iểm đến của tôi sau “ba tháng quân trường” là Đại đội 22 trinh sát thuộc sư đoàn 22 bộ binh đóng ở Cầu Bà Gi. Một ngọn núi nhỏ, trơ trọi. Một nhóm tháp đơn độc của người Chămpa mà người ta quen gọi là tháp Bánh Ít. Những ngày cuối cùng ở quân trường tôi bị bệnh mắt hột. Mắt cộm, sưng lên, không mở ra được. Tôi xuống xe, xách chiếc ba lô con cóc, quờ quạng đi như một gã hành khất mù lòa. Bốn mươi lăm ký, đầu húi cao, quần áo lính thùng thình, giày botte de saut mới tinh, nặng trịch. Đứng xếp hàng trước cái trại lính lụp xụp lợp bằng tôn rỉ sét. Sau đó là ôm mặt nằm cong queo trên chiếc giường gỗ rộng tám tấc. Hai mắt đau rát. Xế chiều có ai đó tới thăm tôi. Một thằng bạn? Không thấy mặt nó, chỉ cảm nhận một cú chạm nhẹ ở cuối giường và một tràng cười ngặt nghẽo. Cười chảy nước mắt, cười hô hố. Nhưng chỉ có nó cười. Tụi lính mới về không ai dám cười kiểu đó. -Hiếu ơi! Tao nghe nói mày làm cách mạng mà! Sao bây giờ mày về đây làm lính của tao? Đó là cái giọng Huế của thằng Văn Eng. Khi tôi và Trần Quang Long “quậy” ở Qui Nhơn, nó đứng ngoài cuộc vì ba nó là sĩ quan chế độ cũ. Tuy vậy chúng tôi cũng rất thân nhau. Cùng với Nguyễn Quang Hòa, chúng tôi là bộ ba giống như ba người lính ngự lâm. Trong ba thằng thì tôi và Văn Eng là những đứa lêu lỏng nhất. Tới mùa thi, khi ai cũng vùi đầu nơi bàn học thì giữa đêm khuya Văn Eng bảo tôi tới nhà người yêu của nó. Cô gái có một cái tên dài dòng, sang trọng, kiêu kỳ. Mai Lâm Tuyết Huờn. Tuyết Huờn là một viên tuyết nhỏ. Mai Lâm Tuyết Huờn là một viên tuyết nhỏ trong rừng mai. Nhưng nhà của Tuyết Huờn không phải là một rừng mai mà là một cửa hàng bán vật liệu xây dựng với một cái sân khá rộng và điều đáng ngạc nhiên là bên trong đang có… ba con bò khổng lồ. Tại sao một nhà giàu quý tộc ở giữa lòng thành phố Quy Nhơn như thế lại nuôi ba con bò? Văn Eng và tôi đứng tần ngần trước cái cổng gỗ to lớn. Không có người đẹp. Không có ánh đèn trong cửa sổ. Chỉ có ba con bò đang im lìm nhìn chúng tôi, đen thui như ba tên Chà Và gác cổng. Văn Eng thò tay vô phía trong cánh cửa cổng, mở cái chốt. Rất thong thả, ba con bò bước ra ngoài đường phố. Còn chúng tôi thì bỏ chạy. Cũng may, sáng hôm sau gia đình Tuyết Huờn tìm lại được ba con bò! ° Thiếu úy Văn Eng ôm lấy tôi. Cuộc gặp ấy làm tôi bất ngờ quá. Nó là thiếu úy đại đội phó. Đại đội trưởng là một tay đại úy xuất thân trường võ bị Đà Lạt. Về sau tôi biết hai người không ưa nhau và thủ thế với nhau khá căng thẳng. Eng tâm sự với tôi: -Mỗi lần thấy tao đi ngang qua văn phòng của nó, nó đều đặt tay lên khẩu colt 45 để sẵn trước mặt. -Vì sao vậy? -Vì đã có lần tao suýt bắn nó. Văn Eng là một sĩ quan nho nhã, có học thức. Và sau này, tôi tình cờ đọc được một truyện ngắn của nó đăng trên tạp chí Trình Bày. Đó là một tuyện ngắn độc đáo. Tôi ngạc nhiên về tài năng của nó. Ít lâu sau tôi nghe tin nó tử trận. Nó không thích Việt cộng và cũng không thích Mỹ. Nó ghét chiến tranh và vẫn mãi mãi yêu Mai Lâm Tuyết Huờn. Tôi không biết bây giờ Huờn đang ở đâu. Mỹ hay Canada, hay Pháp? Tôi chỉ biết rằng Văn Eng đã chết. Đại đội của nó rơi vào một ổ phục kích và vì không muốn bị Việt cộng bắt nên nó đã rút súng tự sát. Tội nghiệp cho Văn Eng. Anh bị động viên vào Thủ Đức và trở thành một sĩ quan bất đắc dĩ. Anh đã không mưu cầu một điều gì từ cuộc chiến ấy. Văn Eng, bạn tôi, là một nhà văn có tài dù anh chỉ mới viết có dăm ba cái truyện ngắn. Eng ơi! Viết đến đây tao khóc. Vì tao thương mày quá. Sao mày lại tự sát? Sao mày không cố nhịn nhục ở tù ít lâu rồi anh em mình lại gặp nhau?