Trên khỏang đất khá rộng, muốn cho gốc cây không ngập nước và rễ được thám nhuần mãn năm, muốn đón nhận và dự trữ phù sa để làm thứ phân bón thiên nhiên khỏi tốn tiền thì cách hay nhứt là đào mương, lên liếp. Liếp còn gọi là bờ. đất trên liếp phải cho cao để khỏi ngập lụt vào mùa mưa hoặc mùa nước nổi hàng năm. Nhiều bờ nằm song song, giữa hai bờ là mương. Theo kỹ thuật lập vườn đến nay hãy còn áp dụng, bề ngang mỗi bờ (thí dụ như để trồng quít) thường lã 4 mét, bề dài tối đa là 40 mét, hình chữ nhựt. Mương ở bên cạnh (giữa hai bờ) rộng từ 1 mét rưỡi đến 2 mét, sâu chừng 1 mét rưởi. Mấy mương này ăn thông nhau ở đầu bờ và cuối bờ. Nhờ vậy mà khi nước ngòai sông ngòai rạch dâng lên, nước trong mương cũng lên cao. Nước trong mương vì chảy quanh co nên để lại đất phù sa rồi đứng lại, trở ra sông rạch khi nước ròng. Chuyến vào mang phù sa, chuyến ra chỉ là nước trong, phần lớn phù sa lắng xuống mương. Để quá lâu thì mương cạn, vì phù sa đóng một lớp dày ở dưới đáy. Theo nguyên tắc, cứ một năm móc mương, một năm nghỉ, đất bùn dưới mương được quăng lên cho bờ cao thêm ( vì mưa làm cho bờ bị lở và mòn). Thường là quăng ngay gốc cây cho rể cây khỏi lòi ra mặt đất, bùn dưới mương là thứ phân tốt. Muốn cho trong mương luôn luôn có nước, phải đắp đê để ngăn chận không cho nước trong mương tràn lên ruộng phía sau vườn. và từ mương ra rạch hoặc sông cái, mạch nước phải lưu thông: đặt ống bọng. Ống bọng thường là cây dừa lão khóet bọng phía trong ruột. Giữa mấy bờ liếp có cầu để khi săn sóc cây trái chủ vườn qua lại dễ dàng. Mương vườn lại là nơi cá tôm bị lùa vào theo con nước lớn, nếu lấy đăng chặn lại, chủ nhà có thức ăn đầy đủ khi nước ròng. Thông thường, tháng 9 tháng 10 âm lịch là có nước son, nước đỏ chở đầy phù sa. Dưới mương nhiều người thích bỏ vài giề lục bình, nhờ đó mà đất phù sa dễ bám vào, nhưng lục bình sanh sản quá nhanh, rốt cuộc lại trở thành tai họa. Ném lục bình lên gốc cây thì dương như là không ích lợi cho lắm để làm phân bón. Nơi thuận lợi để làm vườn, thường là có người đến lập nghiệp từ quá lâu, đất vươn bị chia manh mún. Người chủ vườn nhỏ thường khai htác phần đất chừng nửa mẫu mà thôi, chủ vườn lớn năm mẫu, trung bình là ba mẫu. Ở Cái mơn, nhiều liếp vườn đã xưa hơn trăm năm. Trở lại đời Tự Đức, ta biết vùng này qui tụ nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo, mấy ông cố đạo tùy tình hình an ninh mà ở Cái Mơn, lên Nam ang hoặc rút về Mã Lai (Pénang) để rồi khi trở lại không quên mang theo nhiều giống cây ăn trái từ Miền Dưới: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon. Cái Mơn là vùng gần biển nhưng nước mặn không lên tới. Từ thế kỷ trước, dân Cái Mơn giỏi về trồng cây ăn trái, nhứt là về kỹ thuật chiết và tháp cây, cung cấp cho tòan Nam Kỳ lục Tỉnh. Vét mương vườn, “làm đất”, đào mương lên liếp là công việc khó nhọc đòi hỏi niều kiên nhẫn và sức người. Dụng cụ là cây xuổng, hoặc cây len (còn gọi là cây vá) để xắn đất có cán khá dài. Từ trên nhìn xuống lưỡi xuổng là một đường thẳng, trong khí lưỡi vá là đường cong. Xuổng dùng nơi đất cứng: một người xắn đất, một người khom lưng móc cục đất ấy mà ném để đắp bờ. Cây vá thì dùng nơi đất mềm: xắn từng cục đất nhỏ (giống như người bán tàu hủ nấu đường dùng muỗng mà múc từng lát nhỏ) rồi quăng lên, cục đất dính theo lưỡi và phải tách rời ra. Khởi đầu, người đào đứng trên mặt đất, quăng đất không đòi hỏi sức lực quá nhiều nhưng mươn càng sâu, đứng dươi mương mà quăng lên cao và hơi xa để đắp bờ thì quá tốn sức. Ta thử tưởng tượng một lực sĩ ném từng cục đất nặng non hai ký, không ngừng tay, mỗi buổi hàng ngàn động tác như vậy. Và sức dùng để ném mỗi lúc một gia tăng. Khi đào khá sâu, thường là gặp mạch nước, xúc từng cục đất nhỏ khi nước ngập đến ngang bụng không phải dễ. Hai năm một lần, lại vét bùn đem lên liếp (bờ) cho mương được sâu, cho bờ thêm cao. Dùng lọai thùng hình tròn có cán dài tra theo bề dọc mà xúc, gọi là cái gàu vét mương (hoặc là cái len thùng). Những năm gần đây, nghề trồng cây ăn trái đem lợi tức đáng kể, dân ở thành thị mỗi lúc thêm đông, việc chở chuyên dễ dàng hơn trước nhờ xe hàng, nhờ xe gắn máy. Ở những nơi mà đất phù sa có điều kiện lưu lại như bờ sông, bãi bùn hoặc chung quanh cù lao sông cái, nhiều người đã mạnh dạn làm kế họach lấn đất ra sông. Thay vì chờ đợi năm bảy năm sau cho đất phù sa bồi lan ra năm bảy chục thước thì dùng sức người mà đắp bờ bao ngạn (gọi tắt là bờ bao) ở một góc cồn (cù lao nhỏ trên sông) nào thích hợp. bờ bao đắp lấn ngòai sông, cao chừng 3 mét, trên mặt rộng chừng 2 mét, chân bờ khá rộng để có thể đứng vững khỏi bị nước sông hoặc sòng gió làm bể hoặc phá lủng. Bên phía trong bờ, cứ trồng tỉa, đổ đất bùn. Công trình này thực hiện theo qui mô nhỏ bé do sáng kiến cá nhân, có thể so sánh với việc đắp để lấn ra biển để tăng diện tích đất ở Hòa Lan, ở Nhựt. Trên vùng đất tântạo lấn ra bãi ra sông này, người và đất đều can đảm đóng vai người lính tiên phong. Lúc giông tố hoặc khi nước lớn, rõ ràng là nước bên ngòai bờ bao ngạn dâng cao, chảy cuồn cuộn khỏi đầu người đang làm rẩy làm vườn. Và cây tơ mới trồng vì chịu đựng triền miên những trận gió nơi sông rộng, thường bị “cháy lá”; lá không nảy nở nhanh chóng như trường hợp những cây trồng trên liếp ơ nơi thông thường. Không phải ở nơi đất tốt, nhiều phù sa này mà mỗi người đều làm chủ một khu vườn nhỏ. Đất đã có chủ. Đất lại bán vớii giá cao. Có đất lại còn phải ra công đào mương oặc mượn vốn mà mướn đào lên liếp, chờ vai năm mới thâu huê lợi đất vườn chia lần hồi cho số con cháu quá đông. Bởi vậy, mmột số khá đông người địa phường phải sống bằng nghề làm mướn cho chủ vườn. Dầu muốn hay không, người của thế hệ sau cùng đành rời quê quán, tìm nơi đất rộng người thưa. Không nên đánh giá quá cáo sản lương tổng quát về cây ăn trái. Trước năm 1945, họ là họ có cam Cái Bè, dâu và măng cụt Cái Mơn những ở miền Nam mấy ai thưởng thức được. Mức sản xuất không đủ cung ứng cho nhu cầu nội địa, nhiều người trung lưu ở miền quê Long Xuyên, Rạch Giá không biết trái vú sữa, sầu riêng hoặc măng cụt như thế nào, nó chỉ dành riêng cho người khá giả ở thành thị. Ở miệt Vườn, tức là vùng trồng cây ăn trái nói trên, huê lợi quan trọng nhứt vẫn là ruộng. Đời Tự Đức, ruộng làm mỗi năm chỉ một mùa, khi người Pháp đến, vài địa phương làm hai mùa với phân bón. Tuy là vào tháng hạn người dân có thêm chút ít công ăn việc làm (làm đất vét mương, lêin tiếp cho chủ vườn) những làm sao xem đó như một ngành tiểu công nghệ hoặc công nghệ? Việc đào đất xúc đất khá nặng nhọc chỉ dành co một số ít người chịu cực, số nhơn công thâu dụng chỉ có giới hạn. Người làm đất đến mùa mưa lại làm ruộng như bao nhiều người khác, từ khi cấy xong đén khi chờ gặt, họ lại ở không, sống thiếu kém, vay nợ mà chờ thời trời. PHÁT CỎ THAY CHO CÀY BỪA Chúng tôi không so sánh cái cày, cái bừa hoặc bao nhiêu dụng cụ linh tinh khác của nhà nông, nói chung là đại đồng tiểu dị so với miền Bắc, miền Trung. Hoặc là dụng cụ bắt cá, những kiểu ghe xuống cùng kỹ thuật làm ruộng sạ (khỏi phải cấy). Nét độc đáo đáng kể trong cách làm ruộng ở vài nơi trong miền Nam có lẽ là phát cỏ rồi cấy, khỏi cày bừa. Trong Phủ Biên Tạp Lục do Lê Quý Đôn biên sọan, ghi lại chi tiết như sau hồi cuối thế kỷ XVIII. Nguyễn Khoan Thuyên nói: có những khỏanh ruộng tại các xứ thuộc huyện Tân Bình, huyện Phước Long, huyện Qui Nhân, người ta phải cày rồi mới trồng cấy lúa. Trông một hộc lúa giống thì người ta thu hoặc được một trăm hộc lúa màu. Còn như tại Trường Bả Canh, thuộc Tam Lịch và châu Định viễn có những khỏanh ruộng không cày, người ta chỉ cần bứt cỏ đi rồi trồng lúa. Trồng một hộc lúa giống thì người ta thu họach được 300 hộc lúa mùa. Như vậy chúng ta đủ biết ruộng ở đây thật là phì nhiêu. Sách Gia Định thành Thông Chí của Trịnh Hòai Đức sọan trễ hơn, gọi lọai ruộng khỏi cày bừa này là “trạch điền” và dùng chữ nho là “trảm phạt” trong khi Phú Biên Tạp Lục ghi là “trảm thảo” để nói đến kỹ thuật làm ruộng bứt cỏ, chém cỏ ấy. Người địa phương gọi là phát cỏ (phát, do chữ nho là phạt, nói trại ra, đọan kim phạt mộc). Theo tài liệu trên, ở Gia Định, Biên Hòa phải cày; ở vài nơi thuộc Mỹ Tho, Cao Lãnh hoặc phía Vĩnh Long ngày nay thuộc hữu ngạn sông Tiền, nhờ phì nhiêu nên khỏi cày, cứ phát cỏ xong rồi cấy mạ xuống. Kỹ thuật ấy xuất hiện vào khỏang hai trăm năm nay, từ hồi Chúa Nguyễn. Mãi đến năm 1945 thì phát cỏ khỏi cày bừa để làm ruộng hãy còn, khá tinh vi. Dọn đất theo kiểu cày bừa, trục.. chỉ có hiệu năng đối với vùng đã khai khẩn từ lâu, đất đã thuần thục (gọi nôm na là đất thuộc). Ở đất phù sa cù lao sông cái hoặc ven biển, ven rừng tràm mới khai thác chừng đôi mươi năm, việc cày bừa nhất định gây hậu quả xấu: - Lòng đất chứa nhiều phèn, cày xới thì chất phèn hiện trên mặt đất, làm hại cho rễ lúa. - Nếu trên mặt đất đã dư pâhn để nuôi cây lúa (cỏ mục, lá cây khô từ lâu đời) thì xới lên là đem thêm phân. Phân quá nhiều, cây lúa nẩy nở nhanh chóng, gốc to, lá rậm nhưng gié ít hột. Cày bừa thì cần tới trâu bò. Bò giá rẻ, nhưng chịu đựng mưa dầm hoặc sình lầy rất dở. Trâu dai sức hơn, nhưng mua từ bên Cao Miên, giá trung bình một con đúng lứa là 80 hoặc 100 giạ: “Lúa tới đâu trâu tới đó”; lúa lên giá, trâu cũng lên giá theo. Người chủ đất nhỏ (tiểu điền chủ, gọi là chủ điền manh) ít khi dám vay nợ mua trâu, gặp năm bị dịch trâu chết, hai ba năm sau chưa chắc trả xong nợ. Không cày bừa thì con một cách là dọn cỏ cho sạch rồi cấy. Vì không cày bừa cho đất mềm nát nên phải dùng cây nọc khá to để xoi đất, sau đó mới cấy mạ xuống. Cầm cây dao mà chém cỏ thì không ổn, mỗi lát dao chỉ sát phạt được vài chục ngọn cỏ là nhiều. Nơi độc canh mỗi năm gặt một mùa, muốn nuôi gia đình thì cần canh tác tối thiểu là ba mẫu rưỡi, bốn mẫu. Như vậy làm sao dọn đất sạch để cấy cho kịp thời tiết. Dùng cuốc cũng bất lợi và chậm chạp. Nơi đất hoang, nhiều đám cỏ nằm ngã la liệt theo chiều gió, vun lên, cao ngang ngực của người lớn, rắn và chuột tha hồ nẩy nở. Người làm ruộng nghĩ đến một kiểu dao để chém cỏ nhiều hơn. Ngồi mà chặt thì thất sách, vì mỏi lưng. Đứng mà chặt thì không sát gốc, cỏ mọc trở lại. Muốn cho cỏ chết, phải chặt ngay gốc, dưới mí nước để gốc cỏ bị thối luôn. Do đó cần đến một lọai dao dài; muốn chém cỏ trong tư thế đứng mà chém thì cán dao phải bẻ cong lại. Đó là cây phảng. Phảng là một loại dao. Trong ngôn ngữ của dân phát cỏ ói là cần cây phảng, nhưng lại nói dùng phảng ấy mà “chém một dao”; chém nhanh, gọi là chém cho mau dao. Tùy công dung, tùy địa phương mà cán của cây dao dài ấy bẻ cong lại nhiều hay ít. Nói cho cụ thể, cán dáo và lưỡi vốn là nằm theo đường thẳng (180o), nếu uốn lại lần hồi ta có loại phảng náp, phảng mõ cộ lôi, phảng mõ cộ vấp, đến mức cán và lưỡi phẳng tạo ra một góc đứng 90o thì gọi là phảng cổ cò (như hình dáng cổ con cò). Loại phảng mà cổ cong lại không đúng 90o chỉ xài vào công việc thứ yếu như phát cỏ ở bờ mương, phát cỏ vườn, chế đất (phát những cọng cỏ còn sống sót sau khi cày, trục, trước khi cấy), hoặc phát nơi nước sâu. Muốn làm ruộng trên diện tích to thì nhứt định là dùng loại phảng cổ cò. Đơn vị để đo diện tích làm ruộng là một công, mười công là một mẫu ta. Công là diện tích của khoảng đất hình uvông, mỗi cạnh dài 12 tầm, mỗi dài 2m60 đến 2m80, tính cho gọn để được htống nhất với mẫu tây (hectare) thì mỗi tầm dài đúng 2m63 để công là hình vuông, mỗi cạnh hơn 33m. Cầm cây phảng trên tay (trong tay mặt thôi), nghiêng mình uxống phát rồi đưa phảng lên, bước tới mà chém thêm nữa là việc nặng nhọc còn hơn là lực sĩ cầm cây mã tấu. Nếu lấy trung bình một lát chém là 36 tấc vuông (hình vuông mỗi cạnh 6 tấc) thì muốn dọn cho sạch cỏ trong một công đất, cần đến non 2.000 lát chém. Cây phảng trung bình nặng hơn 3 kí lô, dài 85 phân. Tính theo vật lý, muốn dở cây phảng nặng 3 kí lô ấy lên khỏi đầu, phải tung ra một sứcl ực ba lần nhiều hơn. Phát một công đất, mệt như một lực sĩ cầm quả 10 kí lô trong một tay, cử động 2.000 lần. Vì nặng nhọc như thế nên phát cỏ trên diện tích lớn là độc quyền của bọn đàn ông trai tráng. Tay mặt quơ cây phảng, tay trại cầm cây cù nèo (còn gọi là kèo nèo) để kèo (vạch cỏ) cũng 2.000 lần cho trống chân cỏ, không thể chém bừa vãi trên ngọn vì như thế thì cỏ sẽ mọc lại. Người phát phải khom lưng cho lưỡi phảng nằm ngang song song mặt nước và dưới mặt nước. Việc phát cỏ không thể kéo dài ngày này qua ngày kia suốt năm. Mùa phát bắt đầu từ tháng năm âm lịch đến khoảng rằm tháng sáu âm lịch là chấm dứt. Phát quá sớm khi đất ruộng còn khô thì cỏ sẽ mọc trở lại như cũ. Phát quá trễ khi nước mưa lên cao trong ruộng thì khó chém sát gốc cỏ. Trong 45 ngày do yếu tố thời tiết qui định chặt chẽ, thật ra chỉ phát được có 40 ngày; khi đang mưa mà bỗng dưng trở nắng đôi ba ngày, phát cỏ là vô ích; đôi ngày sua, gốc cỏ sẽ nhô lên vì nước cạn, cỏ mọc lại như cũ. Buổi phát tính từ khoảng 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, người giỏi thì rồi một công, trước khi ra ruộng thường là ăn cơm rang cho no dai. Buổi trưa và buổi chiều, cần dưỡng sức cho ngày mai, phát xong thì người mạnh khỏe cũng “bể nghể” trong mình, lờ 9dờ vì thấm mệt. Một số trai tráng thiếu sức khoẻ hoặc vì chưa nắm được kỹ thuật nên phát không rồi một công, đành để ngày sau mà phát tiếp. Đã ra ruộng, muốn rồi công thì tuyệt nhiên không được nghỉ để nói chuyện khoào hoặc hoảng chạy vô nhà khi trời đô mưa quá to, có sấm chớp sáng lòe, nổ ầm ầm trước mặt. Phát song, chờ năm bảy ngày cho thúi gốc rồi dùng loại bừa cào to (gọi là bừa cào rẽ) mà kéo cỏ gom lại thành vồng (mỗi công đất thường có năm sáu vồng), sau đó dọn cỏ qua loa (để phòng trường hợp hôm trước phát không sạch) rồi cấy ở khoảng trống giữa hai vồng cỏ (gọi là láng cấy). Ở nơi đất rộng người thưa, tìm đâu cho đủ nhân công phát cỏ? Chỉ còn một cáhc là trau dồi kỹ thuật để mỗi người đàn ông phát trung bình một ngày được một công, hoặc hơn càng tốt; ai phát không rồi một công thường bị chê là quá dở, lười biếng, chẳng ai dám mướn tốn cơm. Kỹ thuật lần hồi trau dồi đến mức tinh vi, kinh ngiệm được tổng kết kỹ lưỡng, gọi là phát thể hoặc phát thiếp. Theo lời truyền khẩu thì tổ sư của bộ môn này là ông Cai Thoại, làm chức cai đồn điền hồi đời Tự Đức. Vào cuối thế kỷ thứ XIX, khi Nam Kỳ Lục Tỉnh lọt vào tay thực dân Pháp, ông rảo chân khắp miền Rạch Giá, Cà Mau; gặp ông thì cọp chạy cong đuôi hoặc tới chầu chực bên cạnh khi ông ngủ giữa rừng! Ai đang làm chuyện nặng nhọc thì ông sẳn sàng tiếp tay. Sức ông bằng năm bảy người, trên vai luôn luôn có cây phảng to tướng nặng gấp đôi cây phảng thường dùng, cở 6 kí lô, dài trên một mét. Muốn phát cỏ nhanh, kịp thời tiết thì cứ mời. Ông phát suốt ngày đêm, nhịn đói ròng rã đôi ba ngày để rồi sau đó ăn lại một nồi cơm to, ngủ suốt một ngày. Nhiều người đi phát cỏ dạo, làng này qua làng kia, xưng là đệ tử hai đời của ông Cai Thoại. Quả thật, họ phát nhanh gấp đôi người thường, từ hai đến năm công mỗi ngày. Họ tự nhận là được tổ sư truyền đạo, nhờ thần thánh phù hộ nên sức lực mạnh khỏe, lúc ra ruộng phát cỏthì cứ quơ tay như người lên đồng bóng, như người đi thiếp, thông cảm trực tiếp với thần linh khuất mặt. ai muốn thọ giáo, họ đòi số tiền tổ khá cao, lúc dạy thì lựa ban đêm, không cho ai lại gần. Vài thầy giựt tiền của học trò trước khi dạy, và đa số đều là nói láo, mượn tiền để xài, sau đó phát vài công rồi trốn hoặc nằm ngủ, viện lý do là chưa đi thiếp được, thoần thánh chưa nhập vào xác. Lẽ dĩ nhiên,các thầy phải nắm được vài bí quyết nào đó thì mới lường gạt được người trong xóm vốn chuộng thực tế. Các thầy có thể biểu diễn trong mộtvài giờ hoặc một buổi, nhưng phát từ sáng đến chiều thì không tài nào đủ sức. Muốn phát cỏ cho nhanh, phải kỹ lưỡng từ cách chọn thợ rèn phảng rồi chọn thứ thép thích hợp, và nên chọn loại cây làm cán phảng để khi phát da bàn tay được mát, không phồng. Và học kỹ thuật mài phảng như thế nào cho bén lâu, khỏi tốn thời giờ mài tới mài lui. Khi quá lụt, lưỡi phảng không chạy nhanh dưới nước. Lại còn tư thế đứng và bước của người phát, đúng chữ bộ chữ đinh như võ sĩ: - Chân trái phía trước, chân mặt phía sau, chém dao thứ nhứt. - Bỏ chân sau qua bên trái đồng thời vung cây phảng lên cao để chuẩn bị. - Bỏ chân trước qua bên trái, chém lát dao thứ nhì ngay khi ngón chân cái vừa đặt xuống đất. Việc hợp lý hóa từng động tác này, nếu thực hiện đúng thì với hai dao chém xuống liền ranh nhau, có thể thanh toán một vùng cỏ rộng 9 tấc (bề dài của cây phảng) và dài đến 4m20, tức 3 mét vuông 78; khi chém, cây phảng chạy theo hình vòng tròn, được nửa vòng trước mặt người phát. Nhiều người phát cỏ giỏi giữ mức trung dung, tập luyện kỹ thuật “dao vuông”, tức là mỗi lát chém phải thanh toán một vùng cỏ vuông bề ngang 9 tấc bề dài 9 tấc. Như vậy, thay vì dùng 2.000 lần chém như các tay thông thường, người nhà nghề chỉ dùng 1.400 dao để giải quyết một công đất. Cây phảng góp phần quan trọng vào việc khẩn hoang; ở một xóm nhỏ với vài mươi nóc gia, số ruộng canh tác có thể lên hơn trăm mẫu, trong hoàn cảnh thiếu hoặc không cần trâu bò. Mãi đến năm 1945, phát cỏ vẫn còn là công việc cần thiết và nặng nhọc nhứt của nông phu trong nhiều vùng ở Hậu Giang. Để khích lệ, vài người bày ra sáng kiến thi đua phát cỏ (gọi là phát kình, theo nghĩa kình địch, ăn thua, có kẻ thắng người bại), mỗi thầy chọn một đệ tử giỏi nhứt của mình và một ông kỳ lão đứng làm trọng tài. Trên hai công đất giáp ranh nhau, khi lịnh ban hành, hia người cứ hươi phảng, nhịp nhàng, không dám bỏ một giây, trong khi thầy khom lưng đi bên cạnh “con gà” nhà của mình mà khoác nước lên đầu, lên vai cho người lao lực kia được mát, ít mệt. Lẽ dĩ nhiên là ăn thua bằng tiền. Chi tiết “đất phì nhiêu”, bứt cỏ” để trồng lúa, không cần cày bừa mà Lê Quí Đôn và Trình Hoài Đức chép lại là như thế. Người phát giỏi thường ỷ tài nên lắm khi cờ bạc quá mức, thua thiếu rồi lãnh tiền trứơc, tới mùa mưa chỉ làm để trả nợ hồi Tết. Và đời sống của họ không hơn gì những nông phu khác: tình trạng thất nghiệp, khiếm dụng của xứ mỗi năm làm một mùa ruộng. Kinh nghiệm của người già cả đã tổng kết là cứ hai năm làm ăn khá giả được mùa thì bất cứ 9dịa phương nào cũng phải gặp một năm thất mùa. Trong sáu tháng ở không, chờ lúa chín hoặc sau Tết chờ khi trời đổ mừa, người dân sống bằng nợ, vay với tiền lời quá cao. Gặp khi trong gia đình có tang chế, thân nhân đau ốm thì số nơ gác lại năm sau. Những năm thu hoạch ở mức trung bình; người làm ruộng chỉ đủ ăn cho tới tháng ba; tháng tư âm lịch là vay lúa, vay tiền. Mấy tháng rãnh rỗi ấy, người dân ở thôn quê vì thiếu tiểu công nghệ nên chỉ còn một con đường là sống lê thê, trước sau gì cũng nghèo, không chơi thì chẳng làm gì sanh lợi cả. Vào mùa mưa, nhiều gia đình không có đủ mắm mà ăn, vì hồi mùa cá họ không rảnh rang mà bắt, nếu làm mắm được chút ít là đã bán rồi.Vào tháng bảy tháng tám, nhiều người lâm vào cảnh thiếu gạo, chủ điền chỉ cho vay ở mức vừa phải, ruộng canh tác tới đâu thì được vay tới đó. Nhiều người đã bán bớt số lúa vay ấy, lấy tiền mặt mà chi dụng trong gia đình, đó là chưa nói tới trường hợp người gia trưởng bịnh hoạn, ai dám cho vay khi chắc chắn là không bao giờ trả nổi? Thói ăn chơi lan tràn, từ hcợ làng chợ tổng đến xóm nhỏ. Xin trích vài nhận xét, viết từ năm 1908. Một cậu nọ ở Vĩnh Kim (Định Tường, xứ cóvườn) “tánh rất ham chơi, người đã không dư ấm, nhà lại chẳng nghiệp làm, xách ba-ton dạo cùng làng, hút Bastos đi giáp xứ” Tình trạng người tá điền lại thảm thương hơn: “Một năm 12 tháng, làm ruộng thiệt sự có bốn năm tháng, còn bảy tám tháng dư linh làm nghề chi? Vì không có nghề trong tay nên mới rủ nhau đánh cờ chó, hoặc đi coi đánh cờ bạc, chà lết mòn quần rách áo”. Và đây cũng là sự nhàn rỗi, trong thôn xóm vào thời ấy: “Vả lại tôi thấy người lối xóm tôi, hoặc có người sớm mai thì dậy, thay quần đổi áo. Hễ có ai hỏi đi đâu thì đáp rằng: đi xóm. Té ra không phải đi đâu hết, cứ tới trà đình tửu điếm, dụm năm dụm bảy mà ăn uống say sưa, bàn chuyện đề cổ nhơn, hết sức rồi bàn tới chuyện đàn bà con gái, đứa này xinh đẹp, đứa khác xấu xa. Nói cho tới giờ ăn cơm thì trở về mà ăn, hoặc có đứa ra đánh đáo tường ăn công cho tiêu cơm, có đứa kiếm năm bá cắc bạc ra mướn xe máy mà chạy một hai vòng, đến nỗi đổ mồ hôi mồ hám mà cũng chưa chịu về, người ta có hỏi thì lại nói chạy cho tiêu ơcm” Vì tin rằng trước sau gì cũng cực khổ mang nợ mà không bao giờ trả nổi, nên nhiều người dám ăn xài to trong dịp Tết, mua nào là rượu cô-nhắc, thuốc xì gà và rất nhiều pháp để vui ba ngày, sau đó đi làm mướn suốt năm tháng cho mấy chủ tiệm Huê kiều, khiêng vác đồ đạc, hoặc chèo ghe lúa. Lập luận khôi hài của người lâm vào cảnh khiếm dụng, bán thất nghiệp ở miền Nam là “trời sanh thì trời dưỡng”, “thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc, địa sanh thảo hà thảo vô căn”. Trách nhiệm ấy về ai? Ngoài trách nhiệm của thực dân Pháp, ta nên nhớ là giới thương gia Hoa liều bấy giờ vốn lợn, việc làm ăn của họ dính dấp tới những tay mua bán lúa gạo thuuộc vào hàng quốc tế ở Tân Gia Ba, ở Hương Cảng. Ai làm ăn vốn nhỏ là thất bại. Giới đại điền chủ ở Nam Kỳ lúc bấy giờ chọn lực con đường chắc ăn hơn: dư tiền thì mua thêm đất ruộng, thâu thêm địa tô, đất không bị mất mát. Hơn nữa, nếp sống điền chủ được sung sướng, thảnh htơi như ông hoàng nhỏ nhỏ. Nếu coi sóc một công ty thương mãi, một hãng xưởng họ phải bận rộn hàng ngày quá nhiều thời giờ, lại thêm mệt óc tính toán.