ruyện ngắn này được viết vào năm 1924 khi Akutagawa ba mươi ba tuổi, lúc sự nghiệp văn chương của ông đã đến ngả rẽ. Ông bắt đầu viết một vài tác phẩm với chiều hướng khác như để thử thách tài năng của mình. Tuy là nhà văn trí thức thành thị nhưng ông vẫn có thể miêu tả sinh hoạt nông thôn cực nhọc một cách phong phú và sống động.Câu chuyện dưới đây miêu tả tình cảm của con dâu và mẹ chồng trong một gia đình nông dân thiếu tay đàn ông đảm đương công việc đồng áng. Tuy cả hai đều phải làm việc cật lực, nhưng từ chỗ khác biệt về quan niệm và mức độ tích cực đối với lao động, giữa con dâu và mẹ chồng đã có một khoảng cách lớn. Kết quả tích cực của lao động đã tạo ra sức mạnh kinh tế đủ để chi phối quan hệ trong gia đìnhAtagawa đã cho những người trong truyện đối thoại với nhau bằng tiếng địa phương của vùng Đông Bắc, miền quê nhiều ruộng lúa ở Nhật Bản. Để đối ứng, người dịch đã dùng tiếng địa phương miền Nam, một vùng có nhiều ruộng lúa ở Việt Nam để dịch những đối thoại này.*
Con trai bà Osumi đã mất khi mùa hái trà mới bắt đầu. Thằng Nitaro quỵ trên giường bệnh như một người tàn phế tính ra cũng đã tám năm. Cái chết của thằng con trai mãi trên giường bệnh, không nhất thiết chỉ đem lại toàn những chuyện buồn cho bà Osumi, người thường được bà cụ láng giềng bảo là “kiếp sau sung sướng”
[1]. Khi đưa tay dâng hương trước quan tài Nitaro, bà Osumi có cảm giác như bằng đủ mọi cách, mãi mới thoát qua khỏi một cái gì đó như là qua cửa ải Asahina
[2].
Xong đám ma Nitaro, vấn đề phải lo trước tiên là cảnh ngộ của con dâu Otami. Otami có một đứa con trai. Thế mà Otami lại còn nhận làm hầu hết mọi chuyện đồng áng thay cho Nitaro lúc còn trên giường bệnh. Nếu bây giờ để cho Otami ra đi, dĩ nhiên chuyện chăm sóc thằng bé sẽ gặp khó khăn, cuộc sống cũng không thể nào xoay xở được. Osumi nghĩ cứ đợi cho bữa cúng bốn mươi chín ngày xong, bà sẽ tức khắc kiếm chồng cho Otami, rồi lại bắt làm lụng giống như lúc thằng con trai còn sống. Bà cũng nghĩ cứ bắt thằng Yokichi, em họ của Nitaro làm chồng Otami là được rồi.
Vì có ý nghĩ như thế nên đúng buổi sáng hôm sau bữa cúng bảy ngày lần đầu tiên, khi Otami bắt đầu dọn dẹp đồ đạc, Osumi đã sững sờ hoảng hốt. Lúc đó Osumi đang chơi với đứa cháu nội, thằng Hiroji, ở hành lang căn phòng sâu phía sau. Đồ chơi là một cành anh đào đầy hoa, bẻ trộm từ sân trường học về.
- Nè, Otami, đến nay tao cứ im miệng hoài không nói gì hết, bậy thật. Bộ mày tính bỏ tao với thằng con mày, đi đâu mất sao.
Osumi lên tiếng với vẻ như than phiền hơn là hạch hỏi. Otami cũng chẳng quay đầu lại, chỉ ra tiếng cười.
- Nói gì vậy? Bà nội nó
Chỉ có vậy nhưng Osumi đã nhẹ nhõm an lòng không biết bao nhiêu.
- Vậy hả? Có lý nào mày lại nỡ như vậy hả…
Osumi cứ lặp đi lặp lại những lời cầu khẩn lẫn than vãn. Đồng thời, lời nói của bà lần lần đượm vẻ cảm thương. Sau cùng, vài lằn nước mắt đã bắt đầu chảy trên đôi gò má nhăn nheo.
- Này nhen. Nếu bà chịu thì tui sẽ ở hoài trong cái nhà này. Có thằng con như vậy đấy, thích bỏ đi được sao?
Không biết từ hồi nào Otami cũng đã ứa nước mắt, đưa tay ra ẵm thằng Hiroji để lên đùi mình. Thằng Hiroji không biết tại sao lại có vẻ mắc cỡ, cứ đưa mắt để ý đến cành anh đào bị ném ra trên sàn chiếu cũ trong căn phòng sâu phía sau.
*
Otami tiếp tục làm lụng không một chút thay đổi, giống y như hồi Nitaro còn sống. Nhưng chuyện lấy chồng không dễ gì giải quyết được như ý muốn. Otami hình như không có một chút quan tâm nào về chuyện này. Dĩ nhiên, Osumi chỉ cần có cơ hội, khi thì thử gợi lòng Otami, khi thì đem chuyện đó ra bàn một cách lộ liễu. Nhưng lúc nào cũng vậy, Otami chỉ trả lời lấy lệ.
- Ừ. Đằng nào cũng phải đợi tới sang năm rồi sẽ tính.
Câu nói ấy vừa làm cho Osumi lo lắng, nhưng lại cũng làm cho bà vui ra. Osumi vừa để ý đến hàng xóm, vừa định thôi cứ chờ cho năm tháng thay đổi, dần dần rồi mọi chuyện cũng sẽ theo như lời của con dâu mình nói.
Nhưng Otami đến năm sau cũng vẫn không có một ý nghĩ nào khác ngoài chuyện đi ra đồng làm việc. Osumi lại bắt đầu đem chuyện lấy chồng ra một lần nữa, như là cầu khẩn, còn hơn cả năm ngoái. Chẳng qua một phần vì bị họ hàng trách móc, một phần vì bị khổ tâm với những lời dèm pha của lối xóm.
- Nhưng mà nè, Otami. Với tuổi trẻ của mày bây giờ, làm sao mà sống một mình không có đàn ông cho được.
- Nói là không có cần kia mà. Biết làm sao bây giờ đây. Để người dưng vô trong này coi. Vừa tội nghiệp cho thằng Hiro
[3], vừa làm cho bà phải bận tâm, nhất là nếu tui lại phải đâm lo cho mệt ra thì sao, đâu có phải là chuyện nhỏ, chuyện nhẹ đâu.
- Ừ, cho nên, cứ lấy thằng Yokichi đi. Thằng đó, độ rày người ta nói nó đã bỏ hẳn cờ bạc rồi kia mà.
- Ừ, đối với bà nó là bà con nhưng đối với tui, sao đi nữa cũng là người dưng. Có gì đâu, miễn tui chịu nhịn được…
- Nhưng mà, chịu nhịn đâu phải chỉ một hai năm đâu.
- Nghe đây nhen. Vì thằng Hiro kia mà. Bây giờ tôi ráng chịu khổ đi, đất nhà này không phải bị chia làm hai, nguyên mảnh đất sẽ sang tay thằng Hiro phải không chứ.
- Nhưng mà, nè Otami. (Osumi lúc nào đến chỗ này cũng nhỏ giọng nghiêm nghị). Cái gì chớ miệng người ta xung quanh nói tới nói lui dữ lắm. Những điều mày nói trước mặt tao bây giờ, nhớ nói cho người ta nghe y như vậy nhen…
Chuyện nói đi đáp lại giữa hai người không biết đã xảy ra bao nhiêu lần. Nhưng thái độ cương quyết của Otami cũng nhờ đó chỉ có mạnh thêm chứ không hề bị lung lay. Thực tế, Otami đã đem sức ra làm việc hơn cả trước kia, khi thì trồng khoai, khi thì gặt lúa mì, mà không cần phải nhờ một bàn tay của một người đàn ông nào. Không phải chỉ như vậy, mùa hè trong lúc trời mưa Otami cũng đã đi cắt cỏ để nuôi bò. Cách làm việc nặng nhọc này chính là những lời bác bỏ mạnh mẽ đối với việc đưa người dưng vô. Osumi rốt cuộc rồi cũng phải bỏ lơ chuyện bắt lấy rể đi. Nhưng thật ra chuyện bỏ lơ này không nhất thiết đã làm cho bà ta buồn.
*
Otami đã tiếp tục nuôi sống cả gia đình bằng sức lực của một người đàn bà. Điều này dĩ nhiên một phần cũng do một lòng một dạ “vì thằng Hiro”. Nhưng một phần có lẽ cũng do ở sức mạnh di truyền đã mọc rễ sâu trong người của Otami. Otami là con gái của một người lang bạt từ chỗ núi non cằn cỗi đến sinh sống trong vùng lân cận này. “Otami nhà bà mặt hiền lành sao mà có sức quá. Hôm rồi nó dám cõng trên lưng bốn bó lúa rẫy bự đi ngang qua đây đó nhen.” Osumi thường nghe bà cụ kế bên kể lại cho nghe những chuyện như vậy.
Osumi muốn bày tỏ lòng cảm ơn đối với Otami qua công việc của mình. Vừa giữ cháu nội chơi đùa, vừa lo chăm sóc bò, lại còn nấu cơm, giặt giũ, có lúc đi đến láng giềng múc nước… công việc trong nhà không phải ít. Nhưng Osumi với tấm lưng còng, đã làm mọi việc với vẻ thích thú.
Một đêm vào lúc cuối thu, Otami lưng mang một bó củi lá thông lảo đảo bước về nhà. Osumi đeo Hiroji trên lưng, đương lúc nhúm củi nung bồn tắm đặt trong góc gian nhà đất tù túng chật hẹp.
- Lạnh lắm phải không? Đến tối mới về được đó hả?
- Bữa nay làm thêm hơn mọi bữa một chút đó.
Otami quăng bó củi lá thông xuống dưới gầm bồn rửa, rồi leo liền lên bếp sưởi rộng, mà không kịp cởi cả đôi dép rơm dính đầy bùn. Rễ sồi đang cháy lung lay lửa đỏ trong bếp. Osumi muốn đứng dậy liền. Nhưng vì lưng đang đeo thằng bé Hiro, nên nếu không vịn tay vào vách bồn tắm thì không dễ dàng gì đứng lên được.
- Vô bồn tắm liền đi.
- Không có tắm đâu, đói bụng quá trời đi đây nè. Đâu rồi, ăn khoai lang trước cái đã… Nấu rồi phải không, bà nội?
Osumi khấp khểnh đến bồn rửa, mang cả nồi khoai lang nấu làm đồ ăn đến bên cạnh bếp.
- Nấu lâu rồi đợi hoài không thấy về. Coi bộ khoai nguội hết rồi đây nè.
Hai người lấy tăm tre đâm vào khoai lang, cùng nhau cắm sát vào lửa trong bếp.
- Coi bộ thằng Hiro nó đang ngủ ngon. Để nó xuống sàn không được hả.
- Không, bữa nay lạnh quá chừng, để nó xuống sàn làm sao nó ngủ được.
Otami trong lúc nói chuyện như vậy, cũng đã bắt đầu ngoạm đầy miệng những củ khoai lang bốc khói. Chỉ có nông phu sau một ngày lao động mệt nhọc mới biết cách ăn như thế. Otami lần hồi ngốn hết củ này đến củ nọ mới vừa gỡ ra từ mấy cái tăm tre. Osumi tuy cảm thấy thằng Hiroji đang ngủ ngáy nho nhỏ, nặng ở sau lưng, nhưng tay vẫn không ngừng nướng khoai lang.
- Cả ngày làm lụng như thế này, đói bụng hơn người ta là phải rồi.
Osumi lâu lâu lại nhìn chăm chú vào mặt con dâu với cặp mắt đầy vẻ kính phục. Nhưng Otami vẫn không có một lời, cứ liên tục thốn khoai lang vô đầy miệng trong ánh lửa đầy khói đen.
*
Otami bất kể nhọc nhằn, cứ tiếp tục bắt lấy công việc của đàn ông. Có lúc đêm tối, vẫn xách đèn dầu đi rảo quanh nhổ rau đẹt. Osumi lúc nào cũng cảm thấy kiêng nể người con dâu giỏi hơn cả đàn ông này. Không, nói đúng ra là có cảm giác khiếp sợ hơn là kiêng nể. Otami ngoài công việc đồng ruộng, tất cả việc nhà đều bắt Osumi làm hết. Dạo này, ngay như quần lót của chính mình, Otami cũng chẳng mấy khi giặt. Dẫu vậy, Osumi cũng ráng dang cái lưng còng của mình ra cần cù làm việc. Không phải chỉ có vậy, cứ hễ gặp được bà cụ hàng xóm, Osumi ra mặt nghiêm nghị, nức nở khen con dâu.
- Gì đi nữa, con Otami nó cũng như vậy đó nhen, ừ, tui chết đi lúc nào cũng không cần phải lo trong nhà bị cực khổ.
Nhưng cái bịnh siêng làm việc của Otami có lẽ không dễ gì được thỏa mãn. Lại một năm nữa trôi qua. Otami lần này bắt đầu nói đến chuyện mở rộng việc làm đến ruộng dâu bên bờ kia sông. Cứ như lời của Otami thì nghĩ sao cũng thấy thật là dại khi đem miếng vườn gần bằng năm công đất cho mướn với giá chỉ có mười yên. Theo đó nếu lấy đất trồng dâu, nuôi tằm trong lúc rảnh rang, trong thời gian không có những biến động giá cả ở thị trường kén tằm thì chắc chắn ít ra mỗi năm cũng kiếm ra được khoảng một trăm năm mươi yên. Nhưng dẫu có muốn có tiền đi nữa, Osumi cũng không thể nào chịu đựng nổi những chuyện bận rộn hơn cả bây giờ. Nhất là chuyện nuôi tằm tốn công mất sức này đúng là chuyện vượt qua mức độ có thể bàn bạc với nhau. Osumi sau cùng đã phàn nàn, chống đối lại Otami.
- Nghe đây nè, Otami. Không phải tao muốn trốn. Không phải là muốn trốn, nhưng mà mầy coi, chỗ mình không có đàn ông, lại còn có thằng con la khóc, ngay cả bây giờ cũng đã nặng nề quá rồi. Vậy mà mầy lại nghĩ đến chuyện động trời, làm sao mà nuôi tằm được đây hả? Mầy không có nghĩ đến tao một chút nào hết.
Otami bị mẹ chồng khóc lóc như vậy cũng chẳng nỡ lòng nào cưỡng bách. Nhưng dẫu có bỏ chuyện nuôi tằm đi nữa, chuyện trồng dâu thì nhất định ngoan cố bắt theo ý mình.
Otami vừa nhìn Osumi với vẻ bất mãn, vừa lầm bầm bóng gió.
- Nghe đây nhen. Nói gì chớ ra vườn chỉ một mình tui là xong, chớ có cần ai đâu.
Từ đó trở đi Osumi lại bắt đầu nghĩ đến chuyện bắt rể. Lúc trước vì lo đến cuộc sống, lại vì để ý đến con mắt dòm ngó của thiên hạ, nên đôi khi Osumi đã nghĩ đến chuyện bắt rể. Nhưng lần này lại bắt đầu nghĩ đến chuyện bắt rể chỉ vì muốn tránh những khổ sở của chức phận giữ nhà dầu chỉ trong chốc lát. Cho nên so với lần trước chuyện bắt rể lần này càng trở nên thống thiết hơn.
Đúng vào lúc hoa cam nở rộ ở vườn sau, Osumi ngồi trước đèn, mắt nhìn qua cặp kính to dành làm việc đêm, chậm rãi đem thử chuyện kia ra nói. Otami đang ngồi xếp bằng bên cạnh bếp, vừa cắn đậu muối vừa ra vẻ chẳng để ý gì đến đối phương.
- Lại chuyện bắt rể nữa hả? Không có liên quan gì tới tui hết nhen.
Nếu là Osumi trước kia, chỉ như thế này cũng đã đủ bỏ cuộc. Nhưng lần này, chính lần này, Osumi vẫn cứ khăng khăng thuyết phục.
- Nhưng nè, cứ mãi như vậy cũng không được. Ngày mai có đám ma nhà Miyashita nè, lần này nhà mình cũng như người ta, bị trúng phiên phải đào huyệt đó. Những lúc như vầy không có tay đàn ông thì…
- Nghe đây nhen. Nếu trúng phiên phải đào, tui sẽ ra đào đó nhen.
- Thiệt sao? Mày, đàn bà làm sao mà làm được…
Osumi cố ý cười lên. Nhưng khi nhìn mặt Otami, bà thấy cần phải thận trọng, không nên cười vô ý.
- Bà, bộ bà muốn nghỉ ngơi cho sung sướng cho rồi phải không?
Otami vẫn cứ ôm cái đầu gối xếp bằng, lạnh lùng hỏi dồn đối phương. Bỗng nhiên bị đánh vào chỗ yếu, Osumi bất ngờ lột đôi mắt kính to ra. Nhưng lột mắt kính để làm gì, chính bà, bà cũng không biết.
- Hả? Mày, sao mày lại nói như vậy?
- Bà chắc đã quên lời của mình nói lúc cha thằng Hiro chết rồi hả? Đất đai nhà này đem chia làm hai thì còn mặt mũi nào để nhìn tổ tiên…
- Ừ, đúng là có nói như vậy. Nhưng mà, khi nghĩ lại, chuyện thời thế thời cơ cũng cần phải nghĩ chứ. Cái này không còn cách nào hơn, lần này…
Osumi tiếp tục ra sức bênh vực cho chuyện cần tay đàn ông. Nhưng bằng cách nào đi nữa, ý kiến của bà cũng không lọt được chính lỗ tai bà một tiếng nào ra vẻ có lý. Vì trước hết thật lòng bà, nghĩa là bà không thể đem chuyện bà muốn được rảnh rang ra nói. Otami, như khám phá ra được chuyện đó, miệng cứ nhai đậu muối, tấn công mẹ chồng tới tấp, không một chút nương tay. Không chỉ có vậy, đây cũng là nhờ ở cái miệng giỏi rắn trời cho mà Osumi không biết.
- Bà thì dẫu vậy cũng được. Chết trước nên có sao đâu. Nhưng, thân tui thì sao, làm sao mà nói được bất bình, bất mãn. Tui đây, không phải vì trong sạch hoặc vì phách lối mà cứ khăng khăng giữ mình góa bụa. Những đêm đau gân cốt, ngủ không được, không phải không có lúc thấm thía nghĩ rằng cứ khăng khăng giữ ý cũng chẳng có ích gì. Chuyện đó không phải là không có. Nhưng tất cả vì nhà mình, vì thằng Hiro, nghĩ như thế mà phải nuốt nước mắt làm mọi chuyện đó chứ…
Osumi chỉ biết nhìn vào mặt con dâu như kẻ mất hồn. Lần lần có một sự thật hiện ra rõ ràng trong lòng bà. Sự thật đó là dẫu có giãy giụa như thế nào đi nữa, cho đến khi nhắm mắt cũng không thể nào an nhàn ra được. Sau khi con dâu nói xong, Osumi lại mang cặp kính lão to ra đeo, rồi chấm dứt câu chuyện phân nửa như lầm bầm với chính mình.
- Nhưng mà này, Otami. Dễ gì mày ơi, trong đời này không phải bất cứ mọi chuyện đều hợp với lí lẽ hết đâu. Mày, cũng nên nghĩ kĩ lại coi. Tao, thôi không nói thêm cái gì nữa đâu.
Hai mươi phút sau, một thanh niên nào đó trong xóm, vừa đi vừa hát với giọng đủ nghe, lặng lẽ băng qua trước nhà.
- “Bà cô trẻ ơi,Hôm nay cắt cỏ đấy à.Cỏ ơi, ngã theo ngọn gió.Liềm cắt nhanh lên.”Giọng hát xa dần. Osumi liếc nhìn gương mặt của Otami qua cặp kính lão một lần nữa. Nhưng, Otami cứ duỗi chân dài ra ở bên kia đèn, miệng ngáp đi ngáp lại.
- Đâu. Ngủ cho rồi. Ngày mai phải dậy sớm.
Otami cuối cùng vừa nói như thế, tay vừa bụm lấy một nắm đậu muối, mệt mỏi đứng dậy ở bên cạnh lò…
*
Osumi sau đó trong vòng ba bốn năm vẫn cứ tiếp tục im lìm chịu khổ. Cái khổ của một con ngựa già phải đeo cùng một ách với một con ngựa còn đang sung sức. Otami vẫn tối ngày lo làm việc đồng ruộng ở bên ngoài. Với kẻ bàng quan, Osumi vẫn siêng năng làm mọi việc trong nhà không có gì thay đổi. Nhưng, bóng roi vọt vô hình lúc nào cũng dọa dẫm bà ta. Khi thì vì không nhóm lửa bồn tắm, khi thì vì quên phơi rạ, khi thì vì thả mất bò, Osumi hay bị con dâu Otami cứng đầu gắt gỏng, nói tới nói lui. Nhưng bà không trả lại một lời, cứ tiếp tục nuốt cay nuốt đắng. Đó cũng là vì có tinh thần quen với việc phục tùng. Điều thứ hai là vì đứa cháu, thằng Hiroji, cứ đeo theo bà nội luôn, hơn cả mẹ nó.
Thực tế, với kẻ bàng quan, Osumi vẫn như trước, hầu như không có gì thay đổi. Nếu có chút gì thay đổi thì chắc đó là chuyện bà ta không còn khen con dâu như trước nữa. Nhưng những biến đổi nhỏ nhặt này không đủ làm mọi người để ý. Ít nhất đối với bà cụ bên cạnh nhà lúc nào cũng là Osumi “kiếp sau sung sướng”.
Một buổi trưa hè nắng gắt, Osumi ngồi trò chuyện với bà cụ cạnh nhà dưới bóng lá giàn nho phủ trước sân nhà chứa đồ. Chung quanh chỉ có tiếng ruồi bay ở chuồng bò. Bà cụ nhà kế bên vừa nói chuyện vừa hút thuốc điếu vấn ngắn. Đó là phẩm vật gom góp từng chút từ những mẩu thuốc vụn của chú con trai.
- Con Otami đâu rồi? Ừ, chắc là đi cắt cỏ khô hả? Tuy trẻ nhưng cái gì cũng làm hết, ừ.
- Nói gì vậy. Đàn bà con gái sao lại cứ đi ra ngoài. Làm việc nhà là hay nhất chứ.
- Đâu, thích làm việc đồng là hạng nhất đấy chứ. Con dâu nhà tui từ hồi cưới về tới giờ, coi nè, bảy năm rồi có thấy nó đi nhổ cỏ ngày nào đâu, đừng nói gì đến chuyện ra đồng. Hoặc giặt đồ cho con cái, hoặc sửa sang quần áo của mình, mỗi ngày, cứ sống như vậy đó.
- Có được như vậy thì tốt hơn chứ. Con cái gọn ghẽ ra, mình cũng coi được một chút, đằng nào thì cũng sống cho nó đẹp.
- Nhưng mà, tụi trẻ bây giờ đứa nào cũng ghét chuyện đồng ruộng… Hà, vừa rồi có cái tiếng gì vậy?
- Cái tiếng vừa rồi hả? Nè bà, tiếng bò nó xì hơi đít đó!
- Bò xì hơi đít hả? Nó rặn dữ quá hả?… Trẻ mà phải phơi lưng ra ngoài trời nắng nhổ cỏ thì thật là khổ không biết đến chừng nào.
Hai cụ bà thường nói với nhau những chuyện yên lành tầm phào như thế này.
*
Đã hơn tám năm từ khi Nitaro mất, Otami bằng một tay đàn bà đã ra sức nuôi sống cả gia đình. Đồng thời, dạo đó tiếng tăm của Otami cũng đã bắt đầu lan rộng ra khỏi xóm. Otami không còn là một bà góa trẻ mắc “bệnh kiếm ăn” tối ngày. Dĩ nhiên lại càng không phải là một “dì trẻ” của bọn thanh niên trong xóm. Thay vào đó, là một con dâu gương mẫu. Một tấm gương trinh tiết của đời nay. “Coi con Otami ở bên kia đầm, ráng mà noi gương nó.” Miệng ai khi lầm bầm đều có thể nói ra những lời như vậy. Osumi không thể than thở nỗi khổ của mình ngay với bà cụ già hàng xóm, lại cũng không muốn than thở nữa. Nhưng đâu đó trong đáy lòng bà, dẫu không có ý thức rõ rệt, nhưng có dáng muốn cầu trời khấn phật. Những cầu khẩn này cuối cùng rồi cũng như công dã tràng. Bây giờ không còn biết cầu ai ngoài thằng cháu Hiroji ra. Osumi đổ tất cả tình thương của mình lên thằng cháu vừa mới mười hai mười ba tuổi này. Nhưng hi vọng cuối cùng này đôi lúc cũng bị đứt đoạn.
Vào một buổi chiều thu liên tiếp tốt trời, thằng Hiroji mang túi sách, lon ton từ trường về nhà. Đúng vào lúc Osumi đang khéo léo dùng dao gọt hồng chát hachiya
[4] thắt làm hồng phơi ở trước nhà chứa đồ. Hiroji nhẹ mình, vừa mới nhảy qua chiếc đệm phơi hột kê thì đã chụm hai chân lại đàng hoàng và với tư thế đó thằng bé đưa tay lên trán chào bà nội. Rồi không cần phải dẫn chuyện gì cả, nó đã nghiêm nghị hỏi như sau.
- Nè, nội! Mẹ con là người đáng kính lắm, hả nội?
- Sao vậy?
Osumi dừng tay dao lại, không khỏi ngạc nhiên nhìn thẳng vào mặt thằng cháu nội.
- Thầy con nhen, trong giờ đức dục, nói vậy đó. Mẹ của thằng Hiroji là người đáng kính, vùng gần đây không có người thứ hai được như vậy.
- Thầy mày nói hả?
- Ừ, thầy con chớ ai. Thật không nội?
Osumi đâm bối rối ra. Thầy ở nhà trường dạy cho cháu những chuyện láo toét như vậy à… Thực ra, từ trước đến nay không có chuyện bất ngờ nào đến với Osumi như thế này. Sau một hồi bối rối, cơn giận dữ dội ào đến, Osumi ra miệng chửi bới Otami, như bà không phải là Osumi ngày thường.
- Ừ, láo, láo quá. Mẹ mày đó nhen, cứ lo làm việc ở ngoài không, trước mặt mọi người thì tốt lắm, nhưng lòng dạ cực kì xấu xa, rượt nội chạy tối ngày, tính nết đanh đá tột bực…
Hiroji chỉ biết kinh hoàng nhìn bà nội mình đổi sắc mặt. Lần lần, Osumi như bị cơn giận dội ngược lại, bắt đầu rơi nước mắt.
- Cho nên, bà nội sống được cũng nhờ một mình mày đó nhen. Mày đừng có quên nhen. Mày khi nào được mười bảy tuổi, cưới vợ liền, để cho bà nội được thở nhen. Mẹ mày nó nói đợi cho mày đi xong quân dịch đã, biểu đợi lâu như vậy nhen. Làm thế nào, làm sao mà đợi được! Nghe đây nhen, mày nhớ ăn ở hiếu thảo với bà nội phần mày với phần cha mày, hai lần nhen. Như vậy bà nội sẽ đối đãi tốt lại cho nhen. Cái gì bà nội cũng cho mày hết…
- Trái hồng này chín ra, có cho tui hông?
Hiroji đưa tay sờ mó trái hồng trong giỏ với vẻ thèm muốn.
- Cho chớ sao không! Mày, còn nhỏ mà cái gì cũng biết hết. Đừng bao giờ làm mất cái tính đó nhen.
Osumi khóc, khóc sướt mướt, rồi bắt đầu cười như nấc cụt…
Rốt cuộc, Osumi đã gây lộn dữ dội với Otami vào đêm sau, sau khi xảy ra sự kiện này. Chỉ vì một chuyện nhỏ nhen là Otami cho rằng Osumi đã ăn mất phần khoai lang của mình. Nhưng trong lúc lời qua tiếng lại, Otami ra giọng cười khinh khỉnh, nói rằng:
- Bà mà chán làm việc thì chỉ còn cách chết thôi.
Vậy là Osumi đã nổi khùng lên tựa như điên, khác với thường ngày. Lúc đó thằng cháu Hiroji đang ngon giấc, gối đầu trên đầu gối bà nội. Nhưng Osumi không những đã lắc vai đánh thức thằng cháu dậy mà còn tiếp tục chửi bới không dứt.
- Hiro, thức dậy, Hiro, thức dậy, nghe mẹ mày chửi tao. Mẹ mày biểu tao chết đi. Nghe cho kĩ nhen. Đúng là đến đời mẹ mày, tiền bạc có nhiều hơn chút đỉnh, nhưng một mẫu ba công vườn, tất cả cái đó đều do ông nội mày với bà già này phá đất làm ra chớ đâu. Công đó đâu rồi? Mẹ mày nói muốn nhàn thì cứ chết đi… Otami, tao chết cho rồi đây nè. Mày tưởng tao sợ chết hả. Không, tao không có thèm nghe lời mày dạy đâu. Tao chết đi cho rồi. Nói gì tao cũng chết. Chết để về đây bắt hồn mày…
Osumi chửi bới om sòm, chửi rồi ôm lấy thằng cháu ra khóc. Nhưng, Otami vẫn ngủ lăn bên cạnh bếp như thường lệ, giả vờ như không nghe một tiếng nào.
*
Nhưng Osumi đã không chết. Thay vào đó, năm sau vào những ngày hết nắng gắt, Otami, người tự hào về sức khỏe của mình, bị bệnh kiết lỵ tám hôm thì mất. Vào lúc đó, trong cái làng nhỏ này đã có không biết bao nhiêu người mắc bệnh kiết lỵ. Thế mà, trước khi mắc bệnh Otami đã đứng ra làm công việc đào huyệt chôn anh thợ rèn vừa gục xuống cũng vì bệnh kiết lỵ này. Ngày làm đám ma anh thợ rèn, ở nhà còn có một thằng nhỏ đệ tử mắc bệnh sắp được đưa đến bệnh viện cách ly. “Chắc đã bị lây hồi đó rồi chớ gì…”. Khi y sĩ về xong xuôi rồi, Osumi nhìn gương mặt đỏ ké của con bệnh Otami, nói như trách móc.
Ngày làm đám ma Otami, trời mưa to. Nhưng, những người ở trong làng kể cả xã trưởng, mọi người đều đến tham dự, không sót một ai. Những người dự đám ma đều tỏ lòng thương tiếc Otami đã chết yểu. Ai cũng cảm thấy tội nghiệp cho Osumi và thằng Hiroji đã mất đi người kiếm ra tiền quý giá. Đặc biệt, ông đại diện quan khách cũng đã nói rằng quận đã dự định biểu dương công lao của Otami trong những ngày sắp tới. Đối với lời điếu như vậy, Osumi không biết phải làm sao ngoài việc cúi đầu. “Ừ, đây cũng là số mệnh, không nuối tiếc được. Chúng tôi đã đưa đơn lên văn phòng quận từ năm ngoái xin biểu dương cho Otami, anh xã trưởng và tôi đã dùng tiền đi xe lửa đến gặp ông quận trưởng đến năm lần, không phải là chuyện dễ đâu. Nhưng chúng tôi đã phải bỏ cuộc, thôi bà cũng nên thử quên đi.” Ông đại diện đầu hói chất phác lại còn thêm những câu nói giễu cợt như thế. Một giáo viên trẻ ở trường tiểu học nghe chuyện đó, cứ nhìn chăm chăm với vẻ khó chịu.
Đêm làm xong đám ma của Otami, Osumi đã cùng với thằng Hiroji chui vào một cái mùng ở trong góc căn phòng đằng sau, nơi có để bàn thờ Otami. Thường thì dĩ nhiên hai người cùng ngủ trong đêm tối đen. Nhưng đêm nay trên bàn thờ có ngọn đèn Phật thắp lờ mờ. Ngoài ra lại còn có mùi kì lạ của thuốc khử độc chắc đã thấm vào chiếc chiếu cũ. Osumi vì lý do này, lý do nọ nên trằn trọc đến khuya, không dễ ngủ được. Cái chết của Otami chắc chắn đã đem lại cho Osumi một nguồn hạnh phúc to lớn. Bà không làm việc nữa cũng được. Không phải lo bị nói này nói nọ. Thêm vào đó còn có ba ngàn yên tiền để dành, vườn tược lại có đến một mẫu ba công. Từ đây mỗi ngày được tự do ăn cơm chung với thằng cháu. Lại còn có tự do mua nguyên một con cá hồi muối, vật mà bà lúc nào cũng muốn ăn. Osumi suốt đời không có lần nào có được cái khoan khoái như thế này. Cái khoan khoái lớn như thế này?… Nhưng kí ức vẫn còn ghi rõ một đêm chín năm về trước. Cảm giác nhẹ nhõm trong đêm đó hình như không có gì khác với đêm nay. Cái đêm vừa làm xong đám ma cho thằng con trai cùng máu mủ với mình. Đêm nay thì sao?… Đêm nay thì vừa làm xong đám ma cho con dâu đã đẻ ra đứa cháu duy nhất cho mình.
Osumi bất ngờ mở mắt ra. Đứa cháu ngửa gương mặt thơ ngây, ngủ bên cạnh bà. Osumi khi nhìn gương mặt đó bà lần lần cảm thấy người như mình thật là một con người khốn nạn. Đồng thời, bà cũng bắt đầu cảm thấy tội nghiệp cho thằng con Nitaro, và con dâu Otami xấu số ở chung với bà. Giác ngộ bỗng chốc đã đẩy trôi mất những thù ghét hờn giận trong chín năm trời. Không những thế, nó còn đẩy mất niềm hạnh phúc của tương lai đã từng an ủi bà. Cả ba mẹ con đều là những người đáng tội nghiệp. Trong đó, người duy nhất sống xấu hổ vì bị mọi người dòm ngó chính là bà, người đáng tội nghiệp nhất. “Otami. Tại sao mày lại chết đi mất rồi như vậy?” Osumi không biết tại sao mình có thể nói những lời như vậy với người mới mất. Bỗng dưng nước mắt của Osumi bắt đầu rơi tầm tã không ngăn được… Sau khi nghe tiếng đồng hồ gõ bốn giờ, bà đã thiếp đi trong giấc ngủ mệt nhừ. Nhưng lúc đó, bầu trời xung quanh ngôi nhà tranh này cũng đã bắt đầu lành lạnh đón rạng đông…
(1924)
Lê Ngọc Thảo dịch
Chú thích:
(1) Kiếp sau sung sướng, theo thuyết luân hồi của Phật giáo, kiếp này làm điều tốt thì kiếp sau sẽ được an nhàn, sung sướng.
(2) Asashina, từ phía đông muốn vào Kamakura (mạc phủ đầu tiên của Nhật đóng đinh ở đây), phải qua cửa ải Asashina, đường dẫn đến cửa ải này là một khoảng đường dài, chật hẹp. Qua khỏi cửa ải, quang cảnh mở rộng ra.
(3) Hiro, tiếng gọi tắt của Hiroji.
(4) Hồng hachiya, một loại hồng chát dành để làm hồng phơi khô, sản phẩm của làng Hachiya, tỉnh Gifu.