Đoạn kết
Tổng Quan

1. Cái núm của vấn đề
Muốn ước lượng phần nào chính xác về số độ cao thấp của một nền Văn hoá thì tiên thiên nên dùng quan niệm Chữ THỜI, còn hậu thiên nên dùng hiện thực. Những hiện thực này cần thiết cho việc kiểm chứng. Và để cho những suy luận tiên thiên bớt chủ quan thì phải đi lối kiểm chứng trước. Muốn cho kiểm chứng làm tròn vai trò của nó thì đừng lôi cả vào những hiện thực thuộc Văn Minh. Vì Văn Minh khác với Văn Hoá.
Văn Minh chủ Trí.
Văn Hoá chủ Nhân.
Văn Minh nhằm ăn người.
Văn Hoá nhằm yêu người.
Vậy không nên thấy Tây Âu hùng cường hơn ta đến độ cướp đoạt được ta mà có thể kết luận rằng văn hoá Tây Âu cao hơn của ta.
Bởi khi đứng hẳn vào cương vị Văn Hoá mà nói thì ta thấy Văn Hoá Việt Nho đã lập được những thành tích lớn lao cho nhân loại:
1_ Phá chế độ nô lệ và đặt nền tảng cho tình huynh đệ phổ biến.
2_ Thiết lập chế độ bình-sản
3_ Và rất nhiều bình quyền như đi học, đi thi, phát biểu tư tưởng v.v…
Ngược lại Văn Hoá Tây Âu đã sản ra ba cái nọc độc hiện đang còn gieo máu nước mắt khắp nơinào mà nó lan tỏa tới. Đó là kỳ thị chủng tộc, thực dân chủ nghĩa tiêu diệt bao triệu người, và Cộng sản nô-lệ-hoá con người cách tàn bạo (xem lại bài khủng hoảng trong quyển Triết Lý Giáo Dục).
Đó là những sự kiện được chính những học giả Tây Âu ghi nhận trước và hiện còn đang phơi bày ra trước mắt mọi người, cho nên khi nói Văn Hoá Viễn Đông cao hơn thì không phải là truyện vội vã hay chủ quan chi cả. Nói ngược lại như thường thường người ta tin tưởng đấy mới là cận thị, mới là thiếu khoa học: lẫn lộn Văn minh với Văn Hoá. Thấy Văn Minh cơ khí cao thì cho mọi cái đều cao, đã từ xa xưa như vậy.
Nếu đó chỉ là sự tin tưởng thường nghiệm của người dưới phố thì không đáng bàn. Đàng này cả giới trí thức, cả triết học gia cũng tin như vậy nên mới là hùa nhau theo gió, hùa nhau uống thuốc độc. Muốn tránh tai hại đó cần phải bàn thấu triệt cách tiên thiên bằng trở lại với quan niệm thời gian của Triết Tây. Lúc ấy chúng ta sẽ nhận thấy một hiện tượng kỳ lạ mà Neitzsche kêu là "hiện tượng hoán đổi giá trị": transmulation des valeurs. Nó đang diễn ra cách cụ thể bên nước ta như thế này. Tất cả các giá trị Tây Âu mà thế hệ đàn anh chúng ta đã ca ngợi thì nay đang sụp đổ cách thảm hại như ý hệ, danh-lý, sự phồn-thịnh của triết học (các trường phái tràn ngập)… Chúng ta nhận thấy những triết gia lớn của Tây Âu, một Neitzsche, một Heidegger đang giồn hết nỗ lực vào việc phá bình địa nền triết học cổ điển của họ. Tại sao vậy? Nếu muốn nói một cách thông thường là tại tất cả những cái hào nhoáng của triết học cổ điển ý hệ, danh lý, sự phồn thịnh (tức có rất nhiều trường phái) là do đặt sai nền tảng, tức nền tảng đã đặt trên cùng bình diện tai mắt như người dưới phố. Đó là bình diện lương tri ban ra cho con người xài đỡ trong khi chưa tìm ra lối vào tâm linh. Thế mà triết học lại xây đại nhân sinh quan trên đó. Vì thế không lạ chi ngày nay khi khoa học thực nghiệm tiến đến sát bờ cõi siêu hình như vi thể học thì mới nhận ra cái hỏng của triết cổ điển.
Thế là những cái hay đẹp mà thế hệ trước đã dựa vào để khinh bỉ tiền nhân thì chỉ là những giá trị giả tạo. Đó là cái lầm tiên thiên cộng với cái lầm hậu-cứ ở lại lẫn lộn Văn hoá với Văn minh.
Bây giờ đến lượt chúng ta phải kiến thiết lại tất cả tự đầu. Và vì thế chúng ta chú ý đến vấn đề tiên thiên mà phần nền tảng hơn hết là vấn đề Thời gian, nên đó là đối tượng quyển Chữ Thời. Sách gồm ba phần thì phần nhất bàn đến những sự đổ vỡ tưng bừng bên trời Tây. Cốt tuỷ của nó giồn vào sự quan niệm Chữ Thời cách sai lầm. Và sự sai lạc đó ở tại chỗ đã để cho không gian nuốt trôi thời gian, hay thời-gian bị không-gian-hoá cũng vậy. Heidegger gọi đó là "đánh mất nét gấp đôi" tứ c là một lối khác nói lên cái bệnh nhị nguyên: ở tại nhận một bỏ một, nhận không gian mà bỏ thời gian. Nói đúng hơn không phải chối bỏ thời gian nhưng là để cho thời-gian bị không-gian-hoá, điều đó còn tai hại hơn là thiếu thời gian vì nó làm cho người ta không nhìn nhận ra chỗ hỏng: cứ tưởng chỉ có thời gian mà thực ra chỉ là không-gian. Điều đó dẫn tới tai hại trầm trọng: nhận là thần cái không phải thần, nhận là siêu hình những cái có hình tích đầy đủ.
Như vậy là thiếu thần, thiếu siêu mà không hay biết nên không lo đi tìm thần linh, tìm siêu hình nữa. Nói theo Việt Nho là không lo Tuấn Triết, cũng gọi bóng là Tuấn Xuyên.
2. Lên tới ngọn cái con sông Đào
Đặng chữa bệnh nhị nguyên. Nhị nguyên là cái gì? Thưa là một thứ tâm bệnh làm cho con người mắc phải xem sự vật nào cũng đều có một cách tuyệt đối, tự lại, như một bản thể cô lập: nước là nước, lửa là lửa, hai bên riêng biệt hẳn, đến nỗi đối kháng tiêu diệt nhau, nghĩa là y như con người dưới phố xem kiểu thường nghiệm cũng thấy như vậy. Chính vì nhị nguyên mà triết học đã sai lầm hàng mấy chục thế kỷ không một ai mò ra.
Bạn sẽ hỏi thì xem như vậy đã là sao đâu. Mọi người đều xem như vậy và vẫn sống nhăn răng kia, như vậy đã gây nên tội vạ gì mà gọi là bệnh? Thưa tội vạ lắm lắm, nhưng nó rất tế vi không dễ gì nhận ra được. Số là ý niệm trên khi được dùng làm nền tảng cho quan niệm hữu vi, thì nó sẽ dẫn đến cá-nhân chủ nghĩa, coi mọi người là một thực thể riêng biệt, không có một mối liên hệ ngầm nào. Đó là lối nhìn đã đưa đến việc coi lân nhân như cừu nhân cần sát hại, hay bóc lột hoặc chinh phục. Ba cái nọc độc nói trên: kỳ thị, thực dân, cộng sản đều phát xuất từ cái nhìn một chiều đó chứ không phải truyện xa xôi chi cả.
Ngược lại khi đạt cái nhìn lưỡng nghi thí lúc ấy bất cứ sự việc chi cũng được coi như đầu mối của một thực thể lớn lao hơn nhiều mà Việt Nho kêu là Nhất Thể. Chính cái đó mới là bổn gốc còn những việc chống đối nhau như nước lửa, trời đất chỉ được kêu là lưỡng đoan, là hai đầu, hay là đối cực. Theo lối nhìn lưỡng nghi này thì nước lửa không còn là hai thực thể cô lập nhưng là lưỡng đoan, là hai đầu của cùng một thực thể và thực thể đó vô hình, và chính vì vô hình nên nó có thể hoà giải nối kết những đối cực. Vì thế gọi là CÁI-NỐI: Mysterium Conjunctionis, Lão Tử kêu là HUYỀN ĐỒNG. Cái nối ấy là chữ Nhân của Việt Nho. Trong Ngũ hành nó chiếm hành THỔ. Hành Thổ là hành vô hành, niệm vô niệm. Và phải là chỗ an trú của tâm hồn, gọi là "an thổ". Con người không được an kim, hay mộc, thuỷ, hoả, nhưng phải an thổ vì nó là "hành vô hành" nên mới trở thành nơi Hội Thông cho vạn vật và nơi hội thông đó phải tìm ở ngoài: ở nước hay lửa, ở kim hay mộc nhưng phải tìm ngay ở nơi lòng mình. Vì thế mà Việt Nho kêu là "KỲ TRUNG". Mọi tác động con người phải hướng vào kỳ trung, chứ không vào lưỡng đoan. Lưỡng đoan có được đếm kể tới chữ Nho kêu là chấp kỳ lưỡng đoan. Chấp đây không có nghĩa là chấp nhứt, mà là "chấp kỳ lưỡng đoan". Nhưng còn dụng thì phải đặt vào kỳ trung: "chấp kỳ lưỡng đoan, dụng kỳ trung ư dân" °° Nói ư dân là với nhà cai trị còn với người là ư nhân.
3 Muốn ăn sim chín
Dân là con người sống trong hàng ngang xã hội, nằm trong những mối nhân luân, trong đó có luân vua-tôi, nên vua phải nói dụng ư dân mà không ư nhân °°. Vì Nhân là con người xét trong liên hệ hàng dọc với trời đất "Nhân giả kỳ thiên địa chi đức". Nó là cái vòng trong đối với dân là vòng ngoài. Khi đi vào chiếu kích Nhân đến cùng thì sẽ gặp sim chín là Hoàng Cực (có 9 số gọi là cửu trù). Đấy là miền của "sinh sinh bất tức", đấy là cái đỉnh chót vót của nền Văn hoá nông nghiệp. Vì thế nó cũng dùng hai chữ căn bản của nông nghiệp mà gọi cái Nhân đó là Giá Sắc: Giá là gieo ra. Sắc là gặt vào.
Vì đây là nơi cùng cực nên giá sắc không còn hiểu ở đợt hiện tượng, nhưng phải hiểu đến đợt sinh sinh bất tức. Đó là hai vòng trời đất làm nên con sông Tương căn để. Giữa trong và đục. Giữa giá và sắc. Giữa sinh và diệt.
Nơi mà Diệt cũng cần bằng Sinh. Không diệt thì Sinh cũng hết. Nên Sinh vừa ló dạng thì Diệt chụp ngay để Sinh có thể sinh nữa. Trong một khoảnh khắc có cả tỷ lần sinh diệt, có cả tỷ lần giá sắc. Cả Giá cả Sắc, cả Sinh cả Diệt chảy miết như hai dòng bất tận. Vì thế mà ngạn ngữ Việt Nho mới nói là Sông Tương nước chảy hai chiều thì hai chiều ở đây phải hiểu là hai dòng sinh diệt căn để. Không thể đào sâu hơn được nữa. Có đạt sâu như thế mới gọi là sông Tương. Muốn đạt thì phải lên ngọn cái con sông Đào, cũng là đào sông, Việt Nho kêu là Tuấn Xuyên. Tuấn Xuyên là Tuấn Triết. Ông Cổn đắp đê là để dừng lại đợt ý-hệ nhị-nguyên thường nghiệm. Ông Vũ biết đào sông là vượt qua thường nghiệm để đạt tâm linh. Vì thế mà được Cửu trù cũng gọi là Hồng Phạm. Sách nói rằng ông Vũ biết tuấn xuyên nên trời động lòng liền ban cho một giỏ sim chín mọng gọi là cửu trù:
"Thiên nãi tích Vũ Hồng Phạm cửu trù".
Vì ông đã ăn sim chín mọng vào rồi thì liền trở nên thông minh duệ trí, xem thấu đến tận căn cơ gọi là cách vật. Đấy là chốn sơ đầu, với cái nhìn khác hẳn lúc còn bám sát trần ai. Bên này thấy Hữu sinh ư hữu. Bên kia lại thấy Hữu sinh ư vô. Nhưng đấy mới là Cái Hữu Căn Để. Cái Hữu trào vọt, dùng hoài không hết. Đấy mới là cái hữu tràn đầy biến dịch: tự sinh tới diệt tự hữu tới vô. Và chính vì thế mà nó mới là Thời-Tính. Và chính ở đợt này tâm trạng con người mới đạt tới cái Cơ: Cái "Động Chi Vi" tức là chỗ nào không biết đào sâu tới đó thì đánh mất Chữ Thời. Nói theo Heidegger đó mới là chỗ mà Thời-Tính khởi đầu thời-gian-hoá bằng biến dịch. Tác động biến dịch đầu tiên gọi là sinh sinh. Đó là đợt phải có mắt tâm linh của hiền triết để "Cách vật" tức là thể nghiệm mới thấy. Còn nếu chỉ nhìn với mắt, dù là mắt lý trí đi nữa thì chỉ là một Hữu thể nối dài. Không có Vô thể cắt giữa. Nhìn mà toàn thấy có Hữu thể không thấy đặng vô thể thì đó gọi là con sông "Lục đầu sáu khúc nước chảy một chiều anh ơi!". Anh uống vào thì sẽ đau bụng "lục cựa" kinh niên. Đó là hậu quả của bệnh nhị nguyên. Chữ Nguyên có nghĩa là đầu, là cái gì cùng cực không thể giản lược được (irréductible) tức không đẩy xa hơn. Nếu vậy mà nhị nguyên thì tức là nhận có hai đầu, hai chủ làm sao chịu nhau. Nên cuối cùng là nhận một bỏ một. Đó là nguồn suối mọi mâu thuẫn cũng như mọi tranh đấu ý hệ trong Văn hoá Tây Âu.
4. Những con số biết định phận
Nói đến nhị nguyên là nói đến con số: số hai. Cũng như sẽ nói tới các con số khác. Và những con số đó có một cương vị rõ rệt trong Ngũ hành. Mà Ngũ Hành là cơ cấu của Việt Nho. Nói đến cơ cấu là nói đến cái gì giáp ranh với tiềm thức cộng thông. Vì thế không còn là những suy luận suông, nhưng là những con số biết định phận, biết nói tiên tri về định mệnh của những người theo nó đến độ có thể xem sự hiện diện của những loại số nào mà đoán ra được định mệnh của một nền Văn hoá. Vì thế mà cần cứu xét đắn đo những con số trong ngũ hành.
Theo Ngũ hành thì hai số Đông Nam là: 3-2
Hai số Tây Bắc là: 4-1.
Căn cứ vào tính chất các số (số lẻ chỉ trời, tinh thần, nên cũng gọi là Số Hoá. Số chẵn chỉ đất, cũng gọi là số phá). Bởi vì trời ba mà đất có hai: "Tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số". Còn Văn hóa Tây Bắc thì đất 4 mà trời 1 nên hướng sức mạnh, về lượng số theo câu nhận xét:"Thiên bất túc tây bắc, địa bất mãn đông nam".
Xét về địa đông nam thua 2 (4 -2=2)
Xét về trời thì tây bắc thua 2 (3 -1=2).
Như trên đã nói đó là những con "số phận": nombres faditiques, tức là những con số biết định phận. Vì thế mà số 3 -2 sẽ dẫn đến những số cùng loại là 5 -9
Còn số 4 - 1 sẽ dẫn đến 7 - 8
Nếu vậy không phải truyện ngẫu nhiên mà hai thần căn bổn của Hi lạp là DIONYSOS và APOLLON chia li, mà cốt là để nổi bật lên con số 2, một con số sẽ đè nặng lên nền triết học Tây Âu như một nhát cắt đôi dầy máu rỉ. Số hai sẽ dẫn tới số 4. Số 4 cũng là con số chủ chốt của Tây Âu đến độ Thần Minh cũng thường được biểu thị bằng số 4.
Rồi đến cơ cấu Ngũ hành thì ta cũng thấy Tây Âu xài mạnh tứ hành. Đôi khi có dùng ngũ hành như Arirtote nhưng Hành năm lại bằng Ether cùng một bình diện như bốn hành kia nên không khác gì với bốn hành thì đó chỉ là con đường Cộng Công tất sẽ "súc bất chu chi sơn". Không may đó lại là điều đã lặn sâu vào tiềm thức người Tây Âu, nên nay khoa Phân tâm nhận thấy các người mắc kinh bệnh hay thấy hình vuông (xem JUNG)… Đến nay Heidegger cũng trình bày cuộc chơi vũ trụ không bằng "tam tài" hay "ngũ hành" mà bằng tứ trụ! Có lẽ vì vậy mà văn hoá Tây Âu không ưa số lẻ. Số 7 tuy có xuất hiện nhiều lần nhưng Việt nho cho đó là số nam vì số 3 phải đội số 4.
Ngược lại thì Văn hoá Viễn Đông vận hành qua các số lẻ 3 -5 - 9
Số ba thì đi với tam tài - Tam Miêu
Thắp ba nén hương, _ Đặt ba bàn thờ…
Còn Ngũ hành là Thập tự nhai là Ngũ lĩnh là ngũ cốc.
Số 9 là chính số 3 đẩy đến cùng nói lên chỗ cùng cực của đường tiến, nên gọi là "Hoàng Cực". Cực là không đi xa hơn được nữa. Bàn Cổ nhất nhật cửu biến nên đưa đến Cửu Lê, Cửu Trù, Cửu Đỉnh, Cửu Giang, Cửu Long.
5. Dị biệt căn bản giữa hai dòng số
Sự khác đó ở chỗ bên số lẻ 3 - 5 - 9 nói lên cái nối giữa 2 - 4 - 8, còn bên chẵn (2, 4 - 7, 8) thì không. Thoạt nghe không thấy nét đặc trưng hiện lên rõ, nhưng xét sâu mới hay rằng rặng số lẻ là một tác động họa hiếm vì nó vận hành với số ZERO. Sở dĩ triết La Hi không vươn tới những số kim tự tháp hay ba chiều (nombres pyramidaux et cubiques. Xem lịch sử triết Tây. Lê Tôn Nghiêm tr. 103) là vì không tìm ra số ZERO. Chính tại đó nên tỏ ra rất ái ngại trước những gì gọi là VÔ. Triết Tây gọi là thiếu phần VÔ, hay nói đúng hơn chỉ có lẻ tẻ đôi người chủ trương vô, nhưng không được truy nhận để trở nên một nét căn bổn (Xem định hướng Văn Học, trang 156 …). Chính vì thế mà triết Tây thiếu mối cầu bắc vào cõi vô, cõi Tâm Linh.
Văn Hoá Ấn Độ trái lại đã có công khám phá ra con Zero, do đó một đàng đẩy toán học đi thật xa, đàng khác hướng triết mạnh vào Vô. Triết Ấn vận hànhhh trong Vô Vô, Neti Neti, Thái Hư, Sunyata… Không không, đại không. Có thể lấy Vô làm nét đặc trưng đến độ không còn tỏa ra phía những con số chẵn biểu thị cho hiện-tượng.
Nhìn lại cơ cấu Việt Nho đã được trình bày ở phần II ta thấy nó vận hành hoàn toàn trong số lẻ xuyên qua cả 5 chương.
3 = Tam Tài, 5 = Ngũ hành, 9 = Cửu trù.
Đấy là phần căn bổn nhất và đồng thời cũng nói lên nét đặc trưng căn bản hơn hết. Ta hãy nhìn trở lại sẽ thấy rằng khi còn trong phần I thì 2 nền Triết Tây Đông đối chiếu. Nhưng khi đến cuối phần I thì triết Tây Âu hầu như đóng trại lại tại đấy mà không chịu đi thêm nữa. Nói khác triết Tây không sang nổi được sông Tương để múa những vũ điệu Tam tài, Ngũ hành, Hoàng cực, nhưng ngồi lại bên này vày vò những số chẵn của bố, không biết đến rặng số lẻ của Mẹ là 9, 5, 3.
Số 9 vì là nam thất nữ cửu
Số 5 được bồng trong tay Nữ-Oa
Số 3 đi với số 2 là số căn bản nói lên nét nối rõ rệt: ba trời hai đất: nghĩa là có cả đất cả trời, cả ngoài cả trong. Ngạn ngữ rằng:
"Còn mẹ ăn cơn với cá,
Mất mẹ liếm lá gặm xương".
Có phải vì đấy mà triết cổ điển vận hành trong những ý-niệm ướp khô như xương (Idées - Momies, tiếng của Nietzche), và triết Việt còn được cái Nối. Vì thế ta hiểu được liều lượng của tâm cảnh. Nếu lấy trời làm Tâm. Đất làm Cảnh.
Thì phải lấy tâm trùm cảnh
Không thể lấy cảnh trùm tâm
Vì khi cảnh trùm tâm như số 4 - 1, đất quá nặng không cho tiến lên được tới số Mẹ là số 9 Hoàng Cực. Bởi vậy Văn minh Mẹ cố tìm cách dẹp các số chẵn xuống. Số 2 chỉ dùng làm bàn đạp để lên. Còn số 6 và 8 thì luôn luôn bị đề phòng:
Số 6 cho là lục cực. Số 8 là bát quái.
Hẳn một đầu óc Việt Nho tinh nghịch nào đó đã đọc chữ là quái để đồng hoá với ác quái, quái gở. Cũng một lối chơi kẻ xâm lăng như người mà Hoàng Đế trao cho việc sửa lịch gọi là Đại Nạo °°, có nghĩa là đại náo khung trời Việt Nho vốn vận hành theo số lẻ, nay bị những thử thách phá rối bằng số chẵn của Hán Nho. Bởi Hán tộc có tính chất du mục nên cũng vận hành theo số chẵn, số của vũ trụ khách quan đi theo đường 2, 4, 6, 8.
lưỡng nghi sinh tứ tượng
tứ tượng sinh bát quái.
Bát quái lẽ ra phải là bát khải, bát khuê °° (thứ ngọc trong trên nhọn dưới vuông để chỉ cái "kỳ trung" của nội ngã tâm linh), nhưng khi đi với bốc-phệ thì nó hoá ra quái đản tai dị… che lấp mất tình người phát ra tự Trung Cung không cho vươn lên tới Cái Nối thường nằm khuất trong các số lẻ. Chính vì thế mà bao đời Kinh Dịch đã sa đọa ra cái mà Wilhelm gọi là "sự lừa gạt" (hocus pocus) làm ứ đọng tất cả mọi bước tiến đã có thời mở ra rất huy hoàng, thí dụ Nhạc là biểu tượng Cái Nối (Mysterium conjunctionis) thì đã không tiến được bước nào trong 5 ngàn năm, mà nhiều khi còn bị cấm đoán, và đánh mất luôn Kinh Nhạc. Và vì thế đôi ngọc Long Toại chỉ còn tàng ẩn ở phương Nam và hàm ngụ trong những trang huyền sử Việt như trong hình ảnh Trọng Thuỷ ôm xác Mị Châu nằm sâu trong Việt-tỉnh-cương là chính cái khung Lạc Thư, sách của Mẹ, của dân Lạc Việt. Nhưng dù sao thì ta còn có thể theo dấu lông Chim do Mị Châu trải trên đường tìm về Thái Thất được trình bày trong phần III. Đó là con đường ẩn ẩn, hiện hiện hàm ngụ trong Qui lịch. Trong Sử mệnh. Trong lối sống.
Tất cả đều gắn liền với số lẻ là những số đầy ắp tình người. Trong Tam tài thì có tài Nhân. Ngũ hành nằm gọn trong tay Nữ-Oa nghi mẫu. Còn Cửu trù là cửu đỉnh của Cửu Lê. Tất cả đều nói lên con đường trở về từ 9 tới 1 như đã từ 1 đi ra tới 8. Muốn trở lại phải lần từ 9 để rồi trở lại với 1. Vì đường vũ trụ trở ra từ 1 tới 8 (bát quái).
Đường con người trở lại từ 9 tới 1. (Bàn Cổ nhất nhật cửu biến). Và như thế thì những số không còn là số suông mà là số phận, tức là những con số nói lên cái phận, cái sứ mạng của nền triết lý Đông Nam, một nền triết lý nông nghiệp vĩ đại nhất. Vì thế xin kết triệt bằng một tác động tiêu biểu của chế tịch điền ghi trong nguyệt lệnh. Theo đó ta thấy mối liên hệ ăn ngầm ở trong 3 luống cày của vua (Tam Tài), 5 luống của tam công (Ngũ hành) và chín (9) luống của cửu khanh và chư hầu (thiên tử tam thôi, tam công ngũ thôi, Khanh, chư hầu cửu thôi… ) °°. Sở dĩ trọng thể hoá việc tịch điền là cốt để cầu mùa và thường thì chỉ được hiểu có tới đấy nhưng thực ra đó là những tác động biểu tượng nền văn hoá nông nghiệp đi theo nguyên lý Mẹ với các con số lẻ 3,5,9. Tất cả đều nhắm vào Trung Cung hành thổ cần được vun tưới. Việc đó được hiện thực bằng sự vun xới tâm linh như câu " Thánh nhân lấy tình người làm ruộng" phải trông nom, và trên nữa còn nghĩa siêu hình ẩn trong các số 3,5,9 luống cày, như phần nào phản chiếu trong Kinh Lễ, chương Lễ Vận (Couvreur p.522) nói rằng: "Bởi thế khi bậc thánh triết lập luật thì đã lấy thiên hạ làm nền móng, lấy âm dương làm hai nguyên tố cấu tạo sự vật làm mối khởi đầu, lấy bốn mùa làm bánh lái, lấy mặt trời và trăng sao làm nhân tố chỉ thời giờ, lấy ngũ hành làm vật chất (rất biến dịch), lấy lễ nghĩa làm khí cụ, lấy tâm tình của con người làm ruộng phải trông nom vun tưới".
Đó là đại để nền triết lý thâm sâu của Âu Cơ tuý gồm ba con số lẻ 3,5,9.
Ba là Tam Tài đặt con người lên địa vị ngang cùng trời đất.
Cửu là cùng cực của Tam, nói lên cái "Đạo vật chí cực" tức là làm nên việc hoàn bị nhất, một việc đặt trọn vẹn vào tác động nên có thể đạt được.
Vì thế nếu căn cứ vào những thành tích lớn lao trong việc giải phóng con người thì ta có thể không sợ bị tiếng vu vơ khi nói đây là một nền triết học sâu xa nhất và dầu sao thì cũng ơn ích cho con người nhiều nhất.

_________HẾT_________

Ký hiệu một số tác-phẩm trưng trong sách.
Calendier: Le Calendrier par Paul Couderc P.U.F. 1948
Du temps: Du Temps et de l'Eternité par Louis Lavells. Aubier 1945
Đại cương: Đại cương triết học Trung Quốc. Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê.
Espace: La poétique de l'espace"
I Ching: The I-Ching, book of Changes by Richard Wilhem.
Kinh thư: Bản văn theo số trong Couvreur. Ed. lettres. etc…
Mesure: La mesure du temps par Jean Grenier P.U.F 1958