NGÀY SINH NHẬT ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG DIỆU AN Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ. Duy chỉ một người, không ai lo đến - ông nội già yếu. Và cho đến một ngày - ngày ông nội mất. Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào? Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông? Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào? Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cha ông trong chứng minh nhân dân đề làm bia mộ cho ông. Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông. CHÈNG ƠI! VÕ THÀNH AN Cháu học ở thành phố, lần về thăm quê đem theo cả cô người yêu cùng về. Ngoại mừng ra mặt, lo lắng từ chỗ ngủ, bữa ăn sao cho đưa cháu thật sự vui lòng. Ở quê câu chữ khó diễn đạt, một tiếng ngoại cũng chèng ơi, hai tiếng cũng chèng ơi... Đứa cháu tỏ vẻ không bằng lòng, kéo ngoại ra hè bảo ngoại đừng nói câu ấy nữa, nghe... quê lắm. Ngoại cười hiu hắt và từ đó ngoại ít nói hơn. Nhớ thửơ nhỏ mỗi khi cháu ngã té đau, biếng ăn một chút là ngoại kêu lên hai tiếng: Chèng ơi! Kêu riết thành quen. NGHỀ CỦA MẸ VÕ THÀNH AN Mẹ tôi làm nghề bán cá. Mùa nước nổi mẹ bán cá linh. Cá linh đưa lên bờ mau chết dễ sình, nên xuống bến mua cá xong mẹ phải chạy rao bán khắp xóm. Có lần mẹ đội thau cá đồng trước cổng trường tiểu học nơi tôi học, ở ngoài rào mẹ ngoắc tôi đến, cốt đưa cho gói xôi, cái bánh... Mấy năm học xa, tôi không cho ai biết mẹ làm nghề bán cá. Nay về, giữa mênh mông đồng nước quê mình, tự thấy như chưa bao giờ tròn chữ hiếu cùng mẹ. MÙA CÁ BÔNG LAU VÕ THÀNH AN Quê tôi ở ngã ba sông Vàm Nao, nơi nổi tiếng có nhiều cá bông lau. Dầu vậy, giá cá ở đây cũng không phải rẻ. Đến mùa, thỉnh thoảng má mua một khứa cá nhỏ nấu nồi canh chua để cả nhà cùng ăn. Thường anh chị em tôi nhường phần cá cho má. Má nói cá tanh, thích rau hơn. Cậu ở thành phố xuống đòi ăn canh chua cá bông lau má nấu. Cậu chạy mua con cá to. Đến bữa không thấy má gắp cá. Cậu bảo: “Hồi xưa chị thích nhất món cá này?” Tôi thấy má tôi bối rối. Giờ tôi mới hiểu là vì sao má bảo không thích ăn cá. CANH CHUA ĐIÊN ĐIỂN VÕ THÀNH AN Mùa nước nổi cũng vào mùa bông điên điển. Chiều mẹ bảo ăn canh chua điên điền là chị cùng tôi bơi xuồng ra đồng hái bông. Vui lắm. Chị lấy chồng xa, phần tôi thỉnh thoảng về thăm mẹ, mùa nước nổi cũng được mẹ nấu cho ăn canh chua điên điển, nhưng bông mua ở chợ. Nồi canh bây giờ không phải mẹ nấu không ngon nhưng ăn thấy thiếu thiếu... Thiếu sự đầm ấm của những lần cùng chị bơi xuồng đi hái bông về để mẹ nấu canh chua cả nhà ăn cùng. NGƯỜI CHA VÕ THÀNH AN Nhà có cậu con trai duy nhất ba cưng. Lớn lên con trai với ba như người bạn tâm tình, đi đâu cũng đi cùng, cả khi ăn sáng, uống cà-phê... Học xong đại học, con trai thành đạt, lấy vợ. Bận nọ cùng vợ vào quán nước thấy ba ngồi một mình, con trai cùng vợ đến chào, ba vui ra mặt bảo ngồi cùng ba đãi. Bây giờ con trai mới hiểu, từ khi mình lấy vợ ba vẫn hay đi đâu đó một mình. Mẹ trách phải: “Con trai dễ quên cha mẹ khi… lấy vợ” LÒNG MẸ VÕ THÀNH AN Mẹ ở quê lên thăm. Vợ chồng mới cưới lại sớm ra ở riêng nên nhà cửa bừa bộn. Mới đến là mẹ loay hoay vào bếp rửa chồng chén, dĩa; quay sang giặt đồ... suốt cả ngày, ngăn thế nào cũng chẳng được. Chiều cầm mẹ ở lại chơi để vợ chồng đưa đi coi hát. Mẹ bảo phải về thôi. Về quê, có người hỏi mẹ thăm thằng út trên thành phố có vui không, mẹ cười bảo vui lắm, tháng sau sẽ đi nữa. MÙA THI VÕ THÀNH AN Năm tôi thi tốt nghiệp, bấy giờ gọi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số đón tôi ở trường thi cốt đề hỏi: “Con làm bài tốt không?” Sợ ba nhọc lòng tôi nói: “Ba ở ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được”. Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi: “Ba con có đến không?” Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo: “Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không chịu”. DÌ GHẺ NGUYỄN THỊ KIM ANH Chị lấy chồng. Chưa kịp có con thì chồng mất. Ba năm sau chị đi bước nữa. Người chồng mới góa vợ, có hai con nhỏ. Yêu chồng, yêu luôn cả con chồng. Chị quyết định không sinh con để lo cho gia đình. Lớn lên, người con trai có vợ. Sau tuần trăng mật anh ta về nhà. Chị vui mừng ra đón. Chưa đến phòng khách, chị nghe tiếng cô con gái: - Còn xấp vải hoa? - Cho mẹ. - Hoài của! Em lấy nốt, nào phải mẹ mình. Chị càng buốt tim hơn khi người con trai yên lặng. CẢNH NGỘ PHẠM THỊ KIM ANH - Chú ơi! Mua vé số cho con đi chú. Làm ơn mua cho con một vé đi chú. - Đưa coi! - Tiếng người đàn ông. - Anh ơi! Mua tặng chị một hoa hồng đi anh. Người đàn ông nhìn tấm vé số rồi nhìn cô bạn gái của mình. Người đàn ông chọn hoa hồng. Đêm thành phố nhộn nhạo những ánh đèn xanh đỏ. Thằng bé bán vé số lủi thủi bước đi, vai nó run lên, không biết vì nó lạnh hay vì một điều gì khác. Nó đang căm ghét con bé bán hoa. Nó đâu có biết rằng con bé bán hoa ấy cũng có một đứa em bán vé số và một người cha đang hấp hối. QUÀ CHO MẸ PHẠM THỊ KIM ANH Lúc còn nhỏ mỗi lần thấy mẹ đi chợ về là cô lại lao ra lục giỏ để tìm cái bánh hay gói bỏng ngô. Và mẹ chẳng bao giờ làm cho cô thất vọng cả. Lớn lên, cô lập gia đình và có hai đưa con. Mẹ cô bây giờ đã già đi, suốt ngày bà quanh quẩn bên lũ trẻ. Mỗi lúc đi chợ về cô cũng hay mua quà cho con, nhưng chẳng bao giờ quan tâm đến mẹ. Cô không hiểu rằng những lúc ấy mẹ cô cũng thấy buồn và tủi thân. Ngày mẹ ốm nặng phải đưa vào bệnh viện, cô mua nào là cam, nào là bánh nhưng mẹ chẳng thể nào ăn được nữa cho đến ngày mẹ ra đi mãi mãi. CHỊ ƠI! HOÀNG THỊ HẢI ANH Thương tặng chị Hải Yến Ngày xưa, bố mẹ đi làm từ sáng sớm đến tối mịt đi về. Chị phải chăm sóc em thay mẹ. Trưa, dắt em đi học, trời nắng. Chiều, trời bất chợt đổ mưa. Chị mượn được một cái áo mưa nhường em mặc. Mẹ về, thấy chị ướt như chuột lột, ngỡ chị tắm mưa, đánh đòn. Chiều nay, trời cũng bất chợt đổ mưa, em co ro tránh mưa dưới mái phố. Có ai nhường áo cho em mặc như chị ngày xưa không? Chị ơi! ƯỚC MƠ PHƯƠNG ANH Chị mua dùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó: - Nếu cô trúng số, con chịu cô mua cho con cái gì? Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói: - Cho con một chiếc xe đạp, có xe đi bán xong con chạy tới trường liền không bị trễ học nữa. Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng: - Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học. Dĩ nhiên là chị không trúng số. Tôi lại thấy nó mỗi ngày đi qua nhà với chân trần, đầu không nón... TRUYỆN CỔ ĐÀO VÂN ANH Năm hai mươi tuổi, Hứa Hầu có hơn trăm bạn hữu, tiệc tùng, bù khú thâu đêm. Năm ba mươi tuổi, chàng lựa được hai chục tráng sĩ, họ thề nguyền sinh tử có nhau. Năm năm mươi tuổi, chàng trà dư tàu hậu với hai người, vốn là kẻ tay tả, tay hữu của chàng. Năm sáu mươi tuổi, ông lão âu yếm vuốt mái tóc của bà vợ già móm mém. “Nàng là bạn tri âm duy nhất của đời ta”.