Vậy là trong đời, ba lần cả thẩy hắn đứng trước vành móng ngựa. Lần đầu tiên hắn đứng cùng với bọn thằng Xế, thằng Học sau khi gây ra vụ ẩu đả với hội Yên Mĩ vào cái ngày đầu tiên hắn đặt chân tới bãi vàng. Hai lần sau là phiên sơ thẩm và phúc thẩm mà bản án dành cho hắn sau khi tổng hợp hình phạt là không thay đổi: Tử hình! Chứng lý quá đầy đủ, rành mạch, cụ thể đến từng đường tơ kẽ tóc. Trong các bản cung của hồ sơ, người ta thấy hắn thành khẩn đến mức khó tin. Một tên cướp lì lợm, khét tiếng tàn bạo, lại có cái đầu khá nhiều chữ như hắn không lẽ lại dễ dàng suy sụp đến mức khai thông thốc ra như thế sao? Không. Hắn đã từng im lặng. Im lặng đến độ người ta lo sợ hễ sểnh ra là hắn sẽ cắn lưỡi tự tử. Trước mặt các điều tra viên hắn câm nín như hoá đá. Hỏi gì cũng gật, nói gì cũng nhận, sau mệt mỏi quá, hắn bảo: "Các anh cứ làm bản cung đi, rồi tôi ký rẹt một cái là xong. Tôi muốn các anh kết thúc số kiếp tôi càng sớm càng tốt". Đó là lời khẩn cầu thật lòng của hắn. Tuy nhiên việc phán xử một con người không thể chỉ căn cứ vào những lời thú nhận có vẻ như cho xong chuyện. Hắn phạm tội thế nào, ngày, giờ, địa điểm, cách thức, diễn biến, hậu quả, động cơ, mục đích, tình trạng tâm sinh lý, đồng phạm hay riêng lẻ, ai biết, ai không, khắc phục hậu quả, tiêu thụ của gian như thế nào, hồ sơ phải thể hiện được tất cả những vấn đề ấy. Vậy mà hắn không chịu nói. Luật lại qui định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra. Hắn đã trở nên một khối trầm uất u buồn, không muốn nhắc tới bất kỳ một điều gì liên quan đến quá khứ. Thậm chí, cùng với thời gian có thể hắn sẽ trở nên tâm thần bởi tuyệt vọng và hoảng sợ. Mà thời gian dành cho việc chứng minh tội phạm không phải vô hạn định. Cuối cùng người ta đành phải đưa đến chỗ hắn một vị điều tra viên mới. Người này đã từng rất có ấn tượng đối với hắn. Hắn nhận ra ngay vị điều tra viên này bởi đây chính là người đàn ông đã từng bám sát hắn suốt quãng đường trốn chạy sau cùng của cuộc đời. Nốt mụn ruồi ở đuôi mắt trái anh ta luôn ám ảnh hắn trong những đêm dài trốn chui trốn lủi, bần cùng và kiệt quệ. Bây giờ anh ta lại đến với hắn. Anh ta đặt chiếc cặp lên bàn, cố tình gạt nó sang một bên, ngả người một cách thoải mái ra thành ghế, rồi bảo: - Hôm nay tôi với anh làm ấm chè rồi nói chuyện phiếm. Công việc tạm gác sang một bên, chả nên bắt nhau mệt mỏi mãi như thế làm gì. Anh có đồng ý không? Hắn im lặng. Vị điều tra viên lại nói: - Có thể anh không có chuyện gì để nói cả, nhưng tôi lại có nhiều chuyện để nói với anh đấy. Một cảnh sát trẻ bê bộ ấm chén đã pha trà sẵn bước vào phòng. Vị điều tra viên đỡ lấy, đặt xuống bàn rồi rót ra chén đưa mời hắn. Hắn lắc đầu. Vị điều tra viên nọ liền đặt chén nước xuống trước mặt hắn, quay ra nhấm nháp chén trà của mình rồi bật thuốc hút. Bất ngờ anh ta hỏi: - Anh có muốn biết cái bãi vàng Lũng Sơn của anh bây giờ nó như thế nào không? Mi mắt hắn khẽ động đậy. Mùi trà thơm quá, kích thích vòm họng quá, lại cả mùi thuốc lá nữa, thần kinh hắn có vẻ như đang căng ra vì thứ khói này. - Anh uống nước đi - Vị điều tra viên tiếp tục- Và cứ hút thuốc tự nhiên. Còn đây là tập ảnh vừa mới chụp. Anh còn nhận ra chỗ ở của anh ngày xưa nữa không? Tập ảnh vị điều tra viên lấy ra từ trong cặp khá dầy, được đẩy tới chỗ hắn. Hắn chưa cầm tập ảnh ngay mà lại đưa chén trà lên miệng nhấp từng ngụm, khoan khoái, sau đó rút ra một điếu thuốc và châm lửa. Kéo một hơi dài xong hắn mới ngẩng đầu lên, buông một câu ngắn ngủi: - Cảm ơn cán bộ! Tập ảnh được tráo đều trước mắt hắn. Công ty khai thác vàng bạc đá quí Việt - Nhật, khu nhà sàng, phòng nghiên cứu thăm dò địa chất, khuôn viên có thảm cỏ và cây xanh, những dãy nhà vừa mới quét ve, con suối trong vắt, mấy quả đồi lô nhô có cắm cờ... Bãi vàng Lũng Sơn đã hoàn toàn được qui hoạch lại, không còn dấu vết của sự khai thác tự phát nữa. Tất cả đã đổi thay, ngay cả những nơi heo hút nhất. Dãy núi đá mà hắn từng ẩn náu lẫn vào nền trời xanh, yên bình và xa lạ. Những khoảnh khắc mà vị điều tra viên kia mang lại đã cào nhẹ vào vùng cảm xúc khô héo trong hắn. Tự nhiên hắn muốn biết thêm những điều khác, ví như cái đám dân đào vàng trong hội Áng Sơn của hắn bây giờ ra sao, hoặc giả, hắn sẽ phải nhận hình phạt như thế nào sau những ngày tạm giam này? Vị điều tra viên lại móc trong cặp ra hai tấm ảnh nữa. Anh ta đưa cho hắn một tấm rồi bảo: - Anh có nhận ra những ai trong tấm ảnh này không? Hắn cố nén tiếng thở dài. Mẹ hắn đây ư? Bà đã già quá rồi, trông dáng bà đứng bên con trai và con dâu vẹo vọ đến tội. Anh Dương thì khác xa so với hình ảnh mà hắn còn lưu giữ được. Anh Dương bây giờ đã là một người đàn ông trung niên thành đạt, nét phú quí hiện rõ trên bộ quần áo, đôi giầy, chiếc đồng hồ đeo tay, cả nụ cười cởi mở, khoáng đạt kia nữa. Người chị dâu mà hắn chưa một lần gặp mặt có vẻ xuề xoà, khuôn mặt chị toát lên nét gì đó hồn hậu, đại lượng. Thằng bé đứng trong lòng mẹ hắn khoảng mười bốn, mười năm tuổi, gầy gò, láu lỉnh, có cái trán dô. Chắc đây là đứa con đầu của anh Dương. Hắn được biết mẹ hắn đã ra Quảng Ninh ở với anh Dương nhưng bà vẫn đi đi về về để "trông mảnh đất quê cho thằng Đàn". Bà cũng đã từng lần mò lên cả bãi vàng Lũng Sơn để tìm hắn nhưng dạo ấy hắn còn đang cùng Lân sáu ngón lang bạt ở mấy tỉnh biên giới Việt- Lào. Bây giờ thì bà đã biết hắn đang nằm trong bốn bức tường này. Hắn vẫn nhận được quà của bà gửi vào, chỉ có điều đang trong giai đoạn điều tra nên người ta không cho bà vào gặp. - Còn bức ảnh này, tôi cứ đắn đo mãi không biết có nên cho anh xem không? - Vị điều tra viên khẽ đập đập tấm ảnh còn lại vào lòng bàn tay - Tôi đã hứa với cô ấy là không tiết lộ gì cho anh. Nhưng tôi nghĩ ít ra anh cũng phải biết là cô ấy còn sống. Chắc anh cũng đồng ý với tôi thế chứ? - Cán bộ đừng đùa giỡn với tôi nữa - Hắn bật nhỏm người dậy - Cán bộ hãy cho tôi biết cô ấy là ai? Có phải là Nhung không? Vị điều tra viên có vẻ như đã thoả mãi mục đích của mình, anh ta chìa tấm ảnh ra trước mặt hắn: - Đây, anh xem đi. Hắn run run cầm lấy tấm ảnh. Đúng là Nhung thật. Nhung đang bế một đứa bé bụ bẫm mặc bộ quần áo len mầu vàng. Nhung đẹp đến mức hắn ngỡ ngàng. Không còn nhận ra chút giang hồ phóng đãng nào trên khuôn mặt thiếu phụ đẹp như trăng rằm này nữa. Mặn mà. Quyến rũ. Mãn nguyện. Ngập tràn hạnh phúc. Đó là tất cả những gì toát ra từ Nhung. Còn đứa trẻ? Nó mới bầu bĩnh, đáng yêu làm sao. Đôi mắt đen lay láy, ngơ ngác, chẳng thể nhận ra được là trai hay gái. Con hắn đây sao? Có thật là con hắn không nhỉ? Bây giờ hai mẹ con Nhung đang ở đâu? - Bây giờ chúng ta bắt đầu làm việc nhé? - Vị điều tra viên sau khi lặng lẽ quan sát mọi thái độ của hắn nãy giờ, lên tiếng - Anh hãy kể lại tất cả những gì anh biết, anh làm trong đêm mười sáu tháng tư ở phòng giam số hai mươi tư, trại giam Thanh Phong? - Thưa cán bộ...? - Chúng ta chuyện phiếm với nhau như thế đủ rồi. Mọi thông tin cần thiết khác đối với cá nhân anh chúng tôi sẽ xem xét để đáp ứng cho anh vào một dịp khác. Bây giờ thì anh phải trả lời những việc mình làm. Nào, bắt đầu từ cái đêm mười sáu tháng tư ấy... Đêm 16 tháng 4 ư? Trí óc hắn bắt đầu hệ thống lại những hình ảnh cắt xé, nát vụn. Đó là đêm cuối cùng hắn nằm cạnh trưởng phòng Hân. Nếu như Hân không bất chợt tỉnh dậy khi nghe tiếng gẫy của chấn song sắt cửa sổ thì hắn đã không ngồi đè lên người anh ta, không xiết chặt mười ngón tay vào cổ anh ta làm gì. Vâng, chính hắn. Mục đích ư? Để Hân khỏi ngăn cản việc trốn trại. Có biết vòng xiết ấy có thể dẫn đến chết người không ư?. Có, có chứ. Nhưng khát vọng tự do mạnh hơn tất cả. Thế là bất biết cái gì sẽ xảy ra dưới hai bàn tay mình. Rồi sao nữa ư? Chui qua song sắt và chạy... Cứ thế hắn lần lượt khai tất cả. Khai chi tiết. Không bỏ sót một vụ việc nào. Một tháng sau đó hồ sơ được hoàn tất. Trước khi phiên toà sơ thẩm mở độ mười lăm ngày, có một người đàn ông đến gặp hắn. Người này trạc tuổi hắn nhưng gầy gò hơn. Trong khi ngồi chờ cán bộ trại giam vào phòng dẫn giải hắn, anh ta móc trong túi quần ra một mảnh cá mực nướng, xé nhỏ, đưa vào miệng nhai nuốt ngon lành. Không ít cán bộ quản giáo tưởng anh ta nhai kẹo cao su. Còn hắn, hắn vừa nhìn thấy người này thì giật mình, không biết nên xử trí thế nào. Đối với hắn anh ta chẳng còn đáng giận nữa. Nhưng cũng không thể nói sự có mặt của anh ta ở đây là đáng kính trọng. Phải, người đàn ông ấy chính là Bằng. Theo như trên tấm danh thiếp mà anh ta đưa cho cán bộ quản giáo thì anh ta là Trần Bằng - luật sư, người được mời cãi cho hắn trong phiên toà sắp tới. Chờ cho hắn yên vị trên chiếc ghế đối diện và người quản giáo đi ra khỏi phòng, Bằng mới lên tiếng: - Trước hết, tôi phải nói ngay thế này cho Đàn hiểu, với mức án của Đàn, dù Đàn không thuê luật sư để biện hộ cho mình thì luật pháp cũng qui định toà án phải chỉ định một luật sư đến cãi cho Đàn. Tôi đã quyết định chọn vụ này. Không phải vì tình bạn, tình đồng môn, sự nổi tiếng hay vì cái gì cả. Chỉ vì tôi thấy mình có lỗi phần nào đối với cái kết cục không mấy may mắn của Đàn. Hắn nhìn thẳng vào Bằng, lắng nghe từng lời Bằng nói. Cảm giác trước tiên hắn nhận thấy là con người Bằng có vẻ thành thật. Hãy cứ thử xem anh ta làm được điều gì cho hắn? Hắn bảo: - Chúng ta không nên để chuyện cũ đè nặng lên suy nghĩ của mình làm gì. Tôi hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về những gì mà mình đã làm, không oán trách ai cả. Ông đối với tôi như thế này, tôi rất mừng. Nhưng tại sao ông lại làm cái nghề này? Tôi tưởng ông bây giờ phải làm chủ tịch huyện rồi chứ? - Nhảm nhí, nhảm nhí tất Đàn ạ, cái tuổi trẻ ngông cuồng và mơ mộng viển vông của tôi ấy mà. Thực ra ngày ấy tất cả chúng ta còn quá trẻ để hiểu biết về sự đời. Ngay sau khi Đàn bị tuyên án lần đầu, tôi bắt đầu lục vấn lại chính mình. - Quả thực ông khác xưa nhiều quá - Hắn không còn cảm thấy phải dè chừng với Bằng nữa - Cái tính khinh người của ông bỏ đi rồi à? Với tôi, ông là hiện thân của sự giễu cợt. Sự giễu cợt có thể làm cho con người ta sống khỏe lên nhưng cũng có thể làm cho con người ta không sống nổi nữa. Bây giờ thì ông lại đang có dáng vẻ của một nhà thơ, cảm thông và chia xẻ, đó là ấn tượng mới của tôi về ông. - Đàn đừng nói thế. Nhận thức là một quá trình kia mà. Dặc dài cái quá trình nhận thức ấy luôn rớt rơi những ngậm ngùi và sám hối. Sau khi tốt nghiệp, tôi được điều về công tác ở văn phòng tỉnh uỷ. Mấy năm sau tỉnh có ý đưa tôi sang công tác bên ngành tư pháp. Tôi học tiếp trường Pháp lý. Đến khi ra trường thì cơ chế mới mở tung, tôi thành lập công ty luật và có chân trong Đoàn luật sư. Không giấu gì Đàn tôi bây giờ khá giàu có, nhưng lại rất nghèo một thứ, ấy là con cái. Bảy năm trước đây tôi phải giải phóng cho vợ tôi đi lấy chồng vì kết luận của bác sĩ chỉ rõ tôi là người vô sinh. Lúc này hắn mới nhìn kỹ con người Bằng. Bộ com lê may rất đẹp nhưng vẫn không che lấp đi được vẻ thảm hại thoát ra từ thân hình gầy gò. Trên mặt Bằng không còn một vết mụn trứng cá nào, nhưng sùng sụng, mệt mỏi và thoáng nét tuyệt vọng. Bằng đã từng là một con đực ấn tượng trong ký túc xá ngày nào, giờ trở nên tự ti giới tính đến mức tội nghiệp. Bằng ngông nghênh và đáng ghét, thực tế và sòng phẳng, ham muốn và quyết liệt giờ trở nên u uẩn, bi quan, suy sụp và sám hối. Ít ra là Bằng đã tỏ ra cho hắn biết thế. - Tôi đọc không sót một bài báo nào về Đàn - Bằng nói tiếp - Tôi cũng đã nghĩ, rất có thể một ngày nào đó Đàn sẽ gõ cửa nhà tôi và dí súng vào mang tai tôi cũng nên. Báo chí tô vẽ Đàn thành một tên cướp huyền thoại. Còn tôi, tôi chỉ thấy là Đàn đang rơi vào bi kịch mà không thể thoát ra được. Có người còn đang thu thập tư liệu để viết sách về Đàn đấy. Cậu ta cũng đã đến gặp và hỏi chuyện tôi. Cái cậu nhỏ nhắn, thư sinh, đeo cặp kính cận ấy. Cậu ta bảo đã từng ở trong hang đá với Đàn, từng uống rượu và đọc thơ cho Đàn nghe. Tôi chả tin. Và tôi bảo với cậu ấy rằng: "Cái ác nó lạ lắm, chả biết hạt giống được lấy ở đâu, nó có thể rơi xuống bất kỳ một con người nào và nảy mầm trong giây phút. Một người vô học có thể cầm dao chém mẹ, một giáo sư cũng có thể đóng đinh vào đầu vợ, một nhạc sĩ cũng có thể cầm tuốc nơ vít ngoáy vào tim người khác, làm sao cứ phải bận tâm lý giải về trường hợp của Đàn làm gì". Thế là cậu ấy bỏ đi. Nhưng tôi biết cậu ấy chưa từ bỏ ý định viết về Đàn. Hay là bi kịch của mỗi con người đều là chất men gây cảm hứng sáng tác cho những tâm hồn nghệ sĩ? Hắn bảo: - Cậu ấy đã từng ở với tôi thật đấy. Và cậu ấy đúng là một nghệ sĩ. Bằng bỗng hạ giọng: - Ừ thôi, đấy là chuyện của Đàn. Bây giờ Đàn thành thật trả lời tất cả những điều tôi hỏi. Chỉ có cách ấy may ra mới có thể tìm được một vài tình tiết giảm nhẹ nào đấy cho Đàn. Ví như trường hợp thằng Hân, ở với nó từng ấy ngày Đàn có thấy nó mắc bệnh gì liên quan đến tim mạch không? Hắn không hiểu: - Bệnh tim mạch á? Để làm gì? Bằng bảo: - Để tôi có thể chứng minh rằng thằng Hân chết không phải vì ngạt do bóp cổ. Hắn lắc đầu: - Thôi, ông đừng làm thế, chả giúp được gì cho tôi đâu. Tội tôi nhiều lắm, đâu chỉ mỗi việc bóp cổ thằng Hân. Mà tôi cũng thấy mình phải trả giá cho những việc mình làm là hợp với luật đời. Giãy giụa, kêu gào làm gì nữa, cũng chỉ như con chó trước khi bị chọc tiết thôi. Bằng bảo: - Vậy Đàn cự tuyệt lòng tốt của tôi à? Hắn bảo: - Tôi rất cảm ơn ông nhưng ông đừng phí phạm lòng tốt vào việc cứu tôi làm gì. Tôi thấy nó hoang tưởng lắm. Bằng có vẻ không hài lòng. Có lẽ anh ta không ngờ Đàn lại không mặn mà với đề nghị của mình, một đề nghị có ý nghĩa như một cây gậy thò ra cho người chết đuối. Bằng móc trong túi quần ra một miếng khô mực to bằng nửa bàn tay, bật lửa hơ nướng. Bằng đã quen với việc này nên động tác rất gọn. Khi miếng mực đã chín đều, quăn lại, teo tóp, Bằng cất bật lửa vào trong túi rồi xé mực đưa vào miệng. Hắn quan sát mọi động thái của Bằng và không hiểu được con người thực của Bằng hiện giờ là như thế nào? Ngay ngày xưa khi còn ở chung phòng với nhau hắn còn không hiểu được Bằng, thì bây giờ, với bao nhiêu những đổi thay của số phận, làm sao hắn có thể nắm bắt nổi Bằng. Vẻ thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt Bằng. Chẳng lẽ nét mặt kia là thật? Chẳng lẽ cái dáng vẻ sám hối kia là thật? Chẳng lẽ bao nhiêu năm qua trong khi hắn mỗi ngày một bị đẩy về cực xấu thì Bằng chuyển động về phía cực đối lập? Chẳng lẽ Bằng xách cặp đến đây thực sự không phải vì tiền, vì danh hay vì một lợi ích thiết thân nào đấy? Ôi chao, nếu vậy thì cuộc sống khó hiểu thật! Con người lại càng khó hiểu hơn! - Đàn đã đọc kỹ cáo trạng chưa? - Nhai xong miếng mực Bằng bỗng quay ra hỏi hắn. - Đọc rồi - Hắn đáp. - Thấy họ viết thế nào? Có chỗ nào không đúng như Đàn đã làm không? - Những điều họ viết còn ít hơn những việc tôi làm. - Mấy hôm nữa ra toà Đàn cũng định trả lời như thế này sao? - Như thế này là thế nào? - Là nhận tất tần tật. Chẳng lẽ Đàn đã hoàn toàn tuyệt vọng, không còn thiết sống nữa? - Biết làm sao được khi mà tôi không thể chối nổi những việc mình làm. Tất cả đã rõ ràng. Ông đừng xới tung lên cho mọi sự thêm rối rắm. Lúc này, thực sự tôi không cần điều ấy, tôi chỉ cần ông với ý nghĩa như một người đến thăm thân cho tôi đỡ buồn trong những tháng ngày này. Ông hiểu ý tôi không? Bằng gật đầu, bảo: - Thôi được rồi, tôi có thể sẽ không tham dự phiên toà, chỉ gửi lời bào chữa thôi. Tôi không đủ sức chịu đựng cảnh người ta tuyên tử hình Đàn. Lời tuyên án ấy xét đến cùng là tuyên cho cả thói sống ích kỷ, hợm hĩnh, ngông cuồng và ngu muội của tôi nữa. Nếu tất cả không bắt đầu từ đêm sinh nhật nghiệt ngã ngày nào thì có thể Đàn đã không như thế này. Tôi sẽ thường xuyên vào thăm Đàn và chuyện phiếm cho Đàn đỡ buồn. Đàn cần gì tôi sẽ mua giúp Đàn? Hắn bảo: - Tôi còn biết cần gì nữa bây giờ ngoài những câu chuyện phiếm của ông? Bằng cúi xuống, nói nhỏ vào tai hắn: - Tôi có thể giúp Đàn liên hệ với gia đình, Đàn có muốn nhắn tin cho ai không? Hắn bảo: - Thôi, nói chuyện khác đi, ông còn nhớ thầy Quý không? Bằng gật đầu: - Thầy Quý bây giờ khá lắm. Thầy bảo vệ xong tiến sĩ rồi, sắp tới có thể thầy sẽ lên làm thứ trưởng. Tôi mới gặp thầy tháng trước. Hắn hỏi: - Thầy còn nhớ tôi không? Bằng bảo: - Nhớ. Thầy bảo trong số các học trò của thầy, thầy thương Đàn nhất. Thầy còn nói: "Đáng tiếc nhưng đáng tiếc hơn là tất cả chúng ta đều có lỗi mà không biết". Tôi nghiệm ra một điều, cuộc đời mỗi con người là triền miên những lầm lỗi và hối hận, loài người sẽ chẳng thể thức tỉnh vì không ai sống được hai cuộc đời để mà nhận ra những lỗi lầm của mình. Hắn bảo: - Tôi có cảm giác ông vào đây mang theo cả một tâm trạng sám hối trong mình. Chẳng lẽ chỉ vì ông gặp một chút thua thiệt nào đó, như không có con chẳng hạn, mà ông sa vào những suy nghĩ u uẩn như vậy? Bằng bảo: - Thực ra tôi cũng chỉ là một kẻ ích kỷ thôi. Con người ta ai cũng vậy, chẳng ai muốn chết là chấm hết, là mất tất cả. Ai cũng muốn còn lại một cái gì đó, đấy là con cái. Tôi được hưởng lạc thú quá sớm để rồi cũng lại phải bó tay nhìn lạc thú đi qua trước mắt mình mà không sao lấy lại được. Tôi không còn khả năng ân ái nữa. Sự sống chắc cũng chẳng còn kéo được dài. Tôi sám hối bởi vì tôi còn lắm ham muốn. Con người ta là thế đấy. Sau sám hối sẽ lại là tội lỗi. Cái vòng luẩn quẩn ấy chẳng sao thoát ra được. Ngay động cơ đưa tôi vào đây với Đàn thực chất cũng chỉ là đi tìm một sự giải thoát mà thôi. Giải thoát để làm gì? Để hy vọng một điều gì đó tốt đẹp sẽ trở lại với mình chăng, ví như sẽ khỏi bệnh tật chẳng hạn, sẽ có con chẳng hạn. Nhưng có con rồi thì sẽ lại lao vào kiếm tiền để nuôi con bằng người, hoặc hơn người, và trong công cuộc kiếm tiền ấy ai dám chắc sẽ không phạm phải những lỗi lầm? Ôi, sao cái giống người cứ tưởng vĩ đại lắm mà nhỏ bé, tội nghiệp, đáng thương đến thế! Hắn nghe Bằng nói chợt nhớ ra là ngày xưa Bằng nổi tiếng ở khoa về khả năng hùng biện. Hắn chẳng bao giờ quên được bài hùng biện đói nghèo và nghèo đói của Bằng trong buổi Xê-mi-na bàn về xã hội đẳng cấp của Ấn Độ cổ đại. Bây giờ Bằng đang nói say sưa về con người và số phận, tội lỗi và sám hối, nhưng không phải với dáng vẻ của một nghệ sĩ tài hoa đang diễn trên sân khấu, mà bằng tất cả những chiêm nghiệm của đời mình. Hắn bỗng thấy thương Bằng. Đây là điều khá buồn cười bởi trời sinh ra Bằng dường như là để nhắc nhở những người khác nhớ về khiếm khuyết của mình. Bằng xuất hiện ở đâu là buông những lời móc máy, xỏ xiên ở đấy. Bằng đại diện cho những gì đủ đầy, tròn trịa, hoàn chỉnh giữa một đám bạn hầu hết đều chưa bước qua khỏi lằn ranh tự ti đói nghèo. Những lúc như vậy, và sau này dù có xa Bằng thì hắn vẫn cho rằng Bằng là một anh chàng đáng ghét, hay nói đúng hơn, đáng ghen tị bởi cuộc sống luôn ưu ái đối với Bằng. Thế mà lúc này hắn lại thấy Bằng đáng thương dù bản thân hắn đang bị coi là thú tính, hiếu sát, côn đồ, đáng bị loại trừ khỏi xã hội. Rất có thể bước ra khỏi cái phòng giam này Bằng sẽ mang khuôn mặt khác, dáng dấp khác, tác phong khác, lối hùng biện khác, người ta sẽ lại chỉ còn thấy Bằng là một luật sư giàu có, hào hoa, đủ đầy, thành đạt. Đúng rồi, trước những đôi mắt bon chen, ganh đua, trong chốn hỗn độn háo danh, thèm lợi ai cũng thích trương ra những cái hơn người của mình. Chỉ đến khi trước một người không còn dám mơ tưởng gì tới cõi đời này nữa thì người ta mới chịu hạ vây, thu cánh, xếp hết những góc cạnh, nanh vuốt lại để an ủi, xẻ chia và thổ lộ những mất mát, đau buồn của chính mình. Hoá ra cuộc đời muôn mặt không dễ gì lý giải và bi kịch chẳng dành cho riêng ai, để cho riêng ai, giáng lên đầu riêng ai mà có ở bất cứ đâu, trong mỗi con người, nằm bên cạnh hai chữ Hạnh Phúc. Nó là cặp bài trùng, là mặt đối lập, là phần âm nếu hạnh phúc là dương, là mùa đông nếu hạnh phúc là mùa xuân, là bóng đêm nếu hạnh phúc là ánh ngày, là tiếng khóc nếu hạnh phúc là tiếng cười, chẳng ai không có, chẳng ai không đeo mang. Cho đến ngày ra toà Bằng còn đến thăm hắn ba lần nữa. Đúng như Bằng nói, hôm xử hắn, Bằng không có mặt. Vị thẩm phán giữ chân chủ toạ phiên toà hỏi hắn có ý kiến gì về việc luật sư vắng mặt không? Hắn bảo hắn không có ý kiến gì, đề nghị toà cứ xét xử. Hắn không ngạc nhiên khi nghe toà tuyên tử hình. Chỉ có điều, năm đêm liền sau đó hắn toàn mơ thấy những điều hãi hùng. Đêm đầu tiên hắn mơ thấy một người đàn bà độ bốn mươi tuổi. Chị ta rao bán bánh cuốn trên một chiếc xe đạp tuềnh toàng, cũ kỹ. Hắn gặp chị ta ở một con phố nhỏ. Chị ta cứ lượn đi lượn lại trước mặt hắn, nhìn hắn cười, đon đả mời chào. Hắn đói. Hắn ăn bánh của chị ta rất ngon lành. Lúc đầu hắn ăn bằng đĩa. Sau đó hắn bốc ăn. Rồi chị ta vừa dỡ bánh vừa đút vào miệng hắn. Đến khi hắn no quá, không ăn được nữa, chị ta vẫn dỡ bánh đút vào miệng hắn. Hắn không sao bỏ đi được. Một tay người đàn bà túm lấy tóc hắn, tay kia chị ta cứ tống vào miệng hắn từng búi bánh một. Hắn chợt nhận ra những lớp bánh chị ta nhét vào mồm mình không phải làm bằng bột có rắc hành và quệt mỡ mà toàn là giấy bản. Ôi chao, hắn đã xơi đầy một bụng giấy bản, giấy tắc ở họng, chặt cứng ở mồm, và còn đang tiếp tục được đưa vào. Hắn ngạt thở quá. Kinh tởm vì những thứ mình đã nuốt vào bụng, chẳng tiêu được, cứ như cái họng súng được lùa giẻ, hắn quì xuống van xin người đàn bà bán bánh cuốn tha cho hắn. Nhưng chị ta kẹp đầu hắn vào hai bắp chân rắn như thép của mình, tiếp tục tống cái thứ bánh trăng trắng, nhờ nhờ kia vào mồm, luôn miệng bảo: "Mày giết chồng bà, để bà bơ vơ, cơ cực thế này, bà cho mày biết thế nào là chết tức chết tưởi". Thế rồi từ cổ chị ta rơi xuống một sợi dây có đeo hình thánh giá. Chị ta đành buông hắn ra để nhặt lên sợi thánh giá của mình. Lúc này hắn mới nhìn kỹ khuôn mặt người đàn bà và hắn hoảng hồn khi nhận ra đó là vợ Hân. Phải rồi. Sáng nay chị ta ngồi ở dãy ghế dành cho người bị hại. "Chỉ còn vài tháng nữa là chồng tôi được về với tôi. Anh ấy có thể thức thâu đêm xay bột giúp tôi tráng bánh. Anh ấy có làm hại gì chúng nó đâu mà chúng nó nỡ giết anh ấy. Ối giời ơi, anh Hân là anh Hân ơi!". Tiếng khóc và tiếng hờn thê thảm của người đàn bà bán bánh cuốn châm điện vào cột sống hắn. Hắn bật ngồi dậy, choàng tỉnh, thấy ngoài kia tiếng giày của người gác tù vẫn cồm cộp đi lại. Đêm đang tàn. Hắn sờ lên trán thấy mồ hôi túa ra ướt đẫm. Đêm sau hắn không dám ngủ nữa. Hắn sợ hình ảnh người đàn bà bán bánh cuốn lại hiện về nát hắn. Nhưng gần về sáng thì hắn cũng thiếp đi. Hắn gặp một thiếu phụ đeo tang, ngồi khâu ở trước cửa một gian nhà tập thể cấp bốn tồi tàn. Hắn đi ngang qua và dừng lại xin nước uống. Hắn hỏi chị ta khâu gì? Chị ta bảo khâu chiếc áo lót cho chồng. Rồi chị ta bảo hắn mặc thử xem chiếc áo chị ta khâu có đẹp không? Chiếc áo lót ấy may theo kiểu cổ rộng có tay, bị một vài vết thủng, đã được mạng lại rất khéo. Hắn mặc thử lên người, khi luồn vào thấy rộng nhưng khi mặc xong lại thấy chật. Chật quá. Chẳng hiểu sao chiếc áo cứ thít vào người hắn, nhất là vùng ngực, vùng cổ, làm hắn thấy khó thở. Hắn gào lên, nằm vật ra, giãy giụa nhưng càng giãy càng bị chiếc áo thít chặt cứng vào người. Hắn há mồm, lưỡi thè ra, thở khò khè, mắt trợn lên, thất thần. Thiếu phụ đeo tang vẫn cứ ngồi như hoá đá, mắt nhìn về cuối hồi nhà nơi có con đường dẫn lên đỉnh núi mờ xa. Rồi bỗng nhiên có tiếng trẻ con khóc. Thiếu phụ bước vào trong nhà và lát sau thì bế ra một đứa trẻ độ bảy, tám tháng tuổi. Đứa trẻ đó nhìn thấy hắn nằm trước cửa nhà, lưỡi thè ra, toàn thân cứng đờ thì nín khóc. Mẹ đứa trẻ bảo rằng: "Áo của bố con mẹ khâu xong rồi nhưng bố con còn đi bắt cướp chưa về. Nếu bố con không về thì lớn lên con sẽ mặc chiếc áo ấy của bố nhé?". Đứa trẻ bỗng cười khanh khách. Rồi nó cất tiếng hỏi mẹ: "Cái thằng người nào nằm kia hả mẹ?". Mẹ nó bảo: "Đâu? có thằng người nào đâu? Mẹ chẳng nhìn thấy gì cả". Đứa trẻ vẫn cứ một mực bảo: "Có. Có thằng người nằm kia kìa, trông lạ lắm, thân nó cứng đơ, lưỡi nó thè ra, mắt nó mở trừng trừng, mẹ dựng nó dậy cho con chơi với nó". Mẹ đứa trẻ bảo: "Con tôi nhớ bố quá, lại mắc bệnh rồi, thôi để mẹ đi thắp hương nhé". Người thiếu phụ bước vào nhà, tiến tới bàn thờ nơi đặt một tấm ảnh có hình một người đàn ông đội mũ, đeo sao, mặc sắc áo vàng, châm hương. Hắn giật mình khi nhận ra người đàn ông trong tấm ảnh ấy. Người này đã lao vào hang bắt hắn và hắn đã vung khẩu súng K54 lên nhằm thẳng vào anh ta bóp cò. Đúng rồi. Bây giờ thì hắn nhận ra người thiếu phụ đeo tang ngồi khâu áo kia rồi. Chị ta cũng ngồi trên hàng ghế dành cho người bị hại. Trời ơi, hàng ghế ấy còn nhiều người lắm. Hắn lăn lộn gào thét để thoát khỏi tình trạng căng cứng toàn thân. Đến khi người gác tù đập vào vai hắn, hắn mới tỉnh. "Ôi, nước, nước!". Hắn thấy háo kinh khủng. Tu hết ca nước lạnh hắn mới hoàn hồn trở lại. Trời đã sáng từ lâu. Hắn đưa hai tay lên đấm bình bịch vào đầu. Tại sao đầu hắn lại chứa những hình ảnh buồn thảm, kinh khiếp thế? Tại sao những cơn mộng mị cứ kéo về hành hạ hắn thế? Không rét mà hắn thấy người mình run lên. Đêm thứ ba hắn vừa chợp mắt thì lại gặp một đứa trẻ lên tám. Đứa trẻ ấy đang chơi trò gì đó ở trên một cánh đồng lúa vừa gặt, có gốc đa to. Thằng bé cứ chạy lên chỗ gốc đa rồi lại chạy xuống dưới cánh đồng. Hắn đến và đứa trẻ bảo: "Chú có thích chơi trò giang hồ tàn khốc không?". Hắn nghe thấy lạ quá, liền hỏi: "Trò giang hồ tàn khốc là trò gì?". Đứa trẻ bảo: "Chú để cháu đắp đất ruộng lên người, nặn thành một hình nhân thì sẽ biết". Hắn đồng ý để thằng bé lấy đất nặn lên người. Nặn xong nó lôi hắn tới chỗ gốc đa. Ở đấy đã có bốn, năm hình nhân bằng đất được dựng ngay ngắn. Đứa bé chỉ vào đống đồ đã để sẵn ở dưới chân, bảo: "Đây là máng gỗ, đây là cuốc, đây là dao dựa, đây là dây thừng, cháu phải chuẩn bị tất cả để lên bãi vàng trả thù cho bố cháu". Hắn hỏi: "Bố cháu làm sao mà phải trả thù?". Đứa bé bảo: "Bố cháu bị các nhóm giang hồ ở trên ấy sát hại. Đây là thằng Đàn, đây là thằng Hùng quăn, đây là thằng Thành dê, còn đây là thằng Tùng chột. Bố cháu bị bọn này lừa lên trên đấy đào vàng nhưng thân đi thì có thân về thì không, bây giờ chẳng biết gửi nắm xương tàn ở chỗ nào. Cháu sẽ lên đó hỏi tội bọn chúng nó. Cháu sẽ hỏi tội như thế này này...".Đứa bé đang nói bỗng rút cuốc bổ vào đầu một thằng hình nhân nặn bằng đất ruộng. "Cháu sẽ hỏi tội như thế này, như thế này...", đứa trẻ luôn miệng "hỏi tội" và tay thì dùng dao và cuốc cứ thế phang tới tấp vào các hình nhân. Lạ thay các hình nhân nặn bằng đất đó lại có máu. Máu phun ra ướt đẫm vạt cỏ dưới gốc đa già. Đến hình nhân cuối cùng, thằng bé bỏ dao, bỏ cuốc, nhảy lên trên không, đưa tay vặn đầu thằng người đất từ đằng trước ra đằng sau. Từ thằng người này bỗng vang lên tiếng kêu "a...a" đau đớn, quằn quại, dàn trải khắp cánh đồng, thúc vào tai hắn từng đợt từng đợt như sóng triều cuộn táp. Đứa trẻ bảo: "Bố cháu ra đi không về, mẹ cháu bỏ đi lấy chồng khác, giờ chỉ còn cháu bơ vơ giữa cánh đồng này. Nhà cháu ở dưới gốc đa. Thức ăn của cháu là lúa, ngô, khoai, sắn và chuột! Chú hãy sống ở đây với cháu, bao giờ cháu lớn cháu sẽ dẫn chú lên bãi vàng để tìm xác bố cháu và dạy cho lũ giết người kia một bài học". Hắn bỗng thấy trong người lạnh toát. Hắn bảo: "Thôi, cho chú đi về, chú không thể ở đây với cháu được". Đứa trẻ bảo: "Chú về cũng được, nhưng trước khi chú về chú phải trả bố cháu về cho cháu". Hắn quì xuống van xin đứa bé: "Cháu tha cho chú, cái chết thì không thể lấy lại được". Đứa bé lại bảo: "Thế thì chú phải tìm mẹ về cho cháu". Hắn lại khẩn nài: "Chú biết tìm mẹ cháu ở đâu bây giờ? Thôi, cháu cứ ở dưới gốc đa này, giữa cánh đồng này rồi một ngày kia mẹ cháu sẽ về đón cháu đi. Chú chẳng giúp được gì cho cháu đâu". Đứa trẻ bỗng hét lên một tiếng rồi vung máng gỗ đập thẳng vào đầu hắn. Chiếc máng gỗ như một tấm bê tông vẫn dùng cho xây dựng các khu nhà lắp ghép từ từ rơi xuống đầu hắn. Hắn khiếp đảm, cố chạy để tránh nhưng không sao chạy được. Toàn thân hắn đã được đắp đất ruộng và bây giờ thứ đất đó chôn cứng hắn nơi gốc đa như những hình nhân bên cạnh. Đúng lúc chiếc máng chạm vào đầu hắn thì hắn tỉnh. Hai bên má hắn nước mắt đầm đìa. Hắn nhớ là hắn đã khóc khi đứa trẻ kêu gào đòi bố. Con suối lở loét nơi bãi vàng Lũng Sơn vùi lấp bao nhiêu xác chết, có xác chết nào là bố của đứa trẻ không? Có xác chết nào do chính tay hắn cầm máng gỗ bổ vào đầu không? Có xác chết nào bị mổ bụng vì nghi nuốt vàng vào ruột không? Có xác chết nào bị mất một cánh tay vì hỗn chiến không? Hắn đập đầu bình bịch xuống nền nhà, cố xua đuổi những hình ảnh chết chóc, chém giết rất thảm khốc, tang thương cứ len lén len lén tìm về trú ẩn trong tiềm thức. Đến nỗi cán bộ trại giam tưởng hắn tự tử phải mở khoá vào phòng giữ chặt hắn lại. Hai đêm sau hắn còn tiếp tục mơ thấy những khuôn mặt ngồi ghế bị hại. Số những người này nếu cứ tiếp tục xuất hiện để hành hạ hắn bằng những cơn mộng mị quái đản thì có cho hắn gấp đôi thời gian kháng án cũng vẫn không hết. Rất may, sau ngày xử phúc thẩm, những cơn mơ như thế không đến với hắn nữa. Có thể thời gian này hắn nhận được nhiều thư từ thăm hỏi của người thân nên tâm trạng đỡ căng thẳng hơn, thần kinh trở nên ổn định và tâm hồn thư thái trở lại. Mẹ hắn là người viết thư cho hắn nhiều nhất dù bà không biết chữ. Bà đã tìm đến ở nhờ nhà một người nào đó cách nơi giam hắn không xa và nhờ người ta viết thư để gửi vào cho hắn. Khác với mọi lần trước đây, bà không hề khóc, cũng không lu loa chửi mắng hắn hay kêu trời, kêu đất, than thân trách phận gì cả. Qua thư hắn hình dung ra bà chỉ lặng lẽ ngồi ngắm nhìn ảnh hắn. Rồi bà kể cho hắn nghe những câu chuyện thủa ấu thơ, khi hắn còn trong vòng tay vỗ về của bà. Lúc đầu hắn không chịu nổi những lá thư như thế, hắn nghĩ mẹ hắn đang cố tạo ra một không khí vui vẻ gượng gạo. Hắn không muốn sự gượng gạo đó. Nhưng rồi hắn nhận ra là mẹ hắn đang làm cái việc của một người mẹ đi nuôi con mắc bệnh hiểm nghèo ở bệnh viện. Biết rằng con sẽ chết, người mẹ chỉ biết ngồi bên giường bệnh kể chuyện cổ tích cho con nghe mà thôi. Bây giờ thì hắn cũng có khác gì đứa trẻ đó. Và mẹ hắn đang ngồi ngoài song cửa sắt ru cho cục máu u buồn của mình trước khi đem đi hoá. Hắn đọc xong rồi gối đầu lên hai bắp đùi mình tưởng tượng ra giọng kể của bà. Dần dần hắn trở nên thèm khát những cánh thư ấy, câu chuyện ấy, cách kể ấy từ người mẹ già đáng thương kia. Những câu chuyện của bà có ý nghĩa như một sự cứu rỗi. Linh hồn hắn rồi đây sẽ có bến bờ neo đậu, những câu chuyện của bà chính là nẻo về sau cái sự siêu thoát tàn khốc nay mai. Lần nào hắn cũng khóc. Khóc ngon lành. Mẹ hắn không khóc được như hắn. Bà chỉ khóc dấm dúi khi sau lưng không còn ánh mắt nào dõi theo nữa. Những lúc ấy bà khóc như cây rung gió giật, khóc đến kiệt sức, lả mình trong sự cô đơn. Trời bắt bà phải thế, thôi thì nín lặng mà đau, nín lặng mà xót, nếu có thể thì nín lặng mà chết, chẳng để người đời biết đến làm gì, chỉ thêm buồn thêm tủi. Người thứ hai gửi thư cho hắn là Dịu. Chỉ một lá duy nhất. Hắn đã được gặp lại Dịu trong phiên toà sơ thẩm. Dịu hầu như không thay đổi. Vẫn chiếc áo cổ lá sen, trước ngực có xẻ hình quả bầu. Dịu có đôi mắt buồn vô cùng, gợi những cánh cò xa xăm trên đồng lúa xạc xào gió thổi. Dịu cứ nhìn hắn bằng đôi mắt dập dìu hương lửa, bát ngát trăng sao, lung linh sóng nước. Đôi mắt Dịu gợi nhắc trong hắn toàn những điều trong trẻo, tinh khiết, xa ngái. Trong những giây phút gặp nhau ngắn ngủi hắn hỏi: "Sao Dịu không lấy chồng đi?". Dịu chỉ cười nhẹ. Nụ cười phảng phất buồn, hơi chua xót và nhẫn nhục. Hắn tin là Dịu không còn yêu hắn. Nếu hắn có thoát được cái án tử hình thì Dịu cũng chẳng bao giờ còn là của hắn nữa, chỉ có điều Dịu quá tôn thờ tình yêu, quá hết mình cho một lần lỡ dở, quá cạn kiệt lòng mình cho một lần bùng cháy, nên chẳng thể làm lại được nữa. Dịu không trách hắn đâu. Hắn nhìn vào đôi mắt kia của Dịu là hắn biết. Nhưng đôi mắt ấy dội mưa axít vào lòng hắn. Hắn đã phụ tất cả những gì tốt đẹp nhất mà một đời thiếu nữ có thể dâng hiến: Thời gian, nhan sắc, trinh tiết, tình yêu. Bây giờ Dịu trả cho hắn đôi mắt. Hắn không dám nhìn vào đôi mắt ấy. Vị tha thế mà sao đớn đau. Nhân ái thế mà sao cay đắng. Đẹp đẽ thế mà sao u buồn. Trung thực thế mà sao tủi hổ. Nhiệt huyết thế mà sao nguội lạnh. Đừng nhìn hắn bằng đôi mắt như thế nữa. Hắn van Dịu đấy. Dịu hãy lấy chồng đi. Điều ấy sẽ làm cho hắn thanh thản vì dù sao thì hắn cũng chả là gì trong ngăn tủ cuộc đời của Dịu. Kiếp này hắn nợ Dịu quá nhiều. Nhưng Dịu đừng để cái bóng của hắn trong túi riêng của mình làm gì. Tội tình lắm Dịu ơi! Người thứ ba gửi thư đến cho hắn là anh Dương. Thư anh Dương không khác những điều anh nói với hắn trong buổi gặp ở phiên toà sơ thẩm. Anh bảo: "Anh không muốn cho chị và các cháu gặp em trong hoàn cảnh này. Những bài báo viết về em anh cũng giấu biệt đi, không cho các cháu biết, sợ ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của chúng nó. Anh gặp em lần này, chỉ muốn nói với em một điều rằng, cũng còn may cho dòng họ Phạm nhà mình là anh đã sinh được một cháu trai nối dõi. Mệnh em ngắn ngủi, đến đây là dừng, thôi thì cứ yên tâm, không phải lo nghĩ gì." Hắn hỏi: - Công việc của anh thế nào? Anh Dương bảo: - Tốt. Nhìn chung là những việc em làm không ảnh hưởng đến con đường công danh của anh. Anh vừa được đề bạt phó giám đốc. Anh đón mẹ ra ở với anh, để mẹ ở một mình một phòng trên tầng ba. Mẹ già rồi, bây giờ lại sùng đạo, suốt ngày tụng kinh gõ mõ. Nhiều lần mẹ bỏ anh về lại quê cũ, anh lại phải cho xe đón mẹ ra. Anh bảo mẹ bán cái nhà cũ ở quê đi nhưng mẹ bảo phải giữ lại, biết đâu em có đường sống còn có mái nhà mà ở. Sự thể đã thế này thì chắc là mẹ chả giữ nữa. Tháng sau về quê anh sẽ bán. Cả đất, cả nhà, chắc cũng chẳng được bao nhiêu! Hắn bảo: - Em chả đáng làm thằng em của anh. Anh chẳng nhớ đến em cũng được, nhưng anh đừng nghĩ về mẹ đơn giản như thế. Về già người ta cần nhiều thứ hơn là ăn ngon, mặc đẹp. Nếu mẹ chưa muốn thì anh cũng đừng ép mẹ phải bỏ hẳn quê quán. Dù sao thì ngôi nhà đó cũng đã từng gắn bó với cuộc đời mẹ. Hơn nữa, ở quê còn có mộ bố. Anh Dương bảo: - Ối dào, mộ bố anh xây lại từ mấy năm nay rồi, to, đẹp, chả kém gì ai. Còn mẹ, về già không theo con cái thì theo ai? Không thể cứ chiều các cụ theo cách ấy được. Việc của mẹ bây giờ là nghỉ ngơi và an dưỡng tuổi già. Mấy lần mẹ đi tìm em mà không nói với anh là anh bực lắm đấy. Nhưng thôi, chuyện của em mẹ buồn một thời gian rồi sẽ dịu lại. Anh cũng thương em nhưng mà cứ nghĩ đến em là giận. Bây giờ thì thương hay giận thì cũng thế thôi. Coi như gốc nhà ta có một nhánh bị sâu ăn. Việc em làm, em chịu. Chả trách ai được! Tự nhiên hắn thấy buồn. Buồn quá thể. Buồn đến đông cứng cả người lại. Anh Dương đã khác xưa rất nhiều, đầu hơi hói, bụng phệ ra, dáng lạch bạch, quần áo bảnh choẹ nhưng suy nghĩ vẫn là anh Dương của cái thời thích ăn cơm với ruốc của người yêu và mơ có được một chiếc mũ nồi đen. Nói chuyện với anh Dương hắn luôn có cảm giác ơn ớn như ăn phải thịt mỡ. Ừ thôi thì cái nhánh ấy sẽ nảy mầm xanh tốt, sẽ lá cành xum xuê cho dòng họ Phạm của hắn tiếp tục bám rễ với đời. Còn hắn, một nhánh cây bị sâu ăn mọt rỗng, sẽ đổ ngang thân, sẽ bị lia cụt, sẽ vĩnh viễn không xanh lá tốt cành, không đâm hương kết trái. Cây cột đang chờ hắn. Một cá nhân bị cộng đồng loại bỏ. Chả đáng để ai phải bận tâm. Ngay cả với anh Dương cũng đang phải đơn giản hoá cái chết của hắn đi cho nhẹ lòng mà sống. Hắn bỗng mong đến cái ngày ấy. Cái ngày được bước chân đến cây cột định mệnh.