Thủ-Huy thở dài: - Triều đình thấy thái-tử đột nhiên mất tích, ắt tâu xin hoàng thượng lập người khác. Mà phụ hoàng của đại ca chỉ là cục bột luộc. Thái hậu bất cần triều đình, bà tự quyết định, bà không ngại ngùng gì mà không đăët một người em nhỏ nhất của đại ca, mới hai, hay ba tuổi lên thay thế. Sau đó bà tha hồ thao túng. Bọn ngoại thích tha hồ hoành hành. Cứ cái đà đó, quyền hành trong tay chúng, rồi một mai hoàng thượng băng hà, chúng sẽ cướp ngôi. Ngô Giới mỉm cười: - Thiếu hiệp thực là thần đồng. Bần đạo biết thái-hậu không muốn hại con, hại cháu mình. Người cũng không muốn ngôi vua về họ khác. Nhưng cái thế nó như vậy, thì bà đành nhắm mắt đưa chân. Bần đạo xin dẫn sử Trung-quốc, ít nhất đã có hai hay ba việc tương tự xẩy ra rồi. Gì chứ Bắc sử thì Long-Xưởng được Thái-phó giảng rất kỹ, vương vẫy tay cho Ngô Giới im lặng, rồi nói: - Cái gương thứ nhất là khi Cao-tổ nhà Hán băng hà, Lã thái hậu chuyên quyền. Bà hại cả con, lẫn cháu, tàn sát tôn thất. Bà dự định cướp ngôi của cháu, trao cho họ Lã. Khi bà băng rồi, thì hoàng tộc nhà Hán, cùng bách quan xúm vào tru diệt ba họ nhà bà. Gần đây, Võ Tắc-Thiên cũng chuyên quyền, cũng tàn sát tôn thất, cũng hại con, hại cháu, cũng định cướp ngôi đem về cho họ mình... Rồi khi bà băng, ba họ nhà bà cũng bị giết sạch. Ngô Giới càng tỏ vẻ kính phục Long-Xưởng: - Đúng vậy! Với hai cái gương lớn đó, thái-hậu đành ra tay, để cứu ba họ nhà mình, ba họ của người tình Đỗ Anh-Vũ. Bà sai Nghi-tàm song ma đón đường bắt cóc vương gia. Hiểu cháu không ai bằng bà. Bà biết vương gia quá thông minh, không dễ gì Nghi-tàm song ma thành công. Nên chi bà cẩn thận hơn. Bà sai đô đốc chỉ huy hạm đội Aâu-Cơ đón vương gia ở bến Vị-hoàng. Quả nhiên ông ta thành công. Y nhìn Nhất-Liễu cười, rồi chỉ vào Lưu Kỳ: - Đô đốc! Giữa lúc đô đốc thành công, thì bọn bần đạo xuất hiện. Bởi bần đạo cũng đón đường mời vương gia. Cho nên bần đạo phục ở đây từ hai hôm nay rồi. Bần đạo ra quân chỉ với mục đích đón vương gia, thảo luận về ích lợi chung của Tống-Việt. Bần đạo tuyệt không ngờ mình lại gặp thêm một may mắn thứ nhì, là mời thêm được nghĩa đệ của vương gia nữa. Rõ thực cổ nhân nói: Chủ ý trồng hoa, hoa chẳng mọc, vô tình tiếp liễu, liễu xanh um. Y nhìn Thủ-Huy: - Khi thấy vương gia thoát được tay Nghi-tàm song ma, bần đạo cứ tưởng chúng bị mắc mưu vương gia. Bây giờ bần đạo mới biết, không rõ cơ duyên nào mà vương gia lại kết huynh đệ với thiếu hiệp đây. Chắc khi Song-ma đón đường vương gia, thì bị thiếu hiệp đây đánh cho mất mạng. Có phải thế không? Biết Ngô Giới hiểu lầm, nhưng Thủ-Huy cũng cười: - Bọn ma quỷ đó bị tiểu bối dùng làm trò cười ở trong một tửu lầu. Long-Xưởng thấy Ngô Giới chỉ nhấn mạnh vào việc thái-hậu sợ một mai bà băng hà, hay ta nắm được quyền sẽ giết cả họ Đỗ Anh-Vũ, họ thái-hậu. Y không đả động gì đến việc thái-hậu tư thông với Lưu Kỳ, đang chuẩn bị phế phụ hoàng xuống, lập y lên làm vua, rồi phụ thuộc Tống. Trong lòng người thiếu niên này nảy ra một kế: - Chúng đã dấu ta việc này, thì ta cũng làm như không biết để dễ đối phó. Giữa Ngô với Lưu có hai mục đích khác nhau. Ngô Giới làm chánh sứ, chưởng môn phái Hoa-sơn, có nhiều đệ tử, có nhiều quyền hành, thì chủ tâm là tìm võ kinh. Trong khi Kỳ, không quyền, không lực lại muốn làm Giao-chỉ quận vương. Hiện bao nhiêu người trên thuyền này đều là thuộc hạ của Ngô... mà Lưu chỉ có một mình. Ngược lại Lưu ỷ là tình nhân của Thái-hậu, y lên mặt với Ngô. Ta phải chia rẽ hai tên này mới được. Long-Xưởng nghĩ đến tích cũ: Xưa Khai-Quốc gặp Yên-vương Triệu Nguyên-Nghiễm, rồi nhún nhường đôi chút, để kết thân với nhau, việc này đem lại cho Tống-Việt 80 năm thanh bình. Nghĩ vậy Long-Xưởng ngồi ngay ngắn lại, rồi nói như một Thiên-tử giữa triều đình: - Này Ngô tuyên-vũ sứ. Tuyên-vũ sứ sang Đại-Việt này bề ngoài thì là mật sứ, mà bề trong để tìm vũ kinh. Cái gã vua Thiệu-Hưng đã chẳng tử tế gì thì Tuyên-vũ sứ chỉ nên dồn nỗ lực vào việc tìm vũ kinh, để đưa phái Hoa-sơn trở lại địa vị Thái-sơn Bắc-đẩu. Cô gia đang có đôi điều khó khăn, Tuyên-vũ sứ cũng có những nan giải. Tại sao chúng ta không hợp với nhau, cùng dựa vào nhau mà hành sự? Ngô Giới cung tay vái Long-Xưởng, Thủ-Huy: - Trí tuệ vương gia thực vô cùng! Như vương gia luận: Ba món hàng bầy bán, bần đạo đã ra giá. Giá không cao lắm. Mong vương gia, thiếu hiệp cho biết tôn ý? Từ đầu đến cuối Nhất-Liễu không nói một lời, bây giờ y mới lên tiếng: - Ba món hàng mà Tuyên-vũ sứ bầy bán là những món gì? Ngô Giới không trả lời Nhất-Liễu. Y mỉm cười bí hiểm, đưa mắt nhìn Thủ-Huy, Long-Xưởng. - Đại ca! Thủ-Huy đáp không suy nghĩ: Đệ chỉ có thể trả giá được một món hàng mà thôi. Đệ đồng ý chép lại tất cả võ công Hoa-sơn đệ học được cho Ngô đạo sư trong vòng một tuần (Tuần thời xưa là 10 ngày). Còn hai món kia để đại ca định liệu, bởi nó ngoài tầm tay của đệ. Long-Xưởng thừ người ra suy nghĩ. Khoảng hơn trăm tiếng đập tim sau Vương cũng chưa quyết định. Ngô Giới thúc: - Vương gia còn suy nghĩ gì nữa? Đại phàm một đấng minh quân, thì phải quyết đoán cho mau lẹ, chứ đâu lại trì nghi như vậy. Những lời đối đáp giữa Ngô Giới, Long-Xưởng, Thủ-Huy bao hàm ý tứ cao xa quá, ngoài sự suy tư của Nhất-Liễu, khiến y tự nhủ: - Ngô Giới là một đại hào kiệt Trung-nguyên, tuổi trên năm mươi, thì y trông rộng nhìn xa là chuyện bình thường rồi. Nhưng thái-tử với người em kết nghĩa này, mới bấy nhiêu tuổi, mà đã vượt xa mình. Hèn gì thái-hậu với hàng trăm đại thần, đã phải mất biết bao nhiêu tâm huyết để đối phó. - Được rồi! Cô gia đồng ý mua. Vậy Tuyên-vũ sứ cho xem hàng đi. - Một là, với địa vị của thái-tử, vương gia ban chỉ cho toàn thể gia thuộc của bần đạo, của Lưu sư đệ và con cháu Nhạc Phi được vào ẩn cư tại trấn Nghệ-an. Lại xin được cấp đất, được sinh sống như dân Việt. Việc này phải tuyệt đối giữ bí mật, không thể cho triều Tống biết. Long-Xưởng nghĩ thầm: - Nhạc Phi bị giết cả nhà, làm gì còn ai mà vào Đại-Việt ẩn thân? Bọn Ngô Giới là những người cầm đầu phái Hoa-sơn. Phái này đang đắc thế tại triều Thiệu-Hưng, thì chúng kéo gia thuộc sang đây ẩn thân là điều vô lý? A, chắc y muốn đem các cao thủ vào Nghệ-an, để chuẩn bị cho cuộc phế lập đây. Khi phụ hoàng ta bị phế, có thể quan quân từ Thanh-nghệ, Trường-yên kéo về cứu giá, nên chúng mưu đem người vào mai phục sẵn đây. Muôn ngàn lần ta không mắc mưu chúng. Aâu là ta cứ ừ cho chúng vào, rồi thình lình đem giáp sĩ kiềm chế hết. Bấy giờ xem ai tài trí hơn ai? Nghĩ vậy Long-Xưởng đáp: - Cô gia thuận với giá ấy. - Ba là, nếu như sau này, hào kiệt Trung-nguyên đem được vua Tĩnh-Khang về, mà Thiệu-Hưng hoàng đế không chịu trả ngôi vua cho anh, đương nhiên giữa hai bên sẽ có chiến tranh. Vương gia phải theo về Tĩnh-Khang hoàng đế, và đem quân ép phía sau Thiệu-Hưng. - Được. - Vậy chúng ta phải thi hành ngay từ hôm nay. Bây giờ Nhất-Liễu mới hiểu ba món hàng mà Ngô Giới đưa ra là ba điều kiện: Thủ-Huy phải chép võ kinh Hoa-sơn cho Ngô Giới. Hiện Ngô Giới muốn suất lĩnh hào kiệt Trung-nguyên đánh thốc lên Bắc đem vua Tĩnh-Khang về, ngặt vì y sợ làm như vậy, lỡ thất bại thì Thiệu-Hưng đế sẽ tàn sát gia thuộc y. Cho nên y phải đem gia thuộc sang kiều ngụ ở Đại-Việt trước. Y lại sợ khi đem vua Tĩnh-Khang về, Thiệu-Hưng đế không chịu trả ngôi vua cho anh, rồi có chiến tranh. Y xin thái-từ hứa sẽ giúp hai vua, không được giúp Thiệu-Hưng. Cứ như ý Ngô Giới, y không nói đến vua Tuyên-Hòa, như vậy thì ông này chết rồi đây. Long-Xưởng nghĩ ra một chuyện, vương hỏi Ngô Giới: - Này Ngô Tuyên-vũ sứ, chúng ta đã thỏa thuận với nhau rồi, thì Tuyên-vũ sứ cũng không nên dấu diếm cô gia điều gì nữa. Thế Mao Khiêm hiện ở đâu? Ngô Giới giật bắn người lên. Việc y với Lưu Kỳ, Mao Khiêm sang tiềm ẩn tại Đại-Việt từ mấy năm nay. Y tưởng chỉ Thái-hậu biết. Không ngờ bây giờ Long-Xưởng hỏi thẳng vào vấn đề. Y đáp lơ mơ: - Y ẩn hiện không chừng. Nếu muốn, vương gia cứ theo dõi bọn Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên là tìm ra tung tích y ngay. Chứ bần đạo thì không thể trả lời vương gia được. Long-Xưởng nhủ thầm: - Tất cả những ưu tư của mẫu hậu, của mình, của Thái-sư Lưu Khánh-Đàm, của Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền có ba. Một là, tìm thiếu niên có tài, có đức hạnh phong làm Thiện-nhân cho mình. Hai là, cố tìm ra căn cước bọn mật sứ Tống ẩn ở Đại-Việt. Ba là, tìm tông tích tên Mao Khiêm. Chuyến đi của mình chỉ với mục đích mời phái Đông-A tham dự đại hội Lộc-hà, cùng cho đệ tử ứng tuyển võ, bổ vào các chức võ quan. Không ngờ mình lại gặp nhị đệ Thủ-Huy. Y thừa khả năng làm Thiện-nhân. Mình lại tìm ra đầy đủ tông tích sứ đoàn. Cũng nhờ sứ đoàn mà mình biết rõ cái nguy mà thái-hậu đã chăng lưới xung quanh họ Lý, xung quanh mình. Ngô Giới nắm lấy tay Thủ-Huy: - Trần thiếu hiệp, sự việc đã sáng cả rồi. Vậy xin thiếu hiệp cho bần đạo biết ba điều. Một là, cao danh, quý tính của phụ thân, cùng nội tổ của thiếu hiệp. Hai là, thiếu hiệp thuộc chi nào của bản phái? Ba là, thiếu hiệp kết huynh đệ với Hiển-Trung vương từ bao giờ, trong trường hợp nào? Thủ-Huy nghĩ thầm: - Y đã nhận mình là người đồng môn, mà còn định bắt mình về núi Hoa-sơn, thì y chẳng tử tế gì. Đã vậy mình bịa ra cho y điên đầu chơi. Nghĩ vậy nó nói: - Ban nãy tiểu bối đã nói với đạo sư rồi mà! Tiểu bối họ Trần, thì dĩ nhiên bố tiểu bối, ông tiểu bối cũng họ Trần. Bố tiểu bối tên Kế-Vy. Kế là mưu mẹo, vi là nhỏ bé. Còn ông nội tiểu bối ư? Người có tên là Chữ-Sách. Ông tiểu bối cũng như bố tiểu bối làm nghề đánh cá, cầy cấy, nên võ lâm không ai biết tên cả. Còn tiểu bối thuộc chi nào của bản phái thì tiểu bối không biết. Đạo sư muốn biết thì cứ về quê tiểu bối mà hỏi các người. - Như vậy nội tổ, phụ thân của thiếu hiệp không phải là người của võ lâm Đại-Việt sao? - Tiểu bối không biết. Khi ông tiểu bối dạy võ công cho tiểu bối, thì tiểu bối chỉ biết tập. Tiểu bối không hề hỏi, mà ông tiểu bối cũng không hề nói người thuộc phái nào. Tiểu bối đoán là phái Hoa-sơn. Vì vậy tiểu bối xưng là đệ tử phái Hoa-sơn. Long-Xưởng biết Thủ-Huy đùa bọn Ngô Giới, y cũng tung hỏa mù khiến cho Ngô Giới càng hoang mang thêm: - Này Tuyên-vũ sứ. Không biết bằng cách nào đó tiền nhân của nhị đệ lại có bộ Vô-Trung kinh, rồi luyện thành. Cô gia sợ bốn vị Hoa-sơn tứ đại thần kiếm của quý phái, cất võ kinh đâu đó, tổ phụ của nhị đệ tìm được rồi luyện thành. Vì vậy Tuyên-vũ sứ có tìm kiếm cũng vô ích. Tuyên vũ sứ muốn có bộ này, thì một là phải dùng lực, hai là dùng tình. Trước hết là dùng lực. Tuyên-vũ sứ nghĩ xem, nhị đệ mới tý tuổi, thời gian luyện tập không làm bao, mà y đã có bản lĩnh đáng kể. Cứ đó mà suy, thì bản lĩnh nội tổ, phụ thân của y sẽ cao thâm đến mức nào? Liệu Tuyên-vũ sứ có thể dùng võ công áp chế các người để lấy võ kinh không? Ngô Giới trả lời bằng cái lắc đầu. - Đã không dùng lực được, thì phải dùng tình. Dùng tình thì phải nhờ đến nhị đệ của cô gia. Ngô Giới gật đầu công nhận lý luận của Long-Xưởng. Y hỏi Thủ-Huy: - Thế thiếu hiệp kết bạn với Hiển-Trung vương từ bao giờ? Trong trường hợp nào? Thủ-Huy chưa kịp trả lời, thì một thuyền phu chạy vào cung tay với Ngô Giới: - Thưa đạo sư, có năm chiếc thuyền đánh cá dàn ngang qua sông, bọn đệ tử dùng loa bảo chúng tránh ra, mà chúng không chịu tránh. Xin đạo sư định liệu. - Chúng ta cần dấu thân phận. Không nên gây sự với người. Cho thuyền chạy chậm lại. Nói rồi y đứng dậy lên sàn thuyền. Bọn Long-Xưởng cũng lên theo. Lão Nhất-Liễu không thấy con thuyền của mình với đám thủ hạ đâu, lão hỏi: - Ngô Tuyên-vũ sứ... Lão chưa nói hết câu, thì Lưu Kỳ đã cướp lời: - Lý đô đốc khỏi bận tâm. Tại hạ đã trói họ lại, rồi cho neo thuyền giữa sông. Trong năm ngày nữa họ mới chết đói, chứ chưa chết ngay đâu. Vì thuyền của đô đốc là chiến thuyền, thì dân thuyền đâu dám lại gần? Lý đô đốc đừng chửi tại hạ rằng tàn nhẫn. Tại hạ phải làm ác, chẳng qua cũng vì tự bảo vệ tính mệnh mà thôi. Nhược bằng tại hạ tha cho họ về, thì hạm đội Âu-Cơ được tin đô đốc của họ bị bắt, họ sẽ đuổi theo làm thịt cả bọn tại hạ. Năm con thuyền đánh cá nhỏ đang dàn ra kéo lưới. Trên mỗi con thuyền chỉ có một thiếu nữ. Năm thiếu nữ trang phục giống nhau, quần mầu đen, còn áo thì năm mầu khác nhau: vàng, trắng, đen, xanh, hồng. Các thiếu nữ này tay kéo dây lưới, tay kéo dây điều khiển cánh buồm, chân để lên cần lái. Trong năm con thuyền, con thì nghiêng đi gần muốn lật, con thì quay tròn, con thì vọt tới, con thì cất cao mũi lên... Cả năm con dập dềnh trên sóng, thế mà năm cô gái vẫn đứng vững. Ngô Giới nói với Lưu Kỳ: - Sư đệ xem kìa, tại sao lại có sự trùng hợp lạ lùng thế này nhỉ? Họ trang phục giống như Ngũ-nhạc của chúng ta. Hay họ là người của bản phái? - Có thể. Vì trong bản đồ, tổ sư ghi lại rằng chỗ người bị giam lỏng cũng gần đây thôi. Đó là một con sông nhỏ, nhánh của con sông này. Biết đâu họ chả là đồ tử đồ tôn của bốn ngài. Chúng ta phải cẩn thận. Ngô lại than một mình: - Người Việt giỏi thủy tính thế kia, hèn chi mỗi lần Trung-thổ thủy chiến với họ đều thất bại cả. Lưu Kỳ cầm loa hướng vào năm con thuyền đánh cá gọi lớn: - Xin các vị tránh ra, bằng không thuyền tôi đụng phải thì nguy lắm. Thiếu nữ áo trắng hướng mặt lên cười lớn: - Làm sao mà đụng được nhỉ? Ông có giỏi thì cho thuyền ông đụng thuyền tôi thử coi, xem thuyền ai vỡ nào? Lưu Kỳ ra lệnh cho tài công: - Người cho thuyền mình đụng thuyền thị cho thị hết bướng. Tài công kéo tay lái cho thuyền quẹo sang trái. Khi thuyền đinh sắp đụng phải thuyền của thiếu nữ áo trắng, thì cô giật mạnh tay buồm một cái, con thuyền của cô vọt ra xa đến hơn trượng. Cô lại ngửa mặt lên cười: - Ùi cha! Thử đụng cái nữa coi? Tài công lại kéo tay lái. Hai con thuyền gần như đụng vào nhau. Thiếu nữ áo trắng lại giật tay buồm. Con thuyền nhỏ vọt về phia trước, thành ra thuyền của cô bây giờ lại ở bên phải thuyền đinh. Cô cười: - Ôi! Lái dở như vậy, mà cũng đòi đe dọa người? Có ai dám xuống đây chơi với chị không nào? Bị khiêu khích, Lưu Kỳ vốn tính nóng như lửa. Y bảo đạo sĩ mặc áo trắng, tức Tây-nhạc Hoa-sơn tử: - Sư đệ, người cũng mặc áo trắng như thị. Người nhảy xuống thuyền thị, điểm huyệt, rồi bắt lên đây cho thị biết tay anh hùng. Tây-nhạc dạ một tiếng rồi tung mình nhảy xuống thuyền cô gái áo trắng. Khi y rơi gần tới thuyền cô, thì cô vung tay lên. Cái lưới tỏa ra như nơm chụp lấy y. Y nằm gọn trong lưới. Cô giật lưới một cái, y rơi vào giữa lòng đò đến rầm một tiếng. Lạ một điều y rơi không mạnh, mà nằm bất động. Cô gái reo lên: - A ha! Được con cá trắng lớn quá. Nói rồi cô giật mạnh tay buồm. Con thuyền của cô vùn vụt lao về phía trước. Ngô Giới ra lệnh: - Kéo buồm lên! Chèo thực mau, đuổi theo! Trong khi từ Ngô Giới cùng đám đệ tử đang chú ý vào biến cố, thì Thủ-Huy nói sẽ vào tai Nhất-Liễu, Long-Xưởng: - Đại ca, Lý đô đốc! Thế bắt buộc chúng phải đuổi theo để cứu người. Chúng ta chờ dịp nhảy xuống nước, rồi bơi vào bờ thoát thân. Hai người gật đầu, cùng chạy lại mạn thuyền bên phải, giả xem trò náo nhiệt. Bốn con thuyền đánh cá còn lại dàn hàng dọc chạy song song bên hông thuyền đinh. Cả bốn con thuyền đều vang lên tiếng âm nhạc hòa tấu rất êm tai. Ngô Giới kinh ngạc vô cùng, khi thấy bốn cô gái, điều khiển cho thuyền chạy theo thuyền mình, mà tay vẫn đánh đàn bầu. Y hỏi Long-Xưởng: - Vương gia! Vương gia có biết tại sao, cả bốn cô chỉ đánh có một loại đàn, mà lại có tiếng trống, tiếng phách, tiếng tiêu hòa tấu rất nhịp nhàng thế kia không? Khi biến cố mới xẩy ra Long-Xưởng nghĩ thầm: - Năm cô gái, không phải là thuyền chài bình thường, mà là người trong võ lâm dàn ra cảnh này để trêu bọn Ngô Giới, hầu cứu mình đây. Nhị đệ thông minh hơn mình nhiều, ngay từ đầu, y đã biết liền, nên dặn mình với Nhất-Liễu nhảy xuống sông tẩu thoát. Bây giờ nghe Ngô Giới hỏi, Long-Xưởng chỉ xuống ba chiếc thuyền: - Đạo sư ngạc nhiên ư? Kìa đạo sư thử nhìn lên chóp cột buồm xem, có phải ở đó người ta đã gắn vào bẩy ống tiêu không? Mũi ba chiếc thuyền đều hơi bằng, ở giữa khoét một lỗ, bịt da, sóng vỗ vào thành tiếng trống. Còn chân ba thiếu nữ đạp vào cái cần. Cái cần đánh xuống cái phách thành tiếng phách. Có điều, năm cô phải điều khiển sao cho thuyền quay phải, quay trái để gió hắt vào làm cho tiêu, sóng vỗ vào đầu thuyền... thành tiếng tiêu, tiếng trống hợp với tiếng phách, tiếng đàn mới là điều đáng phục.. Trong khi hai người đối đáp nhau thì con thuyền đinh vùn vụt đuổi theo con thuyền của cô gái áo trắng. Dường như cô gái cố ý trêu chọc, nên khi thuyền đinh chạy nhanh, cô cũng điều khiển cho thuyền đi nhanh. Khi thuyền đinh chạy chậm, cô lại ghì cánh buồm cho thuyền chạy chậm. Bên hông phải thuyền đinh, bốn chiếc thuyền của bốn cô gái áo vàng, đen, xanh, hồng vẫn chạy song song. Nhưng thuyền cô gái áo vàng thì cách xa thuyền đinh đến mười trượng. Lưu Kỳ bảo ba đạo sĩ Bắc, Đông, Nam-nhạc: - Bốn con nhỏ này với con nhỏ áo trắng chắc cùng bọn. Vậy ba sư đệ thình lình nhảy xuống bắt sống chúng. Trong khi nhảy xuống, tay rút kiếm sẵn. Hễ thấy chúng tung lưới thì dùng kiếm lia đứt lưới. Ba đạo sĩ rút kiếm, rồi tung mình nhảy xuống. Ba cô gái đang tấu nhạc, thấy ba người nhảy xuống thì co chân lại một cái. Ba con thuyền vọt ra xa, thành ra ba đạo sĩ Hoa-sơn rơi tòm xuống sông. Ba người vội dắt kiếm vào hông, bơi lóp ngóp. Nhanh như chớp, ba thiếu nữ cùng nhỏm dậy, tung ba cái lưới chụp lấy ba người. Cả ba cô chỉ sẽ giật tay một cái, ba đạo sĩ Hoa-sơn lại rơi vào giữa lòng thuyền, nằm bất động. Ba cô gái cùng hướng lên thuyền đinh mà cười: - Lại bắt được ba con cá nữa. Ngô Giới kinh hãi quát lên: - Trời ơi! Võ công để đâu, mà chịu cho lưới chụp lên mỉnh như chụp con thỏ vậy? Đem cung tên ra. Cô gái áo vàng lái thuyền lại gần thuyền đinh, chỉ vào Long-Xưởng, Thủ-Huy, Nhất-Liễu: - Ba con cá kia, có dám nhảy xuống đây không? Bản cô nương chỉ tung lưới là bắt gọn, mang về làm thịt bán. Cô dứt lời thì Thủ-Huy ôm Long-Xưởng, cùng Nhất-Liễu tung mình nhảy xuống. Ba người đáp nhẹ nhàng vào giữa thuyền. Bốn thiếu nữ cùng reo lên. Cô áo vàng chỉ vào Long-Xưởng: - Ôi! Có con rồng vàng nhảy vào thuyền tôi. Cô lại tát yêu Thủ-Huy rồi cười: - Có con chó con dễ thương đáo để... nó nhảy vào thuyền chị. Cô chỉ vào Nhất-Liễu: - Lại có cả con cá voi nhảy theo con rồng. Bốn cô cùng giật dây buồm, bốn con thuyền vọt về trước như tên bắn. Phút chốc thuyền các cô đã đuổi kịp thuyền cô gái áo trắng, nhưng cách xa thuyền Ngô Giới ba tầm tên. Kỳ diệu là trong khi bốn cô nói, giật dây buồm, tung lưới, mà tiếng đàn, tiếng trống vẫn không bị loạn nhịp. Thế là năm con thuyền của năm cô gái dàn hàng ngang phăng phăng vọt sóng phía trước. Phía sau, bọn Ngô-Giới hò hét thuyền phu chèo thực gấp đuổi theo. Tiếng đàn, tiếng trống, tiếng phách, tiếng tiêu vọng lại điệu nhạc khoan thai như mây trôi, êm đềm như tiếng suối chảy đêm khuya. Khi đến ngã ba một nhánh sông nhỏ. Năm con thuyền con dàn hàng một quẹo vào. Lưu Kỳ ra lệnh cho tài công cứ đuổi theo. Càng vào trong, sông càng hẹp. Đuổi khoảng hơn giờ, thì con sông nhỏ vòng sang trái. Lưu Kỳ thấy thuyền mình gần bắt kịp năm con thuyền nhỏ, y càng thúc thuyền phu chèo cho mau. Thình lình con thuyền rung động mạnh, rồi mắc kẹt không nhúc nhích nữa. Trong khi đó năm thuyền nhỏ mất hút vào cuối giòng. Chỉ còn tiếng trống, tiếng đàn, tiếng tiêu dìu dặt vọng lại. Ngô Giới kinh hoàng hỏi Lưu Kỳ: - Sư đệ! Làm sao bây giờ? Chúng ta bị mắc mưu rồi. Bốn sư đệ của chúng ta, bản lĩnh biết là dường nào, mà bị bắt như bốn con thỏ. Thuyền bị kẹt không đi được nữa. Khổ một điều, ta không biết đối thủ là ai? Chúng đưa ta vào đây làm gì? Lưu Kỳ cũng luống cuống ra mặt: - Ví dù thuyền ta không mắc cạn, thì cũng không quay mũi trở lại được, con lạch này hẹp quá, mà thuyền ta thì lại dài. - Nhất định bọn này có liên quan tới thằng bé Thủ-Huy. Ngô Giới thêm: Nếu chúng là người của lão Nhất-Liễu, hay gã Long-Xưởng, thì chúng đã dàn cả hạm đội bao vây ta. Chỉ còn thằng bé Thủ-Huy là đáng nghi mà thôi. Một đệ tử nói: - Sư phụ! Đệ tử thấy cô gái áo vàng tát yêu Thủ-Huy, rồi gọi nó là con chó dễ thương, và xưng chị. Như vậy có thể thị là sư tỷ, chị gái, của nó. Lưu Kỳ cau mày: - Chúng ta đón đường bắt Long-Xưởng, trời không biết, đất không hay, làm sao nó có thể thông báo cho người thân, để dàn bốn cô gái, rồi đưa chúng ta tới hoàn cảnh này? Vốn thông minh tuyệt đỉnh, lại kinh lịch giang hồ, Ngô Giới an ủi mọi người: - Khi chúng bầy mưu đưa chúng ta vào đây, ắt chúng có chủ trương. Khi có chủ trương, thì trước sau gì chúng cũng trở lại. Ta phải chuẩn bị đối phó với chúng. Ngô Giới phóng mắt nhìn lên hai bên bờ, đây là khu rừng hoang, cây mọc chằng chịt, xanh rì. Đâu đó vang lên tiếng ve não nuột. Thấp thoáng phía bờ Nam, có một ngôi miếu, hay đền gì đó ẩn hiện trong rừng cây. Nhưng, chờ hơn giờ cũng không thấy biến cố gì lạ, trong khi giòng sông mỗi lúc một cạn, lòng chỉ còn chút ít nước chảy mà thôi. Chiếc thuyền nằm giữa lòng con sông, mà như nằm trên bãi đất vậy. Đâu đó có tiếng tiêu réo rắt vọng lại, rồi hai đứa mục đồng cỡi trâu lững thững tiến tới bờ sông. Đó là một đứa con trai, một đứa con gái, tuổi khoảng mười ba, mười bốn. Đứa con trai, mặt mũi coi rất khôi ngô; đứa con gái, rất xinh đẹp. Hai trẻ mục đồng đã trông thấy con thuyền. Chúng ngừng thổi tiêu, ra roi cho trâu chạy lại bờ sông. Đứa con gái tỏ ra kinh ngạc: - Chà sao lại có chiếc thuyền lớn đến thế kia? - Chắc là thuyền buôn. Tại sao thuyền buôn lại vào con sông nhỏ này nhỉ? Lưu Kỳ hỏi hai trẻ chăn trâu: - Các cháu có biết khi nào nước lại lên không? Đứa con trai lắc đầu: - Các ông là ai? Các ông nói tiếng Viêt lơ lớ thì các ông là thuyền của bọn cướp Tầu-phù Xạ-phang, hay thuyền buôn Tầu-ô? - Không, chúng ta không phải cướp đâu. Chúng ta là thuyền buôn, bị lạc vào đây. Đứa con gái chỉ vào cái miếu thờ gần đó: - Ông nói điêu rồi. Tôi thấy ông mặc quần áo giống hình bốn ông tướng cướp phù thủy thờ trong miếu kia, thì chắc ông cũng là phù thủy ăn cướp. Nghe đứa con gái nói, Ngô Giới trấn động toàn thân: - Sư đệ, chúng ta mất biết bao công lao để dò la tung tích miếu thờ bốn vị tổ sư, mà không thấy. Biết đâu cái miếu kia chẳng là chỗ đó? Lưu Kỳ không trả lời sư huynh. Y làm bộ kinh ngạc hỏi hai trẻ: - Trong miếu kia thờ bốn người nào? Tên họ là gì? Đứa con gái lắc đầu: - Tôi không biết. Bà nội tôi kể rằng: Tám mươi năm trước, bọn Tầu sang cướp nước tôi, chúng bị giết đến mấy chục vạn. Vua nước tôi sai tướng đi đánh, bắt sống nhiều lắm. Về sau, họ được thả về nước. Duy có sáu người bị giữ lại ở làng này. Hai người làm thầy lang, chuyên trị độc như rắn cắn, ong đốt, bong gân, gẫy xương. Nghe đứa trẻ nói, Ngô Giới run lên: - Đúng rồi! Hai người làm thầy lang chữa độc chắc là Trường-bạch song hùng rồi. Vì phái Trường-bạch chuyên về độc công, thì họ chữa độc rất giỏi là lẽ thường. - Thế còn bốn người nữa. Họ làm nghề gì? Ngô Giới hỏi: - Họ có lấy vợ không? - Bốn người làm thầy phù thủy, bắt ma, trừ tà hay lắm. Họ không lấy vợ. Về già họ chết, dân làng nhớ ơn, chôn họ, lại làm miếu thờ nữa. Trước kia có hai miếu. Một miếu ở bên này sông, một miếu ở bên kia sông. Nay chỉ còn miếu bên này thôi. Miếu bên kia phá đi rồi. - Tại sao miếu lại bị phá? Đứa con trai kể: - Trong hai ông lang, thì một ông lấy vợ làng tôi, có con. Hồi hơn hai chục năm trước, vợ với con ông í cải mả, đem xương hai ông í về Tầu. Nên miếu bị phá đi. Bây giờ chỉ còn cái miếu thờ bốn ông phù thủy thôi. Nghe đứa con gái kể, Ngô Giới muốn đứng tim. Y thở hổn hển, nói nhỏ với Lưu Kỳ: - Đúng rồi, miếu này là nơi thờ bốn vị tổ sư đấy. Còn miếu bị phá là nơi thờ Trường-bạch song hùng. Không sai đâu! Chúng ta có nên lội bùn xuống quan sát chăng? - Sư huynh! Không vội. Mục đích của chúng ta là đi tìm lại di hài bốn tổ thì ít, mà tìm Vô-Trung võ kinh thì nhiều. Hãy đợi thoát khỏi kẹt thuyền đã, rồi chúng ta âm thầm trở lại sau. Nếu như nay ta xuống, lỡ ra bị lộ tông tích, thì nguy lắm, vì tổng đàn phái Đông-A không xa chỗ này làm bao. Ngô Giới công nhận lý luận của Lưu Kỳ: - Sư đệ minh mẫn hơn ta nhiều. Y hỏi hai trẻ mục đồng: - Này các cháu, bao giờ thì nước lên? Trước nay, đã có thuyền nào bị mắc kẹt như thế này chưa? Đứa con trai trả lời: - Trước các ông đã có nhiều thuyền buôn mắc cạn rồi. Cháu biết rõ khi nào nước lên, cháu mách cho họ. Lại giúp họ đem thuyền ra khỏi con sông nhỏ này nữa. Thấy nó đổi cách xưng hô, trước xưng là tôi, bây giờ lại xưng là cháu. Ngô Giới cũng ngọt ngào: - Cháu nói lạ, khi nước lên, thì thuyền hết mắc cạn, tự nhiên họ rời đây dễ dàng, chứ việc gì phải nhờ các cháu giúp? Đứa con gái cười rất tươi: - Ông nói! Khi nước lên, thuyền hết mắc cạn, nhưng làm sao cho thuyền lùi ra sông cái? Khúc sông này hẹp quá làm sao ông chèo được? Chèo vướng vào những cụm đài bi lớn thế kia, thì sao thuyền nhúc nhích? Vả ông chèo ngược thì thuyền lùi, nhưng bánh lái ở trước thì làm sao mà lái? Vì vậy phải nhờ chúng cháu giúpï. - Ừ nhỉ! Ngô Giới tiếp: - Ta thua các cháu. Này, các cháu. Các cháu giúp chúng ta lui ra khỏi đây bằng cách nào? - Dùng trâu kéo. Đứa con trai giảng: Như thuyền của ông phải dùng tới tám con trâu, mỗi bờ bốn con mới kéo nổi. Lưu Kỳ nóng nảy: - Cháu nói cho chúng ta biết khi nào nước lên đi! Cháu có thể cho ta mượn trâu không? - Ông nói dễ nghe nhỉ? Ông muốn cháu chỉ dẫn, rồi cho mượn trâu, ông phải trả tiền. Không thì thôi. Nói dứt, nó cùng đứa con gái đưa tiêu lên miệng thổi, rồi thúc chân vào bụng trâu rời bờ sông. Ngô Giới vội gọi: - Này cháu ơi. Cháu giúp bần đạo, bần đạo tặng bạc cho cháu này. Nói rồi, y móc túi lấy ra một nén bạc tung lên. Nén bạc chui tọt vào túi áo đứa con trai. Đứa con trai kinh ngạc, cầm nén bạc ra nhìn, rồi cười: - Ừ, ông là Tầu buôn thực. Ông giầu có, nên mới cho cháu nhiều thế này. Nó nói lớn: - Hôm nay là ngày có bẩy con nước, nên buổi sáng nước tuy rút đi, mà chiều thì lại lên cao lắm, có khi ngập tới bờ đê lận. Các ông chịu khó chờ. Từ sau Ngọ, nước bắt đầu lên. Ghi chú của thuật giả: Miền đồng bằng sông Hồng, nước lên xuống mỗi ngày một lần. Ngày nào nước lên cao, ngày nào nước lên thấp, lên đến độ nào rồi xuống (ròng); lúc nào lên, lúc nào đứng, lúc nào xuống... trẻ con vào tuổi lên bẩy, lên tám đã biết. Đó là cách chiêm nghiệm rất thực tế. Ngô vương Quyền, vua Lê Đại-Hành, Hưng-Đạo vương phá quân Bắc ở Bạch-đằng; vua Quang-Trung phá quân Xiêm-la ở Rạch-gầm đều lợi dụng con nước lên xuống mà thắng trận. Cách tính con nước rất phức tạp. Tôi sẽ trình bầy phần cuối bộ Anh-hùng Đông-A, trong trận Bạch-đằng. Ngô Giới hỏi: - Hai cháu! Hai cháu có thể cho bần đạo biết tên không? Đứa con trai chỉ vào đứa con gái: - Nó là con Hĩm. Còn cháu là thằng Cu. Con Hĩm hỏi: - Này ông, ông có phải là thầy phù thủy không? Ông có biết bắt ma không? - Bần đạo là đạo sư thì việc bắt tà, bắt ma, bần đạo phải biết chứ. Cháu cần gì nào? - Trong miếu kia có bốn con ma. Thỉnh thoảng nó hiện lên trong đêm. Không may cho ai, gặp nó là nó làm cho mê man đến sáng mới tỉnh dậy. Ngô Giới nghĩ thầm: - Chắc là bọn võ lâm qua lại miếu này. Khi gặp dân chúng, họ điểm huyệt đấy thôi. Nghĩ vậy y hứa: - Bần đạo sẽ bắt hết tà cho các cháu xem. Thằng Cu chỉ về phía trước: - Bây giờ các ông chờ ở đây, chúng cháu về làng gọi thêm sáu đứa mang trâu ra, đợi nước lên sẽ kéo thuyền cho ông. Hai đứa đưa ống sáo lên miệng tấu một bản nhạc, âm thanh dìu dặt, nhẹ như mây trời trong khi hai con trâu đủng đỉnh tiến vào lùm cây xanh ngắt. Ngô Giới than: - Cái bọn đứng sau năm đứa con gái bầy kế bắt bốn người của mình, chắc chúng không dừng lại ở đây đâu. Trước sau gì chúng sẽ trở lại. Ta phải chuẩn bị đối phó ngay thì vừa. Lưu Kỳ nghiến hai hàm răng vào nhau: - Không biết bọn chúng là ai? Nếu chúng là quan quân, thì chỉ cần đưa thẻ bài ra, là giải quyết xong. Nhược bằng chúng thuộc võ lâm Đại-Việt thì khó đối phó đấy. Có tiếng ồn ào, tiếng chân đi, tiếng trâu rống ở đầu giòng sông. Ngô Giới phóng mắt nhìn: Đó là một đoàn người vừa đi vừa nói chuyện rì rầm. Cạnh họ, hơn chục chiếc xe do trâu kéo. Trên xe chở đầy những khúc gỗ, tre. Người nào cũng đeo dao dài, vồ, dây. Dường như họ không nhìn thấy thuyền của bọn Ngô Giới, thản nhiên cười nói. Lát sau họ khuất vào các bụi cây, rồi có tiếng chặt gỗ, chặt tre, tiếng chầy đóng chan chát. Khoảng hơn giờ sau tiếng động không còn nữa. - Sư huynh! Lưu Kỳ tỏ vẻ lo lắng: Đệ thấy cái đám người, dắt trâu, đẩy xe vừa đi qua, ẩn tàng một điều gì kỳ bí quá. Bởi con thuyền của chúng mình lớn thế này, mà sao chúng lờ đi như không biết, thì hẳn chúng cố tâm. Cố tâm thì có thể chúng mưu đồ gì chăng? - Ta cũng nghĩ như sư đệ. Tạm thời ta hãy cho mọi người ăn cơm, rồi chờ nước lên đã. Ngô Giới ra lệnh cho tùy tùng cứ thản nhiên nấu ăn, chờ nước lên. Nhưng, sang giờ Mùi (13-15 giờ), mà lòng sông vẫn cạn. Lưu Kỳ than: - Sư huynh, đệ sợ hai đứa con nít này lấy bạc, rồi bỏ đi mất. Mình chờ ở đây mất công toi. Chi bằng mình lên bờ thám thính xem sao? Lòng Ngô Giới rối như tơ vò. Y gọi Hoa-nhạc tam phong là Liên-Hoa, Tiên-Nhân, Lạc-Nhạn: - Ba sư đệ. Ba sư đệ hãy lên bờ xem đám người ban nãy đang làm gì ồn ào ở đầu sông. Nhớ không nên xử dụng võ công. Hoa-nhạc tam-phong đeo kiếm vào lưng, tung mình lên cao, rồi đáp xuống bờ sông, tiến về đầu giòng. Ngô Giới cùng Lưu Kỳ ngồi ăn cơm mà trong dạ bồn chồn không ít. Mặt trời bắt đầu nghiêng bóng về Tây, nhưng thủy chung mực nước sông vẫn không lên cao tý nào cả, mà Hoa-nhạc tam-phong vẫn chưa trở về. - Chúng ta thử lên đầu giòng sông xem sao? Ngô Giới cũng cảm thấy dường như có biến cố gì qua cái vụ đám người dẫn trâu, kéo xe, Hoa-nhạc tam-phong đi mãi chưa về. Y nói với Lưu Kỳ: - Quả thực là kỳ bí! Ta đồ chừng kẻ dàn năm cô gái bắt Tứ-nhạc, với hai đứa trẻ chăn trâu, bọn nhà quê đánh xe ban nãy đều là một. Chúng chơi cái trò ú tim này với mục đích khủng hoảng tinh thần chúng ta đây. Ta quyết định: Tất cả đổ bộ lên xem sự thể Hoa-nhạc tam-phong ra sao. Tấm ván bắc cầu được đẩy lên bờ, Lưu Kỳ ra lệnh cho Hoa-nhạc tam-nương: - Ta để đám thuyền phu đầu bếp, tài công lại cho ba sư muội giữ thuyền. Bất cứ biến cố gì xẩy ra, các sư muội cũng không được lên bờ. Nếu có gì nguy hiểm thì các sư muội đốt pháo thăng thiên lên báo hiệu cho ta. Ngô Giới, Lưu Kỳ dẫn đầu đoàn đệ tử đổ bộ. Đoàn người đi khoảng hơn dặm thì tới chỗ con sông uốn khúc. Ngôi miếu mà thằng Cu bảo trong đó thờ bốn con ma, lộ ra trọn vẹn. Một đệ tử kêu lên tiếng ái chà rồi chỉ vào khu vườn quanh miếu thờ: - Sư phụ. Sao...Sao giống tổ đường của bản phái quá. Ngô Giới, Lưu Kỳ cùng bật lên tiếng kinh ngạc. Thế là cả đoàn người cùng bỏ không tìm bọn Hoa-nhạc tam-phong nữa, mà cùng tung mình chạy lại phía miếu. Miếu không lớn lắm, dài, rộng vuông vức khoảng ba trượng, cửa hướng về Bắc. Hai bên phải, trái sân miếu, đều có chiếc đài xây bằng gạch cao hơn trượng (2 mét ngày nay). Đài có tám bậc lên. Trên mỗi đài có bốn cái ghế đá. Đài bên phải có chữ Thế lệ đoạn trường. Đài bên trái có chữ Tiêu hồn lạc phách. Sân miếu miếu tròn, tạo thành hình Thái-cực. Trong sân lát hai thứ gạch. Một thứ mầu đỏ, một thứ mầu đen. Hai thứ gạch tạo thành hình Âm, Dương Lưỡng-nghi. Xung quanh sân miếu có tám bụi trúc. Mỗi bụi đều trồng hai thứ trúc vàng, xanh lẫn lộn. Thứ xanh xen lẫn thứ vàng, khiến tám bụi trúc hiện hình tám quẻ Càn, Khảm, Cấn, Trấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Phía sau miếu là bốn ngôi mộ, xây bằng gạch mầu đỏ, theo bốn hình uốn như tổ tò vò, nằm song song nhau. Nhìn kiến trúc ngôi miếu, cùng tám bụi trúc, giống hệt ngôi tổ đường trên núi Hoa-sơn ; Ngô Giới, Lưu Kỳ muốn ngộp thở. Đám đệ tử cũng ngây người ra mà nhìn. Lưu Kỳ run run nói: - Nhất định ngôi miếu này là nơi thờ bốn vị tổ sư Hoa-sơn thần kiếm thời xưa rồi. Phía sau là mộ các người. Ta quyết phải vào trong xem sự thực ra sao. Y rảo bước tới sân, nhìn lên bức đại tự trước miếu, bằng đồng, khắc chữ rất sắc sảo: Vô Trung, thanh hư miếu Hai bên có đối câu đối: Hoa-sơn, Bắc-vọng tâm vô huyết, Tần-lĩnh, Nam-cư phúc đoạn trường. (Tưởng núi Hoa-sơn, nhìn về phương Bắc, huyết trong tim đã khô kiệt. Sống ở phương Nam, nhớ cố hương, ruột trong bụng đứt ra). Ghi chú của thuật giả: Hoa-sơn, tên dãy núi, tại huyện Hoa-âm, tỉnh Thiểm-tây, còn có tên là Thái-hoa sơn. Hoa-sơn là ngọn núi đứng về phía Tây của năm ngọn núi được tôn là Ngũ-nhạc. Hoa-sơn có ba ngọn núi chính. Ngọn đứng giữa là Liên-hoa phong. Ngọn ở phía Đông gọi là Tiên-nhân chưởng. Ngọn phía Nam tên là Lạc-nhạn phong. Văn nhân Trung-quốc gọi chung ba ngọn này là Hoa-nhạc tam-phong. Ngoài ra, còn có ba ngọn nhỏ nữa, mang tên Vân-đài, Công-chúa, Mao-nữ gọi chung là Hoa-nhạc tam nương. Núi Hoa-sơn là nơi phát tích ra võ phái Hoa-sơn. Võ phái này được lập ra từ đời nhà Đường. Trong thời Ngũ-đại, đạo sĩ Trần Đoàn giúp đỡ anh em Triệu Khuông-Duẫn, Triệu Khuông-Nghĩa lúc hàn vi. Sau Khuông-Duẫn trở thành Thái-tổ, Khuông-Nghĩa trở thành Thái-tông nhà Tống, thì phái này trở thành phái lớn nhất Trung-quốc. Chính vì vậy mà các vua nhà Tống đều sùng Lão-giáo. Các bà hoàng hậu, phi tần đều được phong tước mang tên như những nữ đạo sĩ. Tần-lĩnh, còn có tên là Tần-sơn, Chung-Nam sơn. Núi khởi từ huyện Thiên-thủy, tỉnh Cam-túc, gồm nhiều ngọn nối tiếp nhau chạy dài về hướng Đông, tới Thiểm-huyện, tỉnh Hà-Nam. Ngọn chính là ngọn nằm tại huyện Trường-an, tỉnh Thiểm-tây. Chữ Tần-lĩnh trong đôi câu đối trên lấy ý trong thơ của Hàn Dũ. Hàn là nhà văn lớn đời Đường, nhân dâng biểu can vua không nên sùng bái Phật-giáo, ông bị đầy. Trên đường đi đầy, qua núi Tần-lĩnh, đường bị tuyết phủ đi không được. Ông làm bài thơ, trong đó có hai câu tuyệt bút: Vân hoành Tần-lĩnh, gia hà tại. Tuyết ủng Nam-quan, mã bất tiền. (Mây trôi ngang qua núi Tần, nhà ta ở đâu? Tuyết lấp cửa Nam, ngựa không đi được). Độc giả nào từng đọc nhiều thơ văn Trung-quốc, nên du lịch dài theo núi này một lần vào mùa Xuân sẽ cảm thấy...không tiếc tiền. Lấy máy bay đi Trường-an, rồi thuê xe...làm một vòng, khoảng bốn tới bảy ngày. Trong truyện Kiều Nguyễn Du, đoạn Kiều ở với Từ Hải nhớ nhà có câu: Đoái thương muôn dăm tử phần, Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa. Lưu Kỳ tiến tới cửa miếu. Cửa không khoá. Y sẽ đẩy cửa, hai cánh cửa kêu đến kẹt một tiếng, rồi mở tung ra. Ngay cửa miếu là cái bàn thờ, dài, rộng khoảng gần trượng. Trên bàn thờ có cái đỉnh hương bằng đồng, hai bên là hai cái chân nến cũng bằng đồng, tạc giống hình con hạc, ngửa cổ lên. Kế tiếp là giá bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trên gác bốn thanh kiếm. Sau giá kiếm là tượng bốn đạo sĩ, y phục bốn mầu trắng, đen, xanh, hồng trong tư thế ngồi luyện công. Từ Ngô Giới cho tới những đệ tử thấp nhất đều cảm động đến nỗi chân tay run lên bần bật ; Giới nói với Lưu Kỳ: - Chuyến đi của chúng ta chỉ với mục đích tìm bộ Vô-Trung kinh. Muốn tìm Vô-Trung kinh, thì phải tìm ra di tích bốn vị tổ sư. Trong mật thư các tổ gửi về nói rõ: Nếu sau này các tổ qua đời rồi, Vô-Trung kinh sẽ cất ở trong miếu thờ. Bây giờ ta phải tìm cho ra. Lưu Kỳ cầm một thanh kiếm trên giá thờ lên xem, thuận tay y rút ra khỏi vỏ. Aùnh thép tỏa ra lạnh toát, y nhìn chuôi kiếm có khắc chữ Đông-nhạc Hoa-sơn. Y bật thành tiếng kêu: - Không phải kiếm thờ bình thường, mà là di kiếm của tổ để lại. Y cầm ba thanh kiếm còn lại, rút ra khỏi vỏ, thì quả nhiên ba thanh còn lại là Bắc-nhạc Hành-sơn, Đông-nhạc Thái-sơn và Nam-nhạc Hằng-sơn. Ngay trước tượng Tứ đại thần kiếm có chiếc tráp. Ngô Giới chỉ tráp: - Trong tất cả đền, miếu của Đại-Việt, đều có một cuốn phổ chép hành trạng của vị thần được thờ. Cuốn phổ chép thần tích của tứ tổ chắc đựng trong cái tráp kia. Lưu Kỳ mở tráp ra, quả trong có một tập sách mỏng, ngoài bìa viết chữ triện: Tống-triều, Hoa-sơn tứ linh thần phổ Y đọc qua, thì thấy nội dung thuật tiểu sử bốn vị tổ không sai với sự thực làm bao. Duy một điều y chú ý là bốn tổ sư quá thọ. Cả bốn người đều tiêu dao vào tuổi trên chín mươi. Y vừa bỏ cuốn phổ vào tráp, rồi bàn với Ngô Giới: - Sư huynh. Trong mật thư gửi về, tổ dặn võ kinh dấu ở đâu? - Khi tổ viết thư thì các ngài mới có bẩy chục tuổi. Cứ như cuốn phổ này thì hai mươi năm sau các tổ mới du tiên cảnh. Trong thư chỉ thuật việc các ngài soạn võ kinh, và dặn sau khi các ngài tiêu dao tiên cảnh hãy sai người sang tìm ở miếu thờ. Ta có ba thắc mắc. Một là, với bản lĩnh nghiêng trời lệch đất của Tứ-tổ, các ngài không bị giam trong tù, mà tại sao lại không trốn đi? Hai là, trong khi còn tại thế, các tổ biết mình sắp ra đi, hẳn sẽ đem võ kinh dấu tại nơi nào đó, chứ có đâu giữ bên mình cho đến chết? Ví dù các ngài giữ bên mình, thì khi qua đời võ kinh sẽ về tay dân chúng quanh vùng. Vậy thì võ kinh không có ở trong miếu này. Ba là, miếu, với mộ của Tứ-tổ hẳn lập sau khi Tứ-tổ quy tiên, thì người lập sẽ là dân xung quanh đây. Vậy ta phải khéo léo hỏi dân làng này, may tìm ra manh mối. Ngô Giới trầm tư, chưa có ý kiến gì, thì một đệ tử vào cung tay: - Thưa sư phụ, thằng Cu, con Hĩm cùng sáu đứa trẻ nữa dẫn trâu tới tìm ta. Ngô Giới Lưu Kỳ chạy ra sân. Thằng Cu lớn tiếng: - Này ông đạo, chúng cháu trả lại bạc cho ông đây. Ngô Giới kinh ngạc: - Sao, cháu chê ít à? - Bố mẹ cháu dạy rằng, phàm người ta nhờ mình việc gì mà mình nhận tiền, thì có làm mới được lấy công. Còn như mình không làm được, thì phải trả người ta. - Thì cháu chưa làm mà! - Đúng thế! Cháu đi tìm thêm sáu đứa nữa, đem trâu kéo thuyền cho ông. Nhưng khi chúng cháu tới, thì các ông đã đem thuyền đi mất rồi. - Sao? Ngô Giới hoảng hốt: - Thuyền của chúng ta vẫn còn đậu ở ấy mà. Con Hĩm lắc đầu: - Đâu có. Chúng cháu trở lại, thì không thấy thuyền của các ông đâu cả. Kinh hoảng, Ngô Giới, Lưu Kỳ tung mình, dùng khinh công chạy trở lại chỗ con thuyền mắc cạn, thì chỉ thấy con sông uốn khúc, nước ngập tới bờ đê, chảy cuồn cuộn, đục ngầu như mầu máu. Còn con thuyền thì biến mất. Lưu Kỳ ngẩn người ra suy nghĩ. Y hỏi Ngô Giới: - Sư huynh? Cái gì đã xẩy ra? Chúng ta rời thuyền mới hơn giờ, mà đã có biến cố gì xẩy ra? Trên thuyền ngoài Hoa-nhạc tam nương võ công cao cường, còn tới hơn mười người nữa. Ai mà có bản lĩnh khống chế bằng ấy người một lúc, rồi cướp thuyền đem đi? Ngô Giới cũng nghĩ không ra. Y chỉ dòng sông: - Nếu thuyền bị cướp, thì ắt kẻ cướp mang thuyền ra sông cái. Vậy chúng ta, cứ theo bờ sông con đi ngược trở ra, may có thể tìm được vết tích gì chăng? Thế là Ngô Giới, Lưu Kỳ đi trước, một đoàn đệ tử lếch thếch theo sau. Vượt qua chỗ con sông uốn khúc, thì thấy phía trước, đầy những gỗ, tre, đất gạch để ngổn ngang. Cả đoàn lại lội bộ, gần nửa giờ thì tới bờ sông Hồng. Vừa nhìn ra sông, bất giác cả bọn cùng reo lên: Con thuyền của họ đang xuôi dòng trôi về hướng Đông. Trên mui không một bóng người, chỉ thấy thấp thoáng có người ngồi ở vị trí lái thuyền. Lưu Kỳ kinh hãi: - Như vậy là chúng ta bị cướp mất thuyền rồi. Ngô Giới giải thích cho Lưu Kỳ: - Có thể như thế này. Bọn người đánh xe, dắt trâu ban nãy, đã đóng cọc, đắp đất ngăn không cho nước dâng vào chỗ thuyền mắc cạn. Vì vậy qua giờ Mùi, mà ta vẫn không thấy nước lên. Khi chúng ta rời thuyền ra đi, thì chúng phá đập cho nước vào, rồi đánh úp, kiềm chế người của chúng ta. Sau đó, chúngï đẩy thuyền ngược chiều nước, đem thuyền ra đi. Ngô Giới dậm chân than: - Ta hiểu rồi! Chúng ta bị lọt vào tay một thế lực nào đó, ngươiø nhiều, võ công cao siêu, trí tuệ vô biên. Bởi vậy họ biết việc ta bắt Long-Xưởng. Họ nhanh chóng dàn năm cô gái cứu bọn chúng, bắt Tứ-nhạc của ta trên sông, rồi đưa chúng ta vào nhánh sông nhỏ, làm kẹt thuyền. Sau đó họ cho người đắp đập ngăn nước, bắt Hoa-nhạc tam phong. Cũng người của họ thình lình bắt Hoa-nhạc tam nương, phá đập đem thuyền ra đây. Lưu Kỳ bứt rứt, y văng tục: - Con bà nó! Nghĩ lại vừa ức, vừa đau. Ức vì không biết đối thủ là ai? Ý đồ ra sao? Đau vì không được đánh một chiêu võ, mà trước sau mười đại cao thủ bị bắt như bắt ba ba trong rọ vậy! Trời đã nhá nhem tối, muỗi rừng từng đàn bay lại, bu xung quanh đám người lạ mà đốt. Đám đệ tử cứ phải rung động chân tay để muỗi không bám vào người. Một đệ tử than: - Sư phụ. Chúng ta phải trở lại miếu tứ tổ hay vào làng kiếm nhà dân mua gạo nấu cơm, rồi qua đêm. Chứ ở đây vừa đói, vừa muỗi, thì không ai chịu nổi. Một con đò mũi sơn trắng, trên cánh buồm có vẽ hình con cá chép, cạnh chữ Hồng-hà cực lớn. Thuyền từ hướng Đông chạy ngược chiều với con thuyền của Ngô Giới. Trên mũi thuyền có hai chữ Thiên-an. Một đệ tử nói: - Sư phụ, thuyền kia là thuyền chở thuê của bang Hồng-hà. Ta gọi chúng lại, mướn chúng chở ta về bến Vỵ-hoàng. Ở đó là huyện lỵ Thiên-trường, có khách điếm. Chứ ở đây giữa rừng này, không tìm đâu ra chỗ trú ngụ. Ngô Giới gật đầu ưng thuận. Tên đệ tử đó chạy ra mé sông vẫy tay gọi: - Thuyền kia! Mau ngừng lại. Chúng tôi cần chở một số người về huyện lỵ Thiên-trường. Cánh buồm bị kéo ngang, lập tức con thuyền Thiên-an từ từ ngừng lại. Tài công cho thuyền áp sát gần bờ. Một thiếu nữ, hai thiếu niên xuất hiện trên sàn. Thiếu nữ hỏi: - Tiểu nữ là Ninh-Quy, phụ trách tiếp tân trên con thuyền Thiên-an này. Quý khách có bao nhiêu người? Hành lý bao nhiêu cân? Có thú vật không? - Chúng tôi chỉ có hai mươi hai người, không hành lý, không thú vật. - Thuyền của thiểm bang có đầu bếp nấu ăn cho quý khách. Quý khách có cần xơi cơm, uống rượu không? - Nếu vậy thì tốt quá. - Tiền chở mỗi người là mười đồng. Mỗi bữa ăn hạng nhất là năm mươi đồng. Còn rượu thì mỗi cân là hai đồng. - Chúng tôi đồng ý. Hai thiếu niên cầm sào chống xuống lòng sông. Con đò ghé mũi vào bờ. Cái cầu gỗ được bắc lên bờ. Ngô Giới dặn mọi người bằng tiếng Hàng-châu: - Tuy là thuyền chở thuê, nhưng tất cả phải cẩn thận. Từ thức ăn, thức uống, cho đến chỗ ngồi. Lưu Kỳ vốn nóng tính. Y xuống thuyền đầu tiên. Tiếp theo là các đệ tử. Ngô Giới xuống cuối cùng. Cô gái mở cửa khoang thuyền rồi đi trước dẫn đường. Trong khoang thuyền đã có bẩy người khách ngồi đó từ bao giờ. Họ lãnh đạm, ngồi dựa lưng vào vách thuyền ngủ gà, ngủ gật. Cô gái liếc nhìn qua, đã biết Ngô Giới là người thủ lĩnh. Cô cung tay: - Thưa đạo sư, trên thiểm thuyền có gà, tôm, cá, mực. Xin đạo sư cùng các vị chờ vài khắc, sẽ có cơm dâng các vị. Thuyền bắt đầu quay mũi, buồm kéo lên. Cả bọn Ngô Giới trải qua một ngày mệt mỏi, cho nên vừa xuống thuyền, là nhắm mắt dưỡng thần. Phải hơn khắc sau cô gái, trở lại với hai cô nữa. Ba cô bưng ba mâm, trên mỗi mâm có hai đĩa thịt gà luộc, với một cái bát con đựng muối tiêu, lá chanh thái nhỏ như sợi tóc, hai đĩa cá kho, hai đĩa chả mực, hai đĩa tôm càng bóc vỏ rim thịt ba rọi, một liễn cơm lớn, một bát canh rau ngót nấu với cá rô. Một thanh niên bưng ra hũ rượu lớn. Bốn người đem bát đũa bầy thành năm mâm. Ninh-Quy chắp tay: - Xin mời đạo sư cùng các vị xơi cơm. Bọn Ngô Giới cùng nhau ăn uống, cười nói để cố quên đi những nguy hiểm, những lo âu đang chờ đón. Cơm vừa xong, thì có tiếng tù và thổi tu tu vọng lại. Ninh-Quy nói với khách: - Xin quý khách đâu ngồi yên đó. Vì thuyền sắp đến huyện lỵ Thiên-trường, nên quan quân kiểm soát trước khi cho thuyền cập bến. Bọn Ngô Giới cùng nhìn ra ngoài cửa sổ, trời đã tối hẳn. Một con thuyền nhỏ, trên chở năm người lính thủy binh, với một viên quan võ. Thuyền áp mạn vào con thuyền Thiên-an. Viên quan còn trẻ. Y hỏi Ninh-Quy: - Thế nào, người đẹp. Hôm nay thuyền có đông khách không? - Cũng khá. Xin anh vào xét qua, rồi em sẽ cho cập bến. Viên quan với năm người lính vào trong khoang thuyền. Vừa thấy bọn Ngô Giới y đã kêu lên: - Các người là ai, mà lại đeo kiếm thế này? Các người có biết rằng phép nước rất nghiêm, cấm không ai được mang vũ khí. Ngay Phụng-quốc vệ, Thiên-tử binh muốn lấy vũ khí trong kho ra, cũng phải có chiếu chỉ của đức vua. Ngô Giới xuất thẻ bài, trao cho viên quan: - Chúng ta là Thiên-sứ không phải tuân theo luật lệ của vua Giao-chỉ. Viên quan đem thẻ bài lại sát ngọn đuốc, đọc qua rồi cau mặt: - Các người phải theo ta về huyện lỵ, để Tuyên-vũ sứ định liệu. Lưu Kỳ quát: - Người không được vô phép. Lấy lý do gì, người bắt chúng ta nào? - Thứ nhất, xưa nay sứ thần dù Tống, dù Chiêm, dù Chân, dù Xiêm, tới biên giới, sẽ có quan tiếp dẫn sứ dẫn quân hộ tống về Thăng-long. Đây các người đi dân thuyền, thì tin sao được? Thứ nhì, nếu sứ thần muốn đi đâu, sẽ có quan quân hộ vệ, đây các người quần áo lôi thôi lếch thếch hành lý không có. Ba là, chỉ khâm sai của triều đình, khi ra ngoài mới mang lệnh bài của Đông-cung, của Khu-mật viện, chứ có đâu thẻ bài của thái-hậu? Thái-hậu không thể ban phát lệnh bài. Đây là lệnh bài giả. Ngô Giới nói với các đệ tử: - Thôi được. Chúng ta hãy theo họ tới huyện lỵ. Chứ lý luận với mấy người này cũng vô ích. Viên quan ra lệnh: - Các người phải để chúng ta thu vũ khí, trước khi cho thuyền cập bến. Luật lệ phái Hoa-sơn từ khi mới lập ra đến giờ là: Bất cứ trường hợp nào, đầu có thể chặt, chứ không để mất kiếm. Vì vậy nghe viên quan đòi thu vũ khí, cả bọn cùng rút kiếm ra khỏi vỏ, tỏ ý muốn ăn tươi nuốt sống viên quan. Viên quan vẫn bình tĩnh: - Các người định dùng võ ư? Như vậy là các người làm loạn rồi. Các người nhớ rằng, đây là trấn Thiên-trường, chưa từng có giặc cướp nào nổi lên mà sống được. Lưu Kỳ biết rằng tình thế hôm nay phải dùng võ công, bằng không sẽ bị làm nhục. Y đưa mắt cho một đệ tử. Tên đệ tử này lạng người tới. Thấp thoáng một cái y đã điểm huyệt viên quan với năm người lính. Tuy bị điểm huyệt, mà sáu người vẫn bình tĩnh như thường. Viên quan hỏi Ninh-Quy: - Ninh-Quy, em cứ đưa bọn cướp này vào bờ, xem chúng có chạy thoát không? Ninh-Quy nói với Ngô giới: - Trời ơi! Quý khách dám đụng đến quan quân ư? Tôi không dám đưa quý khách vào bờ đâu. Vì tôi đưa quý khách vào, thì e bị chặt đầu. Lưu Kỳ ỷ mình là tình nhân của thái-hậu. Y bàn: - Sự đã ra thế này, chúng ta hãy dùng thuyền này về Thăng-long, rồi ta xin chỉ dụ của thái-hậu, đem đại binh xuống đây, tìm võ kinh, cũng như cứu Tứ-nhạc, Tam-phong Tam-nương. Chứ đổ bộ bây giờ thì ta không địch nổi hiệu binh Thiên-trường. Ngô Giới ra lệnh cho Ninh-Quy: - Tiểu cô nương. Phiền tiểu cô nương cho chúng tôi về Thăng-long, bao nhiêu tiền tôi cũng xin trả. Ninh-Quy lắc đầu liên tiếp: - Thưa đạo trưởng, cháu cũng muốn đưa đạo trưởng cùng quý cao đồ đi để có nhiều tiền. Nhưng, đêm tối thế này làm sao nhìn thấy sông, nước mà đi? Nếu đạo trưởng muốn thì sáng mai, cháu xin đưa đạo trưởng đi thực sớm. Thình lình có tiếng quát: - Con thuyền Thiên-an sao không áp vào bến, mà lại đậu giữa lối ra vào thế kia? Ninh-Quy nói với Ngô Giới: - Thuyền quan quân đi tuần sông. Xin đạo sư lên lý luận với họ. Ngô Giới, Lưu Kỳ, cùng lên trên mũi thuyền quan sát, không thấy có gì khác lạ cả. Hai người còn đang ngơ ngác tìm xem người hạch sách là ai. Khi quay lại, thì chỉ còn kịp thấy bẩy người khách, viên quan, năm người lính, Ninh Quy, với sáu người nhà đò, mỗi người xớt một đệ tử rồi nhảy ùm xuống sông lặn mất tích. Trong khi đó, con thuyền không người điều khiển trôi lềnh bềnh trên sông. Lưu Kỳ vội lại cầm lái, thì bánh lái đã bị đánh gẫy từ bao giờ. Y gầm lên: - Tổ bà nó! Không biết bọn khốn nạn nào bầy ra vụ này. Đồ hèn hạ. Ngô Giới than: - Cái bọn bầy mưu này, thực không tầm thường. Nó đã tính trước, chúng ta có hai chục đệ tử, thì chúng cho đúng hai chục người hành sự. Này nhé, bẩy người khách, bẩy người nhà đò, năm người lính một viên quan...Bây giờ một liều ba bẩy cũng liều. Chúng ta cùng xuống con thuyền nhỏ của bọn quan binh, chèo vào bờ rồi sẽ liệu. Hai người xuống con đò nhỏ, con đò chòng chành muốn lật. Dù sao hai người cũng là đại tôn sư võ học, biết khinh thân giữ thăng bằng, nên con thuyền cũng không đến nỗi bị lật. Con đò nhỏ rời mạn con thuyền lớn, từ từ hướng vào bờ. Thình lình, cách, cách, cách ba tiếng, đáy con đò thủng một lỗ bằng miệng cái đĩa lớn, nước ào ào vọt lên. Rồi cách, cách hai tiếng nữa, con đò bị vỡ làm bốn mảnh. Hai người vốn là dân miền Bắc Trung-nguyên, chưa từng tập bơi lội. Bây giờ con đò chìm, thì chỉ còn biết bám vào tấm ván. Nhưng người thì nặng, mà ván thì nhỏ, nên cả hai bị chìm nghỉm. Cả hai cùng dẫy dụa, người vừa nổi lên, thì bị một cái lưới chụp xuống đầu. Rồi hai cái, ba cái. Thế là cả hai bị nằm thẳng cẳng trong mấy cái lưới, dù võ công cao đến đâu cũng không thoát ra được. Trong khi hơi thở đã tận. Cả hai uống đầy một bụng nước, rồi ngất đi không biết gì nữa.