Khu chợ "đâm hông ngang xương" ấy, thể theo chương trình phát triển đô thị nó hoàn toàn vi phạm luật pháp. Này nhé! Nó "mọc" trắng trợn trên những con đường không phải hải lộ, chưa phải đại lộ, dọc ngang từ đường Đoàn Thị Điểm, Trần Tế Xương, Tăng Bạt Hổ, Phạm Ngũ Lão, "mọc" trước "lỗ mũi" của bao người có trách nhiệm. Yên hùng tồn tại hàng chục năm với cái tên chợ chính thức hẳn hoi "Chợ Tăng Bạt Hổ". Mang ơn trên cho "mọc" ra cái chợ, tuy nó làm cản trở lưu thông, thành ổ chứa rác rưởi, tiếng ồn, nhưng nhờ nó, độ trăm hộ dân có cơm ăn ngày 2 bữa ( chưa kể trúng mánh, có xế nổ, nhà lầu như chơi). Và từ cái chợ Tăng Bạt Hổ đó, tôi kể bà con nghe chuyện một "siêu quậy" trưởng thành từ cái chợ với cuộc hành trình dài... bằng.. Chà chà! Khoan nói. Giờ phải kể từ đầu đến cuối mới được. Là như ri. Ở đường Đoàn Thị Điểm ( tức là chợ Tăng Bạt Hổ) có hai xóm nhỏ. Một xóm được gọi là xóm Chuối, một xóm có tên là xóm Hồ. Hai cái tên có từ thuở nào chẳng ai buồn tìm hiểu. Duy một điều ai cũng biết, hồ chưa giải phóng, hễ thanh niên đi tới xóm Hồ là thanh niên đàng hoàng, đi tới xóm Chuối là thanh niên không đàng hoàng. Tại sao? Chà chà! Điều này thật tế nhị. Tóm lại, chắc bà con hiểu vì sao xóm Chuối toàn thanh niên đến lại bị gọi là không đàng hoàng. Ty Ty ra đời bởi một thanh niên không đàng hoàng, không lưu lại tuổi tên. Mẹ nó định tống "nó" đi cho khoẻ bụng, ai dè.... giải phóng. Thế là cô gái "bán hoa" về ở với mẹ. Quen ngủ ngày thức đêm, quen ăn không quen làm, cô Lành với cái tên Mộng Hoa cứ ì ra ngồi nhà, đợi bà mẹ bán khoai lang đem tiền về nuôi chờ ngày sinh nở. Ngày Ty Ty chào đời, mẹ nó từ giã cuộc đời (vì suốt 9 tháng nằm ườn ăn với ngủ). Bà Bốn Khoai, ngoại Ty Ty ẵm nó từ nhà thương về, gởi nhờ chị hàng xóm bú đỡ, tất tả thuê xe lam (nhờ tiền lối xóm, kẻ ít người nhiều gom cho) làm xe tang đưa ma con gái. Ở đời, điều tốt khó học, thói xấu dễ theo, bà Bốn Khoai hiền lành, chất phác, tuy dốt nát nhưng nhân nghĩa hơn người. Cô Lành (tức Mộng Hoa) thì vừa dốt nát lại vừa hư hỏng. Có chút nhan sắc, muốn không làm cũng có ăn, nên con đường vào... xóm Chuối, Lành đi không chút do dự. Hồi đó bà Bốn Khoai khóc lóc khuyên con dữ lắm, Lành một mực không nghe, rồi cái uất, cái tức khiến bà Bốn Khoai đánh Lành một trận. Thế là từ gái bao, gái dù con Lành biến thành gái làng chơi sau khi phán với bà mẹ một câu "xanh dờn". Thế nhưng con Lành vác bụng về, bà lại ráng bán thêm vài ký khoai buổi chiều để con lành có chút bồi duỡng cái thai. Kết cuộc, nó ra đi trên bàn sinh, trả công lao nuôi dưỡng cho bà, để lại đưa con khóc chào đời ba tiếng rồi ngủ khì. Từ đó, bà Bốn Khoai làm mẹ lần thứ hai. Bán khoai ngày hai buổi, bà cột Ty Ty sau lưng. Ơn trời, con nhỏ trừ lúc đòi bú là gào lên dậy trời, còn thì chơi, ngủ tì tì, chẳng mè nheo bà ngoại gì ráo. Hồi mới giải phóng, bà Bốn Khoai làm gì mua nổi sữa cho Ty Ty bú. Nó bú toàn nước cháo gạo đổ thêm chút muối, đường, vậy mà cứ lớn tơi tới, căng tròn múp míp, dòm phát mê. Lại còn chơi, cười suốt ngày dù trên lưng bà ngoại hay trong cũi tre khi bà Bốn Khoai nấu chút cơm ăn tối. Giải phóng về, tệ nạn xóm Chuối chấm hết, cả mấy quán dấm dúi xì ke cũng giải nghệ. Các "em" ở xóm Chuối đưa qua trường xây dựng cuộc sống mới, rồi đi lao động sản xuất. Xóm Chuối mọc lên những mái nhà công dân lương thiện nhưng bà Bốn Khoai cương quyết ở lại xóm Hồ dù mấy chục mét vuông đất ngày xưa của bà Uỷ Ban cho phép cất nhà. Xóm Hồ có nhiều hẽm, con hẽm nhỏ nhất, sâu nhất có mái nhà ba miếng tôn là nhà bà Bốn Khoai. Ty Ty lớn lên từ mái tôn ấy, bằng mùi khoai luộc xen mùi khói ướt và từ lúc biết đi, Ty Ty đã cùng dậy với bà (lén thôi, nằm không rục rịch, bà ngoại tưởng Ty Ty ngủ, ai ngờ nó mở mắt láo liên xem trộm ngoại nhen lửa thế nào, bắc nồi lên bếp làm sao). Ty Ty nổi tiếng ở xóm Hồ từ lúc 13 tháng, các bạn tin không? Không tin tôi kể cho nghe. Năm Ty Ty 13 tháng tuổi, bà ngoại cõng hết nổi. Chèn ơi! Ăn toàn bột mì, khoai lang, rau, năm thì mười hoạ mới có chút tanh của cá, rứa mà Ty Ty cứ phơn phởn lớn, nở nang, chân tay mình mẩy có khúc có ngấn, đi muốn lún xuống đất xóm Hồ. Bà Bốn Khoai bèn để Ty Ty ở nhà, dặn dò: - Ty Ty! Nghe ngoại dặn nè. Nó đang "đớp" củ sắn chấm muối mè, nuốt vội, tròn xoe mắt, dạ thiệt to. Bà nói: - Từ bữa ni, con giữ nhà, đừng cho ai vô. Ngoại bán xong về liền. Con nhỏ mới mười ba tháng tuổi, nói sõi như ranh: - Cho Ty đi bán khoai. - Ty giỏi. Bán xong, ngoại về luộc hột mít con ăn. Nó có vẻ ngẫm nghĩ rồi dạ thật to. Có cho kẹo bà Bốn Khoai cũng không dè con cháu mười ba tháng tuổi biết ngẫm nghĩ. Vậy là bà để nó ở nhà, đi vòng quanh xóm bán xong, lần ra sân vận động Chi Lăng. Ở nhà, Ty Ty ăn hết củ khoai, lúc thức đánh vòng quanh căn nhà ba mét cả chiều ngang lẫn chiều dài, sà vào ca nước bà ngoại để sẵn, nốc một hơi, phởn bụng xong, lăn ra ngủ. Bà Bốn Khoai khóa ngõ bằng sợi thép cột. Ty Ty mở không được, bèn đàng hoàng nằm xuống bò qua lỗ hổng thép rào, bắt đầu cuộc phiêu lưu như... Dế Mèn. Đầu tiên, nó đi ngang qua con đường đất đá lởm chởm, nhà cửa ngoằn ngoèo, mà ngoại nó chưa bao giờ đi là đường xóm Chuối. Nó đi tới con đường cắt ngang, nhìn lên nhìn xuống, tà tà, lum đum băng qua đường đi đến gần chỗ đông người, nhiều xe. Nó mặc cái quần phồng vải bóng xanh, đỏ. Cái yếm lớn hai dây cột. Thấy chỗ quen thuộc lại tà tà qua đường, đi đến sân vận động. Buổi sáng, đường phố tấp nập người đi làm, rứa mà chẳng cặp mắt mô thấy Ty Ty với cuộc phiêu lưu trên đường phố. Nó vô tuốt sân vận động, đi quanh tìm bà ngoại. Lạ he! Mấy bữa thấy ngoại đưa khoai cho mấy người này, mấy người này đưa ngoại tờ giấy xấu xí, ngoại lại trả mấy miếng sắt tròn tròn (tiền kênh hồi Giải phóng). Chừ họ ở đây, to đầu còn dành nhau trái tròn tròn, đánh nhau ngã dồn cục, còn ngoại mất tiêu. Ty Ty buồn bã ngồi ở bãi cỏ, chống cằm bằng hai tay, nhìn người ta chạy tới chạy lui la lối. Chừng thấy mệt bèn nằm soài ra cỏ, đánh một giấc, mặc kệ ông mặt trời chói chang. Khi nó mở mắt, chẳng thấy ai chạy tới chạy lui nữa. Nó nghe khát và con gì cắn bụng. Theo lối ngoại thường đi, nói ra ngoài, lần theo đường quen thuộc về nhà. Nó băng qua ngã tư Hùng Vương, Ngõ Gia Tự, rẽ Trần Tế Xương vào con hẻm lớn và ngơ ngác khi đông người ùa ra la lớn: - Nó đây rồi! - Ty Ty đây! - Gọi bà Bốn Khoai! Và nó được ngồi chễm chệ trên vai một anh mập ơi là mập. Ở xóm gọi anh là Chín Mập. - Ty Ty! Mày bị bắt cóc hả? - Anh mập hỏi. - À! - Trí tuệ Ty Ty chưa hiểu điều này, nó nói: - Ty Ty khát nước, bụng kêu ùng ục. Chín Mập dồn Ty Ty qua xóm Hồ, bà Bốn Khoai và một số người ở xóm đi tìm Ty Ty chưa về. Mọi người ơi ới bảo nhau đi gọi bà Bốn. Có người lăng xăng mở cửa. Chín Mập đưa Ty Ty về nhà. Vừa lúc bà Bốn về, bà ôm cháu ngoại, khóc ồ ồ, khiến Ty Ty ngạc nhiên, lồ mắt, ngoẻo cổ ngó rồi kêu lên: - Lêu lêu, ngoại khóc xấu quá. - Cha mi! - Bà Bốn nghẹn ngào - Ai đem mi ra ngoài hỉ? Mi đi mô từ sáng chừ? - Ty Ty đi... ngoại, không thấy ngoại mô hết. Mọi người lắc đầu ồ lên. Chín Mập hỏi: - Răng Ty Ty đi được? Cửa khóa mờ? Con bé chau mày, cong môi: - Con vá đi được, Ty Ty đi được. Hỡi ơi! Chín Mập ôm đầu, con vá là con chó nhà nó, thường chui qua nhà bà Bốn Khoai nằm ngủ bằng lỗ rào ở cửa. Vậy thủ phạm chính là con vá, nó vẽ đường để Ty Ty chui rào đi... bụi đời làm cả xóm Hồ náo loạn suốt nửa ngày. Chín Mập cung tay hầm hè đứng dậy. Phải trừng trị con vá về tội vẽ đường cho... hươu chạy. - Ty Ty đói! Chín Mập thay mặt con vá xin lỗi bà Bốn bằng nắm khoai ngào đường để trong túi quần xã xệ của nó. Chẳng là mải đi kiếm Ty Ty, Chín Mập quên cả đói, nên mới còn nắm khoai ngào. Buổi trưa mà, nên cả xóm vây quanh Ty Ty biểu nói kể đi phiêu lưu những đâu, nó vừa nhai nhóc nhách vừa kể: - Vá bò, Ty Ty bò. Vá đi mất, Ty đi tìm ngoại. - Ty tìm ở đâu? - Chín Mập hỏi. Ty Ty nhăn trán, ngẫm nghĩ như bà cụ: - Chỗ nhiều xe chạy, chỗ đánh lộn dành "tròn" nhiều ghế. Bà Bốn thổn thức quẹt nước mắt: - Cha trời! Nó qua tuốt sân vận động tìm tui. Ty Ty phụng phịu: - Ngoại mất tiêu, Ty buồn ngủ một mình. Cả xóm tặc lưỡi cười ồ. Mỗi con bé trên tay chị Hoa là khóc ngất. Hoa lé, nghề nghiệp chính thức là ở đợ từ năm chín tuổi. Năm nay hai bốn tuổi, nghĩ là chị đi ở đợ thâm niên được mười lăm năm. Sau Giải phóng không ai đi ở đợ, kẻ về quê, người đi kinh tế, không phân biệt giai cấp. Hoa lé không có quê để về, cứ lang thang từ xóm Chuối, qua xóm Hồ, lên xóm Chùa, rồi vạch đến xóm Đường Rầy, tối lên ngủ trong chợ Cồn. Rồi bỗng dưng Hoa lé thành "cháu" của ông Toàn, một cán bộ quân sự về hưu vì thương tật. Thành "chị" con gái ông Toàn, ung dung ăn ở và dọn dẹp nhà cửa, rồi nuôi em Bích, rồi chăm con cho con em Bích. Con em Bích cũng con gái, một tuổi với Ty Ty tên bé Nu. Sở dĩ bé Nu khóc ngất, giẫy đành đạch lên, vì nó thấy Ty Ty ăn mà không cho nó ăn. Ông anh hàng xóm là Chín Mập biết tỏng, vội quát: - Bé Nu hư nhỉ. Ăn rồi còn đòi gì nữa? Bé Nu nói chưa sõi, cứ nẩy ngược ré: - Cho... oai... đường... cho Nu "choai" đường. Hoa lé lật đật bồng nó đi. Ty Ty chợt chìa nắm khoai ngào đường: - Cho mi đó. Đừng khóc... đồ hư. Con Nu nín khóc liền, đưa cục khoai ngào lên miệng. Còn cả xóm trối trời khi nghe Ty Ty mắng bé Nu đồ hư. Có phải hắn mới mười ba tháng tuổi? Từ đó, cả xóm Chuối, xóm Hồ gọi Ty Ty là Ty tỷ tỷ. Riêng Chín Mập, khăng khăng đặt tên Ty Ty là "Cún giang hồ". Cũng từ đó, giai thoại Ty tỷ tỷ xóm Hồ ngày một nhiều. Được đem kể nhau nghe để cười rồi lắc đầu với nhau, tặc lưỡi: "Cái con..."