Có một trường phái tự do đáng kính tỏ ra chẳng có ác cảm gì đối với Oateclô. Chúng tôi không thuộc trường phái ấy. Chúng tôi coi Oateclô chỉ là ngày ngạc nhiên của tự do. Trứng như thế mà nở ra phượng hoàng như thế, thì rõ là bất ngờ thật. Đứng trên chót vót của vấn đề mà xét thì Oateclô là một chiến thắng phản cách mạng, theo chủ tâm của nhiều người. Đó là cả châu Âu chống lại nước Pháp, đó là Pêtécbua, Viên chống lại Paris. Đó là tư tưởng bảo thủ chống lại tư tưởng tiến bộ, là tinh thần ngày 14 tháng 7 năm 1789 bị tấn công vào ngày 20 tháng 3 năm 1815, đó là tất cả các nền quân chủ nổi kèn xung phong chống lại phong trào vùng lên vô địch của nhân dân Pháp. Ước mơ của các thế lực ấy là dập tắt phong trào cách mạng sôi nổi của dân tộc Pháp từ hai mươi sáu năm nay. Cho nên các dòng họ Bơrănguých, Nátxơ, Rômanốp, Hôlendôlec, Hápxbua mới liên kết với dòng họ Buốcbông. Oateclô, vì thế, có nghĩa là quân chủ thẩm quyền được khôi phục. Nói cho đúng, nền đế chế trước kia chuyên chế, thì nền quân chủ sau đó, do phản ứng tự nhiên, bắt buộc phải tự do và ngược lại ý muốn của bọn chiến thắng, một nền trật tự có hiến chương miễn cưỡng ra đời sau Oateclô. Như thế nghĩa là cách mạng thật sự không thể nào bị đánh bại và do hợp ý trời và nhất định phải xảy ra, nên nó phải xuất hiện. Trước Oateclô nó xuất hiện trong Napoleon, người đã xô đổ tất cả các ngai vàng xưa cũ. Sau Oateclô nó lại hiện ra trong Lui XVII – khi ông này ban cho dân bản hiến chương nhưng đồng thời cũng phải phục tùng hiến chương ấy. Bônapac cất nhắc một anh đánh xe lên ngôi vua ở Náp và một anh đội trưởng lên làm vua Thụy Điển; lấy cái bất bình đẳng chứng minh cho cái bình đẳng. Lui XVIII phải duyệt ký ở Xanh Uăng bản tuyên ngôn nhân quyền. Muốn hiểu cách mạng là gì? Hãy gọi nó là Tiến bộ. Tương lai nhất định làm theo từ bây giờ. Nó cũng luôn luôn đạt được mục đích, một cách kỳ lạ. Nhờ tay Oenlinhtơn nó biến Phoa từ một anh lính thành một nhà hùng biện, làm cho con người ngã xuống ở Hugômông ấy lại được đứng dậy ở diễn đàn. Đó, Tiến bộ đã làm như vậy. Đối với anh thợ ấy, không dụng cụ nào không dùng được. Cho nên, anh ta sử dụng vào công việc thiêng liêng của mình chẳng chút lúng túng, con người đã từng nhảy qua núi Anpơ lẫn ông cụ già ốm đau, khấp khểnh ở cung Êlidê. Anh ta dùng cả ông cụ thấp khớp lẫn nhà chinh phục, nhà chinh phục vào công việc bên ngoài, ông cụ thấp khớp công việc bên trong. Oateclô, chấm dứt đột ngột công việc phá hoại các ngai vàng châu Âu bằng súng gươm, cũng chỉ làm cho cách mạng tiếp tục ở một phương diện khác. Sứ mệnh của súng gươm đã hết, sứ mệnh của những nhà tư tưởng bắt đầu. Cái thời hạn mà Oateclô muốn ngăn lại, đã giẫm lên nó và tiếp tục con đường của mình. Cái chiến thắng đáng buồn ấy đã bị tự do đánh bại. Tóm lại, cái điều rõ ràng không sao chối cãi nổi là, những kẻ đã chiến thắng ở Oateclô, đa núp sau Oenlinhtơn mà mỉm cười sung sướng, đã phong cho ông ta tất cả các danh hiệu thống chế châu Âu, kể cả thống chế Pháp như người ta nói, những kẻ đã vui sướng đẩy các xe đất đầy xương khô để đắp cái gò sư tử, đã để một cách đắc ý vào chân đài kỷ niệm cái thời điểm 18 tháng 6 năm 1815, đã khuyến khích Bơluyse chém giết bừa bãi những người thua trận và đứng trên Mông Xanh Giăng đã dòm xuống nước Pháp như dòm một miếng mồi, những kẻ ấy là bọn phản cách mạng. Chính bọn phản cách mạng đã thì thầm với nhau công việc ghê tởm là chặt nước Pháp ra từng mảnh. Nhưng đến Paris thì chúng thấy miệng núi lửa gần kề một bên, đất đá hình như cháy bỏng dưới chân, nên chúng tỉnh lại. Chúng đành ấp úng bằng một cái hiến chương. Chỉ nên nhìn nhận trong Oateclô cái gì có trong Oateclô. Chủ tâm nó muốn đem lại tự do ư, không đời nào. Phản cách mạng đã miễn cưỡng tán thành tự do, cũng như, theo một hiện tượng tương tự, Napoleon đã phải bất đắc dĩ cách mạng. Ngày 18 tháng 6 năm 1815, Rôbétxpie ngồi trên mình ngựa đã bị hất ngã xuống đất.