Những đóa hoa hồng tươi thắm trong chiếc thùng nước dọc theo các tiệm thực phẩm, những chiếc bông bóng bay đỏ hồng với các chữ mừng lễ tình yêu, những trái tim đỏ và những bích chương quảng cáo đầy màu sắc sáng rực trên các tấm kính của các tiệm đã làm cho bà Kim Cúc cảm giác thú vị khi bà lái xe vào khu thương xá B. Đậu xe trong bãi xong, bà hân hoan lấy chiếc xách tay bước ra xe rồi đi thẳng về phía cửa tiệm của mình nơi mà tấm cửa kính có dán tấm giấy quảng cáo về món quà giá trị dành cho ngày Lễ Tình yêu là phiếu mua quà cho đôi bàn tay đẹp. Lúc ấy khoảng hơn mười một giờ trưa, thời khắc mà bà Kim Cúc đến tiệm trễ hơn thường nhật khoảng một giờ đồng hồ Trước giờ đi làm bà đã nhận những món quà Lễ Tình Yêu bất ngờ do ông Hoàng trao cho và bà đã dành cho ông một thời gian âu yếm khác hơn thường ngày. Sau khi ông Hoàng rời khỏi nhà, bà đã trưng bày và dọn cất những món quà một cách tỉ mỉ và chăm chút. Con gấu bông trắng và hộp kẹo trái tim được đặt trên chiếc bàn nhỏ cạnh ngọn đèn chớp nháy nơi đã có những con gấu to, nhỏ với những chữ “Anh Yêu Em” mà bà có được từ những ngày lễ Tình Yêu từ những năm trước. Những cánh hoa hồng được chia ra và cắm vào hai cái bình, lọ theo cách trang trí riêng, rồi được đặt trên các mặt bàn hay tủ. Sắp đặt xong, bà Kim Cúc đã đi từ phòng ngủ đến phòng tắm riêng của vợ chồng bà để nhìn lại công trình của mình và an tâm rằng chồng bà sẽ thích thú khi trở về. Bà đã chỉnh cho con gấu bông trắng ngồi ôm trái tim đỏ có chữ Anh Yêu Em ngay ngắn hơn bên cạnh cái bình đựng chín cánh hoa hồng và hộp kẹo có hình trái tim. Sau đó, bà đã lau lại mặt kính của tấm đỡ dưới chiếc gương lớn trước khi đặt lại chiếc lọ cao cổ bằng thủy tinh trắng có một đóa hồng duy nhất bên cạnh chiếc đèn cầy đỏ trên chiếc đĩa thủy tinh nhỏ hình trái tim. Chiếc đèn cầy mới này sẽ cùng những cây đèn cầy có sẵn cạnh bồn tắm, trên chiếc bàn ngủ, và trên tủ trang điểm được thắp sáng và tỏa mùi hương dịu dịu khắp phòng khi vợ chồng bà họp mặt lại sau một ngày làm việc. Và như thế, vẫn như những ngày lễ Tình Yêu hàng năm, ánh sáng dịu dàng của nến, mùi hương ngọt dịu của hoa, và tiếng nhạc êm dịu của những bài tình ca sẽ đưa họ về tình yêu thời son trẻ để rồi cuộc hôn nhân của họ sẽ được ghi thêm tuổi. Những cánh hoa của ngày lễ Tình Yêu được nhận ở nhà trước giờ đi làm ngỡ đâu chỉ là bất ngờ duy nhất trong ngày, những cánh hoa hồng tươi đẹp trên các bàn làm việc của các cô thợ đã làm bà Kim Cúc ngạc nhiên không kém. Ngạc nhiên hơn nữa là những khuôn mặt ngớ ngẩn của các cô thợ và tiếng nhạc Việt đang vang khắp tiệm. Cứ như là một cái bóng thoáng qua các bàn làm móng tay, nơi mà các cô thợ đang thực hiện các thao tác làm cho khách chậm chạp như những người máy thiếu điện, bà chỉ được những tiếng chào “Hi chị Ann” một cách chiếu lệ. Khuôn mặt ngờ nghệch của họ biểu lộ rõ ràng thái độ hờ hững với công việc đang phục vụ cho cho khách và tập trung sự chú tâm cho lời tình ca tiếng Việt đang ngân nga bởi một nam ca sĩ nào đó mà bà Kim Cúc chẳng biết tên “Yêu ai, yêu cả một đời tình những quá khắc khe khiến cho đời ta đau khổ cả lòng vì yêu ai mà lòng hằng nhớ...”. Lướt mắt nhìn các cô thợ một cách dị kỳ khi đi đến phòng để vật dụng của nhân viên và trở về bàn làm việc của mình, nơi bà đã biết chắc là chẳng có đóa hoa nào dù cúc hay hồng, bà Kim Cúc dừng ánh nhìn nơi anh Duy Anh tại quầy tiếp khách. Nhiều lần bà Kim Cúc căn dặn với đám thợ là mở phim tiếng Việt hay mở các bài ca tiếng Việt trong khi có nhiều người khách không nói tiếng Việt ngồi đầy trong tiệm là tối kỵ. Cho nên khi ngồi xuống chiếc ghế tại bàn làm việc của mình, bà Kim Cúc suy nghĩ cách nói lịch sự nhất và hợp lý nhất để yêu cầu người quản lý thay nhạc Mỹ cho băng nhạc tình ca Việt Nam mà anh đang mở ra. Tuy nhiên trong khi miên man suy nghĩ lời mở đầu của sự đề nghị, tâm trí của bà đã từ từ lơ lửng theo tiếng nhạc trầm buồn và lời ca tha thiết nỉ non “Lòng vẫn biết nếu yêu rồi một ngày là đến với đớn đau. Nhưng sao trong ta vẫn yêu, vẫn nhớ. Dầu sao, dầu sao nếu có một ngày. Một ngày ai gieo tim ta rồi tình yêu kia ly tan mà lòng vẫn thương vẫn nhớ. Tình đó khiến cho lòng ta đau rồi với bao ngày lặng lẽ sống nỗi đau trong lòng người yêu vẫn yêu hoài. Yêu ai, ai hiểu được........” - Chị Tảo muốn nói chuyện với chị. Anh Duy Anh nói khi đứng bên cạnh bàn làm làm việc của bà Kim Cúc. Bà Kim Cúc giật mình nhìn lên, vội vã nhận lấy chiếc ống nghe điện thoại không dây: - Cảm ơn em! Chưa kịp chào người bên kia đầu dây, bà Kim Cúc đã nghe tiếng khóc nức nở: - Chị Hoàng đó phải không? Em khổ quá chị ơi! - Dạ em đây! Có chuyện gì thế hả chị Tảo? - Không ngờ được chị ơi! Không ngờ chồng em gạt em! Bà Kim Cúc hốt hoảng đứng phắt dậy, bước tất tả ra phía sau tiệm trong khi rót từng lời vào giữa cái lỗ nhỏ của đôi tay bụm quanh ống nghe điện thoại: - Anh Tảo gạt chị? Ảnh gạt chị chuyện gì vậy chị? Hồi giờ ảnh có gạt gẫm ai đâu? - Em không có nói là ảnh gạt tiền bạc. Ảnh phản bội em! Ảnh có vợ bé ở Việt Nam rồi chị ơi! Ảnh có con riêng với người ta rồi! Em không ngờ ảnh đối xử với em như vậy! - Chị bình tĩnh lại đi! Có thể là tin đồn bậy bạ. Từ từ tìm hiểu sự thật đã chị! Bà Kim Cúc nói thật nhỏ vào chiếc ống điện thoại không dây cho dù chẳng có một người nào đứng trong phòng ăn cuối tiệm. - Sự thật đã rõ ràng lắm rồi chị à! Hồi giờ cứ nghe ảnh nói về thăm má ảnh, chăm sóc má ảnh bệnh em cũng tin vậy nên cứ đầu tắt mặt tối lo làm nuôi con và tạo cho ảnh điều kiện làm tròn bổn phận làm con. Ai dè hôm qua em gọi điện thoại về nhà con cháu ảnh hỏi thăm, nó kể cho em nghe là má ảnh đâu có bệnh hoạn gì; bà chỉ bị đau nhức vì già cả chút đỉnh thôi. Nó còn kể cho em nghe là ảnh chung chạ với con nhỏ hàng xóm gần xóm nhà má ảnh lâu rồi mà không có ai dám báo cho em biết. Cũng khổ là chỗ quê nội sắp nhỏ rất khó liên lạc bằng điện thoại. Muốn gọi hỏi thăm hay nhắn gửi gì phải nhờ điện thoại của đứa cháu tận thị trấn cho nên khi em biết được thì ảnh đã có con với con nhỏ đó rồi. Chị có ngờ được ảnh làm chuyện “động trời” như vậy không? Hèn chi mà ảnh cứ kiếm cớ về việt Nam hoài đó chị! - Đứa bé con riêng của ảnh bao nhiêu tuổi rồi? Đứa bé ấy... Bà Kim Cúc ngập ngừng chưa dám hỏi thêm, bà vợ ông Tảo tức tưởi khóc khi trả lời: - Con trai chị Hoàng ơi! Thằng nhỏ đó gần được hai tuổi rồi! Không dè ảnh muốn “kiếm” con trai mà ảnh giấu em! - Chuyện đâu còn đấy. Chị hãy tìm hiểu cớ sự ra sao rồi từ từ giải quyết chứ... đừng nên để mọi người biết chuyện riêng của gia đình chị ạ. Giọng nói bà Kim Cúc ngập ngừng và rời rạc như thể bà đã hết từ dùng khi an ủi người đồng phái - Hôm nay là ngày lễ nên em có nhiều khách hẹn lắm. Nếu chị muốn gặp em thì đến trước giờ đóng cửa tiệm, có gì chúng ta sẽ nói chuyện thêm. Ấn nút tắt máy điện thoại để chấm dứt cuộc điện đàm, bà Kim Cúc vẫn còn chao đảo với những điều vừa được nghe tuy nhiên bà phải vội vàng đi về chỗ bàn của mình để bắt tay phục vụ cho những người khách có hẹn như bà đã nói. Chào, cười, và đưa khách vào nơi làm việc xong, bà im lặng với công việc quen thuộc của mình và bỏ mất hẳn thói quen dùng những câu hỏi gợi mở để kích thích sự ham thích nói chuyện của người đối diện. Văng vẳng và chập chờn bởi những tiếng khóc than, lời tình ca nhạc Việt và những cánh hoa hồng, bà Kim Cúc đã rơi vào trạng thái buồn vui lẫn lộn để rồi bà đã bộc lộ nỗi ưu phiền không thốt ra được qua các mẫu vẽ trừu tượng và cụ thể trên những móng tay và móng chân của các cô khách. Thoạt tiên là mẫu hình sặc sỡ với bốn màu với các đường dài ngắn đối ngược và những chấm tròn to nhỏ mà một cô khách chọn trong mẫu trưng bày, kế đến là màu vàng nhũ phơn phớt với màu xanh lá chết nhạt và các đường mỏng màu bạc và trắng cố hữu của một người khách đứng tuổi. Tiếp theo đó là nhiều mẫu vẽ khác với các màu sắc khác nhau mà càng vẽ, bàn làm việc của bà càng đầy những chai nước sơn đủ màu. Thoăn thoắt đôi tay, bà đã sử dụng các màu nước sơn và màu vẽ một cách vô định và không kế hoạch. Có lúc bà sơn một màu riêng lẻ, có khi bà kết hợp các màu theo nhóm hòa hợp. Tuy nhiên dù sơn màu thế nào, bà đã sử dụng lối dùng màu tương phản hay hài hòa và các trang trí bằng các đường vẽ thẳng, cong hay ngắn, dài và bằng các chấm tròn to nhỏ để tạo ra những mẫu hình trừu tượng đẹp mắt ưa nhìn. Có lúc bà thay đổi mẫu hình trừu tượng vô thể bằng những chiếc hoa rõ ràng cụ thể. Những đóa hoa bốn cánh màu hồng, vàng, cam hay tím được chấm nhụy bằng những dấu chấm tròn màu đen hay trắng và được điểm thêm những chiếc lá hay những đường cong ngắn dài đơn giản. Trừu tượng hay cụ thể, càng vẽ bà càng sáng tạo ra nhiều mẫu hình khá đặc biệt. Mẫu nọ khác mẫu kia và mỗi mẫu vẽ đều có vẻ đẹp duyên dáng riêng của nó. - Bà không cho một chút màu đỏ nào cho ngày lễ tình yêu hôm nay ư? - Không thưa cô! Bởi vì chiếc hoa này có màu vàng tím pha với màu tím cho nên nó không nên có thêm màu đỏ! - Chiếc hoa rất lạ! Hình như đây là lần đầu tiên bà vẽ nó? - Đúng vậy thưa cô! Nhưng cô sẽ không bao giờ quên tên nó bởi vì nó có tên “Xin Đừng Quên Tôi”! - “Xin Đừng Quên Tôi”! Tôi chưa từng nghe loại hoa nào có tên như thế nhưng tôi lại thấy thích kiểu hoa lạ này. Bà làm ơn vẽ mẫu vẽ này trên tất cả các ngón tay của tôi đi! - Tôi nghĩ là cô chỉ nên có một đóa “Xin Đừng Quên Tôi” trên ngón tay đeo nhẫn của mỗi bàn tay là đủ. Trên các ngón khác, tôi sẽ sơn mầu tím đậm nhạt ngoài đầu móng như sơn trắng kiểu Pháp. Sau đó tôi sẽ trang trí thêm bằng những đường cong với nét đậm nhạt và các chấm tròn to nhỏ màu trắng một cách hài hòa và đơn giản cho cô. - Vâng, tùy bà. Tôi tin vào sự sáng tạo và khéo tay của bà lắm! Tôi chỉ không hiểu sao bà dùng nhiều màu tím trong ngày lễ tình yêu. - Màu tím trông buồn bã nhưng lại là màu chung thủy. Theo tôi nó là màu đặc biệt cho ngày lễ hôm nay. - Tôi không biết nhiều về ý nghĩa của các màu nhưng tôi cũng không nghĩ mình nên lạm dụng khá nhiều màu đỏ cho ngày lễ Tình Yêu. - Vâng, đó là một sự đơn điệu, thưa cô. Bà Kim Cúc gượng gạo trao đổi những câu đối thoại để khỏa lấp giây phút nặng nề của sự im lặng đến lạ kỳ. Khi người khách cuối cùng đứng lên và các cô thợ lần lượt chào ra về là lúc bà vợ ông Tảo bước vào tiệm với khuôn mặt buồn bã và thất thần. Bà Kim Cúc đứng dậy, chào mời và chỉ chỗ cho bà Tảo ngồi chờ, rồi nói với anh Duy Anh: - Hôm nay tôi sẽ khóa cửa tiệm, em không phải chờ! Anh Duy Anh nói: - Em đã tính toán số thành của từng thứ và xếp gọn toàn bộ số tiền trong tủ, chị nhớ lấy dùm. - Tôi sẽ đem về, không phải lo gì cả, em về đi! Nói xong, bà Kim Cúc đứng chờ anh Duy Anh và cô Vân ra khỏi tìệm rồi bấm nút điều khiển từ xa để khóa cửa. - Thằng Duy Anh này đàng hoàng và thật thà lắm phải không chị? Chị Dung của nó cũng thật thà như vậy đó chị! Biết chị em nó là người đáng tin nên em mới nói anh Tảo giới thiệu cho anh chị đây. Câu nói mở đầu có tên chồng tưởng đâu bà Tảo sẽ kể cho bà Kim Cúc thêm nhiều chuyện bí mật và nhiều điều cần kíp hay quan trọng khi mà bà đã bỏ công lái xe ba mươi phút từ nhà đến tiệm Bàn Tay Đẹp trong thời khắc khá tối và khá trễ sau một ngày làm việc của bà Kim Cúc, bà chỉ lập đi lập lại những điều đã thố lộ với bà Kim Cúc lúc sáng. Sau khi than trách chồng lừa dối phản bội, kể lể những sự vất vả mà bà đã làm cho gia đình chồng, và khóc lóc cho thân phận trái ngang, bà Tảo đã hỏi ý kiến bà Kim Cúc về phương cách mà bà cần đối phó với ông Tảo khi ông trở lại. Bà Kim Cúc nói với bà Tảo là bà không thể làm người cố vấn cho bà Tảo bởi vì bà chưa từng trải nghiệm chuyện như thế xảy ra trong đời bà, hơn nữa bà vẫn không tin được là ông Tảo có thể bội bạc vợ một cách trắng trợn như thế. Bà Kim Cúc cũng đã khuyên bà Tảo bình tĩnh chờ ông Tảo về rồi giải quyết chuyện gia đình một cách êm đẹp và sáng suốt hơn chứ đừng nên “vạch áo cho người xem lưng”. Đến lúc ấy, bà Tảo tiết lộ thêm với bà là đã được trực tiếp nói chuyện với ông Tảo qua điện thoại và là vợ chồng bà đã cãi vã hơn nửa giờ đồng hồ khi ông bác lời yêu cầu của bà đòi ông trở lại Mỹ ngay và khăng khăng sẽ ở lại Việt Nam sau khi giấy hộ chiếu tái gia hạn hết hạn. Bà Tảo còn cho bà Kim Cúc biết thêm là ông Tảo đã hăm he làm đơn ly dị với bà để bảo lãnh cô vợ lẽ và đứa con trai riêng của ông sang Mỹ. Sau khi khóc lóc, kể lể một hồi nhưng không được bà Kim Cúc góp ý cho câu chuyện khá phức tạp của mình, bà Tảo đành xin cáo từ. Trước khi ra về, bà đã xin bà Kim Cúc cho bà được làm vào ngày thứ ba và thứ tư trong tiệm Bàn Tay Đẹp. Bà nói là bà cần làm thêm trong hai ngày nghỉ ở tiệm bà đang làm để giải khuây. Được bà Kim Cúc vui vẻ chấp thuận lời yêu cầu, bà ríu rít cảm ơn.Sau đó bà xin kiếu và căn dặn bà Kim Cúc cẩn thận khi ở lại một mình trong tiệm. Bà Kim Cúc mỉm cười tự tin khi nhìn thấy người lao công quét dọn bước vào tiệm và hai người giữ an ninh thương xá qua lại gần đấy. Khi bà Kim Cúc thu dọn bàn làm việc của mình và các vật dụng cá nhân xong là lúc người lao công chào tạm biệt với bà bằng tiếng Mỹ với giọng Tây Ban Nha. Đến quầy tiếp khách của anh Duy Anh, mở hộc tủ lấy tiền để chuẩn bị ra về, bà thấy một bì thiệp màu hồng phấn trang nhã và lạ mắt nằm ngay ngắn trên chiếc hộp thiếc. Tò mò mở ra, bà đọc vội hàng chữ được viết rõ ràng và ngay ngắn: “Tình yêu không phải chỉ biểu lộ bằng một đóa hoa hồng, nó là sự câm nín dày vò mà tôi không thể nào hùy bỏ hay lãng quên.”. Tiếng gõ trên mặt kính cửa làm bà Kim Cúc giật mình ngẩng đầu lên và ngập ngừng đưa tay cao chào đáp lại bà chủ tiệm Fast Food Tàu, người đang vẫy tay chào tạm biệt. Run toàn thân như vừa bị bắt gặp quả tang làm chuyện phi pháp, bà lính quýnh đút tấm thiệp vào phong bì, đặt nó lại đúng như vị trí ban đầu, rồi vội vã lấy tiền bỏ vào xách tay trước khi đóng hộc tủ lại. Tất tả tắt đèn, khóa cửa và đi như chạy đến bãi đậu xe, cảm giác run run trong bà vẫn còn. Làm ấm xe một lúc, bà lái chầm chậm ra đến bảng dừng lại bốn phía để chờ đến phiên mình. Gần mười giờ đêm mà những luồng xe ra vào khu thương xá vẫn còn dày đặc. Lơ đãng nhìn những chiếc xe di chuyển một lúc, bà bất thần đưa mắt nhìn về phía bên hông cửa hành khách nơi mà trực giác cho biết có người đang nhìn lén. Trong chiếc xe xám ở một góc tranh tối tranh sáng của bãi đậu xe, một người đang ngồi nơi ghế của tài xế nhìn về hướng bà với đóm thuốc lá trên vô lăng. Đóm lửa của điếu thuốc di chuyển và sáng bập bất chợt trước khuôn mặt không giúp bà nhận ra người ấy là ai tuy nhiên màu và bảng số của xe đã tiết lộ cho bà biết chắc chắn là chiếc xe thuộc về anh Duy Anh chứ không phải của một ai khác trong tiểu bang Maryland này.