Về chuyến công du của đoàn sứ Phan Thanh Giản 1. Những hoạt động của chính quyền thuộc địa La Grandière trong khi phái đoàn sứ Đại Nam đang ở Paris: Sau khi đoàn sứ Phan Thanh Giản lên đường sang Pháp, đề đốc La Grandière, không đếm xỉa gì đến tin đồn là đạo quân viễn chinh của Pháp sẽ rút khỏi các vùng đã chiếm được ở Nam Kỳ, cứ vẫn tiếp tục chương trình tổ chức và củng cố guồng máy thuộc địa non trẻ của ông ta: ra lệnh truy lùng đầu lĩnh kháng chiến Quản Định được hoàng đế Tự Đức yểm trợ và cổ xúy, ứng trước, cung cấp tài chánh và những sự yểm trợ cần thiết cho các cư dân trong các vùng do quân xâm lược Pháp kiểm soát, thực hiện nhiều công trình xây dựng cơ sở quan trọng ở vùng Sài Gòn Mới và Sài Gòn Cũ (tức Chợ Lớn này nay), kích thích sáng kiến trong giới tư nhân. Ngày 28 tháng 11 dl năm 1864, tất cả việc làm của La Grandière đã được chính phủ Pháp chuẩn phê ngầm bằng cách phong cho ông ta chức vụ Thống đốc Nam Kỳ Hạ (Basse Cochinchine) để thay thế đô đốc Bonard. Trong khi các viên chức chính quyền của triều đình Pháp ở Paris tiếp tục bàn cãi về vấn đề tái nghị hoà ước Nhâm Tuất thì vào tháng 12 dl 1864 đoàn sứ Đại Nam lên đường sang Tây Ban Nha trên tàu Terceira của Tây Ban Nha. Trong khi còn lênh đênh trên vùng biển Địa Trung Hải thì có cơn bảo biển lớn nhận chìm một tàu khác; sau 15 ngày chưa tới bến, thì có tin đồn là tàu chở đoàn sứ đi Tây Ban Nha cũng bị nhận chìm trong cơn bảo biển đó và tin đồn nầy cũng được loan truyền ở Sài Gòn nhưng chỉ được tiếp nhận bằng một thái độ thờ ơ vì cho rằng đó chỉ là một thủ đoạn của triều đình Đại Nam nhằm mục đích kéo dài thêm thời gian hiệu lực chấp hành hoà ước Nhâm Tuất đã được hai bên phê chuẩn. Thực tế thì tàu Terceira cũng bị cơn bảo làm hư hại nhưng may mắn không bị nhận chìm giữa biển và đã tới được hải cảng Naples. Gần một tháng sau tin tức về tàu chở đoàn sứ Phan Thanh Giản đã đến thủ đô Madrid/ Tây Ban Nha mới được đưa tới Sài Gòn. Dự thảo một hòa ước hiệu chỉnh với Đại Nam cùng với hoà ước Pháp-Cao Miên đã được chính phủ Pháp giao cho đại tá Aubaret tân lãnh sự của chính phủ Pháp ở Bangkok (Thái Lan) và ở Huế. Aubaret được bộ ngoại giao Pháp ủy nhiệm toàn quyền thương thảo với triều đình Huế về những yêu cầu do đoàn sứ Phan Thanh Giản nêu ra. Aubaret rời nước Pháp lên đương nhận chức vụ lãnh sự vào tháng 1 dl năm 1864 và dự trù là sẽ đến Sài Gòn vào khoảng tháng 2 dl năm 1864 nhưng vì tàu bị trục trặc cho nên ông ta phải sang Thái Lan trước để trao ủy nhiệm thơ của hoàng đế Pháp cho vua Thái Lan đồng thời cũng gởi sang Sài Gòn hiệp ước bảo hộ Cao Miên ký kết ngày 11 tháng 8 dl năm 1863 đã được Napoléon III phê chuẩn. Nhóm chính quyền thuộc địa của La Grandière ở Sài Gòn bất mãn về việc chính phủ Pháp chỉ định Aubaret vào nhiệm vụ thương thảo với triều đình Huế để sửa đổi hoà ước Nhâm Tuất (1862). Tuy nhiên, lợi dụng thời gian Aubaret chưa đến Sài Gòn, La Grandière đã thực hiện những cơ sở cần thiết cho bước đầu thực hiện chính sách thuộc địa của người Pháp trên đất nước Đại Nam. Trong khi đó thì phái đoàn sứ Phan Thanh Giản từ Tây Ban Nha đáp tàu Lepanto, đến cảng Alexandrie (Ai Cập) Trung Đông vào ngày 23 tháng 1 dl năm 1864, một tuần lễ sau đó vào kênh đào Suez ngày 30 tháng 1 dl năm 1864, đáp tàu Japon để về Sài Gòn (tàu Japon đã đợi phái đoàn ở kinh Suez từ hai tháng rưởi trước đó tức là tàu nầy đã ở bến cảng kênh đào Suez từ 18 tháng 11 dl năm 1863: tài liệu đăng trên tập san BAHV 1-3/1926 trang 75 viết 18 tháng 11dl năm 1864 là sai). Phái đoàn về đến Sài Gòn ngày 18 tháng 3 dl năm 1864. Đi theo phái đoàn về Sài Gòn còn có phó hạm trưởng Boresse của Pháp được cử làm thanh tra sự vụ người bản xứ. Tất cả đều được thống đốc La Grandière và các người Pháp ở Sài Gòn tiếp đón trọng thể và dù có bất mãn lo âu nhưng họ đã có thái độ kính trọng và khâm phục một cách đặc biệt đối với ông Phan Thanh Giản vì cung cách dấn thân phục vụ của ông cho đất nước Đại Nam. Tờ báo Le Courier de Saigon (số ra ngày 22 tháng 3 dl năm 1864) đã viết nhiều đề mục ca tụng phái đoàn sứ Đại Nam và mô tả lại những buổi tiệc khoản đãi, những cuộc du ngoạn thăm viếng của phái đoàn quanh vùng Sài Gòn-Chợ Lớn đang đổi mới. Tờ báo có đoạn viết: «Le lendemain (20 tháng 3 dl năm 1864), ils sont allés à Cholon: ils ont visité les ponts, les travaux considérables entrepris pour la rectification des quais et des rues de ce vaste quartier. «Ils étaient tous trois à pied, accompagnés de deux officiers français ; ils n’avaient pas le moindre parasol (comme insigne de leur dignité), et quand ils se sont trouvés au soleil, ils ont daigné s’abriter sous un modeste parapluie! Une foule nombreuse s’était assemblée autour d’eux et n’a point paru scandalisée de cette dérogation à l’ancienne étiquette... » (BAVH 1-3/ 1926; trang 76). (tạm dịch: Ngày hôm sau, phái đoàn vào Chợ Lớn: họ đi xem các cầu cống, các công trình quy mô chỉnh trang các bến cảng và các đường phố của khu vực rộng lớn nầy. Ba vị đại sứ đi bộ với hai quan chức người Pháp hộ tống, họ không có lọng che (lọng che là một hình thức biểu hiệu uy quyền của họ) và khi đi ngoài trời họ không ngần ngại trú nắng dưới những cái dù che bình thường đơn sơ. Một đám đông dân chúng bao quanh phái đoàn nhưng không có ai tỏ dấu hiệu la chộ vì hình ảnh giảm cấp quyền uy nầy.) Ngày 24 tháng 3 dl năm 1864, đoàn sứ Phan Thanh Giản đáp tàu Écho trở về và đến Huế vào ngày 28 tháng 3 dl năm 1864. 2. Hoạt động của lãnh sự Aubaret Aubaret đến Sài Gòn vào ngày 21 tháng 5 dl năm 1864 nhưng chỉ được tiếp đón một cách một cách lạnh nhạt do đó ông ta đã vội vàng lên tàu D' Entrecasteaux để đi và tới cảng Thuận An vào ngày 14 tháng 6 dl năm 1864, được Phan Thanh Giản đón tiếp theo nghi lễ ngoại giao và được hoàng đế Tự Đức tiếp kiến vào ngày 16 tháng 1 dl năm 1864 (theo BAVH đã dẫn. Tuy nhiên theo tác giả A. Schreiner ghi trong sách Abrégé de l' Histoire d' Annam thì Aubaret tới Huế ngày 16 tháng 1 dl năm 1864 và được hoàng đế Tự Đức tiếp kiến ngày 22 tháng 1 dl năm 1864). Aubaret được Tự Đức đối đãi rất trân trọng và thân thiện. Sau đó là cuộc bàn thảo và thương lượng giữa Aubaret và Phan Thanh Giản. Hoà ước mới được Aubaret cùng với phái đoàn Phan Thanh Giản ký kết và trao đổi vào ngày 15 tháng 7 dl 1864 nhưng hội đồng nội các chính phủ Pháp ở Paris đã không chuẩn phê hòa ước nầy. Ngày 29 tháng 1 dl năm 1865, thống đốc La Grandière được chính phủ Pháp thông báo dứt khoát không chấp nhận để triều đình Đại Nam chuộc lại 3 tỉnh đã mất. La Grandière cho triều đình Huế biết quyết định không phê chuẩn của chính phủ Pháp. Như thế có nghĩa là hoà ước Nhâm Tuất (1862) vẫn còn tồn tại và có hiệu lực chấp hành. ° Rõ ràng là Tự Đức và các triều thần thủ cựu, chậm tiến, ù lì ở Huế đã làm đình trệ việc lấy lại các vùng lãnh thổ ở Nam Kỳ đã bị quân xâm lược Pháp đánh chiếm. Trọng tâm của Tự Đức là chuộc lại 3 tỉnh bằng bất cứ giá nào không phải vì các vùng đó có những nguồn lợi phong túc quý báu cho nhân dân miền Nam nhưng vì các vùng đó có những mối ràng buộc tình cảm riêng tư với hoàng tộc nhà Nguyễn (mẹ sinh của Tự Đức là người Gia Định). Khi gởi phái đoàn Phan Thanh Giản sang Paris, công tác chính của Tự Đức giao cho phái đoàn là tìm mọi cách để chuộc lại 3 tỉnh bị mất nhưng lại tiếc tiền bồi thường chiến tranh, tiền từ kho bạc của nhà vua dù là tiền bạc tích lũy được bằng cách thu tóm từ mồ hôi và công lao của dân chúng. Thái độ thiếu hiểu biết được đàng đầu nắm đàng cán, được voi đòi tiên của Tự Đức khiến cho người Pháp bực bội chán nản. Aubaret có lúc đã đề nghị chấm dứt cuộc thương thuyết. Người Pháp đã hớn hở vui mừng cho rằng chính những trò cãi bướng cố lì kéo dài thời gian của triều đình Huế để chờ sự chán nản buông trôi của người Pháp đã giúp cho chính sách thuộc địa non trẻ của họ tại Nam kỳ tiếp tục tồn tại. Tác giả A.Delvaux trong bài viết L'Ambassade de Phan Thanh Giản en 1863 d'après les documents français đã không ngần ngại mà viết ra rằng tác giả thành khẩn ca ngợi những nhà đại ái quốc đã biết cách bảo tồn và phát triển nền đế quốc thuộc địa của nước Pháp tại Viễn Đông: "En terminant ce modeste travail, je ne puis m' empêcher de rendre mes humbles hommages aux grands patriotes qui ont su maintenir et faire prospérer notre jeune empire français d' Extrême-Orient." (tạm dịch: "Để kết thúc công trình sưu khảo nầy, tôi không thể nào tự đè nén để ca ngợi những nhà đại ái quốc đã biết cách bảo tồn và phát triển nền đế quốc son trẻ của nước Pháp chúng ta ở Viễn Đông" (BAVH 1-3/ 1926, trang 80).