Đề từ

Văn, trong thế giới Á Đông có ba thể loại chính: Một là Đại thuyết, tức kinh sách do các thánh nhân đưa lời, chấp bút như Lão Tử, Khổng Tử. Hai là Trung thuyết kiểu Hán thư, Sử ký của nhiều hiền sư. Tiểu thuyết xếp thứ ba, là những bức tranh được xem rất vụn vặt, đời thường. Thủy hử, Hồng lâu mộng trong số đó. Người Việt Nam ai cũng biết đến tác giả tiểu thuyết Thanh Tâm tài nhân vì thi hào Nguyễn Du đã dùng cốt truyện Đoạn trường tân thanh của ông soạn truyện Kiều.
Trong nguồn mạch truyền thống Á Đông, tác giả mạnh dạn kết hợp nguyên tắc chính của ba thể loại đã nêu viết nên quyển sách này. Qua những mẩu truyện cá nhân hư cấu nhỏ nhặt tôi đi tìm dấu tích Đại thuyết của thánh nhân, trải nghiệm sử chương của cha ông trong thời hiện đại. Âu cũng là bắt chước Jostein Gaarder dung hợp tiểu thuyết và lịch sử triết học trong tác phẩm rất thành công “Thế giới của Sophie”. Tuy nhiên do sức mọn, tài thấp, kết quả chẳng như ý. Đành mong quyển sách nhỏ này ra đời đánh dấu nỗ lực cá nhân hèn kém. Vẫn biết hư cấu chồng chéo, đôi khi mâu thuẫn, từ chương lộn xộn, đối thoại sáo kịch nhưng tác giả không thể làm gì khá hơn.
Quyển sách này được khởi thảo tại Hải Phòng ngày 20-7-1990. Hoàn tất ở Đà Lạt ngày 01-01-2001. Chỉnh sửa xong tháng 7-2004. Bao gồm 135 ngàn từ. Tác giả giữ bản quyền tuyệt đối. Mọi sao chép, thay đổi, chuyển thể phải được tác giả đồng ý thoả thuận bằng văn bản.
Tác giả thành thật xin lỗi người đọc nếu tình cờ những tên đất, tên người hoặc nội dung truyện trùng hợp thực tế. Rõ ràng văn học và đời sống luôn liên hệ mật thiết, nhưng không hẳn chúng chẳng hề có những khoảng cách nhất định.
Truyện cũng đã trích dẫn ý nghĩa một vài hình ảnh được liệt kê trong quyển Từ điển Biểu tượng Văn hóa Thế giới của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant. NXB Đà nẵng và Trường viết văn Nguyễn Du – 1997.
Ngoài ra còn rất nhiều kiến thức phổ thông, khái niệm triết học và dẫn chứng lịch sử được dung nạp nhưng tác giả không truy được nguồn gốc hay không tiện đề cặp nguồn gốc trong mạch văn liền lạc. Mong quý vị độc giả lượng thứ.