8
Hối lộ

(Viết tặng người bạn tri kỷ Lòng An để nhớ hai ông Lê Hồng Huân và Huỳnh Tấn Sum).
Hối lộ là một độc dược thâm căn cố đế, mọc gốc mọc rễ từ nhiều đời, không biết Đông có trước hay Tây có trước, duy biết nay đã tràn đồng, nước nào cũng có, đời nào cũng có, dây dưa thời bình như thời loạn, lúc thạnh như lúc suy.
Trước đây, lúc Nam Kỳ còn hội đồng Quản hạt, trong một phiên nhóm đại hội, lão De la Chevrotière là thực dân hạng nặng, công kích hàng phủ huyện và mấy ông thông phán toà án, rằng họ không ăn lương bao nhiêu mà ông nào cũng ruộng tột nhà lầu cùng khắp, trong khi các quan toà, quan chánh án Pháp về hưu nghèo khổ. Lão đờ Xa cu chê đang ngon nhớn, ông Nguyễn Phan Long đứng dậy nói có một tiếng mà lão tự nhiên ngồi xuống trơ cả mặt: “Xin lỗi, danh từ “pot-de-vin” phải chăng người gô-loa có sẵn? Chớ phải nào của ông cha chúng tôi bày đặt!”.
Danh từ “pot-de-vin” (hũ rượu), tức là hối lộ theo Pháp, ý chừng xưa đã có tục dâng rượu nguyên vò, nguyên hũ, nguyên chai, để mua chuộc lòng người, sang qua nước Thổ Nhĩ Kỳ là xứ sản xuất á phiện chế ra ma tuý, danh từ haschich đẻ ra bakchick, cũng dùng ám chỉ thứ mê hoặc lòng người. Không mê bằng rượu thì mê bằng thuốc hút, hít hay nuốt hoặc thẩu đều cùng một thể.
Trong cuốn dạy Pháp văn Cours Gradué của ông Trương Minh Ký, in năm 1893 đọc lúc nhỏ, dưới nhan là “Thanh dạ văn chung”, có thuật một chuyện ông quan thanh liêm viếng một ông bạn có tật ăn của đút, khuyên ông nầy nay có con, không hay kềm thúc, e có ngày đãng sản khuynh gia. Ông quan giàu mà tham, trả lời một câu tôi còn nhớ mãi: “Nếu mình làm quan thanh liêm, dầu làm cho tới bực đại thần, cũng không hậu súc. Nay tôi làm ra sự nghiệp nầy, thì làm sao cũng không khỏi bác tước của dân, tích lấy của phi ngãi. Bởi vậy ông trời giả thủ nơi con tôi, khiến cho nó phá bằng phẳng vậy thì là “Thiên phú bất đạo chi gia”, để cho cha con tôi toạ hưởng của phi ngài hay sao” (Ấu học khải mông của ông Trương Minh Ký soạn (Cours Gradué), nhà Imprimerie Nouvelle Sài Gòn xuất bản năm 1893, trang 303, dưới bài ký tên ông Paulus Của).
Có người trọn đời không nhận của hối, khi trở về già túng bấn, thấy bạn đồng liêu từng nhận tiền lì xì nay vợ con đều ấm no, bất giác than “nếu dè mình cũng làm như họ!” Một lời nói khiến bao nhiêu tiếng thơm trong sạch đều trôi sông trôi biển, vì xã hội có thể tha thứ một con điếm ăn năn, nhưng vẫn không dung một ông quan ưa ăn vụng.
Tích cũ nói ông huyện tuổi Sửu, trách vợ sao lại nói mình tuổi Tý, khiến nên con chuột dân cúng nhỏ xíu sao bì nói tuổi sửu, con trâu to kềnh, tích nầy cho thấy đời trước không dốt khoa châm biếm và luôn luôn túi tham không đáy. Một tích cay chua không kém và trì thời hơn kể rằng có một ông tỷ phú chuyên sản xuất xe tăng thiết giáp đến thương lượng với một ông bộ trưởng coi về quốc phòng, ông tỷ phú đề nghị bán món hàng giết người ấy cho chánh phủ, ông bộ trường còn dụ dự sẵn đang thèm thuốc hút, ông tỷ phú rút ví dâng thuốc trong có một điếu không phải thuốc vấn mà là một ngân phiếu một triệu cuốn tròn. Ông bộ trường xem rồi lắc đầu nói bình sanh không hút thuốc lá ông tỷ phú hiểu ý, hẹn dâng xì gà; ông bộ trường chịu liền và cả hai đồng ký tên mua bán thứ binh khí sát sanh, sống bây nhờ chết bây chịu, miễn tiền tao bỏ túi, một triệu chê ít, mười triệu, hai chục triệu ừ liền. Tích nầy thâm, vì qua mặt sự dòm hành tả hữu, vì dâng thuốc hút không ai dè đó là dâng ngân phiếu.
Nhưng hãy khoan mừng vội. Đừng nói “dâm bôn khỏi lỗ vỗ vế”, đừng tưởng ăn hối lộ “qua khỏi truông trổ bòi cho khái”, ăn hối lộ không luôn dễ như vậy đâu. Một đời chắt mót ăn từ cắc từ xu bòn tro đãi trấu, kèo nài từ đồng, có một ông ở Vĩnh Long Phán Hợi, ngày xưa dân cho hai chục đồng xin sang bộ đất, ông đòi thêm cho được năm chục đồng và lật mặt chiếc cà-rá xoàn đeo nơi tay để đánh giá hạng mình là hạng bự, sau lại sanh con, con phá sản, sanh gái, gái theo trai, của Tào đổ âm ty, chúng nó phá hết sạch khi ông ta nằm xuống. Quả là thiên đạo chí công. Không nữa, gởi của gian vào nhà băng, không dám ghi tên thật, sau bị lật gọng, ú ớ không nói được thì cũng trời kia có mắt?
Người công chức, nếu làm đúng vai tuồng, đều trải thân giúp nước, nước đó mà cũng là xã hội đó. Người vai lớn làm việc lớn, ích quốc lợi dân; ăn trên ngồi trốc đủ sướng hơn người. Người vai nhỏ gánh vác việc nhỏ, anh phu quét đường, anh lính ngăn giặc cả thảy đều góp công bào chừa việc quốc gia, việc làng xóm, không một bộ phận nào thừa, cả thảy chung nhau như chiếc máy đổng hồ, lấy ra một con ốc thì máy kia tê liệt.
Trong Chuyện đời xưa, Trương Vĩnh Ký có kể chuyện đút sáp cho cọp ăn khỏi chết là thâm thuý nhứt. Chuyện kể lại thằng hát bội kia nó giễu cái nầy xâm những quan hay ăn hối lộ. Nó ra sân khấu nói với thằng bạn của nó: “Ý cha chả! Hôm trước tôi đi ăn ong về, gặp ông cọp, tưởng đã xong đời đi rồi”.
Thằng kia đáp: “Huỷ! Vậy thì còn gì mầy”. Nó trả lời: “Mà may, tao có vác một bó sáp trên vai, tao mới chàng hãng ra, tao đút sáp ra đằng sau, ổng chạy theo ổng táp, mắc nhai sáp, tao chạy trượt đi khỏi! Xí hụt!”.
Câu chuyện vắn xủn mà ác lắm. Ăn đàng sau tức ăn dưới trôn. Đi làm một chuyện gì, tỉ như nay ta đi làm áp phe, giả cớ gọi đi ăn ong. Quan thì gọi ổng nầy ổng kia và muốn cho ổng ăn cứ chàng hãng ra, đút cái ấy dưới háng ổng vẫn táp như thường. Bây gió thành ngữ “đút sáp” đã quá xưa, vì ong rừng sáp bánh trẻ em ít biết và chỉ bọn già cỡ tôi hoạ may hiểu được.
Cái tích ông Tam Tạng đi thỉnh kinh, đến Lôi Âm Tự, Phật tổ đã dạy phát, nhưng vì không có lễ mễ nên hai ông ác Nan Ca Diếp phát kinh trắng (bạch tự) té ra trên cõi Phật cũng biết đòi.
Sau đây là hai vụ ăn hối lộ mà tôi đây là chánh phạm. Tôi lấy công tâm mà nói. Người đọc xin cũng lấy công tâm xét giùm:
Một đời tôi là ai công chức, trước sau ba mươi bảy năm cực trần ai, ngày nay sực tỉnh thấy mình không khác một con đĩ già tuy quá tuổi nhưng còn chút trinh bạch. Nghĩ ra hay giỏi, còn trinh làm sao được khi đã trải thân đi khách đủ mặt: Tây, Hữu, Diệm, Kỳ! Còn tệ thì nhắm cũng chưa tệ mấy, vì ngót hai mươi năm (1923-1943) ăn lương của Pháp và mười bảy năm (1947-1964) làm công nhựt nơi Viện bảo tàng, tôi dám khoe chưa nhận một đồng xu hối lộ.
Nay về già, tay cầm cuốn sổ hưu bổng tỷ lệ, nhớ lại cái kiếp làm trâu ngựa đã mòn vai chai cổ, hồi tưỏng lại âu cũng là tiền căn hậu kiếp. Mà cũng vì hoàn cảnh bắt buộc, chạy giặc hết tiền mượn cha trở lại đút đầu vào tròng công chức để sống. Nhưng đèn nhà ai nấy sáng, chuyện chén cơm nồi gạo, nói nhiều làm chi cho tốn thêm bọt oáp.
Ăn hối lộ, không bị bắt tại trận, gọi là may mắn. Nhưng sự ô nhục tự làm hèn phẩm giá, từ trong lương tâm ẩn tàng đời đời kiếp kiếp, sống để bụng chết đem theo, làm sao gột rửa cho ra?
Không ăn hối lộ thì nhờ. Ai tra ai khảo mà hòng phanh phủi, tự đức? Chưa chắc gì khỏi ăn, vì người dâng có nhiều hình thức:
- Khi nhận một bao gạo thơm đầu mùa của đứa trẻ con nhà giàu đem biếu thì thầy giáo đã nhận của lễ trá hình; khi không thể từ chối - từ chối sợ mích lòng - một chục hột gà so của gia quyến người bịnh dâng ông bác sĩ, có nên gọi ông bác sĩ nhận của đút hay chăng? Một đứa trẻ khác ôm một giỏ ổi chín và chuối rục đến tặng thầy mà rằng: “Má tôi sai tôi đem cho thầy mớ nây, vì ở nhà heo nó cũng khứng thèm ăn!”.
Theo tôi tưởng một khi heo nó không thèm ăn, thì của ấy, thầy giáo, nếu là tôi, tôi không chê vậy.
Một ông quan văn hay võ, nhận một vỏ đạn chưng trong phòng làm chiến lợi phẩm tịch thu của địch, hoặc một chục bưởi dịp Tết hay một chục xoài đầu mùa, một gói trà thơm của Hương Cảng, của Đài Bắc, nhận một toa thuốc gia truyền trị bịnh no hơi, đều là nhận hối lộ cả.
Và chăng chữ “bổng” thường đeo chữ “lộc”. Bổng lộc, hai chữ đi đôi. “Bổng” là tiền lương chính thức của quan lại, “lộc” là lộc trời cho, ai được nấy hưởng. Xanh xanh trên kia là trời, mà thằng đần cũng là trời. ý dân là ý trời, lòng dân là lòng trời và của dân là của trời. Dân cho được phép hưởng, duy chăng nên đòi. Chỉ khó phân biệt thế nào là cho và thế nào là ép buộc. Cả hai cách nhau có một tấm màng trinh.
Chị thơ ký con đùm đề, chồng đi lính xa, nhận một chục hộp sữa nuôi con của ông cai thầu muốn gấp lãnh tiền phát cho cu-li, nhẹ tội hơn một ông trường trai nuốt sâm yến của mấy mụ goá chồng chuyên nghề cho vay cắt cổ.
Bây giờ chuyện gì đem ra nói cũng đều sợ đụng chạm. Chi bằng dem chuyện của mình, dẫu nói không ai tin, nhưng nói đề hả hơi cũng tốt.
Sự thật tôi tự xiết lấy tôi, cũng không hay gì hơn ai và có phần cũng giống như ai: bụng vẫn ghét hối lộ, ai mà không ghét? Nhưng nếu có cách dâng nhã, gói ghém, không đến lộ liễu, ai chớ tôi ắt khó chối từ. Ghét bởi đó là việc xấu, người đang đào thải; còn ưa là vì ai cũng đều có tánh hám tiền. Đừng làm như ông kia, bình sanh không lấy một cây kinh gút hay một cây viết chì trong sở, nhưng khi gần chết, Thống đốc Nam Kỳ đến viếng hứa cung cấp cho ba chục mẫu lương điền trong Chợ Lớn ông cười nhắm mất đi xuôi.
Trước khi chê bai việc người làm. hãy tự xét mình có thật quả trong sạch không trước đã, nếu thật sạch muốn phỉ nhổ vào người thì mặc. Bằng như vẫn cũng là bọn ăn của dân, miễn đừng đục khoét là được rồi. Đứa rủi bị bất thì ngồi tù bị chế giễu. Đứa may chưa bị thì ngồi nhà nghí ngố, cười ruồi, thế thôi!
Phần tôi, đến tuổi hưu mà chưa táp được tôi không cho là hay. Tôi hư trong bụng tôi biết. Có lẽ tại kiếp tôi là con đĩ làm cao, đòi quá mắc nên không ai thèm kêu đi khách. Bộ mặt của tôi buổi đó, tôi nhớ lại, không khác mặt gái giang hồ làm dáng, kịp đến già, chữ trinh còn đây là vì xấu xí không ai thèm. Cho ít sợ tôi la, cho nhiều thì người ta tiếc.
CHUYỆN THỨ NHỨT - ĐÂY CÓ NÊN GỌI LÀ HỐI LỘ CHĂNG?
Nãy giờ nói nghe mạnh miệng, chớ nếu có thật ăn hối lộ thì làm sao chạy án? Nhắc lại năm 1923 tôi ra làm thơ ký thí sai nơi Trường Máy. Năm 1924, tôi và Lạc thơ ký nơi Khám đường tục danh là Khám Lớn Sài Gòn, cả hai được bổ nhiệm thơ ký thiệt thọ hạng sáu, lòng mừng từ đây khỏi bị thí sai sai thí, nên tôi đi tìm Lạc để chia vui. Cuối tháng chín, tôi lãnh lương gần trăm bạc trong tủi đếm từ đồng, xọc xạch sáu mươi chín đồng lẻ mấy cắc, vì họ trừ mấy xu con niêm. Cộng với một trăm ngoài tiền Ba tôi cho làm tiền tuỳ thân, thì cả thảy được gần hai trăm đồng, giàu hóm. Mừng mừng tủi tủi. Mừng vì đây là bổng lộc của chánh phủ cấp cho. Tuổi ấy, thời buổi ấy, cũng chưa biết phân biệt chánh phủ nào với chánh phủ nào, duy biết theo lối văn chương chập chũm, thì đây cũng tạm cho là “phấn nước ơn vua”(?). Mừng rồi lại tủi vì bình sanh muốn lựa nghề thanh cao, làm lương y cứu nhân độ thế, làm giáo sư dạy dỗ kẻ đến sau, té ra trở nên một thơ ký quèn cho Tây. Cái số đứng đường, để cho người sai, đón đưa tiếp khách, không làm sao tránh được. Mặc cho số kiếp.
Có sẵn tiền trong túi, nhớ anh đậu số 4 lọt Khám Lớn là Lạc, bạn đồng song năm trước ở Chasseloup, nên tôi đi ngay lại đường Lagrandière (Gia Long, chỗ Thư viện quốc gia ngày nay). Đến cửa khám, thấy người ta bu đông nghẹt nơi bên cạnh, vì ngày ấy là ngày cho viếng thăm tội nhơn. Một cô thiếu nữ Tàu ăn mặc sang trọng, xinh đẹp như hoa, đứng gần một chiếc ô tô Delage bóng lộn, nhưng cớ sao mặt mày ủ dột, vừa thấy tôi bỗng sụt sè như muốn bày tỏ chuyện gì. Tôi bước lại gần, cô cầm một gói đồ có bao tờ nhựt trình, tuy chưa biết tôi là ai, nhưng đã nói tiếng Phắp cắt nghĩa muốn gởi gói ấy vô cho cha chồng, ngặt cô chưa xin được giấy phép. Lúc ấy tôi vừa háo tháng vừa có tật ưa nịnh đàn bà, cô lại xinh đẹp quá, nên tôi lãnh mạng đại, vì chuyện chi chớ chuyện gánh bàn độc mướn, ai không biết, chớ tôi là số một. Bữa ấy tôi mặc một bộ đồ tussor mới may và diện thật kẻng. Thấy bộ gió của tôi và nghe tôi trâm một câu tiếng Tây trong trẻo, muốn vào thăm thơ ký Lạc làm việc nơi văn phòng ông chánh chúa ngục Agostini, viên đội Tây gác cửa lật đật mở cửa cho tôi vào không xét không tra, nhưng đến chừng tôi bước qua khỏi ngạch, viên đội khoá cửa lại nghe cái rầm, khoá hai tua, tôi thấy cửa quá dày và cái chìa khoá to lớn khác thường, trong lòng thấy nao nao, định thối bộ lui gót thì viên đội dường như biết ý nhoẻn miệng cười và nói một câu pha lửng: “Không sao đâu. Anh vô đi rồi lát nữa tôi mở cửa cho mà về”. Yên tâm rồi, việc làm đầu tiên khi gặp Lạc là tôi xin Lạc trao gói đồ tận tay người thừa lệnh. Để cho Lạc ân cần hơn, tôi nói dối đó là người thân bên vợ tương lai. Lạc niềm nở bao nhiêu thì tôi lật đật lửi đửi bấy nhiêu vì lòng đi thăm bạn của tôi đã mất. Tôi chỉ nóng báo tin cho người đẹp rằng sứ mạng đã xong và tôi chỉ sợ người đẹp bỏ về. Cô gái đi xe Delage cám ơn líu lo bằng một câu tiếng Tàu, nhưng tôi nhớ mãi sau đó cô hỏi tôi địa chỉ bằng tiếng Pháp giọng học sinh trường nữ Marie-Curie. Khỏi nói tôi đã đưa danh thiếp của tôi trong ấy có ghi rõ địa chỉ và số đường sở tôi làm.
Vài ngày sau, đang giờ làm việc một buổi chiều, có người mời tôi ra phòng khách trường máy. Đó là một bác tài xế vận âu phục chỉnh tề, trao tôi một bức thơ chữ Pháp có ký tên là chủ nhân một đại dược phòng danh tiếng trong Chợ Lớn. Trong thơ cám ơn tôi đã giúp tận tình thân nhơn y trong khám đường hôm trước và ân cần mời tôi thứ bảy tuần sau thế nào cũng đến dùng cùng y một bữa cơm Tàu thân mật tại đại tửu lầu Đức lợi (Teck-Lỹ) đường Quảng Đông nay là đường Triệu Quang Phục, trong thơ nhấn mạnh và gạch một hàng chữ “mời tất cả quý quyến cùng đến dự” nguyên văn chữ Pháp “avec toute votre famille”.
Đã nói tôi có tánh bép xép và mau mẩn trong mọi chuyện, cho nên việc làm đầu tiên khi nhận tấm thiệp là đi rêu rao khoe khoang khắp anh em trong sở, lại còn làm tài khôn chạy lên phòng nhì (2è Bureau) dinh Thượng thơ, mời mọc bao nhiêu bạn bè mới quen cũng mời, vì thân quyến tôi trên nầy không có: “Mấy anh muốn ăn cơm Tàu không tốn tiền, hãy nhớ ra đón tôi tại ga xe lửa điện đầu chợ Bến Thành, thứ bảy tuần sau, đúng bảy giờ tối, bao nhiêu người tôi cũng đài thọ nổi”. Cố nhiên tôi có mời Lạc và ông Phủ Hiệu của Khám Lớn.
Đúng ngày hẹn, bảy giờ kém mười lăm, tôi ra ga Chợ Mới lúc ấy đặt tại chỗ bót Lê Văn Ken, tôi thấy một nhóm “chết đói” mười một người, với tôi là đủ chục mười hai, vừa trẻ vừa sồn sồn, bạn cũ năm xưa cũng có mà bạn mới quen trên dinh Thượng thơ vài trữ tôi biết tôi đã mời lỡ thì đã muộn. Xe chạy, kéo nhau cuốc bộ đến đường Quảng Tống Cái (nay là Triệu Quang Phục) chưa chi tôi đánh lô tô trong bụng vì nghe tiếng kèn song hỷ và tiếng trống Bắc cấu từ trong khách lầu xổ giòn điếc tai. Ngó lên cửa sổ lầu đại khách đường từng nhứt thấy treo một cây cờ chữ lớn rõ là liệu kỳ của nhà đại dược phòng N.T.Đ. Tôi rờ bóp biết chục hai trăm bạc của tôi còn gần đủ, nay nếu vì danh dự, vì thể diện dâng hết cho bọn ma đói nầy thì cũng đành. Tôi mạnh dạn kéo rốc lên thang. Đến từng lầu nhứt, thấy cách dọn dẹp sang trọng quá, bàn ghế trải ngăn nấp trắng phễu, tôi đếm sơ có trên mười cỗ bàn dọn kiểu bát tiên, tôi đâm ra sợ khan, vừa nghi đó là chỗ dành đại quan viên tiệc cưới hay tiệc tân quan khánh bạ nào đó vừa sợ trong bụng nếu ăn nơi đây, sang trọng làm vầy, ắt tổn phí tính nhiều, chi bằng kéo cả lũ lên từng lầu ba là hạng bình dân, may ra hai trăm đồng của mình cũng còn lại chút ít lây lất đến cuối tháng.
Chúng tôi rần rộ kéo lên lầu như nhóm lính bạt ti xăng đi xét nhà. Vừa tới đầu thang thì có một chú Ba Tàu ăn vận theo thầu xáng tửu lầu chận lại lễ phép hỏi đi đâu mà đông dường vậy.
Tôi cẩn thận rút thiệp mời chìa ra và đáp đi ăn tiệc do thơ mời của ông mỗ.
Chú Ba Tàu nhoẻn miệng cười bày ra hai hàm răng giả bịt vàng vàng khè, rồi chỉ tay mời xuống từng lầu chỗ có treo cây đại kỳ, mới ngán.
Tám giờ gõ, kiến cấn bụng từ lâu, anh em đòi ăn như giặc, vì mấy đĩa đậu phộng rang và hột dưa đỏ đã hết sạch Tôi giả lờ làm tỉnh kêu “mì” cho đỡ tốn. Nghe có tiếng dạ rân, giây lát thầu xáng bưng lên mười hai tô mì, mỗi tô đều có đồn đột gân nai vi cá và giò heo Bắc thảo. Tôi húp mì mà sợ cho hai trăm đồng bạc của tôi sẽ bay theo mười hai tô nầy, nên nuốt không vô. Tôi thầm trách thầu xáng muốn trách mình, hễ kêu mì thì đem thứ mì đoàn thể công cộng, một tô xộn xên tiết kiệm cho người ta nhờ, ai cầu vẽ viên cách vật, mỗi người mỗi tô cho thêm báo.
Đến chín giờ cũng chưa thấy ông chủ đại dược phòng đến. Mẹ ôi! Nếu ông không đến, tức ông khinh rẻ mình. Có nên giận chăng? Giận lẩy sẩy cùi! Đừng giận mà hư việc. Thầm vái giây lát ông đến thì mọi việc êm xuôi, chuyện gì mà khổ tâm vô ích.
Đồng hồ gõ chín giờ mười lăm. Anh em thúc: “Ăn bậy cái gì rồi về, khuya rồi”. Chuyến nầy tôi kêu rành rẽ hai đĩa cơm rang Dương châu hay Cantonnais gì đó, thứ nầy ăn mau no và chắc không quá số tiền hai trăm đồng mình có. Cơm đem lên ăn vừa được nửa chừng, bỗng ông chủ cao lâu đi chơi về, ghé chào khách quý ăn tiệc phòng sang ông thấy chỉ có mười hai Ớ Nam Dành, tuy vậy ông niềm nở bắt tay từng người và hỏi sao bữa tiệc kém hào hứng, có phải vì thức ăn kém ngon chăng? Tôi tỏ thật và phiền vì người chủ mời mà không có mặt khiến khách mất vui.
Ông chủ tiệm nghe tôi nói chưa dứt câu vụt cười xoà, sai thầu xáng mau mau dẹp hai đĩa cơm rang và cắt nghĩa: “Theo phong tục Tàu, nó (tức chủ nhân đại dược phòng, người đứng ra mời khách), nó không đến đâu, đừng chờ nó thất công Nếu nó đến, sợ có mặt nó, mấy ông ăn uống không tận tình. Nó không đến là nó có ý kính trọng khách đó? Ăn nhiều thêm nữa đi! Ăn chết cha nó đi! Kêu dội thêm đồ ăn ngon, ăn nhiều nhiều đi! Ăn ít như vầy, tôi lỗ vốn, hề hề, chết cha đi còn gì. Ăn nữa đi mà. Ăn hết gia tài của N.T.Đ, nó cũng không nói, sợ cái gì. Các chú đãi khách là vậy đó mà”.
Tuy lời nói không thanh bai nhưng giải được nỗi lòng, và mười hai cái mặt khách nở lớn như mười hai cái đĩa bàn cỡ hai tấc.
Lạc Khám Lớn có rượu đã ngà ngà, trách tôi dại dội: “Bày đặt kêu mì, kêu cơm rang, nay đã cành hông, còn nuốt sao vô?”.
Tôi mượn anh Phán Thành và Năm Xuân Trường Máy chạy xuống lầu, thổi kèn lập binh (sonner le rappel), chạy gõ cửa từng nhà, gọi các bạn cũ còn thức, đứa nào có cơ ngơi trong phố gần khách lầu, thằng Trân Xã Tây nhà ở đường Trần Hoàng Quân, kỹ sư Hiệp, hội đồng Phát, anh Tư Phước, ông giáo Đồng, dặn súc miệng sơ lên đây ăn tiếp tay một bữa cho người Tàu kiên oai và cũng cho lại gan ông chủ nhà thuốc lớn có ý khinh đời. Nhưng trời đã khuya, lúc ấy hơn mười giờ, nhà nhà đều ngủ, đã làm một giấc, và gọi người nào cũng đều ngái ngủ say ke, không ai khứng đóng vai đạo binh hậu tập!
Ông chủ cao lâu gọi thầu xáng sai lấy nước nóng có ướp dầu eau de Cologne cho chúng tôi rửa mặt, sai gọi gấp hai tên tẩm quách đấm lưng và bóp vai vuốt ngực o bế mười hai con gà đá chồng độ khác! Thiếu một điều nói xin lỗi. Ông muốn chúng tôi chọc ọe trả hết mì cơm, để cho bao tử mệt làm việc lại như lúc chưa ăn!
Ông bày biện đủ phương pháp của ông biết, nhưng chúng tôi ăn uống uể oải, mười hai đứa chia ra ngồi hai bàn dọn hai mâm vì vèo mà thức ăn còn ê hề không sứt mẻ phần nào. Chủ tiệm lắc đầu than lỗ như bộng. Rồi ông sai bưng lên hai mâm đèn đặt trên hai bộ ván thứ gọi là sập ba thành dành cho tiên ông đi mây về gió, ông gọi hai á múi đến làm thuốc và mời mọc: “Hút chơi ít điếu cho mau tiêu”.
Mười hai giờ, chúng tôi kéo nhau xuống lầu. Chủ tiệm còn thức cầm nán lại, lấy bàn toán ra gõ lắc các tính tiền rồi lắc đầu, đưa tay mời chúng tôi trở lên phòng như cũ. Chuyến nầy ông sai dọn lại nắp bàn mới, triệt hết ly chén, lấy trà thơm chén sứ ra dâng khăn nóng lau mặt lại nữa, rồi dạy lấy hai ống sành ra môi ống có để sẵn một mớ thẻ tre giẹp giẹp mỏng mỏng y như thẻ xin xâm các chùa Tàu. Tôi không hiểu chuyện chi còn mảng chần chờ ông cắt nghĩa đây là cách mời “hoa khôi biết nói” vì á múi quá đông nên phải bày ra cách nầy để tránh tiếng vị tư vị kỷ, các á múi cũng vui mà các phì phà chảy (con hát) cũng không cự nự.
Tôi nghe lời rút thăm trúng bốn cô mại mại như có tên rất đẹp: Cúi Ên (Quế Anh), Dục Nụi (Ngọc Nữ), Á Ngò (Cô Nga) và Hồng Hứ (Hồng Ngư). Giây lát có bốn cô gái lên phòng, toàn dưới tuổi hai mươi, hai cô tay ôm mỗi người một cây hồ điệp cầm, hai cô nhỏ tuổi tay cầm quại tay cầm khăn nhỏ che miệng làm duyên. Ngặt nổi đôi bên ngôn ngữ bất đồng nên chẳng có thú vị chi cả.
Các cô chào chúng tôi rồi ngồi một bàn riêng, rồi lên dây đàn như để trả nợ quỷ thần. Hai cô ca eo éo, chúng tôi như vịt nghe sấm. như trâu nghe đàn. Hết tốp nầy kế tốp khác, cả bốn cô cũng muốn thi thố tài năng, nhưng phong tục Tàu đứa nào đi lại Ớ Nàm thì kể như bị ô nhiễm, bọn họ tẩy chay luôn sau nầy vô phương làm ăn, nên gái Tàu ít dám nhảy dù với con trai Việt. Lạc Khám Lớn lim dim ngủ gà ngủ gục. Th. Trường Máy kéo ống vố rồi lấy á phiện nướng đặng bỏ túi đem về nhà, Tôi bị ma men hành, lại gần một á múi vừa đụng nhẹ vào má. Nhưng như bị điện giựt tôi nghĩ “ái” một tiếng y như con búp bê có lò xo kêu, cô hết hồn, và tôi cũng cụt hứng.
Nhưng bữa tiệc dẫu vui đến đâu cũng không thể kéo dài được mãi. Đến hai giờ khuya, mòn mỏi quá chúng tôi xin về. Ông chủ quán phen nầy lắc bàn toán, cười cười cho hay bữa tiệc giá bảy trăm sáu chục đồng, nên chi ông tặng mỗi đứa chúng tôi một chai eau de Cologne hay ai thích thì một hộp xì gà Corona, để tính chẵn tám trăm với ông chủ đại dược phòng. Hai trăm bạc của tôi vẫn còn.
Một tuần sau tôi mới được biết mặt ông chủ nhà thuốc. Xe ghé trước cửa Trường Máy. Ông người còn trẻ, có vẻ rất sang, và tánh tình nhã nhặn. Tôi trách ông bữa tiệc làm quen hoá bữa tiệc khinh thường, ông tạ lỗi nói y lời chủ hiệu cao lâu đã nói hôm trước.
Ông thú thật trong gói tôi đưa vô khám có chứa một bức thơ quan trọng, ơn tôi giá đáng ngàn vàng. Tôi nghe mà hết hồn cho việc làm tắc trách hôm trước, giỡn với lửa mà không ngờ. Ông mời tôi đến nhà nhưng từ ấy tôi không gặp ông nữa, bóng hồng thì đã vầng bặt từ lâu.
Bây giờ mới biết vì chuyện vô khám thăm bạn học cũ, tôi đã phạm hai tội: một tội đem thơ kín còn tội kia xin cho tôi tự bào chữa. Tôi không có nhận tiền và việc không có sấp đặt trước.
Theo tôi, đây là lộc trời dành một cảnh du nhập Thiên Thai tân thời tiếc thay tôi và các bạn tôi không có số để tận hưởng. Nàng tiểu thơ trước học Marie Curie quá nhã nhặn đã trả ơn tôi một cách quá hậu, nhưng thưa tiểu thơ, một cái liếc của cô còn hơn gấp mấy số bạc ngàn do cha cô đã phí.