- Cháu mời cô chú ngồi chơi ạ. Cô Hoa kéo ghế mời ông Hoàng và bà Kim Cúc trong khi ông Nghĩa đứng lên bắt tay chào ông Hoàng trong cử chỉ trịnh trọng. Lụng thụng trong áo xám bạc màu bỏ trong quần tây đen sờn vải, ông Nghĩa ngượng nghịu: - Không mấy khi “rồng đến nhà tôm”! Anh chị ngồi tạm trên mấy chiếc ghế xiêu vẹo này! Ông Hoàng ngập ngừng bắt tay ông với ánh nhìn ngờ ngợ. Trước mặt ông là người đàn ông tiều tụy với khuôn mặt khắc khổ, đầu hói, tóc bạc lơ phơ, má hóp, mắt sâu, răng sún. Nếu như không biết là đến nhà ông Nghĩa thì chắc chắn ông không thể nào nhận ra người bạn cùng trường, cùng lớp và cùng láng giềng với nhau từ thời thơ ấu. Ông không thể tin được người bạn cùng thời năm xưa, một người đẹp trai với mái tóc bồng, đôi mắt tinh anh và nụ cười duyên dáng, trở thành một người đàn ông già nua như bậc cha chú của ông. Ngang trương, đồng lứa, và cùng thời học sinh với ông, nghĩa là ông Nghĩa chỉ mới bốn mươi tám tuổi như ông vậy mà ông ta trông già hơn cả ông anh hai Huy của ông, người lớn hơn cả hai ông này đến mười tuổi. Bắt tay bạn, ông Hoàng bùi ngùi nói: - Gặp nhau đây mới biết tuổi thơ của tụi mình đã mất mấy chục năm trời. - Anh đâu có khác gì xưa? Tóc có muối tiêu nhưng vẫn còn dày đặc chứ không hói như tôi. Nếu anh có già hơn chăng nữa thì thời gian qua đối với anh chỉ là cơn gió thoảng, còn với tôi là một tiếng thở dài. Tự kéo ghế ngồi, ông Hoàng nói thân mật: - Dù thể nào đi nữa thì chúng ta cũng cùng đánh mất thời gian đẹp trong cuộc đời. Ngày xưa tôi vẫn thường mơ đừng lớn để khỏi lao vào cái khổ ải của chiến tranh bởi vì lúc đó tôi cảm nhận rằng không có thời gian nào đẹp hơn thời thơ ấu trong đời của mình! Tôi không bao giờ quên được ngày bọn mình vô tư vô lự lê la đi chân đất từ xóm trên sang xóm dưới bên nhau. Anh có còn nhớ những lúc mình đi từ miệt này sang miệt khác, lết bờ đất này đến bờ dậu khác, và leo cây hết cây này đến chuyền sang cây khác không? Lúc đó mình câu cá, bắt cua, hái trái, rồi bắn chim vui ơi là vui! Tuy ở xa nhưng tôi nhớ hoài hình ảnh cũ, cho nên ngày xưa tôi ra sao, nay vẫn như vậy không thay đổi gì cả cho nên đừng dùng chữ “rồng”, “tôm” xa lạ lắm! Ông Nghĩa lắc đầu: - Bây giờ anh là Việt Kiều phải khác chứ anh! Ở ngoại quốc lâu ngày cũng ảnh hưởng phong cách mới nhiều lắm chứ làm sao giữ phong cách cũ của mình hoài được? - Việt Kiều gì anh ơi! Tự dưng mà người Việt Nam bên này gắn cho chúng tôi cái tên Việt Kiều chứ chúng tôi vẫn là người Việt Nam chẳng khác gì ngày xưa đâu. Chỗ nào cũng làm để kiếm ăn, chỗ nào cũng có cái ưu cũng có cái khuyết chứ chẳng nơi nào toàn diện cả. Được này mất cái kia! Chẳng qua vì hoàn cảnh tôi phải xa đất nước mà thôi! - Anh nói vậy chứ giờ thử hỏi anh ở đây luôn xem anh có chịu không? Ai cũng nói ở nước ngoài buồn chán nhớ quê hương nhưng thực tế thì chẳng mấy ai muốn trở về! Bà Kim Cúc cắt ngang câu chuyện của họ bằng cách đặt một gói nhựa trước mặt bà mẹ ông Nghĩa, thưa: - Tụi con gửi bác, anh Nghĩa và các cháu chút quà bên ấy. Ông Nghĩa xuề xòa: - Sang thăm chúng tôi là quý rồi cần gì quà cáp chị ơi! Thôi thì không có gì hơn, chúng tôi xin cảm ơn anh chị vậy! Bà mẹ ông Nghĩa rút chai dầu nước xanh vui vẻ nói: - Sao cháu biết người già bên này thích dầu xanh này mà gửi cho vậy? - Dạ cũng do cháu nghe mấy cô thợ chỉ cho nên cháu biết cần mua những thứ quà nào để biếu bà con đó bác! - Cháu làm gì bên ấy mà có thợ? - Dạ cháu làm móng tay. - Nghe nói nghề móng tay ở bển “có ăn” dữ lắm hả cháu! Nói vậy các cháu cũng khá há? - Dạ cũng được thôi bác à. Cô Hoa đặt các tách trà trên bàn thưa: - Cháu mời bà nội, cô chú và ba dùng trà. Sau khi sắp đặt từng chiếc tách trước mặt mỗi người xong, cô Hoa quay lưng đi xuống bếp với chiếc khay và bình trà. Bà Kim Cúc, nói dăm ba chuyện chào hỏi với bà mẹ ông Nghĩa xong, cũng đứng lên xin phép đi xuống bếp tìm cô Hoa. Vừa đặt chân xuống căn bếp của ông Nghĩa, đôi mắt của bà Kim Cúc trở nên hoang mang và ngơ ngác trước cảnh nghèo nàn ngoài sức tưởng tượng của bà. Lá tranh lợp ngang dọc trên các thanh xà xiêu vẹo trên đầu, tường cây lồi lõm không đều, nền đất ẩm thấp, giường tre, chiếu nát, đèn dầu lù mù và bếp lò bằng những viên gạch cao thấp bấp bênh là những cái mà bà chưa bao giờ hình dung được ngay cả trước thời gian trốn ra khỏi nước. Khẽ khàng ngồi xổm trước bếp lò, nơi cô Hoa đang chùm hum cúi đầu thổi lửa bằng ống tre, bà hỏi: - Mẹ của cháu mất từ bao giờ vậy cháu? Giật mình, quẳng chiếc ống thổi xuống nền đất cạnh chân, cô Hoa phủi tay trả lời: - Dạ lâu lắm rồi cô! Từ lúc cháu ra đời kia! Mẹ cháu bị băng huyết. - Tội nghiệp vậy sao! Vậy mà ba cháu vẫn ở vậy nuôi anh em cháu đến giờ này hả? - Không phải vậy đâu cô. Sau khi mẹ cháu qua đời, ba cháu ưng nhiều người lắm. Nhưng mà vì các dì ấy chỉ yêu ba cháu chứ không chịu nỗi cái nghèo của “ổng” nên lần lượt bỏ đi. - Vậy ba cháu làm gì để nuôi bà nội và các cháu? - Trong vườn có được gì bán nấy để kiếm tiền mua gạo còn không ăn sắn, ăn rau trồng ở vườn! “Trời sinh voi trời sinh cỏ”, lây lất sống qua ngày cô à! Nhưng mà sau khi anh cháu đi nghĩa vụ quân sự về thì gia đình cháu đỡ hơn vì anh đi làm kiếm tiền phụ cho ba cháu. Ảnh làm bảo vệ ở công ty thực phẩm lớn ở trên “thành phố” nên có lương hàng tháng đó cô. Bà Kim Cúc cảm thấy thương hại khi nghe chữ “đỡ” của cô Hoa. Sự cam phận với cảnh nhà xiêu cửa nát của cô làm bà chạnh lòng. Mở cái ví tiền bà lấy vài tờ giấy Mỹ Kim dúi vào tay cô Hoa: - Cô gửi cháu chút này đưa cho ba cháu hộ cô. Cô không dám đưa thẳng cho ba cháu vì sợ ba cháu tự ái. Cô Hoa nói cảm ơn trong khi nhét tiền vào túi rồi tâm sự tiếp: - May là anh Minh lớn hơn cháu tám tuổi nên giúp được cho ba cháu, cho bà của cháu và cho cả cháu nữa. Ảnh có việc làm cũng nhờ cô Thu đó cô! Cô Thu quen biết rộng rãi lắm cô à! Bạn cổ toàn “cán bộ gộc” không hà! Muốn làm việc gì nói cổ tìm dùm cho chứ không phải ai ở Sài Gòn cũng có thể kiếm việc dễ dàng đâu cô! Nhiều anh chị học đại học ra mà không quen biết cán bộ cũng thất nghiệp đó cô! - Bởi vì cô Thu “của cháu” là “Việt gian” mà! Nếu cả hai bên cùng đem cổ ra xử không biết phải trị cổ như thế nào? Tiếng nói của ông Hoàng làm bà Kim Cúc và cô Hoa giật mình ngẩng đầu lên. Ông Hoàng đang đứng cạnh bà Thu, người đang nhún vai nói oang oang: - Bất quá là đem em ra xử bắn. Đời người ai cũng chết, chết trước khỏi chết sau. Sau năm 1975, tinh thần của em có sung sướng gì đâu, chẳng qua mỗi người có một cách đối phó với nghịch cảnh sau chiến tranh mà thôi! Nếu xét công minh, em là người yêu nước mới phải. Bởi vì còn người ở lại như em đây mà Sài Gòn vẫn còn có người nói tiếng miền Nam. Bà Kim Cúc ngạc nhiên: - Ủa? Cô út Thu cũng sang đây chứ không ở bên nhà tiếp chuyện với anh hai Huy sao? - Tiếp chuyện gì chị ơi! Em với ảnh có hợp nhau đâu mà tiếp với nói! Ngồi nói với nhau vài ba câu thế nào cũng cãi lộn cho nên em để cho mấy đứa nhỏ nói chuyện làm vui cho ảnh còn hơn. Anh Thắng cũng theo em sang đây và đang nói chuyện với anh Nghĩa ở trển. Em muốn rủ chị đến nhà bà bạn em gần đây xem bói. Em bảo đảm là ở bên Mỹ chị không tìm được ai coi bói giỏi như bà này đây. - Coi bói? Chị không có tin vào mấy chuyện mê tín dị đoan này đâu! - Thì em đi chơi với Thu cho biết! Tin thì nghe còn không thì thôi, chứ hề gì! Xem thử rồi cho họ tiền trà nước như hình thức giúp đỡ những người muốn kiếm tiền bằng cái nghề này vậy mà! Ông Hoàng xen vào. Bà Kim Cúc gật đầu đồng ý và mỉm cười với ông Hoàng trong lúc đứng dậy rồi bước theo bà Thu lên gian nhà trên. Vẫn như những lần trước, bà luôn luôn làm theo lời đề nghị của ông Hoàng bởi vì sau lời khuyên của chồng bà là một ẩn ý tốt đẹp. Ra khỏi nhà ông Nghĩa, bà Thu và bà Kim Cúc bàn tán chuyện về ngang nhà dắt Lisa đi theo chơi để nhân tiện cho nó thấy cảnh người làm kẹo dừa kẹo chuối và mua kẹo cho nó ngay tại xưởng làm. Tiếng nói của họ loãng dần trong khu vườn và mất hẳn từ cái cửa sau của gian nhà bếp ông Nghĩa. Trong cái im lặng gượng gạo, ông Hoàng và cô Hoa chỉ còn nghe tiếng nói cười râm rang của ông Nghĩa và ông Thắng vọng xuống từ cánh cửa lên gian nhà trên. Đẩy cái đòn cho ông Hoàng với ánh mắt dịu dàng, cô Hoa nói: - Ngồi xuống đây xem cháu nấu nước châm thêm trà đi chú! Chú thích loại trà này chứ? - Chú không biết! Chú chưa uống vì chú vừa mới uống nước bên nhà bác Huy rồi - Ông Hoàng trả lời khi ngồi trên chiếc đòn mà cô Hoa dọn sẵn cho rồi hỏi sang chuyện khác - Không có mẹ, Hoa phải lo tất cả chuyện trong gia đình chắc vất vả lắm hả? Cô Hoa nhỏ nhẹ tâm sự: - Không phải vậy đâu chú! Khi tụi cháu còn nhỏ, ba cháu thường có nhiều dì đến ở chung nhà và thường được các dì ấy chăm sóc luôn. Chỉ có sau khi các dì ấy lần lượt bỏ đi, tụi cháu phải giúp bà nội và ba lo việc nhà thôi. Nhưng cháu chẳng lo gì nhiều vì nhà có gì đâu mà lo chăm sóc hơn nữa cháu ít ở nhà lắm. Cháu phải làm thuê làm mướn ở quanh đây giúp thêm cho bà nội và ba cháu chứ dừa, chuối và rau trồng trong nhà không đủ nuôi bốn miệng ăn. Bây giờ cháu được cô Thu đưa lên Sài Gòn sống cũng đỡ vì cháu sẽ có thêm tiền phụ với anh Minh giúp cho ba và cho bà nội của cháu. Những lời tâm sự đầy chân tình của cô Hoa không mảy may làm ông Hoàng xúc động vì ông không tập trung nghe chúng lắm. Ông cảm thấy xốn xang khi nhìn đôi môi đỏ ướt mọng của cô cong lên rồi oằn xuống, và cái lưỡi liếm môi sau những câu nói như chúng đang cùng nhau múa vũ điệu gợi mời. Bối rối bởi sự khao khát mơ hồ trong ý tưởng, ông Hoàng nói bâng quơ: - Trà thơm quá hả cháu! Cô Hoa trả lời ông bằng giọng nói hết sức ngọt ngào: - Trà này là trà ướp dứa chứ không phải ướp hoa lài hay hoa cúc đâu chú à! Để cháu châm cho chú một tách khác, chú thưởng thức xem sao nghe! Không chờ ông Hoàng chấp thuận lời yêu cầu của mình, cô Hoa mau mắn châm nước vào chiếc bình cạnh các tách trống bằng gốm có hình vân viền màu bạc nhũ trên chiếc khay được đặt trên cái bàn nhỏ cạnh bếp lò rồi chế nước trà vào một cái tách trống. Cô vừa hít mũi vừa nói khi nâng chiếc tách bằng hai tay tận miệng ông: - Cháu tin là chú thích loại trà này vì loại này đặc biệt không như các loại mà nước mình có trước đây đâu. Ông Hoàng đón tách nước với cảm giác lâng lâng. Mùi thơm của lá dứa trong tách trà, mùi khói của củi cháy đốt và mùi thơm chanh của mái tóc gần kề làm cho ông cảm thấy xao xuyến. Song song với trạng thái xúc động của ông Hoàng, cô Hoa dao động không kém. Mùi thơm toát ra từ cổ và lồng ngực to lớn của ông, có lẽ được tổng hợp bởi loại xà phòng đặc biệt, nước hoa đàn ông hiếm quý và nước thơm sau khi cạo râu đắt tiền của những hãng nổi tiếng ở Tây Âu, kích thích nhịp hít của đôi cánh mũi cô nhiều hơn thở, quyến rũ đôi mắt tò mò của cô xuyên qua lớp áo sơ mi trắng mỏng của ông lâu hơn và khuấy động sự ham muốn của tuổi thanh xuân đang dâng tràn mãnh liệt trong lòng cô. Chớp nhẹ đôi mi cong vút, cô ngọt ngào nói: - Coi chừng nóng nghe chú! Thổi cẩn thận trước khi nhấp chứ phỏng. Dứt lời cô liếm đôi môi sẵn ướt của mình như sẵn sàng áp chúng vào môi ông Hoàng nếu chẳng may sự cố đáng tiếc xảy ra. Xoáy vào mắt cô bằng cái nhìn chăm chú, ông Hoàng tinh nghịch nói: - Phải chi ở Mỹ có được người chăm sóc kỹ lưỡng như thế này thì quý hóa biết bao! Ở Mỹ bận lắm Hoa à! Ai cũng bù đầu làm việc không có ai có thời giờ đâu mà rảnh rỗi ngồi nhâm nhi trà như thế này. Cô Hoa đánh ực một cái nơi cổ trước khi nói: - Phải chi cháu được ở bên đó thì cháu phục dịch cho gia đình cô chú. Ở đây nhàn hạ không làm gì cho hết giờ, buồn chán lắm chú ơi! Ánh mắt ông Hoàng vẫn chăm chăm và xoáy thẳng vào đôi mắt long lanh của cô Hoa, nơi lấp lánh những ánh lửa đùa vui trong đôi tròng đen. Ông muốn nói cô Hoa biết là ông muốn ở trong khung cảnh lãng mạn của căn bếp nghèo nàn như thế. Ông còn muốn nói là ông muốn được ngồi bên cạnh bếp hồng với người con gái trẻ đẹp như cô để được nghe những lời nói êm dịu của cô suốt đời. Nhưng, ông sẽ không bao giờ nói cái lý do mà ông muốn điều ấy bởi vì những ao ước trong tâm tưởng của ông là những khao khát tiềm ẩn trong thời thanh niên vẫn còn sống lại trong ký ức của ông cho đến giây phút ấy. Nhấp miếng trà tưởng đâu lắng cạn được nỗi khao khát, mùi thơm mát của da thịt con gái thoang thoảng kèm theo. Nó đã kích thích sự tò mò của đôi mắt ông và đưa chúng hướng trên làn da mịn màng của vùng ngực mà cô Hoa vô tình để lộ khi cô vói lấy những nhánh củi châm vào bếp. Vùng ngực ấy trở nên nóng rát bất ngờ vì cô Hoa bắt gặp ngay cái nhìn đầy khát vọng của ông. Thay vì che đậy cái vòng cổ rộng tròn của áo, cô đã cố tình phơi bày thêm ra bằng cách nghiêng vai xuống thấp hơn, ngay trước mặt ông với sự thích thú thầm kín. Đùa nghịch như thế vài giây, cô co hai đầu gối sát vào nhau, chống cằm chăm chú nhìn lửa. Thỉnh thoảng, cô liếm đôi môi ươn ướt đỏ tự nhiên của mình để xóa tan cái ngột ngạt của sự im lặng mà cô không biết bắt đầu đề tài gì để nói thêm với ông Hoàng. Toàn thân cô rung lên nhè nhẹ vì cô biết ánh mắt khao khát của ông Hoàng đang tỏa khắp người cô và vì cô đang chờ đợi sự vuốt ve, mơn trớn bất thình lình nào đó. Tuy nhiên, cô đã bàng hoàng khi ông Hoàng nói: - Chú phải về! Trời khá tối rồi! Ông đứng lên bước về phía gian nhà trước, không buồn để mắt xem phản ứng cô Hoa như thế nào. Tối hôm ấy bên tiếng ngáy đều của vợ, ông chập chờn với những ý nghĩ mông lung. Những kỷ niệm ngày xưa trở lại và khung cảnh gian nhà bếp của ông Nghĩa ám ảnh trong tâm tưởng khiến ông không thể nào chợp mắt. Bà Kim Cúc trở giấc: - Anh vẫn chưa quen với giấc ngủ bên này hay vì nhà lạ? - Chắc là cả hai. Tiếng nói của ông Hoàng khô khan và lạnh lẽo. Dúi đầu vào vai chồng, bà Kim Cúc nói: - Mấy ngày ở bên nhà chị Bạch Mai em không ngủ được vì thiếu hơi anh. Hôm nay thì được ngủ ngon lắm! Tiếng cười gượng nhẹ của ông Hoàng như luồng khí loãng nhạt đến nỗi không thể nào xuyên qua cái màn đêm dày đặc trước mặt. Ông không nói gì. Bà Kim Cúc tiếp tục nói với giọng ngái ngủ: - Anh biết tối hôm nay bà thầy bói nói gì với em không? Bà nói là chúng ta sẽ có những thay đổi bất ngờ. Buồn cười cho người Việt mình ở đây là họ nghĩ đất Mỹ rộng, người ở xứ Mỹ lắm tiền, có thể đi đây đó đủ nơi, có thể thay đổi chỗ ở cũng như công việc làm như thay áo nên đoán mò thay đổi này thay đổi nọ chứ đâu biết mình làm việc bên ấy đều đặn mỗi ngày như người máy! Ông Hoàng xoay lưng ra ngoài, nhưng vẫn đáp lại như phải trả lời bởi một sự bắt buộc: - Biết đâu bà ấy không nói về chúng ta mà gia đình của chúng ta. Biết đâu con cái chúng ta sẽ có những thay đổi nào đó? Không chừng thằng Phụng hay con Loan sẽ ra riêng để tự lập. Lúc trước tụi nó không có ý định nhưng biết đâu sau này chúng thay đổi ý định không chừng. Mấy đứa mười tám tuổi ở Mỹ thường tự ý ra sống riêng. Còn hai đứa con mình xong trung học mà không thấy đả động gì nhưng đó không có nghĩa là chúng sẽ ở luôn với tụi mình đâu. Bà Kim Cúc chép miệng, nói một cách chậm rãi: - Em không biết, nhưng khi bà ta nói về tổ tiên, và ông bà thì em nhớ đến ba má. Em định là ngày mai sẽ nói cô Thu chỉ đường cho gia đình mình ra thăm mộ ba má. Em muốn các con mình thăm mộ ông bà nội và bác Hân của chúng trước khi trở về Sài Gòn. Ông Hoàng không trả lời. Sự im lặng của ông càng lúc càng dày đặc và quyện chặt vào bóng đêm trước mặt. Ông cảm thấy thương người vợ đầu ấp tay gối với mình trong hai mươi năm qua. Cái ân tình và nghĩa cử của bà khiến ông phát giác ra tình cảm của ông bao năm đối với bà là tình nghĩa vợ chồng sâu đậm chứ không phải tình yêu trai gái nồng nàn theo đúng ý nghĩa của nó. Với điều phát hiện thực tế nhất và đau lòng nhất của mình, ông cảm tưởng toàn thân mình rơi tõm vào trong khối đen dày của màn đêm. Chưa bao giờ ông cảm thấy cô đơn hơn lúc ấy.