Có hai người phụ nữ tranh chấp một đứa con. Họ đưa nhau đến nhờ quan phân xử, nhưng nhìn họ và đứa bé, các quan không thể nào đoán biết hoặc kết luận được đứa bé là con của người nào; vì cả hai người đều đưa ra các chứng cứ chứng tỏ họ là mẹ của đứa bé. Cuối cùng, vụ kiện được chuyển lên nhà vua.Vua cho đòi hai người mẹ và đứa trẻ đến hầu. Sau khi nghe hai người phụ nữ trình bày, nhà vua nghĩ ngợi một lát rồi phán: -Ta chịu, không thể nào biết đứa bé này là con của ai. Vậy ta kết luận đứa bé là con của cả hai ngươi. Lính đâu! Đem chặt đứa bé này ra làm hai để chia cho hai người mẹ của nó, mỗi người một nửa.Quân lính vâng dạ, lôi đứa bé đi để thi hành lệnh vua, thì một người phụ nữ mặt mày biến sắc, vội quì xuống thưa: - Bẩm vua, con không phải là mẹ đứa bé, con không dám tranh giành đứa bé nữa và xin chịu tội khai báo gian dối, nhận con bừa bãi.Còn người phụ nữ kia vẫn thản nhiên tự tại, nét mặt không có gì thay đổi. Nhà vua cho quân lính dừng tay rồi phán xử:- Giao đứa bé cho người mẹ đang quỳ kia. Bà ta chính là mẹ đứa bé. Sau khi người mẹ nhận con đi khỏi, vua cho lính tra hỏi người phụ nữ còn lại. Quả nhiên, bà ta không phải là mẹ đứa bé. Vua đã tìm ra được người mẹ đích thực của đứa bé bằng một mẹo nhỏ.Lời bàn:Nhà vua đã suy đoán và xử theo tình. Người mẹ luôn luôn có tình thương yêu vô bờ bến đối với con. Trước cái chết của đứa con, tất nhiên người mẹ xúc động, sợ hãi. Họ sẵn sàng từ bỏ quyền làm mẹ để cho con được sống. Chỉ có người không phải là mẹ mới thản nhiên trước cái chết của “con”. Có lẽ, không riêng câu chuyện trên đây mà nhiều chuyện khúc mắc khác có thể được tìm hiểu và xử theo suy luận của cái tình người.