Tenkibo
Sổ điểm danh những người đã khuất
Lời người dịch

     kutagawa đã tự sát vào năm 1927. Cảnh ngộ gia đình đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến vệc tự sát của ông. Mẹ ông bị bệnh điên. Hình như ông đã tin rằng chứng bệnh tinh thần của ông là do di truyền từ mẹ mình.
Từ lúc nhỏ, ông đã không được sống chung với cha mẹ, vì thế mà tình thương của ông có vẻ hời hợt đối với những người thân trong gia đình. Có lẽ sự hời hợt này phản ánh nỗi khát khao tình thương cha mẹ của ông.
Tác phẩm dưới đây chắc chắn là một tư liệu hết sức quan trọng liên quan đến cuộc đời của tác giả.

*

Mẹ tôi là người điên. Tôi chưa có một lần nào cảm thấy tình cảm mẹ con ruột thịt ở mẹ tôi. Mẹ tôi búi tóc theo kiểu quấn lược[1], lúc nào cũng ngồi một mình ở nhà bên ngoại vùng Shiba[2], bập hơi thuốc qua ống điếu dài. Mặt nhỏ mà thân thể cũng nhỏ. Gương mặt đó không biết tại sao lại có màu xám xịt, không một chút sinh khí. Có lúc tôi đọc Tây sương ký khi gặp những chữ “thổ khẩu khí nê xú vị” (hơi miệng đất, thúi mùi bùn), tôi liền nghĩ đến gương mặt của mẹ tôi… gương mặt nhìn ngang gầy gò hốc hác.
Tôi như vậy đây, chưa bao giờ tôi được mẹ tôi chăm sóc. Thế mà có lần tôi đã cùng với mẹ nuôi của tôi, cố lên lầu hai thăm mẹ, tôi nhớ bỗng nhiên bị mẹ tôi lấy ống điếu dài đánh vào đầu tôi. Nhưng hầu như lúc nào mẹ tôi cũng chỉ là một người điên yên lặng. Khi bị tôi và chị tôi đòi phải vẽ hình, mẹ tôi lấy giấy xếp làm tư rồi vẽ cho chúng tôi. Hình vẽ không phải lúc nào cũng bằng mực đen. Mẹ tôi dùng màu mực nước của chị tôi, khi thì phết vẽ thành áo quần của trẻ em đang rong chơi, khi thì quệt thành bông hoa cây cỏ cho chúng tôi. Chỉ có một điều là tất cả những nhân vật trong những hình vẽ đó đều có gương mặt của con cáo.
Mẹ tôi mất vào mùa thu khi tôi được mười một tuổi. Mẹ mất có lẽ không phải vì bịnh tật mà vì bị suy nhược. Kí ức hồi trước sau khi mẹ mất còn lại khá rõ rệt trong đầu tôi.
Lí do có lẽ vì có điện tín báo mẹ hấp hối đến. Một đêm khuya đứng gió, tôi và mẹ nuôi của tôi đã lên xe kéo, từ Honjo[3] hấp tấp đến Shiba. Cho đến ngay như ngày hôm nay tôi cũng chưa bao giờ dùng khăn choàng cổ, nhưng tôi còn nhớ tối hôm đó tôi đã quấn chiếc khăn tay bằng lụa mỏng có vẽ hình gì đó giống như tranh sơn thủy Nam Tống qua cổ tôi. Và tôi cũng còn nhớ chiếc khăn tay đó có mùi thơm nước hoa tên “nước hoa xương bồ”.
Mẹ tôi nằm dài trong căn phòng tám chiếu ở ngay dưới sàn lầu hai. Tôi và người chị lớn hơn tôi bốn tuổi ngồi sát gối mẹ, cả hai lên tiếng khóc mãi không nín. Nhất là khi ai đó ở phía sau tôi nói “lâm chung, lâm chung” là lúc tôi càng cảm thấy lòng mình tràn đầy đau thương. Nhưng từ nãy giờ mẹ tôi cứ nhắm mắt giống như người chết, bỗng mở mắt ra nói gì đó. Chị em tôi cả hai tuy đang đau buồn cũng đã khúc khích cười.
Đêm sau đó tôi cũng đã ngồi kề gối mẹ tôi cho đến gần sáng. Nhưng không biết tại sao không có một giọt nước mắt nào chảy ra như đêm qua. Tôi cố giả vờ khóc vì cảm thấy mắc cỡ trước tiếng khóc sướt mướt của chị tôi. Đồng thời tôi lại tin rằng mẹ tôi nhất định sẽ không chết nếu không bị tôi khóc cho.
Đêm thứ ba, mẹ tôi mất đi không một chút khổ sở. Trước khi mất, có lẽ đã trở lại được trạng thái bình thường, mẹ tôi nhìn vô mặt chúng tôi, nước mắt ràn rụa. Nhưng cũng như mọi lúc, miệng không mở ra một tiếng nào.
Ngay sau khi mẹ tôi đã được tẩm liệm xong, tôi cũng không thể nào ngăn nước mắt. “Dì ở Oji[4]” một bà dì bà con xa thấy vậy đã nói “Thật đáng cảm phục”. Nhưng tôi chỉ nghĩ sao bà này lại cảm phục chuyện lạ lùng như vậy.
Ngày làm tang lễ mẹ tôi, chị tôi cầm bài vị, tôi cầm bát hương theo sau, cả hai đứa tôi cùng ngồi trên xe kéo. Đôi khi tôi ngủ gục, mỗi lần hoảng mở mắt ra tôi lại suýt làm rơi bát hương. Nhưng, sao mãi không tới được Yanaka[5]. Đoàn người tham dự đám tang xếp thành hàng khá dài, lẳng lặng lết chân qua phố Tokyo trong nắng thu dài dặc.
Ngày mẹ tôi mất là ngày 28 tháng 11. Pháp danh là “Qui Mệnh Viện Diệu Thăng Nhật Tiến Đại Tỉ”. Thế mà tôi lại không nhớ ngày mất và pháp danh của cha tôi. Có lẽ việc nhớ được ngày mất và pháp danh cũng là một điều hãnh diện đối với một thằng bé mới mười một tuổi như tôi.
Tôi có một người chị. Tuy yếu đuối bịnh tật nhưng chị là mẹ của hai đứa con. Người tôi muốn thêm vào sổ điểm danh những người đã khuất dĩ nhiên không phải là người chị này mà là người chị đã chết yểu vừa lúc tôi sắp được sinh ra. Người chị được xem là khôn ngoan nhất trong ba chị em chúng tôi.
Tên của chị là “Hatsuko” (con đầu lòng) có lẽ vì chị là trưởng nữ. Trên bàn thờ Phật trong nhà tôi còn có một tấm hình của “Hatchan[6]” trong một khung hình nhỏ. Hatchan không có vẻ yếu đuối một chút nào. Hai má có đồng tiền nhỏ tròn trịa giống như trái hạnh chín…
Người được cha mẹ tôi thương yêu nhất nói sao nữa cũng là Hatchan. Hatchan không biết sao đã phải lặn lội từ Shinzenza[7] đến học trường mẫu giáo của bà Summers ở Tsukiji[8]. Nhưng từ thứ bảy đến chủ nhật thì chị lại nhất định đến ngủ ở nhà mẹ tôi… nhà của dòng Akutagawa ở Honjo. Khi đi ra ngoài như thế, có lẽ Hatchan đã mặc đồ Âu mà những năm 20 thời Minh Trị hãy còn là kiểu mới. Tôi còn nhớ dạo còn đi học tiểu học, tôi đã lấy vải cắt dư từ quần áo của Hatchan làm đồ cho búp bê bằng cao su của tôi mặc. Những mảnh vải dư như có hẹn trước với nhau, toàn là vải calico[9] ngoại quốc có hình nhạc khí và những bông hoa nhỏ khắp nơi.
Một buổi chiều chủ nhật đầu xuân, Hatchan vừa rảo quanh vườn vừa hỏi dì mình ở trong phòng. (Dĩ nhiên tôi tin rằng lúc đó chị cũng mặc đồ Âu).
- Dì ơi, cây này tên gì vậy?
- Đâu, cây nào?
- Cây có bông búp đó.
Ở sân nhà ngoại tôi có một đám cây “boke” (mộc qua) thấp, nghiêng cành bên giếng nước cũ. Hatchan với mái tóc xõa, có lẽ đã mở to mắt ra nhìn cành “boke” đầy gai này.
- Cây này cùng tên với con đó.
Nhưng khổ thay chị tôi đã không hiểu được câu nói đùa của bà dì.
- Vậy cây này có tên là cây “baka” (ngu) hả?
Nếu Hatchan còn gợi chuyện thì bà dì vẫn còn lặp đi lặp lại vấn đáp đó. Thật ra chuyện của Hatchan ngoài ra không còn gì cả. Vài ngày hôm sau đó, chắc Hatchan đã vào quan tài mất rồi. Tôi không nhớ ra được pháp danh của Hatchan khắc trong bài vị nhỏ. Nhưng lạ lùng thay tôi lại nhớ rõ ngày Hatchan mất là ngày năm tháng Tư.
Không hiểu tại sao đối với người chị này… tôi cảm thấy yêu thương dù tôi hoàn toàn không biết. Hatchan, nếu bây giờ vẫn còn sống, có lẽ đã quá bốn mươi. Gương mặt đã quá bốn mươi của Hatchan biết đâu lại giống gương mặt mất hồn ngồi bập thuốc ở lầu hai của mẹ tôi. Đôi lúc như ảo giác, tôi cảm thấy có người đàn bà tuổi trạc bốn mươi không biết đó là mẹ tôi hay chị tôi không biết từ đâu, trông nom, bảo bọc tôi suốt đời. Có lẽ đây là ảo giác do thần kinh bị mệt mỏi vì thuốc lá và cà phê của tôi gây ra. Hay đây là hình bóng của siêu nhiên hiện ra trong thế giới thực tại khi có cơ hội.
Vì mẹ phát điên nên bị sinh sớm hay vì phải đi ở nhà nuôi (nhà cậu tôi) nên tôi đã lãnh đạm đối với cha tôi. Cha tôi làm nghề bán sữa tươi, hình như đã thành công đôi chút. Chính cha tôi đã dạy cho tôi biết những trái cây, những thức uống còn mới mẻ hồi thời đó. Nào chuối, nào kem, nào thơm, nào rượu rum… có lẽ còn có những thứ khác nữa. Tôi còn nhớ có lần mình đã uống rượu rum dưới bóng cây sồi ngoài trại chăn nuôi ở Shinjuku thời đó. Rượu rum là một thức uống có màu vàng cam, với độ rượu rất nhẹ (loại rượu rum bán ở Nhật thời đó, khác với rượu rum có độ cồn rất cao ngày nay).
Cha tôi cho tôi, một trẻ nít, ăn uống những món lạ như thế đó, là vì có ý muốn lấy tôi lại từ nhà nuôi về. Tôi còn nhớ chuyện cha tôi đã lộ liễu khuyên tôi trốn về nhà khi tôi đang được cha cho ăn kem tại tiệm Uoe ở Omori vào một buổi tối. Những lúc như vậy cha tôi ra vẻ hết sức điềm đạm, ăn nói rất hay ho. Nhưng tiếc thay những lời khuyến cáo đó không một lần thành công. Vì tôi yêu thương cha mẹ nuôi tôi… đặc biệt là mẹ nuôi của tôi.
Cha tôi tính tình nóng nảy thường hay cãi lộn với bất cứ ai. Năm lớp chín trung học, tôi đã đấu vật “sumo[10]” với cha tôi và đường đường vật ngã cha tôi bằng ngón đòn Osotogari[11] thành thạo nhất của tôi. Cha tôi đứng dậy, liền hướng sang phía tôi, mặt đổi sắc, nhào tới nói “làm lại”. Dì tôi… em gái mẹ tôi, bây giờ là vợ sau của cha tôi, nhìn việc đấu sumo ấy, đã ra mắt đưa dấu cho tôi hai ba lần. Sau khi giằng co với cha tôi, tôi đã cố ý ngã ngửa ra. Nếu lúc đó, tôi không chịu thua, chắc cha tôi đã ấu đả với tôi rồi.
Khi tôi hai mươi tám tuổi… lúc tôi còn làm nghề giáo, tôi đã nhận một điện tín báo “cha nằm bịnh viện” nên tôi đã từ Soko qua Kamakura[12] đến Tokyo. Cha tôi bị bịnh cúm nên phải nằm bịnh viện Tokyo. Tôi đã ở ngủ trong góc phòng bịnh với mẹ nuôi và dì sau của tôi trong hai ba ngày liền. Lâu rồi đâm ra chán. Tôi đã điện thoại gọi một kí giả người Ái Nhĩ Lan hợp ý với tôi đến dùng cơm ở một chỗ hẹn vùng Tsukiji. Lấy lí do là kí giả đó sắp về Mỹ, tôi đã đi ra chỗ hẹn vùng Tsukuji, bỏ ông cha sắp chết của tôi ở lại.
Bọn tôi đã vui thú dùng cơm Nhật với bốn năm geisha. Bữa cơm có lẽ đã xong vào lúc mười giờ đêm. Tôi bỏ kí giả ở lại đó, một mình leo xuống cầu thang hẹp nhỏ. Có tiếng ai gọi tôi “anh A”. Ở phía sau. Tôi dừng chân ở giữa, rồi ngước nhìn lên phía trên cầu thang. Một cô geisha đến tiễn, chăm chăm nhìn xuống tôi. Tôi im lặng xuống cầu, ra ngoài hành lang, lên tắc xi. Tắc xi phóng đi liền. Tôi đã nghĩ đến, nhưng không phải là cha tôi mà là gương mặt của cô ta với mái tóc bới kiểu Âu tươi trẻ… nhất là cặp mắt của cô ta.
Khi tôi về đến bịnh viện, biết cha tôi mỏi mòn trông đợi tôi. Không phải chỉ có vậy, cha tôi bảo mọi người ra ngoài bình phong có hai tấm gấp, rồi vừa nắm lấy tay tôi, vừa vuốt nhẹ, kể cho tôi nghe những chuyện xưa… thời mới kết hôn với mẹ tôi, những chuyện tôi không biết. Nào chuyện cha và mẹ tôi hai người đi mua tủ áo, nào chuyện gọi sushi[13] đến ăn, toàn là những chuyện nhỏ. Nhưng nghe những chuyện đó, không biết lúc nào mi mắt tôi đã nóng lên. Cha tôi cũng ứa nước mắt ra trên đôi má hóp của mình.
Sáng hôm sau, cha tôi mất, không khổ sở lắm. Trước khi chết, hình như đầu óc cũng điên ra, nói loạn lên “Tàu chiến giăng đầy cờ đến. Hô vạn tuế lên đi”. Tôi không nhớ đám tang cha tôi đã diễn ra như thế nào. Chỉ nhớ rằng khi đem thi thể cha tôi từ bịnh viện về nhà, vầng trăng mùa xuân thật to đã soi sáng xe chở linh cữu cha tôi.
Năm nay đã trung tuần tháng ba mà tôi vẫn còn để lò sưởi. Lâu lắm tôi mới cùng vợ tôi đi quét mộ. Lâu quá rồi… Nhưng ngôi mộ nhỏ dĩ nhiên không có gì thay đổi, cả cây thông đỏ kia cũng vẫn vương cành trên mộ.
Ba người được đem vào “sổ điểm danh những người đã khuất” tất cả nằm trong góc mộ địa Yanaka,… lại nữa họ đã vùi xương dưới cùng một tháp đá. Tôi nhớ lại lúc im lìm đặt linh cữu mẹ tôi xuống dưới mộ. Có lẽ Hatchan cũng giống như vậy. Chỉ có cha tôi… tôi còn nhớ trong đám xương trắng vỡ nhuyễn thành tro[14] của cha tôi, có răng vàng lẫn lộn…
Tôi không thích đi quét mộ. Nếu có thể quên được, tôi muốn quên chuyện cha mẹ tôi và chị tôi. Nhưng, ngày hôm đó, có lẽ vì thể xác đã yếu đuối, nên tôi đã nhìn tháp đá đen đủi trong ánh sáng buổi chiều đầu xuân, và nghĩ không biết trong ba người đó, ai là người đã được hạnh phúc.
“Phù du ơi, chỉ sống ngoài mộ địa.”
Thật tình, tôi đã cảm thấy tâm tình của “Joso[15]” tràn đến bên cạnh tôi, không có lúc nào bằng lúc này.
( 1926)
Lê Ngọc Thảo dịch
Nguyên tác: “Tenkibo” trên mạng “Aozora Bunko” (www.aozora.gr.jp).

Chú thích:

(1) Quấn lược, búi tóc đơn giản kiểu Nhật Bản, dùng lược chải tóc lên rồi búi trên đỉnh đầu.
(2) Shiba, một khu vực ở Nam Tokyo, thuộc khu Shinagawa ngày nay.
(3) Honjo, một khu vực ở Đông Tokyo, thuộc khu Kuroda ngày nay (gần sông Sumidagawa).
(4) Oji, khu vực ở Bắc Tokyo.
(5) Yanaka, khu vực ở Tây Bắc, nơi có nhiều chùa chiền và sử tích.
(6) Hatchan, một cách gọi tắt, thân mật của Hatsuko.
(7) Shinzenza, vùng có nhiều xưởng đúc tiền ngày nay.
(8) Tsukiji, vùng phía nam, nay trong khu Chuo (gần vịnh Tokyo).
(9) Calico, vải mỏng láng nhiều hình, nhập khẩu từ Ấn Độ.
(10) Sumo, đô vật Nhật Bản.
(11) Osotogari, ngón đòn gạt chân từ ngoài vô.
(12) Kamakura, thành phố phía tây trong tỉnh Kanagawa, gần Tokyo.
(13) Sushi, cơm vắt, hoặc cuốn kiểu Nhật Bản, có để cá sống hoặc thức ăn khác bên trên hay bên trong.
(14) Thành tro, theo tục hỏa táng.
(15) Joso, nguyên tên là Naito Joso (1662-1704), nhà thơ Haiku thời kỳ tiền Edo.