Bẩy chị em quây quần bên nhau, tất cả đều tận tình lo giúp Mỹ Hương. Hôm nay là ngày vui chỉ còn vài giờ nữa Mỹ Hương sẽ cùng Trần làm lễ đính hôn. Địa điểm tại nhà cụ Sở. Kể từ khi hiểu rõ tình nghĩa khắng khít của nhóm mười chị em kết nghĩa, cụ Sở càng quí mến họ nhiều hơn, rồi biết hoàn cảnh họ đều là những cô gái thiếu thốn tình gia tộc - người thì mồ côi, kẻ thì cha mẹ còn kẹt bên Đại Lục - Cụ càng sẵn sàng giúp đỡ. Hai hôm trước Ngọc Phấn và Lộc Hậu đã thay mặt chị em, thưa chuyện với cụ về cuộc hứa hôn này, Vừa nghe qua, cụ sốt sắng bảo, cứ tự tiện sử dụng nhà cụ tổ chức buổi lễ nếu cần, cụ sẽ đứng ra chứng kiến luôn cho. Thấy Mỹ Hương chỉ có toàn y phục cũ, chỉnh tề, tinh khiết nhưng Hạ Vi cũng buộc miệng. - Ơ! chị Ba như vậy coi không được! Dầu sao cũng sắp sửa làm dâu rồi, cần phải có áo mới, phải trang điểm cho lộng lẫy lên mới được. Lầu đầu tiên Tề Minh mau lẹ tán thành Hạ Vi. - Đúng! ý kiến hay! Tố Tố, Tiểu Bình cũng phụ họa. - Phải đó! Mình phải trang điểm cho chị Ba thật đẹp, mới đúng điệu. Thế là mỗi người một tay, lăn xăn rộn rịp sửa soạn cho Mỹ Hương. Ngọc Phấn cười trìu mến, nhìn các em và đưa thêm sáng kiến cụ thể. - Tới lúc làm đám cưới, thì mặc áo cưới, cái đó đã đành mình sẽ tính sau. Nhưng bây giờ, làm đám hỏi, cũng nên có áo... đám hỏi... Thu Vân bao giờ cũng coi ý kiến của chị Cả là xác đáng, nhưng trong trường hợp này không khỏi băn khoăn. - Chị cả! Mình làm gì có sẵn áo đám hỏi, cho chị Ba? - Đừng lo, miễn áo mới là được, đã có đây. Ngọc Phấn vừa đáp vừa mau mắn đi mở vali lấy ra một chiếc áo dài. Đây là chiếc áo bằng loại hàng thường của nàng mới may, định để mặc đi dạy học, nhưng chưa dùng tới lần nào. Mỹ Hương mặc chiếc áo dài của chị Cả vào, tuy không vừa vặn khít khao, và dầu cho có hơi dài hay ngắn hoặc rộng hẹp thế nào cũng chẳng sao. Hạ Vi có đôi giày cao gót, cũng vội đem ra, đôi giày do Ỷ Hoa cho hôm trước. Hạ Vi coi như bảo vật luôn cất kỹ, nên không ai ngờ nàng có, bây giờ thấy nàng đưa ra, mọi người ngạc nhiên thích thú reo lên: - Hay quá! mặc kỳ bào mang giày cao gót là đúng kiểu lắm rồi, ít ra phải vậy mới đúng là chuẩn cô dâu chớ. Mang vào ngay coi nào! Bình nhật, Mỹ Hương vốn “sợ” cả hai loại áo dài chẽn và giày cao gót, nhưng lúc này chẳng từ chối được dầu rằng lúc đã mang mặc vào xong nàng thấy khó chịu làm sao ấy. Tuy nhiên, sau khi được điểm chuốc xong, trông nàng đẹp hẳn ra. Mọi người lùi dạt về một phía để Mỹ Hương đứng một mình ở giữa phòng rồi đổ dồn ánh mắt vào, ngắm nghía, bình phẩm, trầm trồ... Thật sự. Mỹ Hương là một thiếu nữ vừa đẹp vừa duyên dáng. Có điều, trong sinh hoạt hằng ngày nàng rất giản dị không bao giờ chịu quan tâm đến việc điểm trang, miễn quần áo lành lặn, đoan chỉnh là xong. Bây giờ được trang điểm thêm đôi chút, nàng sáng rực hẳn lên. Mấy chị em đứng lố nhố thành hình cánh cung trước mặt Mỹ Hương tiếp tục ngắm nghía, tựa như một... ủy ban tuyển chọn sắc đẹp. Hạ Vi buộc miệng khen: - A! chị Ba yêu quí của em! vậy là “số dzách" rồi. Đẹp thật! chỉ sửa soạn sơ sơ mà đã lộng lẫy bắt mê, qua mặt luôn cả chị Hai, vậy mà thường ngày cứ ăn mặc như một nhà tu, có uổng không? A, nói tới đây lại bắt nhớ tới cái ông Thượng sĩ Trần. Không biết thuở trước cái ông Thượng sĩ... cù lần đó đã khéo tu hành thế nào mà kiếp này lại vớ được cả một kho tàng hạnh phúc. Mỹ Hương thẹn hồng đôi má, trông càng xinh. Nàng nhìn các em và liếc sang chị cả. - Nhớ nghe, bữa nay các người đừng dùng người ta làm đề tài giễu cợt đó nghe. Ngọc Phấn can thiệp. - Bé Vi, được rồi! Đợi lát nữa gặp Trần, sẽ mặc sức mà nói. Chợt nhớ tới chuyện cũ, Hạ Vi cười hóm hỉnh. - Chà! chà.. em biết rồi chị Cả chắc đang nhớ anh Phục Bình, phải không? Hôm đó đi chơi trên núi Mõ Két, chị Ba đã giải vây giùm cho, bữa nay lại tới phiên chị đứng ra binh vực chị Bạ. Cái kiểu “phủ binh phủ, huyện binh huyện" này làm cho bọn dân đen chúng em hết đường ăn nói. Mọi người cùng cười ồ khiến Ngọc Phấn cũng đỏ mặt không kém gì Mỹ Hương. Tiểu Bình bỗng hỏi: - Chị cả! bữa nay chị Ba đính hôn, chắc chị Tư cũng đến tham dự chớ. Lộc Hậu đáp thay: - Có lẽ chị Tư bận việc chớ không quên chị em đâu... Mỹ Hương chống chế cho qua chuyện. - Thắng Nam muốn tới lắm, hôm kia chị có tìm gặp Thắng Nam để báo tin, Thắng Nam rất tán thành vụ này... Tề Minh xen ngang: - Chớ không lẽ phản đối? mà dầu có tán thành hay phản đối gì cũng vậy, khó mà trông mong chỉ đóng góp một cái gì. Ai dám đánh cá với tôi ngàn đồng ăn cục kẹo không? tôi quả quyết là chị Tư sẽ không đến, nhất định không, tôi không đoán mò đâu, đó là sự thật hiển nhiên, chị Tư đâu có thèm chú ý gì tới chị em mình. Lộc Hâu biện hộ cho Thắng Nam: - Không nên nói vậy, oan cho chị Tự Mấy hôm các em đi thi, chị Tư đã chẳng đến đây hai lần đó sao? Tề Minh cười lạt, bĩu môi, toan nói thêm gì nữa nhưng Tố Tố đã kịp thời lái câu chuyện qua hướng khác. - à! còn chị Hai nữa, chị Cả với chị Ba có báo tin cho chị Hai biết chưa? Ngọc Phấn đáp: - Cho tới bây giờ thì chưa, thời gian cận kề quá, dầu có biên thơ cho Ỷ Hoa, cũng không kịp mà thực tế, Ỷ Hoa đâu có thể rút bỏ công việc đang làm ăn để đến ngay, chỉ còn cách là mai mốt sẽ báo sau, chắc Ỷ Hoa không trách. Tiểu Bình giành phần: - Để em biên thơ chọ Em sẽ viết thật dài, kể rõ mọi chi tiết, để chị Hai đọc thỏa thích một phen, cho đỡ nhớ chị em mình. Khá lâu rồi không được gặp nhau. Tề Minh tán thành ngay: - Đúng! nên cho chị Hai biết, bất luận ra sao, chị Hai vẫn một lòng tha thiết với chị em mình, Mà này, Tiểu Bình nhân tiện cô đừng quên một chuyện quan trọng cho cô là nhớ đòi chị Hai mua cho một gói kẹo nghe chưa! Thái độ và lời lẽ thẳng tuột của Tề Minh khiến người chị Cả ngấm ngầm thấm thía và cảm động. Dường như nàng định nói gì, nhưng Hạ Vi lại cất giọng vô tư, như đặt một vấn đề trọng đại. - Ờ. suýt quên! chẳng biết “Thượng sĩ Trần" bữa nay sẽ ăn mặc ra sao đây? Thu Vân nghe chướng tai, hỏi vặn: - Tại sao lại hỏi tới chuyện đó? - Kìa! Cũng cần phải biết chớ! Em còn đoán trước là anh ấy sẽ “lèng xèng" lắm, chẳng xứng nét “chuẩn” chú rể chút nào. Không chừng ông thượng sĩ nhà ta sẽ mang luôn cả bộ Ka ki cho mà xem? - Như vậy thì có gì không được? - Không được là cái chắc, chị Ba trang phục lộng lẫy thế này, đứng kế bên một ông thượng sĩ chẳng sửa soạn gì hết, coi sao xứng. - Chỉ cần tâm hồn xứng là đủ rồi, bề ngoài chẳng đáng quan tâm. Hạ Vi nhất định cãi. - Chị cứ giở gịong triết lý khó nghe quá, bề ngoài mới càng đáng quan tâm! Chứ tâm hồn? tâm hồn là cái gì? làm sao thấu hiểu tâm hồn người ta như thế nào? muốn đánh giá một con người mà không căn cứ bề ngoài thì căn cứ vào cái gì đây? Thu Vân không ngờ Hạ Vi lại cãi quá hăng, đâm ngại, vì bản tính nàng không thích việc biện luận dài dòng, nên đành im lặng. Mỹ Hương cười xòa! khỏa lấp câu chuyện và nhắc nhở chung. - Bây giờ cần phải lo ngay một việc thiết thực.. Nàng bước lại bàn mở ví tay lấy tiền trao cho Ngọc Phấn và hạ thấp giọng: - Nhờ chị Cả đi chợ chuẩn bị cho bữa tiệc. Đây là tiền của chị cho và một phần của em và Trần dành dụm. Hôm qua cụ Sở có gọi em vào, cho một số tiền, bảo dùng vào việc chuẩn bị cho buổi lễ... nhưng em không dám nhận. Cụ cũng không ép, mà chỉ căn dặn chúng ta nên tổ chức càng đơn giản càng ít tốn kém càng tốt. Theo ý cụ thì ý muốn tự lực là một tinh thần rất hay, nhưng nên ráng tiếp kiệm vì thực tế chỉ một mình chị Cả đi làm, còn chúng em chưa kiếm được tiền, cụ khuyên chúng ta nên tổ chức tiệc trà cũng được, miễn tinh thần, nghiêm chỉnh không khí đứng đắn là được. Ngọc Phấn gật đầu, đoạn dẫn Tề Minh và Tiểu Bình đi ra. Hạ Vi chạy theo: - Sao không cho em đi chợ với? Chị Cả thiên vị rồi, em phải cùng đi mới được. Tề Minh gạt phăng. - Ủa! chị làm gì vậy? ở nhà có phải hơn không! trời nắng rồi chị nên nghỉ ở nhà cho khỏe. Hạ Vi trề môi: - Lúc này mà bắt ở nhà là chết ngột mất. - Giỡn hoài! nắng lắm chị vô đi! - Thiệt mà, trở vô chết ngột luôn. Vừa rồi nghe chị Ba kể một hơi những lời giáo huấn của ông cụ, đáng lẽ đã... mất thở rồi... Mỹ Hương trừng mắt: - Đó là ý tốt của bực trưởng thượng. Lòng dạ Ông cụ phúc hậu nhân từ đối với chúng ta như người cha, ông cụ đã cặn kẽ hỏi chuyện hứa hôn và tán thành, còn sẵn sàng đứng ra chứng kiến như vậy là một đặc ân... Hạ Vi lè lưỡi. - May mắn là em không có người cha như vậy. Ngọc Phấn gắt: - Bé Vi! Ăn nói gì lạ vậy? Đâu phải lúc nào cũng như thế. Hạ Vi tiu nghỉu. Mỹ Hương không muốn chị em gợi một chút buồn nào trong ngày vui của mình, nên gượng cười hết ngó người này tới người khác và thân thiết khoác vai Hạ Vi. - Bé Vi, nên ở nhà, chị có việc nhờ em. Chị Cả với Tề Minh, Tiểu Bình đi chợ là đủ rồi. Thình lình Gia Triển từ cửa hông bước ra. Không biết anh chàng có nghe qua câu chuyện hay không nhưng chị em Ngọc Phấn không khỏi sững sờ. Riêng Hạ Vi thì hết sức ngượng ngùng. Gia Triển nhìn Tố Tố rồi hồn nhiên nói với mọi người: - Chị Ngọc Phấn cùng hai cô đi chợ phải không? nếu chẳng có gì trở ngại tôi xin được phép đóng góp vào một chút, gọi là mừng ngày vui trọng đại của chị Mỹ Hương và Anh Trần... Chàng ngừng lại, chưa ai hiểu là chàng định đóng góp gì. Tố Tố chau mày- Anh nói gì mà người ta chẳng hiểu gì cả. - Xin lỗi... xin lỗi... ý của tôi là đã đề nghị được đóng vai trò tài xế, để tôi lái chiếc xe con cóc của tôi đưa chị Ngọc Phấn với hai cô Tề Minh, Tiểu Bình đi. Mua sắm hơi nhiều mà đi xe bus bất tiện còn đi taxi thì tốn tiền. Không ai phản đối vì nhận thấy Gia Triển có lý và cũng hiểu chàng rất chân thành. Lộc Hậu vỗ vai Gia Triển giục. - Phải rồi! đem xe ra ngay đi! - Dạ, có liền. Khi Gia Triển lái chiếc xe hai ngựa chở ba chị em Ngọc Phấn ra khỏi cổng, Hạ Vi kề miệng sát tai Tố Tố. - Coi vậy mà chị có đứa em rể cũng được việc lắm. Tuy Hạ Vi nói không to nhưng ai nấy đều nghe. Chỉ riêng Thu Vân nhăn mặt, còn Mỹ Hương, Lộc Hậu đều bật cười, trong khí Tố Tố đỏ mặt tía tai... Đúng giờ hẹn, Trần đưa phái đoàn đàng trai đến, ngoài Trần còn có thêm hai ông bạn quân nhân đều còn trẻ, và người anh họ của chàng, Họ đến bằng chiếc xe nhà binh khá cồng kềnh, còn bám đầy bụi đất, chở theo một số những gói quà giấy hồng chỉ đỏ. Tiểu Bình ngây thơ và Hạ Vi liếng thoáng dạn dĩ nhất bọn, chạy ùa ra đón: - Anh Trần! Anh Trần tới! Hạ Vi đã đoán chẳng sai, Trần quả nhiên vận quân phục kaki sậm màu chẳng chải chuốt đồ Tây đồ Tàu gì cả, có điều bộ quần áo lính hôm nay được ủi kỹ, thật thẳng nếp, với phù hiệu Thượng sĩ nhất nổi bật và đôi giày nhà binh bóng loáng. Bạn của chàng cũng vậy, cả hai đều mặc quân phục một người có vẻ lớn hơn chàng vài tuổi cũng cấp bực Thượng sĩ, một người trẻ hơn nhưng đeo lon Đại úy. Hạ Vi nhìn sững ông Đại úy trẻ, không phải vì ba đóa hoa mai, mà do một lý lẽ gì đó, nàng cũng không biết ra sao... ông anh họ của Trần, mặc quốc phục thật đạo mạo, Khi mọi người ra đón tận thềm, Trần giới thiệu ông anh và tiếp tục: - Đây là Ngọc Phấn chị cả của Mỹ Hương, còn đây là các em của Mỹ Hương cô Lộc Hậu, em thứ năm: cô Thu Vân, em thứ sáu: cô Hạ Vi, em thứ bẩy: Tề Minh, em thứ tám: Tố Tố, thứ chín; và đây là “búp bê” Tiểu Bình, nàng út! Và đây là hai bạn tôi: Đại úy Du và thượng sĩ Phàn. Đại úy Du dường như rất ít có dịp giao tế cùng bạn gái nên lúng túng ra mặt trước một đám đông sáu bảy cô gái mới gặp lần đầu. Chàng đứng nghiêm cất tay chào kiểu nhà binh và “báo cáo". - Tôi, Long Thiên Du! Cũng may, chàng khỏi “báo cáo" tiếp theo vì Tiểu Bình đang thắc mắc Trần: - Sao? anh kêu tôi là cái gì? tôi giống con búp bê chỗ nào đâu, anh phải nói cho ra? Trần tự biết đã rước họa vào thân, vội phân trần: - Thì... thì búp bê có nghĩa là em bé, là thứ út vậy mà. Tiểu Bình ức quá: - Hả? có nghĩa là con nít, là nhãi ranh, là đồ hỉ mũi chưa sạch, phải không? Thấy cô em út, hầm hừ, chẳng lơ mơ như cái thuở còn mình ẵm từ trên xe xuống nữa, Trần đâm hoảng, chối phăng: - Đâu có! Ai nói vậy hồi nào! Ngọc Phấn cười: - Vụ này hãy tạm gác lại sau, mai mốt cứ đem tới một gói kẹo, cho Tiểu Bình là xong... Bây giờ xin mời, xin mời tất cả cùng vào... Mỹ Hương và Trần làm lễ đính hôn. Buổi lễ được tổ chức đơn giản, nhưng được một vị trưởng bối cao niên như cụ Sở chứng kiến nên không kém phần long trọng. Cuộc hôn nhân của Mỹ Hương và Trần nhất định sẽ diễn ra trong vô vàn hạnh phúc. Cụ Sở tặng quà đính hôn luôn cho hai người: - Một năm nữa Mỹ Hương tốt nghiệp, hai cháu sẽ làm lễ thành hôn, lúc đó bác sẽ gởi hai cháu một món quà mà bác tin rằng cả hai sẽ rất ưa thích, Bác cũng mong chị em các cháu về tề tựu đông đủ... Trần có mời vài bạn thân và vị chỉ huy trưởng đơn vị của mình đến chung vui, người anh họ của Trần, một tiểu thương gia ở Đài Bắc cũng có mặt trong lễ đính hôn. Sau buổi lễ người anh họ Trần mời chàng và các bạn về nhà thết đãi, cố nhiên Mỹ Hương cũng phải theo về. Chiều tối hôm đó các chị em đang vui vẻ chuyện trò trong phòng, thì ngoài cửa có người gọi: - Tố Tố! Tố Tố. Tố Tố bước ra thấy Gia Triển đang ôm ba chiếc hộp giấy khá lớn. - Gì vậy, Gia Triển? - Bánh đậu xanh, hôm qua người ta cho mấy hộp, ông bà nội bảo đem qua cho mấy cô dùng. Tố Tố cầm hai hộp, Gia Triển giữ lại một hộp, định nói gì nhưng lại thôi. Tố Tố hỏi: - Còn gì nữa không anh? - Hộp bánh này để riêng tụi mình ăn... Nếu Tố Tố chưa ngủ sớm, tụi mình ra bờ giếng ngồi chơi được không? Hơi ngập ngừng, nhưng Tố Tố gật đầu, rồi vào phòng. Cô em út chẳng đợi mở hộp reo lên: - A! bánh đậu xanh! Các chị em tranh nhau ăn, cười đùa vui vẻ. Hạ Vi nheo mắt ngó Tố Tố, tỏ ý cám ơn và nuốt vội miếng bánh để kịp nói: - Ngọt ghê! chưa kịp ăn quà của chị Ba thì đã có bánh của Tố Tố rồi! đa tạ Tố Tố nghe! Ửng hồng đôi má, Tố Tố chống chế: - Sao lại cám ơn em? Của cụ Sở cho mà! - Ủa! cụ Sở đích thân mang bánh tới cho hả? Hay là “Mộc Tượng" cứ nhìn cái mặt đỏ ửng của Tố Tố là biết đúng rồi. Vậy cám ơn em cũng như cám ơn người ta chớ gì! Tố Tố không dám cãi nhây với Hạ Vi, nín thinh rồi từ từ lùi lại phía cửa, lách ra ngoài. Tiểu Bình kêu: -Ủa, sao chị Tố Tố không ăn bánh? - Hơi đâu mà hỏi có người đang chờ ngoài kia rồi. Hạ Vi nói như đùa bỡn, nhưng nửa như chua chát. Tố Tố ra vườn, Gia Triển đã mở hộp nhưng chưa ăn. - Sao không ăn đi? - Chờ Tố Tố. Sao ra chậm vậy? Tố Tố nhìn về phía cửa phòng: - Tôi phải vô... Mấy chị em đang chờ... Sợ Tố Tố trở vô thật, Gia Triển ăn bánh ngay, ăn luôn năm sáu miếng, chàng mới hỏi: - Mấy cô có chuyện gì vui quá vậy? - Bàn chuyện của chị Ba với anh Trần. Cảm thấy phần nào hứng thú, Tố Tố hỏi luôn: - Theo ý anh thì chị Ba có nên đính hôn với anh Trần không? - Sao lại không nên? Gia Triển đã từng nghe Lộc Hậu kể lại câu chuyện giữa Mỹ Hương và Trần, nên trả lời mau lẹ và mạnh dạn, lại còn góp ý kiến: - Chị Mỹ Hương là một cô gái đáng quí, anh Trần cũng xứng đáng mối tình đó lắm. Yêu nhau là phải biết hy sinh cho nhau. Nghe chàng hăm hở trình bày, Tố Tố bật cười: - Nghe nói vậy, chắc chị Ba sẽ cám ơn nhiều. Như sực nhớ chuyện gì, Gia Triển hỏi: - Có chị Lộc Hậu trong phòng không? - Có. - Tôi muốn hỏi là trong lúc các cô bàn luận có chỉ không? - Có chị Năm cũng tán thành anh tưởng chỉ phản đối hả? - Không. Tôi biết chắc là chỉ sẽ tán thành, Có điều... nếu tối này ngủ riêng thì chỉ sẽ khóc. - Anh nói sao? Ai khóc? chị Năm hả? Anh nói gì lại vậy? tôi chưa thấy chị Năm khóc lần nào. Huống chi chỉ lại tán thành cuộc hôn nhân của chị Ba đang rất vui, tai sao lại khóc. Gia Triển nghiêm trang: - Không, chỉ sẽ khóc cho coi, tại chỉ cố nhịn trước mặt chị em đó thôi. Tố Tố là em nhưng vẫn chưa hiểu rõ chị Lộc Hậu đâu. Tuy biết Gia Triển không nói đùa, nhưng Tố Tố vẫn ngạc nhiên: -Anh muốn nói... Gia Triển không giấu diếm: - Tôi nói cho Tố Tố nghe chuyện này trong gia đình, chuyện mà chị Lộc Hậu giấu kín, Tố Tố có biết vì sao chị Lộc Hậu học cán sự điều dưỡng không? - Tại chỉ thích. - Phải có một động cơ nào thúc đẩy người ta làm theo ý thích, đúng không? Trường hợp chị Lộc Hậu là do người anh bà con bên ngoại của tôi. Tố Tố nóng nảy hối thúc: - Nói mau lên, được không? cứ giải thích quanh co hoài. Mặc cho Tố Tố thúc giục, Gia Triển vẫn ngồi im như ôm lại các diễn tiến của câu chuyện đoạn trầm ngâm thuật lại: ]- Người anh bà con đó là Khiết Minh đã được cha mẹ hai bên đính ước hôn nhân khi còn nhỏ. Anh ấy và chị Lộc Hậu học chung nhau suốt bậc tiểu học, rất thân ái với nhau. Lớn lên anh Khiết Minh bỗng trở thành một người có lòng từ thiện, hiếm thấy ở những người trẻ tuổi, ưa thích làm việc xã hội. Lên Đại học anh lại chọn y khoa, thường tới các trại cùi, những bệnh nhân nghèo để chữa trị, chăm sóc. Hai năm trước đây anh bịnh nặng và qua đời! đó là nguyên nhân khiến chị Lộc Hậu học ngành điều dưỡng. Nghe câu chuyện mà Lộc Hậu không hề hé lộ, Tố Tố xúc động khóc ràn rụa: - Trời ơi, chuyện đau buồn như vậy mà chị Năm không nói ra để cùng nhau chia xẻ! Sao chỉ vẫn không lộ vẻ buồn rầu gì hết. Nếu gặp trường hợp đó, chắc tôi sống không nổi quá. - Lúc vắng người chị Lộc Hậu cũng khóc hoài. Nhưng chỉ không muốn đem nỗi buồn của mình làm phiền người khác. Giọng Gia Triển vẫn trầm tĩnh; nhưng trong mắt lệ đã long lanh ngấn lệ. - Tôi nghĩ chắc chắn chị Năm không bao giờ quên được nỗi đau sầu đó. - Chớ sao! Mãi tới giờ, chỉ không có thêm một người bạn trai nào. Trong tương lai chắc cũng vậy thôi, anh Khiết Minh đã chiếm giữ vĩnh viễn trái tim chị Lộc Hậu rồi! Tố Tố mũi lòng: - Anh muốn nói là không bao giờ chị Năm lấy chồng hả? - Tôi không dám chắc, nhưng liệu có còn ai xứng đáng với chị Lộc Hậu không? Im lặng một lúc, Tố Tố thở dài: - Ôi, đáng sợ. Đưa tay lau nước mắt, Gia Triển ngập ngừng: - Lẽ ra tôi không nên kể chuyện làm Tố Tố buồn. - Có gì đâu, Tôi thắc mắc là không hiểu sao chị Năm lại giấu chuyện đau buồn đó, không thố lộ với chị em thân thiết... Gia Triển vội căn dặn: - Tố Tố đừng nói với ai hết nghe. Chị Lộc Hậu không muốn cho người nào biết chuyện đâu. Tố Tố gượng cười: - Vậy sao anh còn nói với tôi? Ráng cười vài tiếng để khỏa lấp, Gia Triển lúng túng giải thích: - Bất cứ chuyện gì tôi cũng muốn nói cho Tố Tố nghe. Tố Tố cắn môi định nói gì nhưng lại thôi. Nàng đứng lên. - Tôi vô nghe. - Khoan đã. Hộp bánh còn nguyên đây mà! Ngay lúc đó, từ cửa phòng có hai bóng người bước ra. Người đi trước gầy gầy, đúng là Lộc Hậu. - Tố Tố ơi, vô ngủ đi! Lộc Hậu đứng trên thềm, vừa gọi vừa cười dòn dã. - Không biết hai người nói với nhau chuyện gì mà nói hoài không hết. Đừng có nói lén người ta đó nghe! Bóng thấp phía sau là Tiểu Bình. Cô út vừa chạy về phía Tố Tố và Gia Triển, vừa chỉ chỏ. - A! biết rồi nghe! hai người bắt bồ nhau đem bánh ra đây ăn lén phải không? Nói xong, Tiểu Bình không khỏi mắc cở vì chữ “Bắt bồ nhau" mà nàng đã nói trong lúc vô tình chẳng biết làm sao cho khỏi ngượng, Tiểu Bình nhảy tới chụp lấy hộp bánh chạy nhanh trở về phòng.