Chương 10

Tôi thấy mẹ tôi ngồi trên bậc cửa, chân duỗi dài, cho một cái đầu lâu bú. Bầu vú của mẹ, quá quen thuộc với tôi, một bầu vú tròn, mịn, với núm vú rất nhỏ màu nâu hồng.
Mẹ ấn núm vú giữa hai hàm răng trắng nhởn của chiếu đầu lâu.
“Bồng bồng, bống bống, bang bang...”
Lời ru bay lên tận đỉnh trời. Và tận đỉnh trời, nắng vàng rây xuống. “Bồng bồng, bống bống, bang bang...”
Em tôi đã chết, cớ sao mẹ làm vậy?... Mẹ cứ ấn mãi núm vú giữa hai hàm răng khô. Nước mắt mẹ lã chã rơi, nhỏ vào hai hốc xương tối thui. Nhưng mà cái đầu lâu cứ nghiến chặt hai hàm răng như thế. “Bồng bồng, bống bống, bang bang...”
Tôi tỉnh dậy, thấy mình ngồi tựa vào một gốc cây sồi ma ven đường. Ba lô và nửa gói cơm lăn lóc bên cạnh. Một đàn kiến leo qua đùi tôi để tiến công món ăn béo bở đó. Tôi
vội vàng mở lá gói, đuổi kiến. Rồi tôi cột chặt gói đồ ăn vào ba lô tiếp tục đi. Mặt trời rọi thẳng trên đỉnh đầu. Một giấc mơ đúng ngọ...
Chân trời tiền duyên lúc ấy tím ngắt. Chỉ quanh quẩn khóm chuối tan nát với những mảnh cột kèo. Hố bom thật chăng? Vì tất cả đã xáo trộn nháo nhào. Chợt một người đàn bà bận quần áo đen tất tưởi chạy đến. Vừa chạy, chị ta vừa hét:
- Chú tê đứng đó mần chi?
Tôi quay lại:
- Chào chị.
Hình như không nghe thấy tôi chào, chị ta hét tiếp:
- Đứng đó mần chi?
Tôi đi tới trả lời:
- Em tìm ông cụ... với con cháu nhỏ...
Không đợi tôi nói hết câu, chị bảo:
- Bom đánh trúng lỗ đáo, hầm trú rồi...
Đoạn, chị kéo tay tôi:
- Đi đi ngay khỏi đây, đi đi...
Tôi chạy theo chị. Lát sau, tới trước cửa hầm, chi mới dừng lại thở hổn hển và giải thích:
- Bom đánh chừ đó. Tới giờ cao điểm rồi... B52 nó rập đúng giờ lắm...
Vừa lúc, từ trong miệng hầm, ba bốn cái đầu nhô ra:
- Mạ, mạ...
Người đàn bà kéo lay tôi:
- Vào đi
Hầm sực mùi xăng, mùi cát, và cả mùi bọ chét. Nó khiến tôi nôn nao. Lúc sau, quen bóng tối, tôi biết chị không phải có ba hay bốn mà tới sáu đứa con. Sáu đứa trẻ lóc nhóc sàn sàn nhau như một bầy vịt chưa ra ràn. Chúng quây lấy tôi:
- Cháu chào chú bộ đội.
Tôi chưa kịp đáp lời chúng thì đứa lớn nhất bọn đã ngỏng cổ nghe ngóng rồi hét:
- Hắn tới đó!
Theo hiệu lệnh ấy, cả bọn chui xuống tấm ván ngựa kê giữa hầm, đứa nào đứa nấy rúc đầu vào trong chổng mông ra ngoài. Mẹ chúng hét:
- Rúc xuống ván chưa?
Cả sáu cái miệng đồng thanh:
- Rồi i i.. Mạ nờ……ờ...
Tới đó, tiếng bom bắt dầu rền như sấm.
Người đàn bà, hai tay bịt tai, miệng hét to:
- Chú bịt tai lại lẻo lộng óc chừ...
Tôi cười thầm thấy chị chỉ huy tôi cũng như đàn con nhưng tôi làm bộ áp hai lòng tay lên thái dương cho chị hài lòng.
Trận bom rền liên tục ba đợt. Chắc tốp B5Z này gồm ba chiếc. Lòng đất rung lật bật từng hồi khiến cát sỏi từ nóc hầm lọt qua phên lót rơi lắc rắc xuống đầu tóc tôi và mặt ván ngựa. Hai mươi phút sau, tất cả lại yên tĩnh.
Lũ trẻ lốc nhốc chui ra, lắc đầu, nghiêng tai cho hết cát. Mẹ chúng bảo:
- Để yên cho chú nghỉ, không đứa nào được quấy nghe.
Chị quay sang bảo tôi:
- Chú nghỉ đi, tui trộ ( Tiếng vùng Bình Trị Thiên- Tui: tôi, Trộ: nhìn thấy. ) chú xanh mét... Nghỉ đi rồi, tui kêu dậy ăn trưa.
Tôi xúc bát gạo đưa cho chị, đoạn leo lên bộ ván nằm.
Bộ ván gỗ mát như thạch. Tôi tức khắc ngủ ngay. Giấc ngủ êm, không mộng mị...
Rồi một dàn âm thanh ran như pháo bên tai tôi:
- Chú bộ đội, dậy ăn cơm...
- Chú ơi, má tui biểu kêu chú dậy...
- Bớ chú bộ đội, dậy mau tề...
Tôi ngồi lên, năm cặp mắt nhỏ long lanh, năm cái miệng nhỏ chẩu ra chờ nói. Tôi cười. Đứa con gái lớn nhất, chừng tám chín tuổi đang giúp mẹ dọn cơm. Tôi nghe nó
nói:
- Tụi hắn đi rồi. Mang cơm lên trên (Tiếng vùng Bình Trị Thiên- trên ấy) mà ăn.
Người đàn bà cự nự:
- Mày chỉ bày việc. Ăn dưới hầm.
Con bé lảu nhảu:
- Mần răng mà mẹ nạt tui?
Mẹ nó quát:
- Ôi chao, cái miệng mi nhọn rứa?... Mang cơm lên trên.
Con nhỏ cười hi hí. Nó bưng mân lên hầm. Tụi trẻ reo:
- Lên trên, lên trên...
Rồi chúng túm áo tôi:
- Ăn trên... chú bộ đội... Mạ cho lên trên...
Mâm cơm bày dưới gốc cây mít. Thứ mâm hình vuông, chân cao chừng non gang tay, đóng bằng gỗ. Trên mâm chất tú ụ sắn cơm, loại sắn tôi từng ăn ròng rã mùa mưa ở Quảng Bình. Một nắm muối đâm với ớt và mắm tôm đặt lên lá mít.
Lũ trẻ ngồi xúm xít xung quanh, chờ đợi. Nắng rực rỡ khiến mắt chúng hấp him, cánh mũi chúng nở ra vì hít gió.
Ở dưới hầm nhiều, chúng nhớ hơi gió. Đứa con gái lớn ra giọng răn đe:
- Ngồi im nghe, chờ mạ. Đứa nào hoang (nghịch.), tao khẻ (đánh) què tay.
Cặp mi đen rướn cong như mi thiếu nữ. Lúc ấy, người đàn bà từ dưới hầm đi lên, một tay bưng tô cơm vun tới ngọn, một tay bưng tô canh:
- Rồi..i i...
Chị đặt tô cơm, tô canh xuống góc mâm còn trống, đoạn lấy chiếc bát úp trên tô cơm với đôi đũa đưa cho tôi:
- Chú ăn cơm. Nhà không có chi. Lưa (còn) mấy con tép khô nấu canh chua me cho chú.
Chị lựa sắn, nhấc củ to, đặt củ nhỏ, sao cho sáu phần sắn như nhau:
- Nè, phần con Hoa, phần con Hà, phần con Hướng...
Những đứa bé chìa tay nhận phần sắn, nhưng mắt chúng liếc tô cơm lén lút rồi vội cụp mi xuống. Tôi giữ tay người đàn bà:
- Chị chia cơm cho các cháu. Em ăn sắn.
Chi lắc đầu:
- Không được.
Tôi nói:
- Chi không chịu, em không ăn.
Chi bảo:
- Chú phải ăn mới có sức leo núi, mới có sức đánh Mỹ.
Tụi con tui đang tuổi lớn, ăn chi cũng lớn.
Thằng bé nhỏ nhất chợt nhìn thấy một cục cơm lăn xuống mâm. Nó nhặt bỏ vào miệng. Con chị cả hét lên:
- Hư, răng mi dám ăn phần cơm chú bộ đội?... Ai đánh Mỹ cho mi hả ả ả...?
Nó đập vào tay em. Thằng bé, nhiều nhất cũng hai tuổi rưỡi òa lên khóc... Tôi giữ tay người đàn bà:
- Chị không được làm thế. Trước ở Quảng bình, em ăn sắn trừ cả mùa mưa. Vả lại, sắn cơm ăn không biết chán.
Chị cau mày, nói gay gắt:
- Tôi không đôi co với chú mấy hạt cơm. Trước kia, nhà tôi thóc tràn vựa, tôm bạc cả thúng, có thèm khát chi mô. Chừ, lâm cảnh binh đao, phải chiụ cực mới đánh được
giặc chớ?
Tôi lắc đầu:
- Không.
Người đàn bà ngọt giọng năn nỉ:
- Chú không chịu hiểu điều phải quấy. Chú có nhiệm vụ ăn để lên đường đánh giặc.
Tôi bảo chị:
- Em không nói lý luận. Nhưng nếu chị không nghe, em sẽ đi ngay.
Tôi đứng lên, làm bộ bỏ xuống hầm lấy ba lô. Tới đó, người đàn bà đầu hàng. Chị hớt hải níu áo tôi:
- Nè, thì thôi... Tui nghe chú...
Chị sớt cơm cho lũ trẻ, nhưng vẫn ép tôi ăn một bát.
Chị không đụng tới một hạt.
Tôi nhìn người đàn bà mới ba mươi tuổi mà nếp nhăn chi chít hai bên khóe miệng, tự hỏi: Chị là ai và chị sống ra sao?... Chừng như hiểu nỗi băn khoăn đó, chị cười:
- Chú đừng lo cho tui. Xưa nhà tui hai tòa gỗ đỏ như son. Chồng tui đem dỡ lát đường cho xe kéo pháo (Xe chưa qua, nhà không tiếc)... Mà đó là gia cơ mới tu tạo một đời. Hồi cải cách, bố chồng tui bị quy phản động, còng tay đem ra trường bắn. Trên đường đi, có lệnh hoãn thi hành án, đem giải lên tỉnh. Từ tỉnh, người ta đưa ông lên giam trên rú (rừng). Vậy mà ông vượt ngục, lần lút trên rú sống một năm. Tới khi sửa sai rồi, được trả lại Đảng tịch, ông mới về... Lúc tui về làm dâu, ba bố con rúc trong cái chòi lá. Bảy năm sau,
bố chồng tui cất nhà ngói to nhất làng.
Tôi hỏi ướm:
- Anh đi đâu chưa về?
Người đàn bà đáp:
- Chồng tui hy sinh hồi tháng chạp năm ngoái. Anh ấy là đội trưởng đội vận tải đường thủy.
Tôi nhìn chị ngạc nhiên:
- Vận tải đường biển?
- Phải. Tui gốc dân biển. Nhưng từ hồi đánh Mỹ, nửa làng sơ tán lên đây...
Nói rồi, chị vuốt tóc đứa con trai nhỏ nhất:
- Mai sau cu sẽ về đi thuyền. Còn hai thằng anh thì lên rú lấy gỗ dựng nhà cho mạ...
Ngưng một lát, chị tiếp:
- Miễn là, giặc Mỹ cút đi...
Mắt chị mơ màng nhìn xa... Tôi biết, phía ấy là biển. Sẽ có một con thuyền chờ đợi chàng thủy thủ tí hon cởi truồng đang ngồi thèm thuồng liếm từng hạt cơm dính trên mép
tô. Miễn là... còn có ngày ấy...
Tôi chào chị, ra đi, tiến đến chân trời tiền duyên. Vào phút đó, nó tím như một miền cúc tím...
Thần may mắn chưa rời bỏ tôi. Đang thất thểu đi, vớ ngay được một đoàn xe tải. Tôi đứng chắn đường. Chiếc xe thứ nhất dừng lại cách tôi hai mét:
- Điên hả?
Tay lái xe hét xong, nhảy xuống nói to:
- Phanh trợt mẹ nó rồi! Có ăn bánh đâu?... Suýt nữa thì toi mạng, mà lại đưa người ta ra tòa án binh. Oan gia...
Tôi nhăn nhở cười:
- Xin lỗi người anh em... thông cảm.
Tay lái xe gắt:
- Lên đi, bố già.
Tôi lẳng lặng leo lên ca bin. Đi được một đoạn ngắn, anh chàng quay sang hỏi tôi:
- Ông tên gì?
- Tôi là Quân.
- Còn tôi là Vũ, hai lăm tuổi. Quê Hưng khôi. Còn ông... chắc ba mươi nhát có lẻ?
- Mới hai mươi tám nhát nhưng sầu đời nên tóc bạc!
- Tôi ở Đông tiến.
- A ha à à... Thế là huyện ông sát nách huyện tôi!
Chúng ta là anh em đồng hương. Kết nghĩa vườn đào nhá?
- Đồng ý.
- Hội đồng hương trong sư tôi đã tới hai mươi ba nhân mạng. Ông tham gia nhé?
Tôi đáp:
- Được thôi.
Một cú xốc khiến tôi chồm về phía trước, chút xíu là đập đầu vào cửa kính. Vũ bậm môi đánh vô lăng rồi nói:
- Cẩn thận. Đoạn này đường lởm lắm... Không chú ý là vập gẫy răng!
Tôi túm chặt thanh chắn, thò cổ nhìn ngoài. Trong ráng chiều, những bụi cây lạc tiên bám đầy bên thành ta-luy vàng rực. Phía dưới tàn lá của chúng, ló lên những túm dương xỉ màu ngọc già... Và những ngọn cỏ leo!! Tôi bàng hoàng đưa mắt nhìn ra xa: một thung lũng mênh mông trải tới chân trời.
Vũ hỏi:
- Ông qua đây rồi chứ gì?... Thung lũng Bảy-oan-hồn đấy. Tởm lắm, lơ mơ là làm mồi cho mối như chơi!
Tôi lặng im, cố tìm cho ra vùng rừng cũ. Những đám dương xỉ, cỏ leo... và sau đó là rừng môn thục. Bộ xương trắng trẻ trung cười... "đằng ấy đừng oán hận gì tớ nhé. Tớ đã mang ba lô đến tận làng Em nơ, giao cho mẹ. Tớ không ở được lâu vì người đèo tớ đến đàng ấy là một gã khó tính, tớ không muốn làm phiền hắn..." Tôi khấn thầm. Tôi đã đến Em nơ, hỏi thăm bà Đào thị Lý, Người ta chỉ cho tôi tới một bà lão nhỏ nhắn, tóc muối tiêu ngồi bán hàng ngay dưới gốc đa đầu đình. Khi tôi tới, bà đang chuyện trò rôm rả với hai người đàn bà khác, tay không ngừng phe phẩy chiếc quạt nan trên chõng hàng. Tôi chào bà rồi gỡ ba lô xuống. Nhìn thấy chiếc ba lô, mặt bà trắng nhợt. Bà hét:
- Con ơi... rồi ngã lăn. Người ta bôi dầu vào hai lòng bàn chân, cõng bà vào nhà.
Một trong hai người đàn bà ngồi lại trông hàng kể với tôi:
- Bà cụ chỉ có một mình nó. Ông cụ chết đúng năm bà cụ mang thai. Làm đám tang chồng được ba tháng thì sinh nở. Phúc đức là thằng bé ngoan, lại có tài gảy đàn bầu, thổi
tiêu, thổi sáo. Gái làng mê tít mà nó chẳng để mắt cô nào... Con trai lớn tướng vẫn còn lẵng nhẵng bám đũng quần mẹ.
Từ ngày nó đi, đã tám năm, ngày nào bà cụ cũng dậy từ mờ sương làm hàng bán... Nhặt từng hào để sau này lấy tiền cưới vợ cho con... Chõng hàng của bà lão có đủ thứ: bún
riêu, bánh đúc, bánh dợm, bánh đa lại thêm mấy lọ kẹo bột, kẹo vừng, kẹo bi xanh đỏ...
Vũ đột ngột hỏi:
- Làm gì mà thộn mặt ra thế. Nhớ mẹ à? Hay nhớ nàng?
- Đâu có.
Tôi chưa trả lời hết câu thì lại một cú xốc mạnh. Vũ nói:
- Đã bảo mã... Đoạn này đường tởm lắm. Nó men theo phía đông thủng lũng Bảy-oan-hồn... ông nhìn rõ chưa?
- Ở cũng rõ. Trừ phía kia, chỗ rừng màu cúc gấm.
Vũ quay đầu nhìn hướng tay tôi chỉ rồi đáp:
- Đó là rừng thộp. Mà chính nó là điều khủng khiếp nhất với lính. Thung lũng này mang tên Bảy-oan-hồn cũng vì thế... ông thấy không, phía đông và phía nam thung lũng có màu xanh khác: ấy là màu rừng gai, dương xỉ lẫn môn thục ở các chỗ trũng. Nửa phía tây và tây bắc toàn thộp. Rừng thộp ăn lan qua các dãy núi bên kia. Lạc vào đó, mênh mông bể sở, không sao lần được lối ra: Cây thộp giống nhau như gạch cùng một khuôn nên không dễ gì tìm đặc điểm điạ hình, đia vật. Tôi đã bi lạc cũng chính từ cái rừng thộp ông vừa chỉ lúc nãy...
Tôi hỏi:
- Thông tin, hay công tác đặc biệt?
Vũ lắc đầu:
- Khốn nạn, công tác công teo gì... Tôi đi ị. Lúc ra, không tìm thấy đường. Quay tứ bề, thấy chỗ nào cũng thế, hệt như bi bỏ bùa mê. Cứ vậy là lặn sâu vào rừng thộp. Hú
gọi, kêu gào chẳng ai nghe. Lại không mang súng bắn báo động. Gọi mãi không được, đành liều đưa chân. Càng đi càng mê man những thộp. Mà ông biết, chẳng tìm được cái
gì bỏ vào mồm. Hai tay trắng, dao không, bát chén không, bật lửa cũng quên trong ca bin... Năm ngày trời, tôi loanh quanh như hồn ma, không hột cơm, không ngụm nước. Tới
ngày thứ sáu, không bò được nữa, lăn ra gốc cây chờ chết... Đúng lúc ấy, đơn vị đổ đi tìm. Anh em thương tôi nên giao hàng xong, họ xin thêm người, chia làm ba tốp đi lùng sục. Vừa tìm vừa bắn súng báo hiệu cho nhau. Họ thấy tôi ngất xỉu dưới một gốc thộp, liền cáng về. Trên võng, tôi mê man. Khi bình phục rồi, anh em kể rằng: “Trên đường tìm tôi, họ qua một hang đá. Trước cửa hang có bảy bộ xương người. Da thịt, áo quần, giấy tờ, ba lô... Tất thảy đã bị mối ăn. Chỉ còn bảy bộ xương và bảy khẩu súng hoen rỉ. Xung quanh, mối đùn từng ổ. Từ đấy, chúng tôi đặt cho thung lũng này cái tên thung lũng Bảy-oan-hồn."
Tôi im lặng nghĩ tới oan hồn thứ tám. Và biết đâu, thứ chín, thứ mười?... Làm sao đếm được chính xác những oan hồn trong cuộc binh đao?...
Vũ hỏi:
- Chẳng biết sau chiến tranh, người ta có tới nhặt xương lính không nhỉ?
Tôi nói:
- Chưa biết... Nhưng trường hợp thất lạc thế... thì cũng khó.
Vũ chép miệng:
- Đến lúc ấy thì cũng mục mẹ nó rồi còn gì!
Tôi không trả lời. Xe rù rù chạy. Lát sau, Vũ bảo:
- Tí nửa nghỉ nấu cơm ăn. Tôi sẽ giới thiệu ông với các đồng hương. Chắc mọi người sẽ vui lắm.