Tợp hết chén rượu Bình Tây loại bốn mươi lăm độ, lão gắp miếng dồi chó cuộn vào chiếc lá mơ, nhúng vào chén mắm tôm sủi bọt lăn tăn rồi cho vào mồm nhai ngấu ghiến, mắt lim dim như nhà hiền triết đang nghiền ngẫm sự đời: - Ngon! – Lão vỗ đùi chan chát,:- đúng là sống trên đời không ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không, lời thánh hiền đã phán thì cấm có sai! Là dân nhậu thứ thiệt nhưng lão chỉ biết đến món cẩu nhục cách đây chưa lâu, trong khi những chiến hữu bao phen vào sanh ra tử trên chiếu rượu, ngay từ lúc mới gia nhập vào làng chai lọ đã kết duyên giai ngẫu với món chó hấp cách thủy, rựa mận ướp mẻ với củ riềng, cầy nướng lá lốt ( món này đám chiến hữu của lão tự biên tự diễn ) Chính vì thế, suốt một thời gian dài, trong bàn nhậu, lão xem như kẻ tín đồ lạc đạo. Lão biết mùi thịt cầy là do các chiến hữu gài bẫy. Hôm đó, các chiến binh từng vào sinh ra tử mang đến nhà lão một bọc thịt nướng gói trong lá chuối, bảo là thịt rừng. Lão đưa lên mũi ngửi ngửi rồi tấm tắc khen: - Được! Chỉ ngửi mùi đã muốn nhậu rồi! Lão bước vội vào nhà ôm ra bình rượu tắc kè với chiếc bát to: - Thịt nai phải uống bằng bát mới thú. Cuộc nhậu các anh hùng Lương Sơn Bạc kéo dài bốn giờ đồng hồ. Một mình lão đánh gọn ba suất. Vừa ăn, vừa tấm tắc khen ngon. Bạn nhậu bấm bụng cười thầm. Tiệc tàn, một người trong bọn cười hề hề bảo thịt nai mua ở chợ ông Tạ. Lão chưng hửng: - Chợ ông Tạ làm gì có thịt thú rừng. Phạm Viết Chánh mới có chứ! - Giống nai này khôn lắm, vừa biết giữ nhà, vừa biết sủa! Vừa nghe xong, lão bỗng trợn trắng rồi lăn đùng ra. Các chiến hữu vội lao đến. Bỏ mẹ rồi, lão mà ngỏm thì bàn nhậu mất một tay chiến binh lẫy lừng, bách chiến bách thắng. Mọi người chưa kịp chạm đến, lão bỗng ngỏm dậy như chiếc lò xo. Tệ thật. Món ngon như thế, bây giờ lão mới biết. Té ra, lão suýt chết vì tiếc. Thế là, kể từ lần đó, lão chỉ chuyên trị món cầy. Tuy nhập môn muộn màng nhưng lão lại tỏ ra sành sỏi hơn các tín đồ khác về khoản ẩm thực các món cẩu nhục, bởi lão rất chịu khó cất công sưu tầm. Người Bắc chế biến thịt cầy bao giờ cũng ngon hơn người Nam. Thịt chó Nam Hà ở góc đường Trần Phú – Nguyễn Văn Cừ vô địch về món nướng và dồi. Muốn thưởng thức món luộc sành điệu phải đến quán Nó đây rồi! ở cư xá Thanh Đa. Món rựa mận phải đến Cống Quỳnh...Tuy nhiên dân miền Nam lại có tuyệt chiêu món cầy quay chảo mà người Bắc không có. Cả thành phố cũng không có. Muốn thưởng thức món phải lặn lội gần trăm cây số xuống tận Vĩnh Long. Ăn chơi không ngại đường sá xa xôi hay tốn kém. Thịt cầy làm xong đem ướp mẻ, củ riềng, mắm tôm và các gia vị hỗ trợ khác sau đó đem quay trên chảo. Món này phải ăn kèm với cà pháo, đậu bắp nướng, rau sống các loại mới đúng điệu. Da thịt cầy được quay giòn như heo sữa quay, lịm đến óc o, ai đã thử một lần đến chết vẫn thòm thèm. Có một điều rất lạ, cũng thịt chó đấy, cũng công thức chế biến ấy, nhưng vào tay kẻ khác thì món chẳng ra món, tấm chẳng ra tấm, lão nghi, tay chủ quán cố tình giấu bí quyết gia truyền. Chẳng trách được, thời buổi, kẻ mua người bán tranh giành, có bao nhiêu võ công đem ra thi thố tất tật có mà húp cháo. Đến giữa tiệc nhậu các chiến hữu bắt đầu chộn rộn, bởi chủ xị chưa tuyên bố lý do. Lão thủng thẳng nhấn nhá món luộc rồi nói: - Kể từ sau sau tiệc rượu này, Tư Lãm sẽ làm hành giả! - Cái gì! – Đám đông đồng loạt thốt lên. Một người đang nhai miếng nướng lập tức phun ra. Mắt trợn trừng như Từ Hải chết đứng. - Tu? Tôi có nghe lùng bùng cái lỗ tai không vậy cà. Lão mà tu thì cả thế gian này đắc đạo tuốt luốt. - Nè, Tư Lãm mới sương sương vài sợi mà nói năng kiểu gì vậy? Lão mà bước chân vào chùa, Đức Thích Ca mâu ni không đá giò lái lão dính vô vách, thấm nước miếng ba ngày gỡ không ra, tôi đi đầu dưới đất! - Chẳng có chùa nào dám chứa lão đâu. Ăn thịt chó cứ như là Lỗ Trí Thâm mà đòi tu với hành! Lão đi tu, dân bán thịt chó đồng loạt giải nghệ. Bị chọc quê lão chẳng giận còn cười tít mắt: - Tế Điên hòa thượng nhờ chuyên trị món cẩu nhục với rượu đế Mao Đài mà đắc thành chánh quả. Tư Lãm này tại sao không? Trong lúc mọi người còn ngơ ngác giữa hai bờ hư hư thực thực, lão nói tiếp: - Từ Lãm này nói tu là tu. Từ bỏ món mặn các loại, Tư Lãm sẽ ăn chay trường. Tất nhiên chẳng ai thèm nghe lão cả. Lời nói của lão như cá trê chui ống. Mọi người hồ nghi cũng đúng thôi, bởi trước đó lão đã hai lần vào chùa ăn chay, niệm Phật. Và cả hai lần đều bị sư trụ trì sai môn đồ nắm cổ ném ra đường vì phạm ngũ giới cấm và thập thiện nghiệp. Lần quy y thứ nhất, lão đang trong độ tuổi di quân dịch, để trốn lính, lão nương náu vào cửa thiền. Lão sợ chết và sợ cả các món chay. Đi lính thì có thể chết chứ ăn chay thì vẫn sống nhăn răng, vì thế lão phải chọn cái sợ thứ hai ít nguy hiểm hơn. Lão xuất gia gần nửa năm thì không thể nào chịu nổi các món được chế biến từ rau quả, đậu phụ, chao tương, dưa muối. Thiếu rượu và chất tươi trong dạ dày, lão thấy bứt rứt khó chịu, lúc nào cũng cáu gắt và chực gây sự với bất kỳ đạo hữu nào mà lão thấy ngứa mắt. Người lão bị rộc ra nom như con khô hố phơi ba chục nắng. Khổ nỗi, cạnh chùa có quán tiết canh, gỏi vịt, khách khứa chen chân không lọt. Chiều nào, lão lén ra gần chỗ thuyền bát nhã nhìn qua bên kia đường. Mắt đóng đinh lên mấy con vịt mập ú treo lủng lẳng trên tủ kính, cùng đám thực khách đang cùng ly chan chát mà tuổi phận tu hành. Nếu không có chiến tranh, đời lão đâu phải khốn nạn như thế này. Cha chả, tiết canh vịt mà nhậu với rượu thuốc hiệu Ông Già thì cho dù xuống địa ngục tám kiếp lão cũng không ngán! Trong đám môn đồ có ba thằng đi tu trong độ tuổi quân dịch. Nhìn sơ qua là biết ngay là dân tu..h..ú...Nhưng cửa thiền luôn rộng mở đón nhận những tâm hồn hướng về ngôi tam bảo. Hai tay kia tuy tu giả cầy nhưng luôn thi hành phận sự chuông mõ, kệ kinh rất chi là thành kính. Chỉ có lão là kẻ phá chùa, phá đạo. Ngồi trong chánh điện đọc kinh mà hồn gửi nơi quán nhậu. Thỉnh thoảng lại liếc sang bên kia đường, cánh mũi chun chun mùi trần gian thơm ngát rồi nuốt nước bọt ừng ực. Mẹ kiếp! Tiết canh mà ăn như thế làm sao biết ngon hay dở. Nam mô phổ độ..thịt vịt, tiết canh, a di..rượu thuốc..chúng sanh..phải uống loại rượu..đà Phật..mới đúng điệu..Kinh Phật và kinh đời thay nhau quần lão tả tơi. Sư chủ trì mấy lần nhắc nhỡ, lão hứa sẽ dốc lòng phận sự chuông mõ, kệ kinh: - Bạch thầy, con cũng muốn làm trọn phận sự tu hành nhưng mọi việc đối với con sao khó quá. Con phải làm sao? Cái quán nhậu ấy mà.. - Bởi vì con chưa rũ được bụi trần, còn để lửa tam muội thiêu cháy. Con hãy thành kính hướng về đức Phật, Người sẽ giúp con. Lão cố hướng về cội bồ đề hy vọng sớm trở thành tín đồ ngoan đạo. Nhưng ngay từ đầu, lão đã gửi thân theo đạo Lưu Linh, là người giữ chữ tín, lão không muốn cải đạo. Mẹ lão vào thăm con. Nhìn thấy thầy Trúc Minh ( pháp danh của lão ) sụt mất tám cân, bèn khóc như mưa. Lão nhìn trước, ngó sau rồi kề tai nói khẽ điều gì đó có vẻ quan trọng. Mười giờ đêm hôm đó, đích thân mẹ lão xách chiếc gà mên ba ngăn lén lút đưa cho thằng con ốm đói đang đập muỗi chan chát phía sau bụi chuối bên hông chùa. Đi đêm mãi cũng có ngày gặp ma. Thằng Phần, một trong ba tên đi tu trốn lính, pháp danh Phổ Tịnh, tình cờ ngửi thấy miệng lão toàn mùi rượu với gỏi cá sống bèn ton hót với sư phụ lập công. Mọi chuyện còn đang trong vòng đàm phán, không hiểu làm sao tay trưởng khóm biết chuyện: - Này, tôi nghe nói thầy nhậu một cây xanh dờn có phải không? Tất nhiên lão phải chối bay chối biến, chứ ngu gì nhận. Tay trưởng khóm xây mặt về phía ông liên gia trưởng: - Ông ở bên cạnh chùa, nên giám sát thầy đây cẩn thận. Sao thời buổi bây giờ có nhiều người muốn đắc đạo thành chánh quả quá. – Đoạn hắn nheo mắt nhìn lão:- Coi tu được thì tu. Ăn mấy món chay dễ bị kiết lỵ lắm. Đừng để chúng tôi bắt thầy làm lao công đào binh, nghe chưa. Chúng tôi sẽ làm việc với sư trụ trì.. Đúng là ông trời còn thương những kẻ phàm ăn, tục uống như lão. Lão bị trục xuất khỏi cửa thiền lúc chín giờ sáng, thì mười hai giờ trưa hôm đó, quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn. Tay trưởng khóm chưa kịp tóm cổ lão đi vùng một đã phải cuốn cờ chạy mất tăm. Lão ăn mừng thống nhất bằng một chầu nhậu kéo dài tám tiếng. Sang ngày hôm sau lão lấy vợ. Lần xuất gia thứ hai, là lúc người vợ đầu ắp tay gối của lão chính thức nói lời chia tay vì không chịu nổi ông chồng sáng say, chiều xỉn, tối lai rai, chẳng làm nên tích sự gì. Cú sốc quá lớn, lão nhậu khỉa ba ngày, ba đêm. Sau đó, lão đi thẳng vào chùa. Thề quyết tâm, đoạn tuyệt với con ma men. Bởi vì nó mà lão lâm vào cảnh tan cửa nát nhà. Tất nhiên lần này, lão tu ở chùa khác. Nhưng dù sao tên tuổi lẫy lừng của lão cũng đã vang danh bốn phương tám hướng. Nhậu đến vợ bỏ theo trai thì biết. Sư trụ trì nhìn lão mà lên cơn sốt. Chứa chấp lão chẳng khác nào rước quỷ vào chùa. Tai họa tới nơi rồi! Cực chẳng đã, sư trụ trì mới đồng ý cho lão nương náu nơi cửa thiền, với điều kiện; trước khi thiết phát quy y lão phải “ tu thử “ ba tháng. Lão giữ mình được hai tháng, hai mươi chín ngày, chỉ còn một ngày nữa lão sẽ chính thức xuống tóc, thọ giới quy y. Đêm hôm ấy, lão cứ trằn trọc mãi. Rồi ma đưa lối, quỷ đưa đường, xui lão leo rào và bước vào quán nhậu. Lão không nhớ đã nốc bao nhiêu rượu, chỉ biết rằng khi tỉnh dậy lão thấy mình đang nằm giữa gian chánh điện, với đầy đủ tăng ni. Lão ra khỏi chùa phải kéo vạt áo che kín mặt. Chuyện này, lão kín như bưng không hiểu sao thiên hạ đồn ầm lên. Hóa ra, mấy vị sư sãi cũng nhiều chuyện lắm. Cách đây mấy hôm, lão thấy trong người khó ở, đi khám, bác sĩ bảo trong người lão mang hàng trăm thứ bệnh, nào là mở trong máu, huyết áp cao, tim có vấn đề, gan nhiễm mỡ..Trời ạ, tứ chứng nan y lão thầu sạch không chừa thứ nào cả. Lão rên hừ hự. Bác sỹ khuyên, lão nên ăn chay, nếu chay trường thì càng tốt. Và chỉ có chay tịnh mới có thể cứu được mạng sống của lão. Lão thích nhậu nhẹt nhưng sợ chết hơn. Bạn nhậu nhìn lão bằng ánh mắt khôi hài: - Lần này, lão định tu chùa nào? Anh em biết chỗ để còn rủ nhậu! - Chùa nào dám chứa chấp lão, tôi thề bỏ nhậu suốt đời. - Tôi cũng bỏ luôn món cẩu nhục! - Đấy là các người nói đấy nhá! Tư Lãm này cóc cần tu chùa. Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa! Vì thế, Tư Lãm này sẽ tu tại nhà. Nói là làm, hôm sau Tư Lãm thuê người đến chỉnh sửa lại nhà cửa, biến chỗ ở thành cái am tu hành. Phòng khách được dùng làm chánh điện. Có tượng Phật ngự tòa sen, rồi chuông, rồi mõ, rồi khói nhang nghi ngút. Lão còn đến chùa thỉnh mấy pho kinh và mấy bộ áo cà sa vàng chóe. Đúng ngày rằm, lão xuống tóc quy y và tự đặt cho mình pháp danh Thích Đạo Thứ, trước sự chứng giám của các chiến hữu đang say lắc lư. Tin Tư Lãm tu hành giữa bụi hồng trần lan nhanh như cơn bão cấp mười. Khắp khu phố đâu đâu cũng nghe thiên hạ đồn thổi. Có người bảo lão chỉ tu ban ngày, còn ban đêm khi Phật đi ngủ lão lại kết bạn với quỷ sứ, ma vương. Người khác lại dè bỉu pháp danh lão Thích Đạo Thứ gì lão? Thích Đủ Thứ thì có. Thế là, pháp danh của lão bị méo mó. Mỗi lần lão đi ra ngoài, thiên hạ lại reo ầm lên, Thích Đủ Thứ đến kìa! Chúng em xin chào thầy Thích Đủ Thứ! Chẳng ai tin lão. Mặc dù, lần này lão đã hạ quyết tâm đi một mạch đến niết bàn không ghé trạm dọc đường. Ăn chay mới mấy hôm, lão thấy trong người khỏe ra, bệnh tình giảm đi mấy phần. Tuy nhiên mọi việc cũng không dễ dàng chút nào, lão vẫn luyến tiếc mùi đời. Ôi, cái mùi trần tục ấy cứ dai dẳng bám theo lão như ma ám. Mấy lần, lão định xé rào, may mà, lão kịp dừng lại trước khi bước qua giới hạn mong manh. Lão không muốn mang mo cau che mặt mỗi khi ra đường, lão sợ chết. Khổ nổi, đám bợm nhậu không để lão yên, cứ hai ngày một lần cả bọn gần chục tên kéo đến nhà lão tổ chức ăn nhậu rình rang từ sáng đến chiều. - Thích Đủ Thứ làm miếng luộc nhá. Con cầy này còn tơ lắm! Ai chà, sao mà ngon dữ vậy nè. - Chà, rượu này mua hay tự nấu mà thơm thế? Chỉ ngửi đã muốn say! Lão ngồi xếp bằng kiểu kiết già, mắt nhắm nghiền, miệng lâm râm đọc kinh cầu nguyện. Thấy trò khích tướng không xong, đám bợm nhậu bèn đưa cái đùi chó nướng gần chạm mũi lão: - Đùi chó tơ ngon tuyệt. Hôm nay ngày nghỉ, Phật đi chơi rồi. Vài miếng thịt chó, dăm ba cốc rượu chẳng lẽ Phật bắt tội? Uống đi, bọn tôi không hó hé với ai đâu. Tu hành mà gặp quỷ phá nhà chay thì khó lòng đắc đạo. Mùi cầy nướng thơm lựng như cánh tay kéo lão về cánh cửa địa ngục. Lão nghỉ thầm, hay là tạm phá giới một phen chắc Phật cũng thông cảm. Vừa lúc lão định há mồm ngoạm lấy cái đùi, ông bạn bỗng rụt tay lại: - Cha, Tư Lãm này sắp đắc đạo rồi. Thịt cầy để ngay mũi mà vẫn bình tâm niệm Phật đúng là người có căn tu. Vậy, kể từ hôm nay, bọn tôi không đến quấy rầy lão nữa. Chúc chiến hữu sớm về cõi nát bàn! Khi nào thành Phật nhớ độ trì anh em thoát khỏi vạc dầu lũ đầu trâu mặt ngựa nhé. Hú vía! Nếu thằng bạn trời đánh, thánh vật chậm tay một chút, lão đã chu du xuống diêm la thập điện mất rồi. Tay khóm trưởng năm nào, sau khi học tập cải tạo trở về có ghé qua thăm lão: - Tôi đã nghĩ oan cho thầy. Hai người cùng tu với thầy, một làm nghề chọc tiết heo, người kia làm chủ vựa vịt, tay họ lúc nào cũng vấy máu. Chỉ có thầy mới là bậc chân tu thứ thiệt. Thầy cho tôi xin lỗi. Mặc dù, lão luôn làm tròn phận sự tu hành nhưng để bịt miệng thế gian không phải một ngày một buổi. Và lão cần phải làm điều gì đó chứng tỏ cho họ thấy. Nhưng phải làm gì đây? Lão trăn trở mãi vẫn không tìm ra phương cách. Nửa năm trôi qua, lão đã quen các món chay và trở nên dị ứng với các món được chế biến từ động vật từ bao giờ, hễ ngửi thấy mùi là nôn thốc nôn tháo. Rõ ràng, lão đã là nhà tu thứ thiệt. Tuy nhiên mọi người vẫn không tin lão. Thế là lão nghĩ ra cách. Mỗi lần tụng kinh, lão truyền qua bộ phận khuếch đại, micrô với cặp loa hàng trăm wat. Tiếng đọc kinh khàn khàn của lão vang xa thậm chí làm tắc tị cả trạm phát thanh phường. Thiên hạ xì xồ. - Ái dà, thầy Thích Đủ Thứ muốn chứng tỏ đây mà! Tu gì lão! - Giọng đọc kinh của lão đượm mùi thịt chó, củ riềng. - Hình như lão đã nốc rượu thì phải, giọng lão cứ dính vào nhau! - Tôi đồ, lão bày trò để gom tiền bá tánh. Lão bao giờ cũng thích ngồi mát ăn bát vàng mà lại. Những lời đàm tiếu đi một vòng khu phố rồi quay ngược vào tai lão, lão giận phát run. Được rồi, lão đã có cách. Sang ngày hôm sau lão gọi thợ đến sơn phết lại toàn bộ ngôi nhà, bên trong lẫn bên ngoài, từ gian bếp đến cửa ra vào toàn màu vàng. Màu của Phật. Ngôi nhà vàng chóe của lão làm nhức mắt. Nhưng không gì thế mà làm ngớt đi lời bàn tán. Quỷ vẫn là quỷ, khoác áo cà sa thì vẫn cứ là quỷ thôi. Lão bèn đi thêm một bước, thay thế và sơn phết toàn bộ vật dụng trong nhà toàn màu vàng. Từ đôi dép nhựa đến cái tẩu thuốc lá, từ bộ áo cà sa khoác bên ngoài chí đến chiếc quần xà lỏn, từ chiếc chiếu nằm, đến chiếc bát ăn cơm cũng vàng nốt. Khách đến nhà lão phải mang kính vì không thể nào chịu nổi cái màu vàng chóe đến nhức mắt. Khổ nỗi, lão càng chứng tỏ, thiên hạ càng hồ nghi, thế mới chết. Lão Thích Đủ Thứ cưa sừng làm nghé đấy. Tin lão có ngày phải bán thóc giống. Dù sao cũng có người tin lão tu thật. Đó là đám chiến hữu thịt cầy. Bỏ được rượu và thịt chó đã xem như đắc đạo rồi. Nhưng lời của dân ăn nhậu không thể nào thuyết phục được ác cảm đám đông. Lảo quên mất một điều, Phật tự lòng ta, trong ta có Phật. Lão tu vì muốn chứng tỏ mà thôi, lão không bận tâm đến chuyện lên nát bàn hay xuống địa ngục, những thứ đó quá xa vời. Thắm thoát, lão đã tu tại gia gần một năm. Những ác cảm, hoài nghi đã xua tan phần nào. Tuy nhiên lão muốn mọi người phải gật đầu công nhận, lão là một hành giả thứ thiệt. Buổi chiều, lão đang cưỡi xe đi chợ mua thức ăn. Đám đông buôn bán, thấy lão từ xa đã xì xầm bàn tán. Lão giả điếc, đi một mạch vào gian bán rau quả. Khi quay trở ra bãi giữ xe, một bà bán cá nhìn lão cười rúc rích, rồi cất tiếng chọc quê: - Lão Thích Đủ Thứ chưa tu thật đâu. - Tại sao? - Tại vì chiếc cub lão đang cưỡi vẫn còn màu trần tục. Lão bừng tỉnh. Ừ nhỉ, chiếc cub đời 78 chưa được mặc áo cà sa! Lão cám ơn mụ bán cá, rồi dong xe đến thẳng tiệm sơn: - Anh sơn lại chiếc 78 này cho tôi. - Sơn lại theo màu cũ phải không? - Không, màu vàng. Gã thợ sơn nhìn lão như vật thể lạ ngoài hành tinh rơi xuống trái đất: - Tôi có nghe lầm không đấy? Màu vàng ư? - Phải, màu vàng. Đúng như màu áo cà sa tôi đang mặc đây này. - Ừ, thì sơn, - gã thợ sơn cười khùng khục trong cổ họng:- Miễn sao tiền công trả đủ, sơn màu gì cũng chả sao. Nhưng mà, màu vàng có vẻ, không được đẹp mắt lắm. - Cứ sơn cho tôi! Kể từ hôm đó, hễ bắt gặp lão cưỡi chiếc xe cà tàng toàn vàng, là bọn trẻ trong khu phố lại reo lên ầm ĩ: - Xe Honda bận áo cà sa! - Xe Honda bận áo cà sa!