Cả ba đậu tốt nghiệp điểm đều loại khá, mỗi Ty Ty số điểm kém hơn. Đáng được cả ba khao một chầu bánh tráng đập. Đáng vừa ăn vừa chảy nước mắt, cả ba cô cười như nắc nẻ. Thiên gọi về chúc mừng và gởi quà ba đôi giày trắng thật xinh. Cả ba cắm đầu học thi, nhưng Ty Ty vẫn ra chợ bán luôn ngày với ngoại. Cô đem theo sách vở, học thi ngay chợ trời. Dân chợ Tăng Bạt Hổ ghẹo ơi ới: - Cô Tú Ty Ty ơi! Có trường đại họ mô, dạy kinh doanh chợ trời một lời mười không? - Có. - Ty Ty tỉnh queo - Trường trại giam Hòa Sơn. Cả chợ cười rần. Khách hàng tới mua thấy Ty Ty khư khư cuốn sách, nghe có "mánh", sách cầm tay, phốc lên xe chạy, chạy một lèo lắc. Một người ngồi gần đấy lắc đầu, nói với bà Bốn: - Con cháu bà giỏi thiệt, nó đậu đại học, còn ra bán chợ trời không? - Không bán lấy gì học, lấy gì ăn chú? Nhưng tới gần thi, Ty Ty phải ở nhà, không thể tập trung học giữa chốn bát nháo, bán mua, mánh mung rầm trời nớ được. Doanh thu sút liền, cuối tháng bà Bốn chưa có tiền đóng thuế, nhân viên thu thuế mặt lạnh như tiền, nạt nộ đòi tịch thu hàng giam kho. Chàng Thạnh sứt bán bi, phóng vèo xe vô xóm Hồ, gọi Ty Ty. Cô nhỏ đang quần bành lơ lửng, áo sát nách ( từ hồi hứa với Chín Mập, nề nếp con nhà, Ty Ty không mặc đồ này ra chợ nữa ). Nghe nói, vứt sách vở, phóng vèo lên xe Thạnh sứt ra chợ. Bà thu thuế đang ong óng giọng quảng Nam "hù" bà Bốn tới bến: - Tui hỏi một lần nữa, bà có đóng thuế không? - Dạ, chị cho thêm ít bữa, tui còn thiếu tiền. - Không đợi chờ chi được. Anh Bảy mô, lập biên bản hốt hàng. Không thấy anh Bảy mô hết, mỗi Ty Ty tóc đuôi gà chổng ngược, quần short lơ lửng, áo sát nách, tay thọc túi quần nghênh ngang bước tới: - Ai đòi hốt hàng? - Cô nhỏ kênh kênh. - Cô là chi bà ni? Bà không đóng thuế, hàng bị tịch biên chờ xử lý. Ty Ty trề môi, nhìn bà thu thuế từ chân đến đầu, buông một câu tỉnh bơ: - Tui thách bà đó, hốt tui coi. Cả chợ xúm quanh ồ lên nháo nhác. Con nhỏ gan cóc tía, dám thách thức nhân viên thuế. Cả chợ trời, ai cũng nhún giọng khi gặp người thừa hành công vụ, mỗi con nhỏ... ngang hơn cua. Bà thu thuế lồng lộn, quát gọi người om tỏi. Lạ he! Cả chục nhân viên thu thuế tủa khắp chợ, nhưng không ai đi tới. Ty Ty cười khẩy: - Hết cơn chưa bà đầy tớ nhân dân? Nghe cho rõ nè. Chẳng phải chợ trời ni ai cũng dốt nát, ngu muội không thông hiểu luật pháp như bà tưởng mà bà giở giọng quát nạt làm oai. Đóng thuế là nghĩa vụ của tôi, đóng trễ thì tui nộp phạt theo đúng quy định nhà nước. Cho đến hết thời hạn bao nhiêu tháng, nếu tui không thi hành nghĩ vụ, bà mới có quyền mời cấp thẩm quyền, trình giấy tờ, có anh quản lý chợ đi theo, lập biên bản niêm phong. Đừng tưởng với chức... nhân viên thu thuế muốn làm trời là làm trời nghe. Bây giờ, bà có hốt hàng không? Hốt thì làm liền tui coi. Không hốt thì cút xéo cho tui bán kiếm tiền đóng thuế. Bà thu thuế tái mặt nhìn quanh, một nhân viên thuế vụ lại gần nói kiểu dàn hòa, giải vây: - Thư thả cho bà Bốn vài ngày, bà chưa khi mô đóng trễ hết. Đi, về thôi. Họ rẽ đám đông đi ra, cả chợ nghe anh cằn nhằn đồng nghiệp: - Chị làm chi lạ rứa? Phải làm đúng luật chớ, tưởng dân họ ngu dốt răng? Chiều nay họp chị phải kiểm điểm đi. Cả hai đi rồi, dân chợ cười rần. Từ đó, Ty Ty có thêm biệt danh "Cô tú chợ trời", theo sau danh gọi "Ty Ty SBC", hồi vụ bắt Bảy Ngọ ăn trộm. Tối đó, Đáng tới lúc Hồng Diệp nhắn Ty Ty, biểu cô bạn đối với nhân viên thừa hành công vụ nên mềm dẻo kẻo họ để bụng thù dai không tốt. Dù gì làm dân, luôn thấp cổ bé miệng. Lúc đó, Đáng mới biết là Ty Ty cùng bán lạc son chợ trời theo bà ngoại. Học xong, đợi Tâm Minh, Hồng Diệp về, Đáng lựa lời khuyên cô nên chú tâm vào đại học, đừng ra chợ để mang tai tiếng,Ty Ty ngạc nhiên: - Em không trộm cắp, không làm gì tổn hại danh dự răng mang tiếng? Đáng khó nói, trầm ngâm một lúc: - Nếu em thích buôn bán giúp bà nhàn hạ, hay là mở một cửa hàng ngoài lộ chính. Ty Ty cười Đáng ngây thơ, cô hỏi: - Nếu em có tiền, đâu buôn bán chợ trời. - Anh giúp em. Ty Ty nhìn Đáng chăm chú: - Vì răng anh tốt rứa? - Đừng hỏi. Chỉ cần biết, anh thật lòng giúp em không vụ lợi. Ty Ty ngồi bó gối nhìn ra trời đêm: - Cảm ơn anh. Rất tiếc,tôi muốn tự nuôi sống mình bằng đôi tay chính mình. Tiền bạc khó trả, ơn nghĩa càng khó trả hơn, tôi không muốn nợ ai, ngoài bà ngoại tôi và... - Thiên phải không? Anh khác gì Thiên, quý em thật lòng. - Anh không hiểu đâu, khác nhiều lắm đó. Từ thưở tôi chập chững bước đi, anh Mập đã kề cận bên tôi rồi. Khi không có anh, thì con vá anh nuôi lại quấn quýt bên tôi canh giữ, anh ấy sợ tôi đi hoang như hồi mới mười ba tháng tuổi. - Anh không hiểu chi hết. - Đáng nóng ruột. Đột nhiên Ty Ty thèm tâm sự, cô chưa một lần tâm sự cùng ai nỗi lòng mình. Nỗi lòng đứa con gái vươn lên từ nhuốc nhơ quá khứ. Nhưng đó không phải điều ai cũng có thể nghe. Cô kể Đáng nghe thời thơ ấu của mình, kể mãi rồi kết thúc câu chuyện. - Anh học xa, ở nhà, ba đời nhà chó, con vá, con vện, tới con đốm đen đều theo em, hễ em đi khác đường là chúng chạy theo sủa nhặng, ngoại em thương ảnh hơn cả thương em, chơi với nhau lâu vậy, anh giống được răng? Đáng điềm đạm: - Con người mỗi con tim là sức mạnh chứa vô bờ. Tuổi thơ em có Thiên làm bạn, giờ tuổi hoa niên có anh, thêm một người bạn, có gì không tốt? Chẳng lẽ đời người chỉ một bạn là đủ? Ty Ty cười xa vắng: - Với em, rứa là dư hung rồi. Cả Tâm Minh, Hồng Diệp. Đáng trầm ngâm, Ty Ty nghèo không phải trở ngại, anh chỉ ngại mẹ anh tỵ hiềm Ty Ty bán chợ trời không danh giá. Từ từ, mình thu xếp ổn thỏa, dù sao mình an tâm vì Ty Ty không tỏ vẻ gì yêu Thiên qua lời kể và Đáng thấy mình thật cao thượng, biết rõ cô đến vậy, nhưng tình yêu anh dành cho cô vẫn nguyên vẹn. Tâm Minh thi kinh tế Đà Nẵng, đại học sư phạm Huế và đại học tổng hợp Sài Gòn. Hồng Diệp thi đại học ngoại ngữ Đà Nẵng, tổng hợp và kinh tế Sài Gòn. Ty Ty thi hết tại Đà Nẵng và cả Bách Khoa ngoại ngữ và cao đẳng sư phạm. Thi Đà Nẵng xong, Tâm Minh và Hồng Diệp đi máy bay về thành phố Hồ Chí Minh. Thiên đón ở sân bay, đưa về nhà trọ, lo chu đáo từ chuyện ăn ngủ, thi cử. Bạn Thiên đông lắm, tối đến chật nhà, không có chỗ ngồi, một tên gầy nhom, cao khều ba hoa: - Nghe thằng Thiên có ba cô em gái, thiệt trăm nghe không bằng mắt thấy. Thiên ơi! Cho tao gọi một tiếng anh Hai nghe mậy? Thiên cười, nhìn hai cô em gái: - Em tao vừa học giỏi, vừa xinh đẹp, gả mày uổng lắm. Để coi thằng nào bảnh một chút. Cả bọn cười ồ. Tâm Minh bẽn lẽn. Hồng Diệp ung dung: - Anh Thiên lựa cho Mi được rồi. Còn em đã có đối tượng từ lâu. Cả Thiên cũng bất ngờ, anh nhìn Hồng Diệp rầy yêu: - Chà! Cả gan há. Còn đang học hành, không sợ anh méc dì Bích sao? Ai vậy? Anh quen không? Tâm Minh hoang mang, Hồng Diệp thản nhiên: - Đợi tin thi đậu xong, em sẽ nói anh nghe. Nhóm bạn Thiên nhốn nháo nhặng xị hỏi: - Phải anh không? Diệp chỉ cười, cử chỉ thật dịu dàng tao nhã. Vài chàng tấn công Tâm Minh, cô chạy mất. Cả hai thi xong mỗi môn đều nói làm bài được, Thiên mừng lắm điện liên tục về Đà Nẵng báo tin và nhờ mẹ gọi Ty Ty. Nghe anh hỏi làm bài ra sao, Ty Ty trả lời nhát gừng: - Tàm tạm. Mi, Nu thi tốt không? - Tốt lắm. Đến ngày mốt là xong, cả hai ở chơi với anh vài ngày rồi về. Ráng lên nhé Ty Ty. - Em đang cố gắng. - Có ban vừa lúc anh thi xong sẽ về ngay. Đậu anh có quà lớn đó. Ty Ty! Anh nhớ nhỏ quá. Cô làm thinh vì bà Hai Gấm đang ngồi đó. - Anh ráng giữ gìn sức khỏe, em về ôn bài đây. Đáng theo Ty Ty những ngày thi. Đổi trực liên tục để đưa cô đi thi. Cả xóm đồn dậy Ty Ty có bồ làm bác sĩ bảnh trai, người mừng là ba Hai Gấm và cô Bích. Người ganh tức nhất là nhỏ Hồng. Hồng thi Huế, Đà Nẵng, nhưng khác với Ty Ty không muốn đi học xa vì lo cho ngoại. Hồng biết mình học hành thua xa chuyện ăn chơi, nên chỉ đi thi cho có. Tất cả hồi hộp chờ tin báo từ Thiên. Hai xóm lại một lần nữa khen dậy bà con nhỏ khi nghe tin báo về hai cô thi Sài Gòn đều đậu. Ty Ty đậu cả hai trường lại rớt cao đẳng sư phạm. Kỳ không? Thiên sốt ruột gặp Ty Ty, đi máy bay về. Cô Bích có cớ nhờ anh Thiên dạy dỗ nên cùng Hồng Diệp ra đón theo bà Hai Gấm. Tâm Minh đi một mình vì Ty Ty bận mánh một chuyến hàng quan trọng. Xuống sân bay, Thiên hỏi Ty Ty đâu. Mi kể, Thiên buồn. Đồng tiền trong mắt, trong lòng Ty Ty lớn hơn anh Chín Mập rồi. Quà các bà mẹ thưởng cho con thi đậu chung với một ý là thưởng một chuyến du lịch Đà Lạt. Hồng Diệp lên Dream II, để chiếc 82 lại cho thằng em. Ơn trời là nhờ ba Diệp làm bên Hải Quan khấm khá chớ cô Bích dạy sinh chẳng bỡ bèn gì, chuyện lương tiền. Tâm Minh lên cúp Tom 92 nguyên thùng, nghe mẹ dặn, xách Chaly chạy qua nói với Ty Ty: - Mẹ Mi nói, Ty Ty học bách khoa xa quá, lấy xe Mi đi đỡ chân, tiền khi mô có thì trả. Cô Nga nói đúng. Đi xe đạp không kịp dọn hàng ra vô cho ngoại rồi. Ty Ty thở ra. - Bao nhiêu? Mẹ nói sao, Tâm Minh nói y chang: - Xe cũ rồi, hồi nớ mẹ mua mười chỉ, chừ bớt Ty Ty hai chỉ. Ty Ty vốn rành mọi thứ trên thị trường như hiểu lòng mẹ bạn thương mình. Cô nhỏ cười bạn ngây thơ, tưng tửng nói: - Dì Nga bán cây rưỡi thì tao mua. Tâm Minh ngơ ngác xách xe về hỏi mẹ. Bà Nga thở ra. Cây đắng sanh trái ngọt. Trong bùn mọc được hoa sen, coi như dì Bốn Khoai có phước. Cầu trời cho dì trăm tuổi, để nhìn Ty Ty thành đạt báo hiếu. Bà Nga gọi thợ thay hết phụ tùng, đổ nguyên nước sơn, dặn con vì biết nó thiệt thà. - Đừng kể chi cho Ty Ty nghe chuyện mẹ thay đồ mới xịn cho nó nghe chưa? Mi hiểu, tới đó Ty Ty chồng tiền, bà Nga làm giấy bán xe đàng hoàng, lại chủ cho Ty Ty một chỉ. Cô nhỏ lắc đầu. Bà Nga rầy: - Cái lệ là rứa chứ mới hên. Răng con cứng đầu rứa? Ty Ty chịu, đem chỉ vàng về giao cho ngoại cất. Vừa lúc Thiên ghé, Đáng cũng đến. Ty Ty khoe: - Bà ngoại có chiếc Chaly. Đáng ra vẻ thân thiết: - Anh thưởng một tuần du lịch Đà Lạt với Diệp và Minh. Thiên lỏ mắt nhìn Ty Ty, nếu cô chịu, anh sẽ nhận lời đi Đà Lạt do Nu, Mi yêu cầu, nhưng Thiên khó chịu quá. Ty Ty pha nước mời, từ chối thẳng: - Một ngày xa nhà cũng không được. Cảm ơn anh Đáng. Thiên vừa vui, vừa thất vọng: - Quà thưởng của anh Mập là học phí một năm. Ty Ty lắc đầu: - Nhiều quá. Đúng ra, Ty Ty phải tạ ơn hai thầy. Vầy đi, một chầu kem Ty trả. Chiều chủ nhật đi biển, anh Đáng trả, hai vé kịch tối thứ hai, anh Thiên trả. - Sao là hai vé? -- Đáng hỏi. - Anh trực mà. - Anh đổi phiên rồi. - Đáng nói tỉnh bơ. - Vậy thì ba vé. Nhưng thật ra đi đâu cũng năm người, hai ông thầy, ba cô học trò. Trước ngày đi Đà Lạt, nhỏ Mi qua tìm Ty Ty: - Mẹ nói mời Ty Ty đi Đà Lạt. - Không đi được. Thiên cũng không đi, viện cớ về với mẹ không được mấy ngày. Bà Hai Gấm ngầy dữ quá. - Cô Bích nhờ cậy con coi chừng sấp nhỏ, con không đi khác gì biểu tụi nó đừng đi. Thiên đành chịu, tối đó qua nhà Ty Ty lúc cô nhỏ sắp đóng cửa. Đốm đen lon ton theo bên chân. Thấy Ty Ty đang đấm bóp cho bà Bốn, Thiên dành. Anh rành chuyện này lắm, bởi muốn xin mẹ gì, thì thuở nhỏ, Thiên đã dùng chiêu này nịnh bà Hai Gấm. Được Thiên đấm bóp, bà Bốn khen dồi. - Trời ơi! Ngoại khỏe ghê. Hết nhức mỏi rồi. Thằng Chín giỏi thiệt. Thiên nói ỡm ờ: - Nếu ngoại muốn, con sẽ đấm bóp cho ngoại cả đời. Bà Bốn ngồi lên vấn tóc, cười: - Cha mi! Làm tới ông kỹ sư, đi tận mô mô, răng đấm bóp cho ngoại được. Thiên xa xôi: - Làm ông chi rồi cũng phải về cội nguồn. Huống chi còn gia đình, còn ngoại với Ty Ty ở đây. Bà Bốn cảm động, ngậm ngùi. Cái thằng thiệt có nghĩa có tình. Giá chi... Hỡi ơi! Cả hai xóm đồn dậy chuyện Hai Gấm rấp ranh làm sui với cô giáo Bích, huống chi, Ty Ty dĩ vãng như chén mật đắng làm đắng lòng người. Ty Ty vẫn ngồi ở bàn, cắm cúi bao mấy cuốn vở, tóc cô rũ xuống che khuất nửa mặt. Thiên nhìn không rõ vui buồn, nhưng thấy tóc cô đã dài hơn, rậm dầy phủ kín lưng. Anh qua bàn sau khi thả mùng cho bà Bốn. - Ty Ty! - Hử? - Mai anh đi với Tâm Minh, Hồng Diệu vài hôm. Cô nhỏ cười, thoáng chút buồn lướt nhanh: - Hai con nhỏ khoái phải biết. Đi vui vẻ nghe. Chẳng hiểu vì sao Thiên thấy nặng nề, buồn phiền. Anh nhìn cô, tự hỏi, bao năm bên nhau chia sẻ vui buồn, cô có chút gì nghĩ tới anh ngoài tình cảm anh em thông thường. Bàn tay Ty Ty thô ráp vì tháng năm lăn lóc kiếm sống ở chợ trời, hờ hững đặt ở cuốn vở. Thiên mạnh dạn bất chợt đưa bàn tay mình nắm chặt đôi tay cô. Cô nhìn anh không nháy, cũng không rút tay về, không bẽn lẽn hay bối rối, chỉ nhìn như muốn hỏi tại sao. Thế nhưng từ trái tim cô, hơi nóng bàn tay anh ràn rụa, xua đi niềm mặc cảm âm thầm bao năm chôn chặt. Cô nghe hạnh phúc và đau khổ, bởi biết cô và anh khó có ngày mai. - Nhỏ nhớ hứa gì với anh không? - Giọng Thiên khàn đi. - Nhớ. Học xong mới có bồ chớ chi. Đã ngoéo tay, Ty Ty nhất định giữ lời hứa. - Cảm ơn em. -- Thiên buột miệng. - Vì răng cảm ơn? -- Ty Ty cắc cớ. Thiên một thoáng nhắm mắt. Đáng rất gần Ty Ty. - Vì anh muốn suốt đời lo cho em. Mặt cô nhỏ nhợt đi, rút vội bàn tay lại, Thiên ngoảnh nhìn nơi khác. - Nhưng cả anh và nhỏ mới đi trên con đường tương lai, còn quá trẻ để nghĩ tới chuyện một đời, nên anh chỉ mong nhỏ đặt trọn tâm trí học hành. Sau này, đến tuổi đủ chín chắn, ta sẽ trở lại vấn đề anh vừa nói, nếu em có nghĩ về anh, không còn ai khác. Ty Ty cúi mặt, lần đầu tiên cô lộ vẻ e thẹn con gái trước anh. Thiên rung động thật sự, hơn cả khi nắm bàn tay cô. Anh đứng lên, nói nhỏ giọng khàn đặc: - Anh về. Mai đi rồi, ở nhà ngó chừng ngoại, anh có quà về cho. Đêm ấy, Ty Ty thức trắng. Ở nhà bên, Thiên cũng chẳng hơn gì.