CHƯƠNG 9
Dai Son Co., Ltd

Khi nhà giàu làm giặc thì nhà nghèo toi mạng.
J.P.Sartre16
Khoảng 7 giờ sáng, tôi đi xe bus về quận Thanh Xuân. Tôi tìm nhà thằng Thanh nhạn. Xe bus là một phương tiện giao thông rẻ thối và rất đáng ngờ về chất lượng phục vụ công cộng. Trên xe đầy rẫy những bà, những cô buôn chuyến. Hàng hóa chất đầy trên nhưng lối đi. Vài ông bà già ngồi khép chân tư lự. Mấy ông công chức ngơ ngác như nhà mất trộm. Vài đứa nữ sinh viên nhà quê đứng tụm vào nhau lẩm nhẩm bài học thuộc lòng, thỉnh thoảng lại bị xô đẩy và kêu ré lên vì trò sờ soạng bấu chí của bọn thanh niên mất dạy. Chiếc xe đi như bò giữa dòng người và xe máy vây xung quanh. Tôi đứng ngay ở bậc cửa xe vì không muốn ních người giữa đám hàng hóa lộn xộn, nồng nặc hơi người và hơi xăng dầu.
Nhà thằng Thanh nhạn nằm ngay bên cạnh một con đường mới mở. Khu Thanh Xuân là khu rất đông những trường đại học. Ở đâu có sinh viên là ở đấy đầy rẫy những tiệm cầm đồ. Chỉ một đoạn phố ngắn dài 800 mét có tới 36 tiệm cầm đồ. Các quán ăn bình dân, cà phê bình dân, tạp hóa bình dân và karaoke bình dân thì nhiều không kể xiết. Tên các biển hiệu đều dâm đãng và mờ ám: Mưa Hồng, Đêm thánh nhân, Sơn Nữ, Hoàng Hôn, Cà phê vườn, Hương Quê, Chả Tiểu hổ...
Thằng Thanh nhạn không có ở nhà. Phòng khách chật hẹp đặt một bộ salon Sài Gòn to nghễu nghện. Một chiếc bàn làm việc chắn ngay trước cửa phủ đầy bụi là nơi đón tiếp các “khổ chủ”. Ngay ở trên đầu là một cái kệ nhỏ đặt bàn thờ, bát hương. Ngồi sau cái bàn là dì thằng Thanh nhạn, một người đàn bà to béo nét mặt hầm hầm chừng 35 tuổi. Qua cái cửa sổ để trống ngay giữa “phòng khách” người ta nhìn thấy cái kho chứa đồ chất đầy xe đạp, các đầu máy video, CD, giày dép và trăm thứ bà dằn khác. Một cái rổ xảo to tướng đựng đầy những cái điều khiển tivi, đồng hồ đeo tay và cả điện thoại di động nữa đặt chênh vênh ở ngay giữa “bàn làm việc”.
Dì thằng Thanh nhạn có vẻ mệt mỏi, bà ta hỏi tôi vẻ chẳng thiện cảm chút nào:
Mày tìm thằng Thanh làm gì?
Tôi lí nhí trả lời tôi là bạn nó, rằng tôi với nó cùng học một trường, rằng tôi có việc cần nó giúp đỡ. Dì thằng Thanh nhạn xì một cái vẻ không tin. Bà ta nói:
Mày phải tự lo cho thân mày đi! Không ai giúp được mày đâu.
Tôi ngáp một cái vì đêm qua tôi thức trắng đêm. Dì thằng Thanh nhạn hỏi ngay:
Mày có nghiện không?
Tôi lắc đầu và thấy ghét con mụ này không sao tưởng được. Vừa lúc ấy thì bố thằng Thanh nhạn bước ra. Ông ta nhận ra tôi ngay và khá vồn vã:
Khuê đấy à? Vào đây mày!
Tôi tránh cái nhìn ngờ vực láu lỉnh của dì thằng Thanh nhạn và theo bố nó vào nhà. Ông ta dẫn tôi qua một cái hành lang tối om rồi đến một cầu thang vòng vèo đi lên gác hai. Ở đấy có một căn phòng khá rộng và đầy những đồ đạc tiện nghi đắt tiền. Hai đứa con gái chừng 15, 16 tuổi (chắc là ôsin17 giúp việc) đang lau cửa kính và sàn nhà. Ông ta bảo chúng đi ra rồi bảo tôi ngồi xuống ghế. Ông ta hỏi tôi vẻ am hiểu và thông cảm:
Mày bị đuổi học phải không?
Tôi không biết trả lời ra sao vì tình thế của tôi bây giờ cũng gần như bị “tuột xích”. Bố thằng Thanh nhạn rút trong ví ra hai tờ một trăm nghìn đồng nhét vào túi áo ngực tôi rồi nói:
Đ. mẹ! Có học rồi cũng vậy thôi. Có đứa còn hai, ba bằng đại học cũng chẳng làm gì!
Ông ta đưa cho tôi một cái cacvidit mặt trước đề: “Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Sơn, Dai Son Co., Ltd, Lê Bình, giám đốc, địa chỉ, số điện thoại, có cả Fax và E-mail”, mặt sau đề: “Ngành nghề kinh doanh: Xây dựng các công trình dân dụng giao thông, thủy lợi. Mua bán, trao đổi các thiết bị viễn thông, văn phòng. Kinh doanh bất động sản. Quảng cáo. Vận tải và dịch vụ vận tải thủy bộ. Chỉ có niềm tin bạn bè và chất lượng phục vụ là hạnh phúc của chúng tôi. Kính chúc các bạn may mắn và thành đạt”.
Ông Lê Bình mời tôi uống một lon nước tăng lực Red Bull (bò húc). Ngay lúc ấy có điện thoại réo và ông chửi ầm lên trong điện thoại một lúc khá lâu. Xong xuôi ông bảo tôi, vẻ xin lỗi:
Chó đẻ! Làm ăn như cứt! Tao phải đến công ty bây giờ. Mày muốn tìm thằng Thanh thì đi với tao.
Ông Lê Bình rút điện thoại di động gọi taxi. Tôi theo ông ta lên xe, một phần vì lịch sự, một phần vì tò mò muốn xem văn phòng “Dai Son Co., Ltd” mặt ngang mũi dọc ra sao.
Lái xe taxi có vẻ là một người thân tín của ông Lê Bình. Loáng thoáng qua vài câu chuyện của họ, tôi biết rằng ông Lê Bình còn có một bà mẹ già 82 tuổi. Ông Lê Bình cười bảo tôi:
Đêm nào bà cụ cũng thức để đợi tao về. Có hôm đến ba giờ sáng, tao ở sàn bowling về vẫn thấy bà cụ ngồi thức chong chong. Chó thật! Bà cụ bảo tao: “Bình ơi, con dại lắm. Mày cứ đú đởn với bọn bạn bè rồi hư cả người”. Thật chết cười! Tao 60 tuổi còn dại nỗi gì! Còn hư thì tao đã hư từ bé. Đ. mẹ! Nhưng biết thế nào là hư với lại không hư?
Tôi lạnh cả người vì chợt nhớ đến mẹ tôi. Chắc chắn đêm qua mẹ tôi sẽ đi tìm tôi và thức thâu đêm. Tôi gạt phắt ý nghĩ ấy ra khỏi đầu mình. Rất may chiếc xe taxi lúc này cũng vừa dừng lại.
Văn phòng công ty Đại Sơn đặt ngay trong một khu nhà tập thể cao tầng lắp ghép làm vào khoảng những năm 60 từ thế kỷ trước. Ở Hà Nội người ta gọi đây là kiến trúc kiểu Cuba. Những tấm bêtông đúc sẵn được gá lại với nhau rất nguy hiểm. Tất cả các căn phòng đều chật hẹp và có trần rất thấp. Khu nhà này đến nay xuống cấp nghiêm trọng nên không còn ai dám ở nữa. Người ta đang chờ có tiền để giải tỏa khu nhà này xây dựng lại.
Văn phòng của ông Lê Bình là cả một loạt căn phòng ở dãy tầng trệt. Ở đấy tôi chỉ thấy có hai cô gái ngồi trực điện thoại và pha chè tiếp khách. Ngồi chờ ông Lê Bình nhốn nháo có đến cả chục người, phần lớn đều như ở “hội tay to” gồm toàn doanh nhân và quan chức. Một chiếc bàn lớn trên bày hoa nhựa có quây ghế ngồi xung quanh là nơi tiếp khách, đằng sau có rất nhiều ảnh của ông Lê Bình chụp chung với các chính khách.
Ông Lê Bình khá vui vẻ và giải quyết công việc rất nhanh, tôi thấy không có ai mếch lòng và khó chịu. Các chỉ thị của ông Lê Bình đều hóm hỉnh, dễ hiểu và rất tục tĩu. Xong việc khách đi ra liền. Ông Lê Bình bắt tay khuyến khích, thậm chi chửi bới họ và sai cô nhân viên lấy ra một tặng phẩm gì đấy: hoặc là một chiếc bật lửa hình đàn bà cởi truồng hay hình súng lục, hoặc là một chiếc áo sơ-mi đầy những hoa văn sặc sỡ của Singapore và Thailand... Cũng có người được ông tặng phong bì, chắc hẳn có tiền trong đó. Hầu như tất cả các khách ở đây đều quen biết nhau. Tất tật ông Lê Bình đều xưng hô với họ là tao với mày mà chẳng kiêng dè gì cả. Ra về, ai cũng đều có vẻ thỏa mãn. Tôi đứng thơ thẩn ở bên ngoài hành lang. Cô nhân viên văn phòng hỏi tôi đến có việc gì và bảo tôi rằng:
Cậu Thanh không ở đây đâu. Em đừng chờ cậu ấy vô ích.
Tôi nói tôi muốn vào chào ông Lê Bình để cám ơn ông. Cô nhân viên bảo tôi:
Không cần đâu. Tôi sẽ chuyển lời cám ơn của em cho sếp.
Tôi quay đi lòng dạ rối bời. Hà Nội! Hà Nội rộng lớn thế này mà chẳng có chỗ nào dung nổi ta sao?
---
16.  Đề từ trích trong “Bách khoa danh ngôn từ điển”  (sách đã trích).
17.  Ôsin: tên của nhân vật trong phim truyền hình Nhật Bản, xuất thân đi ở. Sau này ở Hà Nội quen gọi Ôsin là những người (nữ) giúp việc.