Vừa đặt chiếc điện thoại cầm tay xuống bàn, cô Loan báo cho bà Kim Cúc biết là từ tháng một dương lịch cô có thể giúp bà toàn bộ công việc nhà và trông nom đưa đón Lisa. Cô càng huyên thuyên nói về sự thuận lợi của thời khoá biểu cho khóa học mùa xuân và lý do cô không muốn tiếp tục đi làm, khuôn mặt thanh thanh và sáng đẹp của cô càng lúc càng rực lên niềm vui tươi vô bờ bến. Bà Kim Cúc mỉm cười khi chăm chú nghe cô nói. Bà hiểu một trong những lý do vừa nêu như thời tiết, giúp đỡ gia đình, và kề cận với em, sự lo lắng về những sự kiện đáng tiếc có thể xảy ra sau năm 2000 là một phần quyết định của cô. Gần đây cô Loan có khuynh hướng dành thời gian cho gia đình sau giờ học nhiều hơn trước. Sự có mặt của cô tại nhà vào lúc bốn giờ chiều của ngày đầu tháng mười hai hôm ấy quả là sự ngạc nhiên lớn nhưng đã cho bà thấu hiểu lý do về sự quyết định đột ngột của cô ta. Thường thường vào khoảng thời gian trước lễ Giáng Sinh như thế, học ở trường xong cô Loan lái xe thẳng ra khu thương xá W. tận quận Montgomery để làm thu ngân viên cho tiệm bán quần áo V., một công việc mà cô đã làm quen thuộc từ khi cô còn học trung học. Cho dù số tiền kiếm được bởi công việc bán thời gian không đáng là bao, cô tự hào vì nó đã giúp cô độc lập tài chính khi cô muốn mua những món quà cho những người thân trong gia đình hay chi trả phần nào các khoản chi phí ở học đường. Quan niệm về việc làm đi đôi với sự học là phương cách tạo một cuộc sống tự lập của cô gần đây tự dưng bị thay đổi một cách bất ngờ và bà Kim Cúc nhớ lại khuôn mặt trầm ngâm của cô khi ông Hoàng mang về bao nhiêu nước uống chai, thực phẩm khô chất đầy dưới phòng hầm mỗi ngày khi ông đi làm về. Bà hiểu rõ là cô muốn dành thời giờ nhiều cho gia đình để dự phòng điều đáng tiếc xảy ra theo như lời đồn đãi. với những an lành đang có, bà Kim Cúc cảm thấy bao nhiêu nặng nề trong tâm trí từ những ngày trước đó được từ từ xoa dịu hẳn đi. Trước đó, bởi hồ nghi với sự im lặng đột ngột của người chị ruột trong khi nói điện thoại, lo lắng điều chẳng lành cho sức khỏe của mẹ, và bất an với sự quyết định không rõ ràng về ngày trở lại Mỹ của bố, bà Kim Cúc đã áy náy, bồn chồn đứng ngồi ăn ngủ không yên. Bấy giờ, cái tin đồn về những tai họa có thể xảy ra vào ngày đầu năm 2000 có thể coi là lý do chính đáng để bà hiểu được vì sao ông cụ Đức không đưa bà cụ trở về Mỹ sau thời gian quy định trong vé máy bay khứ hồi. Sự nặng nề trong tâm trí của bà được giải tỏa và thư giãn hoàn toàn bởi khung cảnh hai chị em cô Loan và bé Lisa đang ngồi thân mật và đằm thắm trước mặt. Hình ảnh này là câu trả lời hữu hiệu nhất cho thắc mắc của bà về lý do tại sao mọi người quyến luyến gần gũi nhau trong khoảng thời gian cuối năm 1999. Cảm giác thương thương dâng lên trong lòng bà khi hình ảnh mỗi ngày ông Hoàng khệ nệ khiêng những thùng nước uống, thực phẩm khô, bếp gas tự động, và đèn bão hiện ra trong đầu bà. Các hình ảnh diễn ra trong trí bà như một cuốn phim chiếu không dừng mà trong đó cảnh cảm động nhất là lúc ông Hoàng cẩn thận chia cho mỗi người trong gia đình một cái đèn pin và một cái ba lô cá nhân đã có sẵn những thứ cần thiết như một bộ quần áo ấm, cái áo mưa nhỏ, ít lương thực, và hộp cứu thương cá nhân. Càng nhớ chuyện cũ, bà Kim Cúc càng thương chồng và an tâm hơn về chuyện thất hứa của hai vị thân sinh. Sự thay đổi dự định của họ có thể chấp thuận được trong tình hình mọi người bồn chồn lo sợ và chờ đợi những tai ương bất ngờ xảy ra vào những ngày đầu tiên của năm 2000. Chiếc cửa lớn đột nhiên mở ra và cậu Phụng bước vào nhà với giọng nói vui vẻ: Tối nay ba mẹ sẽ đi mua sắm nhưng Lisa phải ở nhà với anh chị! Bé Lisa vùng dậy, ngẩng đầu lên hỏi rối rít: - Sao anh biết ba mẹ sẽ đi mua sắm? - Ba vừa nói với anh ở ngoài ga ra. Bà Kim Cúc đứng lên: - Ba đã về vậy các con giúp mẹ dọn thức ăn. Việc gì nói sau. Không cần phải yêu cầu nhiều lần, cô Loan đi theo bà Kim Cúc đến nhà bếp ngay để phụ lấy các thứ mà bà Kim Cúc đã nấu và chuẩn bị sẵn. Đi kè bên cạnh cậu Phụng đến phòng ăn, bé Lisa hỏi dồn: - Vì sao anh biết em không được đi mua sắm với ba mẹ? Ba nói với anh như vậy hả? Phải vậy không anh Phụng? Cậu Phụng vừa mở tủ búp phê vừa trả lời: - Thì có năm nào ba mẹ cho Lisa đi mua sắm cùng đâu? Nhưng anh biết ba sẽ đi mua sắm với mẹ vì ba vừa nói với anh. - Năm nay khác. Em xin ba mẹ cho em đi vì không có ông bà ngoại ở nhà với em. Chìa muỗng, đũa và khăn ăn trước mặt Lisa, cậu Phụng nói kiên quyết: - Phụ anh xếp mấy thứ này trên bàn đi! Lisa đừng nhõng nhẽo nữa! Với hai đĩa thức ăn trên tay, cô Loan nhăn mặt la hùa cùng cậu Phụng khi đi ngang khuôn mặt cau có của Lisa: - Không có ông bà ngoại thì Lisa ở nhà với anh chị. Ba mẹ mua quà bí mật để làm mình ngạc nhiên. Lisa đi với ba mẹ thì đâu còn có ngạc nhiên gì khi nhận quà? Phụ việc với anh chị đi, đừng đòi đi chỗ này chỗ nọ nữa! Ở ngưỡng cửa phòng ăn, ông Hoàng hỏi: - Lisa đòi đi đâu? - Nó đòi đi mua sắm với ba mẹ. Cô Loan đáp. - Thằng Phụng này thiệt là mau miệng! Ba nói với con là ở nhà coi con Lisa để ba mẹ mua sắm chứ đâu nói con cho nó biết là ba mẹ đi mua sắm đâu! Ông Hoàng nói với vẻ bất bình. Cậu Phụng đang đặt từng cái chén trên bàn ăn trước mỗi ghế ngồi, mắt ánh lên nỗi bực dọc trong dôi kính trắng. Chau đôi mày rậm, cậu nghiêm giọng nói với con Lisa: - Anh nói Lisa không được đi là không được đi! Không phải ba mẹ đi đâu Lisa cũng phải đòi đi cho bằng được! Bà Kim Cúc đặt bát canh nóng ngay giữa bàn, giảng hòa: - Ba mẹ đi công chuyện riêng kết hợp với đi mua sắm chứ không phải chỉ đi mua sắm cho nên Lisa nên ở nhà với anh chị. Lướt mắt nhìn cậu Phụng rồi sang con bé Lisa bà nói tiếp: - Đúng như anh Phụng nói, không phải ba mẹ đi đâu Lisa cũng phải đi theo. Quyền anh như quyền ba, anh Phụng nói không được có nghĩa là không được! Lisa toan mở miệng nói, ông Hoàng ngăn lại: - Giờ này gia đình chuẩn bị ngồi vào bàn để dùng cơm, nếu con muốn nói chuyện gì thì phải nói những điều vui. Lisa nín lặng, cô Loan, cậu Phụng và bà Kim Cúc cũng lặng ngắt theo. Đối với họ, thái độ mẫu mực, sự tận tâm chu đáo, và tình yêu thương vô bờ bến của ông Hoàng dành cho gia đình đã tạo cho ông uy quyền vững chắc đến độ mỗi khi ông thốt ra điều gì là họ đều răm rắp nghe theo. Trong khi cô Loan đặt thố cơm lớn ở góc bàn và xới cơm cho mọi người, ông Hoàng vừa xổ khăn ăn vừa đỉnh đạc nói với bà Kim Cúc: - Năm nay mình nên mua thẻ mua quà cho nhân viên hơn là quà em à. Tùy họ muốn sắm gì thì sắm. - Như vậy mình sẽ phải mua hai mươi lăm tấm thẻ mua quà? Còn ba anh quản lý như anh Tiến, anh Thương, và anh Tảo thì mình có nên mua món quà gì đặc biệt hơn không? - Không cần mua quà gì cả, cho mỗi người một thẻ mua quà một trăm đô la là đủ rồi. Bà Kim Cúc tròn to mắt: - Anh định cho mỗi người tới một trăm đô ư? - Phải! Năm nay số lợi tức thu vô nhiều hơn năm ngoái. Mấy ảnh thay em làm việc tận tâm và cật lực; thưởng vậy là đáng công họ thôi. Ngẫm nghĩ một lúc, bà Kim Cúc gật nhẹ: - Hơn nữa đã đến năm 2000, không biết người có còn không đừng nói chi là của, mình cũng chẳng nên so đo làm gì. Ông Hoàng vừa mỉm cười vừa nhai cơm một cách ngon lành. Ông biết là dù ông có làm việc gì, thực hiện việc ấy bằng cách nào, và thành công hay thất bại trong việc ấy ra sao thì vợ ông luôn có những lý giải để ủng hộ ông. Bao nhiêu năm chung sống với nhau, vợ ông luôn tìm mọi cớ để biện minh rằng tất cả những việc mà ông làm đều đúng đắn và có lý do chính đáng của nó. Là người yếu đuối và tựa vào ông như dây hoa tầm gởi bám vào thân cây đầy cành lá xum xuê nhưng bà tượng trưng cho loài hoa hiếm tỏa hương sắc cho thân cây um tùm kia hoan hỉ sống trong bầu khí thơm tho. Mà thật là như thế, bao nhiêu năm gia đình họ thành công trong kinh doanh, và trong tài chính là do bà Kim Cúc tán thành những kế hoạch mà ông Hoàng hoạch định và tính toán. Bà Kim Cúc đã răm rắp nghe lời ông chuyển đến ở tại bang Maryland khi mà ông cho rằng tiểu bang này có thể giúp ông bà có được nhiều khách hàng hơn California, nơi đầy dẫy sự cạnh tranh của những người Việt làm móng tay. Bà cũng đã nghe theo lời của ông gom góp toàn bộ số tiền có được để mua lại tiệm Bàn Tay Đẹp tại thương xá P. với giá hời từ người chủ tiệm thua đậm nhiều lần ở casino. Sau khi mua tiệm này, vợ chồng ông bà đã thu lợi tức khá nhiều bởi vì những người thợ đầy kinh nghiệm của chủ cũ bằng lòng ở lại làm việc cho họ với số chia sáu bốn được ấn định trước đó, vì khách càng ngày càng nhiều thêm hơn so với lúc chủ cũ điều hành tiệm, và nhất là vì cách đắp móng bột và lối vẽ trên móng khá sắc sảo của bà. Thu được lợi nhuận một năm, ông đã bàn bạc với gia đình về chuyện mua nhà và được chấp thuận ngay bởi vợ và bố mẹ vợ. Chỉ sau hai năm tậu được căn nhà tại quận P., giá trị nhà đất của những vùng quanh Hoa Thịnh Đốn như Virginia và Maryland tăng lên vùn vụt. Từ vốn tăng trưởng của căn nhà, ông đã làm tài trợ thêm để rút tiền ra mua thêm tiệm Lynn Nail ở thương xá L. cách thương xá P. khoảng năm dặm rồi đổi tên nó thành tiệm Bàn Tay Đẹp như tên tiệm đầu tiên. Hai tiệm Bàn Tay Đẹp trong vùng Baltimore đã làm vợ chồng ông bà nổi tiếng bởi vì hầu hết những người khách thích làm móng tay ở đó đều muốn được phục vụ bởi các người thợ của hai tiệm này. Bất cứ người khách nào đến tiệm một lần, họ trở lại tiệm một cách thường xuyên và lâu dài. Trong lúc thu nhập tài chính hàng tháng ngày càng tăng, ông Hoàng đã chuyển tất cả các điểm mà ông học đại học ở Boston và California để ghi danh học tiếp ngành kế toán tài chính tại đại học C. ở Maryland cho dến lúc ra trường. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp, ông xin được chức làm kế toán tài chính cho bộ Y Tế tại quận B. của Maryland. Với việc làm chính phủ, ông đã mua được bảo hiểm sức khỏe cho vợ con, và có được những ngày cuối tuần, và những ngày nghỉ lễ của nhân viên công chức. Tận dụng những ngày nghỉ này, ông đã phụ vợ làm thêm, chạy vật tư và sắp xếp mọi việc cho hai tiệm móng tay mà vợ chồng ông tậu được. Sau một thời gian, ông đã quyết định bán căn nhà cũ ở Baltimore và mua nhà mới tại quận B. để tiện cho việc học hành của các con ông và đi lại cho công việc chính của ông. Sau sáu tháng ở quận B., ông táo bạo mở thêm tiệm Bàn Tay Đẹp thứ ba gần căn nhà ở của gia đình ông. Ông đã mua lại tiệm văn phòng phẩm cũ bị phá sản trong khu thương mại B. để xây dựng thành tiệm làm móng tay. Hợp đồng với người xây dựng thiết kế tiệm móng tay Bàn Tay Đẹp thứ ba này, ông đã yêu cầu họ làm theo sáng kiến của ông. Với tính tình rộng rãi, ông đã đầu tư khá nhiều tiền vào trang thiết bị có chất lượng cao, tối tân và đắt tiền cho tiệm như ống thông gió, bồn ghế Spa làm chân, máy làm móng giả, máy phun air brush. May mắn cho ông là bất cứ việc làm nào mà ông thực hiện đều thành công rực rỡ và vượt cao hơn dự trù mà ông tính toán. Tọa lạc trong một khu thương mại mới, tiệm Bàn Tay Đẹp trong khu thương mại B. đã tăng mức thu nhập đến mức không ai có thể tưởng tượng được: Chỉ sau hai năm, ông đã thu lại toàn bộ số vốn bỏ ra chưa kể số tiền trong trương mục Tiết Kiệm của vợ chồng ông tăng vùn vụt trong những năm sau đó. Cũng vì khả năng tính toán trong thương trường khá tinh thông, ông đã nâng đời sống vật chất cho vợ con mỗi ngày mỗi cao hơn và đã thực sự tạo một uy tín khá lớn trong gia đình. Thực tế, không phải bà Kim Cúc ủng hộ ông Hoàng vì tin vào những kế hoạch và dự trù của ông. Sỡ dĩ bà ủng hộ ông từ việc bình thường đến những việc làm táo bạo là vì bà tin vào sự kiên trì, tính ham làm và tinh thần chịu khó của chồng bà. Đối với bà, cho dù ông Hoàng có thất bại trong kế hoạch mà ông đã táo bạo đặt ra thì đó chỉ là một khoảnh khắc dừng nghĩ trước khi ông vọt cao lên đỉnh thành công khác với sức kiên trì và nhẫn nại của ông. Tuy nhiên, dù ở hình thức nào, ông Hoàng đã khá tự hào về những thành công mà mình đạt được sau thời gian hoạch định và tiến hành. Ông Hoàng vừa nhai vừa nói: - Anh đã gửi cho anh Tảo một trăm đô trước rồi vì ảnh phải về quê thăm mẹ ốm. Bà Kim Cúc ngạc nhiên: - Anh Tảo lại về Việt Nam nữa sao? Ảnh về hồi nào sao anh không nói cho em biết vậy? Vậy bây giờ ai quản lý tiệm Bàn Tay Đẹp ở B. cho mình? - Anh có nhiều chuyện quá nên quên báo cho em biết. Hơn nữa, chuyện anh Tảo về Việt Nam không quan trọng cho lắm vì anh đã thuê người quản lý khác rồi. Người này do anh Tảo gới thiệu, rất đàng hoàng và đáng tin, mình không phải lo lắng gì cả. Dứt lời ông gắp miếng thịt gà bỏ vào miệng, chuyển đề tài: - Thịt gà kho ngon quá! Em học ở đâu mà kho ngon vậy? Bà Kim Cúc mỉm cười: - Nào có học gì ở đâu! Em thử bỏ thêm gia vị bột cà ri kèm với xả ớt cho có vị lạ đấy mà! Chịu khó ăn đi đừng ghẹo! - Chịu khó gì chớ? Có vợ nấu cho ăn như vầy là nhất rồi! Bởi vậy mà anh muốn em ở nhà lo việc nội trợ và chăm con. Em ở nhà vẫn tốt hơn đi làm, ngồi lâu ở tiệm móng tay không tốt cho sức khỏe đâu. - Em đã quen với công việc bao nhiêu năm, ở nhà thấy buồn lắm. Loan đã xin nghỉ làm và thời khóa biểu học mùa xuân của nó tiện cho việc đưa rước Lisa cho nên sau Tết em ra tiệm lại. Em cũng đã hứa dạy cho cháu gái của chị Hậu làm móng tay vào tháng hai năm tới rồi. Ông Hoàng ngừng nhai: - Sức khỏe của em đã khôi phục hẳn chưa mà em đi làm lại? Hơn nữa ba tiệm Bàn Tay Đẹp đều đủ thợ, em hứa nhận dạy chi cho mệt thân vậy? Bà Kim Cúc trả lời với ánh mắt tự tin: - Em đã hết ho hẳn rồi và không cần dùng ống xịt trị suyễn nữa. Cô Loan chen vào: - Con cũng có thể nấu thức ăn ngon cho ba mà. Ba đừng lo! Ông Hoàng lắc đầu: - Ba không nề hà chuyện ăn ngon hay dở. Ba muốn mẹ con được an nhàn. Sức khỏe của mẹ con không ổn định lắm. Hơn nữa, bao nhiêu năm mẹ con làm vất vả rồi, nay tiền bạc trong gia đình đã ổn, không cần phải vất vả thêm. Cậu Phụng nói: - Nhưng nếu mẹ nói mẹ thấy vui khi mẹ đi làm thì hãy để mẹ đi làm lại. Con cũng có thể phụ Loan đón Lisa về và dạy nó học. Ba đừng lo, Lisa cũng lớn rồi và ngoan hơn từ lúc ông bà ngoại về Việt Nam. Cô bé Lisa phụng phịu: - Ông bà ngoại đâu có làm em hư! Không có ông bà ngoại ở đây ai cũng ăn hiếp em! Ông Hoàng nhìn nó với ánh mắt dịu dàng: - Lisa là út cưng của ba mẹ mà ai dám ăn hiếp được. Ngoan đi rồi hè tới ba mẹ sẽ cho con đi về Việt Nam thăm ông bà ngoại, các bác, các cô chú. Đôi Mắt Lisa sáng rỡ: - Thật vậy không ba? Bà Kim Cúc ngừng nhai, hỏi theo: - Anh đã định chắc như vậy rồi hả anh? - Ừ! Thấy anh Tảo về Việt Nam hoài anh cũng muốn đưa cả gia đình về chơi một lần cho biết. Nghe nói bây giờ Việt Nam thay đổi nhiều lắm, có về Việt Nam chơi cũng không có gì đáng ngại như mình lo sợ hồi giờ đâu. - Anh định cho cả gia đình đi ư? Ông Hoàng gật đầu. - Đúng vậy! Hè tới, hai đứa Phụng Loan đừng đăng ký lớp học nào cả. Cả gia đình cùng về thăm hai họ nội ngoại ở Việt Nam một lần cho biết. Không một người lên tiếng và ông Hoàng tiếp tục nói với bà Kim Cúc: - Anh không nghĩ bố mẹ sẽ trở lại đâu. Phải về mới biết tình hình sức khỏe của mẹ ra sao. - Em hy vọng sau tết 2000 này, bố mẹ sẽ trở về. - Dù bố mẹ trở về hay còn ở lại bên ấy, vợ chồng mình cũng phải đưa các con về thăm Việt Nam một chuyến cho chúng biết quê hương mình thế nào. - Còn công việc của mình thì sao? - Anh rất tin tưởng ba người quản lý của ba tiệm móng tay hiện thời. Ngay cả anh Tảo không trở lại, anh cũng đã có đủ người trông coi các tiệm không phải lo lắng gì cả. - Anh Tảo không trở lại? Giọng của bà Kim Cúc đầy ngạc nhiên. - Ừ, nghe đâu anh xin hộ chiếu dài hạn để chăm mẹ ảnh đến khi bà khỏe hẳn mới về lại Mỹ. - Vậy rồi ai lo cho vợ con ảnh bên này? - Chị Mai làm móng tay bao nhiêu năm trong tiệm lớn tại khu Mỹ trắng, lại có nhiều khách thích lấy hẹn, chỉ cần gì phụ thuộc đến anh Tảo? Lương của chỉ không chừng nuôi con thoải mái và còn có thể tiếp tế được cho ảnh bên Việt Nam nữa đó. Hai đứa con gái của ảnh chị bây giờ đã lớn, lại biết lo công việc nhà. Con Michelle đã mười sáu rồi còn con Marsha cũng đã mười bốn. Tụi nó lại có bà ngoại ở cùng nhà, được bà ngoại chăm sóc tận tình khác gì mấy đứa con của mình trước đây đâu! - Bởi vì vậy mà ảnh kiếm được một ít tiền lại về Việt Nam thăm mẹ ảnh ngay không như anh Tiến tuy độc thân mà chẳng muốn đi đâu ngay cả thăm mẹ. Bà Kim Cúc gật gù. Ông Hoàng lắc đầu: - Chung qui cũng tại bà cụ không muốn sang đây mà anh em ảnh mỗi người một tính. Anh Tảo thì gắn bó tình cảm với mẹ không nỡ bỏ mẹ bên ấy trong khi anh Tiến thì nhất quyết chờ khi nào hết còn Cộng Sản trên đất nước Việt Nam mới về! Anh cũng nghĩ như ảnh nhưng mà chờ đến bao giờ? Thôi thì thấy thiên hạ đi đi về về không hề gì, mình cũng đi một chuyến xem sao! Bà Kim Cúc nói với đôi mắt đăm chiêu: - Em nghe mấy cô thợ nói dạo này Việt Nam có nhiều thay đổi. Mọi sự dễ dàng chứ không như lúc giao thời cho nên anh định cho cả gia đình về thăm quê một lần cũng phải. Em có linh tính là bố mẹ muốn ở lại Việt nam thêm vài tháng nữa chứ không muốn trở về đây ngay. Mấy lần nói điện thoại, em hỏi hoài nhưng bố cứ lảng tránh không cho em biết khi nào bố đưa mẹ trở về. Nếu qua tết mà bố mẹ không về thì em phải về tìm hiểu xem sự thể như thế nào và bệnh tình mẹ tiến triển ra sao. - Nhân thể mình đưa các con về thăm gia đình hai bên và cho các con đi du lịch nữa chứ! - Nếu bên ấy thay đổi như lời đồn thì mình tha hồ cho các con đi du lịch khắp nơi phải không anh? Cậu Phụng, cô Loan và bé Lisa chăm chú lắng nghe đối thoại của ba mẹ họ đến đỗi quên cả nhai. Ánh mắt họ toát lên sự háo hức và vui thú. Ông Hoàng gật gù trong khi gát đũa trên chén: - Đúng vậy! Sài Gòn, Long Xuyên, rồi Bình Dương... Nếu thuận lợi thì mình thuê xe đi thêm các nơi khác như Đà Lạt, Nha Trang, Huế hay có thể là Hà Nội, Hải Phòng để cho các con biết một vài danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Bà Kim Cúc buông đũa theo chồng, nói vội vã: - Mẹ phải chuẩn bị để đi với ba. Các con ăn từ từ xong giúp mẹ dọn dẹp. Lisa ở nhà ngoan với anh chị, đến hè sẽ được đi Việt Nam. Cậu Phụng và cô Loan gật đầu ưng thuận trong khi bé Lisa nhoẻn miệng cười toe toét. Tối hôm ấy vợ chồng ông Hoàng lái xe đến khu buôn bán F., một trong các thương xá lớn tại quận M. của tiểu bang Maryland. Sau khi đậu xe, họ đi bộ dọc theo các tiệm sáng choang ánh đèn và hàng hóa rực rỡ muôn màu muôn sắc. Đi bên nhau vừa nói nói cười cười vui vẻ, họ thật sự là một cặp vợ chồng đầy hạnh phúc.