Thời Hải Ngoại
Chương Hai mươi sáu

Nhạc Phẩm Cuối Đời
Chẳng còn bao lâu là tới năm 2000. Tôi sẽ bước vào tuổi 80 và bước tới thế kỷ mới. Lúc đó, để ăn mừng tuổi thọ và ăn mừng một thiên niên mới cũng như để kết thúc cuộc đời ca nhân khá lâu và khá dài của mình, tôi sẽ hoàn tất một nhạc phẩm lớn, mang cao vọng thăng hoa được con đường dân ca tôi đã chọn từ khi mới nhập cuộc đàn ca. Nhạc phẩm đó là Minh Họa Truyện KIều mà tôi đang từ từ biên soạn.
Tôi chọn Truyện Kiều của Nguyễn Du để làm tác phẩm cuối đời vì thi phẩm này tiêu biểu cho tâm thức Việt Nam trong khi tôi đã giã từ loại nhạc thế tục để đi vào loại nhạc tâm linh. Tôi còn muốn trung thành với lý tưởng điều hợp xã hội bằng âm nhạc cho nên tôi muốn dùng lời thơ vĩ đại của Tố Như và nét nhạc nhỏ nhoi của tôi để làm nơi tự tình cho những ai đã chót lìa nhau, đã chót xa nhau hơn nửa thế kỷ.
Tôi không dám cả gan phổ nhạc tất cả trên 3000 câu thơ của cụ Tiên Điền mà chỉ dùng một số câu thơ trong Đoạn Trường Tân Thanh để đưa ra bốn cảnh ngộ của Nàng Kiều. Nhạc phẩm mang tên Minh Họa Truyện Kiều. Minh họa ở đây - xin dịch là illustration - có nghĩa là hiển dương, là làm tăng thêm vẻ đẹp sẵn có của thi phẩm, là làm cho thơ có thêm mầu sắc, có thêm tầm vóc. Một ví dụ nhỏ là trong thơ, cụ Nguyễn Du chỉ có 6 chữ (hay 8 chữ) để tả cảnh hay tả tình như: Cỏ non xanh ngát chân trời hay Buồn trông cửa bể chiều hôm... thì bây giờ trong nhạc, tôi và con tôi là Duy Cường phải dùng giai điệu và hoà điệu để mô tả cái cánh đồng cỏ non của ngày Xuân ấy... hay tả nỗi buồn của Nàng Kiều trước lầu Ngưng Bích.
Minh Họa Truyện Kiều của chúng tôi sẽ gồm có:
Prologue (Giáo Đầu) giới thiệu không gian, thời gian và nhân vật...
Phần Một: Kiều gặp Đạm Tiên, tức là gặp số phận mình, số phận của những người tài hoa bạc số...
Phần Hai: Kiều gặp Kim Trọng, nghĩa là gặp tình yêu, nhưng là tình yêu không trọn vẹn...
Phần Ba: Kiều gặp cảnh gia biến, phải bán mình chuộc tội cho cha, rồi gặp toàn người xấu, là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư v.v...
Phần Bốn: Kiều gặp người cứu tinh là Từ Hải... nhưng Từ Hải sẽ vì nàng mà phải chết đứng...
Epilogue (Kết): Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường... Trong Đoạn Trường Tân Thanh, cụ Nguyễn Du cho Giác Duyên thuê ngư phủ kéo sẵn lưới để vớt sống Nàng Kiều, nhưng trong nhạc phẩm Minh Họa Kiều này, chúng tôi có ý đặt câu hỏi: Ai là người sẽ cứu sống Nàng đây?
Về phần nhạc thuật, trong công việc đưa nhạc Việt Nam từ hình thức đơn điệu (monophonic) lên hình thức đa điệu (polyphonic) mà chúng tôi thử thách trong mười năm qua, bây giờ việc này mới tạm được coi như khá ổn thỏa. Đó là nhờ ở công phu của Duy Cường, trong gần hai năm, đã đi đi về về Việt Nam/USA... để lấy mẫu (sampling) hầu hết các âm thanh của nhạc cụ dân tộc rồi áp dụng vào nhạc phẩm Minh Họa Kiều này. Duy Cường còn thu thanh vài giọng ngâm rất cổ để cho vào tác phẩm cùng với những âm sắc của nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, trống phách... hoà vào âm thanh của các nhạc cụ Tây Phương. Làm công việc giao hưởng giữa lối ngâm xưa và lối hát bây giờ, giữa nhạc cụ cổ truyền và nhạc cụ tân thời, nhất là với khả năng phi thưòng của computer chúng tôi mời người nghe đi ngược dĩ vãng 200 năm rồi đi tới tương lai cũng 200 năm đang tới...
------------------------------------
Vì tự thấy mình đã cao tuổI, không có thời gian chờ đợi soạn đầy đủ bốn phần rồi mới cho thu thanh, tôi cho thực hiện ngay đoạn Giáo Đầu và Phần Một của Minh Họa Kiều để ra mắt khán thính giả. Các đoạn này đã do những giọng hát của Ái Vân, Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Quang và Tuấn Ngọc trình bày. Phần ngâm thơ do Thanh Ngoan (Hà Nội) và Ái Vân (San Jose) phụ trách.
Đối với tôi, Phần Một tương đối dễ soạn vì nếu đoạn giáo đầu giới thiệu đầy đủ thời gian, không gian và nhân vật thì những hành động về sau của Thúy Kiều, Thúy Vân, Vương Quan như: cùng đám đông đi tảo mộ, gặp nấm mồ vô chủ, dừng lại để cho Thúy Kiều cảm thương người xấu số và tiên đoán được phận mình... là những đoạn nhạc tả cảnh, tả tình rất dễ viết. Tột đỉnh của Phần 1 là đoạn hồn ma Đạm Tiên hiện ra cũng không làm cho tôi khó nhọc, rồi ''nhạc trình'' xuống dần dần để kết thúc với việc nàng Kiều gặp chàng Kim.
Như vậy, bố cục âm nhạc trong Phần Một của Minh Họa Truyện Kiều được chia ra ba hành điệu:
° Hành Điệu Một là những hành âm của cuộc du Xuân, khoan thai, trong sáng rồi cuốn nhanh như tiếng cười giòn giã, biểu hiện một thời Xuân của đời Kiều...
° Hành Điệu Hai là sự hoang mang, nghẹn ngào... biểu hiện những xúc động đầu đời về thân phận mình khi Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên.
° Hành Điệu Ba là sự trở lại nhạc đề một, êm đềm tươi sáng... khi Kim Trọng xuất hiện ở cuối cuộc du Xuân.
Trong thi phẩm KIM VÂN KIỀU của Nguyễn Du do tôi phổ nhạc, đây là phần duy nhất có phong vị cuộc sống tươi vui trọn vẹn.
Vào chiều thứ Bảy ngày 19 tháng 4 năm 1997, tôi hân hạnh cho ra mắt một phần của bốn bức minh họa truyện Kiều bằng âm nhạc tại nhà tôi. Sau đó là việc tôi đi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới với Phần I của nhạc phẩm này. Đó là tại những thị trấn như Vancouver, CANADA, London, ENGLAND, Amsterdam, NETHERLAND, tại ba nơi ở GERMANY, tại thành phố Saint Paul, MINNESOTA, USA, tại hai nơi ở Paris, FRANCE, tại Tokyo, JAPAN, San Jose, CALIFORNIA, USA, Oklohama City, OKLOHAMA, USA, Orlando, FLORIDA, USA, Santa Ana, CALIFORNIA, USA, Toronto, CANADA, Atlanta, GEORGIA và Washington D.C, USA...
------------------------------------
Phần 2 của MINH HOA KIỀU đã được tôi khởi soạn ngay trong những ngày tôi đem Phần 1 đi phổ biến trên thế giới. Tôi còn nhớ đã ngồi trước piano để viết đoạn Người Đâu Gặp Gỡ Làm Chi tại nhà anh Đỗ Xuân Kiên ở London vào tháng 7 năm 1997, rồi tiếp tục soạn những đoạn sau tại nhà anh chị Lê Tất Luyện ở Paris.
Rồi trong thực tế, tôi đã hoàn tất Phần 2 vào năm 1998, trong khi Duy Cường đang ở Việt Nam và đã thu thanh xong một số điệu hát, điệu ngâm của cô Thanh Ngoan để dùng trong nhạc phẩm này. Chúng tôi đang dự định thu thanh Phần 2 thì vào đầu năm 1999, bỗng nhiên xẩy ra vụ nhà tôi bị ung thư phổi. Trong suốt 8 tháng trời, ngày và đêm, cả gia đình tôi thay phiên nhau lo việc săn sóc cho người bệnh. Rồi vào tháng 8 năm 1999 thì nhà tôi mất. Vừa chôn vợ xong, tới phiên tôi phải vào bệnh viện Long Beach để mổ tim. Cả tâm hồn lẫn thể xác tôi bị suy sụp nặng nề. Sau đó tôi không còn tha thiết đến sự sống nữa, nói chi tới chuyện nghệ thuật.
Thế rồi việc phục hồi sức khoẻ giúp tôi chống chỏi được nỗi buồn. Tôi thấy rằng tôi phải hoàn tất Phần Hai của MINH HỌA KIỀU. Tôi là người xưa nay rất coi trọng chữ TÍN. Phần này đã soạn xong thì phải thu thanh. Thu thanh xong rồi, có thể không cần phải ra mắt quần chúng. Cũng như HỒI KÝ này, tôi phải viết cho xong. Viết xong rồi chưa chắc đã cần phải phát hành.
Như đã nói, Phần Một là phần Kiều gặp Đạm Tiên, tức là gặp số phận mình, số phận của những người tài hoa bạc số. Phần này dễ soạn. Phần Hai là phần Kiều gặp Kim Trọng, nghĩa là gặp tình yêu, nhưng là tình yêu không trọn vẹn. Từ khi nhớ nhung nhau, đi tìm nhau cho tới khi gặp nhau, tỏ tình với nhau, đôi người tình này không hề nắm tay nhau, kề vai nhau, ôm hôn nhau... thì khó cho tôi quá trong việc diễn tả ra bằng âm nhạc.
Tôi đành phải soáy vào việc đánh đàn của Kiều khi Kim Trọng ngỏ ý muốn nghe nhạc. Bốn khúc nhạc mà cụ Nguyễn Du chỉ cho chúng ta 4 cái tên là: Hán Sở Chiến Trường, Tư Mã Phượng Cầu, Kê Khang, Chiêu Quân thì bây giờ tôi - và nhất là Duy Cường - phải tạo ra bốn nhạc khúc đó. Phần Hai, do đó không là nhạc tả cảnh, tả tình như trong Phần 1 mà là nhạc tỏ tình, tỏ tài... Là nhạc tài tình chăng?
Bố cục âm nhạc trong Phần Hai của Minh Họa Truyện Kiều cũng được chia ra ba hành điệu:
° Hành Điệu Một là những hành âm của cuộc đi tìm tình yêu của đôi người tình trẻ...
° Hành Điệu Hai là sự thổ lộ tài hoa của Kiều khi gặp người yêu...
° Hành Điệu Ba là sự trở lại nhạc đề một, đậm đà nhưng phần nào cay đắng khi hai người phải chia tay nhau...
Cho tới khi viết xong HỒI KÝ 4 này rồi, tôi vẫn chưa quyết định được việc thu thanh và phổ biến Phần Hai của Minh Họa Truyện Kiều. Nhưng chắn chắn tôi sẽ không bỏ dở dang tác phẩm cuối cùng của đời mình và những nét nhạc đầu tiên của Phần Ba đã khởi sự trong đầu tôi rồi. Lạy Trời cho tôi còn đủ sức khoẻ để hoàn tất hai phần còn lại.