Chương 2

Sáng nay giờ toán, tôi đi học trễ, không dám vô lớp, cứ đứng thập thò bên ngưỡng cửa, len lén nhìn vào. Bàn thầy giáo để trống, trên bảng đen chưa có một chữ, chắc là thầy mới vào và đang đứng ở cuối lớp như thói quen mỗi lần bắt đầu một chương học mới. Chợt thấy Hưng, trưởng lớp, tay cầm tờ giấy bước lên bảng, tay kia cầm viên phấn, tôi tiến đến gần chút nữa. Nhỏ Xuân ngồi ở đầu bàn đã nhìn thấy tôi, nó ra dấu cho Hưng, anh chạy ra:
- Kìa Quỳnh Hương, vào lớp đi.
Tôi rùn vai:
- Sợ thầy la.
- Không có thầy mô, thầy bận, Hưng quản lý lớp, Hương vô đi, răng đi trễ rứa?
- Xe hư bất tử, trật sên hoài.
Tôi ngồi vào chỗ, chưa kịp thở, nhỏ Xuân đã quay xuống:
- Lấy giấy ra làm bài kiểm tra tề.
- Kiểm tra chi?
Tiếng bút viết soàn soạt trên giấy. Tôi nhìn lên bảng, Hưng đang chép một đề toán hình học: "Trong một hình nón mà đường cao h làm với đường sinh một góc 60 độ, người ta dựng…" Chết chưa, phần nầy giáo khoa tôi không hiểu rõ lắm, hôm học nhóm tôi lại nghỉ. Hơn một giờ trôi qua, thần kinh căng thẳng, tôi chỉ làm được có mỗi câu hỏi đầu tiên. Bài toán quá khó, chắc gì ai làm được hoàn toàn, tôi tự an ủi mình khi nhìn chung quanh phần đông các bạn đều... đang cắn bút (tội nghiệp những cây bút nhỏ xinh xinh).
Minh Ngọc ngồi cạnh kéo tay tôi:
- Hương, ngó Hưng tề.
Tôi cũng quay ra sau cùng nó, Minh Ngọc thì thầm:
- Đó, anh chàng đang làm bài thao thao bất tuyệt.
- Kệ người ta, con ni vô duyên.
Ngọc lại giật áo tôi:
- Mi kêu Hưng chuyền bài cho tụi mình đi.
- Mi giỏi thì kêu đi, tau không kêu, dị lắm.
Nói vậy cho Minh Ngọc đừng ồn ào nữa chứ tôi biết tính Hưng, anh sẵn sàng giảng bài cả chục lần để chúng tôi hiểu, chứ không đời nào chấp nhận cho chúng tôi học vẹt và chép lại bài của người khác như cái máy, nhất là đối với tôi, vì tôi là bạn gái thân nhất của Hưng và ngược lại, Hưng cũng thế.
 
Hưng lớn hơn tôi một tuổi, vì gia đình anh có đi kinh tế mới nên anh bị trễ học một năm. Nghe Hưng kể, ba anh là Đại Uý chế độ cũ, sau giải phóng phải đi học tập cải tạo, mẹ anh muốn cho ba anh chóng về nên đăng ký gia đình đi kinh tế mới. Sau cực quá chịu không nổi, mẹ anh đem gia đình trở về Huế và sống trong sự bảo bọc của hai bên nội ngoại. Bây giờ thì ba Hưng đã về, làm việc cho một xí nghiệp gỗ, mẹ Hưng cũng được đi dạy trở lại, cuộc sống gia đình anh đã ổn định từ mấy năm nay. Hưng và tôi thân nhau từ năm lớp chín đến bây giờ đã hơn ba năm. Lúc nào cũng vậy, chúng tôi luôn luôn cùng một nhóm học tổ và Hưng là ngưi thường xuyên hướng dẫn chúng tôi các môn Toán, Lý, Hóa và Văn nữa. Hưng đúng là một học sinh giỏi toàn diện nhưng không vì thế mà anh tự cao. Trái lại, tình hòa nhã và chân thành luôn giúp Hưng chiếm được lòng tin cậy quí mến của các thầy cô cũng như hầu hết bạn bè trong lớp. Nhiều lúc, tôi cảm thấy hãnh diện "lây" với Hưng.
...Chuông reo báo giờ chơi, bài tôi chỉ viết có hơn trang giấy, Thanh Xuân quay xuống:
- Làm bài được không Hương? Toán khó vô hậu, tau để giấy trắng, thôi đừng thèm nộp nữa.
Hưng đi về phía bàn thầy:
- Các bạn nộp bài đi.
Cả lớp nhao nhao:
- Thôi Hưng ơi, đừng nộp bài nữa, tụi nầy không muốn ăn trứng vịt mô.
Hưng cầm cây thước đập nhẹ trên bàn giữ trật tự, anh từ tốn nói:
- Các bạn cứ yên tâm đi, thầy cho chúng ta làm bài là để đừng làm ồn các lớp bên cạnh thôi, chắc kỳ nầy thầy không lấy điểm mô.
- Thiệt không đó, thiệt không đó?
Hưng cười, đôi mắt sáng trưng:
- Các bạn cứ nộp bài đi, nếu có nhiều trứng vịt quá tôi sẽ xin thầy cho kiểm tra lại, đừng lo.
Những tờ giấy trắng bay tới tấp đến tay Hưng, cả bọn ùa nhau ra sân chơi.
Khuôn viên trường chan hòa ánh nắng. Chúng tôi ba đứa nắm tay nhau đi thơ thẩn dưới hàng phượng vĩ, những cánh lá xanh nhỏ li ti rơi nhẹ đậu lên tóc lên vai.
- Mau ghê hí, mới đó mà đã hết hè.
- Sắp thi học kỳ một rồi, thi xong là nghỉ tết đó, vui ghê.
Minh Ngọc kéo tay Thanh Xuân nói nhỏ:
- Ủa, răng mặt con Quỳnh Hương rầu đời rứa?
Rồi chúng nhìn tôi:
- Răng mi buồn rứa Hương?
- Khi hồi tau làm bài không được chi hết.
- Tau cũng thua chi mi.
- Thôi đừng lo nữa, kỳ nầy thầy không lấy điểm mô.
- Ai nói với mi?
- Thì cứ hy vọng rứa, thời buổi ni người ta sống bằng hy vọng mà. Mi không thấy à, toàn quốc thiên hạ thi nhau phát hành vé số, ngày mô cũng xổ, ngày mô cũng có người nhảy nhót sung sướng và cũng có người nhảy xuống sông mát mẻ.
- Thôi tụi mình xuống căn tin ăn chè đi.
Chuông đã điểm giờ vào học, học sinh chuẩn bị xếp hàng. Đầu năm học nầy, chúng tôi được làm quen với chiếc áo dài trắng truyền thống, không biết nên nói "được" hay là "bị" vì sự thay đổi nầy là cả một vấn đề. Đối với các bạn gia đình khá giả thì không nói làm gì, nhưng trong lớp tôi, phần lớn là con nhà lao động, sắm được một cái áo sơ mi trắng đi học đã khó khăn, huống hồ phải may cho con gái mình cả bộ quần áo dài mà chỉ riêng tiền công may cũng đã hơn tiền một cái áo sơ mi. Gia đình tôi cũng không thoát khỏi cảnh đó, nghĩ mà thương khi nghe mẹ nói với ba: "May mà chỉ có mỗi con Ti đi học, nếu có con Quí nữa thì không biết tính sao!"
Tôi dẫn xe ra cổng trường, Hưng đạp xe theo:
- Xe Hương hư chi rứa? Đưa Hưng coi cho.
Chúng tôi đi đến bóng râm ven đường, Hưng dựng xe mình vào gốc cây, rồi giữ lấy xe tôi, xem xét:
- Sên xe của Hương giãn rồi, Hương lấy xe Hưng về trước đi, để Hưng đi mượn đồ siết lại cho Hương.
Tôi bối rối:
- Hưng cứ sửa dùm, Hương chờ được mà.
Hưng nhìn ra phía đường nắng chói chang:
- Trưa rồi, Hương về nghỉ cho khỏe, lấy xe Hưng về đi mà.
Tôi đến bên chiếc xe đạp của Hưng, rồi dừng lại:
- Nhưng...  xe Hưng cao quá, Hương không đi được.
Đến lượt Hưng lúng túng:
- Chết, làm răng chừ, cũng không có kìm để hạ yên xuống cho Hương.
Minh Ngọc đạp xe ngang qua:
- Ủa, xe mi hư hả Hương? Lên tau chở về.
Hưng mừng rỡ:
- Đúng đó, Hương về với Ngọc đi, để xe Hưng sửa chiều Hưng đem qua cho.
Buổi trưa oi nồng. Tôi đang chập chờn trong giấc ngủ thì nghe tiếng bà ngoại:
- Cậu hỏi ai?
- Thưa mệ, có Quỳnh Hương ở nhà không?
- Quỳnh Hương mô? Chắc cậu đi lộn nhà rồi đó.
Có tiếng chị Quí cười lớn:
- Thiệt là mệ già lẩm cẩm, Quỳnh Hương là con Ti đó, mệ không nhớ à?
Bà ngoại chạm tự ái, bà làm bộ giận dỗi đi vào nhà trong, miệng lẩm bẩm:
- Ti thì kêu là Ti cho rồi, bày đặt Quỳnh Hương Quỳnh Húng.
Tôi ngồi dậy, vòng ra phía sau nhà rửa mặt, chị Quí gọi:
- Hương ơi, có Hưng tới nì.
Hưng ngồi ở bàn chờ tôi:
- Hưng đem xe qua cho Hương.
- Cám ơn Hưng nghe, để Hương đi chặt dừa.
Chưa kịp quay lại thì chị Quí đã đem ra hai ly nước dừa trong vắt:
- Thôi khỏi, chị đã có sẵn đây, uống đi Hưng, dừa vườn nhà đó, ngọt lắm.
- Dạ cám ơn chị. Năm ni chị có thi lại không chị Quí?
Chị Quí đến bên bàn máy may, xếp lại mấy tấm vải:
- Nửa muốn thi nửa muốn không, chán lắm. Bây giờ chị may hàng gia công, được đồng nào hay đồng đó, qua Tết rồi tính sau.
Tôi và Hưng ngồi nhâm nhi ly nước, trời mát dần. Hưng hỏi:
- Hồi sáng Hương làm bài có được không?
Tôi nhìn Hưng lắc đầu:
- Tuần trước học nhóm, Hương đau, Hương nghỉ.
Hưng rút trong túi ra quyển sách hình học:
- Để Hưng giảng lại cho Hương phần giáo khoa nghe, xui ghê, chiều hôm qua Hưng đến thì không gặp Hương.
Bà ngoại đem vào một rổ cá tươi, khoe với tôi:
- Cá cửa Thuận lên tươi xanh.
- Để con hái cà chua nấu canh nghe mệ.
- Ừ phải đó.
Tôi rủ Hưng:
- Mình ra bến chơi đi.
Hai đứa len lỏi trong khoảnh đất nhỏ trồng cà chua, những thân cây xanh vươn lên mạnh mẽ trĩu nặng những quả cà đỏ thắm tròn trĩnh như hòn bi ve ôm ấp bao kỷ niệm giữa tôi và Hưng. Chỗ đất nầy trước kia trồng hoa nhưng trời nắng quá, hoa không nở nổi, ba bèn nhổ hết cây định trồng mướp nhưng rồi lu bu công chuyện quá, ba không có thời giờ làm giàn nên khu đất bị bỏ hoang một thời gian. Hè vừa rồi, Hưng mua được mấy cuốn sách về nông nghiệp, anh chàng tập tành trồng trọt nhưng nhà anh lại không có đất, biết được "nỗi lòng" của Hưng, tôi xin ba miếng đất ấy và ngỏ ý cùng Hưng thực hiện các lý thuyết trong sách, Hưng mừng quá và giờ đây, trước mắt là "công trình vĩ đại" của hai đứa tôi.
Hưng vừa ngắt trái vừa nói:
- Cà to ghê Hương hí.
- Thôi, đừng có mèo khen mèo dài đuôi.
Hưng cừơi không nói. Tôi hái cà đầy một rổ:
- Úi cha, cà sai trái quá Hưng ơi.
- Thôi, thấy rồi.
- Thấy chi.
- Thấy đuôi mèo dài.
Cả hai đứa cùng cười. Tôi nói:
- Thôi đủ rồi, mình ra bến bắt chuồn chuồn chơi.
- Hương tưởng Hương mới mười tuổi chắc?
Nói vậy rồi Hưng cũng đi với tôi, anh bắt được hai con chuồn chuồn ớt, tôi khen:
- Hưng thiện xạ ghê, Hương bắt trật hoài.
Hưng nắm cánh hai con vật nhỏ bé đưa lên cao:
- Hồi nhỏ Hưng nghe phỉnh, cho chuồn chuồn ớt cắn vào rốn là biết bơi ngay, tức cười ghê, rứa mà cũng tin.
Hưng đưa hai con chuồn chuồn cho tôi:
- Cho Hương phóng sanh nì.
Tôi cầm lấy tung lên cao, đôi cánh mỏng xinh chao đảo rồi lượn lờ giữa bầu trời xanh, tôi lại thả hồn theo những làn mây trắng chơi vơi.