Dịch giả : Vũ Đình Phòng, Phùng Uông
Chương 1

Dù cho mấy chục vạn con người chen chúc nhau trong một vùng chật hẹp, có tàn huỷ đến mấy mảnh đất họ đang giầy xéo dưới chân; dù cho họ có lấy đá lát kín đi để không một mầm non nào hòng trồi lên được; dù cho họ vặt kỳ hết từng ngọn cỏ mới nhú; dù cho họ phạt trụi cây cối đuổi hết chim muông, mặc, mùa xuân vẫn cứ là mùa xuân, ngay cả trong thành phố. Trời nắng ấm, cỏ sống lại mọc xanh rờn ở khắp những nơi không bị giẫy, chẳng riêng gì ở các thảm ven đại lộ, mà cả trong kẽ những tấm đá lát mặt đường. Những cây phong, cây dương, cây anh đào vươn ra những chùm lá thơm tho, bóng nhẫy, những cây bồ đề, búp nõn cương lên chỉ những muốn trổ mầm.
Quạ, sẻ, bồ câu gặp tiết xuân về, lại ríu rít làm tổ; đàn ruồi, được hơi nắng ấm, vo ve bay nhộn trên các đầu tường. Tất cả đều hớn hở, tươi vui, từ cây cỏ, chim chóc, sâu bọ đến trẻ con. Duy chỉ có người ta - những người lớn, những người đã trưởng thành mà vẫn cứ dối mình, lừa người, làm tội thân mình và hành hạ người khác. Cái buổi sáng mùa xuân kia, cái đẹp thần tiên Trời ban cho muôn loài kia, cái đẹp nhủ ta quay về với thuận hoà, tương thân tương ái kia, họ không coi là thiêng liêng và trọng đại. Cái họ coi là thiêng liêng và trọng đại lại là những trò họ bày ra để đè đầu cưỡi cổ lẫn nhau.
Tại phòng giấy nhà lao một tỉnh lỵ kia cũng vậy, cái được coi là thiêng liêng và trọng đại không phải là niềm vui tươi trìu mến Chúa xuân ban cho muôn vật và con người, mà lại là việc họ mới nhận được chập tối hôm qua một tờ trát có ghi số, có tiêu đề, có đóng dấu son, tờ trát đòi vào hồi chín giờ sáng hôm nay, 28 tháng Tư, phải áp giải lên toà ba bị can hậu cứu - một nam, hai nữ; trong hai người phụ nữ, một bị coi là phạm tội nặng, cần phải áp giải riêng. Và đây, theo đúng lệnh đó, hồi tám giờ sáng ngày 28 tháng Tư, viên quản ngục bước vào dãy hành lang tối tăm, hôi hám của khu giam phụ nữ. Theo sau lão là một người đàn bà mặt mày tiều tuỵ, tóc quăn đã bạc, mặc áo chẽn, ống tay có đính lon, lưng thắt đai viền xanh. Đó là mụ cai ngục.
- Ngài đòi Maxlova ạ? - Mụ vừa hỏi vừa cùng viên quản ngục thường trực bước lại trước cửa một xà lim.
Viên quản vặn khoá lạch cạch, mở cửa: tức thì từ bên trong xông ra một luồng không khí.còn hôi thối hơn ở ngoài hành lang. Y quát:
- Maxlova! Đi hầu toà? - Rồi y khép cửa lại, đứng chờ.
Ngay cả trong sân nhà lao cũng còn có không khí tươi mát, lành lạnh từ đồng nội theo gió bay về thành phố. Còn trong hành lang nầy thì thật ngột ngạt, bệnh hoạn, nồng nặc mùi cứt đái, mùi thối rữa lẫn mùi hắc ín, khiến bất cứ ai mới đặt chân vào cũng phải thấy bải hoải, ủ ê. Ngay cả mụ cai ngục tuy đã quen với cái thứ uế khí ấy từ lâu mà cũng thấy khó chịu. Vừa từ ngoài sân bước vào mụ đã thấy mệt mỏi và buồn ngủ.
Bên trong xà lim nghe náo động hẳn lên: tiếng đàn bà nói, tiếng chân đi không bước trên sàn nhà.
- Nhanh lên! Maxlova! Bảo phải mau lên mà! - Viên quản ngục chõ vào cửa xà lim quát.
Hai phút sau, một thiếu phụ, vóc người nhỏ nhắn, ngực nở lồ lộ, nhanh nhẹn bước ra khỏi cửa, quay ngoắt mình lại, đứng sát bên viên quản ngục. Nàng mặc một chiếc áo khoác mầu xám, choàng ra ngoài bộ váy trắng, chân đi bí tất vải và giầy nhà tù, đầu bịt một chiếc khăn vuông trắng, dưới nếp khăn cố ý buông mấy vòng tóc đen để tỏ ra duyên dáng. Nước da mặt nàng trắng bệch - một màu trắng không bình thường, màu da mặt những người bị nhốt lâu ngày, giống như màu mầm khoai tây để dưới hầm nhà. Hai bàn tay nàng nhỏ nhắn, hơi rộng bản, và cả cái cổ đẫy đà bên trên vành cổ áo tù to rộng, cũng cùng một màu trắng như thế. Trên khuôn mặt, nhất là trên cái màu trắng bệch của nó, nổi bật lên đôi mắt đen láy, long lanh, mi dưới hơi mòng mọng, nhưng rất linh hoạt, một bên mắt hơi hiếng. Khi đi đứng, thân nàng rất thẳng, bộ ngực nở, ưỡn nhô hẳn ra phía trước. Ra tới hành lang, nàng khẽ ngẩng đầu nhìn thẳng vào mặt viên quản ngục và đứng lại, tỏ ý sẵn sàng tuân theo bất kỳ mệnh lệnh gì của y. Viên quản đã định đóng cửa lại thì từ bên trong thấy nhô ra một bộ mặt xanh nhợt, quằm quặm, nhăn nheo của một bà cụ để đầu trần, tóc bạc. Bà cụ định nói với Maxlova điều gì đó, nhưng viên quản đẩy ập cánh cửa, bà cụ thụt ngay đầu vào. Có tiếng đàn bà cười rộ lên ở bên trong. Maxlova cũng cười, quay mặt về phía lỗ thông hơi có căng lưới sắt, đục trên cánh cửa.
Bên trong, bà cụ áp mặt vào lỗ cửa, cất giọng khàn khàn nói ra:
- Cốt nhất là chớ có nói gì thừa! Trước sao, sau vậy, cứ vững một mực, thế thôi?
- Chà! Một mực hay không thì cũng chỉ đến thế nầy là cùng. - Maxlova lắc đầu nói.
- Tất nhiên, một mực chứ không phải hai mực! - Viên quản ngục nói với vẻ tự tin của người cấp trên về tài ăn nói dí dỏm của mình. - Thôi đi theo tao.
Con mắt bà cụ đã biến khỏi lỗ cửa: Maxlova bước ra giữa hành lang, rồi thoăn thoắt đi theo viên quản ngục.
Hai người xuống bậc thang đá, đi qua khu xà lim nhất đàn ông ở đây còn hôi thối, ầm ĩ hơn bên khu đàn bà nhiều, - đến đâu cũng thấy có những cặp mắt dòm theo qua lỗ thông hơi trên cánh cửa; cuối cùng, họ đến phòng giấy ở đây đã có hai người lính áp giải mang súng đứng chờ. Viên lục sự ngồi đó đưa cho một người lính một tờ giấy sực mùi khói thuốc lá, rồi chỉ vào nữ phạm nhân, nói:
- Nhận lấy!
Người lính, - một anh nông dân vùng Nizni Novgorod, mặt đỏ, rỗ như tổ ong, - lùa mảnh giấy vào ve ống tay áo ngoài, mỉm cười, nháy mắt về phía nữ phạm nhân, ra hiệu với bạn, một anh chàng người Chuvasơ (1) có đôi gò má cao. Hai người lính áp giải phạm nhân xuống thang gác, ra cổng chính, theo cửa nách ra khỏi hàng rào, rồi cứ giữa đường lát đá mà đi qua thành phố.
Những người đánh xe, những chủ hiệu tạp hoá, các chị nấu bếp, các thợ thuyền, viên chức, ai nấy đều dừng lại, tò mò nhìn Maxlova, hẳn có người lắc đầu nghĩ bụng.
"Đấy, hư thân mất nết, ăn ở không như mình thì thế đấy!". Trẻ con sợ xanh mắt nhìn "con mụ tướng cướp", nhưng chúng cũng yên tâm vì thấy có lính đi kèm, "mụ ta không làm gì được. Một người nhà quê bán xong than đang ngồi uống nước trong quán, bước ra, lại gần Maxlova làm dấu và đưa cho nàng một "kopech". Maxlova đỏ mặt, cúi đầu và lúng búng nói gì không rõ.
Cảm thấy mọi cặp mắt đều đổ dồn về mình, nàng không ngoảnh đầu lại, chỉ lén đưa mắt liếc nhanh mọi người: thấy ai cũng chú ý đến mình, lòng nàng vui vui. Có một điều nữa khiến nàng vui là cái không khí ngày xuân bên ngoài nó trong sạch hơn bên trong nhà tù. Nhưng đã lâu ngày không đi bộ, giờ đây phải đi trên đường đá với đôi giầy nhà tù thô kệch nên mỗi bước nàng lại thấy đau, và cứ nhìn xuống hai bàn chân, cố bước sao cho thật nhẹ. Qua một cửa hàng bán bột, trước mặt có đàn bồ câu đang đủng đỉnh đi lại, không bị ai quấy nhiễu, nàng suýt đá phải một con màu xám biếc; con chim bay vụt lên, đập cánh phành phạch sát ngay bên tai và hắt một luồng gió mạnh vào người nàng. Nữ phạm nhân mỉm cười nhưng rồi chạnh nhớ đến thân phận mình, nàng buông một tiếng thở dài não ruột.
 
Chú thích:
(1) Tên một dân tộc châu Á, thuộc nước tự trị Chuvasơ (Nga)

Truyện PHỤC SINH Lời mở đầu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 (chương kết)