- 9 -

    
iềm cắm đầu đạp một hơi khi ra khỏi trường. Hôm nay đúng 27 Tết. Anh không phải đi học cho tới mồng 5. Nghĩ tới ở nhà 7 ngày tha hồ ăn ngủ, anh cảm thấy lòng phơi phới, nhấn mạnh chân xuống bàn đạp của chiếc xe đạp mà mẹ mới mua cho cách đây hơn tháng. Mặc dù có xe gắn máy song anh vẫn thích đi học bằng xe đạp hơn vì không tạo ra sự cách biệt với bạn bè trong trường mà hầu hết vẫn còn đi học bằng xe đạp. Bởi vậy anh mới năn nỉ mẹ mua cho chiếc xe đạp mới, loại dành riêng cho các tay đua xe. Chân đạp đều đều anh nghĩ ngợi lan man để tìm xem mình làm gì trong dịp Tết. Ăn tết mà hổng có vui chơi thời đâu có gọi là ăn tết được. À lên tiếng nhỏ vì tìm ra ý kiến mới mẻ anh khoái chí đạp xe nhanh hơn để về nhà bàn với mẹ. Dù sao anh cũng phải được mẹ đồng ý.
Dựng xe đạp trước hàng ba anh xô cửa và gọi lớn hai tiếng '' mẹ ơi ''. Không có ai trả lời cho anh biết mẹ không có nhà. Trên bàn có mảnh giấy ghi dòng chữ '' Mẹ đi chợ Tết... chiều về... có bánh mì thịt cho con ''. Đói bụng, anh mở gác măng rê lấy bánh mì ra ăn.
- Cô Đan ơi... Cô có thơ nè cô...
Đang nhai, nghe tiếng ông phát thơ anh hơi ngạc nhiên bèn bước ra. Thấy Điềm, ông phát thơ cười trao cho anh lá thư.
- Thư này của mẹ cậu...
- Dạ cám ơn bác... Chúc bác ăn tết vui vẻ...
Nói lời cảm ơn ông phát thư quen biết với nhà mình mấy chục năm và đợi cho ông ta đạp xe đi khỏi, Điềm liếc nhanh phong thư cũ và hơi nhăn nheo. Tên người gởi khiến cho anh hơi cau mày tỏ vẻ khó chịu vì biết đó chính là thư của bác Mặc gởi cho mẹ của mình. Nửa bực dọc, nửa tò mò muốn biết ông lính viết cái gì song anh cũng hiểu không nên xé thư ra đọc. Đó là một điều tối kỵ. Đó là một xúc phạm với người mẹ kính yêu. Mân mê lá thư trên tay giây lát, anh càu nhàu mấy tiếng rồi bước vào phòng bỏ nó trên giường của mẹ. Nhưng không biết nghĩ sao anh lại lấy lá thư nhét vào dưới cái gối của mình. Dường như anh muốn giấu lá thư của bác Mặc gởi cho mẹ của mình. Trở ra bàn vừa ăn bánh mì anh vừa suy nghĩ rồi sau đó nhiều câu hỏi bật ra trong đầu. Mẹ với bác Mặc viết thư lâu chưa? Viết bao nhiêu lá thư rồi? Có đi chơi riêng rẻ chưa? Nếu có thì bao nhiêu lần rồi? Ăn được nửa ổ bánh mì, không biết nghĩ sao anh lại trở vào phòng, vạch gối lấy phong thư đem ra đặt trên bàn ăn trước mặt của mình. Vừa ăn anh vừa nhìn phong thư rồi cảm thấy bánh mì nhạt nhẽo và không còn hương vị gì nữa. Tự dưng anh thấy hổng ưa ông lính, bạn của mẹ. Trong óc của cậu thanh niên vốn là con một quen được mẹ nuông chiều nãy sinh ra sự ghen tức. Người ta thường nói con một có tính ích kỷ và ít khi chịu chia xẻ với ai. Điềm cũng nằm trong tình trạng đó và còn nặng hơn. Anh mê mẹ và nhất định không chịu chia xẻ tình cảm của mẹ dành cho mình với bất cứ ai. Anh chỉ muốn mẹ là của mình, mãi mãi thương yêu mình, dù biết rằng mai mốt anh cũng sẽ gặp gỡ, quen biết, yêu thương và phải có gia đình riêng của mình. Tuy nhiên ngay lúc này và có thể còn lâu lắm anh vẫn sống với mẹ do đó không muốn bà quen biết và có bạn trai hay bồ bịch với bất cứ người đàn ông nào.
- Điềm ơi...
Đang suy nghĩ, nghe tiếng mẹ gọi ngoài sân, Điềm nhét vội lá thư của Mặc vào túi áo đoạn reo thành tiếng vui vẻ.
- Dạ… Con mới về mẹ ơi…
Anh nghe giọng nói của mình có chút gì gượng gạo. Bước nhanh ra cửa đúng lúc mẹ vừa vào tới, thấy mẹ tay xách nách mang, anh đưa tay đỡ lấy bịch giấy dầu to và nặng.
- Con phụ mẹ ôm trái dưa hấu vào nhà nghen con… Nặng quá mẹ ôm hổng nổi…
- Sao mẹ hổng chờ con đi học về rồi con đi với mẹ…
Đan Trầm vừa thở vừa cười nói với con trai.
- Mẹ đi chợ Thị Nghè mua vài thứ về kho thịt. Ngày mai mình ra chợ Bến Thành mua trái cây để mồng hai qua nhà nội của con…
Ngoái đầu nhìn ra ngoài sân, nàng nói tiếp.
- Chú hai Miện để trái dưa hấu ngoài cửa cho con ôm vào dùm mẹ đi con… Còn bịch thức ăn nữa…
- Dạ mẹ cứ để đó cho con… Mẹ vào nghỉ mệt đi mẹ…
- Ừ… mẹ vào nghỉ mệt một chút… Con nhớ đem hết thức ăn vào nghen xong rồi mình ăn cơm…
Nhìn theo dáng đi của mẹ rồi sau đó ngó xuống túi áo trong có đựng phong thư của Mặc, Điềm lẩm bẩm điều gì xong nối bước theo sau. Đặt gói giấy dầu lên bàn anh quày quả trở ra sân. Một tay ôm trái dưa hấu lớn, một tay ôm bọc giấy, anh trở vào nhà thật nhanh.
- Mẹ ơi…
- Gì đó con… Chờ chút… Mẹ đang thay quần áo…
Vừa định vén màn bước vào phòng ngủ, nghe mẹ lên tiếng, Điềm hơi ngần ngừ rồi cuối cùng đứng yên không bước vào phòng trong lúc mẹ đang thay quần áo. Dù vậy, anh cũng nghe được tiếng động quen thuộc làm cho anh liên tưởng tới điều gì khiến mặt mày đỏ dần lên. Lắc lắc đầu mấy lượt như cố xua tan những hình ảnh trong đầu, anh bước ra sau bếp soạn thức ăn mà mẹ đã mua sắm cho ba ngày tết.
- Mẹ có mua mứt gừng cho con đó…
Đan Trầm cười nói trong lúc cài nút áo trên cùng. Điềm ngước lên cười nhìn mẹ.
- Có bánh tét… Ủa mà mẹ mua bánh chưng chi vậy mẹ?
Cầm ổ bánh chưng vuông vuông lên, Đan Trầm cười hắc hắc.
- Mua ăn thử… Cô bạn trong sở nói bánh chưng ngon lắm nên mẹ mua ăn thử… Con hổng thích thời mẹ ăn một mình…
Dứt lời nàng chúm chiếm cười nhìn con trai và buông một câu nói đùa.
- Mẹ muốn thử món ăn của miền bắc mình để sau này có cô con dâu người bắc thời mẹ cũng không bỡ ngỡ…
Nghe bà mẹ nói đùa Điềm không nhịn được cũng bật lên tiếng cười vui vẻ. Bẻ miếng mứt gừng bỏ vào miệng anh vừa nhai vừa cười thốt.
- Xóm mình có con nhỏ tên Tâm người bắc học Trưng Vương đó mẹ…
- Có phải Tâm Bắc không?
- Dạ…
Quay qua nhìn con, Đan Trầm bắt gặp con cũng đang nhìn mình cười.
- Tâm Bắc với Tâm Nam, Tâm nào đẹp hơn?
- Dạ… Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười…
Đan Trầm buông tiếng cười thánh thót khi nghe câu trả lời của con.
- Con thích cô nào?
- Hổng thích cô nào hết…
- Sao lạ dzậy… Con nói với mẹ là con phục hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị lắm mà…
Điềm trả lời trong tiếng cười vui.
- Dạ… Con phục Hai Bà Trưng mà hổng thích con gái học Trưng Vương…
- Vậy chứ con thích ai?
- Hổng thích ai hết…
Tinh ý, Đan Trầm thấy nét mặt của con thoáng nét buồn man mác sau khi nói câu đó.
- Thật không… Có để ý tới ai thời con nói cho mẹ biết nghen. Mẹ sẽ tìm cách giúp con. Mẹ sẽ cố vấn cho con…
Thở dài nhè nhẹ, Điềm nói lảng sang chuyện khác bằng một câu hỏi nửa đùa nửa thực.
- Chuyện tình của mẹ với bác Mặc tới khúc quanh nào rồi?
Im lặng giây lát, Đan Trầm mới lên tiếng.
- Tình gì… Mẹ với ông ta chỉ là bạn…
- Bạn gì mẹ?
- Bạn thôi… Chưa có gì hết…
- Chưa có nghĩa là sẽ có phải hông mẹ?
Đan Trầm nhìn con chăm chú khi nghe câu bắt bẻ của nó. Điềm hơi cúi đầu xuống như cố tránh tia nhìn quan sát của mẹ. Thật lâu anh mới nghe tiếng thở dài của mẹ cùng với giọng nói buồn buồn vang lên trong căn nhà bếp vắng lặng chỉ có hai người.
- Mẹ không biết… Mẹ thích ông ta nhưng…
Đan Trầm ngập ngừng như khó tìm ra lời nói diễn bày ý nghĩ của mình. Chờ giây lát không thấy mẹ tiếp, Điềm hỏi nhỏ.
- Từ hôm đi ăn tối mẹ có gặp bác Mặc lần nào nữa không mẹ?
- Không…
Đan Trầm không hiểu sao mình lại trả lời không. Đúng ra thời nàng có đi chơi với Mặc một lần trước khi anh trở lại đơn vị.
- Bác ấy có viết thư cho mẹ hả mẹ?
- Có…
Tay đều đều cắt khúc thịt đùi ra thành những cục thịt nhỏ để kho, Đan Trầm trả lời gọn.
- Chắc mẹ có hồi âm hả mẹ?
Điềm hỏi tiếp. Ngưng tay, nhìn con giây lát xong nàng mới cười đùa.
- Con tính làm phóng viên Lê Phong để điều tra mẹ hả?
Cười hắc hắc Điềm không trả lời. Đan Trầm nói chậm và nhỏ. Giọng của nàng thoáng buồn.
- Mẹ có viết thư nhưng sau đó không thấy bác ấy trả lời. Chắc bác ấy bận… Lính mà…
Nhìn gương mặt thoáng nét buồn man mác, nhất là đôi mắt đen dài long lanh như có nước mắt của mẹ hiền, Điềm cảm thấy áy náy. Nhìn mẹ, anh cười nói đùa.
- Con có cái này để làm quà Tết cho mẹ nè mẹ…
Nói xong anh thò tay vào túi áo của mình.
- Con cho mẹ cái gì?
Đan Trầm thờ ơ hỏi. Nàng đâu cần quà cáp của con trai hay bất cứ của ai. Móc trong túi áo ra phong thư dày, Điềm trao cho mẹ trong lúc quan sát cử chỉ của bà. Anh muốn biết để đo lường mực độ tình cảm của bà đối với ông lính tên Mặc. Anh thấy thoáng mừng rỡ ánh lên trong đôi mắt dài có đuôi, cũng như bàn tay nuột nà run nhè nhẹ khi đón lấy phong thư nhăn nheo.
- Cám ơn con…
- Thơ tới lúc con vừa đi học về. Con tính đợi tới mồng một tết mới đem ra lì xì cho mẹ, nhưng biết mẹ trông thơ của bác Mặc nên con…
Mỉm cười, Đan Trầm hôn nhẹ vào má con trai như biểu lộ sự cám ơn. Điềm cảm thấy lòng mình nao nao khi đôi môi mềm ấm của mẹ chạm lên má. Mùi hương thân thể quen thuộc của bà làm cho anh ngầy ngật, choáng váng một cách dịu dàng song âm vang còn vương lại rất lâu trong tâm tưởng.
- Con ước gì bác Mặc gởi thư cho mẹ mỗi ngày…
- Chi dzậy?
Mắt không rời phong thư của ông lính được đặt trên mặt bàn, Đan Trầm hỏi với chút ngạc nhiên. Dù nôn nóng muốn đọc thư song nàng cố dằn lòng đợi sau khi làm xong mọi chuyện, nhất là muốn che dấu sự nôn nóng của mình không cho con trai biết. Điềm cười hắc hắc.
- Con sẽ được mẹ hôn mỗi ngày…
- Hổng có thư của bác Mặc mẹ cũng hôn con mỗi ngày mà… nếu con muốn…
Điềm chưa kịp phát biểu ý nghĩ của mình, mẹ anh đã cười lên tiếng. Âm thanh của giọng cười nghe thanh thoát, dịu dàng và tươi vui.
- Mà chắc con hổng cần mẹ cưng nựng đâu… Để mai mốt Tâm Bắc hay Tâm Nam nựng con nhiều hơn…
Bật lên tiếng cười vui, Điềm nghiêng người chìa má sang như muốn để cho mẹ hôn lần nữa. Đan Trầm giỡn với con bằng cách chạm nhẹ cái trứng hột vịt vừa lột vỏ xong vào má của con trai kèm theo hai tiếng '' hư quá nè...''. Hai mẹ con cười giỡn trong lúc liền tay sửa soạn thức ăn cho ba ngày Tết. Khoảng trưa mọi việc tạm xong. Vặn nhỏ lửa nồi thịt kho, Đan Trầm lên tiếng.
- Mẹ đi nằm nghỉ một chút… Con qua nhà Tâm Nam chơi hả?
Điềm cười cười. Anh biết mẹ muốn đuổi khéo mình đi chơi để ở nhà đọc thơ của bác Mặc. Vì vậy anh tìm cách chọc phá cho vui.
- Dạ hông… Con ở nhà đọc ké thơ của mẹ…
Thấy mẹ đưa tay định ký đầu mình, anh cười hăng hắc.
- Thôi con đi chơi để cho mẹ ở nhà đọc thơ bồ…
- Bồ gì… Ai mà thèm bồ bịch với mẹ…
Bật lên tiếng cười Điềm bước ra cửa rồi ngoái đầu lại đùa một câu.
- Con hổng tin đâu… Mai mốt gặp bác Mặc con sẽ hỏi xem bác ấy có mê mẹ không…
Đứng nhìn theo bóng con trai khuất ngoài cổng giây lát, Đan Trầm mới thong thả vén tấm màn bước vào phòng ngủ. Thấy giường của con trai ngổn ngang quần áo, sách vở nàng lẩm bẩm.
- Hư quá… không khi nào chịu dọn dẹp…
Tuy nói như vậy song nàng cũng không chịu dọn dẹp cho con mà lại nằm xuống giường của mình. Đưa phong thư tuy còn mới song lại được gấp làm đôi của Mặc lên ngắm nghía giây lát nàng mỉm cười. Ba ngày Tết mà nhận được lá thư mình mong đợi thời đúng là món quà quí giá và hiếm hoi. Một ý tưởng nãy ra trong trí, nàng đặt phong thư của người lính lên ngực rồi sau đó nhắm mắt lại. Căn phòng chìm vào im lặng.
Điềm rón rén bước vào nhà như không muốn gây ra tiếng động. Anh muốn biết mẹ có đọc thư của bác Mặc hay đang làm gì khác. Vào tới nơi anh ngạc nhiên vì sự vắng lặng. Khẽ vén màn anh càng ngạc nhiên hơn khi thấy mẹ không có đọc thư của bác Mặc mà đang nằm ngủ trên giường. Lá thư đặt trên ngực vẫn còn dán kín.
- Mẹ ơi…
Đan Trầm hơi cựa mình dù con gọi rất khẽ. Không mở mắt nàng hỏi nhỏ bằng giọng chứa ít nhiều ngáy ngủ.
- Gì đó con?
- Dạ hổng có chi… Con chỉ muốn biết mẹ thức hay ngủ…
Điềm thì thào. Đan Trầm xoay người nằm nghiêng mặt vào vách.
- Mẹ nằm một chút… Con canh chừng nồi thịt kho cho mẹ… Châm thêm nước cho mẹ…
- Dạ…
Dù dạ tiếng nhỏ song Điềm vẫn đứng im tại chỗ. Mái tóc huyền xoả trên chiếc lưng ong. Dáng mẹ nằm ngủ thật đẹp và thật quyến rũ tới mức độ làm cho anh không thể không nhìn ngắm dù biết làm như thế là bất kính với mẹ hiền. Lát sau khe khẽ thở dài, anh lẳng lặng lùi ra khỏi phòng mà cảm thấy bước chân của mình nặng chình chịch. Vào nhà bếp anh thở khì ra hơi thật dài đoạn nhìn quanh quất. Mùi nước mắm, nước dừa xiêm hoà quyện với mùi thịt heo, trứng vịt, cá lóc làm thành mùi thơm thật quyến rũ. Hai chữ quyến rũ bật ra trong trí làm anh liên tưởng tới dáng nằm ngủ của mẹ. Nó gây cho anh xúc động xôn xao giấu mặt, lẫn khuất mơ hồ như có như không. Từ khi mẹ quen biết bác Mặc, người thứ nhì hiện diện trong đời sống tình cảm của bà, anh mới nhận ra mình càng ngày càng thương yêu và si mê mẹ nhiều hơn. Có lẽ anh biết sẽ mất mẹ. Có lẽ anh biết mẹ có cảm tình với bác Mặc dù mới quen biết thời gian ngắn. Anh biết tính của mẹ cũng giống như mình, nghĩa là lãng mạn, đam mê và thuần tình cảm. Nếu gặp đúng người, không cần phải đợi thời gian lâu mới nãy sinh tình cảm mà bà sẽ yêu nhanh, yêu nhiều và yêu say mê. Điều đó anh nhận thấy trong cử chỉ, lời nói và cung cách đối xử mà mẹ dành cho bác Mặc. Ý nghĩ ngày nào đó mẹ sẽ yêu thương người khác làm cho anh buồn bã. Ý nghĩ bị mẹ bỏ rơi cũng làm cho anh khó chịu và đâm ra hờn giận mẹ và luôn cả bác Mặc. Mình phải làm gì? Điềm tự hỏi. Trong nhất thời anh chưa tìm ra câu trả lời thoả đáng cho vấn đề tình cảm vốn tế nhị, phức tạp và khó giải quyết.
- Điềm ơi… Con làm gì đó?
Tiếng gọi ôn nhu, dịu dàng và quen thuộc của mẹ vang lên khiến cho Điềm mỉm cười. Cúi đầu nhìn vào nồi thịt kho nước đang sôi, anh nói chậm và nhỏ.
- Đang canh nồi thịt kho cho mẹ nè…
Đan Trầm cười thánh thót.
- Con đang canh hay đang ăn vụn. Mẹ thấy con bóc bỏ miệng lia lịa…
- Mình có dưa cải hông mẹ?
Biết ba món thịt kho, dưa cải và bánh tét là ba món mà con hẩu nhất, Đan Trầm vội trả lời.
- Chưa… Mai ra chợ Bến Thành mẹ mới mua. Con đi chợ với mẹ không?
Thường Điềm ít khi nào chịu đi chợ để mua thức ăn với mẹ, nhưng lúc này không biết nghĩ sao mà anh lại gật gật đầu vui vẻ trả lời.
- Con sẽ đi với mẹ…
Bước tới một bước đứng sát cạnh con, Đan Trầm nheo mắt nhìn. Điềm cảm thấy cử chỉ của mẹ nhìn mình có nhiều tinh nghịch, âu yếm và đáng yêu vô cùng.
- Sao lạ dzậy… Hồi trước mẹ năn nỉ thiếu điều gãy cái lưỡi của mẹ mà con đâu có chịu đi…
Bật cười hăng hắc, Điềm nói với giọng nghiêm trang song có chứa chút gì pha trò.
- Dạ… Con phải đi theo hộ tống mẹ… Con hổng muốn mẹ giao nhiệm vụ quan trọng này cho bất cứ ai ngoài con…
Rủ ra cười, Đan Trầm vòng tay quanh cổ con trai đang đứng tựa sát vào người của mình.
- Bé biết vậy là tốt… Có người năn nỉ xin được hộ tống mẹ đó bé ơi…
Điềm quay nhìn mẹ rồi câu hỏi bật ra.
- Bác Mặc hả mẹ?
Cười cười Đan Trầm im lặng không trả lời. Điềm lại hỏi tiếp.
- Mẹ đọc thư bác Mặc chưa mẹ?
- Chưa…
- Sao lạ vậy mẹ… Con tưởng mẹ thích đọc thư của bác ấy mà mẹ…
Đan Trầm cười im lặng. Nàng muốn giấu kín ý nghĩ của mình. Tới khi con trai lập lại câu hỏi lần nữa, nàng mới thủng thẳng trả lời.
- Mẹ nghĩ thư của bác ấy cũng chẳng có gì… Chắc chỉ là thư chúc tết…
Điềm mỉm cười. Đan Trầm cũng cười vì biết con không tin vào lời nói của mình. Nó đủ lớn để biết hai người khác phái thư từ cho nhau nhằm nói chuyện tình cảm chứ chúc tết chỉ là cái cớ mà thôi.
- Hổng đọc thơ con cũng đoán ra bác ấy viết gì cho mẹ…
Đan Trầm nhìn con mỉm cười.
- Thế à…
Điềm lên tiếng. Giọng của anh khang khác.
- Người dưng khác họ… hổng nọ thời kia… mai dìa mốt ở… ban ngày mắc cỡ… tối ở quên dìa…
Úp mặt vào vai con trai, Đan Trầm bật cười hăng hắc khi nghe nó dùng mấy câu ca dao để chọc cười mình đồng thời diễn tả một cách rất xác thực mối quan hệ trai gái.
- Ơ… ơ… sai rồi bé ơi… Mẹ đâu có hổng nọ thời kia… Mai mốt mẹ cho con xem thư của bác Mặc…
Đang nói Đan Trầm ngưng lại liền khi biết mình lỡ lời. Nhìn con, nàng cười đùa.
- … Mà mẹ nghĩ con hổng có thích đọc thư của bác ấy đâu…
- Thích chứ… Con muốn biết bác ấy tán mẹ như thế nào để học hỏi sau đó đem áp dụng với bạn gái…
Đan Trầm hỏi liền như muốn đổi sang chuyện khác nhân câu nói của con trai.
- Con có bạn gái hả… Cô ta xấu đẹp, tròn méo ra sao?
Nhìn con chăm chú sau khi buông ra câu hỏi, nhờ vậy Đan Trầm thấy con mỉm cười, nụ cười buồn và lời nói thoáng chút ngậm ngùi…
- Con chưa có bạn gái nhưng rồi con cũng phải có. Cũng như mẹ, tương lai mẹ cũng phải có bạn trai… Con nghĩ bác Mặc thích mẹ mà mẹ cũng thích bác ấy…
Thầm nghĩ nhận xét của con đúng song không hiểu sao Đan Trầm lại lên tiếng phân trần. Có lẽ nàng không muốn con trai buồn.
- Mẹ với bác Mặc chưa có gì đâu… Chỉ bạn thôi… Tương lai chưa biết còn bây giờ thời cũng không có gì…
Điềm lắc đầu cười có vẻ buồn song giọng nói của anh có chiều nghiêm nghị.
- Con lớn rồi mẹ. Năm tới con sẽ vào đại học. Con nghĩ con có thể chấp nhận và chịu đựng buồn đau. Chuyện con lớn lên và yêu thương một cô gái nào cũng không có gì lạ, cũng như nếu mẹ và bác Mặc thương yêu nhau và lập gia đình với nhau cũng không có gì sai trái và cũng không có ai ngăn cản mẹ được. Cha của con đã có gia đình khác rồi…
Nhìn con đăm đăm vì ngạc nhiên, Đan Trầm buột miệng hỏi.
- Sao con biết?
- Bà nội nói cho con biết…
Đan Trầm làm thinh. Ngày xưa lúc còn bé, Điềm ít lui tới gia đình bên nội vì nàng cũng không thường xuyên thăm viếng. Sau này lớn lên anh đã tự mình mở rộng mối liên lạc với bà nội, chú bác và các anh chị em bên nội. Nàng biết nhưng im lặng, không ngăn cản mà cũng không khuyến khích con vì biết có ngăn cũng chẳng được. Vả lại chuyện Điềm thăm viếng gia đình bên nội không có gì sai trái. Anh không thể chối bỏ mối liên hệ huyết thống đó.
- Nội nói gì về chuyện cha con có vợ khác?
Đan Trầm hỏi dò. Điềm nhìn mẹ như quan sát nét mặt rồi sau đó mới lên tiếng bằng giọng buồn buồn.
- Con hỏi bà nội về chuyện cha con có vợ khác để xác định một việc đã xảy ra rồi. Con nhận thấy cha không minh bạch và không được công bằng với mẹ…
Điềm ngừng lời khi thấy mẹ nhìn mình đăm đăm. Riêng Đan Trầm, dù không nói ra lại có nhiều ngạc nhiên và thắc mắc. Lần đầu tiên nàng nghe con trai nói ra những nhận xét về cha của nó. Qua hơi mát của làn gió nhẹ vào những ngày cuối năm, nàng mơ hồ nghe giọng nói trầm buồn của con trai vang trong căn nhà vắng lặng.
- Cha có quyền lấy vợ khác; tuy nhiên con nghĩ cha nên minh bạch chuyện đó với mẹ…
- Cha của con ở xa…
Lên tiếng chống chế cho chồng song Đan Trầm ngừng lại khi thấy nụ cười của con trai.
- Đành rằng cha con ở xa song viết một lá thư phân trần đâu có mất bao nhiêu thời giờ. Con nghĩ cha con ích kỷ…
Đan Trầm mở to đôi mắt nhìn con vì sửng sốt. Giọng của nàng cất lên nghiêm và có chút gì không bằng lòng. Thâm tâm nàng cũng nghĩ như vậy song ngoài mặt lại nói khác đi.
- Con đang phê phán cha của con…
Điềm nhẹ lắc đầu. Giọng của anh cũng nghiêm không kém gì đấng sanh thành đang đứng trước mặt mình.
- Con xin lỗi mẹ và xin lỗi cha của con. Lời của con nói ra không phải phê phán mà chỉ là một nhận xét khởi xuất từ sự suy nghĩ đã chín nhừ. Con chỉ nói cho mẹ biết mà thôi. Con nghĩ mẹ không thể cấm con nói ra cũng như cấm con suy nghĩ…
Đan Trầm cười nhẹ trước những lời phân trần của con. Nàng biết mình không có quyền cấm người khác, ngay cả con trai của mình phát biểu cảm tưởng vì cả hai đang sống trong một xứ sở dù có chiến tranh song ít nhiều gì vẫn tôn trọng quyền tự do của người dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Điều mà nàng muốn biết chính là cảm nghĩ của con trai về cha của nó.
- Lý do nào khiến con nghĩ cha của con là người ích kỷ?
Điềm trầm ngâm trước câu hỏi của mẹ. Thật lâu anh mới thở dài lên tiếng trả lời.
- Con nghĩ cha của con yêu cái lý tưởng của ông hơn yêu thương mẹ và con. Cha yêu đảng của cha hơn vợ con… Cha hy sinh cho cái Mặt Trận của cha nhiều hơn cha hy sinh cho mẹ và con…
- Như vậy không có nghĩa là cha con ích kỷ?
Đan Trầm vặn. Điềm cười nhẹ và câu trả lời của anh khiến cho mẹ im lặng.
- Con sợ phải nói ra cha con là một người thiếu bổn phận làm cha và làm chồng...
Đan Trầm thở dài nhè nhẹ vì con nói đúng ý nghĩ của mình. Dù nàng cố giấu tiếng thở dài thầm lặng song dường như Điềm nghe được. Nhìn mẹ bằng ánh mắt buồn, anh nói với giọng ngậm ngùi mà cũng pha chút cay đắng.
- Con đã nói chuyện nhiều lần với anh Hạnh…
Đan Trầm gật đầu. Nàng biết Hạnh, con trai lớn của Định, anh ruột của chồng mình. Mặc dù vai cháu song Hạnh chỉ nhỏ hơn nàng có hai tuổi và đang đi lính. Dù Điềm không nói nhiều, nàng cũng suy đoán ra Hạnh đã bàn luận với con về cuộc chiến tranh đang xảy ra, về vị thế của chồng mình và còn nhiều thứ lắm…
- Anh Hạnh nói với con về trường hợp của cha cũng như một số anh em bên nội đã tập kết ra bắc rồi trở lại miền nam. Họ thuộc lớp người lớn tuổi đi theo mặt trận, theo cộng sản chống lại chính phủ Việt Nam Cộng Hoà mà mẹ và con đang sống. Anh Hạnh còn nói thêm chiến tranh này là một cuộc nội chiến giữa hai miền nam bắc. Miền nam theo thể chế dân chủ tự do còn miền bắc theo chế độ cộng sản. Sở dĩ có chiến tranh chỉ vì miền bắc vâng lệnh của Nga Sô và Trung Cộng xâm lăng miền nam để biến toàn nước ta thành một nước cộng sản. Con đã nghe các giáo sư người bắc nói về cuộc cải cách ruộng đất ở miền bắc, về sự đàn áp các văn nghệ sĩ miền bắc trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Cộng sản độc tài nên cấm cản người ta nói, viết hay bày tỏ tư tưởng của mình. Tự do tư tưởng là quyền tự do bất khả xâm phạm của con người. Bởi vậy con nghĩ cộng sản miền bắc chẳng muốn giải phóng miền nam ra khỏi ách độc tài của Mỹ Nguỵ như họ từng rêu rao. Họ chỉ muốn áp đặt thể chế độc tài đảng trị của họ lên dân chúng miền nam mà thôi...
Đan Trầm im lìm không nói. Từ lâu, nàng với con không có bàn luận về nhiều vấn đề tế nhị như chiến tranh, chính trị và tôn giáo. Nàng thừa biết chồng mình, lúc còn trẻ đã gia nhập kháng chiến chống Pháp, rồi sau theo Việt Minh và cuối cùng bỏ thành vào bưng theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một lực lượng trá hình của cộng sản miền bắc trong mưu đồ xâm chiếm miền nam. Sinh ra và lớn lên ở đây, do đó nàng yêu mến xứ sở này. Tuy chính quyền có khuyết điểm cũng như thể chế chính trị sẽ không bằng các nước khác song vẫn có những quyền tự do tối thiểu. Nàng vẫn được sống an nhàn sung sướng, tự do đi lại, bày tỏ cảm nghĩ của mình và nhất là quyền tư hữu, làm chủ những gì mình có được. Trong mỗi người chúng ta đều có cái tốt và cái xấu, thời trong mỗi quốc gia cũng đều có cái tốt và cái xấu và đó là thực trạng chung của xã hội.
- Mẹ…
Nghe tiếng con gọi, đang im lìm nghĩ ngợi Đan Trầm ngước lên nhìn. Nàng bắt gặp nụ cười và ánh mắt quan hoài của con trai.
- Con xin lỗi mẹ… Đúng ra con không nên nói chuyện buồn vào những ngày cuối năm…
Tựa người vào sát con trai, Đan Trầm cười thánh thót như cố khoả lấp nỗi buồn rầu riêng tư của mình.
- Mẹ nghĩ con đã lớn do đó có bàn chuyện người lớn thời có sao đâu… Từ nay mẹ hổng dám gọi con  là '' bé '' nữa rồi…
Vòng tay ôm lấy vai mẹ, Điềm cười. Giọng của anh thật nhẹ và cũng thật âu yếm.
- Con lớn với ai chứ con vẫn mãi mãi là bé của mẹ. Con vẫn còn mê mẹ như lúc còn nhỏ…
Phải rướn người lên chút nữa cho cao bằng con, Đan Trầm mới hôn lên tóc nó được.
- Cám ơn bé… Bây giờ mẹ nhờ bé hộ tống mẹ đi chợ Tân Định. Bé bằng lòng không?
Cười hắc hắc Điềm giơ hai tay lên cao kèm theo câu nói.
- Nhất mẹ nhì trời mà mẹ…
Nguýt con, Đan Trầm cười thốt.
- Bây giờ thời nhất mẹ nhì trời… Mai mốt lấy vợ thời nhất vợ nhì con và mẹ đứng hạng ba hả…
Thấy con dợm bước theo mình, nàng lên tiếng như ngăn không cho nó đi theo mình vào phòng ngủ.
- Con chờ chút… Mẹ đi thay quần áo…