Chương VI
Căn cơ thời gian trong tam tài

1. Ý nghĩa chữ Tài
Binh pháp nói biết người biết mình trăm trận trăm thắng. Đời sống là một chiến trường, mà sống là chiến đấu, muốn nắm phần thắng cần biết mình, biết người. Không biết là thua cuộc. Biết mình ở đợt căn cơ là đặt vị trí cho mình đối với Trời với Đất. Đấy là bước đầu sâu thẳm nhất, có đặt đúng thì bước thứ hai giữa người với người mới xuôi lọt, rồi đó mới đến bước thứ ba là biết tha nhân…
Để đặt vị trí con người với trời đất thì không còn chi quân bình và sâu xa bằng thuyết tam tài. Nhưng khỏi nói thì cũng dễ nhận ra là thuyết đó bị quên lãng, cho đến nay không còn ai hiểu ra sao nữa. Mà chính thực đây là nguồn phát sinh ra cái mối đầu của nền triết lý biến dịch. Vì biến dịch áp dụng cho con người chính là tác động. Quan niệm con người như một tác động căn bản gọi là tài nhân. Thuyết này bao hàm hai hệ luận tối quan trọng, một là triết lý tác động hay triết lý làm bằng động tự, hai là vị trí cao cả của con người. Chân lý này phát sinh do chân lý trên: tức muốn tác động tới cùng cực (như triết lý bằng động tự chủ trương) thì con người cũng phải đạt vị trí cùng cực có thể. Thế mà không còn vị trí nào cao hơn nhân tài như sẽ bàn sau.
Vậy trước hết hãy bàn về triết lý tác động. Đó là đợt tâm thức cao nhất mà con người phải trải qua nhiều đợt mới tới được: phải đi qua triết lý bằng yếu tính, bằng bản thể, bằng đối tượng mới đạt triết lý bằng động tự phát xuất tự thuyết tam tài. Bởi vì tam tài là có ý nói tới ba loại tác động căn cơ hơn hết là tâm thức con người có thể hiểu được: ba đầu mối đó là Thiên, Địa, Nhơn. Tuy ba nhưng luôn luôn lại là một, là Nhất Thể. Cho nên nếu hiểu một Tài nào riêng rẽ ra, như một thực thể cô lập thì là huỷ bỏ cả cơ cấu toàn bộ: dương cô âm tuyệt. Hệ từ nói: "Càn khôn huỷ tắc vô dĩ kiến dịch" XII. °° Hủy bỏ càn khôn đi thì hết thấy được dịch. Càn khôn thay cho Thiên Địa được coi như đối cực (tension polaire) của tài nhân. Hiểu nhân bên ngoài thiên địa là không hiểu được dịch. Mà đã không hiểu dịch là trở thành ứ đọng bất thông.
Vậy đừng hiểu trời, đất, người như đối tượng của giác quan thường nghiệm kiểu trời xanh xanh trên đầu, đất trải rộng ra dưới chân, hay những con người cá biệt đang đi lại kia. Nhưng phải hiểu là Nhân Đại ngã tâm linh mà hai cực là thiên với địa. Thiên địa như vậy chỉ là đối cực của bất cứ vấn đề nào mà Trung tâm giao hỗ là lòng Người Đại ngã tâm linh. Như giữa tình với lý, ý thức với tiềm thức, tự do với thiết yếu, lòng yêu thương toàn thể nhân loại với tính ích kỷ tư riêng…. Do đó hai tiếng thiên địa ở đây phải hiểu như những biểu tượng mặc nội dung của bất cứ trạng thái hay biến cố nào. Vì thế mà địa cũng gọi là "Khôn" hiểu là nguyên lý tiếp thâu, nuôi dưỡng (principe récetif, formatif).
Tất cả minh triết là phải nhận thức được liều lượng căn để giữa hai luồng cực đi ngược chiều đó. Hễ cân đối là triết ghé hẳn sang một bên là ý hệ nhị nguyên.
Hiện nay trên thế giới đang có một cuộc cố gắng trở lại triết lý bằng động tự xuyên qua các sơ nguyên biểu tượng (archétyps) của khoa uyên tâm. Đấy có thể coi là bước cuối cùng để đạt tam tài. Khi đạt tam tài thì Sơ nguyên tượng cũng không còn cần nữa. Tuy Sơ nguyên tượng (cũng gọi là linh tượng) thấp hơn tài (tác động căn cơ) nhưng còn cao hơn biểu tượng và ý niệm. Những thứ này xài đỡ một lúc rồi nên xả, có xả để vươn lên thì mới đạt độ linh phối thiên địa (cũng gọi là trí tri tại cách vật).
Đôi khi chữ thiên hiểu như bao trùm cả địa là theo kiểu linh phối (Hierogamie): hai là một mà như trong câu: "thiên sinh đức ư dư" trời sinh đức nơi ta thì tuy không nhắc tới địa mà vẫn có địa ở trong như là đối cực. Trong khóa giảng này chúng ta nên phân biệt (chỉ trong lý trí) ra trước hết là:
1) Vô cực chỉ Tiềm thể u linh chưa hề xuất hiện, và trí ta không thể suy đến. Một khi ta suy đến thì liền ra Thái cực, có đặt tên là Tiềm thể, hay vô cực, vô thể thì cũng chỉ là việc cưỡng làm.
2) Thái cực tức là vô cực đã xuất lộ, nhưng mới trên đợt căn cơ, nên lý trí phàm trần chưa thể hình dung ra được. Nó gắn liền với vô cực như câu sách Thái cực đổ thuyết "Thái cực nhi vô cực" Thái cực mà lại vô cực.
3) Thiên mệnh theo nghĩa nội là Ý tưởng uyên nguyên của Thái cực (idée orginelle) mà Héraclite gọi là nguyên ngôn Logos: Lời viết hoa hay là lời bộc lộ chân như nên cũng có thể dịch là Tính ngôn, hay là tính bản nhiên con người. Gọi là bản nhiên: principal et pur nghĩa là hoàn toàn căn để và hồn nhiên chưa một chút chi pha tạp, chỉ có thể hội bằng tâm thức vũ trụ (conscience cosmique) của các bậc thánh hiền mà thôi. Bởi vậy chúng ta sẽ dựa vào lời các ngài để cố gắng tìm hiểu theo khả năng hạn hẹp của chúng ta.
4) Tam tài cũng chính là Tính mệnh ở đợt 3 vừa nói trên, nhưng theo trí óc chúng ta thì qui ra được ba khía cạnh: một là Thiên hai là Mệnh và Thiên Mệnh nhập một.
Thiên hiểu là lời vô ngôn, là ý tưởng uyên nguyên: idée originelle, có tính cách vô biên.
Mệnh hiểu là ý chí thực hiện (volonté en Acte hoặc idée creátrice, décrel orginel. Existence) sự hiện thực thiết yếu gắn liền với essence hay là Logos hoặc pensée créatrice tức là ý tưởng uyên nguyên, bao hàm trong mình sự hiện thực, không thể có ý tưởng mà không có hiện thực đi với, Mệnh đó cũng gọi tên khác là Địa như là đối cực với Thiên và cả hai là một, nhưng đối với lý trí con người, thì là hai khía cạnh khác nhau. Thiên là vô biên, mà địa là hữu hạn vì là hiện hữu mà hễ đã hiện hữu là có hạn có mốc, cho nên nói đến mệnh là nói đến giới mốc. Vậy cả hai đối cực đó hội thông nơi Nhân, cho nên Nhân ở đây là sự giao hỗ tụ hội của hai khía cạnh. Hai khía cạnh Thiên Địa đó làm nên tính bản nhiên con người. Từ nhân tính của đại ngã này mà nhìn trở lại, ta thấy Thiên xuất hiện như luồng ánh sáng, như Tư tưởng soi đường mà ta gọi là: Nguồn minh triết uyên nguyên: sagesse principielle. Nho giáo dùng chữ tâm đứng °° để tượng hình các ánh quang linh hướng đạo đó và có thể gọi là "dương chi tú khí".
Còn khía cạnh Mệnh thì nhìn như luồng sống uyên nguyên biểu thị bằng chữ Sinh °° cũng cò thể gọi là "âm chi tú khí". Hai luồng Tâm °° Sinh °° này là hai mũi giùi Siêu linh làm nên Tiết Điệu căn cơ của con người gọi là Tính Bản nhiên không có một chút chi thuộc thụ động pha tạp vào, vì đây là đợt chưa tới thụ động (passivité) mà còn là đợt hoạt lực tinh ròng: actus purissimus: acte très pur chưa pha trộn mảy may thụ động nào cả. Như vậy là hoạt lực (activité) vô biên biểu lộ bản tính (essence) trọn hảo vô cùng, vì không bị một thụ động tính nào ngãng trở. Trong Kinh Dịch được biểu thị bằng quẻ Kiền với 6 hào dương cả, không pha một hào âm nào nên lời Kinh nói: "Đại tại Kiền hồ! Cương kiện, trung, chính, thuần, túy, tinh dã °°: Lớn lao thay quẻ Kiền, mạnh mẽ, trung, chính, thuần (là trong sạch), túy (là không pha tạp unalloyed), tinh (là linh thiêng spiritual). Nói khác theo lý trí suy luận là chưa đi vào hiện tượng còn ở đợt Tiên Thiên nên có lời rằng: °° "kiền nguyên dụng cửu, nãi kiến thiên tắc" = khi kiền dùng toàn hào dương như thế, thì liền thấy được luật trời. Luật ấy là "thiên hành kiện" nghĩa là: trời đầy hoạt lực, không pha tạp chút chi thụ động, vì thế mà không nghỉ ngơi, không bị lệ thuộc, vì °° Kiền nguyên giả: thủy nhi hành giả đã": Kiền là khởi đầu, tự do lai xuất (Cause Originelle), chưa bị cái chi khác đi trước ra điều kiện cho mình, nên hoàn toàn tự do theo nghĩa tự nội khởi, chưa hề bị hạn cục. Người quân tử cố gắng làm theo đó để xưng là một trong tam tài, nên quẻ Kiền nói về người quân tử: °° chung nhật kiền kiền, dữ thời giai hành" = all day long he is creatively active. He moves with the time. Làm việc luôn một cách như trời nghĩa là sinh sinh sinh, nghĩa là sáng tạo.
Đó là đại để ý nghĩa căn bản của chữ tài. Tài là tác động tinh tuyền, nên tự nội xuất phát vậy. Trên đây là Ý chính, nó có tính cách nền tảng, sẽ làm cốt cho rất nhiều nguyên lý về sau, nên chúng ta cần triển khai một số hệ luận của chữ Tài có cương kiện thuần túy tính vừa bàn trên.
2. Mấy nét lớn về Tam Tài
Vì Tài hiểu là hoạt lực tinh ròng do đó chúng ta có thể rút ra được mấy đặc tính như sau: Trước hết là hai chữ "tồn tồn" cũng giống hai chữ "sinh sinh" đều phải hiểu ở đợt nền móng là Tam Tài. Khi một tư tưởng ngừng ở đợt ngoài, thì chỉ thấy một là có hai là không, một là sinh hai là tử. Chỉ khi nào đạt độ cùng tột gọi là "lân hư" (giáp giới hư không) thì mới thấy được có giáp cân với không, cả hai nương nhau cách căn để, đến nỗi "có sinh bởi không" "Hữu sinh ư vô" và trong một tích tắc thì quá trình hữu sinh ư vô xảy ra không biết cơ man nào là lần, nay nhờ khoa học ta biết sự sinh sinh đó có nghĩa viên mãn rất mực khi nghĩ tới việc tồn hữu là luôn luôn sinh (l'existence c'est toujours naitre) kể từ vật li ti vi trần bên dưới nguyên tử (subatomique) chỉ xuất hiện một phần vạn hay triệu giây, tức là trong một giây phải sinh sinh có triệu lần mới tồn hữu được. Rồi tính ngược trở lên tới những ngôi sao lớn nhất mà một chu kỳ từ sinh đến diệt lâu có tới vài ngàn triệu năm. Đó là hai cực: một cực dài một cực vắn mà con người có thể nhìn ra và đều thấy chúng nằm trong sự vận hành biến chuyển của sinh diệt sinh diệt. Đó là dịch nhưng là cái dịch sinh sinh, tức là cái dịch cao siêu nhất, đong đưa giữa "Hữu vô tương sinh", nơi mà Vô cũng cần bằng Hữu, nên nói Hữu mà chính ra phải nói Hữu-vô Hữu-vô. Sinh diệt sinh diệt tồn vong tồn vong. Lão tử gọi là "miên miên nhược tồn dụng nhi bất khả cần" DK. V = miên tục như là kéo dài mãi. Dùng luôn mà không hao mòn. Nói "nhược tồn" (quasidurée) thực ra không đúng là tồn với nghĩa: kéo dài, vì chữ tồn (durée) bao hàm ý tưởng kéo dài một cách phân trương là thuộc không gian và có giới hạn, vì đó phải dùng tiếng "nhược tồn" = dường như tồn, hoặc là "tồn tồn" để nói lên ý cương, vượt ra bên ngoài tồn với bất tồn; mà là cái chi siêu thời nghĩa: hòa thời, "miên trường". Vì thế mà nói là "vô thủy vô chung": không có đầu không có cuối... Vì đầu cuối thuộc mốc giới hữu hạn.
3. Triết lý bằng động từ
Đây là một hệ luận rất tế vi đi với thuyết Tam Tài. Đã nói rằng Tài là hoạt lực vô biên, không bị hạn cục bởi thụ động tính và cũng chẳng lệ thuộc vào một đối vật. Chúng ta phải giải nghĩa rộng hơn. Hãy lấy một thí dụ trong mệnh đề "mẹ hắm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào". Đó là một câu đầy hoạt lực làm toàn bằng động từ, đọc lên ta thấy cái chi lay động: giơ tay, mắm môi, miệng nói, mắt chập lưng cúi, tay bưng. Một lối văn đầy hoạt lực khiến cho người đọc như bị điện giật. Tuy nhiên đó mới là văn chương bằng động từ, chưa phải là triết lý động từ: "philosophie de verbe". Khác nhau như Dụng với Thể. Ở Dụng có động nhiều cũng còn đầy hạn cục cả về phía chủ thể (sujet) cũng như về phía đối vật (objet). Ừ thì cho là mẹ mệt rũ, sức mấy mà hắm hứ không ngừng. Rồi nữa để cho mẹ có thể bưng thì phải có thúng xôi, có mâm tiền, nếu không thì mẹ lấy gì mà bưng? Rõ ràng là mẹ lệ thuộc vào thúng xôi, vào quan tiền. Vì thế gọi là Dụng và chưa phải là Triết. nơi Triết thì chủ thể phải là Tài tinh ròng, không lệ thuộc đối tượng. Vì thế mà không thèm hắm với hứ là những động tác tùy phụ, sửa soạn cho động tác bưng; là đối tác lệ thuộc vào sự vật. Nhưng ở đợt Tam tài thì động tác là tự nội và gọi là "sinh sinh", và không phải sinh một phát rồi nghỉ 2, 3 năm mới lại sinh nhưng trong một giây đã sinh không biết cơ man nào là lần rồi.
Thứ đến là một hoạt lực tự bao hàm hiện thực bên trong chứ không lệ thuộc vào đối vật. Nhưng là một tư tưởng tạo dựng "Une Pensée créatrice" hoàn toàn là năng lực ròng, chưa có một cái gì là đối vật. Do đó toàn là Verbe: Động từ. Hơn thế nữa không phải những động từ son đẹt như hắm với hứ, nhưng là động từ tạo dựng: verbe créateur như sinh sinh không phải sinh kiểu thường nhưng rất nền tảng kiểu như của Thiên với Địa, tức là hai thực thể lớn vô biên. Cho nên sinh ở đây chính là việc gặp gỡ, việc giao hội của hai sinh lực "càn khôn", "âm dương chi tú khí" và "quỉ thần chi hội"... Nói khác đi là hoàn toàn ở đợt Thể tinh ròng, chưa có đối vật ở đợt Dụng; còn đây là Đại Không Gian, đại thời gian nên nói về Vũ trụ Trang Tử bảo là "hữu nhi vô hồ xứ giả": có thực nhưng chưa ở hẳn nơi nào, nên cũng chưa bị ràng buộc vào một lúc nào thí dụ đã cổ thì thôi kim nhưng là "vãng cổ lai kim" đi lại cổ kim gồm cả. Ta hãy tạm căn cứ trên vật chất ở đợt phân tách đến cùng cực là âm điện tử chưa kết thành vật cá biệt dầu là nguyên tử mà còn ở tình trạng năng lượng thuần túy, chưa định hình (indéterminée) và nếu ta gọi đợt này là khí thái cực, thì bên trên và sang bình diện khác là lý thái cực. Khí thuộc Dụng, lý thuộc Thể và một nền triết đạt thân phải vươn tới đợt giáp giới của lý với khí đó. Vì thế chưa có đối vật nên chỉ có hoạt lực, và triết lý gồm toàn động từ. Sinh sinh, tồn tồn.
Động từ nền móng nhất là giao hợp giữa vô và hữu hay là âm dương. Động từ đó cũng có khi gọi là Giao, là Hòa, Hỗ, Thành v.v...
Sau đó đến ba động từ chính là Trí, Nhân, Dũng, nó là ba động từ đối với đối tượng (objet) là chân-thiện-mỹ. Vì triết Nho chuyên về động từ nên nói trí, nhân, dũng mà không nói chân, thiện, mỹ như triết lý đối vật.
Kế tiếp sau ba động từ đó thì đến bốn động từ: định, tĩnh, an, lữ rất quan trọng, hoặc xét bên 8 quẻ nền móng thì cũng toàn là Verbe gọi là tài là đức của quẻ tức là hoạt lực.
Hai yếu tố cấu tạo vạn vật là Kiền khôn thì Hệ từ còn nhấn mạnh:
Kiền giả Kiện dã
Khôn giả thuận dã
Chấn giả động dã
Tốn giả nhập dã
Khảm giả hãm dã
Lý giả lệ dã
Cấn giả chỉ dã
Đoài giả duyệt dã
Một loạt tám động tự. Tất cả các động tự ấy được giồn vào chữ giao °° là động tự nòng cốt hơn hết trong Kinh Dịch. 64 quẻ là có 64 chữ giao = quẻ ngoại giao với quẻ nội. Tám quẻ là tám tài nhỏ, tức là sự phân hóa của Tam Tài nên cũng toàn là sinh lực hết. 64 quẻ là 64 câu "quân tử dĩ tự cường" nói khác đi để áp dụng vào từng trường hợp tức là chẻ nhỏ chữ "Hành Kiện" ra cho dễ áp dụng, nhưng tựu trung vẫn là động từ. 64 động từ đi với 64 quẻ.
Vài thí dụ đó cốt để sinh viên lưu ý tới hoạt lực lớn lao là sinh, "sinh sinh chi vị dịch" (dịch là động từ cũng như chữ sinh). "Thiên Địa chi đại đức viết sinh". Nên nhớ chữ đức ở đây phải dịch là énergie primordiale. Đừng lẫn với nhân đức là ý nghĩa luân lý thông thường nên cũng tầm thường, không phải nguyên nghĩa của chữ Đức đầy hoạt lực vậy.
Trong viễn tượng đó không bao giờ nên dịch Nhất Thể là subtance trên bình diện hiện tượng, vì Thể đây còn bên trên tam Tài, không thể nói ra được, chúng ta chỉ nói gián tiếp bằng những động từ "sinh sinh bất tức" v.v..
Đó là đợt rất sâu làm toàn bằng hoạt lực, hễ đi vào thì gặp, trong khoa học, xuyên qua khoa vi vật lý người ta biết được vật chất ở trạng thái khí năng chỉ là một thứ hoạt lực. Cũng như khoa lượng tử họa về ánh sáng (phổ quang: quanta) tức những hột khí năng của ánh sáng: grain d'énergie = photon là đợt vượt quá vật chất im lìm (matière inertiale) để tới đến Hành (Action) đến hoạt lực tinh ròng. Cho nên khoa học ngày nay (NES) định nghĩa hữu thể trung thực là một hữu thể luôn luôn cần cù cố gắng? L'être n'est un être authentique, un être libre que dans la mesure où il fait un effort laborieux (115. G. Vallin. Être et Individualité).
Đó là đi tới bờ cõi khởi đầu của triết lý trung thực toàn là verbe (sinh sinh) và effort laborieux: "tự cường bất tức", mà không cần đối vật. Chính trong bầu khí đó mà chúng ta phải hiểu những mệnh đề của triết học hiện đại như câu: "bản tính của hiện hữu nằm trong thoạt tính của chúng" hoặc câu "hữu thể chính thực của con người là tác động của nó": "l'être vrai de l'homme est une action" chữ là (est) ở đây phải hiểu là việc cấu tạo ra con người, con người không là chi khác, mà chính là động tác của nó. Do đó con người đừng để lòng ứ trệ vào đối tượng nào, nhưng phải hành động một các thành khẩn. Đó là ý câu "hư tâm, vô thố, quân tử chi đốc hành dã": tâm trống rỗng, không cậy dựa vào cái chi, nhưng hăng hái hoạt động. Triết Nho là một triết lý nhập cuộc, lăn lưng hoạt động mãi từ cấp bậc tối cao này, nên có tác giả gọi rất trúng là 1 khoa siêu hình của hành động: "métaphysique de l'action".
Nếu siêu hình Ấn Độ đặt nền trên neti, neti: không, không (vô thường).
Còn triết Âu tây đặt trên Hữu thể (ontologie).
Thì triết Nho đặt trên sinh, sinh hành, hành (ngũ Hành).
Hoặc đối chiếu với triết tây và nói theo phạm trù của ngữ luật thì triết tây có ba giai đoạn chia theo vật đích, chủ từ và động từ (Objet, Sujet, Verbe).
Giai đoạn vật đích hay đối vật là triết lý của nhóm Thales, chủ trương bản chất sự vật là nước, lửa, khí… chuyển qua Platon: đặt ở yếu tính sự vật và Aristote ở bản chất: substance. Tất cả đều là triết lý đối vật. Trong đó chủ từ bị vật đích ăn hiếp, nên hóa thành đối vật (chosifiée). Đến Descarte, Kant mới "khám phá" ra chủ từ và cố gắng đề cao ngã chủ tri, nhưng vì còn nằm trong lý trí nên chủ tri vẫn chưa nuốt nổi vật đích, cùng lắm là mới biến nó thành biểu tượng. Vì thế Husserl đã đưa ra thuyết giao hỗ hiện tượng là không có ý thức suông mà hễ có ý thức thì bao giờ cũng là ý thức về một cái gì. Như vậy vật đích được ý thức với ý thức không còn xa cách trên hai bờ nhị nguyên nữa nhưng chủ tri với sở tri vẫn gắn bó rồi, kiểu trí tri tại cách vật. Nhưng làm sao được vì ý thức mới là tầng ngoài chưa bao gồm được tiềm thức thành ra hiện tượng hiện lên trên màn ảnh ý thức cũng chỉ là cái vỏ, chứ làm sao có được "cùng lý" "tận lý" của vật, vì thế làm sao nói được "ngô ý thức tiện thi vũ trụ" như khi nói về tâm. Chỉ có tâm mới đạt độ bao la vũ trụ, còn ý thức thì ý thức về cái chi thì biết được cái Ấy. Đó có lẽ là điều Heidegger muốn nói khi nhận xét rằng Husserl đã không đặt vấn đề căn nguyên về Hữu thể, nên chưa đạt động từ căn cơ có khả năng vô biên nối kết vạn vật. Heidegger đang cố gắng trả lại cho Hữu thể tinh chất uyên nguyên đó để đạt đợt sinh sinh kiểu nho triết.
Trong cả nền triết này chỉ có một chữ vật trong câu "trí tri tại cách vật" có vẻ là sự vật, là đối tượng và do đó đã khiến Hồ Thích đặt hi vọng sẽ xây được nền triết lý khoa học cho Nho giáo, nhưng cuối cùng Hồ Thích đã thất vọng vì nhận ra chữ vật đó người có nghĩa là vật đích (objet) thường nhưng theo chú sớ của Vương Dương Minh và cả Chu Hi nữa đều giải nghĩa chữ vật ở đây là một tác năng, một phạm trù của mối liên hệ (une fonction et non substance… catégoris of relationship). Granet thường dịch chữ vật là essence… có người dịch là un acte, un process…
Tóm lại ở đợt then chốt thì triết nho là một triết lý thuần động từ, và do đó nó thuộc đợt tam tài, là đợt chỉ có tác động ròng, chưa cần lý do hay đối tượng để có thể bị lệ thuộc, hay đốc ra triết lý ngắm nhìn suông và rơi vào bệnh vật đích hóa, nghĩa là chĩa mũi dùi vào một vật ngoại lai bên ngoài mình. và đó là ngõ dẫn vào trạng thái vong thân. Còn với triết bằng động từ người ta có thể dành toàn khối nghị lực để giồn vào tác động uyên nguyên hầu sống cho thật đúng Tiết Điệu phổ biến của Tam tài.
Được thế mới là tác động tinh tuyền theo lối "thiên hành kiện" tức là tác động tinh ròng không vì lợi, nhưng là "vô cầu:, "vô trụ" để khỏi nghiêng ngả vào sự vật này nọ kia khác. Trái lại luôn luôn bám sát con người như trung tâm hội tụ của Tam tài. Cho nên khi đề cập bất cứ sự kiện hay vấn đề nào, con người vẫn là then chốt, như thí dụ trong vấn đề không thời gian hay là vũ trụ thì then chốt vẫn là người, là nhân nên nhân ở đây là chốn hội thông, là nơi giao hỗ, vì thế cần giải nghĩa thêm 1 câu Kinh Dịch đặng rọi thêm ít tia sáng vào chữ Tương này.
5. Đồng thanh tương ứng, Đồng khí tương cầu
Vậy điều cần đặt nồi nằm trong chữ Tương °° relation. Nhưng Tương ở đây phải hiểu là Tương giao trên đợt thâm sâu, vì nếu căn cứ vào đợt cá biệt của sự vật đã hiện ra hình tích cứng chắc và đông đặc thì không nhận thấy được. Do đó mà triết học lý niệm đánh mất thực chất của phạm trù Tương, để dốc ra thứ triết lý một chiều hoặc duy vật (objectivisme) hay duy tâm (subjectivisme). Triết lý Động Từ hay Triết lý tương quan động đích (dynamique) chỉ xuất hiện khi đạt tới đợt Khí và Thanh. Khí là đợt cuối cùng của Dụng tính từ vật chất thô dại đi lên khí năng (hoặc là sắc, tướng của nhà Phật) tức là đợt vi tế cuối cùng của hiện tượng. Nếu ta dùng giác quan thường nhìn ngắm sự vật ta chỉ đạt tới sự vật như là bản thể đông đặc im lìm, phải tiến nữa bằng phân tách, với sự trợ giúp của kính hiển vi điện tử khuyếch đại sự vật lên cả hằng vạn lần, mới hiểu đến đợt khí: coi sự vật như khí. Tuy vậy còn là ở đợt dụng, muốn đi vượt qua, thì cần nại đến hình thức. Thế mà tâm thức có cao thấp khác nhau: và sự vật chỉ xuất hiện nhiều ít và thô hay tinh tuý với tâm thức mở ra rộng hay hẹp, nếu là tâm thức thấp nhất, hạn hẹp thì chỉ thấy sự vật như bản thể im lìm ứ đọng; phải tinh luyện lắm mới thấy sự vật như khí như sắc, tức là như cái gì rất dễ biến thông. Và phải một đợt cao nữa mới đạt đến Thanh, là đợt còn nhẹ nhàng, còn tinh lọc hơn nữa. Vì thế nói đến Thanh là đã có thể bước sang đợt cao hơn = Thanh có thể là đợt cuối cùng đi xuống của Nhất Thể trên quá trình xuất hiện: có Thanh một bên, sắc hay khí bên kia. Thanh thuộc đợt Thể đi xuống gặp khí thuộc vật chất đi lên để có khả năng giao hỗ: "tương ứng tương cầu".
Nếu xem tự ngoài thì sự vật đặc sệt, cái nọ khác hẳn cái kia nằm bên nhau, không nhúc nhích. Còn Lời thì vô ngôn (vô thanh) quá cao sâu, làm sao tương ứng tương cầu với vật chất im lìm. Còn khi vật chất đi lên tức là được "nhìn" dưới sự phân tích tới cùng thì sẽ hiện ra như khí năng. Cũng như Lời từ vô Thanh đi xuống thì sẽ trở thành "hữu danh" và như thế là hai bờ xa cách lại gần cho hai tay của thanh trên khí dưới bắt lấy nhau để mà tương ứng tương cầu, tương sinh tương nhập. Đó gọi là hổ giao °°.
Nhưng chữ hỗ giao hay tương sinh đó toàn là động từ nội khởi và là những danh từ quen thuộc của triết lý cơ thể (philosophie organique) đi ngược hẳn lại triết học cơ khí (mécanique) nơi đây chỉ có khí lực (force) của một chủ thể (d'un sujet) thúc đẩy sự vật đã trở thành đối tượng (objet). Với đối tượng không còn hỗ tương nữa, mà cũng không có ứng có cầu chi cả, nhưng chỉ là thụ động chịu lấy sức đẩy phát ra một chiều từ chủ thể tới đối tượng. Thí dụ tôi rủ bạn đi tắm, bạn nghe theo cùng đi, vậy là có tương quan vì sự đi của bạn phát xuất tự nội khởi. Ngược lại khi bà mẹ bồng con đặt vào chậu tắm thì con thụ động nhận lấy sự tắm đó gọi là thiếu tương quan trong cử chỉ tắm (không kể đến cảm xúc). Đem ý niệm động một chiều này vào triết lý thì biến thành ra cơ giới. Quan niệm cơ giới hiện đang bị lung lay, vì ngày nay cả đến khoa học vật lý cũng đã nhận ra sự giao hỗ tương liên giữa các sự vật. Vì thế có sự thay đổi kiểu nói chẳng hạn, không nói khi nam châm kéo sắt, vì thực ra sắt có hoạt động trong việc lại gần với nam châm. Cũng như tiếng lực (force) bị coi là cái gì còn quá thô sơ nên đã thay vào bằng chữ khí năng (énergie) tinh tế hơn. Như thế là có việc từ bỏ quan niệm kiểu cơ khí cứng đặc, để đi đến những danh từ thanh thoát giống như trong cõi người cũng có trung gian (từ trường) cũng có tác động kiểu vận động ngoại giao để cho thanh sắt xử đối (se comporter… ). Đó là những danh từ theo lối triết lý cơ thể nghĩa là có ứng, có cầu và nhất là có giao hỗ chứ không còn kiểu một chiều bắt lấy, lôi đi, chiếm đoạt… khoa học đi đến đây được là vì đã tiến thêm nhiều đợt trong sự xác thiết tinh mật, đã vượt qua đợt vật chất cứng đặc để đạt đợt năng khí lưu linh. Cho nên triết lý mà đạt đợt cơ thể "tương ứng tương cầu" thì chính là vì đã nhìn rất sâu vậy.
Cần ghi nhận rằng đây là đợt sâu hết sức có thể, nên không còn xem vũ trụ như là cái gì khách quan bên ngoài mình, nhưng là cái gì tế vi như thanh như khí cùng với Tâm mình có liên hệ như tương ứng tương cầu, để có thể cùng rung chung một tiết điệu. Nên nói "vũ trụ tiện thị ngô tâm" hoặc "thiên địa chi tâm" là vì thế.
Đó chính là luật "tương ứng tương cầu". Có đồng thanh mới tương ứng, có đồng khí mới tương cầu, như ngày nay ta được thấy rõ qua những tần số của máy thâu thanh, thâu hình. Nếu không đồng tần số thì dầu là máy tốt cũng chẳng thâu được thanh.
6. Thiên nhân tương dữ
Trở lên là trình bày phần nhất của đề tài nói về tác động tinh ròng. Nếu tinh ròng thì bất tức không ngơi nghỉ, nên dẫn đến được hậu quả là đặt con người lên địa vị vô biên (để có thể tác động cách vô biên). Ngang cùng trời đất = Tề thiên đại thánh. Đó là ý tưởng then chốt nên dễ bị hiểu sai. Hãy lấy câu "Thiên nhân tương dữ " làm thí dụ. Câu ấy có nghĩa là "Người với Trời tham dự liên đới với nhau". Đó là chủ trương của Đổng trọng Thư mà về sau bị những người như Tuân Tử hay Vương Sung bác bỏ. Triết học lý niệm và khoa học trước đây đã bác bỏ mối liên hệ giữa đại vũ trụ và tiểu vũ trụ, nhưng đến nay lại vừa khám phá trở lại mối liên hệ kia. Tại sao có sự thay đổi lập trường này? Thưa tại hai bên đều sai và thiếu khả năng giàn hoà, vì cả hai chỉ nắm được có những chân lý mảnh vụn (demi-vérités) không biết đến phân biệt nền móng, rồi tự giam mình trong những lập trường quá khích là nhận một bỏ một = ou tout ou rien. Sở dĩ như thế là tại chưa nhận thức được tính chất lưỡng thê (twofold) của bất cứ vấn đề nào vì sự việc nào cũng đều có Thể có Dụng.
Nếu nói tới đợt thể thì Thiên Nhân quả là tương dữ vì cả Tam tài đều làm nên Nhất thể; nhưng nếu đứng ở đợt Dụng thì ba đó khác nhau. Đổng trọng Thư đã nhầm khi đưa Tương Dữ ở đợt Thể đặt xuống đợt Dụng được ngụy trang bằng ma thuật kiểu âm dương gia. Vậy mà ma thuật cũng như tượng số còn trong vòng hiện tượng tức là trong vòng Dụng thì làm sao có thể "cùng đất trời tham dự". Làm sao con người tiểu ngã có thể sai khiến trời mưa, gió thổi, đất sụt. Bấy nhiêu là thuộc Dụng; dám đem ý tưởng về nguồn lực vô biên ở đợt Tam Tài của Nhất Thể mà mon men áp dụng vào cõi hiện tượng là truyện vu nghiễn, nghĩa là mơ mộng hão huyền. Muốn thực tế, muốn sai khiến được hiện tượng như mưa, gió, sấm, nước, lửa theo ý muốn của mình thì chính mình phải tìm hiểu các luật thiên nhiên trong cõi hiện tượng như kiểu khoa học thực nghiệm mới làm nên việc. Đó là chỗ những người có óc pháp môn không hiểu được. Và chính sự hiểu nông cạn đó là nguồn gốc cho ma thuật, đồng cốt, hô phong hoán vũ, và ngày nay là phong trào Chưởng. Bảo rằng sai cũng chẳng phải, mà đúng cũng chẳng phải… Và vẫn có người tin, người chống, người ghét, người thích. Việc của triết là phân biệt bình diện để phanh phui ra manh mối, chẳng hạn Chưởng mà hiểu lên bình diện tâm linh thì không phải không có lý. Thí dụ một người đã un đúc lâu ngày một luồng tư tưởng dồi dào mãnh liệt thì tất nhiên sẽ gây ra những ảnh hưởng rất lâu dài như các loại Văn hóa. đó là một thứ Chưởng tâm linh rất thực. Nếu áp dụng vào hiện tượng là các khoa học thì những bom khinh khí có thể coi là một loại Chưởng cao độ chỉ cần giơ tay bấm nút thì bao nhà cửa đều đổ rạp. Chưa có Chưởng nào mạnh được như vậy. Vì thế nếu sai thì chỉ do hiểu không đúng bình diện mà thôi. Hiểu như những Tuân Tử hay Vương Sung hoặc các nhà triết học duy kiện ngày nay thì tức là vụ vào hình thức ngoài, mà chưa khám phá ra liên hệ bề sâu tất nhiên rơi vào quan niệm cơ khí duy vật: đánh mất cái hồn thiêng cao cả của Nhất Thể. Vậy cũng còn là cái nhìn thiên lệch một chiều và thiếu quân bình của các bậc tiền nhân thuộc Truyền Thống.
May thay ngày nay cả đến khoa học vật lý cũng đang khám phá trở lại mối liên hệ đó ở cả hai đối cực: cực nhỏ cũng như cực to. Về cực nhỏ thì ngày nay khoa học cho biết: vũ trụ cực to làm bằng cái cực nhỏ. Vì sự vật chẳng qua chỉ là sự tập hợp của các phân tử, phân tử là tập hợp của nguyên tử, nguyên tử là tập hợp của hạch điện tử v.v… tức là cái lớn vô cùng làm bằng cái nhỏ vô cùng, mà cái nhỏ vô cùng thì đồng tính chất như nhau ở mọi sự vật, cho nên Teilhard de Chardin nói mỗi đơn tử, mỗi bộ phận tích luỹ đều phân trương ra tới cùng khắp vũ trụ sinh hóa theo chiều kích vi phân của nó (chaque nonade ou particule centrée est infinitésimalement coextansive à la cosmogenèse tout entière). Hoặc nói đơn sơ cho dễ hiểu thì giấc mộng của các nhà linh đan (alchimiste) thời xưa muốn biến mọi vật ra vàng, thì ngày nay đã không còn là một truyện mơ suông, nhưng là điều có thể thực hiện được, vì mọi vật phân tách tới cùng đều bởi khí năng, khác nhau là do sự tổ hợp pha độ là cái khoa học có thể can thiệp được.
Về phía cực to, người ta nhận thấy ngôi sao đỏ lớn nhất (étoile géante rouge) to hơn con người theo tỉ xích con người to hơn âm điện tử tức là thực thể réalite bé nhất mà loài người là tiểu thiên địa là một câu nói có nền tảng, miễn là biết đặt nó vào đúng chỗ. Chúng ta nhận thấy càng đi sâu vào sự vật thì càng nhìn nhận ra mối liên hệ. Vậy thì sự vật không cô độc li cách như con mắt thường nghiệm xem. Nhưng khi đi vào thấu cùng cực sẽ thấy vạn vật quả là Nhất Thể vậy.
Cho nên áp dụng vào con người cũng thế, con người cũng có nhiều tần số rung cảm khác nhau từ giác quan qua lý trí tới tâm linh. Khi căn cứ vào giác quan thì không nhận ra tương ứng tương cầu nào giữa vạn vật lẻ tẻ xa cách. Lên đến lý trí đã nhận ra mối cộng thông nào đó như các luật của khoa học móc nối hiện tượng này vào hiện tượng kia bằng luật căn do: chẳng hạn khói liên hệ với lửa như công hiệu liên hệ với căn do. Tuy nhiên đấy mới là những mối liên hệ có tính cách trừu tượng nên cũng rất nghèo nàn. Chỉ khi nào đạt trạng thái tâm linh mới nhận ra mối liên hệ cơ bản ràng buộc vạn vật lại như trong một cơ thể. Đấy mới là mối tương quan hệ trọng, nhưng chỉ khi đạt tới trạng thái Tâm linh mới cảm nhận được. Vì những trạng huống tâm tình khác nhau đó, nên cùng một câu nói mà mỗi người thâu nhận và hiểu khác nhau. Khi lên tới cùng cực thì sẽ nhận ra mối liên hệ cơ thể giữa con người với thiên địa nó đem lại cho con người vị trí cao cả vô biên. Đó là ý câu "dữ thiên địa tham" cùng trời đất tham dự. Đổng trọng Thư nói về chữ vương rằng: "thủ thiên địa dữ nhân chi trung. Dĩ quán nhi tham thông chi" Thục IV. 87 °°: lấy cái trung tâm của Trời, Đất, Người mà thiết lập được mối biến thông giữa Tam Tài thì gọi là tham thông. Đấy là một chân lý nền tảng, nên chúng ta vẽ lại đây cho dễ nhớ.

*

Xem hình trên ta thấy bản chất con người nằm trong tác động tham thông với cả Tam Tài mà không được duy tài nào hết: không nhất tài, không nhị tài nhưng là tam tài. Nhưng nếu là tam tài xa cách thiếu liên hệ thì cũng như nhất tài, nhị tài cô độc, cô đơn để thiên lệch ra duy thiên hay duy địa, duy nhân thì điều là tai họa, nên ngoài tam tài lại thêm câu "tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số" °° (Thuyết quái I) để ràng buộc tam tài vào một mối gọi là Nhất Thể, để cho cả ba tham dự vào bất cứ việc nào của một hay ba, và để cho không tài nào lấn át tài nào: duy vật đừng lấn át duy linh và ngược lại… Để tránh sự lấn át đó nên Kinh Dịch đem ra một thứ phân công cho: "Trời sinh, đất chở, người hòa" °° "Thiên sinh, địa dưỡng, nhân hòa". Đây chỉ là những danh từ hạn hẹp cưỡng dùng để nhấn mạnh vai trò của tài Nhơn là hòa hay là Thành. Hòa hay thành đều như nhau. Con người không là lý trí suông (thiên) cũng không là thân xác với kiếp sống duy sinh lý (địa), nhưng con người là mối tương quan giữa Đất - Trời. Một khi đánh mất mối hòa hay là quân bình giữa hai yếu tố đó tức hết làm người nên theo tinh thần nho giáo thì hết mọi người phải biết tự thực hiện trong mình nền thống nhất căn bản phổ biến theo với mẫu mực tự do mới khát vọng đạt tới đó với một ý thức đầy đủ. Bởi vậy nó phải là cùng đích cho mọi người không trừ một ai (xem Zentker 138).
Đại để đó là vài chân lý ẩn trong thuyết Tam tài. Nó đưa con người lên bậc tối hậu không thể cao hơn, chính vì thế mà đối tượng của nó là thiên địa tức toàn thể mà không còn là vật này vật khác bé nhỏ. Đấy là nền tảng cho những đức tính tối quan trọng của đạo làm người như Cung Kỷ, kính tha, an nhiên, thanh thản.