Chương 3

Ông nội đau, hai ngày nay chỉ ăn cháo. Buổi trưa đi học về, tôi bưng ly sữa lên phòng ông. Ông nằm yên trên giường, mắt nhắm nghiền, nặng nề trong cơn ngủ mệt. Tôi để ly sữa lên án thư, kéo ghế ngồi cạnh giường ông. Chiếc giường làm bằng gỗ cẩm sơn son nầy nghe ba nói đã có từ thế kỷ trước, tôi nhìn lên đỉnh màn, chiếc rèm bằng sa tanh vàng có những tua gấm đỏ lóng lánh kim tuyến và những mảnh kính nhỏ bằng đồng xu lung linh phản chiếu ánh sáng mặt trời. Ông nội thường khoe với tôi đây là quà của vua ban, trước kia còn có chiếc mùng bằng lụa ngà nữa, lâu ngày đã rách, mẹ năn nỉ lắm ông nội mới cho thay bằng mùng tuyn, nhưng đòi cho được màu ngà ông mới chịu. Ông nội là người hoàng tộc, về vai vế nghe nói ông ngang hàng với vua Thành Thái lận, nhưng vì là con dòng thứ nên ông có tiếng mà chẳng có miếng. Ông lớn lên trong một căn nhà nhỏ sau phủ Ngự Viên, nơi những ông hoàng bà chúa ở, nhưng ai cũng nghèo xác nghèo xơ. Ông được ăn học đàng hoàng và có một thời ra làm quan. Đến năm 1945, ông về vườn, mọi việc trong nhà một mình bà nội quán xuyến. Bà nội cũng là con gia đình danh gia vọng tộc có thế lực ở Huế, ngôi nhà chúng tôi đang ở là của hồi môn của bà nội ngày bà xuất giá. Đó là một căn nhà lầu khá lớn, xây theo kiểu Pháp, nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, phía trước rải sỏi trắng, trồng hai hàng huệ tím, đằng sau là một khu vườn nhỏ trước làm sân chơi nhưng sau ông nội đã phát quang trồng hoa. Đến đời tôi thì ngôi nhà xuống cấp rất nhiều, hàng rào bằng đá trắng xung quanh đã sụp đổ và được thay thế bằng hàng rào chè tàu.
Sau nhà, phía bờ sông chỉ còn lại cây sung cổ thụ nhoài ra mặt nước là nơi tôi thích nhất. Bà nội chỉ sinh có một mình ba, ba ra trường làm việc, lập gia đình được vài năm thì bà mất, khi đó mới có chị Quí và tôi, cu Nô chưa ra đời. Tôi chưa thấy mặt bà nội nhưng nghe me nói bà rất đẹp và tài hoa, cho nên lúc nào tôi cũng có cảm giác sung sướng khi những người bà con bên nội khen tôi giống hệt bà ngày xưa. Chị Quí thì giống me, me là con nhà bình dân, dịu dàng và đảm đang, ông bà ngoại làm ruộng ở Truồi, me lên Huế học thì gặp ba.
Tuy làm ruộng nhưng ông bà ngoại cũng có một vườn cây ăn trái khá lớn và thỉnh thoảng chúng tôi kéo nhau về đó chơi vui lắm. Hiện tại, chúng tôi có ba chị em, chị Quí vừa thi rớt đại học, tôi học lớp 12 trường Trưng Vương và cu Nô mới vào lớp chín. Ba là công nhân viên nhà nước, lương không đủ ăn sáng, bao nhiêu việc chi tiêu trong gia đình một tay me lo hết. Me có một sạp hàng bán đồ khô ở chợ Đông Ba, tiền lời kiếm cũng vừa đủ ăn. Tuy cuộc sống không được thong thả lắm, nhưng trong gia đình, mọi người thương yêu và hy sinh cho nhau nên chúng tôi không mong muốn gì hơn.
Ông nội đã mở mắt nhìn tôi:
- Ti đó à con?
- Dạ, con đem sữa lên cho ông nội, ông nội bớt mệt chưa?
Ông nội chống tay ngồi dậy, tôi xích lại:
- Để con đỡ ông.
- Ông khỏe rồi, ông dậy một mình được mà.
Tôi đưa ly sữa cho ông:
- Ông nội có ăn thêm bánh mì không? Để con đi mua.
- Thôi khỏi.
Ông chỉ lên cuốn lịch treo gần án thư:
- Coi dùm ông hôm nay ngày mấy rồi, ngày âm lịch đó nghe.
Tôi đứng lên:
- Thưa ông, đã rằm tháng mười rồi.
Ông nội bấm đốt ngón tay:
- Còn ba ngày nữa là kỵ bà nội rồi, mau quá, rứa mà đã gần mười lăm năm rồi.
Ông lại nhìn tôi đăm đăm:
- Con giống hệt bà nội hồi trẻ, Ti à, nhất là đôi mắt, đen thẳm như bóng đêm. Con Quí Hương không sao bì với con được, nó không giống một chút gì bên nội cả.
Ông nội uống xong ly sữa, bảo tôi:
- Ông lành rồi, chiều nay nấu cơm nhão cho ông ăn nghe.
- Dạ, bữa ni có cá bống kho khô, ăn hiền lắm.
- Tốt.
Tôi đi ra, khép cửa lại, ông nội vẫn ngồi yên lặng nhìn lên đỉnh màn, những tua gấm đỏ bay bay.
Chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày thi học kỳ một, tôi vùi đầu trong sách vở. Đầu óc rối tung như mớ bòng bong, nào Toán, nào Lý, nào Văn... Tất cả đều như mới tinh chưa hề biết tới, học trước quên sau, học sau quên trước, làm sao bây giờ. Chiều nay tôi đang ôm quyển vở ngồi trên chạc cây sung ngoài bên thì Hưng đến. Thấy tôi, Hưng lắc đầu:
- Trời ơi, vừa học vừa làm thơ như rứa thì làm răng mà thuộc được.
Tôi chạy lên bờ:
- Nguy to rồi Hưng ơi, đầu óc Hương tối thui.
Hưng hoảng theo:
- Chết, làm răng đây, mấy bài tập Hưng đưa Hương làm xong chưa?
Tôi làm mặt giận:
- Hưng chẳng thèm qua bày, làm răng Hương giải được.
- Thì bây giờ Hưng qua đây nì, thôi vô nhà làm bài đàng hoàng đi.
Tôi giải xong hai bài toán thì mồ hôi toát ra như tắm, đầu óc nhức buốt, mắt mờ đi.
Hưng nói nhỏ bên tai tôi:
- Hương mệt lắm rồi, thôi nghỉ đi.
- Còn nhiều quá, Hương lo...
- Hương đừng lo, Hưng đã thanh toán xong bài vở của mình rồi, từ đây cho đến ngày thi, Hưng sẽ đến bên Hương.
Chợt Hưng nắm lấy tay tôi, tôi giật mình rụt tay lại. Hưng như bừng khỏi cơn mơ:
- Chết, xin lỗi Hương.
Tôi đứng dậy xếp sách vở, nói lảng:
- Hưng cũng mệt rồi, mình ra sông chơi đi.
- Thôi Hương vào nghỉ, trời đã chiều rồi.
Chị Quí bưng lại hai chén chè bông cau:
- Chè chị mới nấu, ăn đi rồi tiếp tục dùi mài kinh sử.
Chị Quí kéo ghế ngồi bên cạnh Hưng:
- Chị biết Hưng học rất giỏi nhưng vào đại học là cả một vấn đề đó.
Tôi nghiêng nghiêng mái tóc:
- Năm nay người ta hết xét lý lịch rồi chị ơi, vào đại học không cần là đoàn viên nữa.
Chị Quí xí một tiếng thật lớn, chị đứng dậy, đến bên cửa sổ vén tấm màn lên:
- Không phải tau tự phụ, những năm vừa rồi có ai đạt điểm toán tối đa như tau không, vậy mà vẫn rớt cái đụi.
Hưng nói:
- Năm nay chị thi lại thử xem.
- Thôi, chị đã mệt mỏi lắm rồi.
Tôi nhìn chị Quí, ánh mặt trời buổi chiều soi bóng chị chênh chếch bên tấm rèm hoa. Tóc chị dài óng mượt buông xõa ngang vai ôm lấy khuôn mặt tròn trĩnh đang cúi xuống nhìn đăm đăm vào những nét hoa văn trên nền nhà, đôi mi chị cong như hai cánh bướm, chiếc mũi thẳng, miệng hơi rộng nhưng mọng hồng, nếu chị cười có hai đồng tiền nở hoa trên má chị, rất nhiều người nhận xét: "Con Quí Hương không đẹp bằng con Quỳnh Hương nhưng có duyên hơn".
Chị Quí học giỏi, suốt mười hai năm học chị đều dẫn đầu lớp, bao nhiêu lần chị đoạt giải văn và toán trong toàn tỉnh vậy mà đùng một cái, chị thi rớt đại học. Ai cũng bảo là vì lý lịch, nhưng chị không tin, ba là công nhân viên, mẹ tiểu thương, không dính dáng gì đến ngụy quân ngụy quyền cả. Có người nói hai là tại mẹ có hai người em ruột vượt biên, chị lại càng phản đối tợn, chị nói hai cậu đó vượt biên cũng chả liên can gì đến chị, bằng chứng là họ có gởi về đồng xu cắc bạc nào để nuôi gia đình chị đâu. Nhưng nói gì thì nói, sự thật chị vẫn không bước chân vào đại học, và bây giờ thì ngày ngày lãnh hàng may gia công phụ giúp vào kinh tế gia đình.
Tôi tiễn Hưng ra cửa, dù trời sắp tối, tôi vẫn một mình trở lại bên sông. Gió thổi mạnh, lác đác vài hạt mưa, bầu trời chùng thấp, tôi không tìm thấy những cụm mây nhỏ lang thang của tôi nữa.
Học kỳ I trôi qua đầy phấn khởi. Nhờ Hưng giảng, tôi đã hiểu cặn kẽ những bài toán hắc búa, nhờ Hưng nhẫn nại dò bài, tôi đã thuộc vanh vách các định lý gay go, các bài Sinh, bài Địa đầy khúc mắc, chi tiết.. và tôi đã làm bài gần như hoàn hảo khiến cho hai con bạn thân của tôi là Minh Ngọc và Thanh Xuân phải phục lăn.
Sáng nay lớp tôi có hiện tượng lạ, cô Liên chủ nhiệm bị bệnh, giờ sinh của cô được một giáo sư mới toanh thay thế, khi cô bước vào lớp, màu áo vàng của cô sáng rực cả phòng. Hồng Châu nói sau lưng tôi:
- Cô Khánh Chi mới ra trường đó.
Tiếng Hoàng Văn:
- Bạn của anh Thanh tau.
- Đía, anh mi mà có cô bạn đẹp như tiên nga rứa.
Cô đã ngồi vào bàn, gõ nhẹ chiếc thước trên tay:
- Cám em im lặng. Kể từ hôm nay, cô tạm thời làm chủ nhiệm lớp nầy cho đến khi cô Liên xuất viện đi dạy trở lại.
Cả lớp nhao nhao. Hưng đứng lên:
- Thưa cô, cô Liên của chúng em đau chi mà phải vào nhà thương, cô biết không ạ?
- Nghe nói cô phải mổ ruột thừa, không sao đâu, các em yên tâm.
Cô Chi mở xắc lấy ra một xấp bài. Cả lớp lại xôn xao:
- A, bài thi, bài thi.
Cô lại gõ thước trên bàn:
- Bài thi cô Liên đã chấm xong và nhờ cô trả cho các em.
Không khí chợt yên lặng như có ai lượm hết mọi ồn ào vứt ra ngoài cửa sổ, chỉ còn nghe tiếng những tờ giấy thi chạm vào nhau soàn soạt.
- Huyền Công Tằng Tôn Nữ Quỳnh Hương.
Tôi giật mình ngơ ngác. Cô lập lại, Minh Ngọc nhắc:
- Đứng lên đi.
Cô nhìn tôi bằng ánh mắt hiền từ đầy khích lệ:
- Khá lắm, Quỳnh Hương, chỉ mình em đạt điểm mười môn sinh kỳ nầy.
Một vài tiếng vỗ tay lác đác, rồi cả lớp vang dội tiếng la hét:
- Cô đọc điểm đi cô, đọc điểm đi cô.
Hưng nói lớn:
- Các bạn yên lặng mới nghe được chứ.
Cô Chi đứng dậy, cầm xấp bài đi về phía cuối lớp:
- Nói chung thì các em làm bài rất khá, chỉ có một vài em dưới trung bình nhưng cô Liên đã nâng lên điểm năm.
Cô nhìn quanh:
- Ai là lớp trưởng?
Hưng đứng lên:
- Thưa cô, em.
Cô đưa xấp bài cho Hưng:
- Em vào sổ điểm dùm cô. Chốc nữa đến giờ chơi em ở lại làm việc với cô một lát nghe.
Tôi nhìn về phía Hưng định hỏi điểm anh nhưng xa quá, lúc nầy Hưng cũng đang nhìn tôi. Hiểu được ánh mắt tôi, Hưng làm dấu bàn tay xòe năm ngón và tay kia bốn ngón, vậy là lần đầu tiên Hưng thua tôi một điểm, chắc là điểm hình vẽ vì Hưng vẽ không đẹp bằng tôi.
Tôi ngồi trên bờ, nhìn bóng chiều lan nhẹ trên dòng sông dịu mát. Nước trong lạ thường, thấy rõ những viên sỏi trắng ngần dưới lòng sông cát trắng phau phau, những con ốc bò chầm chậm bên chùm rong màu nâu nhạt, những trái sung chín rụng từ mấy ngày qua vỡ nát thâm đen.
Sao bỗng yêu lạ lùng cái không gian yên tĩnh nầy, bờ lau xanh với muôn chùm hoa trắng phất phơ, như kêu gọ, như nhắc tôi nhớ lại thời thơ ấu xa xưa, từng chiều ra bến đuổi bướm hái hoa, bẻ cọng râm bụp làm gương đeo mắt, nhặt lá bàng làm những đôi dép mang vào chân mới đi vài bước đã rách tan hoang. Một đám lục bình trôi ngang, màu hoa tím ngọt ngào, tôi bước xuống nước cảm giác mát lạnh ôm ấp đôi bàn chân, tôi lội nhanh ra định hái nhưng không kịp, nước chảy mạnh quá, thoáng chốc cánh bèo đã xa tít mù. Tôi trở lên bờ, ngồi xuống vệ cỏ, lơ đãng nhìn sang bên kia sông. Thôn Vỹ Dạ chan hoà ánh nắng, ruộng bắp vườn cau ngời xanh dưới khung trời ngọc thạch. Ô những đám mây sáng chói vẫn ngàn đời theo gió bay về cuối chân trời xa, cho tôi gửi hồn lên đó, mây ơi có chắp cánh được cho tôi không?
Có tiếng thở nhẹ sau lưng, tôi quay lại:
- Hưng.
- Hương đang làm thơ hả?
Tôi thoáng mắc cỡ:
- Thơ chi mô, có thơ con cóc thôi.
Hưng nhìn xung quanh:
- Chiều chiều ra đây chơi thật thú vị, mát ơi là mát, chẳng bù ở nhà Hưng, khi mô cũng như cái lò bánh mì.
Tôi đứng dậy theo Hưng.
- Chiều nay Hương có rảnh không?
- Có chuyện chi rứa Hưng?
- À, thi xong rồi Hưng muốn mời Hương đi chơi lang thang cho tâm trí thư giãn một chút, cả tháng ni căng thẳng thần kinh quá.
- Để Hương vô xin phép đã.
Hai đứa đạp xe dọc đường Trần Hưng Đạo, phố phường tung bay muôn ngàn sắc áo. Hưng rủ:
- Tụi mình vô hiệu sách xem đi.
- Thôi, Hương sợ mất xe lắm.
- Không sao, khóa chung xe với Hưng nì.
Hai đứa đi dọc theo kệ dài đầy sác. Sách xuất bản khá nhiều nhưng giá mắc quá, tôi chỉ vào một quyển truyện dịch nói với cô bán hàng:
- Chị cho em coi quyển đó.
Hưng đến bên tôi:
- Sách của tác giả nào?
- Của Hadley Chase, Hương thích đọc tác giả nầy nhất, câu chuyện diễn biến hấp dẫn như xinê.
- Hưng thích đọc Agatha Christie hơn, bí mật cho đến trang cuối.
- Với bà ta thì Hương chỉ mê "Vụ án đảo đen" và "Tận cùng là cái chết", còn những truyện khác đọc mệt óc lắm.
- Hương xem "Kết tội lúc không giờ" chưa, để Hưng cho Hương mượn nghe, hay lắm.
Tôi mân mê quyển sách trong tay, bìa in đẹp, giấy trắng tốt, chữ rõ nét, nhưng khi lật phía sau tôi giật mình khi thấy giá 40.800 đồng. Tôi trả lại cuốn sách, cô bán hàng nhìn tôi, mặt nặng như chì.
Chiều xuống mát rượi, tôi và Hưng gửi xe rồi thả bộ theo bến Phu Văn Lâu, hoa nở muôn màu trên những vồng đất nâu tươi.
- Hương mỏi chân rồi.
Hưng kéo chiếc ghế mây của một quán nhỏ gần đó:
- Mình ngồi đây uống chút gì đi.
Tôi tựa người vào thành ghế, nhìn về phía cầu Tràng Tiền, những vòm sáng bạc của mấy nhịp cầu nhạt nhòa bóng hoàng hôn. Hưng chỉ ra xa:
- Những đám mây của Hương kìa!
Tôi ngạc nhiên:
- Răng Hưng biết?
Đôi mắt Hưng chợt đam mê kỳ lạ:
- Hương có cho phép Hưng được lang thang cùng Hương trên những đám mây kia không?
Tim tôi đập mạnh, gương mặt Hưng đang rất gần bên tôi, hơi thở anh phả nhẹ mơn man trên làn tóc tôi buông lơi, ánh mắt anh ấm nồng tha thiết. Tôi hoảng sợ, không dám nhìn Hưng, tôi đứng dậy:
- Thôi tối rồi, mình về đi.
Chia tay Hưng vội vàng, tôi nói dối là tối nay có việc bận và đạp xe thật nhanh.
Tôi về đến nhà thấy mọi người quây quần nơi phòng sau sửa soạn làm mứt tết. Trên bàn la liệt, nào dao lớn dao nhỏ, mấy bó gừng tươi và đẹp nhất là một rổ đầy trái tắc tròn trĩnh xanh tươi còn nguyên cuống lá. Me nhắc tôi:
- Còn cơm để trong cụi, vô ăn đi rồi ra giúp me một tay.
Cô Nghĩa hàng xóm cũng đã sang, cô đang chọn mấy lưỡi dao lam để gọt tắc, tôi cười với cô.
- Hay quá, có cô qua làm dùm thì mứt khéo phải biết.
Cô cười sung sướng:
- Ti chỉ nói nịnh thôi, cô mà khéo chi. À, tết ni Ti được mấy tuổi rồi hè?
- Dạ mười chín tuổi ta rồi đó.
- Mau ghê hí, mới ngày xưa mới đẻ Ti, cô cứ sang xin bồng hoài, hồi đó Ti dễ thương như một con búp bê.
Rồi cô nói với me:
- Chị nhớ không chị Thành, năm đó em cũng bằng tuổi con Ti chừ.
Me cười thân mật:
- Rứa mà chừ chưa lo chuyện chồng con cho rồi, kén quá mà.
Cô Nghĩa cúi đầu cười buồn:
- Em xấu xí như ri ai mà ưa.
Tội nghiệp cô, nghe me kể cách đây hơn mười năm, người chồng chưa cưới của cô hy sinh ở biên giới, từ đó tới nay cô khép chặt cửa lòng, không yêu một ai nữa cả. Cô Nghĩa là người láng giềng tốt nhất của chúng tôi.