Đã bốn giờ ba mươi tám phút! Thời giờ đi mau quá. Lưng, áo tôi ướt đẫm mồ hôi. Vẫn chưa thấy tấm biển chỉ đường vào đơn vị đặc nhiệm M.035 đâu cả. Tôi giở ra coi lần nữa tấm sơ đồ trên F đã cho... Mũi tên, chữ x nhỏ, chữ X hoa, đường kẻ, dấu chấm... Tấm sơ đồ cầu kỳ, chi tiết mà lại hóa ra vô dụng. "Giờ không tìm thấy đường, đêm chỉ còn cách nhịn đói trèo trên cây mà ngủ!" Tôi nghĩ vậy, rồi nhét tấm sơ đồ vào túi áo, tôi cắm đầu bước đi. "Một liều, ba bảy cũng liều.” Không biết ngả nào mà lần sờ hết. Sơ đồ vẽ một đằng, đường ra một nẻo. “Mẹ ơi, vong hồn mẹ có khôn thiêng xin đưa đường dắt lối cho con..." Tôi đi ào ào như ma đuổi, mắt không nhìn, chân đưa tới đâu bước tới đấy... Chừng nửa giờ sau, hiển hiện trước mắt lôi một tấm bảng gỗ bề rộng hai thước, bề cao chừng thước rưỡi, ghi nắn nót dòng chữ: “Đơn vi độc nhiệm M. 035 - cách 500 thước”. Một mũi tên vẽ hùng dũng. Tất cả viết, kẻ bằng nhựa đường rõ rệt. Tôi dừng lại lau mồ hôi. Gió rợn lên khiến toàn thân tôi mát rượi. Ôi hạnh phúc. Chẳng kém gì hành quân mùa khô nẻ lại gặp dòng nước khe. Xóc ba-lô, tôi rảo bước và bắt đầu mơ tưởng đến một mái lán, một bữa ăn nóng. Chẳng gì đại đội trưởng Húc cũng là chiến hữu của tôi. Dù chiến hữu của thời quá vãng. Chắc chắn Húc sẽ thết đãi tôi mấy món hắn thích: nộm chuối rừng, thịt hộp nấu rau chua me, sơn dương hay hoẵng nướng. Ôi chao, hắn là một tay săn bắn ngoại hạng. Cái thời chúng tôi ngoéo tay thề kết nghĩa anh em, hắn đã nuôi tôi triền miên bằng thịt thú rừng. Nửa đêm, tôi ngủ say là hắn lùi lùi ra đi. Tới sáng, có khi tôi chưa kịp tung chăn ngồi dậy hắn đã vào ngồi ghé bên giường, toàn thân toát ra khí lạnh của núi, mùi cây lá, mùi sương đêm, cả mùi lông thú mà hắn vác trên vai. Xung quanh người ta cười hắn mê tôi. Họ đâu biết tôi đã cứu hắn khỏi một ngọn đòn trời giáng của tay chính trị viên đại đội. Húc là kẻ hữu dũng vô mưu, đánh giặc tận tụy nhưng đối đãi với đám người xung quanh lại lỗ mãng. Tên hắn cũng lạ đời: Tạ văn Húc. Hắn có biệt tài nấu ăn, ngang tài săn thú. Các món ăn hắn sáng tạo với các loại rau rừng và thịt rừng thật tuyệt vời. Riêng nộm, ngoài nộm chuối, nộm môn thục, nộm rau mì chính, hắn cả gan nộm rau tàu bay, đọt sắn non và lá ớt. Bởi vậy, đám lính của hắn, vào trận mạc sợ thủ trưởng như sợ cọp nhưng về hậu cứ lại nhõng nhẽo vòi ăn suốt ngày... - Rắc…… ắc... Một cành cây khô gãy rơi ngay sau gáy tôi. Hú hồn! Chết theo kiểu bị cây gãy hay xà nhà đổ vào đầu, người ta gọi là ách thượng lương. Tôi thấy hơi lạnh nên rảo bước. Được chừng một trăm bước chân nữa, có tiếng ầm ầm vọng tới rõ ra tiếng chặt cây. Khi những hồi âm tan lắng lại có tiếng rù rì đều đặn tựa dòng âm thanh đậc sánh chảy giữa hoang vu. Quái lạ! Đã quá năm trăm thước mà chẳng thấy doanh trại đâu... Lại có thứ tiếng động kỳ quái kia nữa... Chẳng lẽ chúng nó cắm tấm bảng để lừa mọi người?..." Hồ nghi nhưng tôi vẫn bước. Vùng này không thể có tụi thám báo xâm nhập nên không ai bày trận giả để mai phục ai. Trên F, người ta đã nói với tôi kỹ lưỡng... Đang nghĩ, chợt tôi đụng đầu vào một chiếc cổng chào bằng gỗ: “Đặc nhiệm M.035.” Bảng gỗ đã bắt đầu gãy, gỗ nứt từng kẽ dài. Lạy trời, cuối cùng tôi cũng đã tìm ra mà trời còn chưa tối. Hăm hở, tôi đi một mạch vào doanh trại. Qua cổng chừng năm chục mét có ba dãy nhà nằm châu hình chữ Môn. Toàn bộ vách thưng gỗ kín đáo. Một khoảng sân trống trồng lưa thưa dăm cây hoa mào gà. Nhưng cách sân vài mét có một khoảng vườn rộng trồng toàn rau. Có cả rau bạc hà, rau mùi tàu, rau thanh hao và xương rồng... Toàn những thứ gia vị siêu việt không thể mơ tưởng trong thời chiến. "Đúng là thằng Húc..." Tôi thầm nghĩ không khỏi tủm tỉm cười. Vượt qua sân, tôi đến khu nhà chính. Các cửa đều chẹt gỗ phía trong, và cửa cuối cùng được xoắn bằng dây thép. Tôi xuống khu nhà bên trái, nơi duy nhất có một cánh cửa nửa mở nửa khép. - Có ai trong nhà không? Tiếng vọng trả lại tôi. - Có ai đấy không? Tôi hỏi lần thứ hai, và lần thứ hai cũng chính tiếng vọng của tôi đáp lời. Tôi xô cánh cửa, bước vào. Hai dãy giường trống chạy dài, bụi trắng xóa. Riêng chiếc giường cuối có trải vải thô màu cỏ nhạt, bày bề bộn vài trang giấy, hai cuốn vở học trò. Một chiếc bút bi Mỹ lăn lóc. Một khúc gỗ bào nhẵn làm gối đã nhuốm màu đen và bóng như sừng. Trên nóc lán, treo tròng teng chiếc ba-lô. "Họ đi đâu cả, chỉ cử một người giữ doanh trại. Số mình thật không may..." Tôi nghĩ. Đoạn, bỏ ba-lô lên một tấm phản, tôi ngồi bệt xuống cửa, duỗi dài đôi chân. Những tia mặt trời phía tây rọi thẳng vào mắt tôi, chói nhưng ấm áp. Tôi nhắm mắt, tựa đầu vào khuôn cửa, tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc bất chợt của thiên nhiên vốn ác độc và hay lật lường. Tôi thấy ánh tà dương có một mùi thơm, mùi thơm tựa như hoa sởi trộn với dạ hương, thứ mùi làm kinh sợ tuổi thiếu niên và khai nở những giấc mộng tình. Cái dạ dày sôi sục của tôi xẹp xuống, dường như cơn đói tạm lui. Tôi bắt đầu lơ mơ... Có tiếng bước chân lẹt xẹt. Tôi mở mắt: Một lão già đầu trọc lụ khụ bước lại phía tôi, xanh lét như một thây ma biết di động. "Sao ở đây lại có người già?" Tôi giật mình. Lão già gật gật đầu như chào tôi, môi nhếch lên như cười. Tôi đứng dậy: - Chào đồng chí. - Chào đồng chí... Thây ma thều thào đáp. Tôi nói: - Tôi đến gặp đại đội trưởng Tạ văn Húc. Lão trọc gật đầu, giơ tay chỉ về phía những ngọn núi đàng sau doanh trại, nơi tiếng rù rì bí ẩn đang phát ra không ngớt: - Thủ trưởng và đơn vị đang ở hiện trường. Chỉ có em giữ doanh trại. - Lúc nãy đồng chí ở đâu, tôi tìm không ra? - Em đi đồng, em bị kiết lỵ... Nói xong, lão nhăn trán, ôm bụng. Có lẽ vì cơn đau hành hạ. Lúc ấy tôi mới thấy hàm răng trắng nõn của lão, hai bên cánh mũi mịn và đuôi mắt không vết nhăn. Hình như đây là người bệnh lâu năm chứ không phải lão già. Nhưng cái đầu trơ trụi, không một sợi tóc khiến tôi hồ nghi, tôi hỏi: - Đồng chí bi kiết lị lâu chưa? - Bốn năm bảy tháng, sau khi nhập ngũ được một năm rưỡi. - Vậy đồng chí mới nhập ngũ được sáu năm! - Vâng, tháng sau em tròn hai mươi bốn tuổi. Tôi bàng hoàng nhìn cái đầu bóng lọng, xanh xám, nhìn lớp da nhăn nheo trên cần cổ, cả tấm thân trong suốt như không phải tạo bằng da thịt mà bằng một loài rêu đá: - Đồng chí bị kiết lị, sao không chữa từ đầu? Cậu ta ngước mắt nhìn tôi. Tôi thoáng rùng mình vì cặp mắt ấy trong veo, hệt như cặp mắt của Hoàng, cặp mắt của những chàng trai chỉ sống bằng mộng. Cậu ta ngước mắt nhìn tôi, cười cười và đáp: - Em có uống thuốc ạ... Nhưng bệnh chỉ khỏi từng đợt rồi tái phát... Kỳ này, nặng quá... - Thế sao không xin chuyển về hậu phương? - Em không muốn... Em tin em phấn đấu được... - Bệnh phải trị bằng thuốc chớ? - Vâng, tại kỳ này không có thuốc. Đơn vị đặc nhiệm ở sâu, khó liên lạc. Anh Húc định có đoàn nào đi qua sẽ gửi em ra bệnh viện ngoài quân khu... Nhưng chờ mãi chưa có đoàn nào qua. Mà em lại bị thêm sốt rét ác tính, hai tháng trời, rụng hết tóc... - Đồng chí ăn uống thế nào? Đơn vị vào rừng bao giờ mới ra? - Em ăn cháo. Thủ trưởng Húc quan tâm đến em lắm. Săn được con thú nào cũng mang thịt về cho em... Anh chắc quen với thủ trưởng? - Chúng tôi là chiến hữu từ ngày nhập ngũ. - Vậy anh vào hiện trường đi. Chắc thủ trưởng mừng lắm. Tôi ngần ngừ hỏi: - Đồng chí ở đây có một mình thôi à? - Anh đừng lo cho em... Em quen rồi. Em vẫn giữ một khẩu A.K. Rồi cậu ta cười, hai vành môi xinh đẹp nhưng trắng nhợt như giấy ngâm. Một tia sáng chiếu vào hàm răng óng ánh. Cậu giơ ngón tay lên làm điệu: - Yên tâm đi. Em vẫn đủ sức bóp cò: pằng pằng pằng... Tiếng nói yếu, đôi lúc như hụt hơi. Tôi bảo: - Đồng chí vào nhà nghỉ. Có cần tôi giúp gì không? - Không. Anh đi đi kẻo tối. Lối tắt đây này... Chỉ mươi phút là tới. Tôi đi theo lối tắt mã cậu ta vừa chỉ. Lối men theo khe cạn. Chỉ mươi phút sau, lối đã tới hiện trường. Để chào đón tôi, là tiếng đổ của một thân cây lớn, làm rung chuyển tất cả. Bốn bề núi vọng ầm ầm. Có tiếng người hét và ai đó reo to: - Hoan hô... Nghỉ đi thôi... Những tiếng khác lao xao, nghe không rõ. Tôi vượt qua một trái núi thấp chỉ còn trơ những gốc cây đã bị cưa, nhô khỏi mặt đất chừng nứa thước. Chân tôi dẫm lên rất nhiều đống mùn cưa lẫn với cỏ. Trời bắt đầu tối. Không còn trông được rõ những rễ cây bò ngang lổm chốm, tôi vấp ngã luôn luôn... Chừng hút tàn điếu thuốc, tôi nhìn ra một ngọn lửa ở phía trước mặt. Đồng thời tôi đụng phải những khúc gỗ lớn nhỏ ngổn ngang, những dàn cưa dựng cao sừng sững. Không gian nức mùi gỗ. "Đơn vị thằng này làm thợ xẻ. Tiếng rù rì lúc nãy là tiếng cưa. Có thế mà mình không nhận ra". Xung quanh đống lửa, lăng xăng những người chạy qua chạy lại. Vì đi từ chỗ tối ra nên tôi nhìn thấy họ, nhưng họ không thể thấy tôi. "Thế này mà có thám báo, chắc bị chúng xơi gọn. Hớ hênh quá. Xưa nay thằng Húc có liếng là cẩn thận cơ mà". Tôi nghĩ vậy và đi vòng quanh một gốc cây lớn để tìm Húc. Cuối cùng, tôi thấy cậu ta nằm chênh ềnh trên chồng ván xếp gần đống lửa, dáng điệu vừa mệt mỏi vừa thỏa mãn... - Ai? Giơ tay lên! Một cái nòng súng lạnh buốt dí ngang sườn tôi. - Giơ tay lên! Tiếng quát lặp lại. Tôi giơ hai tay lên cao. Húc ngồi dậy và đám người đi lại nhốn nháo quanh cậu ta cũng lùi lại sau lưng Húc. Cậu ta có vẻ một con voi đầu đàn. Cái nòng súng chọc vào lưng tôi đau nhói: - Đi! Tôi tiến về phía Húc, vừa đi vừa lo ngay ngáy. Kẻ áp tải mình lỡ tay chạm cò súng thì nguy! Chiến tranh, mạng một tù binh đâu có đáng giá gì... Húc đã đứng lên. Cậu ta giương mắt nhìn tôi chằm chặp. Tôi nhìn lại cậu ta rồi bất chợt buông tiếng cười. Quả thật, vẻ mặt căng thẳng của Húc rất khôi hài. - Anh Quân... Húc reo lên, nhảy tới ôm lấy tôi. - Anh Quân... lâu quá... lâu quá... Húc lắp bắp. Cậu ấy có tật nói lắp mỗi khi xúc động. Tôi bảo: - Định giả bộ tụi thám báo dọa các cậu. Ai dè bị lính của cậu dí súng vào lưng điệu đi. Cái điềm này khéo tôi sắp trở thành tù binh thật. Chú lính gác cười cười, chúc mũi súng xuống đất. Húc phởn chí nói: - Anh coi thường em quá... Húc cơ mà! Vẫn nhớ nguyên những bài bản anh dạy ngày xưa. Lại bổ xung kinh nghiệm chiến đấu... Cậu ta dắt tay tôi tới ngồi bên đống lửa. Bộ ngực trần bóng như xoa mỡ bắt ánh sáng trông giống pho tượng đồng. Tôi hỏi: - Sao dạo này đen thế? Húc giơ tay chỉ: - Suốt ngày phơi lưng trên đồi trọc kia kìa, mai anh sẽ thấy. Tôi hỏi tiếp: - Biền đâu?... Cậu ấy có khá không? - Biền sắp gánh cơm lên đây. Khỏe như ông hộ pháp mà tốt bụng lắm. Anh cho em cậu ấy bằng cho vàng. Chúng em đã kết nghĩa tử sinh rồi đấy. Chúng em bằng tuổi nhau. - Thế thì tôi mừng lắm. - Biền nhắc đến anh luôn. Tôi gật đầu: - Chúng tôi là bạn đồng môn, lại cùng làng. Thấy người tôi đầy bụi và ướt đẫm mồ hôi, Húc đưa tôi xuống suối tắm. Trời tối mịt. Chúng tôi dắt nhau mò mẫm đi. Khi sắp xuống bãi sỏi, Húc bảo: - Cách đây bảy mươi thước là bếp ăn của đơn vị. Biền đang lo sắp quang gánh đem lên. - Bếp sao tối thui tối mò như vậy? - Đề phòng tụi thám báo. Dù trên F đã công bố khu vực này không thuộc phạm vi hoạt động của chúng nhưng em vẫn lo. Chẳng lo chúng đánh lén mà lo chúng vào ăn trộm muối. Ở đây, muối còn quí hơn máu người. Đợt trước, đơn vị em chết non chục người vì phù thủng. ăn tro cỏ gianh, tro lá rừng mãi, có cậu đái ra thứ nước tiểu đục như nước đất. Không có muối, thịt thú rừng ăn vào miệng cũng muốn nôn ra... Húc bước xuống suối trước: - Xuống đây anh. Đoạn này lòng suối thoải ngon lành lắm... Tôi cởi quần áo, mò mẫm xuống theo. Những gợn nước, ánh trong đêm, như đường trườn của rắn. Mắt tôi đã quen với bóng tối, nhìn lờ mờ được cảnh vật nhờ ánh lân tinh quanh quất giữa những đám lá mục hắt lên. Nước lạnh mát, dễ chịu. Húc bảo: - Quần áo bẩn để sáng mai giặt. Ít nhất anh cũng ở đây chơi với em và Biền vài ngày. - Cũng muốn ở nhưng ngại ông Lương kỳ kèo... Nói thế nhưng tôi cũng đưa mớ quần áo bẩn cho Húc gài lên cây. Tắm xong, bụng đói cồn cào. Hai chúng tôi trở về. Đống lửa cháy rực lên giữa rừng đêm, lộng lẫy. Anh em xúm quanh. - Mau lên, đói quá thủ trưởng ơi... Một cậu kêu to. Húc quát: - Sao không ăn trước. Lúc ấy, Biền vụt đứng lên ôm lấy tôi. Tôi yên lặng vỗ vai cậu ta. Một tích tắc sau, bọn tôi ngồi xuống ăn cơm. Đó là một trong những bữa cơm ngon nhất trong đời. Cơm chỉ còn âm ấm nhưng gạo thơm sực mùi cám. Mùi gạo ấy đem hương vị của mùa gặt làng quê tới tận chốn thâm sơn này. Thức ăn gồm đu đủ xào mỡ, ớt mọi trộn mắm tôm. Húc bảo: - Anh ở đây vài ngày. Em sẽ đi kiếm con nai về nướng ăn. - Tôi đi lâu quá rồi. Sư đoàn họ riềng cho... - Vài ngày là bao?... ra đêm nay em vác súng đi ngay được, nhưng sắp phải nộp hàng. - Hàng à?... Tôi thấy các cậu đẵn cây, cưa gỗ. Làm gì? - Lát nữa anh sẽ thấy. Hàng đặc biệt dành cho chiến trường. Một cậu lính cười hô hố: - Thủ trưởng không thấy cổng doanh trại của bọn em đề chữ gì ư?... "Đơn vị đặc nhiệm. Làm hàng hóa đặc biệt cho chiến trường."... Tôi bảo: - Rau nào sâu ấy! Từ đại đội trưởng tới lính, cả lũ đều mắc chứng ỡm ờ. Húc cười. Đám lính của cậu ta cũng cười phá lên. Rồi Húc ghé tai tôi nói: - Anh cứ ăn cho ngon cơm. Nguyên tắc của tụi em là chỉ kể chuyện tiếu lâm và thực phẩm trong bữa cơm, cấm chỉ mọi chuyện khác. Biền có đem tới một thùng chè đen cho mọi người uống sau bữa cơm. Húc bảo chính Biền đã phải lặn lội đi bốn chục cây số để đổi gạo kho lấy gạo tươi của dân bản và mua chè. Nếu không có ông khổng lồ ấy, cả đơn vị đêù bị phù thũng vì gạo kho lâu năm ăn xốp như bông, không còn chất cám. Húc còn nói thêm là đám con gái Vân kiều cứ nhìn thấy Biền là đờ đẫn như hít phải thuốc mê. Có cô vượt bảy chục cây tới chầu chực ở bìa rừng... Húc kể tới đó, đám lính cười rú lên... Biền cúi mặt, lẩm bẩm: - Ông này chuyện lằng nhằng... Tôi cũng cười, vỗ vai Biền nói: - Người anh hùng của đơn vị. Ánh lữa đùa giỡn trên mọi gương mặt trẻ trung. Những lưỡi lửa vọt lên cao, rền dừ, rồi lại tụt xuống thấp, uốn lượn giữa những đám tàn lửa rực rỡ. Mọi hình ảnh đều có thể nảy sinh trong làn ánh sáng cổ xưa và huyền bí ấy, cả những ảnh tượng tương lai chưa rõ nét tới những kỷ niệm xa mờ của dĩ vãng. Lửa đêm, quà tặng của cuộc trường kỳ kháng chiến. Trong ánh lửa, gương mặt sốt rét nào cũng trở nên hồng hào! Làn da xám ngắt vì chứng tê thấp hay suy dinh dưỡng cũng được tô điểm thành tươi sáng! Mọi ánh mắt đều long lanh! Tôi biết ngày mai ánh mặt trời độc ác sẽ vạch trần sự thực. Nhưng đầu sao, vẻ đẹp của lửa đêm, vào khoảnh khắc ấy vẫn cuốn hút tâm hồn tôi... Tôi cũng không hiểu tôi nữa! Tôi buồn, tôi khắc khoải, tôi say mê... Đám lính xung quanh vẫn chuyện rào rào. Các trận cười nổ ran như pháo. Húc bảo chẳng mấy khi được có khách nên anh em hứng chí, thức khuya. Mọi hôm, cứ cơm nước xong là mọi người đi ngủ. Làm việc nặng cả ngày, đặt lưng xuống tức khắc ngủ như chết. Mọi cuộc vui đều phải có lúc tàn. Chín giờ đúng. Húc bảo mọi người đi ngủ và nhắc: - Chỉ còn ngày mai. Sáng ngày kia có người đến lấy hàng. Anh em chuẩn bị tư tưởng làm kiệt lực. Chúng ta còn thiếu mười lăm chiếc. - Rõ. Đám lính đáp lời và đứng lên. Tôi nhìn quanh quất.Không hiểu họ sẽ ngủ ở chỗ nào. Trên đầu là trời. Xung quanh là không gian thăm thẳm. Xa hơn nữa, nơi những làn sương phập phồng trên vực tối là rừng núi... Nhưng đám lính tỏ vẻ không ngại ngần gì hết. Họ thẳng tới một tấm ván mới xẻ chất đầy những quần áo và tăng võng. Người nào tìm đồ của người nấy. Húc bảo Biền: - Đêm nay để anh Quân nằm cạnh cậu nhé. Tha hồ nghe chuyện làng! - Vâng. Cậu đưa cái chăn thám báo của tớ cho anh Quân. Tớ sẽ đắp chiếc áo thu-đông của cậu. Biền gật đầu: - Ổn rồi. Đoạn Biền đi tới nơi cất giữ quần áo cho đơn vị. Vài phút sau, Biền quay lại. Lúc ấy, đám lính đã tản đi. Biền bảo tôi: - Đi đi. Húc nói: - Mai anh Quân cứ ngủ cho kỹ nhé. Tụi em phải dậy sớm. Biền đưa cho Húc chiếc áo. Húc đi. Tôi với Biền đi sang hướng khác. Càng xa lửa, mọi người càng khuất bóng dần. Họ len lỏi giữa những gốc cây cụt, những dàn xẻ, những khúc gỗ lăn lóc. Chân tôi sục vào mùn cưa. Chợt nghe giọng Húc oang oang: - Đêm nay cậu nào gác? Có tiếng đáp tức khắc: - Em. Quang. - Nghiêm chỉnh đấy nhé. Khéo hổ về! - Thủ trưởng yên trí. Biền chợt dừng lại, bảo tôi: - Đây rồi. Cậu ta kéo tay tôi lại gần, chỉ cho tôi thấy một vật trăng trắng nằm ngay dưới chân tôi: - Anh ngủ ở đây. Tôi thấy vật trắng dài bốc mùi nhựa gỗ. Biền bảo: - Em cậy nắp cho anh. Anh nằm vào rồi em đậy lên. Tôi lạnh gáy, bật kêu: - Quan tài hả? - Vâng. Đơn vị đặc nhiệm chuyên đóng. Lúc nãy anh Húc không cho nói sợ anh ăn mất ngon... Tụi em ở đây quen rồi. Tôi đứng im, không biết nói gì, không cảm giác. Chỉ thấy các đầu ngón chân tê tê. Biền nói tiếp: - Hồi đầu, đơn vi đóng hòm ở hiện trường, tối kéo về ngủ tại doanh trại. Nhưng, đốn hết gỗ núi gần, phải đốn đến núi xa, ăn ngủ, di chuyển cách rách quá nên anh Húc quyết định chuyển bếp nấu ăn lên đây. Còn ngủ, cứ mỗi anh chui vào một cỗ quan tài. Vừa sạch, vừa có nắp đậy tránh sương gió. Biền cúi xuống kéo tấm ván nắp hòm ra: - Anh nằm vào đi... Quen ngay ấy mà. Tôi nằm vào quan tài. Biền đắp chăn cho tôi. Tấm chăn dù thám báo nhẹ bông, mát lạnh. Xong, Biền đậy nắp ván. Rồi cậu ngồi thụp xuống, quờ quạng hồi lâu. Lát sau, Biền đặt một mẩu gỗ lên đầu quách, kê cho giữa thành hòm và mảnh ván có một khe hở. Biền ngắm nghía, nói: - Thế này đủ thoáng khí. Hở rộng quá sợ đêm lạnh và hơi người bay nhiều, hổ dễ đánh mùi. - Vùng này lắm hổ thế cơ à? - Vâng. Đây được coi như hậu cứ nên ít có bom. Hổ từ các khu rừng núi bị oanh tạc dạt về. - Các cậu có ai bị không? - Không, chưa ai bị vì tụi em luôn luôn có người gác. Chủ yếu là gác hổ. Sau mới tới đề phòng thám báo. Cứ nghe mùi hôi là nổ súng liền. Dạo em mới về đơn vị chứng kiến hổ tha cái đầu của một cô gái ngay trước cổng doanh trại. Chắc là giao liên. Biền tự nằm vào hòm của mình, nhưng không đậy ván. Cậu ta nhô đầu lên hỏi chuyện tôi. Vừa nói tôi vừa nhìn qua kẽ hòm. Ở đấy, trên nền trời mông lung, hiện lên vành trăng hạ tuần gầy guộc. Trăng có màu tím ngắt, tựa hồ cánh bông cúc tím tàn. Nghe chuyện xong, Biền nói: - Tôi thương bố tôi quá... - Ư hừ, tao thì lại ghét bố tao! Rất tế nhị, Biền lảng chuyện: - Bao giờ chiến thắng? - Tao đã hỏi ông Lương, ông ấy không trả lời. Chúng tôi im lặng hồi lâu. Rồi Biền nói: - Ngủ đi Quân nhá. Mai tôi phải dậy sớm. Kéo tấm chăn thám báo lên ngang mũi, tôi nhắm mắt. Mùi gỗ mới hòa với mùi mồ hôi tẩm trong chăn bỗng trở nên quen thuộc. Tôi không còn áy náy. Dường như sinh ra, tôi đã quen ngủ trong chiếc giường loại này. Tôi ngủ say... Có hàng triệu con ong đang bay. Không trung trong biếc như ngọc. Tiếng rù rì miên man ru ngủ tâm hồn... Rồi một cánh đồng cúc tím xôn xao hiện lên dưới ánh rạng đông. Những bông cúc tím trĩu nặng sương, trĩu nặng mật. Đàn ong hòa nhập vào cánh đồng cúc, rù rì, rù rì... Một tổ ong khổng lồ bằng sáp trắng hiện ra giữa không trung. Mặt trời rọi bạc. Đất bên dưới mờ mịt khói lam, trôi phiêu diêu như tấm khăn choàng bị gió cuốn. Tiếng rù rì của triệu con ong vẫn vang không ngắt. Giai điệu buồn tẻ, đơn điệu lặp lại dai dằng làm sao! Âm điệu ngập tràn tất thảy như cơn hồng thủy, nhấn chìm mọi âm thanh khác, nuốt hết mọi tiết điệu khác và chế ngự vũ trụ... Tôi mê man trong âm điệu kỳ vĩ đó. Tôi đi, trên cánh đồng cúc tím, mê man đuổi theo làn sóng âm thanh... Tôi đi, đi hoài... Tôi cũng phiêu diêu như mặt đất. Rồi tôi thấy mình râu tóc bạc phơ, áo quần tơi tả, cứ chạy mãi chạy hoài trên cánh đồng. Có một tiếng sấm vang rền nơi chân trời, tia sét rạch giữa không trung chan hòa ánh nắng. Tôi kinh hoàng ngước mắt lên, tôi thấy chiếc ổ ong khổng lồ kia đang tan chảy. Mỗi ô cửa lục lăng rơi xuống một cỗ quan tài. Hàng triệu cỗ quan tài rơi xuống mặt đất, chồng chất lên nhau... - Anh Quân... hét gì mà to thế?... Luồng ánh sáng chói lóa khiến tôi choáng váng. Tôi vội kéo chăn phủ kín đôi mắt. - Dậy đi anh... Tôi nhận ra tiếng Húc. Định thần vài phút, tôi tung chăn ngồi lên. Húc đang đứng chống nạnh trước mặt tôi, nhăn nhở cười: - Khiếp! Mê gì mà hét to thế? Tôi cười trừ, trèo ra khỏi quan tài. Mặt trời đã lên cao, sáng lóe như gươm đâm. Xung quanh tôi, cả trăm con người đang nỗ lực làm việc. Những đàn cưa xếp chéo cánh sẻ, xoèn xoẹt không ngừng. Bụi gỗ bay mù, không khí thơm phức. Anh em chuyển những tấm ván xẻ cho nhóm cưa tấm và vào mộng. Mấy chàng lính còm được giao việc căng dây, lăn mực, tay đen nhẻm, bút chì dắt tai, hệt đám phó mộc vườn. Tiếng chí chát xen tiếng cưa miên man dội trong bầu không gian lặng lẽ... Húc giơ tay chỉ những trái núi trọc, lô nhô gốc cây cụt và những đám dương xỉ bò quanh: - Anh thấy không? Tụi em đã quét cơ man nào là gỗ. Tôi gật đầu: - Khiếp thật! Húc nói tiếp: - Hàng nộp cho chiến trường tăng vô kể, làm bã xác cũng không kịp. Em đang đề xuất trên bổ sung thêm một trung đội lính khỏe. Trên đã duyệt nhưng chưa có lực lượng thực thi. Hiện tại thì vẫn phải cố gắng... Anh xem kia... Húc chỉ cho tôi thấy một tấm băng rơi lắt lẻo trên cành cây: - Khẩu hiệu em nghĩ ra, anh xem có thuận tai không?... Đoạn, Húc hét to: - Lâm ơi, treo lại cái khẩu hiệu cho có khí thế! Cậu nào trưa qua mượn tạm dây căng chưa trả hả?... Cậu lính tên Lâm đáp: - Nhóm hạ cây mượn để bật mực thủ trưởng ạ... Nhưng em tìm được dây thay đây rồi. Cậu ta lấy một đoạn dây buộc tấm băng vào vị trí cũ. Tôi đọc thấy những dòng chữ kẻ nắn nót bằng thú mực bật gỗ đen như than: "Đơn vị đặc nhiệm quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch. Mỗi chiên sĩ là một nhà phát minh sáng kiến, tập trung trí tuệ tập thể, cải tiến lao động, tăng năng xuất, phấn đấu giao nộp hàng tốt cho chiến trường. " Tôi nói: - Hay lắm. Húc bảo: - Xưa nay em có thuộc loại văn hay chữ tốt đâu... Nhưng phải tìm cách động viên lính. Anh xem, bi nhốt giữa chốn thâm sơn cùng cốc thế này, sách báo, thư từ hàng năm chẳng có, ăn uống chật vật khốn khổ, thuốc men cũng thiếu... May mà có Biền nó chiụ khó xoay sở nên đơn vị mới được như ngày nay. Tôi bảo: - Cậu có tay săn sát thú, sao không truyền cho anh em? - Săn là một nghệ. Có phải cứ truyền là thành tài đâu. Đơn vị chỉ có em với cậu Lâm đi nổi. Nói thật với anh, tụi em không tự túc được chất tươi thì quị từ lâu. Vùng này, nước xanh như mắt mèo. Thượng nguồn suối, thuần thứ rừng lim già, ác mó... Anh ăn sáng đi nhé. Em phải sang xem họ vào mọng ra sao. Húc đưa tôi suất ăn sáng, đoạn tất tưởi đi sang trái núi trọc bên kia. Tôi kiếm một khúc gỗ ngồi, giở gói lá ra: một vắt cơm bằng con sò lớn, trên quệt cục mắm tôm. Một khúc sắn luộc. Tôi nhai từng chút một, ngon lành. Xưa kia, tôi không biết ăn mắm tôm. Mùi tanh khắm của nó làm tôi kinh sợ. Tôi cũng ghét lây cả những người đàn bà thường xà xuống quanh mẹt bánh đúc mắm tôm, thè dài lưỡi đón miếng bánh một cách say sưa, bất kể đến vẻ đẹp. Từ ngày nhập ngũ, tôi quen dần với món ăn này. Giờ thì nghiện! Mùi tanh khẳn của nó gợi cho tôi những xóm chài, bờ biển, ngọn lửa nướng cá cháy liu riu nơi bãi cát, tiếng rì rào của rừng phi lao... Tất thảy cảnh xót thương của những xóm mạc miền Quảng bình: Nơi tôi đã sống gần trọn ba năm, đã quen thân những con người chất phác và vị tha, những con người chịu ăn sắn suốt bốn mùa để gửi tới hạt gạo cuối cùng cho các chiến sĩ. Những người dân ấy, có lẽ chẳng bao giờ nhớ tôi, nhưng tôi luôn luôn nhớ họ. Một ngọn khói mờ vấn vương không dứt trên hoang nguyên thăm thẳm của dĩ vãng... - Xoẹt, xoèn xoẹt, xoèn xoẹt... - Chát, chí chát, chí chát... Xung quanh tôi, công trường vẫn hoạt động náo nhiệt, hối hả. - Xong chưa Huân, nhanh tay lên, trưa mẹ nó rồi! - Chỉ còn chiều nay thôi đấy nhé, con lạy các bố khẩn trương lên cho! - Quát ơi, mày sang băng cho thằng Toàn một tí, lưỡi cưa xoẹt vào bắp tay nó... Một chiến sĩ di ngang qua chỗ tôi ngồi, mỉm cười: - Anh rủi quá, đến đúng lúc rối tinh rối mù lên! Bảnh mắt sáng mai, đám Vân kiều tới nhận hàng. Tôi bảo: - Tốt thôi. Tôi ăn sáng rồi, sẽ giúp cậu một tay. Cậu ta ngần ngại: - Thôi, thủ trưởng Húc mắng em. - Có mắng thì nó mắng tôi chớ không mắng cậu. Cậu ta ngần ngừ một tí rồi nói: - Em ở vào tổ mọng, việc kỹ thuật anh không làm được đâu Anh chiụ khó sang tổ chuyển ván và phụ việc của Khoa nhé. Tôi gật đầu: - Gì cũng được. Thế là tôi nhập vào nhóm chiến sĩ khuân ván và làm việc vặt do các tổ kỹ thuật khác yêu cầu. Tóm lại, đó là nhóm người vụng dại nhất. Chúng tôi làm việc tới đúng trưa. Ai nấy mồ hôi chảy như tắm từ tóc xuống chân. Người nào cũng mặc quần đùi. Lúc Biền đưa cơm ra thì Húc trở lại. Chúng tôi cùng ăn. Rồi tôi xuống suối tắm, giặt. Mớ quần áo gài trên cây hôm qua khô cứng lại thành cục, phải ngâm một lúc lâu. Biền đưa tôi tới nhà bếp, vương quốc của nó! Biền bắt tôi ngủ trưa, ăn cả một con gà rừng nó bẫy lúc mờ sáng. Con gà non, thịt ngọt lừ. Biền bảo: - Cẩn thận, xương gà gô cứng lắm đấy. Tôi gật đầu. Biền lại hỏi: - Bao giờ chúng ta gặp nhau? Tôi ném khúc xương ra ngoài, đưa mắt nhìn bờ suối: - Biết thế nào mà nói trước... Chiến tranh này... Những gì làm được cho mày, tao đã làm. Giờ mày muốn gì nữa, cứ bảo tao. Sức có tới đâu tao làm tới đó... Biền cúi nhìn mũi giày, lặng thinh. Chóp mũi nó ửng hồng. To như gấu mà lại mau nước mắt. Tôi nói thêm: - Trước khi về đơn vị, thế nào tao cũng qua sư đoàn để gặp anh Lương. Anh ấy rất thương mày. Hai giọt nước mắt lăn trên gò má rộng của Biền: - Tôi làm khổ mọi người... mà nghĩ cũng cực thân. - Mày cứ nghĩ lẩn thẩn thế thì hóa rồ... Thôi đi đi, tụi lính nó ì éo gọi mày dưới suối từ nãy... Biền lau nước mắt, nặng nề đứng lên. Rồi nó đi xuống suối. Tôi nhìn tấm lưng vạm vỡ khuất dần trong quầng sáng của cây lá đùa giỡn với ánh trời. Hồi còn nhỏ, tôi cũng đã từng nhìn vào tấm lưng nó như lúc này, nhưng không phải với nỗi tiếc thương. Hồi ấy, chúng tôi chơi thả diều. Biền khỏe nhất bọn nên bao giờ cũng cầm cuộn dây để đánh cho diều lên gió. Nó chạy trước, chúng tôi theo sau, vượt qua cánh đồng. Và vi vu, con diều chao lượn giữa trời xanh, rót xuống hồn lũ trẻ chúng tôi bao nhiêu nguồn ước vọng. Tối hôm đó, Húc hớn hở. Kế hoạch đã hoàn thành vượt mức thời gian mười hôm, lại dư ra một sản phầm. Tôi đùa: - Cái hòm dư ra ấy chắc cậu làm cho tôi. Húc cười tràn. Và hứng chí bảo lính: - Đêm nay cho các câụ vui thỏa thích. Mai nghỉ. Đám lính hoan hô ầm ĩ. Đêm ấy, lửa cháy rừng rực, sáng mê hồn. Ăn cơm xong, mọi người xúm lại kể chuyện tiếu lâm. Rủi không tìm được chuyện kể, phải chống hai tay xuống, chổng mông lên cho mọi người phát! Hết trò, họ chuyển sang đánh bạc. Đơn vị chỉ có bốn cỗ bài, mỗi chiếu bạc tới vài chục người hò hét xung quanh. Ai thua phải nộp nửa lá thuốc Vân kiều hoặc chiụ bôi một vệt mực đen lên mặt. Tiếng cười, tiếng reo hò vang trời. Húc nói với tôi: - Lâu lâu chúng em mới có một đêm vui. Anh ở đây chơi nhé. Đêm mai em sẽ đi săn đãi anh bữa thịt thú no nê. - Đêm nay em phải ngủ vì mệt quá. Tôi gật đầu: - Ừ, tắm mà ngủ trước đi. Thực ra, tôi đã chỉ nói cho Húc yên lòng. Mai tôi sẽ đi sớm. Không còn thời gian... Hôm sau, tôi chưa thức giấc đã có ba phát súng nổ. Rồi tiếng chân người chạy, tiếng thét đột ngột lẫn tiếng nói lao xao. Tôi nâng tấm ván nắp quan tài, ngồi dậy. Biền đã đứng một bên. Trời sáng nhưng chưa rõ hẳn mặt người. Tôi hỏi: - Có chuyện gì vậy? - Hổ về. Nó tha mất một người của ta. - Ai thế? Biền trỏ về phía doanh trại: - Cậu sơn. Câụ ấy bị kiết lị nặng nên Húc giao trông nom doanh trại. Không hiểu sao lại bị hổ cám đi. Sớm nay, bên tổ đốn cây có cậu đi đồng sớm trông thấy, hô hoán lên. Anh em bắn ba phát chỉ thiên đuổi theo... Chúng tôi đứng bên nhau, chờ đợi. Chân trời phía đông như mảnh gốm, men rạn vỡ, màu xanh lam đan hòa những sợi trắng lạnh, khắc nghiệt. Phía trên các cánh rừng, sương phập phồng trôi. Những ngọn núi trọc, lởm chởm gốc cây cụt phơi ra trần trụi vẻ buồn bã cay độc. Cách nơi chúng tôi đứng chừng non trăm thước, những cỗ quan tài mới, chất thành đống, gọn gàng, vuông vức, đợi chờ. Khẩu hiệu căng bên trên: "Đơn vị đặc nhiệm quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch." Tôi bảo Biền: - Tao đi đây. Chờ thằng Húc về là tao đi. Biền nói: - Tôi đã gói thức ăn cho cậu mang đi đường. Vừa lúc ấy, Húc dẫn một tốp lính trở về. Họ vừa đi vừa thở đứt hơi, mồ hôi ướt đầm đìa. Biền hỏi: - Thế nào? Húc cau có: - Cái thằng khỉ, biết thế trước đây mình cứ cho nó vài cái tát. Đã dặn đi dặn lại khi đi ngủ phải chốt chặt cửa. Ai dè nó quên, để toang hoang! Biền nói: - Không phải cậu ấy quên đâu. Húc vặc: - Lại bao che cho nó. Có bao che thì nó cũng chết rồi! Biền đáp: - Tôi không bênh cậu ấy. Bận trước Sơn kể với tôi: đã ba lần hổ về lượn quanh nhà. Lần nào Sơn cũng kéo hai thanh nứa cật rít vào nhau. Nghe tiếng nứa rít là hổ chạy liền. Hổ sợ nứa. Trong rừng chỉ có nứa mới có thể làm nó bị thương. Và, hễ bị thương, hổ sẽ liếm vết đau. Lưỡi nó sắc, lại bẩn, chắc chắn vết thương nhiễm trùng, hoại tử, lan rộng mãi cho tới khi con vật kiệt sức... Tính Sơn thận trọng, nhưng lần này, tôi tin rằng cậu ấy đi lị nhiều quá nên... Húc vụt kêu lên: - Chết tôi rồi... Rồi mặt cậu ta xanh xám lại. Tôi bảo: - Bình tĩnh. Đằng nào chuyện cũng đã xảy ra. Húc nói: - Tại em. Em chủ quan. Tuần trước em xuống doanh trại thăm nó. Nó cứ đuổi em quầy quậy: “Thủ trưởng đừng lo, em phấn đấu được, em sắp khỏe rồi, thủ trưởng cứ yên tâm làm việc.” Húc nghiến răng lại, hai đường gân nổi dọc quai hàm: - Thật không ngờ, không ngờ... Một tốp lính nữa trở về, nhợt nhạt. Một cậu hổn hển: - Báo cáo... Đã tìm thấy xác Sơn... - Ở đâu? - Ở tảng đá đen, khúc suối quành. Hổ đã ăn mất hai đùi và ít gan. Húc đột ngột gầm lên: - Thôi, không phải nói nữa. Mang nó về doanh trại khâm liệm. Cậu ta quay đi. Mọi người im lặng. Không gian cũng lặng tờ. Rồi, bất chợt, tiếng chim rừng lảnh lót vang lên, vô tư một cách độc ác. Tiếng chim chào đón bình minh. Từ sau lưng tôi, một người lính vượt lên: - Báo cáo anh, đoàn Vân kiều đã tới nhận hàng. Húc quay lại: - Được Tôi ra ngay. Mắt cậu ta đỏ kè: - Thật không ngờ, không ngờ cái cỗ hòm dư ra lại để dành cho nó. Rồi Húc bảo tôi: - Anh chờ em tí nhá, em phải ra giao hàng. - Tôi cũng phải đi. Tôi phải trông nom trên một trăm con người như cậu. Mong là chúng ta còn gặp nhau. Tôi nắm tay Húc, hai bên mép cậu ta hằn nếp nhăn đau khổ. Tôi bảo: - Tôi đã từng gặp cảnh tương tự... Tôi hiểu. Nhưng cố mà dẹp nỗi buồn. Chúng ta phải chấp nhận tất cả, vì không có quyền lựa chọn... Húc ôm chầm lấy tôi. Chúng tôi cứ ôm nhau như thế hồi lâu, tới khi đám người Vân kiều từ chân núi leo lên. Húc buông tôi ra: - Anh đi mạnh khỏe nhá. Tôi đáp: - Ừ, sẽ gặp nhau. Biền đưa tôi xuống bếp lấy thức ăn đi đường. Một gói lá chuối buộc sẵn, nặng chịch. Ba phong lương khô với hai hộp thịt. Tôi hỏi: - Mày kiếm đâu mà lắm thết Biền bảo: - Khắc có. Rồi Biền đeo ba-lô, tiễn tôi một đoạn đường. Khi xuống thung lũng, tôi nhìn thấy đám Vân kiều đi thành hàng, mỗi người cõng trên lưng một cỗ quan tài. Lưng họ gù xuống, vóc thấp bé nên trông họ giống như những người dân đồng chiêm cõng chiếc thuyền nan. Tôi bảo Biền: - Nặng thế mà sao họ cõng nổi! - Cũng phải quen. Đoạn này xe không vào được. Họ phải cõng hàng sang qua núi bên kia... Tôi gật đầu, ngẫm nghĩ: “Ừ, cũng phải quen thật... Con người phải học thói quen...” Mặt trời đã lên. Sương đóng không còn màu men rạn mà biến thành những lớp mây ngọc trai óng ánh. Các ngọn cỏ leo và các đọt cây nhuốm mặt trời hóa trong suất, hồng hồng... Đoàn người mang những cỗ quan tài in hình trên đường viền của núi, giữa khung cảnh rạng đông. Bóng họ đi động chậm chạp nhưng kiên nhẫn, mê mải. Hành trình. Con người tự vắt kiệt sức mình để đem được quà dâng cho chiến trường. Trong các tặng vật ấy, biết đâu chẳng có một chiếc dành cho tôi?... Và tôi, và bất cứ người lính nào cũng đã sẵn sàng tiếp nhận món quà kì lạ đó... Trong cả hai hành động, có chung vẻ đẹp tuyệt vời của chiến tranh. Bất chợt, tôi sực nhớ tiếng kêu xé ruột, man đại của mẹ tôi, gương mặt dầm mồ hôi, nỗi đau làm méo mó một cách kinh dị. Rồi cũng chính trên gương mặt méo mó kinh dị ấy, ngời lên nụ cười rạng rỡ hạnh phúc khi tiếng khóc oe oe của đứa con cất lên và đôi bàn chân đỏ hỏn của nó quẫy đạp trong không khí... Đó, vẻ đẹp mặn mòi của đời sống, vẻ đẹp của tạo sinh. Vẻ đẹp ấy đã xa vời. Nó lẩn khuất với những kỷ niệm vụn vặt thời thơ bé. Tôi bỗng kinh hoàng. Người ta không thể cùng một lần đắm mình vào hai dòng nước. Tôi, tôi và những bạn hữu của tôi, chúng tôi đã sống đời lính quá lâu, chúng tôi đã đắm chìm trong vẻ đẹp thời binh đao... Liệu bao giờ, và có thể được chăng, tìm lại ngọn nguồn của vẻ đẹp tạo sinh, niềm đam mê của đời sống an bình?... Tôi dừng lại, bảo Biền: - Thôi, mày về đi. Biền dặn: - Đi cẩn thận nhé. Tôi bật cười, buột mồm văng tục: - Cẩn thận cái cục cứt! Bom đạn tránh người chứ người làm sao tránh được bom đạn. Thôi, về đi. Khỏi lo cho tao, liệu mà lo cho cái thân mày. Biền làu bàu: - Rõ thật là... Tôi giơ tay chào rồi quay phắt đi. Tôi rất sợ những cuộc chia tay bịn rịn. Nó làm tim ta não nề, ngấm mãi nỗi buồn vào những tháng năm sau...