Sau hai ngày trở lại làm việc ở tiệm Bàn Tay Đẹp trong thương xá B, bà Kim Cúc mới có thì giờ rảnh để tự hỏi không hiểu vì sao bà lại giới thiệu tên Kathy cho cô Vân trong khi tất cả mấy cô thợ trong tiệm của bà đều có tên với những chữ i ngắn hay y dài như Mimie, Nickie, Lucy, Christy, Jenny, và Cindy. Các cô thợ trong tiệm Bàn Tay Đẹp này không bao giờ tiết lộ nguồn gốc của các tên Mỹ mà các cô có nhưng cả các cô ấy và bà đã chẳng bao giờ để ý mấy cái tên với chữ i và y cuối có thể gây cười cho những người khách nếu họ để ý nghe những tiếng kêu tên nhau như bà đang để ý trong lúc này. “Nickie ơi! Có kềm mới không cho 'mi' mượn một cái đi!”, “Jenny! Con khách đó chờ bà chứ không chịu cho tui làm, tui lấy con khách không có hẹn này theo 'tua' thôi”, “Christy xong chưa vậy? Con nhỏ khách của tui muốn bà làm lông mày cho nó đó!” “Lucy! Lấy dùm cho Minie cái khăn luôn đi!” Những âm i cuối của các tên vang lên liên tiếp đã tạo nên một kiểu láy âm ngộ nghĩnh khiến cho bà Kim Cúc mỉm cười. Sự hợp lại của các tên có vần i trong cùng một tiệm có thể gây cho những người khách ở tiệm tin tưởng rằng tất cả các tên ấy được đặt ra bởi một người có máu hài hước. Còn các cô thợ của bà thì hãnh diện với cái tên của họ lắm bởi vì tất cả đều nói rằng những tên Mỹ có chữ i hay y cuối biểu hiện sự nhu mì, nhỏ nhắn và dễ thương. Họ đã tán thành ngay khi cô Minie nói là “Em thích mấy cái tên Mỹ như Betty, Nicky, Lucy, Nancy, Minie... Tên Mỹ với âm i cuối nghe 'nhon' gì đâu!” Từ “nhon” mà cô Minie dùng ở đây là từ phiên âm trại từ chữ “mignon” của tiếng Pháp với nghĩa nhỏ nhắn dễ thương mà qua đối thoại của những người thợ, bà Kim Cúc chỉ đoán được là những tên ấy có lẽ do chính họ tự đặt ra chứ không phải do các chủ cũ của họ đặt cho. Tên Minie của cô Kim thể hiện đúng với mẫu người nhỏ nhắn mảnh mai của cô. Khuôn mặt trắng hồng thon nhỏ với cánh mũi cao thanh thanh, đôi mày tỉa gọn và mái tóc tém ngắn màu vàng ánh tạo cho cô có cái vẻ trẻ trung của cô gái mới lớn. Thêm vào đó, áo cánh ngắn, quần túm cao để lộ mắt cá chân, và đôi guốc cao nhọn bé tí mà cô thường phục sức ngay cả vào mùa đông đã không cho một ai có thể đoán số tuổi ngoài ba mươi của cô. Dáng vóc, khuôn mặt, và cách ăn mặc của cô Kim đã tạo cho cái ngoại dạng “nhon” như cô mong muốn tuy nhiên tính tình cô chẳng tạo cho ai ấn tượng “nhon” khi tiếp xúc với cô bởi vì cái miệng nhỏ xíu và đôi môi mỏng lét của cô thường phê bình và chỉ trích những việc làm của người khác hơn là nói những điều vui vẻ thởi lởi. Mỗi khi nhìn những việc không vừa ý, cô thường dùng chữ “Gớm! Làm gì mà dễ sợ vậy!”, “Kinh khủng quá!”, “Thấy mà ghê!” với cái chau mày bất bình như chứng kiến một tội trạng rất khủng khiếp dù chuyện cô bình phẩm chỉ là chuyện nhỏ nhặt như vết lem của một mẫu móng tay do một cô thợ vẽ vụng về hay một món thức ăn không được làm đúng cách. Chuyện cô thường lên án và bình phẩm trong tiệm nhiều nhất là thái độ khinh người của những người Việt đến Mỹ từ năm 1975 và chuyện sửa thẩm mỹ của những người con gái ham đẹp. Hai chuyện bình phẩm này của cô đã gây tranh luận nhiều lần giữa cô và đám thợ con gái. Phản đối với chuyện thứ nhất, những người thợ trong tiệm đã vặn cô bằng những câu hỏi: “Sao Kim biết 'mấy người Việt 75' khinh người?”, “Sao Kim không nghĩ là người ta không biết nói tiếng Việt?” rồi cuối cùng làm cô nín lặng bởi câu châm chọc “Nhìn Kim trắng trẻo, mắt xanh, mũi cao, tóc vàng mọi người chắc chắn tin Kim là người Mỹ, đâu có ai nghĩ Kim là người Việt mà nói tiếng Việt với Kim?” Chuyện bình phẩm thứ hai kéo dài hơn chuyện thứ nhất bởi vì trong khi đám con gái hùng hồn lý luận rằng thẩm mỹ tạo cho những người con gái kém may mắn nâng cao lòng tự tin và sự hãnh diện với cái tên “người đẹp” theo đúng nghĩa như các đấng mày râu thường gán cho họ thì cô Kim một mực khăng khăng cho rằng “Trời cho sao để vậy cho tự nhiên chớ mắc mớ gì phải sửa! Càng sửa thì càng mất vẻ tự nhiên và càng xấu xí hơn! Đúng là mấy bà có lắm tiền nên bày chuyện! “ Vấn đề tranh luận càng lúc càng kéo dài và căng thẳng đến nỗi bà Kim Cúc không dám lên tiếng một lời hay can thiệp vào. Cho rằng cuộc tranh cãi của đám thợ không ảnh hưởng đến công việc làm ăn của mình và lý luận của hai phe, dù số người của mỗi phe không cân bằng, đều có lý lẽ đúng đắn riêng của nó, bà Kim Cúc để mặc cho những lời bình phẩm chua cay của cô Kim hay những lời chống đối của các cô thợ đối với cô Kim lâu lâu vang lên trong tiệm. Ỷ đông, đám thợ thay phiên châm chọc cô Kim rằng nếu cô ta không nhận ra giá trị làm đẹp của ngành thẩm mỹ cho các bà các cô, và không thấy rằng nghề móng tay là một phần của ngành thẩm mỹ, thì cô nên nghỉ làm cái nghề mà cô kiếm hơn bảy trăm đồng mỗi tuần chưa kể tiền thưởng của khách. Sau cùng họ còn hùng hồn lý luận rằng thẩm mỹ có thể sửa những tướng xấu của con người cả nam lẫn nữ chứ không đơn giản chỉ làm đẹp cho phái nữ thôi, rồi đay nghiến thêm là cô Kim cần sửa lại cái miệng nhỏ thêm nhiều hơn nữa để khỏi phải bình phẩm những điều khó chịu mà lâu lâu họ phải nghe. Cô Hằng, có tên Mỹ là Nickie, đồng quan niệm của cô Kim rằng tên Mỹ với vần i hay y thể hiện sự nhỏ bé dễ thương của con gái nhưng lại hậm hực với cô Kim vì bị cô Kim bình phẩm chuyện xăm môi và bị cô Kim gọi là chị trong khi cô ta nhỏ hơn cô Kim gần năm tuổi. Nghe họ đối thoại với nhau, nếu không để ý, thì tưởng là cả hai người ăn nói lịch sự với nhau lắm nhưng thực sự là họ cố tình tự nhận nhỏ bé hơn, trẻ trung hơn người mà họ kêu bằng chị kia. Cô Hằng cũng là người Việt lai Mỹ trắng nhưng cao lớn và rắn chắc hơn cô Kim khá nhiều. Cô là người chi rất nhiều tiền cho các phim bộ tình cảm xã hội ướt át của Hồng Kông, Đại Hàn hay Đài Loan. Cô thường khóc sụt sùi trước những đoạn phim đầy thương tâm rồi tiếp tục khóc trong ngày hôm sau lúc nhắc lại những đoạn phim ấy với đồng nghiệp hoặc với cô Liên, người đã cùng coi phim với cô. Sau khi khóc cho chuyện của phim cô tiếp tục khóc thêm cho chuyện của cô, những câu chuyện đau thương, và khổ sở mà cô trải qua sau năm 1975. Có lẽ vì cô nhiễm phim truyện khá nhiều nên cô có lối kể chuyện rất lưu loát và chính vì thế bà Kim Cúc cũng đã nhiều lần để ý lắng nghe lời cô tâm sự với cả đám thợ hoặc chỉ riêng mình bà. Qua các mẫu chuyện của cô Hằng, bà Kim Cúc biết được cô hoàn toàn mù chữ bởi cái nghèo nàn khổ sở của mẹ cô, và sự chọc ghẹo của bạn cùng trường. Trong những mẫu chuyện ấy, bà Kim Cúc nhớ nhất là chuyện cô làm khuân vác mỗi ngày tại bến cảng T.N. Hình xăm ba đóa hoa hồng và những cánh lá xanh lục trên bờ vai phải của cô được bày ra khi cô nói lý do cô phải xăm chúng. Những vết trầy trụa trở nên ung mủ và chai đen trên mặt vai phải của cô Hằng gây nên bởi những bao hàng nặng trình trịch được thay bằng những đóa hồng xăm màu tươi thắm đã tạo trong trí bà Kim Cúc cảnh một cô gái tội nghiệp đáng thương chạy hùng hục với những bao tải nặng trên vai từ bến tàu đến kho chứa của những người chủ vựa rồi từ kho chứa chạy trở lại bến tàu để lấy lượt khuân hàng khác, cảnh cô gái tội nghiệp đáng thương ấy thành thật trả lại gói tiền của chủ vựa mà cô tình cờ nhặt được và cảnh cô gái tội nghiệp đáng thương ấy kiên quyết phủ nhận sự luyến ái của kẻ muốn tước đoạt trinh tiết của cô khi hắn đặt điều kiện chia cho cô khuân vác hàng nhiều hơn những kẻ đồng nghề với cô. Hình ảnh những bao hàng nặng bốn, năm chục ký oằn thân hình cao đẹp của cô Hằng đã khiến bà Kim Cúc rơi lệ trong những phút họ tâm tình với nhau bởi vì bà chưa bao giờ tưởng tượng ra hình ảnh mâu thuẫn của một cô gái trắng đẹp như thiên thần phải chịu những cảnh vất vả và khổ cực nhất của trần gian. Cô Minh có tên Jenny cũng là người Việt lai Mỹ trắng. Có lẽ cô cũng sinh ra đời vào khoảng năm 1966 như cô Kim chứ không phải là năm 1971 như cô Hằng nhưng cô không câu nệ chuyện xưng hô chị em như hai cô kia. Với người đồng trang cô thường xưng hô “you me” và với bà Kim Cúc thì cô xưng hô chị em để tỏ ra mình cũng chính chắn chẳng khác gì bà. Hoàn cảnh cô chẳng khá gì hơn cô Hằng; cô mù chữ hoàn toàn vì tình trạng vô gia cư, sự vô thừa nhận của đa số bà con họ hàng và sự ruồng bỏ của chính người mẹ ruột của cô. Bà mẹ vì sợ liên lụy tới “giặc Mỹ”, những người từng bỏ bom miền Bắc, cho nên sau lần di tản năm 1975 đã giao cô cho một người đàn bà ăn xin đáng tuổi ngoại cô. Người mẹ nuôi này, không có phước để hưởng sự đáp ơn của cô, chết đúng ngày cô được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận bảo lãnh cô đến xứ sở tự do. Ảnh hưởng đạo Phật của người mẹ nuôi, cô Minh tin tưởng tuyệt đối vào tiền kiếp và luật nhân quả. Là người thợ làm móng vừa giỏi vừa cẩn thận, cô đã có nhiều khách hẹn nhất trong tiệm. Những người khách của cô luôn luôn kiên nhẫn chờ đến phiên mình để được cô phục vụ chứ không chịu bất cứ người thợ nào phục vụ thay. Thu nhập của cô không những nhiều nhất trong đám thợ mà tiền thưởng của khách dành cho cô cũng nhiều bậc nhất. Điều này đã làm cho cô khẳng định nghề là nghiệp và lập đi lập lại cái cực khổ của nghề hiện tại của cô do bởi tiền kiếp ông bà tổ tiên của cô hành hạ những kẻ nô lệ da màu cho nên đến đời cô phải làm cực khổ để trả bù lại những sức lực mà tổ tiên của cô “đã vay”. Sự lập đi, lập lại nhiều lần về quả báo do ông bà để lại và về “công việc tôi mọi” hàng ngày của cô Minh đã làm cho cô Liên khó chịu. Cô Liên, có tên Mỹ là Lucy, và là người có thân hình đẫy đà và tròn trịa nhất trong đám thợ, đã cằn nhằn cô Minh rằng công việc chà rửa, cắt móng, xoa bóp tay chân cho khách mà cô Minh làm chẳng khác gì công việc mà cô làm hàng ngày nhưng cô là người Việt lai Mỹ da đen thì tổ tiên cô có nợ gì với người nô lệ da đen kiếp trước mà cô phải trả cho những người cô đang làm. Cô Liên không bao giờ tin vào tiền kiếp nhưng lại tin vào số phận sướng khổ của con người. Cô thường nói là cuộc đời con người là do trời định và con người phải chấp nhận số phận trời ban cho mà không nên than vãn điều gì. Trong khi cô Minh oán trách người mẹ ruột và thương tiếc người mẹ nuôi không còn sống để cô đền đáp công ơn nuôi nấng thì cô Liên đã “giảng đạo” cho cô Minh rằng bất cứ người mẹ nào cũng thương con nhưng vì hoàn cảnh éo le nên đành phải lâm vào cảnh đối xử tàn nhẫn với con và đành phải chịu oán hờn. Cô kể cho mọi người trong tiệm nghe là ngày mẹ cô đem cô cho vợ chồng ông cậu ruột bằng cách dàn cảnh như vợ chồng ông cậu tình cờ lượm được đứa con nuôi, cô đã khóc rất nhiều. Sau đó vì nhớ mẹ cô đã phải đi bộ hai cây số để về tìm bà. Thế nhưng khi trở về nhà ngoại, bà mẹ của cô đã cố tình lẩn tránh. Bà nhất định không chịu nhận cô là con và cương quyết cấm cô gọi bà là mẹ. Buổi tối cuối cùng gặp bà mẹ trước khi trở về nhà ông cậu, cô đã oán trách và nguyền rủa bà là người mẹ tàn nhẫn và ác độc nhất trần gian. Lúc đó, bà đã nói với cô rằng “khi nào con lớn lên, đẻ con và làm mẹ thì con mới hiểu tấm lòng của người mẹ thương con như thế nào! Vì hoàn cảnh mà mẹ phải dứt đi núm ruột của mình thôi!” Khi đến đoạn kể này giọng nói hùng hồn của cô trở nên lập bà lập bập như giọng nói người cà lăm, đôi môi dày của cô rung lên từng hồi, rồi cô òa ra những tiếng nói đứt đoạn hòa trong những tiếng khóc nức nở “... đến giờ... đến giờ tui có con rồi, tui mới hiểu tình mẹ thương con ra sao 'bà' à! Đẻ con tui ra, tui thương tụi nó bao nhiêu thì tui biết mẹ tui cũng đã thương tui như vậy. Tui hiểu là mẹ tui cho tui đi chỉ vì bả muốn che mắt mấy ông 'Cách Mạng', và muốn ngừa trước sự trả thù của họ. Ông cậu tui kể là ngày xưa ba tui làm lớn dữ lắm! 'Ổng' làm tướng của quân đội Mỹ lận đó nghe 'bà'! Nhưng mà 'bà' nghe lời tui đi! Nghe lời tui mà tìm mẹ ruột 'bà' đi! Có lẽ mẹ ruột của 'bà' có nỗi khổ tâm nào khi đem 'bà' cho người khác đó!” Khi nghe cô Liên kể đến đoạn này không một ai trong tiệm để ý đến chuyện biệt tăm của mẹ cô Minh mà xôn xao hỏi ba của cô Liên là ai, tên ông ta là gì và cô đã tìm lại ba của cô chưa. Sau đó, tất cả mọi người đều ồ lên thất vọng trước cái lắc đầu của cô. “Lúc đó, mẹ tui sợ quá nên đốt cả giấy tờ làm sao tui biết đâu mà tìm. Nhưng mà nếu có còn giấy tờ mẹ tui cũng không cho tui tìm đâu vì bả sợ tui sẽ làm bận tâm vợ con của ổng! “. Câu trả lời của cô Liên làm vỡ tan tành hình ảnh trùng phùng của cha con cô theo những tiếng “-” tiếp theo của các cô thợ. Trong lúc các cô thợ vặn hỏi thêm về mẹ của cô thì cô ta tiết lộ thêm rằng “Mẹ tui không có muốn đi Mỹ. Tui sang đây với chồng con tui thôi. Bả ở lại với chồng và hai đứa con trai sau của bả. Bả đẹp mà học giỏi lắm bà à! Đàn ông nào thấy bả cũng mê hết trơn cho nên làm sao mà 'ở dậy' cho được! Trước khi 'Cách Mạng' vô, bả học trường Gia Long Sài Gòn đó 'mấy bà'! Không dễ nào thi đậu vào trường đó đâu!” Và khi nói về mẹ, Cô Liên đã thao thao về những món quà và những số tiền mà cô đã gửi về cho mẹ cô trong những năm qua, về những cách đáp đền tình thương cho mẹ của cô hiện tại, và về sự báo hiếu của các con của cô trong tương lai để rồi kết thúc tất cả câu chuyện bằng việc khuyên nhủ cô Minh hãy nghĩ đến chuyện tìm mẹ và gửi tiền giúp đỡ mẹ như cô đã từng làm cho mẹ của cô. Tuy nhiên bà Kim Cúc đã không còn nghe cô Liên khuyên nhủ cô Minh kể từ sau thời gian cô Minh tâm sự với cô Liên và mọi người trong tiệm rằng chẳng bao giờ cô ta có thể tìm được mẹ cô bởi vì cô không biết bà hiện ở nơi nào, sống chết ra sao, nhất là cô không có một tấm hình nào để đăng tin tìm mẹ trong khi có thể có hơn hàng ngàn người đàn bà Việt Nam có cùng tên với mẹ cô là Nguyễn Thị Lan. Cô Liên buồn bã kết thúc mối tận tâm của mình đối với cô Minh rằng: “Có khi mẹ của 'bà'chết từ lâu rồi cũng nên! Biết đâu sau khi đem cho 'bà' xong, mẹ 'bà' buồn, bệnh, không có chỗ ở, không có cơm ăn rồi chết. Biết đâu trong lúc 'bà' nguyền rủa mẹ của 'bà', gặp 'giờ linh', mẹ 'bà'chết theo lời nguyền rủa đó rồi! Đâu ai biết được chuyện gì xảy ra sau lưng mình! Phim truyện cũng thường chiếu mấy cảnh đó mà 'bà'!” Vấn đề bàn bạc của hai cô Liên và cô Minh lan khắp tiệm đã khiến cô Oanh, có tên Mỹ là Christy, lên tiếng khuyên cả hai cô nên nghĩ đến việc làm hiện tại hơn là nhắc chuyện quá khứ. Cô cho rằng đã làm cha mẹ thì nên làm gương cho con và dành thời giờ lo cho con ăn học đầy đủ để đời chúng sung sướng hơn đời mình còn hơn là chỉ ngồi lảm nhảm nhắc chuyện đời xưa. Cô Oanh, người có nước da ngăm đen, tóc dợn và thân hình cao ráo, thường nói không biết cô là người Việt lai người Phi Châu, Tây Ban Nha hay Phi Luật Tân, bởi vì cô chỉ được nghe bà ngoại của cô kể lại một cách mơ hồ. Dù là thế, cô vẫn được may mắn là chính phủ Mỹ bảo lãnh sang nước của họ theo diện con lai như những người lai Mỹ khác. Mẹ của cô, bị hất hủi bởi gia đình khá gia giáo và dị nghị bởi xóm giềng, đã đi từ mặc cảm sinh “con hoang” cho đến tình trạng lâm vào cảnh bị ma túy hành hạ. Bà đã chết từ lúc cô vừa tròn một tuổi và sau đó bà ngoại cô đã phải thay bà chăm sóc cô. Cô Oanh là cô thợ cưng của cả bà Kim Cúc và ông bà cụ Đức. Cô thường tự nguyện lau chùi dọn dẹp những thứ bừa bãi, ngổn ngang của tiệm và chăm chút từng vật trong tiệm như chính của cô. Cô có tính tiết kiệm và làm việc rất chăm chỉ. Mỗi khi bà Kim Cúc bỏ những chai nước sơn khá cũ thì cô lượm lặt, pha chế thành bộ màu đặc biệt cho các mẫu vẽ của cô. Câu chuyện lượm lặt những thứ bỏ đi như giấy màu, màu vẽ do những người bạn nhà giàu tiêu xài phung phí khi cô học ở các lớp tiểu học tại Việt Nam đã làm mọi người trong tiệm hiểu vì sao cô vẫn còn có thói quen như xưa. Bà Kim Cúc quý cô Oanh không phải chỉ vì cô chăm lo giữ gìn tài sản cho bà mà vì bà nể tinh thần cầu tiến của cô. Cô là người khôn ngoan trong việc phân chia thời gian học và làm để quân bình thời gian cho công việc và con cái. Cô còn là người đậu đầu tiên trong đám thợ thi đậu vào Quốc Tịch Mỹ và là người tự đậu bằng móng tay bằng tiếng Anh chứ không phải nhờ người thông dịch khi đi thi lấy bằng như những cô thợ khác. Hai đứa con gái của cô, Annie và Lucia, là học sinh ưu tú trong trường tiểu học. Chúng không những giỏi môn tiếng Anh và các môn học khác mà còn biết nói, đọc và viết tiếng Việt thông thạo. Chính cô Oanh là người chỉ cho ông cụ Đức và bà chỗ dạy tiếng Việt và các lớp dạy các môn học khác như toán, lịch sử do hội người Việt tổ chức tại các trung tâm thiện nguyện ở Maryland. Nhìn từng người thợ đang chăm chú làm việc của họ, bà Kim Cúc sung sướng mỉm cười vì tự nhận thấy mình là một người chủ may mắn. Đa số các cô thợ nữ của bà là những người có tay nghề cao, làm việc chăm chỉ và nhất là không có tính “nhảy tiệm” như những người thợ ở các tiệm móng khác mà bà biết. Trong ý nghĩ của bà, những người thợ “con lai” này là những người có tài, sáng tạo và chăm chỉ. Bà luôn luôn cho rằng họ là những người kế thừa giọt máu của sự thông minh nên mới có thể thu thập kiến thức cần thiết cho việc làm và nhu cầu đời sống tại Mỹ một cách mau chóng. So sánh trình độ học vấn thấp kém và không được may mắn của họ với trình độ Đại Học năm nhất của mình ở Việt Nam, bà thầm khâm phục những kết quả vượt bậc mà họ đạt được như có bằng lái xe, và bằng làm móng tay. Chỉ có chuyện mà bà cảm thấy trớ trêu là chuyện họ cố gắng đeo đuổi học thi vào Quốc Tịch Mỹ. Bà thường hỏi họ với một giọng nói bất bình “Cha ruột của các em nguyên thủy là người Mỹ, những người lính Mỹ ở tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, thì tất nhiên các em là công dân Mỹ, cần gì mà phải thi vào Quốc Tịch Mỹ nữa chứ?”. “Sinh đâu có quốc tịch nơi đó mà chị! Tụi em sinh tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam thôi!” Cô Minh đáp lại với giọng nói hùng hồn.”Không phải! Tụi mình đâu phải là người Việt! Tụi mình là 'Con Lai'! Là người Việt lai Mỹ!” Cô Hằng tranh luận bằng giọng nói chua chát. “Thân phận người có hai giòng máu như tụi em phải chịu khổ như vậy đó chị Ann. Ai biểu sao tụi em phải làm như vậy chứ biết làm sao hơn!” Cô Liên bồi thêm với giọng đắng cay không kém gì cô Hằng. “Từ từ chính phủ Mỹ cũng lo cho mình thôi. Họ đã lo được việc bảo lãnh cho tụi mình sang đây thì chuyện lo cho mình trực tiếp vào công dân Mỹ mấy hồi? Tui nghe người ta đồn 'ì xèo' là chính phủ Mỹ đang tiến hành lo cho con lai tụi mình vào Quốc Tịch Mỹ thẳng mà không cần phải thi nhưng tui chưa biết lúc nào và chỗ nào để nộp đơn thôi.” Cô Kim phản bác. Trái với các cô kia, cô Oanh không hề tham gia trong chuyện trách móc, mỉa mai, oán hờn bất kỳ chính phủ nào nhưng cũng không tin chính sách ban ơn bất ngờ của chính phủ Mỹ về chuyện cho con lai vào thẳng Quốc tịch. Cô đã học ngày học đêm các câu hỏi ngay sau khi nộp đơn thi và cuối cùng cô đạt kết quả mỹ mãn khi nhận giấy báo. Tấm bằng mà cô khoe trong tiệm đã khiến cho cả đám thợ rối rít hỏi xin các câu hỏi, tìm thêm tài liệu, mua băng, ghi danh thi với kỳ vọng được đậu vào Quốc tịch như cô ta. Và như thế, song song với những việc làm móng trong tiệm, đám thợ của bà Kim Cúc còn phải lo học thi. Những tờ giấy cóp pi vấn đáp song ngữ trong các ngăn kéo của bàn làm việc của họ luôn luôn được lấy ra và lẩm bẩm đọc như niệm kinh mỗi ngày. Khách không hẹn và có hẹn vào tiệm tấp nập khiến bà Kim Cúc phải chấm dứt suy tư và đứng dậy đi vào trong tìm cô Vân. Ngang qua bàn làm việc của các cô thợ, bà mỉm cười với ý nghĩ rằng bất kể những người thợ của bà muốn tranh cãi, học hành hay giải trí như thế nào trong những phút rảnh rỗi miễn là họ làm việc siêng năng và đem lợi tức cao cho tiệm là đủ. Anh Duy Anh tiến đến gần bà với tấm biên lai: - Chị có thể giúp em tiếp người khách này không? Từ lúc cô Cindy về Việt Nam ăn Tết ông ta thường yêu cầu chị làm cho ông ta mà thôi. - Được! Thấy khách đông quá nên tôi đang định nhờ Vân chùi nước sơn cũ cho một vài người trước khi họ gặp thợ. - Mình không cần phải lo như vậy vì họ đến trước giờ hẹn. Chị chỉ cần giúp em phục vụ cho người khách yêu cầu này là được rồi. - Không thành vấn đề, ông này là khách cũ của tôi trước khi tôi nghỉ bệnh - Bà Kim Cúc trả lời trong khi nhìn tấm biên lai rồi ngẩng đầu, hỏi anh Duy Anh - Tiện đây tôi muốn hỏi là em đã có tên Mỹ chưa? - Dạ có, tên Mỹ của em là Jones. Em chỉ mới đặt hôm nay thôi bởi vì em không muốn khách nhầm lẫn giữa Ann và Anh. Bà Kim Cúc gật đầu tỏ vẻ hài lòng rồi bước ra phía trước.