Dịch giả : Vũ Đình Phòng, Phùng Uông
Chương 82

Nekhliudov quen biết Xelenin hồi anh nầy còn là sinh viên; lúc ấy anh ta là một người con hiếu hạnh, một người bạn trung thực, và ở vào tuổi anh, anh còn là một người lịch sự học vấn vững vàng, rất thiệp đời, đẹp trai và bao giờ cũng phong nhã, đồng thời lại là một người rất mực thật thà, ngay thẳng. Anh học giỏi, một cách thoải mái không phải có cố gắng đặc biệt gì, cũng không mảy may làm ra bộ thông thái, đã được thưởng nhiều huy chương vàng về những bài luận văn của mình.
Anh coi mục đích cuộc đời thanh niên của anh là phục vụ loài người, không phải chỉ bằng lời nói mà bằng việc làm. Muốn đạt mục đích ấy, anh thấy không có cách gì khác là vào làm việc trong cơ quan nhà nước. Cho nên sau khi tốt nghiệp anh cân nhắc có hệ thống lần lượt tất cả các ngành hoạt động xem ngành nào anh có thể đem cống hiến tất cả sức mình, và anh đã quyết định vào làm việc tại Vụ Hai của Văn phòng riêng bộ Tư pháp là cơ quan có nhiệm vụ thảo ra luật pháp. Nhưng, mặc dầu anh đã làm chu đáo và rất đúng đắn tất cả mọi việc người ta yêu cầu anh làm, trong công việc, anh vẫn không thấy thoả lòng mong ước giúp ích cho đời và cũng chẳng làm sao đấy lên được trong lòng cái ý thức là mình đã làm tròn nhiệm vụ. Thêm vào sự không thoả mãn ấy, anh thường bị va chạm với cấp trên trực tiếp, một kẻ nhỏ nhen, huênh hoảng, khoác lác, cho nên anh đã xin chuyển sang Khu mật viện. Ở đây, anh thấy dễ chịu hơn, nhưng cảm giác bất đắc chí vẫn không ngừng theo đuổi anh.
Anh luôn luôn cảm thấy tất cả không phải như anh mong ước và không đúng như sự việc phải thế. Trong khi anh làm việc ở Khu mật viện, họ hàng thân thích đã chạy chọt cho anh được chân ngự tiền thị tụng, thế rồi anh phải thắng bộ lễ phục thêu và một cái tạp dề xinh xinh bằng vải trắng, đi cỗ xe ngựa sang trọng đến cảm tạ đủ thứ người đã tác thành cho anh lên đến chức nô bộc đó. Anh đã cố gắng hết sức mà không thể nào tìm ra được một sự hợp lý cho sự tồn tại của cái chức vị đó và cảm thấy nó còn "không phải thế" hơn cả lúc ở Khu mật viện.
Nhưng anh vẫn không thể khước từ sự bổ nhiệm đó, sợ làm phật lòng những người tin rằng chạy chọt cho anh được như vậy là làm cho anh rất thoả thích, mặt khác thì sự bổ nhiệm đó cũng vuốt ve, mơn trớn cái phần thấp hèn trong bản chất con người anh. Anh thấy khoái trí khi ngắm mình trong gương vận bộ lễ phục thêu kim tuyến, cũng như khi thấy do được chức vị đó mà có người tôn trọng mình.
Đến chuyện hôn nhân của anh, cũng thế. Theo quan điểm của thiên hạ thì quả là người ta đã gây dựng cho anh lấy được một đám rất sang. Anh lấy vợ trước hết là vì nếu chối từ thì sẽ làm phật ý và đau lòng cả vị hôn thê đang mong muốn lấy anh và cả những người đứng ra gây dựng mối lái cho anh; sau nữa là vì anh thấy vinh hạnh và hài lòng khi lấy được một thiếu nữ xinh xắn, dòng dõi trâm anh thế phiệt.
Nhưng chẳng bao lâu cuộc hôn nhân nầy lại cũng "không phải thế" hơn cả cái việc làm ở Khu mật viện lẫn cái chức vị của anh ở chốn triều đình. Sau khi đẻ đứa con đầu lòng, vợ anh quyết định không đẻ thêm nữa và cô bắt đầu sống cuộc đời ăn diện xa hoa của giới thượng lưu mà, dù muốn hay không, anh cũng vẫn phải tham gia.
Vợ anh không phải là người nhan sắc đặc biệt, nhưng được cái ăn ở thuỷ chung với chồng. Không kể rằng sống như vậy là đầu độc cuộc đời của chồng, mà bản thân cô ta cũng chỉ thêm chuốc lấy biết bao khó nhọc; mệt mỏi, chẳng được tích sự gì, vậy mà cô ta cứ ra công theo đuổi cuộc sống đó. Tất cả những cố gắng của anh nhằm thay đổi lối sống ấy đều vỡ tan tành như va vào bức tường đá khi nó đụng phải cái lòng tin tưởng của vợ anh được các bạn bè thân thích cô ta ủng hộ, cho rằng cuộc sống là phải như vậy.
Đứa con, - một đứa con gái tóc xoăn buông xuống thành từng búp vàng óng, bắp chân để trẩn - là một đứa trẻ hoàn toàn xa lạ đối với bố, chủ yếu là vì nó được giáo dục khác hẳn ý anh mong muốn. Hai vợ chồng thường là không hiểu nhau, thậm chí còn không muốn hiểu nhau là đằng khác. Giữa hai người là một cuộc đấu tranh ngấm ngầm, lặng lẽ giấu giếm không để cho người ngoài hay biết, và cố kỳm chế để giữ gìn thể diện, làm cho đời sống rất nặng nề đối với anh. Nó thật còn "không phải thế" hơn cả công việc của anh ở Khu mật viện và cái chức vị của anh ở chốn triều đình.
Nhưng "không phải thế" hơn tất cả là cái thái độ của anh đối với tôn giáo. Như tất cả những người cùng giới và cùng thời đại với anh, nhờ có sự phát triển của trí tuệ, anh đã dễ dàng thoát khỏi những ràng buộc của mê tín dị đoan, trong đó anh đã được nuôi dạy từ bé; và bản thân anh cũng không biết là mình đã được giải thoát khỏi từ lúc nào. Vốn là người nghiêm chỉnh và trung thực, lúc còn trẻ - hồi anh còn chơi thân với Nekhliudov - anh đã chẳng hề giấu giếm việc anh đã thoát khỏi vòng mê tín của quốc giáo. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, anh được thăng quan tiến chức, và nhất là từ khi sức phản động của phái bảo thủ nổi lên trọng xã hội thời bấy giờ, cái tự do tinh thần kia đã cản đường đi của anh, ngoài những áp lực của gia đình, đặc biệt là khi cha anh qua đời phải làm lễ cầu hồn cho ông cụ, mà mẹ anh lại muốn thấy anh ăn chay; là điều mà dư luận chung cũng có phần đòi hỏi nữa, - ngoài tất cả những điều đó ra, chức nghiệp của anh còn bắt anh luôn luôn dự hết những buổi cầu kinh nọ đến những buổi lễ khánh thành, lễ tạ ơn kia v.v… không có mấy ngày là anh không phải đi dự một vài đám lễ như vậy, muốn tránh cũng không sao thoát được.
Đi dự các cuộc lễ bái đó, anh phải hoặc giả vờ tin những điều thực tế mình không tin - mà tính ngay thẳng của anh không cho phép anh giả vờ thế được! - Hoặc phải coi những hình thức bề ngoài đó là giả dối và phải thu xếp đời sống thế nào để khỏi phải dự vào những trò giả dối ấy. Nhưng cách giải quyết thứ hai nầy, tưởng chừng như giản dị, thật ra phải cố gắng lắm mới được: ngoài việc phải đấu tranh thường xuyên với những người thân thuộc, lại còn phải thay đổi tất cả cuộc sống của mình, phải bỏ cả chức nghiệp và hy sinh ý nguyện giúp ích cho đời là điều mà anh thấy rằng với chức vụ hiện nay anh đã thực hiện được rồi và hy vọng trong tương lai sẽ còn giúp đời được nhiều hơn nữa. Muốn biến đổi được như vậy thì phải tin sắt đá là con đường anh đi là đúng. Nói chung phàm ở thời đại chúng ta, tất cả những ai có tư tưởng lành mạnh, lại biết ít nhiều về nguồn gốc tôn giáo nói chung và, đặc biệt hơn, lại am hiểu ngọn nguồn và sự phân biệt của đạo Cơ đốc, cũng đều tin như anh. Anh thừa biết khi không thừa nhận giáo lý của Toà thánh là anh hành động đúng. Nhưng, do cuộc sống hàng ngày ép buộc anh, một con người ngay thẳng, đã phải tự cho phép mình giả dối đôi chút, tự nhủ muốn khẳng định được cái vô lý là vô lý thì trước hết phải nghiên cứu nó đã. Sự dối trá đó cũng nhỏ thôi, nhưng nó đưa anh đến một sự dối trá lớn hơn, trong đó hiện nay anh đang sa lầy.
Anh vốn sinh ra và được nuôi dạy trong chính giáo, người chung quanh đòi hỏi anh phải theo nó; không thừa nhận nó thì anh không thể tiếp tục giúp ích cho đời; nên ngay từ trước khi tự đặt cho mình câu hỏi: chính giáo có đúng không, thì cấu trả lời anh đã có sẵn rồi. Vì thế, để cho sáng tỏ vấn đề, anh không tìm đọc Vonte, Sopenhao, Spencer, hay Côngtơ, mà lại tìm đọc những trước tác triết học của Hegen, những tác phẩm tôn giáo của Vine, của Khomiakov, và tất nhiên, anh tìm thấy ở đó những điều cần thiết: một cái gì đó giống như sự an ủi tinh thần và lời biện bạch cho những giáo lý anh đã được nuôi dạy, những điều mà lý trí anh từ lâu vẫn không thừa nhận, nhưng không có nó thì đời anh sẽ đầy những chuyện không vui, còn thừa nhận nó thì tức khắc, mọi chuyện không vui sẽ tan biến hết. Anh đã thấm sâu mọi luận điệu nguỵ biện quen thuộc: nào là trí tuệ của một con người đơn độc không thể nào nhận thấy được chân lý; chân lý chỉ được soi tỏ cho mọi người cùng thấy; nào là phương pháp duy nhất để nhận thấy chân lý là phép Thiên Khải mà phép Thiên Khải lại do Toà thánh nắm giữ v.v… Từ đấy, anh mới yên tâm, không còn băn khoăn gì về điều giả dối anh đang làm, yên tâm tới dự tất cả những buổi cầu kinh, những lễ cầu hôn, đi dự các lễ sớm, xưng tội, ăn chay, làm dấu trước tượng thánh, và tiếp tục làm việc nhà nước để có cái cảm giác là mình đã làm được việc hữu ích cho đời và để được an ủi trong cuộc sống gia đình buồn tẻ. Anh nghĩ rằng anh có đức tin, nhưng từng thớ thịt trong anh vẫn cảm thấy rằng, cái đức tin đó còn "không phải thế" hơn bất kỳ việc nào khác.
Và chính vì thế mà cặp mắt anh nhìn lúc nào cũng buồn thăm thẳm. Chính vì thế mà khi mới gặp lại Nekhliudov, con người anh đã biết lòng anh chưa có những điều dối trá ngày nay. Xelenin lại thấy con người của mình ngày xưa, và nhất là sau khi anh vội vã nói ý với bạn về quan điểm hiện nay của anh đối với tôn giáo, anh cảm thấy mãnh liệt hơn bao giờ hết tất cả những điều đó đều "không phải thế", và vì vậy anh thấy buồn tê tái.
Chiều nay, Nekhliudov cũng cảm thấy thế sau phút sung sướng ban đầu được gặp lại bạn cũ. Và chính vì thế, mặc dầu họ hẹn gặp nhau, nhưng cả hai, chẳng ai nghĩ đến chuyện tìm gặp nhau cả, và trong suốt thời gian Nekhliudov ở Petersburg, hai người không hề gặp lại nhau.
 

Truyện PHỤC SINH Lời mở đầu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 (chương kết)