ta sẽ kinh hoàng khi phát hiện ra xác chết của hai thầy trò tôi trong ngôi chùa này. Dục vọng được thoả mãn thì cái ác tạm thời bị triệt tiêu. Đàn hãy cầm tiền, cầm xe và rời khỏi chùa đi. Tôi chẳng có gì cho Đàn cả. Tất cả là của chùa. Lộc chùa ai muốn hưởng thì cứ hưởng. Có lại về không, không lại thành có. Ngày xưa Đàn đã những muốn thử treo tôi lên cây cột ở trường bắn, bây giờ tôi không muốn bị Đàn treo lên dưới dải phướn giữa sân chùa. Đàn hãy đi đi và hãy tự cứu rỗi cho chính mình... Hắn đưa tay lên vuốt mồ hôi mặt, cố dằn xuống cái tâm trạng lén lút bị bắt quả tang. Hiến đã tính đến nước này thì hắn cứ yên tâm cầm tiền, dắt xe mà đi, chẳng phải lo gì cả. Nhưng Hiến ơi, thế này thì mày sẽ coi tao ra cái thứ gì hả Hiến? Mày vẫn là thằng bạn tốt nhất trong cuộc đời tao. Cái tốt của con người chỉ có thể đo bằng đánh đổi sự sống. Đã có lúc tao nghĩ sẵn sàng đánh đổi sự sống của tao nếu có thể giúp được mày điều gì đó. Nhưng rồi tao cứ hàm ơn mày mà chẳng giúp được gì cho mày. Một kẻ tu hành thì có thiết thứ gì trên đời này đâu để tao có cơ hội được trả nợ? Nhưng thôi, lúc này tao đang cần những thứ này của mày. Tao mượn tạm, hưởng tạm chút lộc chùa rồi lại hoàn cúng về chùa sau. Hắn rút chiếc bút ở lọ ra, viết xuống bên dưới những dòng chữ của Hiến: Cái thằng khốn nạn này xin lạy mày một lạy! Rồi hắn quay ra hành lang, tra chìa vào ổ khoá, mở máy, dắt xe đi. Trên người hắn vẫn là bộ áo nâu nhà chùa. Trên đầu hắn vẫn là chiếc mũ len màu nâu, được kéo xuống bịt kín tai. Hắn rời khỏi chân núi chưa bao xa thì những chốt barie, những bóng dân phòng trộn lẫn với sắc màu cảnh phục đập vào mắt hắn. Tất cả các con đường dẫn ra khỏi khu vực này đã được kiểm soát chặt chẽ. Người ta không dễ dàng bỏ đi khi tóm hụt hắn. Họ đã mất quá nhiều công sức theo đuổi hắn suốt từ bãi vàng Lũng Sơn về đây. Con cá đã nằm trong nơm rồi, chỉ cần lựa tay khua để bắt cho gọn nữa thôi, không được phép sơ sểnh, không được để cái ác thoát ra khỏi vòm nơm lúc này. Trường đời đã dạy cho hắn kinh nghiệm phát hiện và lẩn tránh những nguy hiểm, lần này hắn ngửi thấy mùi hiểm nguy đang vây bủa xung quanh nhưng hắn phải liều thôi. Với bộ quần áo thầy tu trên người hắn có thể qua mắt được những cặp mắt cú vọ kia. Hắn hưng phấn lướt xe đi. Nhưng đột nhiên hắn phanh sững lại. Cả xã này chỉ có một ngôi chùa. Người trong xã ai chẳng biết mặt vị sư trẻ trụ trì ở đó. Đêm hôm như thế này nhà sư đi đâu? Mấy tên dân phòng ngứa mồm lên lại hỏi tu ở chùa nào, căn cước đâu, sao lại đi xe của sư Pháp Thiện ở chùa Áng Sơn, biển số xe kia ai chẳng thuộc, chẳng biết, thì hắn sẽ phải trả lời ra sao? Ngẫm nghĩ một lúc, hắn quyết định cởi bỏ bộ quần áo nhà chùa ra. Để khi nào rời khỏi cái huyện này hắn sẽ dùng đến. Rồi hắn vốc bùn ở dưới ruộng trát vào biển số xe. Riêng chiếc mũ len hắn vẫn để nguyên trên đầu, có kéo xuống cho che bớt cái mặt đi. Yên tâm với bộ dạng mới, hắn lại lên xe, phóng vụt về phía trước. Chưa tới chốt canh phòng đầu tiên thì hắn đã bị "tít" lại rồi. Ở đâu mọc ra ngay trước mắt hắn một chiếc xe Xít đờ ca đỗ bên thành ruộng cùng ba người mặc cảnh phục, hai người mặc dân sự lẫn trong bóng tối nhập nhoà. Họ yên cầu hắn dừng lại kiểm tra giấy tờ xe. Hắn bàng hoàng khi nhận ra một trong hai người mặc dân sự chính là người đã vồ hụt hắn ở Trạm Đá mấy hôm trước. Chiếc mụn ruồi ở mắt trái to bằng đầu đũa kia thì không thể lẫn vào ai được. Trong lúc loay hoay móc túi lấy giấy tờ xe hắn liếc thấy người đàn ông mặc dân sự lùi lại sau thành xe Xít đờ ca, rút đèn pin ra soi vào một vật gì đấy, nhỏ bằng bàn tay. Thôi chết, chắc họ đang xem ảnh truy nã. Đúng lúc ấy có thêm một chiếc xe máy nữa đi đến. Thấy người cảnh sát trước mũi xe hơi lơ đãng, hắn liền bật khóa, mở máy rồi rú ga phóng vọt đi. "Đứng lại, Bạch Đàn, anh đừng trốn chạy, vô ích", người đàn ông có vết ruồi to bằng đầu đũa hét lên như vậy, và anh ra rút súng ra bắn chỉ thiên. Chiếc xe Xít đờ ca lập tức được nổ máy, chuyển bánh đuổi theo hắn. Cứ chạy theo đường xã chắc chắn sẽ bị bắt. Hắn liền rẽ vào đường bờ ruộng. Chiếc xe Xít đờ ca phải dừng lại, mấy bóng người trên đó vội nhảy xuống, rọi đèn pin về phía hắn, vừa đuổi theo vừa vẩy súng, đạn đi veo véo bên chân hắn. Họ cố vô hiệu hoá chiếc xe máy mà hắn đang sử dụng nhưng không viên đạn nào trúng lốp cả. Bỗng nhiên hắn thấy đau nhói như bị một nhát dùi lửa đâm vào bắp chân. Hắn hoảng hồn, vê ga hết cỡ, chiếc xe nhảy chồm chồm trên mặt thành ruộng. Hết phần ruộng xe hắn lại đâm vào đường lên chùa Áng Sơn. Tất cả bỗng trở nên im ắng đến khó chịu. Đầu hắn quay cuồng với hàng trăm ý nghĩ không đầu không cuối. Sự im lặng này là khoảng lặng trước khi tấm lưới chụp xuống đầu hắn chăng? Điện đàm đã được nối giữa các tổ chốt canh phòng và tất cả các con đường ra khỏi xã đã bị thít chặt lại rồi chăng? Bóng đêm tan loãng ra rồi, ánh ngày sắp xuất hiện rồi, cái mặt hắn sắp lồ lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật, không tìm ra được nơi ẩn nấp nhanh thì lại khốn nạn thân tù bây giờ. Nhưng trốn đi đâu? Làm gì còn chỗ nào cho hắn dung thân nữa bây giờ. Hắn bỗng thấy âm ấm ở bắp chân. Chết cha rồi. Máu cứ rỉ ra thế này sẽ rất tai hại. Hắn móc trong bọc ra chiếc áo nâu nhà chùa, đưa lên miệng dùng răng xé roàn roạt rồi cúi xuống buộc chặt chỗ máu rỉ. Vẫn chưa yên tâm, hắn lại buộc thêm cả chiếc giày dưới bàn chân phải nữa. Như thế máu sẽ không rỉ xuống đường, không làm dấu cho người đàn ông có nốt ruồi đen ở mắt trái kia tìm đến bắt hắn. Xong xuôi, hắn lao xe vào con đường dẫn lên chùa Áng Sơn. Khi hắn tới trước cổng tam quan thì cũng là lúc ánh ngày đang bắt đầu buông xuống. Như chờ đợi sẵn, chú tiểu mở cổng chính cho hắn vào, sau đó cánh cổng lại được khép lại. Hắn dựng xe ngoài thềm sân rồi tập tễnh bước vào phòng khách ngay phía ngoài nhà thờ tổ. Hiến đang ngồi đó, khuôn mặt đẹp như thiên thần, ánh mắt có phần nghiêm nghị nhưng vẫn chưa hết những tia ấm áp. Hiến chỉ cho hắn ngồi vào chiếc ghế đối diện rồi rót nước mời hắn. - Hãy uống chén trà nóng này đi. Rồi sương sẽ tan, nắng ấm sẽ đến, lòng người sẽ thanh thản, bận tâm làm chi đến những lẽ vô thường. Hắn đứng lên đặt chùm chìa khoá và gói tiền xuống trước mặt Hiến, bảo: - Tôi trả lại cho ông đây. Tôi tận kiếp rồi. Bây giờ ông cho tôi một dải lụa hay một chén thuốc độc, tôi xin lạy ông ba lạy. Hiến thấy hắn nhăn mặt vì đau, liền bảo: - Bây giờ Đàn vào trong kia nằm. Để tôi bảo tiểu mang nước nóng lên xem cái chân kia của Đàn thế nào. Nếu nặng thì phải mời bác sĩ. Nếu nhẹ tôi có thể chữa được. Thầy tôi có nhiều bài thuốc nam chữa rất hay. Đêm hôm ấy Hiến mang một chiếc giường gấp xuống buồng hắn, nửa nằm nửa ngồi, chuyện trò với hắn đến khuya. Hiến cho hắn uống thứ nước gì đó đen đen, nâu nâu, lại đắp lên vết thương ở bắp chân hắn một nắm lá giã nát, khiến người hắn cứ sốt li bì. Hiến bảo: "Đầu đạn không còn nằm lại nhưng nó phá nát phần bắp thịt, có thể dẫn tới teo cơ. Thuốc này tẩy trùng rất tốt, sau đó sẽ đắp thuốc nối lành vết thương. Vết này miệng khá rộng và lòng rất sâu. Kháng sinh mạnh nên đêm nay và ngày mai Đàn sẽ sốt nhẹ. Khi sốt người ta thường hay ác mộng. Tôi ngồi đây nói chuyện với Đàn vào những lúc cắt cơn sốt để Đàn đỡ sợ. Khi cô độc quá người ta có thể cắn lưỡi tự tử. Vào những lúc như thế này kẻ mạnh bạo nhất lại thường là người mềm yếu nhất". Hắn nằm nghe Đàn nói mà nước mắt cứ rỉ ra ở hai bên khoé mắt. Hiến bằng tuổi hắn mà sao Hiến đã có dáng vẻ của một tiên ông, một đạo sĩ cái gì cũng biết, cái gì cũng thông, cũng tỏ khiến hắn vừa e ngại lại vừa tủi hổ cho cái sự tối tăm, đểu cáng trong mình. Đúng là hắn ác mộng triền miên. Cứ hễ cơn sốt ập đến là y như rằng đài sen xuất hiện, quay tít, hắn bị buộc túm tứ chi, lủng lẳng phía dưới, ngột ngạt, rung vỡ, khó chịu lắm. Những lúc như thế hắn ở tình trạng bị bóng đè, toàn thân cứng đờ, tim ngừng đập, chới với, hun hút rơi vào một vòng xoáy vô hình nào đấy. Đèn vẫn sáng, nến vẫn cháy, trên tường bức ảnh sư tử đá nằm phủ phục, trên lưng đặt đài sen cho phật ngự mờ mờ, ảo ảo, bên cạnh Hiến vẫn ngồi như một pho tượng, thế mà hắn không sao cựa quậy được, không sao kéo được mình về với thực tại phảng phất u buồn này để tránh khỏi cái vòng xoáy khủng khiếp của cơn mộng mị. Phải rất lâu, hắn mới cử động được các ngón tay, rồi ngón chân, và cuối cùng là cựa quậy được thân mình để choàng tỉnh dậy. Hắn chỉ vào bức tranh treo ở trên tường, bảo Hiến: - Cái đài sen kia nó cứ quay tít trong đầu tôi. Hiến bỏ nó ra treo ở chỗ khác được không? Tôi thấy kinh lắm. Hiến bảo: - Nếu không phải là đài sen này thì cũng sẽ là một cái gì đó quay tít trong đầu. Những hình ảnh khác sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều, ác mộng kia mà! Đàn cố gắng chịu đựng qua đêm nay, ngày mai thần thái sẽ ổn, mọi sự rồi sẽ lại trở về bình thường. Hắn bảo: - Hình như tôi ngửi thấy cả mùi hoa sen? Hiến lắc đầu: - Mùa sen qua lâu rồi. Đó là mùi trầm đốt ngoài ban thờ tổ đấy. Hắn bỗng hỏi: - Tại sao phật lại ngự trên đài sen hả Hiến? Hiến không trả lời mà hỏi lại: - Theo Đàn thì tại sao? Hắn bảo: - Có lẽ tại vì sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn chăng? Hiến mỉm cười ý nhị, rồi nhẹ nhàng bảo: - Sen có nhiều đức tính hợp với triết lý nhà phật. Sen ẩn sâu dưới bùn đất xa lìa trần cấu, gọi là u vi. Sen khiêm tốn, không khoe tài đua sắc với các loài hoa khác trên đồng nội gọi là ẩn vi. Lá sen ngửa rộng lên trời với những thớ mạch như nét vạch tự nhiên hút khí trời gọi là tế vi. Sen không sớm nở tối tàn mà sớm xoè thì tối cụp gọi là tuỳ nghi diệu. Sen mỗi năm một thân mới, một hoa mới gọi là hàn thử bất thiện diệu. Sen, hoa quây quần hạt, hạt xúm xít trong hoa, gọi là tổng biệt tề chương diệu. Sen vừa là hoa vừa là quả, gọi là nhân quả đồng thời diệu. Bởi có những ẩn vi cao quí đó mà sen được gần gũi Phật, nói được ý Phật, được chọn để Phật ngự. Đàn mơ thấy đài sen là ý tốt. Có lẽ tâm tính Đàn từ nay trở đi sẽ hướng thiện. Mấy ngày hôm sau thì vết thương ở bắp chân hắn lành miệng. Buổi tối, Hiến bảo hắn: - Đêm nay Đàn có muốn xem quỳnh nở không? Hắn hỏi: - Ở đâu? Hiến bảo: - Ở ngay khuôn viên của nhà chùa thôi. Âm lịch hôm ấy là mười tám. Trăng vẫn còn sáng lắm. Hiến không muốn hắn chường mặt ra chỗ đông người vào ngày rằm nên mới chủ ý cho hắn ra sân xem hoa nở vào hôm đó. Khoảng chín giờ tối, chú tiểu cùng một cậu thanh niên độ mười chín, hai mươi vào buồng dìu hắn ra. Hiến đã ngồi đợi sẵn ở sân chùa. Lư hương bằng đồng đặt giữa sân toả mùi trầm ngào ngạt. Khóm quỳnh cao tới ba mét lúc lỉu những nụ là nụ. Trăng vẫn còn ẩn sau dãy núi xa nhưng Hiến đã cho tắt hết điện, cả ngôi chùa chỉ còn được thắp sáng bằng những ngọn nến to nhỏ đặt khắp các ban thờ, dọc hành lang, nơi hòn non bộ và trên bàn uống nước chỗ Hiến đang ngồi. Có ba chiếc ghế được đặt quanh bàn. Một chiếc Hiến ngồi, một chiếc dành cho hắn, còn một chiếc thuộc về cậu thanh niên vừa dìu hắn ra. Cậu thanh niên này có nét hao hao giống Hiến, khi cười cả khuôn mặt cậu ta bừng sáng bởi chiếc răng khểnh ở mép phải trông rất đáng yêu. Sau khi cậu ta rót nước ra chén mời hắn xong, Hiến mới quay sang hỏi hắn: - Đàn có biết thằng bé này không? Hắn lắc đầu. Hiến lại bảo: - Không phải tự nhiên mà tôi lại mời Đàn ra đây vào một đêm trăng sáng như thế này để ngắm hoa quỳnh nở. Khung cảnh đêm nay có vẻ thần tiên quá, sách vở quá, nó chẳng hợp với Đàn, và thực ra, nó cũng chẳng hợp với tôi. Nhưng tôi biết với tôi những đêm như thế này thì còn nhiều, còn với Đàn, có thể sẽ là đêm cuối. Bởi vì Đàn khoẻ rồi, Đàn lại đi, cá nước chim trời, biết khi nào lại có một đêm uống trà, thưởng nguyệt, chờ hoa quỳnh nở. Một lý do nữa là vì đêm nay có liên quan tới cái tên khai sinh của thằng bé này. Cũng vào một đêm trăng cách đây mười chín năm, Đàn đã từng đặt tên cho nó đấy. Hắn "à" lên ngạc nhiên rồi quay sang nhìn cậu thanh niên bên cạnh. Viên Minh! Chẳng lẽ đây là đứa bé con chị Tình, là đứa cháu gọi Hiến bằng cậu ruột? Không, hắn không còn nhận ra được một nét nào của đứa bé lên năm bê xảo khoai từ trên chùa đi xuống dưới chân núi hôm nào? Mà cũng đã quá xa rồi. Vật đổi sao dời. Cậu bé đẹp đẽ và tươi tắn quá. Cái tên Viên Minh mà hắn mò mẫm đặt bừa khi xưa giờ đã trở thành tên chính thức của chàng thanh niên này. Mới hay vòng đời của những đứa trẻ làng Áng Sơn như hắn và Hiến đã quay được quá nửa rồi. - Viên Minh về chào tôi để tuần sau cháu nó sang Nhật dự triển lãm đồ gốm. Viên Minh bây giờ là sinh viên năm thứ hai trường Mĩ Thuật ở Hà Nội. Năm ngoái cháu được giải nhất Mĩ Thuật về gốm. Năm nay cháu được người ta mời đi trưng bày các tác phẩm gốm sứ. Đàn thấy đấy, cái gien nặn tò he của gia đình tôi hoá ra cũng có lúc thăng hoa. Cháu nó ở với tôi từ bé. Ăn cơm chùa mà học thành tài đấy Đàn ạ. Hắn vỗ vỗ vai Viên Minh, trong lòng thấy vui mừng thật sự. Cả một thời khốn khó ngày nào mới như hôm qua thôi, còn nguyên vẹn trong trí óc hắn. Xét cho cùng cả hắn và Hiến đều chả sung sướng gì, đều hưởng đủ những đói kém, hèn mạt của kẻ nghèo khó. Bây giờ nhìn vào Viên Minh, Hiến thấy được khát vọng của mình nảy nở, hiện sinh giữa đời. Hiến mừng là đúng thôi. Còn hắn, hắn mừng vì thấy bạn hắn dù sao cũng được cuộc đời an ủi. Hiến đáng được hưởng nhiều hơn thế. Hắn mừng cho Hiến, vui cho Hiến và quả thực đến giờ phút này hắn mới thực sự hiểu Hiến, ơn Hiến, phục Hiến. Viên Minh có vẻ ngượng ngùng trước thái độ của hắn. Hiến bảo: - Cháu đưa tập ảnh chụp các tác phẩm của cháu cho cậu Đàn xem. Viên Minh đứng lên bước qua sân đi vào phía trong chùa, lát sau cậu ta mang ra một chiếc cặp nhỏ hình chữ nhật. Hắn đón nhận tập ảnh từ tay Viên Minh, lật xem lướt qua từng chiếc một. Đến chiếc cuối cùng thì Hiến bảo: "Đây là cái được giải đấy, Đàn thấy đẹp không?". Hắn dừng lại ngắm nghía bức ảnh chụp một khối gốm sành sần sùi, thô ráp, màu gạch non có hình ba chú trâu tựa vào nhau, dáng vươn khoẻ như một dãy núi, nâng lên ba đứa trẻ mục đồng. Viên Minh chỉ tay vào bức ảnh giảng giải thêm: "Kế bên dáng ngả của ba trẻ mục đồng là ba cánh diều đợi gió, hay có thể hiểu là ba mảnh trăng, ba con thuyền, ba chiếc lá đang đậu nhẹ vào nhịp đồng dao. Còn những khoảng tròn, những hình âm dương này mô phỏng xoáy đuôi, xoáy mắt, xoáy đùi của những con trâu. Thông điệp của bức gốm sành này là đời sống nông thôn, nông nghiệp còn mãi trong tiến trình lịch sử của dân tộc, nó sẽ là nền móng, là điểm tựa vững trãi cho mọi ước mơ, khát vọng". Vừa nghe Viên Minh nói, hắn vừa ngước lên nhìn những nụ quỳnh đang đồng loạt mở cánh. Hương trầm thơm ngát, lan toả. Trăng đã ló rạng, vằng vặc một không gian rộng lớn. Chén trà trên tay hắn ngào hương sen thanh nhã. Hắn bỗng quay sang hỏi Hiến: - Hiến ơi, suốt bao nhiêu năm tu hành Hiến đã hiểu được gì về đạo? Hiến ngồi trầm ngâm như một pho tượng khi nghe hắn hỏi câu ấy. Một lúc lâu sau Hiến mới bảo: - Sở học khôn cùng, đời tu cũng lắm nẻo. May ra tôi mới đạt được hai phép Nhân thừa và Thiên thừa thôi. Hắn lại hỏi: - Hai phép ấy nghĩa là gì? Hiến đáp: - Tu Nhân thừa là qui y tam bảo: Phật - Pháp - Tăng và tuân theo năm điều cấm: sát sinh, đạo tặc, tà dâm, vọng ngữ, tửu. Hắn bảo: - Tôi tạm hiểu. Thế còn Thiên thừa? Hiến đáp: - Tu Thiên thừa tích cực hơn Nhân thừa, ngoài những điều cấm đoán trên, còn làm việc thiện, mười điều cả thảy, gọi là thập thiện nghiệp. Hắn hỏi: - Là những điều gì? Hiến đáp: - Gồm có sửa thân ba phép: Phóng sinh, bố thí, tiết chế thị dục. Sửa miệng bốn phép: Chân thật, không thêu dệt, không nói độc ác, không xúi giục người khác thù ghét nhau. Sửa ý ba phép: Không tham, sân, si. Đây là hai phép tu sơ đẳng và thấp nhất của đạo, tôi e là mình chỉ đạt được đến phép thứ hai này thôi. Hắn hỏi tiếp: - Vậy còn những phép nào nữa? Hiến đáp: - Còn ba phép nữa. Tu Thinh văn, tu Duyên giác và tu Bồ tát thừa. Những phép tu này cao siêu và huyền nhiệm lắm. Ở Thinh văn thì nhờ Phật mà xuất ly khổ, còn Duyên giác thì tự giác mà được giải thoát. Còn Bồ tát thừa là phép tu của các đấng chí tôn, không chỉ tự giác ngộ mà còn nguyện đem chỗ giác ngộ của mình mà dạy chúng sinh cùng giác ngộ theo. Hắn bảo: - Đã bắt đầu thấy loạn óc và khó hiểu rồi đấy. Hiến có thể nói cho tôi một cách đơn giản nhất về cái phép tu cuối cùng, phép Bồ tát thừa ấy được không? Hiến đáp: - Tôi cũng đang cố gắng hiểu nó mà chưa hiểu nổi. Nói chung tu Bồ tát thừa là tu theo sáu phép ba la mật hay còn gọi là tu lục độ, tức là sáu phép độ ta qua bờ bên kia của chính giác. Sáu phép ấy là Bố thí ba la mật, Trì giới ba la mật, Nhẫn nhục ba là mật, Tinh tấn ba la mật, Thiền định ba la mật và Trí huệ bát nhã ba la mật. Hắn ôm đầu choáng váng nhưng vẫn cố gượng hỏi: - Phép thứ nhất ấy được hiểu như thế nào? Hiến bảo: - Bố thí ba la mật gồm Tài thí, Pháp thí và Vô uý thí. Tài thí là bố thí của cải, Pháp thí là bố thí phập pháp, Vô uý thí là bố thí lòng dũng cảm, bố thí cái "Không sợ". Ở phép tu này... Hiến nói đến đây thì hắn ngất xỉu, đầu gục xuống bàn, gạt đổ cả tách trà chú tiểu vừa châm, còn đang bốc khói. Hiến vội đưa hắn vào trong nghỉ. Đêm bắt đầu nối canh. Hiến còn lại một mình, ngẩng đầu nhìn trời rồi đưa tay lên bấm từng đốt. "Không kịp rồi!", Hiến lẩm bẩm. Những ngọn nến cháy hết lần lượt tắt phụt. Ngôi chùa chìm vào yên ắng. Hiến bước về trai phòng, ngồi xếp bằng vừa đọc kinh vừa lần tràng hạt. Trăng trôi trên nóc chùa, đến khi mệt nhoài mờ nhạt nơi góc trời thì những bông quỳnh thay nhau héo rũ. Buổi sáng hôm sau, vị sư trẻ trụ trì chùa Áng Sơn vừa kéo cửa phòng bước ra ngoài thì vấp ngay phải hắn đang phủ phục trước thềm. Sư Pháp Thiện kinh hãi, giật lùi trở lại, miệng lắp bắp: - Kìa Đàn! Đừng quì thế, vết thương ở chân chưa lành đâu... Hắn ngẩng đầu lên, khẩn cầu: - Xin đại đức hãy nhận tôi vào chùa, không còn cánh cửa nào mở ra cho tôi nữa rồi, tôi xin làm đệ tử cho đại đức, xin suốt đời làm tiểu ở đây. Xin đừng từ chối. Sư Pháp Thiện không ngờ hắn lại thay đổi nhanh đến thế, sau những phút bối rối, nhà sư trẻ bảo: - Phạm luật trời thì trời phạt, phạm luật đời thì đời trị, phạm luật người thì người đòi. Đàn chưa trả hết nợ cho đời, chưa thể vào chùa được. Người của đời đến đòi Đàn kia kìa. Đàn hãy vui vẻ ra với họ đi. Nhân ấy thì quả này, không tránh được đâu. Hắn từ từ quay đầu lại. Cổng chùa đã mở rộng từ bao giờ. Ngay bậc tam cấp bước xuống sân chùa năm, sáu người mặc cảnh phục đang đứng sẵn đợi hắn. Hắn lại nhận ra khuôn mặt quen quen có nốt ruồi to bằng đầu đũa ở đuôi mắt trái. Người này bước lên thềm, tiến đến chỗ hắn và tra chiếc còng số tám vào hai cổ tay hắn. Hắn được xốc dậy đưa ra sân. Chiếc Xít đờ ca đỗ ngoài cổng chùa chỉ chờ hắn ngồi lên nữa là lao xuống chân núi. Hắn quay lại nhìn ngôi chùa lần cuối, thấy vị sư trẻ đang đứng trước điện nhìn theo hắn. Không thể nào biết được sư Pháp Thiện đang nghĩ gì. Vị sư trẻ này đã thức trắng đêm để sáng nay đưa tiễn một tội đồ về nơi anh ta phải chịu những phán xét. Chú tiểu tiến đến bên cạnh, bẩm: "Thưa thầy, xe đã đi xa rồi, mời thầy rửa mặt rồi vào dùng trà ạ". Sư Pháp Thiện khẽ gật đầu nhưng lại đi ra chỗ khóm quỳnh. Nhà sư đưa tay cầm lên từng bông quỳnh mềm oặt, héo rũ, lẩm bẩm một câu gì đó rồi mới thủng thẳng bước lên trai phòng. Bình minh bắt đầu ló rạng trên đỉnh tháp chuông.