Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch thếch anh tìm tới văn phòng chi nhánh công ty. - Chúng tôi không thể tạm ứng sai nguyên tắc. Dù anh chứng minh được mình là thuyền viên Vương Hoài Phương đi nữa, muốn lấy tiền phải có phê duyệt của cấp trên. - Chắc các ông tốn không ít để tổ chức lễ tưởng nhớ, truy điệu con tàu Dragon. Vậy mà vài đồng cho sinh mạng từ cõi chết trở về ngôi nhà của hắn thì nguyên tắc quay lưng. Phải thủy táng bộ máy hành chính và những con ốc mòn răng, rỉ sét như ông xuống đáy Thái bình dương mới vừa. - A… Thằng này láo. Cút ngay ra bến xe, bến tàu mà xin đểu, móc túi. Ông gọi bảo vệ cho mày nếm bánh chưng nhân nắm đấm bây giờ. Với lang sói, lời nói hay bạo lực đều thừa. Phương nản chí bước ra. Anh thất thiểu đi dọc đường Lê Lợi. Khô cổ, Phương ghé một quán chè chén vỉa hè. Đầu tiên anh cẩn thận thò tay vào túi kiểm tra xem hai chục ngàn Lam Anh đưa ban sáng còn không. Nàng rất lo khi anh không chịu cầm tạm vài triệu. Rõ ràng Phương có thể gởi trả mẹ Lam Anh tại Hải Phòng nếu cơ quan ứng đủ tiền. Anh thấy tiêng tiếc bởi đã khách khí. Phương mua gói thuốc Virginia và cạn hai ly nước đắng. Hương vị đặc trưng thời sinh viên giúp anh rũ bỏ phiền toái không đáng đeo nặng trong lòng. Phương đã điểm danh hết bè bạn, người quen. Thân thiết với anh tại trường Hàng hải chẳng ai là người phố cảng. Ở số sơ giao còn lại, thiện chí và lòng tốt không đi cùng khả năng cho Phương vay nóng ít lộ phí về Sài Gòn. Vả lại bề ngoài Phương lúc này cũng khó gây niềm tin. Anh giống một bệnh nhân tâm thần đi lạc. Khuôn mặt bất cần mệt mỏi đờ đẫn nhưng da dẻ hồng hào. Hành trang Phương mang gồm hai bộ quần áo cũ, đôi dép nhựa tương đối… thời thượng, nếu không kể thêm chiếc áo phao tơi tả anh muốn giữ làm kỷ niệm. Trả xong tiền trà thuốc Phương còn mười ngàn. Đói thì có xôi Lam Anh nấu để sẵn trong túi xách. Phương quyết định lang thang cho biết cảm giác cầu bơ cầu bất. Anh không dám nghĩ đến chiếc kiềng đeo cổ bằng đồng đen của Somporn. Quả là nó rất giá trị về mặt tinh thần lẫn vật chất. Phương rẽ đại xuống ngõ Cấm nhưng không chủ ý hướng sâu vào làng hoa Hà Lũng. Bây giờ Phương mới thấm thía sự sùng bái niềm cô độc và thói quen hạn chế giao thiệp của anh tai hại vô cùng. Phương đang bơ vơ, lạc lõng giữa chốn quen thuộc. Chợt dòng liên tưởng lóe sáng. Đúng rồi! Phương có một người bạn ngay trong khu này. Anh khá gần gũi với Minh, cậu hàng xóm cũ bông phèng và mơ mộng. Số là bà chủ căn nhà Phương từng thuê trọ học lấy giá rất rẻ. Bà cần kẻ cố thủ giữ đất hơn là tiền thu hằng tháng. Bà chỉ yêu cầu: thường xuyên cho Minh qua gánh nước giếng về dùng. Cách đó giúp bà vừa cẩn thận vừa tế nhị đặt tai mắt xung quanh cậu sinh viên Hàng hải nói giọng Nam. Phương hồi hộp gõ cửa nhà Minh. Anh hy vọng sẽ tìm ra chỗ nương tựa với tín xác bằng diện mạo, lời lẽ và tình người hơn là mực thước của những mảnh giấy không hồn. - Phương phải không? Giời ơi đúng mày rồi. May quá tao vừa từ cơ quan về nhà ăn trưa. Sao bộ dạng mày kỳ lạ thế? - Tao mới chia tay thần chết và âm phủ. Chắc thành phố biển không ai không biết tàu Dragon bị đắm. Hơn nửa thuyền viên gốc Hải Phòng đấy. - Cái gì - Minh tròn mắt rồi hấp tấp lục lọi chồng báo cũ dưới chân bàn - Tao biết, tao biết… Quái quỷ! Sao tao chẳng nhận ra tên mày trong danh sách thủy thủ mất tích nhỉ. Cả tuần làng nước sục sôi với chuyện này. "Chính ủy Phan Sinh - Người anh hùng của thời bình", tựa đề nhức nhối nhất đập vào mắt Phương khi Minh đưa anh xem tờ báo cũ. Phương lướt nhanh qua hai trang dài. Dẫu dễ dàng đoán mò nội dung được đăng tải, Phương vẫn phải nuốt hờn vì bài phỏng vấn Phan Sinh: - Tôi lãnh đạo thuyền bộ tới giây phút cuối cùng nhằm bảo vệ tàu, bảo vệ tài sản của nhân dân và tính mạng mỗi con người. Nhưng lực bất tòng tâm, tôi tiếc thuyền trưởng không nghe kinh nghiệm dạn dày của chính ủy trong việc chống bão cho tàu trước đó. Nếu không mọi sự đã khác. - Đồng chí biết gì về hai tám người còn lại? - Tôi xuống thuyền cứu sinh mạn phải cùng mười lăm người. Mười bốn người kia dùng thuyền bên trái, tôi hoàn toàn không có thông tin về họ. Thuyền chúng tôi đi được một đoạn thì bị lật. Năm bảy người hình như chìm ngay vì họ cứ bấu víu, ghì chặt lấy nhau theo bản năng làm tuột rách hết áo phao. Vài người bị va đập vào thân thuyền, dù vẫn nổi nhưng chấn thương nặng và bất tỉnh. Tôi cố dìu hai người trong số đó, về sau do đuối sức đành phải buông ra. Tôi trơ trọi nhưng chiến đấu hết mình với sóng gió trong đêm tối. Đến sáng cơn bão qua đi tôi bắn dù pháo hiệu rồi được ngư dân Hải Nam Trung Quốc cứu. Họ cũng vớt được năm xác chết bồng bềnh giữa biển. Giờ này chúng ta đã hết hy vọng còn ai sống sót. - Những phẩm chất của người lính trên chiến trường năm xưa giúp đồng chí như thế nào trong quá trình vượt bão…? "Hòn vàng mất, hòn đất thì còn. Thật trớ trêu!", Phương lẩm bẩm. Báo chí luôn nóng hổi nhưng hoàn toàn phi thực tế. Ngày nọ giữa giờ Địa văn, cả lớp Phương cười nghiêng ngả khi thầy đọc to bài báo lời lẽ đanh thép, hùng hồn. Tác giả hết sức phẫn nộ trước hành động phí phạm của con tàu Thái Dương, lần đầu tiên trong lịch sử hàng hải Việt Nam đi trọn vòng quả đất. Số là nhà báo mò được hành trình con tàu từ Cuba về Hải Phòng. Chú chàng vội giở bản đồ thế giới và so sánh. Điều trái khoáy hiện ra: thay vì cứ thẳng tiến theo đường kẻ thẳng rất ngắn Cuba - kênh Panama - Philippines - Hải Phòng, tàu Thái Dương lại vòng vo Cuba - kênh Panama - Nhật Bản - Hải Phòng. Ký giả kết luận cần lên án vụ việc tư lợi, tàu cố ý ghé Nhật để nhặt nhạnh chút đỉnh hàng phế thải của tư bản. Thuyền viên vô trách nhiệm quên rằng tiền dầu cho đoạn đường khác biệt là tài sản của nhà nước, là mồ hôi của người dân lao động. Bạn đọc rất đồng tình với báo vì chỉ trong nghề mới rõ: Khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm trên bề mặt địa cầu là một… đường cong ở các bản đồ hành chính quốc tế. Phương cũng từng đọc ngay trên báo Văn Nghiệp truyện ngắn dự thi kịch bản phim hết mức khôi hài. Tác giả cạn lời ca ngợi mối tình giai cấp cùng chiến hào chống Mỹ của Việt Nam và Cuba. Tượng trưng cho chí khí lớn lao là mối tình nhỏ thắm thiết của chàng hoa tiêu Việt Nam với cô gái xứ sở vũ điệu Chachacha. Họ chia ngọt sẻ bùi trên hải trình đầy sáng tạo: Hải Phòng - Philippines - Panama - Cuba. Chuyến tàu chở hai mươi ngàn tấn gạo viện trợ không hoàn lại cho nhân dân Cuba ngoan cường. Nút của kịch bản là tai nạn nghề nghiệp, tàu vướng đá ngầm. Hai người tình dễ dàng quên tính mạng… Họ quấn lấy nhau, dùng thân thể bịt kín lỗ thủng cứu tàu! Khéo léo đến không tưởng, văn sĩ bê nguyên xi công thức lãng mạn trong các câu chuyện tàu bè vỏ gỗ, bé như hạt đỗ của Tây dương thế vài thế kỷ trước khoác lên khối sắt hiện đại, to bằng nửa sân vận động trung tâm Hải Phòng. Xin lỗi tất cả các loại tình cảm… con tàu chở hai mươi ngàn tấn gạo mà đụng đá ngầm thì chỉ còn nước lãng mạn dưới thủy cung! - Này… này, mày không định đọc báo đến mai chứ. Xuống nhà ăn cơm với tao đi - Minh liếm thoắng. - À ừ, đi - Phương biết Minh chưa bao giờ khách sáo với anh cả. Phương tưởng mình sẽ mạnh dạn mượn tiền Minh. Bữa ăn thời buổi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới vẫn đạm bạc quá. Bát cơm hẩm mốc có mùi dán. Minh bây giờ làm nhân viên hợp đồng ngắn hạn tại văn phòng đăng kiểm. Vợ hắn dạy tiểu học. Đứa con hơn mười hai tháng bị còi xương, sáng sốt chiều ho. - Hay mày ở chơi với tao vài ngày rồi về. Chắc chẳng vội vàng chi phải không? - Khi khác nhé, chiều tao bay rồi - Phương giả vờ vỗ vào túi quần rỗng không - Vé đang cựa quậy trong này đấy. Thuận đường đi làm, Minh chở Phương thả xuống công viên Nguyễn Du. Trước khi giã từ Phương rào đón: - Nếu chuyến bay bị hoãn, cho tao ngủ nhà mày một đêm nhé. - Vô tư đi! - Minh hào hứng - Tao rất thích nghe chuyện của cõi chết. Lúc nãy mày kể sơ sài quá. Phương tìm gốc cây râm mát nghỉ ngơi. Buổi sáng đầu tiên giữa đất liền cũng không đến nỗi quá tệ - Phương tự nhủ và trôi vào giấc nồng rất nhanh. - Cậu ấy ơi, ngủ gì như chết thế. Dậy đi. - Ông là ai? - Phương dụi mắt ngơ ngác. - Bang phó cái bang. Túi xách của chú bị bọn nghiện hút rút ruột rồi. Phương vội kiểm tra thì thấy bộ quần áo cũ đã không cánh mà bay. Áo phao rách bươm bị vất chỏng chơ bên cạnh, rất may kẻ trộm không lần ra chiếc kiềng quý giá Phương giấu giữa hai miếng xốp nổi. Trong người anh còn nguyên mười ngàn. - Tao xem chú mày là lạ. Mới nghỉ mát ra phải không? Ông già hỏi anh đủ chuyện nhưng tuyệt nhiên chẳng nói động đến bản thân mình. Ông khoảng sáu lăm tuổi, rất giống kiểu hận con cháu bạc bẽo nên trốn đi hành khất. Cũng có thể ông là con dân một trong những làng xóm ăn xin chuyên nghiệp của đồng bằng sông Hồng. Chuyện chán ông bèn thoái lui: - Thôi lão đi kiếm bữa chiều. Tối ở đây không ngủ được, công an đuổi. Nếu chẳng biết chỗ nào tươm hơn thì ra tìm lão dưới chân cầu Lạc Long, rất mát mẻ tuy khai mù. Thế nhé… À mà này, Sài Gòn đẹp lắm phải không chú? Nghe kể sướng tê, nhà cao chọc trời, ngựa xe như nước. Được dạo chơi Sài Gòn một lần rồi tịch là nguyện ước của lão đấy. Phương cười. Anh lại nằm xuống bãi cỏ. Chẳng lẽ ghé đại cơ quan Minh mượn điện thoại báo cho anh Dũng biết. Minh đèo bồng quá nhiều nỗi lo, vợ con nheo nhóc, tha cho hắn kẻo mắc tội. Trong nếp nhà tồi tàn của Minh kiếm tờ giấy năm chục ngàn mới còn khó. Mất công hắn chạy vạy ngược xuôi khi hiểu hết hoàn cảnh Phương. Mà cũng tại Phương cả. Anh quên khuấy các thủ tục hành chính rườm rà. Đáng lý phải xin xã đảo giấy xác nhận, cẩn thận hơn thì nhờ Lam Anh trích lục thêm bệnh án. Sự lơ đễnh bắt đầu ảnh hưởng quá lớn tới việc tái hội nhập xã hội của Phương. Trước mắt là không thể mua vé máy bay dù kiếm được tiền. - Này này… tôi thấy chú thật thà nên tin tưởng - Phương gặp lại ông lão lúc nãy - Tôi nói khí không phải thì chú bỏ qua nhé. Cho tôi đi cùng vào Sài Gòn với. - Ông à, con còn chưa biết mình sẽ về bằng cách nào thì làm sao gánh ông được. - Thú thực lão có bốn chỉ vàng phòng tai ương bệnh hoạn, lo hậu sự. Chú làm sao để tôi và chú tới Sài Gòn thì làm. Miễn khi trở ra vốn kia không sứt mẻ. - Ông nói thật chứ? - Phương mừng hụt hơi. - Già cả rồi sao tôi lừa được chú. - Ông đi máy bay lần nào chưa? - Giời ạ! Xe hỏa còn hiếm kể gì cái thứ xa xỉ ấy. - Ông sẽ toại nguyện. Nhưng ông có giấy tờ tùy thân không vậy? - Còn phải hỏi, công dân gương mẫu đấy. Không tiền án, tiền sự. - Tuyệt! Bây giờ ông chờ ở đây. Tôi đi làm con chi chi, nhún nhường xin bọn quan liêu đại diện hãng tàu giấy giới thiệu mua vé máy bay. Phương luýnh quýnh chạy xuống phố Đà Nẵng. - Lại chú! Trưởng chi nhánh vừa dắt anh em ra đầu đường giải khát bia hơi. Nói cho cùng là vô ích. Khéo chúng cà khịa thì khổ thân đấy - Cô văn thư già phân trần. - Cô làm ơn đi. Cháu chẳng cần ứng tiền nữa. Cháu xin tờ giấy giới thiệu trám mộc tròn để người ta cho lên máy bay. Không tin cô có thể gọi điện thoại vào Sài Gòn nhờ nhân sự kiểm chứng giọng nói của cháu. - Cả ngàn thuyền viên, ai nhớ nổi. - Anh Lục phó phòng học trước cháu hai khóa thôi. Họ không quen giọng, quen mặt thì làm sao tiếp khách cửa sau được. Xong việc Phương ba chân bốn cẳng quay lại công viên. Anh cứ sợ ông già bốc hơi. Tại phòng vé Phương gặp người quen nên mọi việc đều thuận lợi. Tuy nhiên hai ông cháu vẫn phải ngủ gầm cầu một đêm chờ chuyến bay sáng. Suốt tối ông già cứ giữ rịt hai tấm vé, ve ve vuốt vuốt: - Thế này mà hơn ba chỉ vàng. Kinh thật! - Ông gắng ngủ cho có sức. Đi máy bay phèo phổi bất an lắm. - Anh không bỏ rơi tôi giữa Sài Gòn chứ? - Ông là ân nhân của tôi, ai lại hành động như vậy. - Đố biết được. Lão này gần đất xa trời rồi mà cũng chẳng rõ người tốt mặt tròn mũi dài ra sao. Đừng giận lão, lão không ngủ được chứ đâu phải vụng trộm canh gác anh. Đất lạnh rợn người. Phương phong phanh quá nên khó chợp mắt. Toàn bộ thủy thủ đoàn tàu Dragon chỉ hai kẻ sống sót. Đáy biển chắc lạnh lắm. Những vong hồn trên đất liền đã quá cô đơn. Ở giữa biển mênh mông thì từ nào diễn tả trọn vẹn nỗi niềm ấy. Dù cộng đồng nhỏ bé bám vào khối sắt thép mục nát kia thật đành đoạn, song chết chóc luôn nằm ngoài trí tưởng tượng của Phương. Không sinh mạng nào đáng chết dẫu cõi chết là điểm cuối của vạn nẻo đường đời. Sự sống là quyền năng tối thượng của tạo hóa. Trên sự sống giá trị con người và xã hội được tạo dựng. Do đó sự sống luôn bất khả xâm phạm. Mặc cả cuộc sống rất vô nhân tính. Cái chết không thể là hình ảnh của tiến hóa, luân hồi hoặc điều kiện của tiến bộ. Tôn giáo ép uổng: kẻ ngoại đạo phải chết để tái sinh cho cuộc sống cao hơn mà sự khai tâm đem tới. Thụ pháp dành cho bộ xương còn lại, sau quá trình thối rữa chỉ là sự ruồng bỏ nhẫn tâm nhất. Hình như không cuộc chiến tranh nào trên thế giới, từ xa xưa đến nay không lấy việc đếm xác làm thước đo thành công hay thất bại. Bất chấp mọi nguyên cớ và động lực, tất cả cái chết đều oan trái, vô nghĩa. Người ta nên tìm cách tránh cho đồng loại phải chết, hơn là ngợi ca cái chết, tô vẽ nó bằng vòng hào quang phù phiếm. Hiếu sinh không chỉ là đạo của đất trời mà còn là đức của xã hội. "… Cuộc đời tôi bị ám ảnh bởi lời nguyền nặng nề và oan nghiệt từ chính miệng cha mình. Mùa gió Lào tai ác năm 1955, tôi khoảng mười tuổi. Họ trói ngược tay cha tôi rồi đặt ông vào cái chuồng tre từa tựa chiếc nơm cá giữa sân. Tôi ngờ nghệch chen chân trong đám dân chúng bừng bừng phẫn uất bâu kín xung quanh. Cứ sau mỗi lời hằn học của vị cốt cán đấu tố oai vệ đếm bước đằng trước là trận mưa gạch đá, rác rưởi đổ xuống đầu cha. Ông co ro câm lặng chịu trận, không van xin. Đến phần kể tội, rất nhiều người xung phong bước ra. Tôi nhớ nhất một thiếu nữ gương mặt đanh đá. Cô ta rít lên: - Thằng địa chủ kia, mày nhớ mày từng hành hạ bà như thế nào không? - Thưa bà nông dân, tôi được thừa hưởng mảnh ruộng ông cha để lo hương khói từ đường. Vì gia cảnh neo đơn, tôi phải nhờ nhà bà giúp đỡ trong những đận xuống mạ và gặt hái. Công xá sòng phẳng, tôi nào dám hành hạ ai bao giờ. - Mày quên lần kia mày định cưỡng bức bà ở đống rạ sau hè sao? - Khi ấy bà còn bé lắm chắc bà nhớ nhầm. Nếp nhà tôi mấy đời nho học. Kẻ nương nhờ bóng chữ thánh hiền đâu thể làm điều phi nhân. Thời Âu hóa kinh sử vô dụng, tôi cũng chân lấm tay bùn như mọi người đấy thôi. - Ái chà chà! Nó đào mồ phong kiến thối tha của nó kìa. Các đồng chí dân quân mau vào từ đường lôi hết sách vở vẽ giun ra đây. Chúng ta sẽ châm lửa đợi thánh hiền hiện lên - Vị cốt cán hùng hổ múa may quay cuồng. Đoàn người ùn ùn chuyển hướng tập trung vào ngôi nhà thờ họ. Cánh cổng gỗ lim cao ngất bị đạp tung. Ai đó chùng bước trước vẻ uy nghi lạnh lẽo của các án thờ vắng hương khói. Tên cốt cán giận dữ: "Đây là lúc thể hiện sức mạnh của quần chúng cùng khổ. Không đập, không phá nát chế độ cũ thì làm sao xây dựng xã hội mới tốt đẹp hơn. Hãy đoàn kết lại và tiến lên, tiến lên… Chúng ta không có gì để mất ngoài xiếng xích và cuộc sống cơ cực bần hàn". Loáng cái, từ đường trống hoác như vừa hứng cơn bão quá sức chịu đựng. Gươm giáo, bài vị, hương án, đèn đóm, sắc phong, hoành phi, câu đối, chiếu quì, bút lông, nghiên mực, sách vở, gia phả được chuyển ra và chất thành đống ngoài sân. Sau đó mỗi kẻ cố tìm cho mình một thứ có thể thay roi vọt, đinh ba hoặc gậy gộc. Họ vứt bỏ chiếc lồng. Cha tôi oằn lưng, gục ngã dưới đòn thù. Không hiểu sao tôi cũng bị cuốn vào cuộc hành hung tàn bạo ấy. Khi chiếc que tôi cầm, vốn là mảnh hoành phi màu gạch cũ, lấm máu tôi mới choàng tỉnh. Những con chữ dát vàng đã bị bẻ đôi tuồng như đang khóc, máu đỏ tứa đầy mép gỗ. Tôi chựng lại và bắt gặp ánh mắt đớn đau nhưng rất đỗi hiền từ của cha. Tôi hoảng loạn hét lên "Cha ơi!" rồi quỵ xuống. Trong cơn mê sảng tôi vẫn lờ mờ nhận ra da thịt mình đau nhói, bị đè dẫm dưới gót chân trần của sự phẫn nộ cùng lòng căm hận. Đêm ấy cha tôi trút hơi thở cuối cùng bên tro tàn của đống vũ khí tanh máu. Tôi không rõ mẹ và chị mình trốn đi đâu. Trong khi lăn lộn, quằn quại giữa roi vọt và lửa, cha còn đủ tỉnh táo lén giấu quyển gia phả cháy xém vào ngực áo. Có thể ông đã dùng nó che đòn. Ánh mắt ông chứa cả bầu trời sao nóng bức. Tàn khói leo lét xung quanh như nước mắt về trời. Người trăn chối: "Cha thương con lắm! Hiếu vốn là gốc của nhân. Con không hiếu từ với chính đấng sinh thành mình thì làm sao con có được lòng nhân. Nhân không đơn giản là người. Chiết tự gồm bộ nhân đứng và chữ nhị. Nghĩa là quan hệ tích cực giữa người với người, đó là nhân tâm, nhân ái, nhân từ, nhân chính… Thiếu lòng nhân con sẽ chẳng còn gì chống đỡ với phản nhân. Đáng gì nhúm người kia, cả xã hội sẽ chà đạp lên con đấy. Hãy giữ giùm cha quyển gia phả này cho lương tri ngày mai". Tôi bỏ chạy khỏi làng và tha phương cầu thực từ đấy. Hành trang của tôi là quyển gia phả toàn chữ nho đen đặc như đêm tối. Nỗi oan "bạch xà" của Nguyễn Trãi ăn vào chữ "Đại" và ba trang giấy dó, sánh ngang với máu và nước mắt cha tôi thấm đẫm từ bìa phải đến bìa trái quyển gia phả. Năm 1965 tôi gia nhập quân đội. Tôi tham gia chiến đấu tích cực nhưng không được dài lâu do bị chấn thương sọ não, mất trí nhớ. Quyển gia phả tôi luôn để dưới đáy ba lô như bùa hộ mệnh cũng dính vài phát đạn, thủng lỗ chỗ. Trong viện điều dưỡng thương binh, tổ chức cho tôi thành hôn với một thanh niên xung phong mắc chứng tâm thần nhẹ nhiễm chất độc màu da cam. Đó cũng chính là cô gái ngày xưa từng vu khống cha tôi. Vợ tôi chết ngay trên giường đẻ. Chiếc bào thai chửa trâu là cục thịt không đầu, mọc đầy lông thú. Từ đấy bệnh tôi càng nặng. Tôi hay trốn trại, lê la hành khất với câu sẩm: Trăm năm trồng một cây nhân – Từ thu xanh tóc, qua xuân bạc đầu. Dạo gần đây kinh tế thoáng đãng tôi khá hơn. Bệnh dần dần đỡ hẳn. Tôi được cấp nhà và đất canh tác gần khu vực điều dưỡng. Tôi cũng có hộ tịch, chứng minh thư đàng hoàng. Nghĩa là tôi luôn được đối xử như công dân bình thường. Nhưng tôi không dám ở nhà. Lúc nào những bóng ma quá khứ cũng rình rập nhảy ra từ quyển gia phả bầm đen đặt trên ban thờ yên ắng. Vết chàm kia làm sao gột sạch khỏi đời tôi, kẻ ăn mày dã man, đốn mạt nhất thế kỷ hai mươi." Phương qua đêm không ngủ dưới gầm cầu trong câu chuyện khủng khiếp của ông lão. Sáng sớm họ ghé nhà ga xe lửa rửa ráy cho tươm tất rồi thẳng tiến ra sân bay Cát Bi. Phương nhường người bạn đồng hành khung cửa sổ máy bay anh luôn yêu thích. Ông lão rất bối rối trước những điều mới mẻ. Nữ tiếp viên hàng không xinh xắn trờ tới. Ả chẳng thèm giấu ánh mắt coi thường hai vị khách mang dép nhựa. Ả đưa Phương chiếc khăn lạnh bằng vẻ mặt khinh khỉnh và cố tình bỏ qua ông lão. Phương sẽ còn gặp cảnh này nhiều lần nhưng không bao giờ anh nén nổi bực dọc. Đoán chừng tiếp viên đã đi tới hàng ghế cuối, Phương bấm chuông gọi. - Ông cụ này chưa dùng khăn, thưa cô. - Ông ta không yêu cầu. - Cô nên chủ động phục vụ hành khách. - Anh tưởng đủ tiền mua chiếc vé máy bay là có thể mắng mỏ người khác sao. - Thái độ của cô khi phục vụ nhóm người áo mão chỉnh tề và vài ba chiếc quần lửng áo thun mắt xanh mũi lõ xung quanh quá khác thái độ cô dành cho chúng tôi. Tôi nhắc lại người thân của tôi phải có chiếc khăn mặt mà mọi người đang dùng. Con thiên nga ngốc nghếch giấu trái tim màu đen dưới bộ cánh màu thiên thanh há hốc miệng chết lặng. Chắc ả sẽ mãi đứng như trời trồng nếu tiếp viên trưởng không kịp nhận ra vấn đề. Nàng rối rít xin lỗi rồi tận tâm chiếu lệ mang khăn cho ông lão. - Thôi bỏ qua đi chú, kẻo công an lại rầy rà bây giờ - Ông lão gàn Phương. Gần như quá sức, Phương ngả lưng và hít thở thật mạnh. Người ngoại quốc rất dễ nhầm lẫn đầu óc vọng ngoại với sự hiếu khách của dân chúng Việt Nam. Máy bay rướn mình cất cánh. Phương quên rất nhanh sự bực dọc vừa qua nhưng lòng vẫn trĩu nặng. Thế giới của mây không đủ sức quyến rũ anh. Mười tám tháng trước tân kỹ sư Phương nôn nao về lại Sài Gòn từ ga Hàng Cỏ, với giấc mơ đại dương bất tận. Thời gian chẳng bao xa, Phương hôm nay chưa kịp thay da đổi thịt thế mà tâm hồn anh đã vội sang trang. Phương băng qua cái chết để thấy cuộc đời là vô giá và ngày mai mãi mãi mông lung. Dầu gì Phương cứ nhủ lòng, anh đang đem tiếng hát tái sinh từ biển cả phủ lên tương lai nỗi niềm nặng nợ nhân gian. Anh Dũng và chị Linh ra đón Phương như đã hẹn trong cuộc điện thoại ngắn ngủi ban sáng. Vẻ tiều tụy phong sương của Phương làm hai người không cầm được nước mắt: "Em ơi là em! Sao cám cảnh thế này!". Phương cắn môi để khỏi bật khóc. Về nhà anh Dũng đưa Phương xem tấm bia đá nhỏ anh mới thuê khắc: "Vương Hoài Phương. Sinh ngày… tháng… năm… Mất ngày… tháng… năm… Vụ đắm tàu Dragon tại Biển Đông". Phương cười ngất: - Theo em mỗi người nên viết văn từ mộ chí cho chính mình vào sinh nhật mười tám tuổi. Mỗi năm nên xem lại một lần và sửa chữa nếu cần. Đó là định hướng rất hay giúp đời sống khỏi lầm lạc mê cung. - Thôi, cứ giỡn với cái chết hoài. Bây giờ bên Mỹ buổi tối. Em điện thoại cho chị Dung, anh Chung ngay đi. Nửa tháng trời, bữa nào họ cũng hỏi có tin gì mới của em không. Sau khi cha và dì mất, Phương âm thầm lảng tránh các anh chị. Họ rất buồn nhưng không biết cách nào gần gũi đứa em út bướng bỉnh. Càng sợ làm tổn thương Phương, họ càng xa anh hơn. Phương vào đại học, ra Hải Phòng rồi đi biển biền biệt. Đôi lúc anh quên khuấy mình cũng có ai đó là thân thích trên đời. Sự tồn tại đầu tiên của con người nằm trong tình ruột thịt. Bao năm xa nhà, đáng tiếc Phương chỉ viết vài lá thư chung cho tất cả anh chị, lời lẽ ngắn ngủi. Đến khi ngã dúi dụi, Phương mới hay nơi mình phải tìm về chính là tấm lòng luôn rộng mở của họ. Mọi người từng tôn trọng suy nghĩ và hành động của Phương, không câu thúc áp đặt. Họ gắng hiểu sự ái ngại, cách biệt của Phương xuất phát từ chí tự lập mạnh mẽ. Để không bị phụ thuộc Phương cố khai thác triệt để yếu tố tiền định trong quan hệ cùng cha khác mẹ. Anh Dũng khá giả lên thấy rõ. Ngày Phương mới ra trường anh đã chuyển qua nhà mới cao ráo, sạch sẽ nhưng rất ồn vì giữa thị tứ. Chị Dung nhờ anh Dũng mua tặng Phương chiếc xe Dream thời thượng, Phương từ chối. Anh Chung gởi thêm mười triệu đồng giúp vốn buôn bán, Phương không nhận. Anh đặt nhiều hy vọng vào chuyến viễn du đầu tiên. Không ngờ Phương tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Viện cớ tìm chỗ yên tĩnh để học hành thêm và kiếm việc trên bờ, Phương đòi được ở riêng. Anh Dũng nghe Phương vẽ vời gần ba mươi triệu tiền bảo hiểm nên tạm chấp nhận. Phương mượn chị Linh chiếc xe gắn máy cũ nhất trong nhà làm phương tiện đi lại tạm thời. Tên đắm tàu thoát chết về đến công ty, những kẻ cạo giấy rảnh rỗi ồ lên năm bảy phút rồi vội trở lại trạng thái trầm tư cũ. Họ bận rộn vô tả trong thời gian biểu trống rỗng. Họ chưa bao giờ nghĩ mình ăn bám các thuyền viên. Tuồng như đầu họ lúc nào cũng bận tâm xây dựng bao dự án cực kỳ vĩ đại nhưng hoàn toàn không tưởng. Giám đốc vời Phương lên hỏi chuyện. - Xin chú cho phòng ban chức năng tiếp xúc bảo hiểm, tiến hành thủ tục đền bù vật chất cho cháu. Hơn năm làm việc, cháu dành dụm được vài ngàn Mỹ kim, biển cướp đi hết rồi. - Thật không phải nhưng cháu nên biết, hết hợp đồng tàu phải hành trình về Việt Nam sửa chữa định kỳ. Ba ngày sau khi rời Fukuoka mọi giấy tờ bảo hiểm đều hết hạn. Nếu tìm được hàng thì hay biết mấy, công ty đã mua tiếp bảo hiểm ngắn hạn. Bây giờ chú sẽ giúp cháu ở chừng mực cho phép. Cháu nghỉ ngơi tĩnh dưỡng một thời gian và bất cứ lúc nào cháu thích chú sẽ bố trí cháu xuống tàu khác. - Cháu chẳng ngờ mình lại là gánh nặng của công ty. Như người ta thường bảo sao chả chết quách cho rảnh mắt phải không chú? - Cháu phải thông cảm cho các chú. Năm nào công ty cũng lỗ. Lãi mẹ đẻ lãi con, chật vật lắm. Vụ đắm tàu xảy ra, tình cảnh càng khốn đốn hơn - Phương nhớ tới khuôn mặt kiêu kỳ của viên phó giám đốc kỹ thuật xuống làm việc, hôm tàu nhổ neo rời Sài Gòn đi Papua New Guinea. Gã hắng giọng giảng giải "Năm qua công ty tăng tỉ lệ khấu hao, báo lỗ vì muốn tránh thuế. Dôi ra bao nhiêu sẽ đắp thêm tiền vay ngân hàng mua tàu mới. Chẳng ai dại nộp hết tiền vào ngân sách nhà nước. Người ta đồn bậy công ty đang lỗ chỏng vó là vậy". Nản lòng, Phương đành cố vác mặt vào phòng kế toán tạm ứng chút đỉnh. Số tiền ấy trừ đi khoản vay ông lão ăn mày, đưa ông đi chơi đây đó trong nội ô, còn lại mua được mấy chiếc kẹo kéo khuyến mãi nhạc sến. "Rẻ chán!" - Phương gượng cười - "Chẳng ai nên cò kè bớt một thêm hai khi trả giá cho chính mạng sống của mình". - Phương ơi, lại đây anh bảo - Mới bước ra khỏi cổng công ty Phương đã thấy Phan Sinh lấm lét đứng đợi anh. Y đánh hơi rất tài - Đi ăn trưa cùng anh nhé, mình sẽ trao đổi chút chuyện. - Chuyện gì? Phương tởm lợm khi nói chuyện với Phan Sinh. - Vào đây, vào đây - Y kéo tuột Phương tới quán giải khát cạnh bên. - Anh nói ngắn gọn thôi, tôi bận lắm. - Uống ly cà phê đã nào - Y thì thào với Phương rồi quay ra cao giọng gọi chủ quán - Cho hai cà phê sữa đá! - Chị cho xin trà nóng. Xin lỗi, tôi không uống cà phê. Không rõ Phan Sinh ra chiều hoảng hốt vì dư âm chết hụt hay vì Phương còn sống. Hai bàn tay hộ pháp lái lợn đập chiếc khăn lạnh bốp một phát rồi lau lấy lau để khuôn mặt nhầy bóng, nọng thịt. - Phương có thuật cho các xếp nghe điều gì về anh không? - Tôi bảo tôi không biết. Chắc anh muốn tôi đọc thuộc lòng các bài báo? - Báo nào? À… ừ… bọn nói phét ăn tiền vẽ ra ác quá. Anh còn ngượng huống gì chú - Phan Sinh cười tít mắt. - Tôi về đây. - Gượm tí. Phương biết không, công ty vừa được phân hai suất học thạc sĩ quản lý tại Nhật. Chú mày giỏi tiếng Anh lại đầy đủ bằng cấp, anh sẽ tác động giúp. - Màu mỡ quá tôi không dại mong. - Bậy nào, bọn con ông cháu cha ngu đần quen ăn chơi còn lâu Nhật nó mới chấp nhận. Chú là sĩ quan trẻ nhất công ty đấy. Thế hệ sau chú thì cạch nghề đi biển, hết thời rồi. Năm nay có đứa chính qui nào xin về công ty đâu, toàn lũ dốt Chuyên tu, ngu Tại chức. - Thế cần quái gì tác động. Cám ơn thiện chí rởm của anh. Thôi chào. Anh cứ ăn no ngủ kỹ. Thằng này ghét anh thật nhưng nó chẳng thừa hơi nhúng tay vào chuyện riêng của thiên hạ. Đúng như Phan Sinh đề cặp, sau đó người Nhật mời Phương lên phỏng vấn mấy bận. - Anh tin rằng mình sẽ học tập tốt để về cống hiến cho xã hội chứ? - Từ lâu tôi đã ngưỡng mộ ý chí xây dựng và tinh thần cộng đồng của nhân dân đất nước Phù Tang. Tôi tự biết mình phải làm gì nếu được chọn đi học. - Xin hãy nêu một hình ảnh sinh động. - Cách đây vài tháng, tôi gặp đoàn du khách Nhật đang tham quan hoàng cung Bangkok. Họ đều quá tuổi hồi hưu nhưng khỏe khoắn, nhanh nhẹn và tràn đầy hạnh phúc. Họ đáng được hưởng những điều tốt đẹp nhất, sau khi bỏ lại sau lưng mấy mươi năm lao công tái thiết quê hương đổ nát vì chiến tranh, bom đạn. - Họ sẽ là tấm gương cho anh? - Xa vời quá. Nhưng tôi cứ ao ước. Cuối cùng lão Phạm trưởng phòng nhân sự cũng ngửa bài: - Chuyên gia nước bạn đưa anh vào danh sách để tổ chức cân nhắc. Chúng tôi tạo mọi điều kiện cho anh ra đi. Rẻ thôi, năm vé trà nước cho nhóm phụ trách ngoài cục. Phương nở nụ cười đắng chát. Cả tuần nay anh chỉ dám điểm tâm bằng cà phê đá vỉa hè. - Ông xuống thủy cung đòi lại hộ tôi nhé. Tôi gửi không kỳ hạn mấy chục vé cơ. Đợi vài hôm rảnh rỗi tôi đưa ông đơn xin nghỉ hẳn. Tôi vừa tìm được việc trên bờ. Sự thật là bè bạn đã giới thiệu Phương làm tiếp thị cho văn phòng đại diện một hãng giao nhận của Singapore. Phương cũng đắn đo nhiều trước khi quyết định chuyển nghề. Có thể anh sẽ thành đạt trong ngạch công chức với bằng thạc sĩ đào tạo tại nước ngoài. Cứ ngẫm viễn cảnh sống giữa những người như tay cán bộ ngoài Hải Phòng, Phạm hoặc Phan Sinh, Phương luôn nhụt chí. Đang suy đi tính lại thì lão Phạm tặng không cho anh lý do để chẳng bao giờ phải nuối tiếc. Trút xong gánh nặng công danh luồn cúi, trên đường về nhà Phương tình cờ gặp người quen cũ. Đang dừng xe chờ đèn xanh giao lộ Phương nhận ra giáo sư Quang, chuyên gia ngôn ngữ Slaves. Tới Đại học Nhân văn, Quang mời Phương vào uống chén trà nhạt trong phòng bảo vệ. Xưa Quang học giỏi nổi tiếng. Lớp 11 hắn đoạt giải ba cuộc thi vô địch tiếng Nga toàn quốc. Năm năm sau, chàng du học sinh ưu tú về nước nhận bục giảng. Thế thời xoay vần, tiếng Nga mất tích, Quang "mất dạy". Người ta tái cơ cấu hắn làm nhân viên văn phòng. Tranh đấu mãi Quang được kiêm thêm chức đội phó bảo vệ và trông xe ban đêm theo tiêu chí xóa đói giảm nghèo. - Bạn an phận sớm quá. - Dù gì cũng sang hơn vô số Trạng Quỳnh buổi đầu mở cửa. Mình không thức thời và chậm chạp với làn sóng kinh tế. Dành tương lai cho hai đứa con còi cọc vậy. Phương cười thông cảm. Quang tiếp: - Thật vậy, con nít bây giờ thừa hiểu chuyện Trạng Quỳnh tiếp xứ Tàu ngày nào mang tính trào phúng. Hằng hà sa số Trạng thập kỷ tám mươi thì cười ra nước mắt và không thể không tin. Họ đồn rằng một thương nhân Mỹ sang Việt Nam tìm cơ hội đầu tư. Trên nệm êm chiếc xích lô cà tàng, người Mỹ giật mình vì lão phu đạp xe có kiến thức và sự hiểu biết quá sâu rộng trong lãnh vực kinh tế. Hơn nữa song ngữ Anh - Pháp ông ta dùng chuẩn hơn cả dân chính xứ. Vỡ lẽ phu xe là cựu giáo sư một trường đại học tăm tiếng bên trời Tây, khách hốt hoảng nhảy xuống, nằng nặc đòi thay ông lão lao lực. Vị này muốn thử sức gò lưng đổi lấy chút ít kinh nghiệm nhập môn nơi thị trường Việt Nam ngập tràn triển vọng… Chưa hết bàng hoàng, tổng giám đốc của công ty liên doanh tương lai ra tận Hà Nội nghiên cứu thêm. Bên cạnh công trường xây dựng khách sạn Tháp Hà Nội, miên man hồi tưởng quá khứ chiến tranh đáng buồn và khoảng thời gian tạm trú tại Hỏa Lò, mắt ông ta lại trợn ngược lần nữa. Người sĩ quan Điện Biên Phủ tái ngũ, kẻ dũng cảm, mưu trí bắt được ông giữa cánh rừng rậm nhiệt đới năm xưa đang hì hục sửa xe đạp bên vỉa hè cho một đám loai choai. Phương nối lời: - Đâu năm lớp 10, tụi mình tính đi chơi bằng xích lô. Nhỏ Mai lớp phó học tập eo éo gọi xe: "Anh hai cận thị nên không thấy tụi em ngoắc hả. Đổi kiếng đi, coi chừng nồi cơm mấy cháu ở nhà đó nhen. Đây tới rạp Bến Thành bao nhiêu?". Chủ xe bỏ kiếng, gỡ nón lau mồ hôi. Bỗng nghe tiếng hét: " Tụi bây c h ạ y … T h ầ y …", mình không rõ mô tê, vắt giò luôn. Đến khúc ngoặt ngã tư cả đám dừng lại mới vỡ lẽ người mang kiếng cận chính là giáo viên dạy môn Văn của lớp. Tối, chúng mình tới nhà thầy xin lỗi. Thầy cười xòa: "Có gì đâu, may mà các em bỏ chạy, nếu không bốn năm đứa thượng lên, chiếc xe gẫy mất!". Xã hội quả lắm nghề. Ông và thằng lẫn lộn. Phương đang làm lại từ đầu. Con tàu đắm kéo theo mộng mơ sót lại của cậu sinh viên Phương thuở nào. Vận hội chẳng chia đều cho mọi người song còn niềm tin vào bản thân đồng nghĩa với còn tất cả, Phương tự vấn an. Phần lớn bạn đồng học của Phương ít ai theo chuyên ngành từng được đào tạo. Nhờ gia đình, người thân sâu sát, chúng thừa biết danh hiệu quyến rũ "Thủy thủ viễn dương" đã lạc hậu. Chân giáo viên tại Phân hiệu Đại học Hàng hải phía Nam mới thành lập là nước đường cùng của nhiều người. Vừa đi tàu vừa dạy học cũng khả dĩ. Một lần ghé trường, Phương thấy Vũ "béo" đang chững chạc trên bục giảng. Nhớ chuyện cũ Phương buột mồm nói to ngoài cửa lớp: - Thầy Vũ ơi, thầy có nhớ ngày xưa mỗi học kỳ thầy thi lại mấy môn không? - Tao van mày - Vũ chạy ra, miệng méo xệch - Đừng chọc vào nồi cơm của tao chứ. - Ơ! Thằng này lạ, tao hỏi thật đấy. - Đùa mãi. Nói cho cùng tao dạy chúng cũng xứng. Còn đâu cái thời hai mươi mấy điểm ba môn thi mới ngấp nghé cổng trường. Bây giờ cũng ba môn, chẳng lẽ đăng báo điểm xét chọn trung bình là hai, ba. Trường vẽ thêm hệ số lung tung cho đỡ hổ mặt. Soi đèn pha tìm thằng học ngang tao ngày xưa cũng khó mày ạ. Lính trơn như Hữu rốt cuộc cũng an bài. Hữu người cao nguyên, khá thân với Phương. Họ ngồi cạnh nhau ba năm cuối đại học. Tấm bằng kỹ sư của Hữu chắc chỉ lộng kiếng treo chơi nếu ba Hữu không nhận ra người anh em kết nghĩa cùng đi tập kết ngày xưa trong một bản tin thời sự trên truyền hình. Ông nọ làm to tự bao giờ nào ba Hữu có hay, mà lại trong ngành Hàng hải mới cừ. Cụ già dắt con lặn lội tàu xe ngược ra biển. Món quà quê nối tình là dăm ký cà phê và vài lạng cao hổ cốt cây nhà lá vườn. Quan lớn không đến nỗi chóng quên. Nể tình bạn xưa ngài ban cho Hữu lời ngỏ. Lập tức Hữu được vào công ty Vận tải biển Trung phần. Phương tưởng Hữu sẽ chấp nhận làm con rể quan to để tiến thân. Vị anh em kết nghĩa với ba Hữu vốn có cô con gái rượu thọt chân. Ông này vơ Hữu làm con nuôi nhằm tạo điều kiện cho rơm bén lửa. Hữu khúm núm và thỏa hiệp ở chừng mực nhất định trước cửa công quyền. Hữu dặn chị giúp việc mỗi khi quan trên trực tiếp của Hữu đến cụng ly với bố nuôi nên báo cho Hữu biết. Trăm lần như một Hữu xông xáo bưng rượu, dọn đồ ăn phụ giúp mọi người hầu các quan. Các quan khen Hữu ngoan và rất nhớ mặt. Hữu lên vèo vèo. Đi biển chán hắn được điều vào Sài Gòn làm phó văn phòng đại diện công ty. Thoát vòng kiềm tỏa Hữu mới dám lấy vợ. Con ông cháu cha thì khỏi kể. Quan phụ mẫu dàn xếp sẵn tương lai ngồi mát ăn bát vàng và cả cơm vàng cho nòi giống của mình. Có hai hướng đi tiêu biểu. Một là về cơ quan nhà nước béo bở nào đó. Hai là đứng vào hàng ngũ lãnh đạo các công ty tư nhân, sàng lọc tất cả các hợp đồng qua tay cha chú. Bọn này cực giàu nhưng luôn ăn chơi hoang đàng vượt quá khả năng kiếm tiền của bản thân. Đơn cử như Thắng, con trai duy nhất của bà vợ hai gã Tổng giám đốc Công ty Nhiên liệu. Trước khi về hưu bố già kịp lo cho quí tử công việc quản lý, phân phối xăng dầu đến hàng trăm trạm bán lẻ mạn đông bắc Sài Gòn. Tiền chấm mút khách hàng cộng thêm lợi nhuận thu được từ một cây xăng lớn, do hắn làm chủ trên xa lộ Hà Nội chẳng thấm vào đâu. Thắng có tài năn nỉ vay mượn bạn bè và giật nóng anh chị giang hồ. Của thiên trả địa. Hắn nướng hết tiền trên bàn billiard hoặc các sòng binh xập xám tính chi, mỗi cây bài thắng thua mấy triệu đồng. Nợ nần của Thắng tổng cộng cỡ trăm triệu thì tay cho vay nặng lãi nào đó sẽ điện thoại cho mẹ Thắng, bạn bè hùa đến gọi là "sập hầm". Bà mẹ tất nhiên sẽ lần lượt sụt sùi tiếp kiến những con bạch tuộc quanh Thắng và cộng sổ xem phải mở hầu bao chi trả cỡ nào. Bà luôn dặn đi dặn lại đừng ai cho Thắng vay tiền. Tránh sao được, cho hắn vay mới có điều kiện ăn tiền của hắn trong sòng bạc. Con vay mẹ trả tạo nên vòng kim cô quả báo đều đặn dăm ba tháng một lần chụp lên gia tài kếch xù nhưng mờ ám của gia đình Thắng. Dâu bể như Lương Tài rất ngoại lệ. Bố hắn vốn xuất thân từ dân đi biển. Tuổi trung niên lão nắm gần trọn ngành Hàng hải một tỉnh lớn phía nam. Không cuộc hội họp nào của trường Hàng hải vắng mặt bố Tài. Lão luôn đạo mạo, huênh hoang rao giảng chân lý sống trong rất nhiều bài phát biểu vừa dài vừa dai vừa dở. Thời gian vênh vang của Lương Tài kéo dài được ba năm. Người ta phát hiện bố hắn tham ô khi mua bán tàu biển, bỏ túi hàng triệu Mỹ kim. Lão đạo đức giả bị xét nhà, tạm giam nhưng chạy vạy trối chết nhằm tại ngoại hầu tra. Tòa sơ thẩm tuyên lão hai năm tù song án phúc thẩm lấy tay chân của lão làm chốt thí với nhiều cuốn lịch phải gỡ. Mặt Lương Tài như đưa đám. Cả trường xầm xì tội nghiệp hắn, tất nhiên trừ Phương. Anh không thỏa thuê với cuộc tổ trác của gia đình Lương Tài nhưng sự thông cảm dành cho hắn rất bẩn thỉu. Lương Tài đứa đi đường tắt vào khoa Điều khiển Tàu biển bằng các khoa có điểm tuyển rất thấp như Điện tàu thủy, Vỏ tàu. Chính tình cảm ấm ớ kia đã giúp hắn thi đậu tốt nghiệp trong trạng thái tâm thần bấn loạn. Bố Lương Tài chìm vào quên lãng vì càng ngày các vụ án kinh tế càng dễ sợ hơn, con số thiệt hại lên đến hàng chục triệu Mỹ kim. Bọn Thắng, Lương Tài không bao giờ chơi với những người như Phương hoặc Hữu. Chúng gọi Phương là thằng khố rách áo ôm. Chúng rất khoái dăm tên a dua nịnh hót kiểu Lê. Ngày đầu giữa giảng đường đại học cả lớp trầm trồ vì tướng tá Lê quá tốt. Cao ráo, bệ vệ và đẹp trai. Tưởng cậu ta sẽ sáng sủa. Năm năm sinh viên hắn đầu tư khá nhiều thời gian trồng cây si con bên ông cháu cha dù đối tượng không vừa mắt cỡ nào cũng kệ. Cuối cùng hắn cũng thủ được một em đen đúa và mập ú nhưng là út nữ của ông phó giám đốc cảng giàu xụ. Hắn đi tàu ra nước ngoài khá sớm, những chuyến thực tập như vậy kẻ nào chẳng hoa mắt. Ra trường Lê cưới cô bé đó ngay. Lễ kết hôn của hắn được gia đình vợ biến thành hội chợ triển lãm sự giàu sang bằng các con số. Chủ hôn nhà gái bụng tròn lẳn, mắt híp oang oang xướng tiền mừng tân lang tân nương. Cha vợ Lê cho năm mươi triệu. Chị vợ Lê, một bà góa từ năm ba mươi tuổi, nhờ trăng hoa với xếp lớn, hiện đang mang danh Nhà doanh nghiệp trẻ "đầy sáng tạo", tặng tấm giấy xác nhận cổ phần cho em gái giá trị gần nửa tỉ. Hàng lô họ mạc ăn theo không ai đi dưới mười triệu. Danh sách dài lắm. Lê cười tít. Nhạc phụ xin việc cho Lê tại một công ty giao nhận của nhà nước. Hắn phất lên thấy rõ, tậu cả xe hơi riêng. Để khoe khoang, Lê chẳng tiếc tiền mời hết nhóm bạn cũ này đến nhóm sơ giao kia đi uống bia ôm. Có hôm phỡn chí hắn kéo theo cả mấy thầy giáo trẻ ở trường Hàng hải từng chửi hắn là bất tài, ngu dốt và sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Lê luôn cho phép lái xe lên phòng thù tạc với nhiệm vụ bất thành văn: chuyên cần cụng ly tâng bốc hắn. Lần kia tay tài xế "vô lễ" chỉ mải nâng cốc với "đào" của Lê. Sau khi bị Lê nhắc nhở, do đã ngà ngà chú chàng lại lỡ để mép ly mình cao hơn mép ly của chủ cả tấc. Điên tiết, Lê tặng tay lái xe hai bợp tai và vài cước vào đít. Với kiểu coi trời bằng vung ấy, mọi người không ai bảo ai dần dần tránh xa Lê. Đùng cái, báo chí đăng tên Lê ầm ầm. Hắn xuất khẩu gỗ pơmu lậu. Ông bố vợ sắp về hưu chẳng giúp được gì, chị vợ lảng vì đây là án điểm rất khó tác động. Lê đi mua lịch khi đứa con đầu lòng chưa biết cất tiếng gọi hắn là ba. Phần đáng kể bạn bè Phương đi làm thuê cho người nước ngoài. Thật tình mà nói cũng phải có tí chút trí khôn, siêng năng, nhanh nhẹn mới bắt kịp nhịp độ công việc và giờ giấc của Tây. Cái quan trọng nữa là tiếng Anh. Khác với các con đường lập nghiệp ở trên, nhóm này người ta tự quyết định được tương lai, thu nhập và sự tiến thân bằng chính nội lực của mình. Lập tức họ tạo thành loại trí thức chưa đủ chín nhưng rất được xã hội tán dương. Lương tính bằng ngoại tệ, ăn mặc sạch sẽ, đeo dây buộc cổ xanh đỏ tím vàng, hằng ngày được chui ra chui vào những cao ốc tráng lệ là giấc mơ của đa số thanh niên trên đường mưu tìm công danh. Họ thích nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ ngoại lai hơn tiếng mẹ đẻ. Họ sẽ phán ngay bạn là "Hai lúa" nếu ấm a ấm ớ chẳng hiểu họ chen giữa các từ tiếng Việt thông dụng cái quái quỉ gì đó rất khó hiểu, lơ lớ và ngai ngái. Đi ngoài đường hoặc ngồi quán xá, nếu nghe bên cạnh mẩu đối thoại tiếng Anh hiếm giọng mũi, chẳng cần quay lại cũng dễ đoán các "hoàng tử, quận chúa" làm thuê cho nước ngoài đang "nổ". Tiếng Anh siêu rồi thì chen vài ba âm Pháp mới thời thượng. Chẳng hạn vĩ ngữ "tion" sẽ được nói thành "xi-ông" thì oai lắm! Chuyện cổ tích của họ luôn xuất hiện ông tây, bà đầm có tên chung là "Xếp". Cái gì của Xếp cũng thơm tho, kỳ bí và đáng học tập, từ cách gãi ngứa trở đi. Nếu bạn lạc vào một nhà hàng bán thức ăn trưa văn phòng mà luống cuống không biết dùng dao, bạn sẽ cầm chắc tiếng "quê mùa". Tuy nhiên nếu cạnh đấy có trự Tây dương lóng ngóng tập sử dụng đũa tre, lập tức ai cũng xuýt xoa với hình ảnh "đáng yêu". Chắc họ đem theo Xếp vào giấc mơ chập chờn bộn bề giấy má dang dở của công việc ngày hôm trước nên ai cũng sợ Xếp ra mặt. Sự mất đoàn kết, mâu thuẫn cục bộ và chia rẽ giữa những người làm công Việt Nam, thoạt đầu khiến giới chủ Tây dương rất ngạc nhiên. Bất cứ khi nào có điều kiện họ sẽ nghe người này hót với họ tật xấu của người kia không ngượng mồm. Ban đầu giới chủ rất khó chịu. Tuy nhiên người Việt Nam nào cũng vậy nên dần dần họ biết khai thác thói quen đó như cách quản lý nhân sự. Kẻ nào nhanh nhảu, ngoại ngữ khá và lập nhiều công lao cho xếp sẽ nhanh chóng tự biến mình thành bà "Cai", ông "Kẹ" giữa đồng nghiệp. Tiếng nói của y với xếp càng nặng thì sự tác oai tác quái càng trắng trợn, trâng tráo. Áp lực công việc cộng thêm sự chèn ép, lấn lướt của "Kẹ" lắm khi biến chỗ làm thơm tho cho Tây thành địa ngục. Trong các môi trường lao động lớn, không tránh khỏi sự xuất hiện những người khác giọng nói chia bè kết phái, bằng mặt chẳng bằng lòng, luôn tìm cách trù úm nhau. Nhóm giọng Nam ghét giọng Bắc, Bắc miệt thị Trung, Trung coi thường Nam.v.v. Tạo nên nhiều trò hề và lắm màn kịch cười ra nước mắt. Đợt khủng hoảng kinh tế, các liên doanh cất nhắc dăm nhân viên bản xứ vào chức vụ quan trọng. Họ tự hào lắm. Họ nghĩ mình cũng giỏi giang, hoàn toàn xứng đáng được trọng dụng. Họ sẵn sàng chấp nhận công việc tương đương các ông bà Tây với thù lao thấp hơn nhằm san xẻ gánh nặng thương mại trì trệ cho chủ. Rõ ràng trí tuệ người Việt chẳng kém người Nhật, người Hoa, người Hàn nhưng để chiếm vai trò cốt cán giữa thương trường họ cần phải loại bỏ cái tôi tủn mủn cùng bản chất chia rẽ cố hữu. Dĩ nhiên lớp người mới này học được rất nhiều cái hay của Tây. Hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng họ sẽ mở ra cách cửa hội nhập thênh thang cho tương lai, tuy nhiên nguy cơ mất gốc rất lớn. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và Tây dương hóa rất khác nhau nhưng dễ nhầm lẫn. Xưa kia đất Lạc Việt bị phương Bắc đô hộ trong gông cùm tám trăm năm, đến nỗi 80% ngôn ngữ Việt Nam là từ, là ngữ Hán – Việt với giọng chuẩn thời Đường. Hôm nay lớp lớp tuổi trẻ đang tự đồng hóa mình một cách tự giác đáng ngạc nhiên. Tốc độ vi tính chắc chỉ tốn 100 năm để sinh ra thứ tiếng nói tân Việt, không dưới 50% là chữ Anh – Việt. Tái hòa nhịp với Sài Gòn, Phương khó tránh khỏi một dạo quay cuồng trong thú vui phổ biến của kẻ có ít tiền trong túi. Anh cùng mấy người bạn thân họp thành nhóm nhỏ hợp ý. Sau giờ làm việc họ luôn cố tìm lý do bù khú. Hôm nay đứa này mua xe mới, mai đứa kia lên lương, mốt đứa nọ đổi chức danh, tất cả đều qui ra bia ở quán nhậu, quầy rượu hoặc nhà hàng đèn mờ. Qui trình ăn chơi tuần ba bốn bận của nhóm Phương rất rạch ròi. Tan sở hẹn nhau tại ổ tắm hơi xoa bóp để thư giãn, trút sạch mồ hôi ngày lao động. Đủ mặt anh tài thì bắt đầu đi ăn lót dạ, địa điểm là quán bình dân, trọng chất lượng hơn hình thức. Mỗi cậu làm suất tinh bột và hai ba chai bia mồi cho ấm lòng. Xong giai đoạn chuẩn bị tất cả khật khưỡng tiến quân vào bia ôm. Dễ dàng nhận ra điểm phải đến qua những dây đèn trang trí từ sân thượng đổ xuống. Phương châm tác chiến là không gọi thức ăn, trả lại đồ nhậu khô, hạn chế tối đa bia, chọn "đặc sản" thật kỹ. Nếu đủ tình thân với "Má mì" hoặc "Ba mì" thì lên thẳng phòng chờ lượt của đào mà duyệt. Yên vị xong, tự do cá nhân được tôn trọng. Nơi này không có sự hổ thẹn hoặc kín đáo. Tuốt tuồn tuột mọi chuyện lộ liễu phơi bày trong ánh sáng mờ ảo. Rất nhiều kiểu mẫu. Kẻ chuộng lao động chân tay hoàn toàn nín lặng. Kẻ bốc đồng hay lảm nhảm tự tâng bốc mình với người bạn chân quê. Kẻ ướt át sướng nghe trường ca nàng Kiều ai oán. Mục tiêu hạn chế bia thường bị quên đi hoặc cố tình quên vì sĩ diện hão khi đã chớm say. Các em mở bia như máy, anh nào uống chậm quá thì thùng đá hoặc sàn nhà hưởng lợi. Có quán ác nghiệt còn đặt chỉ tiêu nửa thùng bia một khách. Không uống hết, đổ hết hoặc khui hết đào sẽ bị phạt tiền. Khái niệm thi hát Karaoke nhận giải "bàn tay vàng" nghe trái khoáy, nhưng rõ ràng hằng ngày vẫn diễn ra. Mấy chục ngàn thôn nữ làm việc trong các nhà hàng loại này chỉ hát mỗi bài vọng cổ bi thương: "Quê nghèo. Cha mẹ lụn bại, nợ nần, em út đông. Chẳng lẽ chịu đói, đành lang bạt kỳ hồ làm hoa cho thiên hạ chòng ghẹo". Thiên hạ đâu riêng Phương và lũ bạn. Không thiếu loại đàn ông nào, từ thằng bé choai choai còn vòi tiền cha mẹ đến các cụ đường bệ tóc muối tiêu, chắc chắn là quan chức đáng kính của xã hội, là người cha luôn tỏ ra mẫu mực trong gia đình. Mười một giờ đêm quán bắt đầu đuổi khách. Anh nào thích tách nhóm thì lui cui dẫn xe phục kích dưới chân các ngọn đèn đường quanh đấy, chờ người đẹp móc họng tháo bia, thay hình đổi dạng. Điểm dừng phổ thông tiếp theo là những khách sạn con con chưa được sạch sẽ lắm. Trước khi nghỉ ngơi người nam phải viết cam đoan cô gái đi với họ, vì lý do nào đó thiếu giấy tờ tùy thân, nhất định không phải dân làng chơi bắt dọc đường! Số còn lại dong xe hướng về quận Nhất. Các quầy rượu ít nhiệt thành với họ. Vô tư! Vắt vẻo trên ghế xoay cao nghệu họ bốc đồng đủ thứ trên trời dưới đất, bỏ qua nhiều lần bĩu môi của các nàng hở hang chờ khách Tây bằng cách hóng chuyện lén. Loại người này ít pha thành phần quê mùa, chủ yếu là cư dân các xóm lao động nghèo của thành phố. Họ ăn mặc thừa bóng bẩy nhưng hơi ít vải, hàng mẫu ngồn ngộn. Mặt họ lúc nào cũng vểnh lên như muốn tuyên bố: "Ta đây, gái ăn sương ngoại hạng Sài Gòn, không duyệt đám đầu đen!". Nhóm của Phương ít khi ngồi lì ở một quầy rượu, hình như mọi người đều thích khoảng thời gian rong ruổi giữa phố xá vắng vẻ đặng tìm bãi đáp mới. Cũng có khi cao hứng cả bọn vào vũ trường ngủ gật trong tiếng nhạc kim khí chói tai, mê mê tỉnh tỉnh mùi nước hoa đắt tiền. Ba giờ sáng là điểm dừng, ai thừa sức khỏe và dễ tính thì bốc đại một em kiêu kỳ ngồi ngáp dài bên quầy rượu đi đâu đó. Hai ba mống sót lại thui thủi kiếm tạm phòng trọ nghỉ ngơi. Gia đình, vợ con đâu ngờ họ làm ca đêm chăm chỉ đến vậy. Con người ai cũng có thể hư, điểm khác nhau là có hoặc không có cơ hội. Khi nồng độ cồn trong máu đã bão hòa Phương lại tuyệt đối tỉnh táo. Cảm giác trống rỗng ghê người. Ban đầu anh thường gắng lê gót về nhà ngủ, dứt khoát không theo chúng bạn vào phòng trọ. Qua không giờ, dù giữa tháng hè oi ả hay nhằm mùa mưa thủng mái tôn, đường phố Sài Gòn đều rất lạnh và hoang vu. Tiếng gió rít bên tai mạnh, nhẹ tùy mức độ tay ga. Phương hay tự vấn sẽ đi về đâu trên con đường tầm thường và quá đỗi bệ rạc này. Anh hoàn toàn bất định. Phương thường mất ngủ. Mất ngủ một mình hay mất ngủ bên tiếng ngáy đều tai của bè bạn hoặc một ả giang hồ đều đáng sợ như nhau. Mỗi khi trở lưng, đầu óc Phương luôn mông lung không chủ đích. Phương hay loáng thoáng nghĩ về những nàng Kiều tân thời vừa nâng cốc với anh. Trên dưới hai mươi, thậm chí thỉnh thoảng cũng có em bé mới mười lăm mười sáu. Họ trượt vào đời với lý do sinh kế. Họ khiến Phương cảm thấy khinh bỉ bản thân. Anh hay suy tư về đạo đức và các giá trị này nọ, trong khi không có những người như Phương, nghĩa là không cầu chắc chắn sẽ chẳng cần cung. Người đời khéo đặt tên trò trác táng là cuộc vui. Chính vì chữ vui lãng nhách, hết lần này đến lần khác Phương dẫm lên sự tởm lợm, hòa vào bè bạn. Hình như anh cố gắng trong tuyệt vọng, mong xem mặt mũi niềm vui méo tròn ra sao rồi trấn an bằng cách tự nguyền rủa mình. Dần dà Phương nhận thấy, hoặc cả dối lòng, tự vẽ vời cách soi nghiệm chiếc bóng con người quay cuồng trong chốn thê lương. Từ lũ mua vui đến bọn mưu sinh giữa không gian tệ hại có một điểm rất chung. Những khuôn mặt vô hồn nói cười không ngớt. Lặng lẽ và hời hợt, từng sợi thời gian lăn qua các đôi mắt trống rỗng thiếu sống động. Cùng kiếp trần ai, người đổ mồ hôi suốt ngày cho manh áo miếng cơm, kẻ động cỡn xả năng lượng thừa ra chiều khoái cảm. Những tuổi đời chợt lóe chợt tắt, già đi hoặc trẻ lại dưới ánh đèn màu văn minh đô thị chuyển động không ngừng nghỉ. Họ là ai và Phương là ai trong họ. Thứ rác rưởi này cơn bão nào sẽ dìm đắm?