Tiếng chim tu hú nghe thật khác thường. Nó như đã thành tinh, biết trước được những gì gắp xảy ra với bản thân nó, với ngôi nhà của nó. Chỉ mấy người lớn tuổi phần nhiều là đàn ông ở trong khu tập thể xế sau mảnh vườn, kề con sông Lấp là hiểu được điều đó. Cụ thể là ba người đàn ông ít ngủ: Anh Đặng, anh Hiến và tôi. Số là con chim tu hú này từng lang thang trong lùm cây dại dọc bờ con sông Lấp. Những năm ấy dọc con sông còn vắng, nước đầy và nhiều mảng rau muống xanh um. Sau chẳng hiểu sao nó chuyển nhà vào khu vườn thuốc. Bấy giờ vườn thuốc còn nguyên sơ, mấy luống đất gầy guộc giữa những loài cây dại um tùm. Sau đó mảnh vườn cũng đẩy số phận như người, thay đổi theo phong trào. Phong trào trồng thuốc nam lên thì người ta hùng hổ tay dao tay rựa xông vào chặt, lấy đất trồng cây thuốc. Xong đâu đấy lại để hoang phế, chậu cây nghiêng ngả, cây dại trùm lên khắp. Phong trào lên lại hùng hổ xông ra. Nó ở không yên chỗ, tính ra nó đến ba, bốn lần chuyển nhà cả thảy. Mỗi lần như vậy, như nó đều biết trước. Không chỉ phút chốc ngôi nhà của nó tan nát đã đành, mà rất có thể một lưỡi dao bất chợt phạt đứt thân nó. Những lần biến thiên như thế dường như chỉ có mấy người già trong khu tập thể phía sau vườn là biết. Cụ thể là anh Đặng, anh Hiền và tôi. Anh Hiền vốn hiền lành: Nó như chúng mình ở trong thành phố. Nên nghe tiếng nó khác xa vùng thôn quê, ở những bờ cây hoặc vườn vải, vườn nhãn... Tôi xen vào: - Thành tinh rồi. Sắp có chuyện gì là nó kêu lạ lắm, như dự báo... Anh Đặng (ngày ấy còn khỏe), thì nói rất sâu: - Đúng, nó như đọc được tâm trạng con người. Các ông thấy không, nó phục kích khi con người ta ở vào trạng thái có vấn đề nhất là nó kêu. Như hôm trời nóng nhất hết chịu nổi, hoặc sau một trận mưa đêm mát mẻ. Vâng, nhất là sau trận mưa đêm như lọc đi tất cả. Nó kêu, nó gọi, nó hát, nó khóc. Như có cả tầng tầng áp thấp vần vụ đọng vào tiếng kêu của nó. Như nó biết tất cả!... Sau đó ba người đàn ông lặng lẽ lùi vào bóng tối, ai về hộp gia đình của người ấy. Anh Đặng ngày ấy dù khuya mấy cũng có thòi quen tìm ra đầu hồi nhà, ngắm sao trời, ngóng về góc vườn nơi con chim tu hú ở, nghe cho được tiếng kêu dài của nó... rồi mới lên giường như một kẻ mộng du. Vào màn còn lẩm bẩm một mình: “Hệt như phận người ấy nhỉ”. Bà vợ hỏi: “Ông lại lẩm bẩm gì thế?”. Mãi sau mới lên tiếng quát: “Quên đi!” Đặng nằm tủi thân ôm lấy cái bụng đau quặn về đêm, nghe tiếng chim tu hú não ruột. Bấy giờ cơ quan mới thành lập ở chiến khu Việt Bắc, Đặng là chàng trai có mặt đợt đầu, đầy mơ mộng. Tổ chức nhận xét: - Đồng chí Đặng hăng hái! Có học, anh làm chân văn thư, chuyên chạy công văn dọc các cánh rừng. Hồi ấy đêm đêm anh cũng nghe tiếng một loài chim, nhưng tuổi trẻ không để ý. Ngoài mơ mộng, anh còn tinh ý, chạy công văn nhanh, điều gì cũng biết, cũng phân tích được. Tổ chức, nhất là ngài thủ trưởng ranh ma sợ anh đi nhiều thế thì biết mọi chuyện về lai lịch, quan hệ của mình... Bèn quyết định: - Đồng chí Đặng có trình độ, viết được, lại có khiếu trình bày. Tăng cường cho tổ viết... Tổ viết chưa ấm chỗ, lặn lội qua mấy chiến dịch, tay viết có lên được chút đỉnh, được xếp vào tổ phó... Đặng không biết tay T. tổ chức có đứa con vừa đi học xong ở quê, định dấm vào cơ quan bố, lại sợ có Đặng, kẹt vào con đường thăng tiến tổ phó tổ trường của con mình. Bèn bày trò quyết định: - Đồng chí Đặng có năng khiếu hội họa. Điều đồng chí sang tổ trình bày... Tổ trình bày chưa ấm chỗ. Chàng thanh niên Đặng không biết được nguy cơ đến sau lưng mình. Tay thủ trưởng giăng hoa H, trước Đặng ở chân liên lạc, sợ chàng tinh ý biết hết mọi chuyện, kìm chân lại, giam vào tổ viết. May ở đây tay này lại dan díu với cô họa sĩ trẻ. Vậy là Đặng lại thành quả bóng, thành vật tế thần. Lợi dụng sức khỏe chàng Đặng kém sút, cộng thêm một vài lỗi trong chuyên môn. Khi đã ở tuổi xế bóng, Đặng nhận được quyết định: - Đồng chí Đặng sang tổ đời sống! Bấy giờ thì Đặng bừng tỉnh, nhớ đến tiếng chim tu hú không bao giờ ấm chỗ, cất lên tiếng kêu dằng dặc dọc những cánh rừng, anh gào lên: - Tôi chẳng khác con chim tu hú. Chẳng bao giờ người ta để cho yên chỗ! Năm trước anh bị ung thư. Đêm đêm đau đớn anh lại ra trước hiên nhà, ngắm lên trời sao như những giọt lệ, nghe tiếng chim khảm khắc rồi mới yên tâm lên giường nằm. Đêm cuối cùng trước lúc ra đi, anh linh tính ngồi dậy hét lớn: - Từ mai là tôi được yên chỗ rồi! Đêm ấy anh mất, trong tiếng chim tu hú khản đặc. Từ đó tu hú ngừng kêu mấy ngày, như có ý để tang cho người, sau đó kêu lại nhưng tiếng cứ rớt xuống như những giọt nước mát. Thực ra dạo trước đó nó đã kêu khác đi, như một dự báo. Đàn bà và đa phần đàn ông chỉ biết có nốc là duy vật biện chứng cười cợt ác độc: “Rõ tu hú hóa tinh. Nó biết trước việc lão Đặng dở người sắp ngoẻo là kêu báo trước. Hay nó chính là con chim lợn trá hình cũng chưa biết chừng”. Chỉ có nhóm bạn số phận trong đó sót lại anh Hiền và tôi là không nghĩ như vậy. Thương nhớ anh Đặng và hiểu tiếng chim tu hú. Anh Hiền có nét khác anh Đặng và sau ngày anh Đặng mất lại càng lộ nét khác hơn. Số là anh Đặng thường lén nghe tiếng chim tu hú vào lúc thật khuya rồi mới lên giường nằm, thì anh Hiền lại có thói quen dậy sớm từ ba, bốn giờ sáng chỉ mong được nghe tu hú kêu vào khoảnh khắc lạ lùng đó. Vốn sau khi đi bước nữa ở cái tuổi quá lục tuần, tinh lực đã cạn, cô vợ trẻ cường lực sinh con nhỏ, anh toàn được phân công trực phiên sáng. Đủ thứ việc, giặt giũ, chuẩn bị hàng vặt cho cô vợ dậy bán, khi làm nấm, khi làm bánh... Chứng bệnh tim từ xưa và cơn đau cột sống lúc trở trời khiến anh nhức nhối, bước vẹo đi. Tu hú cũng vậy, lúc thật trở trời thì nó nhức mỏi và cất tiếng kêu lạc nhịp vào tảng sáng. Cô vợ thấy vậy nằm trong mùng nói vọng ra: “Vô tư đi! Làm nhiều thì mới sống lâu bố ạ!”. Thực ra anh Hiền ở bậc tuổi bố của người đàn bà quá lứa này. Người vợ trước bỏ anh thuộc thế hệ “vợ bao cấp” từ trong ra ngoài, cô vợ nay thuộc thế hệ “vợ kinh tế thị trường”. Nhó cái thuở trai tráng xây cái “tổ chim tu hú” đầu tiên ấy, chẳng ngờ về sau nó hóa thành tổ chim bìm bịp”, anh Hiền cùng lứa bạn dù mơ mộng nhưng cũng có nhiều cái khôn láu khôn vặt hơn thanh niên thời nay. Mình trai trẻ, có chữ, chẳng tội gì lao vào cảnh “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” cho khổ. Có điều kiện bay nhảy đây đó, cầm cây bút phỏng vấn này nọ, chẳng dại gì không nhìn vào nơi “chuột sa chĩnh gạo” nhằm vào con gái các ông cốp, ông làm to. Một buổi tìm đến một câu lạc bộ nhảy múa đâu đó, anh chàng Hiền để ý một em đẫy đà, mắt liếc môi cười, đầy hấp dẫn. Xì xầm: “Con gái ông bộ, thứ trưởng nào đấy”. Chàng Hiền cũng là trí thức, cao to đẹp trai kém gì. Một hôm nàng bảo: - Điện thoại nhà em. Có dịp anh đến chơi! Ghê thật, hồi ấy đã mấy ai có điện thoại. Anh Hiền lao vào như con thiêu thân. Và cuộc tình duyên chóng vánh. Chàng Hiền mãn nguyện, tự tin, làm rể được ông to đã đành, cái chính là nhận lấy bộ “den” di truyền con nhà tử tế thời thượng cho con cái nó ấm cái thân. Thực ra bố nàng chỉ là Cục phó Cục thực phẩm lương thực. Nàng lại không phải là con đẻ. Thời trước mấy ông bà làm to hoạt động vùng rừng rũ vẫn có cách nhận con nuôi. Vợ Hiền chẳng có “den” thông minh thời thượng gì, về sau chỉ lộ tính hưởng thụ, hoang dại. Hiền ta bị lừa. Tổ ấm của chàng chỉ là cái tổ chim bìm bịp. Và chàng ở phận chim tu hú. Vợ chơi bời, mấy đứa con tuổi ăn, tuổi học. Hiền làm việc đến kiết xác, không từ việc gì. Thậm chí buôn bán vặt, từ mấy bao thuốc lá phân phối đến mấy gói kẹo... Một lần xe đạp đèo mấy cái túi trên đường sơ tán. Người chức trách từ đâu ập ra: - Anh đã bị bắt! Khám xét chỉ vì mấy bao thuốc lá. Thuở ấy thuốc lá thuộc loại phân phối, đem đi bán là phạm pháp như thuốc phiện ma túy bây giờ. Hiền phải vào tù, lần đầu tiên nghe tiếng chim tu hú kêu đến cháy lòng ở trong một cánh rừng, nơi trại giam sơ tán. Ra tù, Hiền chỉ còn tay trắng. Vợ bỏ. Đàn con nhếch nhác. Hiền đổ bệnh, trái tim đau dấm dứt như bị nghiền nát... Nhưng số phận còn đoái thương Hiền, đưa đến cho anh một cô vợ đảm. ả đúng tuổi thằng con đầu, không xinh, không xấu, sắc sảo kiểu vừa là đàn ông vừa đàn bà thời kinh tế thị trường. Cái chính là ả dám làm, dám chịu trách nhiệm như việc gắn đời mình với đời “ông già Hiền”. Vất vả lắm cuối cùng trong nhà cũng có được tiếng trẻ khóc, dù mồm miệng thiên hạ đàm tiếu thế nào. Người đàn bà lỡ thì có được đứa con, hóa thành cỗ máy vừa đại tu, vận hành cật lực đến chát chúa. Chỉ khổ cái ông già bệnh tim theo lẽo đẽo, gần như suốt cả hai mươi bốn tiếng. Ngày họ có được cái phòng ở sửa sang lại, thằng con lớn hùng hổ tìm đến: - Bố ngăn nhà để tôi lấy vợ! Căn phòng ngăn đôi. Trước đó con chim tu hú kêu buồn và gắt. Anh Hiền tưởng gục xuống. ả vợ trẻ tinh tướng người thời nay khôn trước tuổi, coi như không có chuyện gì xảy ra, còn bình tĩnh động viên “ông già Hiền” nữa: “Ngăn thì ngăn. Vô tư đi!”. Và cỗ máy cứ vận hành chát chúa. Anh Hiền cứ lẽo đẽo theo. Cho đến một ngày ả nói toạc ra, như là tổng kết cuộc đời người có tên là Hiền: - Ông quả là con tu hú già khọm! Người ta hiểu câu ấy theo cách nào cũng được. Mảnh vườn thuốc phía trước lại như số phận anh Đặng, anh Hiền, số phận cuộc đời. Sau thời gian dài để hoang phế, lại đến phong trào vườn thuốc nam. Lại tay dao tay cuốc, có người còn mang theo súng bắn chim nữa, xông vào chặt phá... Hôm ấy trời đổ mưa to. Con chim tu hú chờ đêm đến kêu lên một hồi rõ dài, rồi im bặt. Từ đó không thấy kêu nữa. Tôi buồn. Anh Hiền lại động viên: - Đừng buồn ông Phan ạ. Lại có loài chim khác đến hót cho chúng ta nghe... - Chim gì vậy? Chim có tên lạ lắm: “Vô tư đi!” “Quên đi!”. Ông không nghe chúng đang hót đấy ư?