LỄ GIẠM

- Vai trò ông mai quyết định sự thành bại. Khi chàng trai và cha mẹ cậu ta đồng ý, bèn cậy người mai có uy tín đến nhà gái. Mặc dầu bên gái đã biết và đồng ý ở mức tương đối, lễ này rất cần thiết nhằm giữ thể diện cho nhà gái. Không mang theo qùa cáp gì cả, để tạo không khí thân mật, ông mai cùng đi với đôi ba người bạn của mình, từng quen biết nhà trái, lý tưởng nhất là cùng đi còn có đôi ba người bạn thân của nhà gái, để tạo ra sự thân mật từ lúc đầu. Dĩ nhiên, phải báo tin trước. Nếu là chỗ thân mật mang theo ít quà tượng trưng, như trái cây, hộp trà. Đã đến báo tin vui vẻ, xem như sự việc đạt yêu cầu được tám phần mười. Trong buổi sơ giao này, cha mẹ đàng tai không đi theo.
Lễ Giạm còn gọi là lễ “Chạm ngõ”, “Coi mắt”, “Ra mắt”.. ngày nay gần như không còn nữa. Trước khi giao ứơc sẽ thành hôn, thanh niên nam nữ ngày nay đã chung đụng dễ dàng, quen sẵn nơi xí nghiệp hoặc cơ quan lân cận. Chưa kể đến dịp tiệc tùng, sinh nhật, đi chơi Vũng Tàu gặp tình cờ hoặc có hẹn trước, lại còn những tụ điểm như khu phố, gặp nhau khi giao thiệp cùng ngành nghề mua bán, trong lớp học nghề. Cha mẹ đôi bên có lắm dịp gặp mặt nhau khi giao thiệp, làm ăn, thường là cha mẹ đôi bên đã tạm ưng thuận, chỉ còn thắc mắc về sinh kế tương lai của đôi trẻ, về nhà cửa sau nầy, hộ khẩu... Ông mai chỉ còn vai trò tượng trưng, lắm khi đóng vai trò ông mai “bất đắc dĩ” cho vui vẻ giữa người lớn tuổi với nhau. Ngày xưa, có lệ ông mai được phần thưởng là cái đầu heo, nay nhắc lại cho vui. Luật lệ ngày nay tôn trọng thanh niên nam nữ đã thành niên, việc cưới hỏi đôi khi lại không được sự chấp thuận vui vẻ của cha mẹ. Vả lại, cha mẹ thích con cái ra riêng, sống tự lập, ai đâu còn ruộng vườn mênh mông mà sợ chia gia tài. Tiền bạc, nhà ở quan trọng hơn.
Lễ Giạm hay Coi mắt này đã thay cho lễ gọi là “vấn danh” thời trước. Bỏ qua cũng không sao.
LỄ HỎI
Đây là lễ quan trọng, thay cho lễ “Nạp trưng” hay “Nạp tệ” thời trước. Lễ hỏi, gọi nôm na “Đám Hỏi”, còn được gọi là lễ “Đính Hôn”. Nếu hoàn cảnh cho phép, ngày nay ta có thể cử hành thật đơn giản, trong vòng một hai tiếng đồng hồ mà gieo được dư luận tốt cho gia đình, để rồi sau đó, đôi trai gái được khá nhiều tự do, nhưng cùng nhau xem xét, dạo chơi Thảo Cầm Viên, chơi vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu, đi công khai mà chẳng sợ tiếng tăm dị nghị. Trong dân gian, gọi khôi hài là lễ “Bỏ hàng rào thưa”, chàng trai mặc nhiên đã đặt cái “hàng rào” không chặt chẽ lắm đối với người yêu, xem như đặc quyền cho mình, kiểu “khoanh vùng”, đất đã có chủ, nạp hồ sơ, chỉ còn chờ thời gian là được cấp giấy “xác nhận chủ quyền”.
Trong gia đình nề nếp khá rộng rãi, lắm khi nhà trai cử hành lễ nhỏ, khiêm tốn, tại bàn thờ ông bà cha mẹ mình. Đại khái, người gia trưởng đốt nhang, khấn vái với nội dung:
- Hôm nay dòng họ nhà mình đến hỏi đứa con gái tên X, con gái của dòng họ Y cho đứa con trai dòng họ mình là A. xin ông bà cha mẹ (gia tiên) chứng giám và vui lòng phò trợ cho đôi trẻ được may mắn.
Nhà trai đến nhà gái, báo tin trước để nhà gái chờ đón. Lễ vật nhà trai mang theo gồm có (nếu đủ khả năng):
- 1 khay rượu, phủ khăn đỏ. Màu đỏ là tượng trưng của Phước, may mắn.
-2 cái quả (một đựng cau trầu, têm sẵn) một đựng đôi bông (hoặc hai chiếc nhẫn cưới). đây là loại quả nhỏ, cũng phủ khăn đỏ, thêm vài mâm (số chẵn) đựng rượu, mứt, bánh trà.
Họ đàng trai sắp hàng khi gần đến nhà gái một đại diện lớn tuổi, thường là ông mai đi trước một mình, theo sau có người bưng khay trầu rượu (thường là thanh niên, chàng rể phụ cho vững tay). Đằng gái cử người ra mời vào nhà. Ông mai trình bày lý do, xin phép cho chàng trai đến làm lễ hỏi, xin đặt khay trầu rượu trên bàn, giữa phòng khách. Nhà gái cười vui, tỏ lời ưng thuận bèn cử một người đại diện (không nhất thiết là cha cô gái) ra tận cửa để mời đoàn nhà trai vào. Khi vào, nên tuân theo thứ tự: Lễ vật mang vào trước, như mâm rượu, bánh, trái cây, sau đó mới đến ông mai, rồi người trưởng tộc đàng trai, thường là lớn tuổi. Kế đến, chú rể, chú rể bưng cái quả đựng lễ vật (nhẫn cưới, hoặc đôi bông). Sau chú rể là rể phụ bưng khay trầu tượu. Đôi đèn sáp là quan trọng, tự tay chú rể bưng, đặt lên trên cái quả vừa nói, không được giao cho rể phụ. Kế đến là cha mẹ chú rể, rồi bà con gần xa. Người khó tánh, tin vào số chẳn. Số lẻ được kiêng cữ vì lẻ có nghĩa là lẻ bạn, lẻ đôi, vợ chồng sau nầy không ăn ở bền lâu.
Đây là mức giản đơn ở thôn quê hoặc thành thị hồi trước 1945, Sài Gòn và Nam Bộ. Tục lệ khiêng con heo, cặp chóe đựng rượu quá cồng kềnh. Thời xưa, chẳng qua là muốn tạo khung cảnh đẹp mắt, cho vẻ vang dòng họ. Đáng lưu ý, theo cổ lệ, chỉ tặng đôi bông tai làm vật kỷ niệm. Đôi nhẫn cưới làp hỏng theo tục lệ châu Âu theo đạo Thiên Chúa nhưng gẫm lại gọn gàng, nên người Việt Nam sẵng sàng dung nạp, tiếp thu. Vả lại, các cô gái ngày này không thích kiểu bông tai thời xưa, sau nầy, nếu có tiền, các cô tha hồ thay đổi kiểu bông tai, theo thời trang có những hình dáng màu mè, với giá rẻ.
Thời xưa, xem trọng đôi bông tai. Câu ca dao: “Một mai thiếp có xa chàng, đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin” ngụ ý đôi bông là lời nguyền danh dự của dòng họ. Trả đôi bông, đồng nghĩa với ly dị. Đôi bông của chàng, thiếp trả cho chàng, chẳng còn vướng mắc gì cả. Nhưng đôi vàng, thiếp xin, vì đôi vòng vàng là “của chồng công vợ”, do hai vợ chồng cùng nhau làm kinh tế mà sắm, là tài sản chung. Chẳng phải vì cô dâu tham làm; đôi bông cân nhẹ hơn đôi vàng (vòng đeo cườm tay)
Thời xưa, nhà trai nếu khá giả thường mang thêm vài đôi vòng, dây chuyền, chiếc neo. Lắm khi số vàng này (ngoài bông tai) lại do đàng gái thương lượng trước, như là điều kiện tiên quyết. Lại bày chuyện phức tạp: Chàng rể phụ phải rót rượu vừa đầy, không nhểu ra ngoài, sau đó đại diện bên trai mời bên gái, và bên gái mời bên trai cùng uống, vì vậy, đặt sẵn trong khay hai chén rượu. Trầu thì têm sẵn bốn miếng, bốn miếng cau kèm theo dính vào nhau, không cắt rời. Ngày nay, vẫn tuân thủ mấy miếng trầu, tuy chẳng còn ai ăn, nhưng là nét bảo lưu bất di bất dịch, chứng tỏ từ Nam chí Bắc, ta vẫn nhớ đến tích Trầu Cau từ đời Hùng Vương xa xưa.
Sau khi uống rượu (lễ vật vẫn còn đặt ở cái bàn giữa nhà) lại cử hành nghi thức quan trọng nhất, gọi là “Lên Đèn”, cũng như trường hợp lễ Gia quan (đội khăn cho con) Người trưởng tộc đàng gái đứng ngay ngắn trước bàn thờ, đặt hai ngọn đèn cầy màu đỏ sát bên, trước mặt, có người trợ lý đốt đèn, chờ hai ngọn lửa lên tương đối cao, bèn dang hai tay ra, mỗi tay cầm một ngọn. Hai bên bàn thờ, sẵn hai người trợ lý, gắn đèn vào chân đèn. Trước khi dang tay, xá ba xa. Gắn ngọn đèn vào chân đèn phải cẩn thận, để đảm bảo ngọn đèn không rơi, không ngã, tạo ra điềm xui xẻo.
Xong xuôi, chàng rể bước vào lạy, theo lệnh của ông mai. Thông thường chàng rể lạy bốn lạy, lậy một mình. Sau đó, bày ra nghị thức lễ Công có: chàng rể lạy cha mẹ vợ, mỗi người lạy hai lạy, nếu còn ông bà thì lạy ông bà trước. Đôi bông taiđược đưa vào phòng, từ trước. Cô dâu bèn bước ra, đeo bôngtai, lạy ông bà chàng trai (nếu có) rồi xá chào (không lạy) cha mẹ chồng, tự xưng là “con” (con dâu”. Ông mai hoặc đại diện nhà trai đưa cô dâu đến giới thiệu bà con bên chồng, đi theo có chú rể.
Xong xuôi, đại diện nhà gái đưa vài lễ vật như trà mứt, tượng trưng lên cúng bàn thờ, nếu đàng trai mang rượu thì dùng rượu ấy mà cúng tổ tiên, với lời kấhn vái, giới thiệu tên họ chàng rể, cầu được tổ tiên chứng giám. Tiệc đơn giản bàyra. Theo lời của ông mai, người đại diện đàng trai (hoặc chính ông mai) đứng lên, nói rõ: “Đôi bên đã vui vẻ, buổi lễ đạt kết quả, bênđàng gái như đã đồng ý rồi”
Đại diện nhà gái đứng lên cảm ơn và nói rõ đã chấp thuận. Nếu có đôi nhẫn, dịp này trai gái đeo nhẫn cho nhau, hoặc nhờ người lớn tuổi đeo giùm. Ngày xưa, bày lễ dở mâm trầu, bố trí sẳn, do chàng trai đem đến. Nay phần lớn đã giản lược. Đáng lý ra, chàng rể phải “làm lễ”, chờ được phân công làm vài công việc lặt vặt. Lễ “ở rể” đã bỏ từ lâu. Trước khi ra về, nhà gái chú ý chia bánh mứt làm hai phần đồng đều, lấy một nửa, phân nửa kia đặt trở lại trong quả và trên mâm cho đàng trai mang về gọi là “dằn mâm”, “lợi quả”, “lợi mặt” (lợi phải chăng là “lại”, theo nghĩa trả lại phân nửa?)
Theo lệ, từ đó, gặp dịp Trung Thu, ngày Tết, đàng trai tiếp tục đem quà, đàng gái cũng đáp lễ. Thông thường, để cộc hôn nhân thành đạt, cần tránh dư luận của dòng họ, của chòm xóm, bới lông tìm vết về lý lịch của cô dâu chú rể. Bởi vậy, đàng trai cho người đến bàn bạc, định ngày cưới càng nhanh chóng càng tốt, chọn lựa lúc thời tiết nắng ráo, rảnh rang việc đồng áng. Lại đề phòng trường hợp ông bà mất, chịu tang, đành đình hoãn, chờ mãn tang. Thảo luận tỉ mỉ về chi tiết lễ cưới, ngày giờ rước dâu, đàng gái đến bao nhiêu người để chuẩn bị tiệc tùng, phương tiện di chuyển như thế nào, sở phí tiệc tùng bên đàng gái do ai đảm nhận.
Đáng lưu ý: để được cử hành nghiêm túc lễ: “Lên đđèn”, cần đoán trước khá chính xác ni tấc của đôi đèn, để gắn vào chân đèn cho chắc. Trên bàn thờ, thường đốt sẵn ngọn đèn trứng vịt nhỏ, tiêu biểu cho ngọn lửa “hương hỏa” của dòng họ. phải dùng ngọn nến nhỏ, đốt vào ngọn đèn dầu trên bàn thờ, rồi đốt ngọn nến lớn với ngọn lửa của nến nhỏ. Nếu vì lý do nào đó, dùng hộp quẹt “ga” mà đốt vào ngọn nến lớn thì mất hết ý nghĩa. Lửa tiêu biểu cho truyền thống, nối quá khứ của ông bà và hiện tại của con cháu.
Người lên đèn giữ thái độ nghiêm túc, chấp hai tay lại cho hai ngọn nến gần sát vào nhau. Khi xá, phải vòng hai cánh tay cho xa, như hình tròn, đề phòng trường hợp ngọn lửa cháy sát vào mặt, vào tóc. Lúc lên đèn, lúc chàng rể lạy, mọi người giữ im lặng, không nói chuyện riêng.
Ngày nay, lể Hỏi tuy cần thiết nhưng khó tổ chức. Chẳng ai đủ thời giờ, bỏ suốt một buổi, dầu là bà con, hoạ chăng người lớn tuổi thảnh thơi sống nhờ vả vào con cái. Ông mai, sui trai sui gái thường là người hoạt động kinh tế, làm ruộng, mua bán, làm việc ở cơ quan, bận rộn về tiểu thủ công nghiệp. Gặp nhau một buổi là xong, lúc rảnh rang thay cho lễ Hỏi. Nếu chưa quen biết nhau, đàng trai đến thăm đàng gái, nhờ người lanh lẹ nào đó làm mai mối, theo kiểu “ngoại giao lẻ”. Lại đỡ tốn thời giờ vận chuyển, cản trở lưu thông, bao thuê xe cộ. Quần áo, thậm chí những quả, mâ, bánh mứt đã có những hiệu chuyên làm dịch vụ. Quan trọng nhất vẫn là đám cưới để cho bà con vui vẻ, đồng thời sống trong không khí ấm áp của bạn bè ở chòm xón, chung xí nghiệp, hoặc những người dính líu gần xa đến sinh kế hằng ngày. Điều quan trọng vẫn là sinh kế, nơi ăn ở của cô dâu chú rể, nhất là sức khỏe, hợp tính tình, sở thích. Ở đô thị vợ chồng ăn ở không cưới hỏi, hoặc ăn ở một thời gian ngắn dài rồi ly tán không còn là biến cố lớn để cho chòm xóm bàn tán tháng này qua năm kia! Nhưng lễ nghĩa vẫn là quan trọng để thấy yêu đương cưới hỏi nào phải trò đùa. Cưới vợ, lấy chồng hợp ý là yếu tố quyết định cho cuộc sống, chưa nói đến tương lai con cái. Vả chăng, người Việt Nam vẫn trọng chữ “Hiếu”, làm hài lòng cha mẹ vẫn là yếu tố căn bản, dâu rể nên phấn đấu bản thân, nhờ vào sự xây dựng của bạn bè, bà con người lớn tuổi.