Mùa cá đỏ

     iếng nổ long trời lở đất giữa đất đêm khuya.
Là một cái gì đó ghê gớm lắm.
Chuyến xe vào thứ Bảy thường là những khuôn mặt ấy, đôi khi xuất hiện khuôn mặt mới. Khuôn mặt mới thường lo âu sợ hãi và tò mò nhìn quanh hỏi han đường đi nước bước. Nhưng sau một vài chuyến thì giống nhau, chỉ im lặng nhìn qua cửa hoặc ngủ cho đến khi xe tới nơi.
Tài xế tên Vành có cái thẹo dài từ thái dương qua bên phải xéo xuống má rồi chạy qua quai hàm. Đó là một tay giang hồ nghe nói đã hoàn lương. Khách do tài nào đưa đến thì tuỳ, do Vành đưa đến thì đố có quán nào lấy quá giá, quán ăn hay quán trọ cũng vậy. Khách thường xuyên biết rõ điều này nên thường chọn xe Vành mà đi.
Chuyến này xe có một khách mới, vị khách ngồi trong lòng mẹ. Hai sừng tóc buộc nơ hồng ngúc ngoắc theo nhịp xe. Người mẹ là khách quen. Chị áp đầu con sát ngực mình mỗi khi xe sụp ổ gà, lúc cô bé ngủ say thì hai sừng tóc đã sụp xuống xuôi xị. Rồi cô bé choàng tỉnh sau một cú xóc mạnh, cái miệng nhỏ líu lo gì đó nhưng gặp cái nhìn của Vành qua kính chiếu hậu, cô bé nín bặt, vòng tay ôm siết cổ mẹ. Vành nhìn mình trong gương, vết thẹo thật gớm ghiếc, đó là một cái thẹo lồi.
Xe tới nơi lúc hai giờ. Vẫn còn kịp vào trại. Đội quân xe thồ phóng tới. Trong tích tắc chỉ còn lại Vành, cái xe đỏ quạch bụi, và mẹ con cô bé.
- Sao không đi luôn cho rồi? - Vành hỏi.
Cô bé luồn ra sau lưng mẹ. Vành bật tiếng cười khô. Giọng người phụ nữ mệt mỏi:
- Ngày mai vào trại. Bây giờ tôi tìm chỗ trọ đã.
- Trọ? Còn sớm mà. - Vành ngạc nhiên. Rồi Vành lấy làm lạ trước nỗi ngạc nhiên của mình. Có bao giờ Vành chú ý đến ai như thế này đâu. Và ngay lập tức Vành nhận ra tại sao, tại cô bé này, vẻ sợ hãi tò mò không giấu diếm.
- Lần này tôi trọ lâu nên muốn nhờ anh chỉ cho chỗ nào rẻ mà tốt tốt.
- Ở dài ngày thì đằng kia. Họ cho thuê tháng. Cứ nói là Vành giới thiệu.
Đến giờ cơm chiều, cả thị trấn đã biết tên người phụ nữ - Thùy Nhi, Phan Thị Thùy Nhi, một cái tên thật yểu điệu. Và sau giờ cơm chiều, tức là giờ mà xe thồ lẫn xe khách đã xong cuộc nhậu ở các quán, sau cái tên yểu điệu đã được gắn thêm hai chữ thuốc phiện. Trại cách xa thị trấn bẩy cây số nhưng đặc điểm của từng người tù thì ai cũng rõ. Chồng Nhi là Sơn, từng là công nhân Nhà nước và bây giờ đang tù vì tội buôn bán thuốc phiện.
Phía bên này là những cái sọt không chồng lên nhau cao ngất ngưởng, phía bên kia là những giỏ cá hấp còn bốc khói, chảo nước vẫn hừng hực dù củi đã tàn. Lão đứng cạnh chảo, cánh tay gân guốc quẳng mạnh khúc củi vào góc đang có một đống củi vun cao gần sát trần.
- Sao biết tôi cần người làm?
- Tài xế Vành nói.
- Biết làm chả cá không?
- Dạ biết.
Lão nhìn chị từ đầu xuống chân, trên đầu là cái nón lá và dưới chân là đôi dép da màu nâu đế thấp. Rồi lão quay người về phía bếp đưa tay nhấc cái chảo xuống. Chị rùng mình, cái chảo thật to và sâu, đủ để nhúng thúng cá ngập lút vành, nó lại đang đầy nước nóng. Bắp tay lão nổi gân lục cục như những khối u và cái thẹo chỗ khuỷu trở thành khối u to nhất. Đặt chảo xuống, lão xoa xoa hai tay rồi ngoảnh nhìn chị như thể ngạc nhiên khi thấy chị còn đứng đó. Giọng lão rè rè qua kẽ răng:
- Mai tới. Thử một ngày rồi tính.
Chị cố giấu nỗi vui mừng. Từ lúc đặt chân đến đây, hay nói đúng hơn trên đường đi đến đây chị chỉ sợ không xin được công việc này. Nếu không chị không biết sẽ làm gì. Nỗi vui mừng kiếm được việc khiến khi về đến nhà trọ chị mới thấy lạnh vì ướt, trời mưa.

 

Chị quay mặt ra ngoài hít một hơi dài trước khi ngồi xuống, thật ra bên ngoài cũng tanh nồng mùi cá.
- Dao đằng kia, con nào vừa tay thì tùy ý. - Lão hất cằm về góc nhà.
Dao phay, dao chặt, dao mổ, dao bằm... Dao cán gỗ, dao cán sắt, dao to dao nhỏ... chị cầm hú hoạ một cái. Một người bốc vác quăng chồng rổ rá cao ngất ngưởng xuống, chống tay cười:
- Con dao đó để gọt trái cây thôi.
- Để yên cho người khác làm. Lo việc của mày đi. - Lão lừ mắt.
Chị cúi nhìn đống cá thật to choán một góc nhà. Cá đỏ rẻ nhất trong các loại cá làm chả được mà lại không kém nên vào mùa cá đỏ khắp nơi làm chả, khách không sành khó phân biệt được đâu là chả cá thu, đâu là chả cá mối... Chị rất giỏi nấu nướng, đặc biệt là món chả nhưng một đống cá như thế này thì chưa bao giờ. Chị quay mặt nghiêng mũi lau vào vai như lớp vai áo có thể lọc bớt mùi tanh tưởi rồi ngồi xuống. Trước tiên là chặt đầu rồi mổ ruột lôi ra thật sạch. Chả cá, chỉ sót một tí xíu ruột là rất tanh. Một con, hai con, ba con,... vừa làm chị vừa liếc nhìn ông chủ đợi phản ứng nhưng lão chẳng nói gì. Cắm cúi một hồi, chị vươn vai ngước lên thì không còn ai, chỉ những chồng sọt và rổ rá chất đống.
Làm xong, chị rửa cá rồi xẻ đôi theo mép bụng, phải xẻ sát xương thì mới không hao thịt. Rồi chị nạo cá ra một cái khay lớn và sau là nhồi.
- Cô không xay cá sao?
Giọng lão vang lên đột ngột ở sau lưng khiến chị giật mình.
- Không thấy cối, tôi tưởng ông không cần xay.
- Không thấy gì thì hỏi. Chỗ này mà cứ bày đồ đạc ra đó thì có cái gì mà còn. Nhưng không xay cũng làm được à?
- Dạ được, bóp qua rồi nhồi kỹ. Chỉ có điều sót xương dài thì dễ đâm vô tay.
- Vậy thì xay đi cho yên chuyện. Cối đây.
Lão xỉa ra một cái cối bằng gang xỉn màu nhơm nhớp.
Chị phân vân một chút rồi quyết định rửa cái cối. Lão thở phì ra, một tiếng cạch, lão dằn cái rổ đựng gia vị xuống thớt. Rồi lão lại đi và quay lại với một can dầu đã chiên qua nhiều lần lọc lại, màu nâu xỉn. Chị nhận ra lão di chuyển không hề gây tiếng động.
Xay xong, nên nếm gia vị và đến việc cuối cùng là đập. Hốt cá lên rồi quăng mạnh xuống, lại hốt lên rồi quăng mạnh xuống... Ban đầu vụn cá và gia vị tăng ra lung tung, sau thành một khối dẻo quánh quăng xuống đâu nằm im đó. Chị bắc chảo lên bếp chuẩn bị chiên thì giọng lão vang lên từ sau lưng:
- Đi đâu một tí rồi về làm tiếp.
Chị thấy gờn gợn. Đi đâu một tí là đi đâu? Chị nhìn lão.
- Có một thứ làm chả cá ngon hơn, đó là bí quyết gia truyền. - Lão nói qua khóe môi mím lại.
Chị hiểu. Lão nắm gì đó trong lòng bàn tay. Chị đứng lên đi ra cổng. Chợt chị thấy sợ hãi. Thuốc phiện! Đúng rồi, chính là nó, trong lòng bàn tay lão là bột màu trắng. Khách hàng ghiền chả của lão mà đến.
Mà mình là người làm món chả này! Chị thấy toàn thân ớn lạnh.
- Rồi! Làm tiếp đi! - Giọng lão lại vang lên, cũng từ sau lưng.
Chị thu hết can đảm nhìn vào mặt lão. Hàng lông mày ngắn ngủn, đôi mắt tối và cái miệng với đôi môi như bấm vào nhau, vô số nếp nhăn chi chít từ trán xuống mang tai kéo qua cằm đụng phải cái thẹo thì ngừng ngang lại, cái thẹo như một con rít đỏ ứng và láng lẩy nhìn rất kỳ quái.
- Dạ thưa...
- Sao?
Chị không biết nói gì thêm nữa, lẳng lặng đi nhanh vào trong. Những con ruồi đang bu quanh cái thớt bay vù lên.

 

Xe chở cá đến vào lúc một hai giờ sáng, một nửa xe đổ vào nhà lão, nửa kia là của hai đầu nậu khác. Đích thân lão đứng ra cân cá cho bạn hàng bán lẻ. Đến bốn giờ sáng là xong việc. Ngày nào cũng như ngày nào. Còn ban ngày là để làm món chả cá bỏ cho các quán ăn. Trước chị, lão đã thuê vài người rồi nhưng cứ được vài ba bữa nửa tháng là lão đuổi hoặc tự họ đi. Bà chủ trọ của chị kể vậy. Chị thắc mắc:
- Khi người này đi mà chưa thuê được người khác thì làm sao có chả bán?
- Ờ hay vậy. Lão tính toán làm sao mà cứ vừa thôi người này là cũng vừa có người kia ngay.
Mình sẽ là người tự đi hay bị lão đuổi đây? Chị tự hỏi, thấy buồn đến tuyệt vọng. Mấy hôm nay chị dò tìm có công việc nào khác không nhưng chẳng biết ai đang cần người làm. Phục vụ quán ăn thì chị không thể, chị không sợ khổ, chỉ sợ tăm tiếng đến tai Sơn rồi anh thất vọng càng quẫn hơn. Chị có mặt ở đây cùng với con trong ba tháng hè này là để anh hiểu cuộc sống của anh không chỉ của anh mà còn của hai mẹ con nữa. Đã một lần anh tự tử.
Nhưng biết làm gì đây? Mỗi lần lão yêu cầu chị tránh chỗ khác để lão trộn bí quyết vào đống cá xay là chị thấy kinh hoàng. Rồi chị lại như được an ủi - Sơn nói với chị là Sơn không hề biết trong va ly của anh có thuốc phiện, anh bị oan. Trước kia chị không tin điều này nhưng giờ thì chị muốn tin. Rồi chị cay đắng hình dung ngày nào đó mình cũng vào tù vì những miếng chả cá tẩm thuốc phiện này. Ừ, hai vợ chồng sẽ được gần nhau! Lúc đó ai động viên ai đây? Biết chị đưa con theo và ở lại đây suốt ba tháng để mỗi tuần đều có dịp vợ chồng cha con gặp nhau. Sơn khóc như mưa. Anh nói chị hãy về đi, nơi đây không phải đất sống cho những người như chị và con. Một vài tháng thăm anh một lần là đủ rồi. Khi đàn ông khóc... Dẫu đau lòng chị vẫn thích anh khóc hơn là nhìn thấy anh cười. Nụ cười qua cái bàn rộng trước mặt cán bộ trại giam khiến anh lạnh lẽo xa xôi làm sao. Khi Sơn khóc chị thấy anh gần với cuộc sống hơn.
- Cô đem con bé theo à?
Đã quen với những câu hỏi vang lên từ sau lưng nên chị không còn giật mình nữa, chỉ thấy rờn rợn. Chị trả lời mà không quay mặt lại:
- Dạ.
- Đi tới đây làm rồi gởi nó cho ai?
- Cho bà chủ nhà trọ. Nó lớn rồi, tự chơi quanh nhà được.
- Có trả tiền công không?
- Bà nói không lấy tiền. Tối về tôi giúp bà dọn dẹp nhà cửa.
- Vậy à?
Sau vài ba câu hỏi xem ra hơi tò mò, lão thốt hai tiếng vậy à một cách dửng dưng. Rồi cầm con dao, lão rạch miếng chả dày trên mâm đứt làm hai, nhát rạch một tay sắc ngọt.
- Tí cầm một nửa này về cho con nhỏ.
-...
- Không trừ tiền công đâu mà lo.
Trừ tiền công là một chuyện, chị lo chuyện khác. Trên đường về chị quăng miếng chả vào một lùm cây bên đường.
Hôm sau lão cũng gói nửa miếng chả đưa cho chị. Chị cũng quăng vào lùm cây ven đường. Hôm sau nữa cũng vậy. Quăng xong, chị khóc. Đây có phải là oan gia oan báo không? Chồng đi tù vì thuốc phiện, và con thì được cho không những miếng chả... Rồi chị hốt hoảng nghĩ lỡ ra khi chị đang làm chả ở đây thì ở nhà con của chị cũng đang ăn... Ôi không! Chị sẽ thôi cái việc làm chả này ngay lập tức. Về tới nhà trọ, chị ôm riết con vào lòng như là sắp chia ly.

 

- Sao vậy?
Khuôn mặt lãnh đạm của lão ánh lên vẻ ngạc nhiên. Chị im lặng nhìn bầy ruồi bu quanh chồng sọt ngất nghểu dựa sát tường. Nhận ra mình đã quen mùi ở nơi này nên không thấy nôn nao nữa. Nhưng lão thì chị vẫn thấy sợ.
- Cô về nhà à?
- Tôi vẫn ở đây. Nhưng tôi sẽ...
- Người khác trả cô bao nhiêu?
- Dạ không phải vậy. Tôi chưa xin được việc ở đâu cả.
- Đó có phải là... vậy nên cô quăng mấy miếng chả của tôi vô bụi không?
Chị tái mặt giật mình. Lão cười khừ qua cổ:
- Con chó tha cái gói tươm dầu mỡ chạy ngang ai cũng nhìn thấy. Của ở đâu mà ngày nào cũng làm rơi rớt.
Chị lạnh người.
- Khách khen chả cô làm rất ngon. Cô cho cái gì vô cá mà nó ngon vậy?
Chị nhìn lão trân trối. Lão định làm gì chị đây?
Tôi đâu biết cô, chỉ là nể tài xế Vành. Mà nó trước cũng là tay buôn thuốc phiện.
Chị choáng váng.
- Đâu phải khi không mà Vành nó hỏi thăm cô hoài hả? Cô cho cái gì vô chả cá của tôi? Nói đi? Tại sao không dám cho con cô ăn?
- Đó là tôi sợ... - Chị nói như hụt hơi.
- Sợ cái gì?
- Sợ ông. Cái bí quyết gia truyền của ông...
- Không phải bí quyết của cô à?
- Tôi có bí quyết gì đâu. Chả cá làm sạch ruột là không tanh, nhồi kỹ thì dai nhiều, gia vị nếu chỉ bằm thì không tiết hết vị thơm nên tôi giã nát bấy để ngấm đều trong cá.
- Vậy thôi à?
Chị gật đầu. Mắt lão nheo lại:
- Vậy sao cô không cho con cô ăn?
-...
- Cô không nói tôi sẽ hỏi Vành. Khi nào có câu trả lời thì tôi mới trả tiền công cho cô - Mặt lão lạnh tanh - Không qua mặt tôi được những cái trò ruồi đó đâu.
Chị cắn răng để khỏi oà khóc mà nước mắt vẫn trào ra. Những giọt nước mắt không phải vì tiếc tiền công, không phải vì bị nghi oan, không phải vì bị hăm doạ. Chị khóc không thể ở lại đây được hết ba tháng hè như đã dự định. Sơn nói đúng, nơi đây không có chỗ cho những người như chị và con.

 

Chiếc xe sụp ổ gà khựng lại rú lên rồi rùng rùng lăn qua. Chị giữ đầu con đừng bị lắc lư, con bé tưởng mẹ dỗ ngủ mà chưa buồn ngủ nên cứ ngoắt đầu ra. Rồi chạm phải ánh mắt của tài xế nhìn mình trong kính chiếu hậu, con bé vội úp mặt vào vai mẹ. Chị ôm con chặt hơn rồi cũng nhắm mắt lại. Đủ những ý nghĩ rối rắm trong đầu chị, ý nghĩ cuối cùng là tí nữa, khi xuống xe chị sẽ cảm ơn tài xế Vành đã chỉ cho chị một chỗ trọ rất tốt và chỉ cho chị một chỗ làm, dù không lấy được tiền công. Và nếu có gì rắc rối lão gây ra cho Vành thì xin hãy thông cảm cho chị.
- Chẳng có gì rắc rối cho tôi đâu, đừng lo. Nhưng tại sao lão nghi chị cho thuốc phiện vào chả cá?
Câu hỏi vang lên thật khác tính cách lầm lì và ít nói của Vành. Hành khách đã xuống xe hết chỉ còn hai mẹ con chị, Vành và cái xe đỏ quạch bụi như hôm nào nó đã đưa chị đi.
- Chính lão làm vậy. - Tức giận vì oan ức, chị bật ra rồi ngay lập tức sợ hãi vì đã nói.
Vành trố mắt rồi bình tĩnh lại rất nhanh:
- Sao chị biết?
- Lão bắt tôi phải đi nơi khác mỗi khi... - Chị im bặt.
- Tôi chỉ muốn biết để tìm cách lấy tiền công giùm chị thôi, lão không dám làm gì chị đâu. Còn có tôi đây mà.
Còn có tôi đây mà. Câu nói làm chị thấy tủi thân ghê gớm, chị phẫn nộ với cuộc đời và cả với bản thân. Chồng tù vì thuốc phiện còn mình thì được một kẻ từng buôn thuốc phiện che chở! Đâu phải khi không mà Vành hỏi thăm cô hoài. Câu giễu cợt của lão âm ỉ trong tai chị. Chị cay đắng bật khóc. Đứa con hoảng sợ ôm cứng chân mẹ. Rồi thấy mẹ vẫn khóc, nó giận dữ nhìn Vành. Chị lau nước mắt ngoắt người cầm tay con dắt đi. Đi như thể những bước chân này là chấm hết với những ngày đã qua, với lão, với Vành, với bà chủ nhà trọ tốt bụng, và với niềm mong muốn thiết tha rằng sự có mặt của chị và con ở đó trong ba tháng hè sẽ là bằng chứng cho tình yêu có thể cứu rỗi được những gì đang vụn vỡ.
Một tháng sau, thứ bảy, chị và một túi thức ăn căng phồng ra bến xe quen thuộc và ngồi lên cái xe quen thuộc quanh chị là những khuôn mặt quen thuộc, mỗi người cũng một túi thức ăn căng phồng đủ cho một tháng. Mọi người nhìn nhau nửa cười nửa không như lạ như quen. Tài xế Vành nhìn chị qua kính chiếu hậu. Chị cũng gật đầu chào qua kính chiếu hậu.
Hai giờ trưa xe đến nơi. Đám xe thồ chờ tới. Vành quay lại chị:
- Khoan đi vô trại đã, lão muốn gặp chị.
- Tôi phải đi ngay, lỡ tí nữa không có xe thồ.
- Tôi lo chuyện đó cho chị. Tới lão đã.
- Làm gì?
Nụ cười khiến cái thẹo bên má Vành nhăn nhúm lại:
- Lấy tiền công.
- Thôi, tôi không cần.
- Nhưng lão cần phải trả.
Chị đứng yên không nhúc nhích. Mắt Vành tối sầm:
- Chính tôi giới thiệu chị tới chỗ lão nên tôi phải giải quyết chuyện này cho xong.
Chị sờ sợ rồi thở dài lẳng lặng đi theo Vành. Có lẽ đến ngày Sơn mãn hạn tù thì chị không còn biết sợ hãi nữa. Cuộc đời này...
Mùi tanh bay từ xa. Và mùi chả cá chiên cùng mùi khói củi dầu oi oi. Lão đứng sừng sững trên ngưỡng cửa, hàng lông mày ngắn ngủn nhướng lên rồi lão cười:
- Cô cũng nghĩ là tôi cho cái thứ đó vô chả cá hả?
Kiểu cười của lão khiến chị không biết phải nói sao, như là lão khoái trá vì chị cũng không đoán qua bí quyết của lão là gì. Lão móc túi ra một nắm tiền xỉa về phía chị:
- Công của cô đây.
Chị không cầm. Vành đưa tay cầm lấy rồi cúi xuống nhét vào ngăn ngoài túi xách của chị. Chị giận dữ nhìn Vành:
- Anh nói gì mà lão chịu trả tiền?
- Tôi nói với lão là tôi không đưa thuốc phiện cho chị. Mà người như chị thì cũng chẳng ai dám đưa thuốc phiện dù vì cái gì. Chị sẽ tự khai báo mà không đợi tra khảo. Vậy thôi. Còn cái chuyện tôi hay hỏi thăm chị là vì...
Vành bỏ lửng câu nói, khuôn mặt xám lạnh âm u. Lão lầm bầm:
- Nó hay hỏi thăm cô là vì cái hồi nó ở tù giống chồng cô bây giờ thì vợ nó bỏ theo thằng khác. Cái thẹo trên mặt nó là sầu đời uống say quá bị xe tông đó.
Dứt câu, lão lừng khừng bước vào trong, bóng lão chờn vờn trên bức tường ám khói ruồi bu đầy.
Vành cúi xuống xách cái túi của chị lên, cái túi chị thấy nặng mà trong những ngón tay gân guốc của Vành nhìn nhẹ tênh. Chị im lặng bước sau Vành, thấy lòng thanh thản hơn.