MỘT NGHỆ THUẬT “ TRƯỞNG GIẢ MỚI”

Cách đây 30 năm, ngành cải lương đã từng bị một số người công kích, cho rằng:cải lương tức là nghệ thuật bị phản bội. Số người công kích ấy so sánh cải lương và hát bội rồi đi đến kêt luận:
Tuồng hát bội được bố cục chặt chẽ, diễn viên tập luyện công phu, nội dung dồi dào ý nghĩa. Trong khi đó, tuồng cải lương nghèo nàn về nội dung.
Hát bội là ngành sân khấu cổ truyền, nên gìn gữ đừng cho mất gốc. Dầu sao đi nữa, cải lương cũng vẫn không tiêu biểu cho nền ca kịch nước nhà; xem cải lương tức là xem những trò xốn mắt của đám trẻ theo Tây học. Họ sửa đổi nhiều điểm nhưng rốt cuộc, nghệ thuật của họ thua xa hát bôi. Lối trình diễn của cải lương rất lai căng, đầu Ngô mình Sở, lai Tàu lai Tây...
Hai ba chục năm sau, cải lương nghiễm nhiên thâu phục bao nhiêu cảm tình của khán giả. Ngành hát bội thu hẹp dần dần, được khia thác, được quản trị theo qui mô tiểu công nghệ, gia đình. Trong khi đó các đại ban cải lương có nhiều nhu cầu to lớn hơn về tổ chức về vốn liếng, chẳng khác một hãng xưởng. Những nghệ sĩ cải lương thuộc vào hàng “ăn khách” có thể sống theo nếp tư sản, trưởng giả của mấy ông chủ xuất nhập cảng; nào xe hơi mới nấht, nào hột xòan, nào nhà lầu. Điểm khác là vốn liếng của nghệ sĩ được thâu hẹp trong phạm vi tài năng (dễ hư hao, dễ sụt giá) trong khi đó vốn liếng của các ông chủ xuất nhập cảng được bảo đảm tương đối hơn.
Ở nước ta, đã có ngành thống kê.
Chúng tôi đã tìm kiếm những con số về ngành nhưng chưa gặp. con số ấy chắc là khá to, quá mức tưởng tượng. Mỗi đêm, ở mềin Nam, tính trung bình có bao nhiêu đòan cải lương trình diễn? Họ thâu vào bao nhiêu tiền, xuất ra bao nhiêu? Và tính trung bình, mỗi tháng một người dân, một gia đình xem cải lương mấy lần? Sanh họat củacác đòan hát cải lương dính líu mật thiết với ngành thương mãi khác như thế nào?
Chúng tôi tin rằng số khán giả cải lương thật quá đông. Nhiều đòan hát ế giàn nhưng trong vài ngày nào đó, khán giả đến tràn ngập, giá vé phải bán chợ đen.
Cải lương là một lực lượng văn nghệ, có tác dụng phổ biến mạnh. Tuồng hát được trực tiếp truyền thanh qua làn sóng điện của đài páht thanh, được thâu đĩa, in thành tập sáhc bài ca bình dân và trở thành tiếng ru em trong gia đình, tiếng ca chèo ghe trên sông nước ở tận thôn xóm hẻo lánh.

*

°
Vài người nói với giọng “ưu thời mẫn thế”, “tha thiết với văn hóa” rằng: Cải lương là nghệ thuật...chẳng ra nghệ thuật. Nó thuộc vào lọai “hạ cấp”, “bình dân ngân hàng”, lời lẽ tuồng cải lương rất ngô nghê, động tác diễn xuất của đào kép cải lương lại thô kịch lố lăng.
Chưa hết! Còn những luận điệu trơ tráo phản dân chủ chứng tỏ người thốt ra là kẻ lạc hậu, thuộc phe Bảo Hòang: “Đào kép cải lương ít ăn học, đa số xuất thân là.. dân chăn trâu, hoặc gái ở mướn, gái cấy lúa, nghĩa là thiếu dòng máu “hòang tộc” hoặc “thực dân” chảy trong huyết quản”?
Và còn những bằng cớ về trình độ học lực kém thấp của sọan giả, của đạo diễn (vì đa số không có bằng cấp “đít lôm” chăng?). Hoặc họ không biết nói tiếng Pháp, tiếng Anh?
Ngòai ra, nhiều người “hạ giá” ngành cải lương, xuyên qua những tin vắn dài trong nhựt báo: nào đào kép đánh lộn, hút á phiện, đổi thay tình chồng nghĩa vợ như cơm bữa. Nghĩa là cải lương gây ra hoặc dung túng những chuyện thiếu đạo đức!
Các luận điệu trên đây khác luận điệu hồi 30 năm trước.
Nói rằng cải lương là hạ cấp, chúng tôi e quá lầm. Nhiều tuồng cải lương có nội dung khá cao, nào kém tuồng xi nê lọai B hoặc tiểu thuyết xã hội tình cảm. Khán giả cải lương rất khó tánh, muốn sọan ra một tuồng để “hốt bạc” đâu phải dễ. Hát quá dở, khán giả phản đối công khai, hoặc bỏ về, đồn đải. Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy số khán giả cải lương bao gồm mọi giới mọi ngành. Người thuộc vào từng lớp trí thức xem hát đâu phải ít: nào bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, sĩ quan cao cấp.
Điều kiện cấp bằng nêu ra đối với nghệ sĩ sân khấu dường như không hợp lý. Nghệ sĩ sân khấu cần có công phu luyện tập và khả năng thiên phú. Có bằng cấp càng tốt, nếu thiếu cũng chẳng hại bao nhiêu. Các tài tử nổi danh ở Âu mỹ, có học, có bằng cấp nhưng đấy chỉ là trình độ trung bình hoặc hơi thấp so với dân chúng trong nước họ.
Trong ngành cải lương, muốn thành công, trở thành đào kép chánh, chẳng đi quanh về tắt hoặc “nhảy dù” được đâu mà hòng; tuổi nghề ít nhứt là 8 năm hoặc 10 năm thì mới đạt được, nếu người ấy có sẵn chân tài!
Về trình độ sọan giả, chúng ta thấy rằng đa số người nổi danh đều có “một cái gì” mới đứng làm nòng cốt cho đòan hát được.
Nhiều tuống tích ‘ngọai lai”, với nhiều lớp vọng cổ, khiến vài khán giả bực mình. Số khán giả khó tánh nầy căn cứ vào tiêu chuẩn thọai kích Tây Phương để phê phán kỹ thuật cải lương. Nhưng thọai kịch là thọai kịch, cải lương là cải lương. Xem cải lương là xem hát, lẽ dĩ nhiên giọng hát chiếm một địa vị quan trọng. Ta không nên mơ ước rằng một ngày tươi sáng nào đó, thọai kịch sẽ đánh đuổi, thay thế cải lương... theo đà “tiến hóa”. Ngày ấy chẳng bao giờ đến cả! Nhiều ký giả viết bài phê bình từ năm 1950 cho rằng trong vài năm nữa là cải lương tan rã. Nhưng đến nay, nếu có đòan cải lương rã, đổ nợ là vì lý do quản trị chớ không phải vì cải lương đã bị quảng đại đồng bào đả đảo, đòi hỏi thọai kịch.
Nhưng thọai kịch Hy Lạp, Anh, Pháp...vẫn thích nghi với ngôn ngữ địa phương. Có kẻ chê cười: “Hòang tử Ai Cập...làm sao biết ca cọng cổ? Thời Cổ ai Cập làm gì có vọng cổ! Kẻ ấy tại sao không lên tiếng chê Racine, chê Shakespeare vì ông nầy đã bắt buộc người La Mã nói tiếng Anh hoặc người Hy Lạp nói tiếng Pháp? Nếu nậhn định như vậy, làm sao có nghệ thuật? Làm sao nghệ thuật gắn liền được với khán giả, với dân tộc?
Cách đây chừng 10 năm hoặc 20 năm, bao nhiêu tiện nghi, bao nhiêu món ăn vật chất hoặc tinh thần thứ “ngon” đều nằm trong tay một số người gọi là trưởng giả. Sau Đệ nhị thế chiến, quá nhiều sản phẩm vật chất, tinh thần – nhắm cung ứng cho từng lớp trưởng giả - được các cường quốc xuất cảng dồn dập qua các dân tộc chậm tiến.
Dồi phấn, thoa son, đi guốc cao gót, mặc áo ny lông,uốn tóc ngắn...đâu còn là đặc quyền của thiểu số. Sắm máy thâu thanh, xem điện ảnh, đọc báo, đọc tuần san là điều mà ai cũng hưởng được, dầu là anh phu đạp xích lô hoặc chị gánh nước. Mặc áo sơ mi, đi giày, thắt cà vạt, chào nhau bắt tay “bủa xua” đâu còn là đặc quyền, là dấu hiệu của giới thượng lưu ở thành thị. Bộ mặt nông thôn cũng thay đổi khá nhiều.
Vai trò củap hụ nữ ngày nay trở thành quan trọng. Bà nội trợ có quyền đi dạo phố, xem báo, xem tiểu thuyết, quyết định việc mua sắm quần áo, bàn ghế, báo chí torng gia đình. Các bà đòi xem hát, ngồi bên cạnh chồng. Dân chủ tức là đàn bà được ngang hàng với đàn ông, ngang hàng về tinh thần, về thưởng thức nghệ thuật, về phê bình nghệ thuật.
Sống trong trào lưu trưởng giả nầy, nói chung, mọi người chúng ta đều cố gắng để ra vẻ trưởng giả chút ít cho kịp với thiên hạ.
Sự cố gắng ấy khiến các nghệ sĩ và chúng ta “bê bối”, vì làm vô tiền một đồng mà xài ra đến một đồng rưỡi. Nếu nghệ sĩ cải lương mang nhiều tật bê bối thì đó chỉ là phản ảnh của hòan cảnh chung trong xã hội. Khi một văn sĩ Việt Nam cố đóng vai trò của Sartre, Camus, khi một thương gia Việt Nam học đòi vẻ mặt hơi lạnh của vua dầu lửa Rockfeller.. thì một cô đào trẻ ăn khách cũng vay nơi để vươn lên, đi xe Huê Kỳ, tặng chữ ký, tặng ảnh, vẫy ngón tay đem hột xòan để chào mừng khán giả mộ điệu bốn phương, và nở nụ cười của Liz Taylor hoặc công chúa Margaret!
Để đáp ứng nhu cầu mới mẻ ấy, từ 10 năm qua, ngành cải lương đã thay hình đổi dạng rõ rệt, lột thêm một lần xác để bơi lội trong một lọai không khí Trưởng giả mới.
Vì không nhận thấy sự tất yếu ấy nên nhiều người đứng tuổi đã than phiền, cho rằng cải lương 1965 đã thụt lùi, so với cải lương hồi thời Năm Châu – Phùng Há.
Ngày nay, mỗi người bình dân đều phải thở không khí trưởng giả, khóac lấy nếp sống trưởng giả để giao thiệp, tìm sanh kế. Mỗi người đều ôm ấp giấc mộng trưởng giả.
Số người trưởng giả bị lạm phát! Đó là điều đáng mừng hay là đáng buồn? Số nghệ sĩ cải lươngcg đã bị lạm phát vì sự đòi hỏi về cải lương của quần chúng càng ngày càng mạnh.
Người Trưởng giả mới, ngày nay khác với người Trưởng giả cũ thời Pháp thuộc (tức là các ông công chức cao cấp, các ông điền chủ, đốc phủ sứ già).
Cải lương của thời buổi nầy đảm nhiệm vai trò khó khăn, phức tạp. tuồng cải lương, cách diễn xuất hồi thời vàng son của Năm Châu – Phùng Há đã trở nên tù túng. Lớp người “trưởng giả mới” sau Đệ nhị thế chiến đã đọc tiểu thuyết phiêu lưu, xem phim ái tình cuồng nhiệt, ao ước cuộc sống không biên giới, mang bịnh du lịch xuất ngọai để viếng thăm cảnh xa lạ. Họ muốn thu thập một sự hiểu biết bách khoa, quán thông kim cổ, từ Đông sang Tây... họ muốn biết nếp sông ở Trung Hoa, Nhựt Bổn, Mông Cổ, Ấn độ. Họ ao ước thả hồn vào hòang cung Ba Tư, dạo chơi trên hè phố La Mã, hái cánh hoa anh đào bên Phú Sĩ Sơn, với người yêu. Và họ rất thèm yêu. Nhưng trong khi ôm ấp giấc mộng hữu lý ấy, họ còn bận bịu nhiều vấn đề khác. Con cái của họ đang “nổi lọan” đòi nhảy túyt, vợ con họ đòi quyền dân chủ, đòi quyền hưởng thụ trong gia đình và phô trương ngòai xã hội. Sống cách nào bây giờ? Tiền bạc đâu? Nhức đầu quá! Làm sao giữ đạo lý?
Cải lương miền Nam ngày nay theo kịp sự đòi hỏi đó. Các tuồng tích được bố trí mới mẻ hơn, trữ tình hơn, không câu nệ hình thức: nào tuồng Ai cấp, nào utồng Ba Tư, nào.. con sen “trưởng giả” hoặc chị bán chè đậu “trưởng giả” trên sân khấu, biết nói “vâng, chào ông” với khách hàng.
Cải lương đáp ứng kịp thời cảm quan củap hụ nữ. thời xưa, tuồng tích chỉ viết để đáp ứng cảm quan phiến diện của bọn mày râu, như vậy là thiếu dân hcủ. Ngày nay, các tuồng tích đã khia thác những “miếng” ăn khách, trữ tình, đánh trúng tâm lý phái yếu, vì phái yếu là số khán giả uqyết định cho sự thành công hoặc sự gãy đổ về tài chánh của đêm hát.
Ngành Cải lương vẫn duy trì được dân tộc tính, nếu chưa phát huy. Khán giả rất công bằng; họ dễ dãi về hình thức nhưng khác khe về nội dung. Nước ta, từ ngàn xưa, vẫn theo truyền thống tam giáo, nhứt là ảnh hưởng của văn hóa phật giáo mà tiến lên. Nhân vật trong vở tuồng dầu lố lăng, đánh gươm Nhựt, nhảy mạm bô hoặc mặc áo sơn cước, thổi còi ở miền Bắc Cực...đều có thể tha thứ, chấp nậhn theo tinh thần dân chủ, trưởng giả. Điều quan trọng là nhân vật chánh, nhân vật phụ ấy phải được giải quyết ở màn chót theo tinh thần Trí, Bi, Dũng, theo luật quả báo của Phật giáo, bất luận họ ở nước nào, thời nào.
Đứng về phương diện ấy mà xét, chúng ta thấy rõ: tiền đồ của cải lương còn sáng lạn. Tuy mang hình thức, ngôn ngữ, ý phục phức tạp nhưng cải lương có thể gần dân tộc. Các bà bầu gánh, các nghệ sĩ, các sọan giả dầu muốn hay không đều phải ép mình, chan hòa vào tình cảm dân tộc, vào giáo lý Phật giáo. Phật giáo là phép mầu, dung hòa mọi mâu thuẩn, chỉ nẻo cho con người thóat khỏi những cảnh ngộ éo le, khó xử nhứt.
Nếu thóat khỏi luân lý ấy, cải lương sẽ là cái xác không hồn, là vở tuồng.. Ba Tư mà khán giả Ba Tư và khán giả Việt Nam đều chê!
Ngày ấy chắc không bao giờ có.