Nguyên tác tiếng Anh "Tass is Authorised to Announce".
Phần 1 - 4

- Ông thấy không, ông Mai-cơn, - Lão Nen-xơn Grin trầm ngâm nói, mắt nhìn lũ cháu nhỏ đang nhào lộn trong bể bơi lát bằng thứ đá túp đỏ, chở từ Thổ Nhĩ Kỳ về, - mọi cảm giác chỉ là cảm giác. Còn xét đoán nó, lại là chuyện khác. Khi xét đoán, có thể đúng hoặc sai … Tôi vẫn còn nhớ một bài giảng của giáo sư Mít-sen, thời xa xưa, thời ông cũng còn để chỏm, chứ chưa phải phó giám đốc Cục tình báo Tung ương như bây giờ. Giáo sư Mít-sen ấy nói rằng, nếu nhìn một mái chèo nhúng xuống nước y như bị gãy, thì cảm giác đó là đúng, vì người quan sát thực sự có cảm giác ấy. Nhưng nếu anh ta lại khẳng định rằng mái chèo gãy thật, thì sự xét đoán ấy sai! Mà lỗi lầm của con người không phải ở chỗ cảm giác sai, kệ nó chứ; vấn đề là ở chỗ xét đoán sai kia, ông Mai-cơn thân mến ạ!
Nói xong rồi, Nen-xơn Grin nheo mắt lại, cặp mắt nhỏ như hai giọt nước của lão ẩn dưới đôi lông mày bạc. Trong các buổi họp của Hội đồng thị sát Công ty “Kim cương thế giới”, mà lão là chủ, các thư ký và nhân viên tốc ký chẳng thể hiểu được là lão già đang nhìn hay là đang ngủ mở mắt nữa!
Còn Mai-cơn Ven-xơ mỉm cười:
- Tôi đang có cảm giác là món dâu tây người ta bày cho chúng ta đây, đang bốc lên mùi hương đồng nội của Tếch-dớt, nói như vậy đúng chứ?
- Đó không phải là cảm giác, ông Mai-cơn! Đó đã là xét đoán rồi đấy. Mà lại là xét đoán sai! Dâu tây đang ăn đây không thể bốc mùi hương Tếch-dớt, vì ở đó đang còn lạnh. Nó bốc mùi đồng nội Châu Phi kia. Tôi phải cho máy bay sang tận Luy-xbua chứ không phải chỉ sang Na-gô-ni-a thôi đâu! Mua dâu tây ở đấy đắt hơn bốn mươi bảy xu mỗi cân, đường đi lại xa hơn một trăm chín mươi hai dặm, tốn thêm bao nhiêu nhiên liệu, thế mới ngao ngán chứ!
- Ông lo sạt nghiệp chắc? – Ven-xơ hỏi đùa.
- Hẳn chứ! – Grin nhại lại giọng ấy - Sạt nghệip bao giờ cũng bắt đầu từng đồng xu, chứ không phải từ bạc triệu!
- Này, thôi không đùa nữa. Ông định tác động vào Ngũ Giác đài ở mức độ nào đấy?
Grin bèn hớp một ngụm chè ướp nhài, hỏi lại, giọng giễu cợt:
- Ông định chở dâu tây bằng máy bay của họ chăng? Tôi nghĩ là tôi có thể tác động được đấy! Nhưng để làm gì?
- Ông Nen-xơn ạ! Chúng tôi đang có một số dự tính về nước Na-gô-ni-a. Tôi cần được Lầu Năm góc ủng hộ.
- Sẽ giải quyết thôi! Nhưng còn bộ ngoại giao? Ông đã bàn những dự tính với họ chưa?
- Hãy còn sớm, chỉ cần đưa họ vào vòng ngay ở phút cuối, không thì dễ lộ bem. Bọn làm ngoại giao rượu chè khiếp lắm! Bệnh nghề nghiệp của họ là xơ gan đấy! Tôi đã nghiên cứu các kết luận của bác sĩ, chọn ra từ ba sứ quán: bảy mươi phần trăm quan chức ngoại giao bị bệnh gan kinh niên cả đấy!
- Đừng láu cá, ông Mai-cơn! Ông biết quá rõ rằng mấy cha ở Bộ Ngoại giao đâu có dửng dưng với mọi quyền lợi của tôi. Nếu tôi mất độ ba trăm triệu bạc ở Na-gô-ni-a, thì họ cũng sẽ bị đi tong mất hai trăm ngàn, mất một món bở đối với họ rồi!...
- Ông Nen-xơn, nhưng xin ông hiểu cho: Đưa Bộ Ngoại giao vào việc bây giờ là quá sớm. Chúng ta phải làm cho xong những việc ta dự định đã…
- Đừng có cãi người già! – Grin cắt ngang - Đại sứ đặc nhiệm là người có cổ phần với tôi, ban thư ký của tôi cứ viết sẵn điều gì, ông ta sẽ nói nấy. Thôi đừng từ chối, ông Mai-cơn, thế không khôn ngoan đâu. Tốt hơn hết, ông hãy nói cho tôi hay ông đang trù liệu những gì, có thể tôi còn giúp được ông, với cương vị cố vấn chẳng hạn!
- Tính toán khéo lắm! Thì đây, chúng tôi đang có gián điệp ở Mát-xcơ-va. Một tay rất thạo tin! Do vậy, ta không phải kế hoạch mò, mà có khả năng tính nước đi của mình, khi biết nước đi đối lại của điện Krem-li. Ông hiểu chứ, chưa bao giờ ta có được một tay nội gián cỡ ấy cả. Vì vậy nên tôi tin chắc thành công.
- Ờ, phải gõ thử mà xem chất gỗ đã…
- Loại thượng thặng – Ven-xơ đập đập ngón tay lên đầu nói - rắn như gỗ bá hương vậy. Có được một người như thế ta phải đánh càng sớm càng tốt. Ta thường thua cuộc luôn, vì ta mất khả năng xét đoán, chỉ hành động theo cảm giác.
- Ông lý sự cũng khá đấy! – Grin nhận xét – Trong mọi thứ, tôi đều thích sự trọn vẹn. Hình thái cao nhất của sự trọn vẹn là hình tròn. Bây giờ tôi phải nói với Lầu Năm góc những gì nào?
- Ông nói làm sao để hạm đội được di chuyển đến bờ biển Na-gô-ni-a đúng ngày giờ bắt đầu chiến dịch của ta. Làm sao cho không quân sẵn sàng chuyển quân đổ bộ sang được đó - độ một ngàn lính “mũ nồi xanh”, biết làm ăn đâu ra đấy, thế là đủ. Vậy thôi!
- Nếu tôi hiểu đúng ý ông, thì ông sẽ đưa hạm đội và không quân vào cuộc ở giai đoạn cuối, giống như một hành động răn đe, phải thế không?
- Phải.
- Còn đại sứ đặc nhiệm mà bản thân tôi phải đích thân lo liệ thì sẽ được đưa vào cuộc lập tức, phải thế không?
- Tôi thì không muốn lắm, ông Nen-xơn ạ. Nhưng nếu ông cứ khăng khăng giữ ý mình…
- Xin cảm ơn. Còn điểm cuối cùng. Khi nào mọi việc đó phải xảy ra?
- Hai ba tuần nữa, chúng ta sẽ lật đổ Gioóc-giơ Gri-xô.
- Chính quyền chi cho vụ này đủ chứ?
- Ông lạ gì, chính quyền bao giờ chẳng tiết kiệm từng đồng…
- Thôi được, tôi sẵn sàng mua một cổ phần của CIA độ ba triệu – Nen-xơn Grin cười khùng khục - Thậm chí bốn triệu… Ông xơi dâu tây nữa chứ?
- Vâng, rất hân hạnh.
XTÊ-PA-NỐP
“Gioóc-giơ Gri-xô trong ảnh trông rất cao, thực ra không đúng vậy. Tầm vóc ông không lớn, người xương xương, nhưng ông cử động ít. Ông quay đầu thận trọng, y như sợ phải trông thấy điều gì đó khủng khiếp.
Khi tôi phát biểu cảm tưởng ấy với ông, Gri-xô đáp chậm rãi: Cảm tưởng của ông đúng đấy, tôi mới tập đi lại được một năm nay. Mọi cử động mạnh vẫn làm tôi đau đớn, hơn nữa tôi lo còn phải đi bệnh viện, mà thời buổi này tôi không có quyền đi nằm bệnh viện.
Và ông kể tôi nghe, tại sao ông mới phải tập đi trở lại:
- Hồi đấu tranh du kích, khi thắng lợi của nhân dân đã hoàn toàn khẳng định, chúng tôi đang vùn vụt tiến về thủ đô thì giám mục Phéc-nan-đê gửi thư cho tôi: Ông đề nghị cuộc gặp gỡ ở làng quê tôi, ông sẵn sàng đến đó một mình vào bất cứ lúc nào, để dàn xếp một kết cục hoà bình và ký hiệp ước chuyển giao quyền lực từng giai đoạn. Chúng tôi đã đưa ra Bộ Chính trị thảo luận vấn đề này. Dù sao, Phéc-nan-đê trước kia vẫn giữ lập trường trung lập; vị trí không xứng đáng lắm với kẻ phụng sự Chúa, mà lẽ ra, ông ta phải đứng về phía những ai bị đày đoạ và bị tước mọi quyền dân chủ. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ ý kiến nên gặp. Tôi nghĩ, Phéc-nan-đê hẳn vẫn còn nhớ đến thời thơ ấu, nhớ lại là ông đã hứng chịu biết bao điều nhục nhã trước khi những nhà truyền đạo đưa ông ta, khi đó còn là một cậu bé da đen nhỏ tuổi, sang Rô-ma.
Khi tôi gặp Phéc-nan-đê, mọi việc trôi chảy, những đề nghị của ông ta có thể làm cơ sở để thương lượng được. Chúng tôi đã thảo ra một tuyên bố chung, chỉ có hai người, không thêm ai hết, như chính ông ta đề nghị. Thế rồi bọn lính com-măng-đô lặng lẽ bò vào làng. Lúc ấy tôi không có vũ khí, chả lẽ lại không tin đức giám mục, chính ông ấy đã ra điều kiện tay không đến cuộc gặp gỡ kia mà!... Trước tiên, bọn chúng tra tấn Phéc-nan-đê. Chúng buộc ông thừa nhận một điều thôi: “Ăn tiền của cộng sản và theo lệnh họ, kêu gọi nhân dân bất tuân thượng lệnh”. Giám mục đã chịu đựng rất cứng cỏi. Bọn chúng gí than đỏ vào gan bàn chân và thọc kim nung nóng vào dưới móng tay ông. Rồi bọn chúng quay sang tôi. Chúng trói tay chân treo lên cây, dốc đầu xuống, giống như người trượt từ tảng đá cao lao đầu xuống biển. Tôi rất khoẻ và chịu được hết mọi ngón tra tấn mà chúng gọi là trò “con én”. Chúng bèn dẫn mẹ tôi tới, lột quần áo của bà ra, và nói rằng sẽ thiêu sống bà ngay trước mặt tôi, nếu tôi không từ bỏ sự nghiệp của mình, và không khai rõ chỗ ở của Bộ chỉ huy du kích. Tôi im lặng. Không thể chọn cách khác được. Khi chúng xô mẹ tôi xuống đất và tưới xăng lên bà, tôi thét lên, rằng tất cả bọn chúng sẽ phải đền tội ác man rợ ấy. Tôi bảo chúng hãy giết tôi bằng cách gì khủng khiếp nhất cũng được, vì tôi mới là kẻ thù của chúng, chứ đâu phải là mẹ già tôi. Chúng trả lời, là mụ già đã đẻ ra lũ cướp không còn tim, một khi đứa con đã dám đem mẹ ra hy sinh cho những lý tưởng điên rồ của hắn, thì tha mụ sao được. Khi bọn chúng quăng mồi lửa vào mẹ tôi, tôi oằn oại, thết lên thất thanh. Nhưng mẹ tôi chỉ bảo: “Con đừng làm thế, cẩn thận đấy, kẻo lại gãy xương con ạ!”
Gri-xô hút hơi thuốc, hớp ngụm nước, tiếp tục kể:
- Sau đó, chúng dẫn con trai tôi là Va-lê-ri-ô đến. Chúng cũng lột hết quần áo, nói đúng hơn là xé toạc cái áo sơ-mi của nó ra, đó là món quà tôi tặng cho con. Cái áo bằng vải ka-ki, cắt ra và may lại từ cai áo khoác của vợ tôi, cái áo mà thằng bé rất hãnh diện. Nó gào lên, chìa bàn tay xinh xắn về phía tôi, lặp đi lặp lại: “Bố ơi, cứu con với! Cứu con với, bố ơi!”
Giám mục Phéc-nan-đê thì vẫn đứng nguyền rủa bọn đồ tể, ông bắt đầu thét lên một cách đáng sợ, thế là một tên com-măng-đô xả ngay vào ông ấy một tràng tiểu liên. Nhưng các chiến sĩ du kích của tôi đã nghe thấy tiếng súng. Họ xông vào làng ngay. Ấn tượng cuối cùng tôi nhớ được là khẩu súng trường tự động chĩa vào bụng tôi. Tên com-măng-đô lấy họng súng cù cù tôi, và nhắc đi nhắc lại: “Nào, cười lên, cười đi, Gioóc-giơ, mày vẫn cười vui lắm mà, hở thằng trí thức đeo kính!”. Rồi hắn ấn cò… Tôi chỉ tỉnh lại ở bệnh viện, hai tháng sau. Còn đúng ba tháng sau thì qâun du kích tiến vào thủ đô. Đấy, vì thế mà giờ đây tôi quay người chậm chạp và đi lại rất khó khăn. Thật bực mình, vào năm ba mươi sáu tuổi đã như anh què, tuy tôi còn bắn được như trước kia, và ngòi bút vẫn còn chịu sự điều khiển của tôi như trước.
Ông đôn hậu nở nụ cười chua chát của một người đã từng giáp mặt với cái chết, và kết thúc cuộc phỏng vấn:
- Tôi sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của ông về tình hình trong nước, nhưng xin hoãn đến tuần sau. Bây giờ tôi phải bay đi biên giới. Ô-ga-nô đang dồn cả bọn lâu la đến đó. Vấn đề thể chế Nhà nước chúng tôi đang còn là vấn đề tương lai, nó sẽ được quyết định ngay ở chiến trường. Theo tôi, hiện nay không còn lực lượng nào có thể chặn tay được bọn Ô-ga-nô, sau lưng có CIA và Bắc Kinh ủng hộ, ngừng cuộc tấn công vào Tổ quốc tôi. Và tôi cũng nghĩ rằng con đường Nghị viện cũng không gỡ nút được tình hình này. Tuy nhiên, tôi vẫn chuẩn bị tinh thần đến đàm phán với hắn, tay không mang vũ khí. Tôi sẽ đến đó bình thản, nếu hắn tráo trở, hắn chỉ có thể giết nổi mình tôi thôi, điều đó hoàn toàn không đáng sợ, một khi đã quyết hy sinh cho Tổ quốc. Xin lỗi ông vì những lời có phần quá thống thiết, nhưng tôi đã nói lên điều tôi vẫn tâm niệm, vì vậy dùng mọi lời lẽ khác đều có vẻ tô vẽ”.
Đặc phái viên Đơ-mi-tơ-ri Xtê-pa-nốp, truyền bằng điện thoại từ Na-gô-ni-a: Xin đề nghị biên tập đừng cắt đoạn nào, dù phải miêu tả sự thật khủng khiếp trước người đọc. Nếu lược đi còn độ một trăm dòng, cắt gọt mượt mà, thì tốt hơn là không đăng. Tôi sẽ về vào thứ bảy tuần sau. Gửi lời chào tất cả anh em! Đ.Xtê-pa-nốp.
°

*

Đại sứ Liên Xô đọc hết bài phóng sự của Xtê-pa-nốp và hỏi:
- Chẳng lẽ con người ấy sẽ dang tay cho chúng chặt sao?
- Đó cũng nằm trong tính cách của chúng ta. Chúng ta ưa mềm mỏng, nói đúng hơn là ưa tế nhị, lịch thiệp. Nhưng cái kiểu quân tử như thế, đôi khi còn tệ hơn cả ăn cắp! Đồng chí đã xem buổi truyền hình về chuyện chống nghiện rượu trên Tivi Mát-xcơ-va chưa?
- Chưa có dịp, đồng chí Xtê-pa-nốp ạ.
- Tôi khuyên đồng chí nên xem. Họ làm một trò tài tử là đưa một anh chàng thôi miên lên màn ảnh, để anh ta ru ngủ mấy tay nghiện rượu ở phòng y tế. Có ru ngủ hay không thì chưa chứng minh được. Người xem chờ đợi một trò ảo thuật, nhưng ảo thuật cũng không có nốt! Bọn nghiện rượu được một mẻ cười! Giá như đưa hẳn lên cách bài trừ rượu thẳng thừng có phải tốt hơn không?
- Trời mà biết được! Tuyên truyền ngày nay là một hình thức của chính trị, thẳng thừng quá, nhiều khi lại nguy hiểm!...
- Đồng chí nói về chính sách ngoại giao thì đúng. Nhưng đây là vấn đề nguyên tắc kia: Có để người ta chặt tay hay không? Ta còn chờ gì nữa nhỉ?
- Tôi cho Gri-xô nói đúng: Ô-ga-nô không đàm phán gì đâu. Hắn chẳng có việc gì để ngồi vào đó, hắn là tên bù nhìn được nặn lên. Hắn cần làm đảo chính, có thế thôi. Vấn đề là thời điểm. Nếu như Gri-xô có độ nửa năm chuẩn bị, ông sẽ chẳng phải sợ gì Ô-ga-nô, đến mười tên phiến loạn cỡ ấy cũng không sợ! Đáng tiếc thật… Thiếu thời gian, không phải là một người mà là cả một đất nước… Tuy nhiên, tôi vẫn không hiểu nổi bọn Mỹ, chúng đánh một ván bài quá ngốc nghếch với loại như Ô-ga-nô… Tư duy có hệ thống khác với thứ tư duy chẻ sự vật ra mà phân tích, vì nó nhất thiết phải tính đến các dữ kiện đi kèm, các yếu tố giúp ta hiểu sự vật đầy đủ hơn, bao quát hơn. Thiếu cơ sổ ABC ấy của tư duy, người Mỹ sẽ chỉ xôi hỏng bỏng không thôi!... Khi nào đồng chí về Mát-xcơ-va?
- Mai ạ. Nhưng tôi sẽ chỉ về đó độ vài ba hôm thôi.
°

*

“Điện tối mật: Gửi điện Krem-li, Mát-xcơ-va.
Chúng tôi – chính phủ Na-gô-ni-a, đề nghị Mát-xcơ-va viện trợ kinh tế khẩn cấp, do tình hình bị phong tỏa kinh tế triệt để. Bọn thân Mỹ và thân Trung Quốc vây chặt quanh chúng tôi. Nguy cơ xâm lược quân sự đe doạ trực tiếp. Nếu Liên Xô không viện trợ gấp, số phận cuộc cách mạng của Na-gô-ni-a có nguy cơ bị tiêu diệt.
Thủ tướng G.Gri-xô”
°

*

“Điện tối mật: Gửi Mát-xcơ-va.
Ba cố vấn đến đây cùng tôi không thể làm nổi việc gì, sau khi nghiên cứu tình hình tại chỗ. Chủ nghĩa thực dân đã ngu dân hóa triệt để. Các kỹ sư, bác sĩ, nhà nông học ở Na-gô-ni-a thực tế là không có. Bọn phản động hoành hành liên tục khắp nơi. 40% dân số mắc bệnh lao, 70% bị đau mắt hột, 98% mù chữ. Cần phái sang đây ít nhất từ 300 đến 500 chuyên gia.
Đại sứ Liên Xô tại Na-gô-ni-a A.A-li-ô-sin”
°

*

“Điện tuyệt mật: Gửi Bắc Kinh.
Bọn Nga đã bắt đầu tung cố vấn sang Na-gô-ni-a.
Tướng Ô-ga-nô theo chỉ thị của chúng tôi đã gặp sứ quán Mỹ ở Luy-xbua, để xin viện trợ quân sự trực tiếp.
Đại sứ CHND Trung Hoa tại Na-gô-ni-a
Đỗ Lý Nghị”
°

*

“Điện tuyệt mật: Gửi Cục tình báo trung ương Mỹ.
Việc chuẩn bị chiến dịch “Ngọn đuốc” thực tế đã hoàn tất. Tuy nhiên nhiều nguồn tin cho hay là trong thời gian trước mắt, bọn Nga sẽ cung cấp cho Na-gô-ni-a một đợt hàng kỹ thuật lớn, việc này có ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động của chúng ta tại đó. Vì tầm quan trọng của chiến dịch “Ngọn đuốc”, tôi đề nghị Trung tâm nên hỏi ngay điệp viên nội gián có bí danh Tỉnh táo, về quy mô cuộc cung cấp này của Nga.
Rô-bớt Lo-ren-xơ, nhân viên CIA tại Luy-xbua”
°

*

“Trích tuyên bố của đại sứ Mỹ:
Công bằng xã hội, dân chủ, trật tự trong luật pháp là những điều duy nhất mà những người ái quốc Na-gô-ni-a, đứng đầu là tướng Ô-ga-nô đang mong muốn. Họ bị chính phủ Gri-xô đối xử rất vô nhân đạo.
Nước chúng tôi chưa bao giờ can thiệp và không hề có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Tuy nhiên, từ trên diễn đàn cao quý này, tôi không thể không nói rằng dư luận Hoa Kỳ đang theo dõi chăm chú những sự kiện đang phát triển ở đất nước Châu Phi này. Đồng thời, tôi xin tuyên bố về những tin đồn trên báo chí, rằng dường như Hoa Kỳ đang tiếp xúc với Bắc Kinh để tiến hành lật đổ chính phủ hiện nay ở Na-gô-ni-a, là hoàn toàn vô căn cứ và sự bịa đặt có tính chất vu khống…”
NHỊP ĐỘ
Côn-xtan-ti-nốp cất kính vào bao, mỉm cười với Pa-nốp ở ban giải mã, anh chàng này thở dài sườn sượt, đặt trước đồng chí bảng chữ số:
45225, 66167, 85, 141965, 5181713
- Tháng này bọn chúng điện cho hắn cả thảy bao nhiêu lần?
- Nhiều vô kể. Đây là đợt thứ tư. Đồng chí chắc là “hắn” à? Nhỡ là “ả” thì sao?
- Thật đáng tiếc, nếu là phụ nữ cái giá phải trả cũng là như nhau. Nhưng nhiều phối âm có vẻ nam giới nằm trong các chữ số, đồng chí có thấy thế không?
- “Những phối âm kiểu nam giới…”. Một định nghĩa đáng giá đấy. Mà quả đúng như vậy, đồng chí thiếu tướng ạ!
- Đồng chí cho rằng không thể giải mã được những tín hiệu vô tuyến này, nếu ta không có chìa khóa giải, phải không?
- Thì đồng chí thử xem đây! – Pa-nốp vừa nói vừa đặt lên bàn tờ giấy đầy những chấm, những số, những gạch ngang bí ẩn.
- Giống như thơ vị lai I-ta-li-a hồi đầu ấy nhỉ!
Côn-xtan-ti-nốp nhận xét, rồi đứng dậy về phòng, để một điếu xì – gà lại cho Pa-nốp. Hôm nay, ông phải trực về công tác phản gián.
Trong chiếc cặp giấy đỏ ở bàn làm việc của ông, có bức điện mật mã mới đánh từ Na-gô-ni-a: Hai chuyên gia Xô-viết bị bọn Ô-ga-nô bắn, cả hai được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.
Chiếc cặp giấy xanh chứa những tài liệu đặc biệt quan trọng cũng nằm trên bàn. Ở đó có một bức thư lạ, viết bằng tiếng Nga, chỉ vừa mới nhận được nửa giờ trước đây từ đại sứ quán Liên Xô ở Na-gô-ni-a.
XLA - VIN
- Chỉ nay mai thế nào cũng có đánh nhau – phóng viên Xtê-pa-nốp nhắc lại, vẻ chắc chắn – Và sẽ rất dữ dội.
- Thế tại sao cậu lại bứt khỏi đó chớp nhoáng, đúng vào lúc này? – Xla-vin hỏi.
- Mình về nộp phim, Vi-ta-li ạ. Đã có lệ rồi mà. Kế hoạch là trên hết!
- Loạt phim đạt chứ?
- Theo mình là được. Ngày kia, mình sẽ trở lại đó.
- Tớ phát ghen với cậu đấy!
- “Ông bầu về các tình hình khủng hoảng” đã quyết định rồi mà! - Xtê-pa-nốp cười khì, rồi ngả người xuống ghế tựa. Ở đây, trong câu lạc bộ Hội nhà văn, không khí đang náo nhiệt. Món xúp ô-crô-sca đầu tiên trong năm được đem ra phục vụ (1). Có người đồn rằng sắp có cả tôm và bia hơi cực ngon, từ câu lạc bộ Báo chí đưa sang, nên sự náo nhiệt lại càng tăng, càng háo hức.
- Họ chẳng chịu đi liên hệ mua về cho anh em đâu! – Xtê-pa-nốp nhăn mặt nói, và đẩy món xà-lách về phía Xla-vin.
- Ở đời phải vừa lòng với những gì anh đang có thôi. Đừng mong có bia Pen-den và tôm Rô-xtốp nữa, làm gì có ở đây!
- Chịu khó ăn chay vậy – Xla-vin khuyên. Rất có ích đối với người sáng tác đấy!
- Vậy à, -Xtê-pa-nốp cười xoà và rót rượu vốt-ca ra các ly – Ăn chay là sự tự hạn chế, mà mọi thứ hạn chế, dù là vì tự do đi chăng nữa, cũng vẫn là một hình thức của nô lệ…
- Cậu cãi không nổi với Ăng-ghen đâu. Tự do đó là điều tất yếu nhưng có ý thức; nó được khắc lên bia đá rồi, ông bạn thân mến ạ, đừng có động vào…
- Nâng cốc chúc cậu nhé! – Xtê-pa-nốp nâng ly rượu lên.
- Này, nhưng tớ chỉ xin một cốc rượu vang thôi đấy!
- Uống vốt-ca hơn chứ?
- Mi-chi-a ạ, về lý thuyết thì tớ cũng chấp nhận thế, chỉ có điều, cơ thể tớ không chấp nhận được! Tớ chỉ uống vốt-ca trong trường hợp công vụ đòi hỏi thôi.
- Cậu đạo mạo gớm nhỉ!
Xla-vin mỉm cười:
- Ồ, trái lại, tó chơi thể thao ra trò đấy, Mi-chi-a ạ! Tớ đánh ten-nít như điên ấy chứ!
- Này, Vi-ta-li, thế cậu có dễ nổi khùng không?
- Không bao giờ!
- Cậu tự phụ nhỉ!
- Mi-chi-a ạ, cũng không phải thế. Tớ muốn định nghĩa rằng tớ là người tự tin, thế thôi! Còn về chuyện hạn chế và tự do, thì tớ có đọc một khái niệm khá láu lỉnh của Bô-nan. Theo thuyết của ông ta, con người đã không tự do ngay từ lúc lọt lòng, mà lỗi là ở tự nhiên, bởi vì chính nó là kẻ hạn chế nhiều thứ chủ yếu ở con người. Con người chỉ có thể trở nên tự do trong trường hợp bỏ vào đó những nỗ lực tối đa để giành giật lấy những gì lẽ ra bị tước đoạt mất!...
… Người phụ trách nhà ăn nhòm vào căn phòng nhỏ, được che chắn và trang trí lại từ cái khoảnh hiên cũ, và hỏi:
- Đồng chí Xla-vin ở đây phải không? Mời đồng chí đến ngay điện thoại, có người gọi gấp.
- Món kem thế là không thành rồi! – Xla-vin chấm dứt câu chuyện - Chắc là có việc quan trọng. Cậu đi mạnh giỏi nhé, Mi-chi-a.
(1) Ô-crô-sca: món ăn lạnh bằng nước kơ-vát với rau và thịt.
Tác giả là Yulian Semenov (1931-1993),
(còn được phiên âm là Julian Semyonov), nhà văn Liên Xô.
Nguyên tác tiếng Anh "Tass is Authorised to Announce".