Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt. Những kẻ gieo gió phải có ngày gặt bão, đạo lý đó có từ ngàn xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cái ác phải cúi đầu chịu phán xét. Và mẹ con nhà Cám phải trả giá cho những tội ác đã gây ra cho nàng Tấm. ° Cám chết. Tấm sai người đem xác ướp muối làm mắm bỏ vào chĩnh gửi cho mụ dì ghẻ, nói là quà của con gái gửi biếu. Mẹ Cám tưởng thật, lấy mắm ra ăn, bữa nào cũng nức nở khen ngon. Một con quạ ở đâu bay đến đậu trên nóc nhà kêu rằng: - Ngon ngỏn ngòn ngon! Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng. Mẹ Cám giận lắm, chửi mắng ầm ĩ rồi vác sào đuổi quạ. Nhưng đến ngày mắm ăn gần hết, dòm vào chĩnh mụ thấy đầu lâu của con mình thì lăn đùng ra chết. ° Nhà vua cho mở yến tiệc suốt ba ngày ba đêm, bất luận sang hèn giàu nghèo đều được đón tiếp trọng thị. Hàng vạn tài tử giai nhân từ bốn phương tám hướng nườm nượp kéo về kinh đô trẩy hội. Cả kinh thành ngập tràn hoa đăng, rộn ràng cờ xí. - Năm nay sao chổi mọc ở phía bắc khiến trẫm ăn không ngon ngủ không yên giấc, cứ lo dân tình gặp phải họa đao binh, nào ngờ cả nước lại được mùa, lê dân ấm no sung túc. Của rơi ngoài đường không ai nhặt, đêm ngủ không đóng cửa vẫn không lo xảy ra trộm cắp. Suốt những năm trị vì thiên hạ, đây là lần đầu quả nhân chứng kiến điềm hung hóa kiết! May thay! May thay! - Muôn tâu thánh thượng, - quan tể tướng cung kính nói,:- đấy là công đức bệ hạ bao trùm bốn bể hoán cải lòng trời! Vua cười mãn nguyện, đoạn day mặt về phía hoàng hậu Tấm: - Viên mãn tràn trề, trẫm vừa tìm lại người vợ yêu sau bao phen trắc trở. Quả là song hỷ lâm môn! Quân hầu! Ngự tửu. Vua và hoàng hậu xa giá khắp kinh thành. Dân chúng áo xiêm rực rỡ, hớn hở, chen chúc hai bên đường thi nhau chúc tụng và ném lên không trung vô số cánh hoa muôn hương muôn sắc: - Kính chúc thánh thượng cùng hoàng hậu nương nương tuế tăng vạn tuế! - Tuế tăng vạn tuế! Nhìn cảnh quốc thái dân an, ấm no sung túc, gương mặt đẹp, vô cùng phúc hậu hoàng hậu Tấm rạng ngời hạnh phúc. Sau cơn mưa trời lại sáng. Hạ tuần tháng mười, nhân lúc rỗi việc triều chính, nhà vua cùng các triều thần văn võ tổ chức đi săn dài ngày tận khu rừng mạn ngược cách xa kinh đô gần ba mươi dặm. Còn lại một mình hoàng hậu Tấm vò võ với tam cung lục viện buồn hiu buồn hắt. Một buổi chiều trời trong gió mát Tấm cùng vài thị nữ thân tín dạo chơi thơ thẩn trong vườn thượng uyển. Đi mỏi chân, Tấm ngồi xuống chiếc ghế đá bên cạnh gốc mai già, ngân nga câu hát “ Thẩn thơ dưới gốc mai già/ Hỏi thăm ông nguyệt có nhà hay không? “. Thấy hoàng hậu Tấm có vẻ phiền muộn, nữ tỳ Thị Huệ tâu: - Hoàng thượng đi săn còn gần tháng nữa mới xa giá hồi loan, theo ngu ý của nô tỳ, hoàng hậu nương nương nên du ngoạn kinh thành một chuyến đặng thảnh thơi vóc ngọc mình vàng... Thị nữ chưa kịp dứt lời, Tấm thở dài: - Ta cũng muốn vậy nhưng phép vua luật nước không cho phép. Mặc dù đã là bậc mẫu nghi thiên hạ nhưng vốn xuất thân từ tầng lớp tiện dân quanh năm đầu tắt mặt tối nay bước một bước có kẻ hầu người hạ, Tấm thấy bứt rứt không yên. Nàng cảm thấy mình tù nhân bị cấm cố chung thân trong cung vàng điện ngọc. Thình lình cấm vệ quân vào báo: - Muôn tâu hoàng hậu nương nương có quan thái giám Lê Hầu xin cầu kiến! Tấm ngừng ném thức ăn xuống hồ cá, khẽ gật đầu. - Cho quan tổng quản vào! Quan tổng quản nội thị bước vào và quỳ phủ phục: - Muôn tâu, hạ thần vừa tìm được vật này trong cung của Cám, xin kính dâng lên hoàng hậu nương nương. Nô tỳ Thị Huệ bước đến đón lấy quyển sổ đã ngả màu từ tay quan thái giám và kính cẩn dâng lên hoàng hậu Tấm. Nhìn lướt qua, Tấm nhận ra ngay là di bút của Cám. Tấm vô cùng kinh ngạc, chẳng lẽ Cám biết trước cái chết của mình mà để lại những dòng trăng trối sau cùng? - Được, cho tất cả các ngươi lui, - hoàng hậu Tấm ra lệnh. Đoạn, Tấm bồi hồi lui gót về tư phòng, khóa chặt cửa và bắt đầu đọc những dòng run rẩy mực nhòe nước mắt. ° Kính gửi chị Tấm! Xin phép chị, cho em được gọi chị bằng cái tên bình dị thân quen thay cho cách xưng tụng hoàng hậu nương nương nhiều kiểu cách và xa lạ. Có thể điều này khiến chị phật ý. Dẫu chị em ta cùng chung huyết thống nhưng phép tắc cung đình phải được gìn giữ và tôn trọng. Vai vế hoàng tộc và thứ dân phải phân biệt rạch ròi không thể đánh đồng cá mè một lứa. Em hiểu xưng hô như thế là mạo phạm nhưng em vẫn muốn gọi đích danh của chị cũng như chị vẫn gọi em bằng cái tên Cám ma chê quỷ hờn. Ngàn lần xin chị hãy tha thứ cho đứa em tội lỗi này. Em tin rằng một người có tâm hồn “ vị tha, rộng lượng “ như chị không nỡ bắt tội người sắp sửa từ giã cõi trần. Chị Tấm thân mến! Chị em ta tuy khác mẹ nhưng cùng một cha. Theo truyền thống phụ hệ đã là ruột thịt. Mặc dù giữa hai người có sự khác biệt đôi chút, mẹ của em chị gọi là dì, tiếng đời thị phi gọi là dì ghẻ. Trong mắt mọi người đã là dì ghẻ thì chẳng bao giờ thương yêu con chồng. Ngày xưa, em phạm phải lỗi lầm bị mẹ đánh đòn, mọi người xem đó là chuyện thường tình. Nhưng mỗi khi chị bị roi vọt thì miệng lưỡi thế gian lại bùng lên giông tố:” Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng! “. Chị còn nhớ không, hồi cha chúng ta còn sống, ông đã hoàn toàn thất bại trong việc thuyết phục chị gọi người vợ kế là mẹ, thậm chí có lúc đã thượng cẳng hạ tay vẫn không thể nào lay chuyển lòng dạ sắt đá của chị. Trong thâm tâm, chị chỉ thừa nhận người mẹ duy nhất đã sanh ra mình mà thôi. Chính điều này đã khiến mẹ em rất buồn. Đó cũng là vết rạn nứt đầu tiên trong quan hệ mẹ ghẻ con chồng. Rồi cha chúng ta đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh. Ngôi nhà ngói ba gian trở nên quạnh hiu như nhà mồ. Đau khổ trước cái chết của cha, mẹ ngã bệnh nằm liệt giường cả tháng liền. Và bắt đầu từ ngày đó ba người đàn bà tay yếu chân mềm phải cáng đáng phần việc của người đã khuất. Chị chăn trâu, gánh nước, cắt lúa, tưới cây. Em, phận sự mỗi ngày cơm canh hai bữa. Mẹ thì vất vả sớm hôm trên cánh đồng ngập nước. Chúng ta tuy không phải đi cày thuê, gặt mướn như bần nông nhưng cũng không giàu có, dư dả như phú nông, tất cả chuyện đồng án, vườn tược phải tự lo liệu mới có đủ cái ăn, cái mặc. Thật tình mà nói, chị vất vả hơn em nhưng cực nhọc nhất vẫn là mẹ. Khi viết đến những dòng này trong đầu em vẫn nhớ như in, bóng mẹ với gánh lúa trĩu nặng trên vai bước liu xiu giữa chiều chạng vạng. Nhiều đêm chợt giật mình tỉnh giấc, em thấy mẹ còn cặm cụi xay lúa, giã gạo. Mồ hôi đầm đìa trên lưng áo bạc màu. Chị có cái tật hễ đặt lưng xuống giường là ngủ tức thì nên đâu biết những gì xảy ra trong đêm. Chị Tấm ơi, mặc dù hai ta là nghĩa chị em nhưng tính tình thì khác nhau một trời một vực. Em vụng về, thô tục, bạ đâu nói đó ruột để ngoài da. Chị tế nhị, khéo léo biết kiềm chế cảm xúc vui không ai hay, buồn không ai biết. Chị nói thương em yếu đuối, thương dì vất vả sớm hôm nhưng đôi mắt lại gào lên bằng thứ ngôn ngữ lặng câm chứa đầy bão tố hận thù. Đây là ngôi nhà của tôi, ruộng vườn của tôi các người chỉ là những kẻ ăn nhờ ở đậu. Hãy cút khỏi nơi đây! Người đời nguyền rủa mẹ em là rắn độc, muốn đày đọa con riêng của chồng đến chết hòng chiếm trọn gia sản, mắng em là đồ bất nhân ác đức chẳng khác gì con gái mẹ của nó!. Em đau khổ xiết bao mỗi khi xuất hiện chốn đông người, thiên hạ nhìn hai mẹ con như những con thú dị dạng và không tiếc lời nguyền rủa:” Đời xưa trả báo còn chầy / Đời nay trả báo một giây nhãn tiền! “. Rồi họ xúm xít bên chị, dành cho chị những lời ân cần nhất, đẹp đẻ nhất, thậm chí có người khóc như cha chết khi thấy vết roi tím bầm da thịt. Chị Tấm ơi! Miệng thế gian thị phi em đau một nhưng thái độ im lặng đến tàn nhẫn của chị khiến em đau gấp mười! Người đời không hiểu, em còn có thể tha thứ và thông cảm, chị là người cùng chung sống dưới một mái nhà hơn ai hết chị hiểu lẽ đúng, lẽ sai. Chị chẳng lạ gì tính khí của mẹ. Mẹ nóng nảy, cáu gắt, quen giáo huấn bằng đòn roi ( đó là kết quả của nền giáo dục độc đoán, phi thực tiễn do ông ngoại, một nhà nho hủ lậu để lại ), không phải chỉ mỗi mình chị chịu đòn mà bản thân em cũng cùng chung số phận, thậm chí nhiều phen em còn bị đòn đau hơn chị nữa là. Tại sao chị không nói cho họ biết điều này, sự im lặng của chị khiến em đau đớn và thất vọng vô cùng. Mẹ giận chị nhưng bà vẫn thương yêu và lo lắng đến chị, thậm chí tình thương ấy có phần lấn át cả tình mẫu tử thiêng liêng! Nhận ra đều này, em vô cùng đau đớn. Có lúc không kiềm nỗi đố kỵ, em đã gào lên trong nước mắt:” Tại sao mẹ thương chị Tấm hơn cả đứa con do mình rứt tuột sanh ra? “. Mẹ ôn tồn giải thích, dẫu sao em còn có mẹ. Chị là đứa trẻ mồ côi! Không đúng! Chẳng qua mẹ ích kỷ muốn tạo dựng tiếng tốt cho mình mà thôi. Chị còn nhớ không. Sau phiên chợ Huyện mẹ mua về chiếc yếm đỏ. Cả hai chị em ta đều thích chiếc yếm đó. Em đinh ninh với ưu thế ruột rà, thế nào chiếc yếm đỏ sẽ thuộc về em. Em thật bàng hoàng khi mẹ gọi hai chị em đến giao cho mỗi người một chiếc giỏ bảo ra sông bắt con tôm cái tép. Mẹ hứa hẹn: - Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ tôm về nhà trước thì cái yếm đỏ sẽ thuộc về người đó! Mẹ ơi, sao mẹ ra điều kiện oái oăm đến thế! Không biết bơi thì làm sao con có thể mò cua bắt ốc, hở mẹ? Mẹ thường bảo với hai chị em, Tấm và Cám đều là con, mẹ thương đồng đều không trọng, không khinh bên nào. Không trọng, không khinh vậy mẹ bày trò cắc cớ để làm gì. Chẳng thà, mẹ tặng quách chị Tấm cho xong! Em theo chị ra bờ sông, nước mắt tủi thân tuôn ra như xối. Chị giỏi tài lặn hụp, chỉ loáng một chốc đã đầy giỏ tôm. Thỉnh thoảng chị day mặt nhìn em, nhếch mép cười đắc thắng. - Chiếc yếm đỏ, có lẽ, sẽ rất hợp với chị! Ngay từ lúc ấy, em biết mình không những mất chiếc yếm đỏ mẹ đổi cả yến gạo ở phiên chợ Huyện mà còn mất nhiều thứ khác. Đó cũng là điểm khởi đầu sự hận thù, báo oán mãi không thôi. Nghĩ đến cảnh chị xúng xính trong chiếc yếm đỏ, lòng em lên cơn đau quặn thắt. Em cay đắng nhận ra một điều; rốt cuộc em chỉ là con rối trong kịch bản đã được mẹ sắp đặt kỹ lưỡng. Ăn không được thì phá cho hôi. - Chị Tấm ơi chị Tấm! Đầu chị lấm đất, chị hụp xuống gội sạch đầu, kẻo về mẹ mắng một trận nên thân. Cuối cùng em là người thắng cuộc trong việc giành chiếc yếm đỏ nhưng lại thất bại tranh thủ tình cảm mẹ mình. Sau vụ chiếc yếm ít lâu, chị gầy đi trông thấy. Mẹ lo đứng lo ngồi. Tìm thầy chẩn mạch, chị lắc đầu từ chối bảo chẳng làm sao. - Dạo này mẹ thấy cái Tấm lạ lắm. Chắc có chuyện gì. Con theo dõi rồi báo cho mẹ biết. Thì ra, chị gầy đi vì phải nhường cơm cho con bống! Mỗi bữa chị ăn ba bát mới đủ no. Chị đổ cả bát cơm đầy xuống giếng, đập đập bàn tay lên miệng giếng, gọi rằng: “ Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm bạc cơm vàng nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người. “ Dạo ấy mùa màng thất bát, cơm gạo không đủ cho người huống hồ cho loài thủy tộc vô tích sự! Nước giếng ngọt lịm, trong veo đã bị cơm thừa cá cặn làm nhiễm bẩn. Không thuyết phục được chị, mẹ đành dùng hạ sách: - Con ơi! Làng đã bắt đầu cấm đồng rồi đấy. Mai con đi chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu. Từ hôm làm thịt con bống, chứng bệnh còi xương của chị không chữa tự nhiên khỏi. Không biết ơn thì thôi, chị lại lu loa ra ngoài gieo thêm tiếng ác! Thời gian trôi qua vùn vụt. Chị Tấm đen đúa, tóc khét nắng ngày nào đã lột xác biến thành nàng tiên kiều diễm, thướt tha. Trong mắt mọi người chị là hiện thân cái đẹp, cái thánh thiện, bao dung. Còn em vẫn mãi là ả vịt con xấu xí, độc ác, tham lam. Cho dù em cố vươn đến điều thiện vẫn không sao hoán cải được tảng băng đố kỵ mà người đời dành sẵn cho em! Người ta rủa em là sói giả bộ đội lốt cừu! Chị đã làm gì với họ, đã nói gì với họ? Em căm ghét chị, ganh tị với sắc đẹp của chị. Tuy nhiên sự đố kỵ trẻ con ấy chỉ thoáng qua tựa như cơn mưa bóng mây ồn ào một chốc lại tạnh. Không phải chỉ riêng mình em mà tất cả phụ nữ trên thế gian đều nhỏ nhen, ích kỷ, bởi đó là thuộc tính mà tạo hóa đã dành riêng cho phái nữ. Em trở thành người đàn bà xảo trá, độc ác là do chị mà ra! Chị Tấm! Có thể chị sẽ cho em là đứa già hàm lý sự, tội ác phơi bày trước mắt, muốn chối cũng không được hà tất lại đổ cho người khác, chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi! Chị ơi, tội em làm em chịu. Em không khóc lóc van xin giảm án hay sự dung thứ của người đời. Ác giả ác báo, luật nhân quả xưa nay vẫn thế. Chỉ một điều em không cam tâm: một kẻ quỷ quyệt, giết người không dao như chị sao không phải hứng chịu trừng phạt, ngược lại còn được người đời hết lời ca tụng như thánh mẫu! Chị là cô Tấm thảo hiền! Chị là biểu tượng uy nghi cái cao cả, cái đức hạnh! Trời cao có mắt, có mắt cũng như mù! Chị không những che mắt người trần mắt thịt mà còn chọc mù mắt Bụt và bao nhiêu tiên nhãn chốn thiên đình! Em không chối cãi đã cùng mẹ từng đẵn gốc cau khiến chị lộn cổ xuống ao chết không kịp ngáp để cướp chồng. Từng giết chim vàng anh, đốn ngã hai cây xoan đào làm khung cửi hòng xóa tan vết tích tội ác. Em xứng đáng bị xử lăng trì, đời đời bị lưu đày dưới diêm la thập điện không được đầu thai. Em đáng phải mang trăm kiếp chó, vạn kiếp trâu ngựa để trả giá những tội lỗi tày trời đã gây ra cho chị. Từ lâu, em biết chị là người đàn bà xảo trá, có nhiều mánh khóe thâm hiểm. Nhưng em vẫn bàng hoàng khi nghe chị mắng lũ chim giúp chị nhặt thóc đặng chị rảnh rang tham gia lễ hội, để rồi sau đó chị có tấm chồng là đấng quân vương ngự trên ngôi cao ngất ngưởng, một lệnh truyền là trăm họ răm rắp nghe theo:” Rặt rặt xuống nhặt cho tao/ Ăn mất hạt nào thì tao đánh chết. “. Không ai có thể đối xử với những con vật cứu tinh của mình tàn nhẫn đến thế dù chỉ bằng lời nói. Em tin, chị không dọa suông! Không bao giờ, chị đã nói là làm! Nếu lũ chim đói ấy tơ hào một hạt thóc, nhất định chúng sẽ thành món chim quay chảo tương tự số phận hẩm hiu chú gà trống đã từng bới xương giúp chị. Tội nghiệp chú gà tốt bụng và quá đỗi ngây thơ ấy đã bị chị cắt cổ, nhổ lông để hóa thân thành món gà luộc lá chanh nhân ngày chị về làm vợ của hoàng tử. Chị biết rồi đó, em là đứa chết nhát hễ thấy máu choáng váng mặt mày. Chị đã giằng con dao từ tay em, chặt một phát, đầu ra đàng đầu, thân ra đàng thân, máu tuôn ồng ộc. Chú gà cho ta nắm thóc, ta bới xương cho đã chết mà mắt vẫn mở trừng, tròn xoe như dấu hỏi. Chị còn nhớ không, chị Tấm? Chị Tấm ơi, khi bàn tay đã trót nhúng chàm, em vô cùng hoảng sợ pha lẫn với sự sám hối muộn màng. Đêm đêm em thắp đèn trời, thầm van vái linh hồn chị mau siêu thoát, cầu mong sự bình yên trong tâm hồn lẫn bên ngoài thân xác. Nhưng tất cả chỉ là mơ ước hão huyền! Đúng như em dự đoán, chị không bao giờ buông tha em. Chị bám theo em như hình với bóng. Hôm ấy em đang giặt áo bên giếng, chị bay đến đậu trên cành cây (Lúc này chị đã hóa thân là chim vàng anh. Em không hiểu chị đã ton hót như thế nào mà lão Diêm Vương già khú đế lại tỏ ra hào phóng cho chị đầu thai làm nhiều kiếp thế! ) và ném về phía em ánh mắt hận thù và không ngớt lời chửi rủa:” Phơi áo chồng tao/ Phơi lao phơi sào/ Chớ phơi bờ rào/ Rách áo chồng tao “. Chị căm thù em tận xương tận tủy, thậm chí khi đã biến thành gỗ đá vô tri chị vẫn không nguôi thù hận:” Cót ca cót két/ Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra! . Kể từ giây phút đó, em hiểu rằng cuộc sống bình yên với em là món hàng xa xỉ. Một khi bản chất trần trụi đã phơi bày từng chân tơ kẽ tóc, em biết rằng không còn chọn lựa nào khác. Đã phóng lao thì phải theo lao! Em phải tiêu diệt chị, bắt chị phải ngàn năm câm miệng! Chính vì thế, em liên tục phạm hết lỗi lầm này đến những lỗi lầm khác. Chị Tấm ơi, em trở nên thú tính hơn, tàn nhẫn hơn phần lớn là “ nhờ ơn “ chị đó! Cuối cùng, em phải cay đắng chấp nhận thua cuộc vô điều kiện. Giả sử em có đốn ngả cây thị đáng ghét kia, chắc hẳn chị sẽ hóa thân thành cây cam cây bưởi, loài chim trời cá nước hay quý bà, quý cô nào đó để tiếp tục sự nghiệp rửa thù, trả hận! Em thua cuộc bởi vì tất cả đều đứng về phía chị. Từ vị vua ngôi cao chín bệ đến đứa trẻ chăn trâu; từ tên Ngưu đầu lơ lơ láo láo đến lão Diêm vương già khằn kèm nhèm mắt mũi; từ gã thiên binh ngu tối chí đến lão Ngọc Hoàng anh minh sáng suốt, tất cả đều bị chị qua mặt dễ như bỡn. Em phải đền tội những gì đã làm nhưng em không cam tâm nhắm mắt khi sự đời giả chân lẫn lộn! Em phải chết bởi vì cả đất trời này chỉ có em là hiểu chị hơn ai hết. Biết nhiều có khi lại là tai họa! Con Cám lẻo mép phải ngàn năm câm lặng, lúc đó chị mới yên lòng trên chiếc ghế mẫu nghi thiên hạ! Chị Tấm thân mến! Cuộc đi săn định mệnh đã xui khiến nhà vua gặp lại người vợ yêu bước ra từ quả thị. Kể từ lúc đó chị thoát hẳn kiếp ốc mượn hồn và cũng là khoảnh khắc tiếng chuông báo tử chấm hết một đời nhỏ nhen toan tính. Bây giờ em mới hiểu thế nào là đạo lý, cái gì không phải của ta không nên giành lấy! Xin chị hãy nhận đây những lời sám hối muộn màng! Chị vẫn là chị, cô Tấm ngoan hiền bước ra từ quả thị. Rất nhiều nhà thơ, nhà chép sử đã không tiếc lời tán dương ân cao, biển rộng của chị khi xin vua tha tội chết cho đứa em một đời tội lỗi. - Muôn tâu thánh thượng, suy xét ngọn ngành Cám vẫn là người đáng thương hơn đáng giận, xin bệ hạ mở lượng hải hà tha tội chết cho em của tiện thiếp và ban cho Cám một danh phận rõ ràng. Nhà vua thật sự bàng hoàng: - Ý khanh là... - Vâng, xin bệ hạ tấn phong em Cám được làm thứ phi để chị em sớm hôm bầu bạn! Lời nói nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay mà ánh mắt chị nhìn em như muôn đao ngàn kiếm. Em hiểu rằng số phận đã được định đoạt kể từ sau cái nhìn chết chóc! Chị đã đóng trọn vai diễn “ cô Tấm thảo hiền “ đến giờ phút sau cùng. Em khâm phục và kinh sợ chị xiết bao. Chỉ một lời thỉnh cầu đầu môi chót lưỡi mà ơn đức bao trùm thiên hạ. Chẳng thế mà lũ trẻ chăn trâu khắp kinh thành hát mãi bài đồng dao: - Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè cô Cám/ Trăm toan ngàn tính/ Quỷ kế đa đoan/ Hại người hiền lương/ Đốn cau, đốt cửi/ Giết chim vàng anh/ Cướp chồng của chị/ Tấm từ quả thị/ Hồn sáng như trăng/ Cao dầy ơn đức/ Xin tha tội chết/ Cho làm thứ phi/ Chim rụt chim ri/ Mưa nguồn chớp bể.... Chị Tấm ơi! Em đã thức trắng đêm để ghi những dòng di bút sau cùng, bởi vì sáng ngày mai Thần Chết sẽ đến rước em đi về một nơi xa mú tí tè. Nơi đó không có lòng yêu thương, vị tha, bác ái, chỉ có sự hận thù, trừng phạt. Những vạc dầu sôi, bàn chông đẫm máu..Quỷ sứ lăng trì, cắt lưỡi, cưa hai nấu dầu... những cực hình kinh khiếp nhất dành cho những kẻ sống trên dương gian chỉ chăm chăm gây điều ác. Nhưng em không sợ, ngàn lần em không sợ bởi nỗi đau thể xác không thấm vào đâu so với những đọa đày tâm hồn. Em thật sự kinh sợ cuộc sống điêu ngoa giả trá nơi trần thế mà chị là đại diện ưu tú nhất! Đọc đến những dòng này, có lẽ, chị sẽ phì cười, cho rằng em quá bi quan, yếm thế. Chị sẽ oang oang trước triều thần văn võ, em hành động một cách nông nổi, hời hợt! Chị đã tha thứ tất cả, hà tất em lại nhắc đến sanh ly tử biệt. Ghê răng! Chị Tấm à, như em đã nói, chị có thể dối lừa cả trời cao đất rộng nhưng không thể nào dối gạt được em! Chiều nay, trong lúc dạo chơi trong vườn thượng yển, em vô tình buột miệng thốt lên, chị Tấm ơi chị Tấm, chị làm thế nào mà ngày càng xinh đẹp? - Có gì đâu! Chị trắng da dài tóc là tắm nước sôi đấy, em ạ! Thế là hết! Một kẻ ngu si đần độn đến mấy đều hiểu rằng nhảy vào nước sôi là tự tay mình ký vào án tử! Ngày xưa chị đã từng nhúng nước sôi bao nhiêu gia cầm, thủy cầm mà chúng có đẹp ra đâu! Em đã khóc thật nhiều khi viết những dòng di bút gửi chị. Có lúc em muốn tự tay mình cầm dao đâm vào cuống họng cho xong một đời oan nghiệt. Nhưng trong vùng tối âm u, em vẫn kịp hiểu ra là phải bảo vệ thanh danh mà từ bấy lâu nay chị đang cố công gìn giữ như người ta gìn giữ con ngươi mắt mình, cái chết hời hợt thiếu suy nghĩ của em há chẳng gieo tiếng ác cho chị hay sao. Chị sẽ nhỏ vài giọt nước mắt giả vờ thương xót, ôi, em Cám của ta thật là dại dột, chỉ vì một lời nói đùa em đã tự tìm đến cái chết! Chị thật đáng trách! Hãy tha thứ cho chị, Cám ơi!. Em đã mường tượng kịch bản tiếp theo của chị sẽ diễn ra như thế sau khi em biến thành món thịt luộc. Tuy nhiên cha ông ta đã từng nói, ông đưa chân giò bà thò chai rượu. Em ra sức gìn giữ thanh danh chị không ô uế thì em cũng xin chị ban cho em ân huệ sau cùng – hãy cho mẹ em được sống những ngày còn lại! Em ngàn lần van xin chị, chị Tấm! Cũng như em, mẹ đã gây biết bao tai họa cho chị. Cũng như em, mẹ hiểu chị hơn ai hết. Em biết lời khẩn cầu này với chị là khó chấp nhận. Ba người đàn bà chúng ta đã từng sống chung dưới một mái nhà dẫu cạn tình cũng còn cái nghĩa. Đây là lần đầu tiên cũng là lần sau chót, em thiết tha van xin chị cho mẹ em một con đường sống. Có lẽ giờ này lính hầu đang chuẩn bị nước sôi. Đã đến giờ hoàng đạo, em thong dong giã từ trần thế. Kính chúc hoàng hậu nương nương tuế tăng vạn tuế! Kính chúc chị đời đời là cô Tấm thảo hiền! Vĩnh biệt chị! Cám, người em tội lỗi. ° Một lần theo chân đoàn cán bộ khảo cổ khai quật di tích một triều đại vàng son, rực rỡ xuất hiện cách nay hàng ngàn năm, tình cờ người viết bài này tìm được di bút quý báu này trong lăng tẩm hoàng hậu Tấm. Rất may di bút hầu như còn nguyên vẹn do được giữ gìn rất tốt. ( Thế mới biết ngay từ thuở sơ khai nền văn minh lúa nước tổ tiên ta vượt xa thời hiện đại như thế nào! ) Sau gần hai năm chuyển ngữ ( từ tiếng Việt cổ sang tiếng Việt thời computer ) với sự giúp sức tận tình của những nhà khoa học trong và ngoài nước, nay tôi xin phép được công bố di bút. Tôi xin cam kết bản dịch hoàn toàn trung thành theo nguyên mẫu, không thêm thắt bất kỳ chi tiết nào. Cũng nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn các nhà khoa học, các nhà văn, nhà xuất bản đã tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để tôi sớm công bố di bút quý báu này đến các bạn độc giả xa gần. Một lần nữa xin chân thành cám ơn!