Ông thượng nghị sĩ nói đến trên kia là một người thông minh, linh lợi. Ông đã bước đi trên đường đời với một nguyên tắc cứng rắn là không thèm để đến những trở lực có khi vấp phải mà người ta gọi là lương tâm, công lý, bổn phận, lời thề danh dự. Ông đã đi thẳng đến đích, không một lần nào chệch khỏi con đường thăng quan, tiến lộc. Ông ta nguyên là một biện lý, say sưa với sự hanh thông, tính tình cũng không đến nỗi nào, được thì giúp ích chút đỉnh cho con, cho rể, cho bà con, cả cho bạn bè nữa. Quả là ông đã khéo chọn phía tốt của cuộc đời, các dịp may, các dịp hiếm có. Còn lại ông coi như là ngu ngốc cả. Tính ông ta hóm, hiểu biết sách vở đủ để tin mình là đồ đệ của Epicuya, kỳ thật chỉ là một sản phẩm của Pigôn Lơbrăng. Ông sẵn sàng chế giễu một cách ý vị những cái gì vô biên, vĩnh viễn, những “chuyện hão huyền của ông cụ già giám mục”. Có lúc, ông đem ra cười cợt với một vẻ tin tưởng dễ thương, trước mặt chính ông Mirien để ông này nghe. Trog một dịp lễ nửa công, nửa tư gì đó, bá tước… (ông thượng nghị sĩ) và ông Mirien phải dùng cơm ở nhà ông tỉnh trưởng. Đến lúc tráng miệng, ông thượng nghị sĩ vui miệng, mặc dù vẫn giữ đúng tư thế, nói to: - Hay quá, ông giám mục à, ta nói chuyện đi. Thượng nghị sĩ và giám mục nhìn nhau khó mà không chớp mắt. Ông với tôi như hai thầy bói. Tôi có một điều muốn thú thật với ông. Tôi có triết lý riêng của tôi. - Ông nói đúng – ông giám mục đáp lại. – Người ta vừa nằm vừa triết lý. Ông đang nằm trên đệm tía đó, thưa ông thượng nghị sĩ. Được khuyến khích, ông thượng nghị sĩ tiếp: - Xin nói chuyện thật tình. - Thật bụng nữa – ông giám mục nói. - Tôi xin nói với ông - ông thượng nghị sĩ nói lại – rằng hầu tước Acgiăng, Pirông, Hốpbơ và Negiông không phải là những thứ tầm phơ. Trong tủ sách nhà tôi có đủ các triết gia tôi thích, đều gáy mạ vàng cả. - Cũng như ông vậy, ông bá tước ạ- ông giám mục ngắt lời. Ông thượng nghị sĩ nói tiếp: - Tôi ghét Điđơrô, ông ta là một nhà duy ý, một tay cao đàm, một người cách mạng, xét kỹ là có tin Chúa và sùng đạo hơn Vônte. Vônte thì chế nhạo Nitham và như thế là sai lầm, vì những con lươn của Nitham chứng minh rằng Chúa chẳng có ích lợi gì hết. Một giọt dấm đổ vào một thìa bột, tức là sáng thế rồi chứ gì nữa. Giả dụ cái giọt to hơn và cái thìa lớn hơn, thì chúng ta có thế gian. Con người, chỉ là con lươn. Thế thì cần gì có Chúa vĩnh viễn? Thưa ông giám mục, giả thuyết Giêhôva chán lắm. Chẳng qua nó chỉ tạo ra được những bộ xương rỗng tuếch. Đả đảo cái tất cả cao siêu, nó chỉ làm rầy người ta! Muôn năm cái số không vì nó để cho người ta được yên tĩnh! Từ ông đến tôi và để nói thật hết, với lại để được xưng tội với vị cha linh hồn như lẽ thường, tôi thú thật với ông là tôi có lương tri. Tôi không mê cái ông Giêsu nhà ông lúc nào cũng khuyên khổ hạnh và hy sinh. Đúng là khuyên thằng khố rách phải hà tiện. Khổ hạnh! Tại sao lại phải khổ hạnh? Hy sinh! Hy sinh cho cái gì? Tôi chưa hề thấy con chó sói nào chịu hy sinh cho hạnh phúc của con sói khác. Hãy sống theo luật tự nhiên vậy. Chúng ta là vật thượng đẳng, chúng ta có nền triết lý thượng đẳng. Ở trên cao mà làm gì, nếu không nhìn được xa hơn sống mũi kẻ khác? Chúng ta nên sống vui vẻ. Sống là tất cả. Còn cái chuyện người ta có một tương lai khác, ở chỗ khác, ở trên cao kia, hay ở dưới ấy, đâu đấy, tôi cóc tin tí nào. Ối dào! Người ta căn dặn tôi hy sinh và khổ hạnh, tôi phải chú ý mọi việc tôi làm, tôi phải nát óc vì cái thiện cái ác, vì cái đúng cái sai, cái nên cái không nên. Vì sao? Bởi vì tôi phải trả lời về hành vi của tôi. Lúc nào? Sau khi tôi chết. Thật là hão huyền! Tôi chết rồi, có thánh mà chộp được tôi. Thử bảo một bóng bàn tay vốc lấy một vốc tro xem. Nói hẳn cái có thật, chúng tôi là những kẻ hiểu đời, chúng tôi đã từng biết chuyện đời, không có gì là thiện là ác cả; chỉ có sự sống. Chúng ta phải tìm cái có thật. Phải đào sâu, tìm đến cùng chứ! Phải biết đánh hơi chân lý, bới đất lên và chộp lấy. Có thế mới thật là vui thích. Và bấy giờ tha hồ mà khoe tài, đắc chí. Tôi vốn là một người dứt khoát. Thưa ông giám mục, vấn đề bất tử của con người là một chuyện phỉnh trẻ con. Ôi chao! Lời hứa hấp dẫn làm sao! Anh cứ tin tưởng. Số ông Ađam thật là may! Bây giờ là linh hồn, mai kia là thiên thần, có cánh màu xanh ở xương vai. Nào, ông giúp tôi với, có phải Tectuyliêng nói rằng những kẻ hưởng phúc đời đời sẽ chu du từ hành tinh này sang hành tinh khác không? Vâng, cứ coi là thế. Người ta sẽ trở thành châu chấu giữa các vì sao. Và, người ta gặp Chúa Trời. Chà chà chà! Tất cả các thứ thiên đường ấy đều nhảm nhí tuốt. Chúa Trời là một trò đùa khổng lồ. Nhất định là tôi không nói cái đó trên tờ Người huấn luyện đâu, nhưng trong bạn bè thì chúng tôi cứ rỉ tai nhau. Interpocula hy sinh cuộc sống trần tục để cầu thiên đường thì chẳng khác nào thả mồi bắt bóng. Để cho vô biên lừa phỉnh, dại gì! Tôi không gì cả. Tên tôi là bá tước Hư vô, thượng nghị sĩ. Trước khi tôi sinh, có tôi không? Không. Sau khi tôi chết đi, còn tôi không? Không. Tôi là gì? Một nhúm bụi dính nhau trong một cơ thể. Tôi làm gì trên trái đất này? Tùy tôi chọn. Chịu đau khổ hoặc hưởng thụ. Chịu khổ sẽ đưa tôi đến đâu? Đến hư vô. Nhưng tôi đã chịu khổ. Còn hưởng thụ thì sẽ đưa đến đâu? Cũng đến hư vô. Nhưng tôi đã được hưởng thụ. Tôi đã chọn rồi đấy. Ở đời hoặc phải ăn hoặc phải bị ăn. Tôi thì tôi ăn. Làm trâu tốt hơn làm cỏ. Cái đạo đức của tôi là thế. Còn sau nữa nước chảy thuyền trôi, cửa mồ rộng mở, điện Păngtêông (Panthéon: điện thờ danh nhân, xây dựng ở Paris vào thế kỷ XVIII) cho tất cả chúng ta. Tất cả đều rơi tỏm xuốn cái hố huyệt lớn. Thế là chấm dứt. Finis. Thanh toán hòan toàn. Đây là bắt đầu chỗ tiêu tan. Chết là hết, tôi nói đúng như thế. Ở chỗ này mà có kẻ còn muốn nói với tôi một điều gì, chỉ nghĩ đến điều đó thôi tôi đã thấy buồn cười. Chuyện bịa của vú em. Ngáo ộp cho trẻ con, Giêhôva cho người lớn. Không, mai sau của chúng ta thuộc về đêm tối. Đằng sau ngôi mộ chỉ còn có những hư vô ngang nhau. Anh đã là Xácđanapan, anh đã là Vanhxăng đơ Pôn, cái đó cũng thành con số không như nhau. (Sardanapale: nhân vật truyền thuyết của thành quốc Babylone, nổi tiếng hư hỏng và hèn nhát; Saint Vincent de Paul: Thánh tử vì đạo trong thế kỷ I ở La Mã, nổi tiếng là người đạo đức, đã viết nhiều chương trong Tân ước.) Đó là cái có thật. Vậy thì hãy sống, sống trên hết. Hãy dùng lấy cái tôi khi nó còn trong tay anh. Nói thật, tôi xin thưa với ông, ông giám mục ạ, rằng tôi có triết lý của tôi và triết gia của tôi. Tôi không bị mê hoặc bởi những lời nói nhảm nhí. Cố nhiên, rồi cũng phải có gì cho kẻ ở dưới, những người chân đất, những người mài dao, những kẻ khốn khổ. Người ta tọng cho họ nuốt những thần thoại, những ảo tưởng, nào linh hồn bất tử, nào thiên đường, các vì sao. Họ cứ mà nhai các thứ ấy, cứ mà phết lên mẩu bánh không. Kẻ không có gì cả thì đã có Chúa Trời. Đúng đó là phần ít ỏi nhất. Tôi không ngăn trở điều đó, nhưng tôi giữ cho ông Negiông. Chúa Trời là cái rất tốt cho dân chúng. Ông giám mục vỗ tay: - Nói như thế mới là nói! – Ông reo lên – Quí hóa biết bao, thật là tuyệt diệu cái duy vật ấy! Chả phải ai muốn là có được đâu. À! Có nó thì không bao giờ còn bị lừa nữa, không còn khờ dại mà để bị đày biệt xứ như Catông, bị ném đá như Êchiên, càng không để bị thiêu sống như Gian Đác. Kẻ nào tạo được cho mình cái duy vật quí hóa ấy sẽ lấy làm vui thấy mình chẳng chịu trách nhiệm về cái gì cả. Mình có thể nuốt tươi tất thảy không chút băn khoăn, những chức vụ, những nghề ăn không ngồi rồi, những tước vị, những quyền hành tóm được chính đáng hay không chính đáng, những cách nói lời rồi lại ăn lời để hốt bạc, những sự phản bội bổ ích, những sự đầu hàng ý vị của lương tâm. Và cuối cùng thì bước xuống mồ sau khi dạ dày đã tiêu sạch mọi thứ. Thật là thú vị! Những điều đó, không phải là tôi nói ông đâu, ông thượng nghị sĩ ạ. Tuy nhiên, tôi không thể nào mà không khen ngợi ông. Các ngài quyền cao chức cả, chính miệng các ngài nói ra, các ngài có triết lý riêng của mình và cho mình, một thứ triết lý hay ho, tế nhị, chỉ riêng người giàu sang mới hiểu nổi và dùng để nấu món gì cũng được, nhất là để nêm tiêu muối cho các khoái lạc ở đời thì càng tuyệt. Cái triết lý ấy lấy từ đáy sâu và có những nhà thám hiểm đặc biệt moi móc lên. Nhưng các ngài cũng có lòng từ thiện, các ngài không đến nỗi cho là xấu cái việc dân chúng lấy việc tin vào Chúa làm triết lý của mình, giông giống như món ngỗng hầm hạt dẻ là món gà nhồi nấm của người nghèo.