Tôi không chết. Sau rốt thì các viên thuốc ngủ không đủ mạnh. Bảy giờ sáng hôm sau tôi tỉnh dậy, cảm thấy buồn nôn ghê gớm. Có tiếng ù ù bên tai, mạch máu bên thái dương đập rần rật, đau đớn, mắt tôi lồi khỏi hốc, và chân tay tôi đờ đẫn, tê dại. Chính cái cảm giác ngưa ngứa trong cổ họng làm tôi tỉnh thật sự. một con ruồi đang bò trên cổ tôi, nó cũng đờ đẫn, nửa sống nửa chết như tôi vì những sự kiện xảy ra ban đêm. Tôi phải cố hết sức tập trung động đậy hai bàn tay và xua nó đi. Cảm giác đầu tiên của tôi không phải là thất vọng vì thấy mình chưa chết, mà vui mừng thấy mình còn sống. Một sự khát sống mãnh liệt, rất tự nhiên bằng bất cứ giá nào. Tôi đã sống một đêm trong một ngôi nhà đang bốc cháy, lúc này điều cơ bản là phải tự cứu lấy mình bằng bất cứ giá nào. Tôi nằm yên một lát để phục hồi các giác quan thêm chút nữa rồi tụt khỏi sopha và bò ra khỏi cửa. Căn phòng vẫn đầy khói, và lúc với được quả nắm cửa, nó nóng đến mức tôi vội buông tay ra ngay. Thử lần thứ hai, tôi kiềm chế được nỗi đau và mở ra được. Lúc này trên cầu thang đỡ khói hơn trong phòng tôi, vì thế có thể dễ dàng tìm đường qua các khe hở cháy đen của những cửa sổ cao ở đầu cầu thang. Tôi nhìn thấy những bậc thang và có thể bò xuống được. Thu hết sức mạnh của ý chí, tôi gượng đứng dậy, nắm lấy các chấn song và bắt đầu đi xuống. Tầng dưới bị cháy hết, ngọn lửa ở nơi ấy đã tàn. Các khung cửa còn hơn ngún, xa xa các căn phòng mờ mờ vì hơi nóng. Tàn dư của đồ gỗ và các đồ đạc khác vẫn âm ỉ trên sàn, để lại những đống tro màu trắng. Ánh hồng đang tàn dần. Lúc xuống đến tầng thứ nhất, tôi thấy xác một người đàn ông cháy đen nằm vắt trên bậc, quần áo biến thành than, cái xác màu nâu và sưng phù rất khủng khiếp. Dù thế nào nữa, tôi cũng phải đi qua. Tôi tưởng rằng mình đủ sức nhấc chân cao qua khỏi cái xác, nhưng ngay lần thử đầu tiên, bàn chân tôi đã dẫm phải vào bụng xác chết, và tôi bị vấp, mất thăng bằng, ngã lộn nhào nửa người trên sàn cùng với cái xác cháy thành than. May là lúc này cái xác ở đàng sau tôi, tôi có thể đứng dậy và đi xuống tiếp tầng trệt. Tôi bước ra sân được bao quanh bằng bức tường nhỏ phủ đầy dây leo. Tôi lê đến bức tường và chúi vào một hốc tường trong góc, cách ngôi nhà đang cháy khoảng hai mét, nguỵ trang cho mình bởi những dây leo, lá, và những thân cây cà chua mọc trong sân. Cuộc bắn giết vẫn chưa dừng. Đạn vẫn bay vèo vèo qua đầu tôi, và tôi nghe thấy tiếng Đức rất gần tôi, ở phía bên kia của bức tường. Tiếng nói của bọn đàn ông đang đi trên vỉa hè bên tường. Khoảng tối, nhiều kẽ nứt xuất hiện trên bức tường ngôi nhà đang cháy. Nếu nhà sập, tôi sẽ bị chôn vùi dưới nó. Song tôi đợi đến lúc trời tối hẳn và hồi phục lại sức lực sau trận ngộ độc đêm trước, rồi mới đi tiếp. Tôi trở lại cầu thang trong bóng tối, nhưng không dám trèo lên nữa. Bên trong ngôi nhà vẫn đang cháy, và ngọn lửa có thể lên đến tầng bốn bất cứ lúc nào. Suy nghĩ một cách chật vật, tôi vạch ra một kế hoạch khác, ngôi nhà khổng lồ, cái bệnh viện xây chưa xong nơi bọn Đức giữ làm nhà kho ở bên kia phố Aleja Niepodleglosci. Tôi sẽ cố đến đấy. Tôi ra phố qua một lối khác, dù lúc này là chiều tối, trời vẫn chưa thật sự tối hẳn. Những đám cháy vẫn chiếu á’nh sáng hết bề rộng con đường. Lòng đường đầy những xác, và người phụ nữ tôi nhìn thấy bị giết vào ngày thứ hai của cuộc nổi dậy vẫn nằm đó, lẫn trong đống xác. Tôi nằm sấp xuống và bắt đầu bò đến bệnh viện. Bọn Đức đi qua không ngừng, một mình hoặc từng nhóm, và những lúc ấy tôi không nhúc nhích, giả vờ làm một cái xác. Mùi thối rữa từ các xác chết bốc lên nồng nặc, hoà với mùi khói từ các đám cháy toả trong không khí. Tôi cố bò nhanh hết sức, nhưng con đường hình như rộng vô tận, và chẳng bao giờ tới được. Cuối cùng tôi cũng bò đến được bệnh viện tối tăm. Tôi lê qua lối vào đầu tiên nhìn thấy, rồi đổ sụp xuống sàn và thiếp ngủ gần như ngay lập tức. Sáng hôm sau tôi quyết định thám thính nơi này. Tôi hơi hoảng khi thấy ngôi nhà đầy những sofa, thảm, nệm, xô chậu, xoong chảo, đồ gốm sứ, nhiều thứ vật dụng hàng ngày. Có nghĩa là bọn Đức sẽ quay trở lại đây thường xuyên. Tôi chẳng tìm thấy chút gì để ăn. Tôi phát hiện ra một phòng chứa những đồ vật kềnh càng, đầy những ống thép cũ, bếp lò, ống nước. Tôi nằm xuống và ở suốt ngày hôm sau trong đó. Ngày 15 tháng Tám theo cuốn lịch túi mà tôi giữ được, gần đây tôi đã đánh dấu cẩn thận hết ngày này sang ngày khác, tôi thấy không chịu nổi cơn đói và quyết định đi tìm đồ ăn, dù cho có xảy ra bất cứ chuyện gì. Vô hiệu quả. Tôi leo lên một ngưỡng cửa sổ và quan sát đường phố qua một kẽ nhỏ. Ruồi bu từng đàn trên các xác chết. Cách đấy không xa, ở góc phố Filtrowa có một biệt thự mà cư dân trong đó chưa bị đuổi ra khỏi nhà. Họ sống một cuộc đời bình thường đến lạ lùng, họ đang ngồi ngoài sân uống trà. Một biệt đội lính Wlassov do một tên sĩ quan SS chỉ huy đang đến phố 6 tháng Tám. Chúng thu nhặt các xác chết trên phố, chất thành đống, tưới xăng và đốt. Đúng lúc ấy tôi nghe thấy tiếng bước chân trên con đường viền quanh bệnh viện. Tôi vội tụt khỏi cửa sổ và nấp vào sau một cái thùng to. Ngay sau đó cả một đội vào bệnh viện, lục soát hết phòng này sang phòng khác. Tuy vậy chúng không tìm ra chỗ nấp của tôi dù tôi nghe rõ tiếng chúng cười cợt, ca hát và huýt gió. Tôi còn nghe thấy cả câu hỏi chết người: Chúng ta đã lục soát hết tất cả mọi nơi chưa hả? Hai ngày sau – và là năm ngày từ lúc tôi chưa có gì trong bụng – tôi lại cố tìm kiếm đồ ăn và nước uống một lần nữa. Trong toà nhà không có vòi nước, nhưng có rất nhiều xô nước để rải rác khắp nơi đề phòng hoả hoạn. Nước trong xô phủ một lớp màn óng ánh đầy xác ruồi và nhện chết. Tôi uống lấy uống để nhưng phải thôi ngay vì nước bốc mùi hôi thối, và tôi không thể tránh khỏi nuốt phải lũ côn trùng đã chết kia. Sau đó tôi tìm được mấy mẩu bánh mì khô trong xưởng mộc. Chúng đã mốc meo, đầy bụi và cứt chuột, nhưng với tôi, chúng là cả một kho báu. Bác thợ mộc rụng răng nào đó sẽ không bao giờ biết đã cứu sống tôi khi bác cắt bỏ những mẩu bánh ấy. Ngày 19 tháng Tám, bọn Đức lôi cư dân trong biệt thự ra khỏi nhà, dẫn đến phố Filtrowa, giữa những tiếng gào khóc và bắn chết hết. Lúc này tôi chỉ có một mình trong khu này của thành phố. Bọn SS đến chỗ tôi nấp càng ngày càng nhiều hơn. Tôi sẽ sống trong cảnh này được bao lâu nữa? Một tuần? Hai tuần? Sau đó tự tử là cách duy nhất để thoát lần nữa, nhưng lần này tôi không có phương tiện gì ngoài một lưỡi dao cạo. Tôi sẽ cắt động mạch. Trong một căn phòng, tôi tìm ra một ít lúa mạch và tôi nấu chúng trên cái bếp lò trong xưởng mộc, vào ban đêm, và thế là có cái ăn trong mấy ngày. Ngày 30 tháng Tám, tôi quyết định trở lại đống đổ nát của toà nhà trên đường, vì lúc này nó có vẻ như đã cháy hết. Tôi xách theo một bình nước của bệnh viện và lẻn ra phố lúc một giờ sáng. Lúc đầu tôi định xuống hầm, nhưng ở đó chứa đầy nhiên liệu, than cốc, và than vẫn còn đang âm ỉ cháy vì bọn Đức đã châm lửa thêm một lần nữa. Tôi trốn trong một căn hộ đổ nát ở tầng ba. Bồn tắm ở đó đầy ắp nước, nước tuy bẩn nhưng vẫn là nước. Ngọn lửa đã chừa lại cái tủ chứa thức ăn, và tôi tìm được một túi bánh bít cốt. Một tuần sau, linh tính có điềm gở, tôi lại chuyển chỗ ở, bò lên tầng áp mái, hay nói đúng hơn là những tấm ván trần trụi của nó vì mái nhà đã bị cháy sập. Riêng ngày hôm đó bọn Ukraina đã vào ngôi nhà ba lần, lùng sục để cướp bóc trong những căn hộ chưa bị phá huỷ. Lúc chúng đi rồi, tôi xuống căn hộ tôi đã trốn tuần trước. Lửa chẳng tha thứ gì ngoài cái bếp lò lát gạch men, và bọn Ukraina đã đập tan hết viên gạch này đến viên gạch khác để tìm vàng. Sáng hôm sau binh lính bao vây suốt phố Aleja Niepodlegosci. Dân chúng đeo túi trên lưng, các bà mẹ nắm chặt tay con bị đẩy vào bên trong hàng rào lính. Bọn SS và Ukraina lôi nhiều người đàn ông ra khỏi hàng và bắn chết họ trước mắt mọi người chẳng vì lý do gì hết, như chúng vẫn thường làm trong ghetto lúc nó còn tồn tại. Chẳng lẽ cuộc khởi nghĩa đã thất bại hay sao? Không, ngày tiếp ngày, trọng pháo lại xé rách không khí, tạo ra âm thanh như tiếng con mòng bay –hoặc vì tôi ở quá gần nên nghe thấy âm thanh đó giống như tiếng đồng hồ cũ đang đánh chuông – sau đó là hàng loạt tiếng nổ rất to, nhịp nhàng vọng lên từ trung tâm thành phố. Rồi đến 18 tháng Chín, các phi đội lượn trên bầu trời thành phố, thả đồ tiếp tế cho quân khởi nghĩa, tôi không biết là thả người hay các thứ quân dụng. Máy bay ném bom vào các khu của Warsaw còn dưới quyền kiểm sóat của Đức và vào ban đêm, thả dù xuống thành phố. Còn về phía Đông, pháo kích mỗi ngày một ác liệt hơn. Nhưng đến ngày 5 tháng Mười, các đội quân khởi nghĩa bị đưa ra khỏi thành phố, bị bọn Đức bao vây. Một số mặc quân phục, một số đeo băng đỏ và trắng. Họ tạo thành một sự tương phản lạ lùng với các biệt đội Đức áp giải, chúng mặc những bộ quân phục hoàn hảo, được nuôi dưỡng đầy đủ và tự tin, chúng chế giễu cười nhạo cuộc nổi dậy thất bại trong lúc quay phim, và chụp ảnh những tù nhân mới của chúng. Quân khởi nghĩa đều gầy gò, bẩn thỉu, tả tơi và khó khăn lắm mới đứng vững nổi. Họ chẳng hề chú ý đến bọn Đức, hoàn toàn phớt lờ bọn chúng như thể họ chọn đi dọc phố Aleja Niepodleglosci là hoàn toàn do ý thích tự do của họ. Họ vẫn giữ được kỷ luật trong hàng ngũ, giúp đỡ những người đi đứng khó khăn, và không liếc nhìn các đống đổ nát nhiều, mà vừa đi vừa nhìn thẳng về phía trước. Mặc dù cảnh tượng khốn khổ của họ bên cạnh bọn xâm lược, bạn vẫn cảm thấy họ không phải là kẻ chiến bại. Sau đó cuộc di dời những cư dân còn lại ra khỏi thành phố thành những nhóm nhỏ kéo dài trong tám ngày liền. Giống như dòng máu chảy khỏi thân người bị giết hại, lúc đầu phun mạnh, sau chậm dần. Người cuối cùng ra đi là ngày 14 tháng Mười. Ánh chiều chạng vạng đã tắt từ lâu khi một nhóm nhỏ những người đi chậm chạp bị bọn SS thúc giục nhanh chân đi qua ngôi nhả nơi tôi trú ẩn. Tôi nhoài ra khỏi khung cửa sổ bị cháy nham nhở nhìn theo những dáng người vội vã, khom lưng dưới sức nặng của các gói, các bọc cho đến lúc bóng tối nuốt chửng họ. Lúc này tôi chỉ còn lại một mình với một ít vụn bánh dưới đáy túi và mấy cái bồn tắm chứa nước bẩn, đấy là toàn bộ số dự trữ của tôi. Tôi có thể cầm cự được bao lâu trong hoàn cảnh này? Mùa thu đang tới, ngày mỗi lúc mỗi ngắn dần và nỗi đe doạ của mùa đông đang đến?