CHÂN LÝ

Có nhiều thứ nhưng chưa là tất cả, một người bạn đã nói với ông như vậy trong buổi tiệc rượu thân mật, có một thứ vô cùng quý báu mà mỗi người chúng ta còn chưa vươn tới được thì chưa thể gọi là sống làm người.  Ông ngạc nhiên suýt đánh rơi cái bát trên tay:” Vậy chúng ta là ai? Và đó là gì? “.  Người bạn bảo, chúng  ta là những con vật tiến bộ nhưng chưa thể gọi là người. Còn thứ chúng ta cần tìm là Chân Lý. Ông ngơ ngác như người mộng du. Chân Lý ư?  Chân Lý là gì? Ở đâu? Hình dạng nó ra sao? Và  bằng cách nào để có nó? Người bạn nhún vai, đáp cộc lốc “ Chịu! “.
Chân Lý! Chân Lý! Hàng vạn dấu hỏi thi nhau nhảy nhót trong đầu của ông. Sau nhiều đêm nghiền ngẫm, ông ngộ ra một điều, muốn tìm ra Chân Lý, ít nhất phải có chút khái niệm về nó. Liên tiếp những ngày sau đó, ông cất công lùng sục khắp ngõ ngách  trong thành phố rồi tha về cơ man là sách triết học vừa đủ lập một thư viện mini. Từ hôm đó, ông đóng cửa phòng, vùi đầu vào những trang sách như nhà hiền triết thật sự.
Nhưng càng đọc, ông càng thấy rối. Những trường phái triết học luôn luôn mâu thuẫn, đối nghịch lẫn nhau. Trong khi các triết thuyết cổ đại luôn coi Thượng Đế là trung tâm vũ trụ, là đấng quyền năng siêu việt cai quản vạn vật, thì triết thuyết hiện đại một mực khẳng định Con Người là tất cả. Triết học hiện sinh vô thần khai tử Thượng Đế và khẳng định  con người tạo nên lịch sử  thì Thuyết cấu trúc lại ngậm ngùi viết cáo phó loài người. Họ cho rằng con người không phải đang sống mà là bị sống, cũng như bị ăn, bị làm việc, bị yêu.. Triết học phương Tây va chạm  với triết lý phương Đông; tôn giáo A đối kháng với tôn giáo B...Ai cũng cho khư khư cho rằng triết lý của mình là khuôn vàng, thước ngọc, là Chân Lý và sẵn sàng hạ bệ những trường phái khác, tôn giáo khác bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Sau gần nửa năm mài mò, nghiền ngẫm, rốt cuộc, ông giật mình  thú nhận, chẳng hiểu gì cả.
Chân Lý  quá mông lung,  quá mơ hồ và quá nhiều khái niệm, khiến ông mỗi lúc càng  sa vào cánh rừng nguyên sinh chằng chịt, không lối thoát. Quá thất vọng với chủ nghĩa giáo điều, quá chán nản với mớ triết lý giấy vụn, ông quyết định đi tìm Chân Lý theo cách riêng của mình.
Tờ mờ sáng hôm sau, ông lặng lẽ  rời khỏi nhà. Khi đi, ông mang theo hành trang và số tài sản  đủ cho chuyến viễn du  truy tìm Chân Lý. Sau cuộc hành trình vất vả, vào một buổi chiều chạng vạng,  ông đặt chân đến một thị trấn nhỏ. Người đầu tiên, ông gặp là gã đàn ông kiệt sức bên đường.
Ông bước đến bên người đàn ông đó và từ tốn hỏi:
- Anh bị gì thế? Tôi có thể làm gì giúp anh?
Người đàn ông thều thào:
- Tôi đói..
Ông ra điều kiện:
- Anh hãy trả lời câu hỏi của tôi và tôi sẽ cho anh cái ăn. Có đồng ý không?
Ánh mắt gã đàn ông vụt sáng:
- Vâng, tôi xin nghe ông đây.
- Anh hãy nói cho biết  Chân Lý là gì?
Người đó đáp liền mà chẳng cần suy nghĩ:
- Quá đơn giản! Tôi sắp chết đói, hãy cho tôi một mẫu bánh mỳ. Đó chính là Chân Lý!
Ông tròn xoe mắt ngạc nhiên:
- Ô hay! Chân Lý là mẫu bánh mỳ! Chỉ thế thôi ư?
Giữ lời hứa, ông mua cho hắn một ổ bánh. Tất nhiên, ông không thể đặt niềm tin vào một kẻ bị lú lẫn bởi cái đói. Và thế là cuộc truy tìm Chân Lý lại tiếp tục. Một buổi chiều trong công viên, ông bắt gặp một chàng trai khôi ngô, tuấn tú,  gương mặt rạng ngời như mặt trời buổi sớm mai. Những người trẻ tuổi phơi phới yêu đời bao giờ cũng có những nhận xét rất chí tình:
- Này, anh bạn trẻ, hãy bảo cho ta Chân Lý là gì. Nếu bạn có những lý lẽ thuyết phục, ta sẽ thưởng tiền, rất nhiều tiền.
Chàng trai tỏ vẻ dửng dưng:
- Tôi không cần tiền.
- Tại sao thế? Lần đầu tiền, ta mới nghe được những lời này, hơn thế, nó lại được thốt ra từ miệng một chàng trai. Anh nên hiểu rằng có tiền là có tất cả.
- Tôi đã tìm đủ tiền trang trải cuộc sống, có thêm nữa cũng chẳng làm gì, lại phải mất công lo lắng giữ gìn. Với tôi, tiền chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Và càng sai lầm khi đặt nó ở vị trí cao hơn tất cả,  thưa ông.
Một câu trả lời đã được trích dẫn đâu đó. Ông nói:
- Tôi cũng đồng ý suy nghĩ với người trẻ tuổi. Này, anh bạn không cần tiền nhưng cũng nên trả lời câu hỏi của ta chứ. Chân Lý là gì? Chúng ta tìm nó ở đâu?
Chàng trai trẻ gật đầu, nói:
- Rất sẵn sàng! Chân lý ở ngay bên cạnh ta đấy thôi!
- Đâu? Nó ở đâu?
Chàng trai phì cười:
- Nó ở trong tim mỗi người. - Chàng trai vung vẩy bó hoa tươi:- Chân lý là tình yêu, tình yêu làn Lý, ngoài ra không còn định nghĩa nào khác chính xác và hoàn hảo hơn.
Câu trả lời đem đến cho ông sự thất vọng ghê gớm. Vậy mà, ông cứ nghĩ nó to tát lắm, vĩ đại lắm. Ông làu bàu, một khi đã aăn nhằm bả ái tình, người  khôn cũng hóa dại, kẻ thông minh cũng trở nên đần độn, thì làm sao còn đủ sáng suốt để nhìn thấu sự việc. Tình yêu mà là Chân Lý sao, ngộ quá.
Dù muốn dù không, hành trình truy tìm Chân Lý vẫn phải tiếp tục khi mà mọi định nghĩa không thỏa mãn được nhu cầu khám phá của ông.  Một đêm trăng sáng, ông đang bước thơ thẩn trên chiếc cầu gỗ. Những suy nghĩ vẩn vơ trôi về phương bất tận bỗng bị xé vụn bởi tiếng vật nặng rơi xuống nước. Nhìn xuống bên dưới, ông phát hiện một người đàn bà đang chìm dần... Chẳng kịp cởi quần áo,  ông lao xuống nước. Sau một hồi vật lộn, uống một bụng no nước, rốt cuộc, ông cũng đưa người phụ nữ chán đời kia vào bờ.
Người đàn bà có phản ứng quyết liệt:
- Tôi muốn được chết, tại sao ông lại cứu tôi. Tôi căm thù ông! Đồ con lợn!
Người đàn bà lao vào cấu xé ân nhân của mình. Ông chống đỡ một cách vất vả. Người đàn bà lịm đi chừng nửa giờ, thì tỉnh dậy:
- Xin lỗi ông tôi đã hành động không đúng. Lẽ ra ông không nên dự vào chuyện này.
Đoạn người đàn bà cất giọng não nùng:
- Tôi mắc chứng bệnh trầm kha, các thầy thuốc đều lắc đầu bó tay. Chồng con tôi mỗi ngày phải bán một thứ gì đó. Tôi phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp, muốn chết đi cho rảnh nợ  nhưng lần nào cũng bị kỳ đà cản mũi.
Chân Lý là cái chết!
Hơn một năm trôi qua, người đàn ông vẫn mải miết đi tìm Chân Lý. Vào một buổi sáng tinh mơ, ông bắt gặp một đoàn người ngựa bước đi trong huy hoàng cờ xí. Phía sau họ là những đoàn xe thồ chất đầy của cải quý báu và phụ nữ. Những chiến binh bại trận đói lả bị xâu bằng dây cáp kéo lê thành hàng dài cả cây số.
Người đàn ông đứng bên cạnh nói:
- Quân đội của chúng ta vừa chinh phạt nước láng giềng.
Ông khẽ gật đầu, im lặng. Đang đi, một nô lệ trong hàng bỗng khuỵu xuống vì kiệt sức. Ngay lập tức viên sỹ quan đang đứng gần đó liền đặt nòng súng lên thái dương người đó và điềm nhiên kéo cò. Một âm thanh khô khốc vang lên. Một mạng người ngả gục.
- Không được giết hại tù binh! – Ông gào lên.
Viên sỹ quan nheo mắt nhìn ông rồi cười nhếch mép:
- Giết hay tha bọn chúng là quyền của chúng tôi, ông không nên xen vào.
- Dù sao họ cũng là con người chứ không phải súc vật. Cùng là đồng loại  phải biết yêu thương nhau, chân lý đó lẽ nào các anh không hiểu.
Viên sỹ quan cười sặc sụa:
- Chân lý thuộc về kẻ chiến thắng! Chỉ những kẻ chiến thắng mới có quyền áp đặt chân lý.
Chân Lý là chiến thắng!
Những mùa đông rét mướt đi qua. Và ông đã đi sắp hết phần đời còn lại  nhưng Chân Lý vẫn là cái gì đó quá xa vời. Rốt cuộc, ông vẫn không sao  tìm thấy gương mặt đích thực của Chân Lý. Càng lúc, ông càng thấy rối. Chân Lý là của cải, là hạnh phúc, là nỗi đau, là sự sống, là cái chết, là Thiên Chúa, là con lừa....Có vẻ, Chân Lý  là một chất dung dịch  mà bất kỳ người thợ làm bánh nào cũng có thể đổ vào khuôn theo sở thích của mình. Không thể được, Chân Lý phải là một thực thể riêng biệt, là ngọn hải đăng soi rọi con thuyền chở nặng những linh hồn lạc bến. Nhưng nó ở chốn nào?
Sức đã tàn, lực đã kiệt, với ông, Chân Lý vẫn là cuộc tìm kiếm vô vọng. Thời gian gần đây, trong những giấc mơ chập chờn, hình bóng gã Thần Chết cứ lởn vởn quanh mình, ông cay đắng chấp nhận bỏ cuộc.
Trên đường trở về để chuẩn bị cho ra đi vào cõi vĩnh hằng, ông có ghé vàt túp lều của một bà lão xin nghỉ chân. Bà lão già khọm đưa cho ông cốc nước mưa. Uống xong, ông cám ơn và hỏi:
- Bà có biết Chân Lý ở đâu không?
Thật tình, ông không hy vọng gì ở bà già lọm khọm. Chắc lại là những câu trả lời cũ rích. Hỏi để có chuyện mà nói.
Vừa nghe xong, bà lão bật cười khanh khách. Đoạn đưa tay trỏ về phía trước:
- Ông có thấy gì không?
- Ồ, một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ!
Ông rất ngạc nhiên, giữa miền đất khô cằn, sỏi đá lại sừng sững một công trình tuyệt tác đến vậy. Bà lão đột ngột lên tiếng:
- Nó ở trong đấy!
- Ai cơ?
- Chân Lý!
Ông nhìn bà ngơ ngác hồi lâu. Rồi lật đật đứng dậy, hướng về phía tòa lâu đài cổ kính. Bà lão nói đuổi theo:
- Đi đâu vậy?
- Nhận mặt Chân Lý!
Nói rồi, ông hăm hở cắm đầu bước đi như chạy. Ông cứ loay hoay mãi nhưng không thể vào được bên trong bởi vì tòa lâu đài được bao bọc bởi những bức tường cao vút. Lạ một điều, lâu đài hoàn toàn không có cửa hay bất kỳ lối để vào bên trong.
Đứng tần ngần một lúc lâu, ông đành tiếc rẻ quay trở lại túp liều của bà lão.
- Tại sao lại thế nhỉ? – Ông làu bàu:- Lâu đài không có cổng thì làm sao vào được?  Làm sao ta có thể nhìn thấy dung nhan Chân Lý?
Bà lão nhìn ông, toét miệng cười khó hiểu.  Ông lặng người một lúc rồi đưa tay vỗ  mạnh lên trán và gào lên trong tuyệt vọng:
- Chân Lý! Chân Lý. Đến tận bây giờ ta mới hiểu. Trời ơi!
Bỗng ông hộc lên một tiếng thật to và thổ huyết lênh láng. Đôi mắt trợn trừng trắng dã và ngã quỵ xuống. Khi bà lão xông đến đỡ  dậy mới hay ông ta đã tắt thở tự lúc nào.
 
 
 
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/9/2005